Thắp sáng

Sư cô Chân Chuẩn Nghiêm

Nhớ ngày đầu tiên cầm trên tay cuốn Bước tới thảnh thơi, con đã đọc say mê. Con đọc hết cả cuốn trong vòng một vài ngày. Tâm con lúc ấy như mảnh đất khô cằn được gặp nước cam lồ. Ban đầu, con nghe quý sư cô nói rằng ai mới vô mà muốn xin tập sự xuất gia thì cũng phải đọc, học cuốn này trước. Mới nghe vậy con cũng sợ, cứ nghĩ là một cái gì đó khó lắm, không biết con có học được không. Nhưng khi đọc sách rồi, con mới thấy rằng điều mình tưởng chỉ là tri giác, mà tri giác thường hay sai lầm. Sư Ông cũng đã dạy như thế.

Phần mà con rất thích là những bài thi kệ dùng để thực tập. Thi kệ là những vần thơ, nhờ vậy mà con dễ nhớ. Con không ngờ rằng đi tu mà lại được học thuộc thơ nhiều đến thế. Con nhớ hồi còn nhỏ, khi ấy chưa có điện nên anh chị em chúng con phải học bằng đèn dầu. Mỗi buổi tối, trước giờ ăn chiều, con phải nhớ lau bóng đèn để sau ăn chiều thắp đèn lên học thì đèn sẽ rất sáng, không bị mờ. Nhưng hồi đó con chỉ biết thắp đèn lên thôi mà chưa biết đọc thơ hay tự sáng tác thơ trong khi làm. Bây giờ, có thi kệ rồi, con rất hạnh phúc vì trong khi làm việc mà lại còn được đọc thơ. Mỗi khi thắp lên một ngọn nến, dù ở đâu, trong phòng học hay trên bàn thờ Bụt con đã có bài kệ Đốt nến:

Thắp lên một ngọn đèn

Cúng dường vô lượng Bụt

Một tâm niệm an lành

Làm rạng ngời mặt đất.

Từng từ, từng chữ trong bài thi kệ sao mà hay quá. Câu” Một tâm niệm an lành” nhắc nhở con rất nhiều. Con dừng lại được những suy nghĩ không dễ thương, những tâm niệm đang đưa con đi về hướng tiêu cực. Con gửi năng lượng thương yêu, tha thứ cho những huynh đệ xung quanh con đang gặp khó khăn, đang không hạnh phúc. Con không biết là suy nghĩ đó của con có giúp Làm rạng ngời mặt đất hay không nhưng trước hết thì đã giúp làm nhẹ nhàng thân tâm con rất nhiều rồi.

 

 

Mùa an cư này, vì Học viện tiến hành sửa chữa Đại Bi tự (ni xá) nên chị em chúng con phải chuyển sang ở tận lầu ba của tòa nhà lớn, tức là Viện Vô Ưu (xóm quý thầy – nếu tính cả đại sảnh thì là lầu bốn). Ban đầu chưa quen, mỗi khi nghĩ đến chuyện đi lại con đã thấy mỏi chân. Từ phòng ở xuống đến nhà ăn, con có cơ hội được thực tập rất sâu sắc bài kệ Lên xuống cầu thang vì có tổng cộng 82 bậc cấp. Mỗi khi về phòng con đi rất thong thả, nếu thấy mệt thì dừng lại để thở và nghĩ đến Thầy. Con ý thức rằng nếu thở cho giỏi, cho sâu sắc con sẽ thấy Thầy ngay. Năng lượng của Thầy đã giúp con rất nhiều. Con đi thong thả vì đúng là không có gì cần gấp gáp, vội vàng. Bài thi kệ đã nhắc nhở con rằng nếu bước chân của con mà còn nghe tiếng lộp cộp thì biết là lòng con chưa có an. Vậy thì cái gì khiến lòng con chưa an khi con không có gì cần phải lo lắng? Con chỉ cần làm tròn bổn phận của con thôi là con đã giúp đại chúng rất nhiều rồi. Nghĩ và thấy như thế lòng con nhẹ nhõm lạ thường. Con thưởng thức từng bước chân khi lên xuống cầu thang:

Lên hay xuống cầu thang

Bước chân thường nhẹ nhàng

Nếu nghe tiếng lộp cộp

Là biết lòng chưa an.

Con nhớ hồi còn nhỏ, con cũng thường hay tị nạnh với chị gái hay em trai về việc rửa bát sau mỗi bữa cơm. Chị em nạnh nhau, nhất định không làm hơn, phải công bằng. Chính vì phải công bằng nên nhiều khi hai chị em đuổi nhau chạy dọc cánh đồng. Rồi cũng có khi lấy gậy đập nhau sứt đầu mẻ trán. Giờ nghĩ lại thấy mình hồi đó sao mà con nít thế. Dù có đánh nhau như vậy nhưng mà thấy bố hay mẹ về là hai chị em làm như không có chuyện gì xảy ra, chỉ còn nguýt nhau thôi. Đúng là tuổi thơ, “hồn nhiên vô số tội”. Bây giờ, nếu có phải rửa bát thì con rửa bao nhiêu cũng được vì đã có ba bài thi kệ Rửa bát:

Rửa Bát (1)

Rửa bát trong tích môn

Ta rửa bát ngàn đời

Bát dơ rồi bát sạch

Đều trên đường rong chơi.

 

Rửa Bát (2)

Rửa bát trong tích môn

Ta nhìn ta mỉm cười

Ta làm chi đó vậy

Kìa nụ hồng đang tươi.

 

Rửa Bát (3)

Rửa bát nơi tích môn

Chồng lên ba vạn cái

Nhìn qua cửa bản môn

Bát rửa hoài không ngại.

Ngày về thăm nhà, sau bữa ăn, em trai con đã giành rửa bát. Em con nói: “Chị để em rửa cho vì nhà ăn mặn, chị ăn chay”. Lúc ấy, thực sự hai hàng nước mắt con đã tuôn trào nhưng con đã đi chỗ khác để không cho em trai thấy con đã khóc.

Cũng nhờ như thế mà bây giờ đây, trong gia đình tâm linh, con thương được các sư em, sư anh, sư chị. Con thương sư em như thương em trai, em gái của mình; thương sư anh, sư chị như thương anh trai, chị gái của mình. Con gọi hai tiếng sư cha rất dễ dàng vì con thấy hình ảnh bố con trong sư cha – một người cha tận tụy lo cho các con. Tuổi thơ con đã đi qua, chẳng bao giờ trở lại nhưng nhờ tuổi thơ với những giận hờn con nít mà con thương được những vụng về của các sư em.

Sư Ông đã dạy rằng con là sự tiếp nối của bố mẹ. Và con thấy con tiếp nối bố con 100%. Bố con nóng tính sao là con y như thế. Nhưng nhờ sống trong đại chúng, một đoàn thể mà ai cũng hiền, ai cũng có thực tập nên tính nóng nảy của con từ từ được chuyển hóa. Con bình tĩnh được trước mọi vấn đề. Mỗi khi có chuyện gì đó không ổn, con từ từ tìm hiểu nguyên nhân.

Ba bài thi kệ Giận giúp con ngay từ những ngày đầu mới vô tu viện:

Giận (1)

Cái giận làm tôi xấu

Biết vậy tôi mỉm cười

Quay về thủ hộ ý

Từ quán không buông lơi.

 

Giận (2)

Giận nhau trong tích môn

Thở nhìn bản môn cười

Trò ghét thương đắp đổi

Sông nước cứ đầy vơi.

 

Giận (3)

Giận nhau trong tích môn

Nhắm mắt nhìn mai sau

Trong ba trăm năm nữa

Người đâu và ta đâu?

Dòng chảy của tăng thân vẫn trôi đều đều. Có người đi vô thì cũng có người đi ra, như sông nước cứ vơi rồi lại đầy. Ngẫm lại mình, con thấy con như một hạt nước nhỏ trong tăng thân. Nếu con có vì giận đại chúng, hay giận một ai đó mà bỏ đại chúng ra đi thì phần thiệt vẫn là con, còn dòng sông tăng thân vẫn chảy. Đại chúng đông và trung tâm của Làng Mai có mặt ở nhiều nơi trên thế giới nên có khi người đó đang ở đây với mình nhưng khi vị đó đổi chúng thì chẳng biết đến khi nào con mới được gặp lại. Nghĩ và thấy như thế, tự nhiên con hết giận và thương được người anh chị em của mình, mặc dù người đó có khi còn những vụng về, thiếu sót.

Truyện Chiếc áo mà Sư Ông viết trong cuốn Tình người, bất cứ khi nào đọc lại, trong con cũng dâng lên một cảm xúc thật thiêng liêng. Con cảm ơn Sư Ông đã cho chúng con được tắm mát trong biển tình thương của tình thầy trò của Sư Ông. Con nguyện sẽ tu học tinh chuyên, để đền đáp được phần nào công ơn của Sư Ông, của tăng thân. Sự nghiệp mà Sư Ông để lại cùng đường đi đã rất rõ ràng, con chỉ cần đi cùng tăng thân thôi. Vẫn biết rằng sự thực tập của con còn nhiều yếu kém nhưng con sẽ cố gắng từng chút một. Con nguyện góp một phần nhỏ vào sự nghiệp của tăng thân, để giúp làm cho cuộc đời lành lặn lại, như bài thi kệ Khâu áo đã nói lên rất rõ:

Khâu áo chốn tích môn

Cho đời lành lặn lại

Mũi kim sợi chỉ này

Là công phu gặt hái.

Những bài thi kệ còn rất nhiều mà lời nào cũng quý, cũng đẹp như những viên ngọc quý. Nhờ có thi kệ mà con dễ thắp sáng ý thức chánh niệm trong đời sống hàng ngày, như khi mở đèn, quơ dép, mở cửa sổ, nâng bát cơm đầy, đánh răng, rửa mặt, vặn nước,… Con thành kính tri ân các thế hệ đi trước đã để lại cho thế hệ hậu lai chúng con một kho tàng vô cùng quý giá. Con sẽ cố gắng thực tập để gửi lòng biết ơn đến tất cả.

Và con cũng đã tự sáng tác ra một bài thi kệ Cầm máy chụp hình, nhắc con cẩn trọng và có nhiều niềm vui mỗi khi cầm đến máy.

Cầm lên máy chụp hình

Con thấy vui chi lạ

Nụ cười của đệ huynh

Thắp sáng cả gian nhà.