Tôi sẽ chọn thương yêu

Sư chú Chân Trời Khiết Minh

Sư chú Trời Khiết Minh xuất gia năm 2017 trong gia đình cây Bạch Dương. Những hạnh phúc, niềm vui và chuyển hóa trong thời gian sống và tu tập tại xóm Thượng được sư chú chia sẻ rất thật và hóm hỉnh trong bài viết sau đây.

“Ai thương?”, “Thương ai?”, hoặc “Thương điều gì?”, mà “Thương là gì?”, “Tại sao lại phải thương?” và “Như thế nào mới là tình thương đích thực?”. Đây là những câu hỏi, hay cũng có thể gọi là công án thiền tập của con trong năm 2020, và chắc hẳn sẽ là một công trình tu tập “đồ sộ, đại bự và siêu to”, chỉ chấm dứt khi và chỉ khi các nhà khoa học chứng minh vô cực có điểm bắt đầu và kết thúc! Phán một câu thế này, con thấy có gì đó không ổn lắm. Lỡ người ta chứng minh được thì sao? Mà thôi kệ, lúc đó hẵng đính chính. Độc giả ắt hẳn là những người rất bao dung và rộng lượng phải không?

Mọi chuyện bắt đầu vào đầu năm 2020, khi con đang “thăng hoa và bay cao” trong sự thực tập. Nhìn đâu cũng thấy hoa thấy hẹ. Diễn tả cho chính xác trạng thái tâm trong chuỗi thời gian ấy là đang cưỡi mây đi ngắm trăng, ngắm chị Hằng Nga cùng các thánh, các tiên không cần đợi họ giáng trần. Tuy nhiên, những bước tiến này cũng khá dài và khá nguy hiểm. Nguy hiểm ở đây là con bị kẹt vào những cảm thọ êm ái, siêu việt kia và cho nó là chuẩn mực của cuộc sống. Vì thế trong tâm lúc nào cũng có sự đòi hỏi, phải chánh niệm sáng trưa chiều tối và ngay cả lúc ngủ cũng thế! Con còn nhớ những lúc con đối trị với thất niệm bằng cách ép thân, ép xác, ép tâm như một sự trừng phạt. Đi từng bước thì gồng mình cứ như đi diễu binh chuẩn bị ra mặt trận kháng chiến giành giật hòa bình thế giới. Ngồi thiền thì bặm môi, cắn răng, nheo mày cứ như vừa bị ai huých cùi chỏ vào hông. Lúc ấy con thường rất khổ sở. Từ trạng thái đi ngắm tiên, và, vèo, trong một nốt nhạc rưỡi, hai bạn đầu trâu mặt ngựa tiễn thẳng xuống địa ngục. Thi kệ cùng những câu tác ý quay về và có mặt cho những mầu nhiệm trong giây phút hiện tại là những thần chú góp phần rất lớn trong việc ngắm tiên của con. Thế nhưng trong những lúc như vậy, đọc bao nhiêu thần chú, gọi mây hô bão, cũng không ra em nào. Biệt tăm cả. Mong cho có một chiếc xe bò xốc xếch để leo ra khỏi động địa ngục này cũng không có. Khổ quá, không biết làm sao! Kho tàng pháp thoại của Sư Ông thì lớn, tìm cho đúng chìa khóa trong lúc này quả không hề dễ. Thực chất, con đã nhận được chiếc chìa khóa này qua những bài pháp thoại về 16 Hơi thở chánh niệm và Bốn lĩnh vực quán niệm nhưng con không nhận thức được điều đó vì công phu và kinh nghiệm thực tập còn rất non nớt.

 

 

Con đã xin phép tham vấn một vị thầy lớn. Sau khi nghe con trình bày sự việc, vị ấy bảo: “Sở dĩ như thế là vì sư em còn kỳ thị chính bản thân mình, kỳ thị những hạt giống bất thiện trong sư em. Hãy thương tất cả những gì trong mình và hãy để tình thương theo thời gian ôm ấp chuyển hóa những hạt giống ấy”. Thoạt đầu con có một hoài nghi hoặc nói đúng hơn là không hiểu. Nói ra thì thật thất lễ. Con rất tôn trọng và trân quý sư anh nhưng trong tâm lúc ấy con thật sự nghĩ: “Sao mà ‘sến’ quá vậy!”. Từ ngày đến Làng, con đã nhiều phen choáng váng với “độ sến” của những câu nói, văn và thơ của quý thầy, quý sư cô. Thoạt nghe qua, con không thể nào chấp nhận được. Có lẽ vì ở ngoài đời con không được nhận những lời ái ngữ như vậy và chưa hiểu tác dụng của chúng. Mà, sao tình thương lại là mấu chốt cho việc gỡ cái nút thắt đại bự này? Kỳ thị ư? Thì đúng là con có cảm nhận được, đâu đó, nó là một trong những lý do chính. Nhưng tình thương và kỳ thị thì liên quan gì, có họ hàng gì với nhau đâu chứ? Nhất là câu “để tình thương theo thời gian ôm ấp và chuyển hóa hạt giống bất thiện”. Nội dung siêu tưởng của các phim khoa học viễn tưởng tầm cỡ thế giới còn thua xa cái khái niệm này – một phạm trù mà con khó lòng không nói từ: chối bỏ.

Cái hiểu khá nông cạn của con về các tâm hành là chúng hiện hữu riêng biệt và cứng ngắc như những khối đá nhấp nhô xù xì. Có sự phân biệt rạch ròi và rõ ràng. Tình thương và các tâm hành bất thiện như hai cục đá vô tri, vô cảm, vô thức mà bảo chúng ôm nhau và chuyển hóa nhau thì đúng là không tưởng. Không! Không tưởng tượng được, dù cho con có đặt hai đứa ngay trước mặt mà sôi nổi chứng minh, chứng tỏ cho chúng! Mặc dù vậy, nhờ phước đức ông bà, thay vì chê bai, bác bỏ dựa trên những cái hiểu đó, cái cục tò mò trong con lại đi lên. Một phần lớn là vì không điều khiển được rồi khổ đến tận cùng với mấy bạn đầu trâu mặt ngựa kia, nên con chẳng còn lựa chọn nào hơn là thử áp dụng phương pháp thực tập và tư duy đó.

Giai đoạn đầu thiệt như là tẩy não, y hệt như lúc con thực tập uy nghi vào năm trước. Thêm một may mắn nữa là hạt giống lỳ lợm trong con khá to và cũng rút kinh nghiệm từ sự thực tập uy nghi nên dù có nhiều phen không thành công, con vẫn cố gắng hết mình. Con luôn để ý những gì mình làm và quay trở về để quán chiếu. Như là một nhà nghiên cứu hóa học nhiệt thành, hôm nay thì đổ chất A vào chất B xem nó phản ứng thế nào, có đúng như giả thuyết hay kết quả mà vị đi trước đã tuyên bố hay không. Không đúng thì, hôm sau, đổ A vào C, và tiếp tục B vào C, v.v. Bên cạnh đó, con thực tập đặt những câu hỏi có tính cách khai mở, đi vào tâm điểm của tâm thức và thực tại. Quan trọng nhất là để cho những trải nghiệm của sự thực tập lên tiếng, những phản ứng của thân và tâm chứng minh hay trực giác tự trả lời, hạn chế tư duy tới mức tối đa. Điều này con được một vị thầy lớn khác chỉ bảo. Đây chính là cột mốc quan trọng thứ hai, yểm trợ cho con đường thực tập và cho phép con gặt hái những cái thấy về bản thân cũng như thực tại trong năm qua. 

Ví dụ dùng hình ảnh lấy chất này đổ vào chất kia, nếu không đúng thì mang đi đổ bỏ nghe dễ nuốt nhưng làm thì ôi thôi, trầy vi tróc vảy. À không! Tróc móng chứ, người chứ có phải cá phải bọ đâu, dân gian mình sao lại truyền nhau thế nhỉ? Sự thật là ngay sau khi được chỉ điểm, con đã cảm giác có một cái gì đó rất lớn mở ra trong lòng. Cái mà vị ấy dạy đánh động tâm con nhất là con đang có sự kỳ thị với những biểu hiện tâm hành mà lúc đó con cho là kẻ thù của mình, kẻ thù không bao giờ ngồi chung trong một buổi tiệc tất niên, nói gì đến chuyện chấp nhận đội chung trời, đạp chung đất. Thất niệm, tán loạn, sợ hãi, lo lắng, đánh giá, vướng mắc v.v. được liệt vào cái mà con gọi là danh sách tội phạm truy nã hạng nặng. Khi chúng xuất hiện là liền lập tức bật còi hú báo động đỏ,  khởi trống, thổi kèn, dựng cờ và khai triển tất cả thiên binh, thiên tướng toàn vũ trụ mà trấn áp. Phải dùng “tiệt chiêu” để giải quyết chúng! Tại sao lại là “tiệt chiêu” mà không phải tuyệt chiêu? Đơn giản thôi, tuyệt chiêu là những chiêu thức hay và mang lại kết quả tuyệt vời. Tuy thế vẫn chưa đủ vì chúng vẫn còn quay lại. Còn “tiệt chiêu” là chiêu thức với tối chủ trương “tiệt chủng hóa” chúng, không cho chúng một cơ hội thoi thóp nào hết! “Ta là chủ nhân của hiện hữu tên là Khiết Minh này, mi là cái gì mà dám làm mưa làm gió ở đây!Ta sẽ xóa sổ đen lẫn đỏ của chúng mi khỏi vũ trụ này!”. Và cứ thế, “hạt giống Hít Le” lên ngôi. Giờ nghĩ lại thật là rùng mình với những tư tưởng ấy.

Cho nên sau đó, khi con nhận thức được những gì mình đang có, thí dụ như tâm hành thất niệm, thì con sẽ thực tập. Con thử phát khởi tư duy như: “Tôi đang thất niệm, buông và thương NÓ”. Thế nhưng lại xuất hiện tư duy khác: “NÓ xấu xí thế này thì thương như thế nào hả trời! Thôi cứ làm vài ngày xem thế nào”. Nghĩ thì nghĩ thế, nhưng trong thân tâm con có một sự gượng ép và gồng gánh không hề nhẹ. Lúc trước, khi con bắt đầu thực tập uy nghi thì kết quả đến liền sau ba, bốn ngày, nhưng thực tập thương mình và những tâm hành bất thiện của mình thì con phải thật sự kiên nhẫn vì mãi đến hơn một tuần mới có dấu hiệu của chút ít thay đổi. Với con, để có những diễn tiến của sự buông bỏ và tình thương thật sự đối với một tâm hành bất thiện, phải mất từ ba tháng đến sáu tháng, mà con cảm nhận đó chỉ là phần nổi của vấn đề, đủ để gãi cho đỡ ngứa thôi. Như đối với tâm kỳ thị, để con nhìn rõ được nàng thì, chỉ cách cái ngày con ngồi viết bài này chừng một tuần đổ lại, con còn cảm giác là mình chỉ thấy rõ được cấu trúc trên bình diện tổng thể của gương mặt nàng – trái xoan, trái xoài hay mận mít gì đó. Còn trán nàng thế nào, nhăn hay láng; mắt nàng thế nào, trong hay đục; da mặt nàng thế nào, hồng hào, trắng tinh hay sô cô la và có bao nhiêu vết nám v.v. thì chắc phải mất thêm vài chục năm nữa. Nhưng ít ra, con thấy nó có dấu hiệu thay đổi dù chỉ là như một hạt bụi. Trên một phương diện nó là hạt bụi nhưng đối với con nó là viên ngọc quý, là tia sáng của hy vọng. Và, hạt bụi này, với sự kiên trì góp nhặt từng ngày của mình, đến một lúc nào đó, sẽ đủ cho con nung thành một viên gạch lót trên con đường đi đến sự tự do đích thực. Nhiều khi chỉ góp được một nắm cát trên tay thôi mà mình đã cảm thấy tự do và hạnh phúc vô cùng. Những phút giây này con thường thấm thía cái câu “Không có con đường đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”. Thậm chí với con, chưa cần tính đến chuyện nhận thức con đường và cái tên của nó, từng hạt bụi, hạt cát mình góp nhặt trên tay để lót cho con đường này đã là tự do và hạnh phúc rồi! 

 

 

Sau khi nhận được dấu hiệu đó, con bắt đầu có sự thay đổi nhận thức về cái chữ thương mà vị thầy kia dạy, cũng như về tất cả những biểu hiện của những tâm hành trong con. Dần dần con tập mỉm cười với tất cả trạng thái thân tâm của mình. Con cũng thay đổi ngôn ngữ dùng để nói với tâm. Thay vì dùng từ “nó” thì con dùng từ “em” hoặc “nàng”. Và cứ thế “Hít Le” chấm dứt nhiệm kỳ, nhường lại ghế nóng cho bạn “Sến Súa”. Câu nói của con cũng thay đổi rất nhiều “Em (sợ hãi, thất niệm, vướng mắc v.v.) đây rồi, em hãy ngồi đây trong vòng tay tôi. Tôi xin lỗi em thật nhiều vì bấy lâu nay tôi đã kỳ thị em, tôi đã dám gọi em là nó này nó nọ, em xứng đáng với tất cả niềm thương yêu tôi đã dành cho bao nhiêu tâm hành thiện khác”.

Nhiều lúc con chỉ cảm nhận được sự bứt rứt khó chịu từ thân. Con thực tập bốn hơi thở đầu trong 16 hơi thở chánh niệm, quay về theo dõi hơi thở, buông thư thân thể. Rồi sau đó con tác ý: “Tôi đang khổ, tôi đang có tâm hành khổ, tôi chưa biết tên em là gì, nhưng không sao, em là một phần hiện hữu của tôi. Tôi có mặt cho em đây và tôi thương em như tất cả”. Cái thương này khởi đầu xuất hiện từ điều kiện là mình vẫn có ý định ngầm đâu đó trong chiều sâu tâm thức là muốn vứt bỏ các em, nhưng càng về sau này thì nó là một tình thương vô điều kiện. Mà yếu tố vô điều kiện này bắt đầu đến từ một sự kiện rất quan trọng trong đời con. Hôm ấy, giữa khóa tu xuất sĩ tại EIAB, con có một nội kết và khổ thọ rất lớn. Tối đó, lúc con ngồi thiền với đại chúng, con thật sự hết cách vì đã dùng nhiều “công cụ” để “đối trị” phiền não: nào là phép quán tưởng về vô thường, vô ngã (Xin chú thích, ở đây con vẫn còn thực tập trên phương diện tư duy chứ chưa phải là trải nghiệm hai thực tại ấy), nào là theo dõi hơi thở, nào là chế tác hỷ lạc… thế nhưng càng làm thì em càng “nặng ký” ra. Gần như là tuyệt vọng, con đành buông hết sự chống trả và đầu hàng. Trong tâm chỉ phát khởi lên một ý nghĩ: “Thôi! Tôi không cần chuyển hóa em nữa. Bây giờ tôi chỉ muốn nhìn rõ mặt em, và hiểu em thôi!”, rồi con ngồi theo dõi hơi thở và “nhìn” tâm của mình. Tự dưng lúc đó cảm xúc nặng nề bứt rứt ngay chính giữa ngực con dần dần được buông lỏng; tiếp theo cảm giác dễ chịu, ấm áp và êm ái lớn dần ra. Trong một khoảng thời gian ngắn sau đó, con không còn cảm nhận khổ thọ nữa. Thay vào đó là một cảm giác nhẹ tênh, lâng lâng, hạnh phúc lạ kỳ. Cũng ngay trong lúc này, lời Thầy nói trong một bài pháp thoại nào đó được lập lại trong ý thức con: “Hạnh phúc và khổ đau là một, không phải là hai”. Và nó dần trở thành một niềm tin rất lớn trong con sau những lần trải nghiệm tương tự như vậy.

Cũng từ đó, con thương yêu và chấp nhận tất cả biểu hiện trong con và sự khác biệt của mọi người xung quanh một cách tự nhiên và dễ dàng hơn rất nhiều. Con có thêm một niềm tin nữa là khi mình có hiểu và thương đích thực thì mình sẽ được tự do!

Để kết thúc bài viết này, con xin được cúng dường độc giả bài thơ ghi lại những cảm nhận của con trong thời gian thực tập tại Làng:

 

Cười với tôi đi,

bằng ánh mắt bao dung và thương mến.

Để cho tôi vơi bớt nỗi cô đơn.

 

Cười với tôi đi,

bằng đôi tai lắng dịu.

Để bao nhiêu nỗi niềm được vỗ về và trái tim tôi rộng mở

 

Cười với tôi đi,

bằng vòng tay vị tha âu yếm.

Để bao nhiêu lỗi lầm được ôm ấp trong tình thương và lòng nhân ái

Vì…

 

Tôi nào muốn như thế

Tổ tiên tôi dạy tôi thế

Người ta dạy tôi thế

Xã hội dạy tôi thế

 

Nếu như có sự lựa chọn…

Tôi sẽ chọn thương yêu mọi người và mọi loài bằng tất cả hiện hữu tôi

 

Cười với tôi đi,

bằng đôi bàn tay ấm áp và rắn chắc,

dắt tôi qua những cánh đồng thơm mùi cỏ non và vạn loài hoa dại,

để được lắng nghe tiếng chim reo và bản giao hưởng của gió và rừng xanh

để tôi được xúc chạm sự sống thiêng liêng và tự do tôi dần tỉnh giấc

 

Cười với tôi đi,

bằng những bước chân vững chãi cùng hơi thở bình an

để mỗi khi cuồng phong ùa về tôi còn có nơi nương náu

 

Cười với tôi đi… cười với tôi đi,

dù không còn gì để cười,

nhưng chí ít nụ cười ấy cho tôi một tia sáng soi lối trong đêm tối tuyệt vọng đảo điên

Và nếu một mai tôi qua đời,

hãy cứ cười bằng những nụ cười xinh tươi nhất

Để nhắc cho tôi biết rằng tôi không đi đâu cả!