Hạnh duyên

Sư cô Chân Định Nghiêm

Vào mùa đông năm 2013-2014, sư em Uyển Nghiêm là chị lớn trong ban chăm sóc của xóm Mới. Hôm đó gần đến Tết rồi, các anh chị em ngồi chơi và bàn với nhau về chương trình Tết. Có một thầy nghe nói sư em giỏi tập kịch nên đề nghị sư em tập cho các chị em một tác phẩm của Sư Ông để đóng cho văn nghệ Tết. Nhưng xưa nay các thầy, các sư cô cũng đã đóng hết các tác phẩm của Sư Ông rồi! Sư em suy nghĩ hoài mới nhớ đến vở kịch Cậu Đồng. Sư em dự định đi xin Sư Ông kịch bản để tập nhưng hôm ấy, vừa mở máy đọc sách Kindle ra thì lại thấy đúng tác phẩm này đã có ngay trong máy. Sư em mừng quá! Vài ngày sau, khi được gặp Sư Ông, sư em bèn thưa:

– Bạch Sư Ông, Sư Ông đã từng viết một vở kịch tên Cậu Đồng phải không Sư Ông?

-Đúng vậy, thật ra câu chuyện đó xuất xứ từ một tác phẩm của Pháp. Nhưng khi thầy tập cho các em trong Gia đình Phật tử, thầy làm cho nó giống với hoàn cảnh Việt Nam ngày xưa. Mà vì sao con hỏi câu này vậy?

– Bạch Sư Ông, cho văn nghệ Tết năm nay, con còn đang phân vân không biết nên tập kịch Một bó hoa đồng hay Cậu Đồng.

-Tập Cậu Đồng đi con – Sư Ông trả lời ngay không cần suy nghĩ. Nhưng cuốn đó xưa lắm rồi, tụi con có để tập không?

– Bạch Thầy, con đã tìm ra được rồi ạ.

-Ủa, sao con hay vậy?Con kiếm ra được ở đâu?

– Bạch Thầy, ở trên máy Kindle của con.

Thế là về lại xóm Mới, sư em bắt đầu in kịch bản và tuyển chọn diễn viên ngay. Cậu Đồng là nhân vật chính trong vở kịch. Cậu thường lên đồng và làm như có đức Ông nhập vào cậu để dạy bảo đủ điều. Ông Phán, một ông nhà giàu cuồng tín, tôn sùng cậu Đồng, xem cậu là người đức độ nhất và rước cậu về nhà sống chung. Trong khi đó, trừ mẹ ông Phán, cả gia đình ông đều biết rõ bộ mặt đạo đức giả và gian tà của cậu Đồng nhưng họ có nói gì thì ông Phán cũng không tin, trái lại ông còn la rầy cả nhà là bất kính, phạm thượng với thần thánh. Ông Phán nghe lời cậu Đồng đến mức ông sắp hủy bỏ hôn ước của đứa con gái một của mình để ép gả cho cậu Đồng, rồi đuổi đứa con trai duy nhất của ông ra khỏi nhà. Chưa hết, ông còn ký giấy tờ để giao hết nhà cửa và tài sản của ông cho cậu Đồng. Cho đến một hôm, ông Phán chứng kiến cảnh cậu Đồng tán tỉnh vợ mình mà không hề sợ Thánh quở phạt hành động bất chính đó. Ông giận quá, đuổi cậu Đồng ra khỏi nhà. Nhưng oái oăm thay, cậu Đồng lại đuổi ngược ông đi vì nhà cửa ông đã ký giao hết cho cậu rồi. May quá, ông em vợ của ông Phán trước đó đã tình cờ thấy được tờ giấy giao tài sản nên đã tráo với tờ giấy giả. Nhờ vậy mà ông Phán và cả gia đình thoát nạn!

Đầu tiên, sư em Uyển Nghiêm đi mời sư chị Hạnh Nghĩa đóng vai cậu Đồng.

– Em cho chị vai gì được được một chút, chị đã xấu rồi mà sao em lại bắt chị đóng vai ác nữa? – Sư chị nhăn nhó phản đối đóng vai chính.

-Vở kịch này mà không có chị đóng thì coi như bỏ. Thôi, chị không chịu đóng vai chính thì chị cũng phải đóng một vai khác mới được chị nờ.

Sư em năn nỉ ỉ ôi một hồi thì sư chị đồng ý đóng vai mẹ ông Phán.

Sau đó sư em lại đi mời sư em Phẩm Nghiêm. Trong thời gian chuẩn bị Tết, công việc ngút ngàn. Nào là dọn dẹp chùi rửa khắp xóm, nào là nấu ăn, nào là đi mua sắm Tết, nào là gói bánh chưng, bánh tét, nào là đốn tre chuẩn bị dựng cây nêu, xây cổng cho hội chợ, v.v. Sư em Phẩm Nghiêm lại có tánh ôm đồm nên chuyện gì cũng phụ. Vì vậy, khi nghe sư chị Uyển Nghiêm nhờ đóng một vai, sư em trả lời rất nhanh gọn để đi chấp tác tiếp:

– Ok, chị. Chị đưa kịch bản cho em coi sớm để còn tập nữa- Sư em Phẩm Nghiêm cười hề hề rồi biến mất.

Sư em Uyển Nghiêm đi mời tiếp sư chị Dung Nghiêm, các sư em Phương Nghiêm, Hiểu Nghiêm, Chỉnh Nghiêm, Quế Nghiêm và Trăng Chùa Xưa. Hầu hết các sư em đều hoan hô ủng hộ. Người thì nhận đóng vai con Sen, người thì đóng vai con gái, con trai ông Phán, người thì đóng vai ông Hoài – em vợ ông Phán, cảnh binh, v.v.

Đến sư cô Tuệ Nghiêm, sư cô hỏi lui hỏi tới rất kỹ về vai mà sư cô sẽ đóng:

–  Không còn ai khác đóng sao em? – Sư cô lưỡng lự.

–  Vai chọn người sư cô à! – Sư em Uyển Nghiêm trả lời nhanh nhảu

–  Ghê vậy đó! Thôi được rồi, chị đồng ý.

Sư em Uyển Nghiêm lại đi kiếm tôi. Vừa nghe sẽ có vở kịch Cậu Đồng cho văn nghệ Tết năm nay, tôi vui quá. Tôi đã từng nghe nhiều lần đến vở kịch này mà chưa bao giờ thấy “mặt mũi” tác phẩm như thế nào. Sư Ông đã phóng tác từ tác phẩm Le Tartuffe của Molière, một đại văn hào Pháp của thế kỷ XVII mà bất cứ học sinh nào bên Pháp cũng phải học để thi tú tài. Tôi hồ hởi phấn khởi, tán thán sư em có ý hay quá. Đây cũng là cơ hội ngàn vàng để tôi và các chị em được biết đến vở kịch này. Tôi hoàn toàn yểm trợ sư em, vì vậy khi sư em rủ tôi đóng một vai, tôi nhận lời ngay và cũng chẳng quan tâm hay thắc mắc mình sẽ đóng vai nào. Được các sư em cho đóng một vai trong vở kịch này là tôi đã mừng lắm rồi.

Dầu cho phòng ốc ngổn ngang, chưa kịp dọn dẹp cho Tết, chúng tôi cũng bỏ hết mọi việc sau lưng để đi tập kịch được ba lần. Trong căn phòng Dodo ấm cúng bên lò sưởi củi, “bà bầu” Uyển Nghiêm nướng hạt dẻ cho mọi người ăn, còn tôi thì nấu sô-cô-la nóng để các “kịch sĩ” thưởng thức và có nhiều năng lượng mà tập. Đây là những giây phút vui nhất trước ngày Tết và cũng là cơ hội để các chị em chúng tôi khám phá thêm những tính cách của mỗi chị em mà xưa nay chưa ai thấy trong đời sống hàng ngày. Chưa bao giờ tôi thấy sư em Chỉnh Nghiêm nhí nhảnh như thế! Sư em Hạnh Nghĩa thì nhập vai khỏi nói. Tôi đóng cũng nhập vai lắm chứ! Lúc tôi liếc mắt tán tỉnh bà Phán, các sư em “hết hồn” luôn! Chỉ có sư em Phẩm Nghiêm tập làm ông Phán mà cứ bị đạo diễn chê hoài. Lúc ông Phán chứng kiến cảnh cậu Đồng tán tỉnh vợ mình, ông Phán nổi giận đùng đùng và sẽ nắm áo xách cổ cậu Đồng lên. Nhưng sư em Phẩm Nghiêm không dám túm cổ xách tôi lên! Cứ bị chê hoài, sư em Phẩm Nghiêm nổi bực:

– Không cần tập, cứ để đó rồi vài bữa em đóng cho mà xem!

Vào 30 Tết, như hằng năm, đại chúng các xóm tập họp tại xóm Mới để đi thiền hành rồi nghe Sư Ông đọc thơ, bình thơ. Chiều hôm đó, Sư ông giảng về những phong tục Việt Nam trong đó có đốt vàng mã, lên đồng v.v. như để giúp cho đại chúng hiểu thêm về vở kịch Cậu Đồng trong buổi văn nghệ sắp tới. Sau đó đại chúng ngồi thiền đón giao thừa theo giờ Việt Nam. Đúng 18 giờ tối bên Pháp, nghĩa là 00 giờ ở Việt Nam, đại chúng bước sang năm mới với ba hồi chuông trống Bát nhã, một thời kinh và khấn lạy tổ tiên. Làm lễ xong, đại chúng ăn tiệc đầu năm rồi xem văn nghệ.

 

 

Hôm đó, Sư Ông bị trúng gió nhưng vẫn đi xem kịch. Lần đầu tiên, mà cũng là lần độc nhất, Sư Ông tập cho nhóm gia đình Phật tử diễn vở kịch này, tại nhà hát ở Cầu Đất, là vào dịp Tết đầu năm 1952. Lúc đó Sư Ông còn là một sư chú, mới có 25 tuổi. Mãi cho đến hôm nay, 62 năm sau, hơn nửa thế kỷ, Sư Ông mới xem lại vở kịch này.

Thiền đường Trăng Rằm chật kín không khác gì một nhà hát lớn. Các thầy, các sư cô chậm chân một chút là phải đứng quanh ngoài cửa sổ. Tất cả các diễn viên đều đã có mặt sẵn sàng, chỉ có tôi là vẫn còn loay hoay trong phòng để chuẩn bị mấy bao lì xì cho các sư em sắp đến xông đất. Ngoài thiền đường, sư em Biểu Nghiêm đang nôn nóng đợi tôi để hóa trang. Sư em đợi không nổi nữa, phải chạy vào tận phòng để kéo tôi ra. Vừa nghe Sư Ông đang ngồi ngoài thiền đường đợi xem kịch, tôi hốt hoảng, thả xấp lì xì xuống đi theo sư em. Tôi bỏ quên lại cả cái đãy trong đó có kịch bản, phòng hờ để ôn lại vào phút cuối.

 

 

Đây là một vở kịch lồng tiếng. Thầy Pháp Độ vừa cất lên giọng Bắc xưa, đặc sệt của thầy là Sư Ông đã xoay người ra sau nhìn quanh đại chúng. Thầy đã cố ý ngồi trốn trong một góc thiền đường, ấy vậy mà vẫn không trốn được cặp mắt của Sư Ông.

Khi nãy, thấy tôi đến trễ vào phút cuối, “bà bầu” Uyển Nghiêm thấy nghi nghi nên đã chui xuống gầm bàn ngay chỗ tôi diễn để nhắc tuồng. Đến lúc diễn trên sân khấu chúng tôi mới thấy đồ hóa trang của nhau. Sư cô Tuệ Nghiêm mặc áo làm bà Phán rất yểu điệu và sang trọng. Sư em Hạnh Nghĩa mặc áo dài đóng vai bà cụ ông Phán, vái lạy than khóc dữ dội, suýt nữa là áo xống hóa trang bị tuột luôn! Sư em Quế Nghiêm trong vai Thu Hương, con ông Phán với cái bím tóc hết sức hiền từ và ngoan ngoãn. Ông Phán được sư em họa sĩ Tuyết Hoa điểm bộ râu trên mặt làm cho ông lại càng thêm vẻ giàu và ngố.

 

 

Tôi đóng vai cậu Đồng, hơi bị khớp trước mặt Sư Ông và khán giả nên không dám “tán tỉnh” bà Phán nhiều quá, tôi giảm đô xuống 50%. Ấy vậy mà ông Phán nổi giận đùng đùng, túm cổ áo kéo xốc tôi lên. Còn con Sen thì tỏ vẻ xem thường và miệt thị tôi không còn chỗ nói, qua cái cách cô ấy thảy cái khăn xuống rồi nguẩy mặt đi. Sư Ông chăm chú xem vở kịch từ đầu đến cuối.

 

 

Hôm sau, các sư em mang cơm dâng Sư Ông ở Sơn Cốc. Vừa thấy sư em Phẩm Nghiêm từ xa, Sư Ông đã lên tiếng: “Ông Phán qua rồi!”. Sau bữa cơm, trước ly trà nóng, Sư Ông cười tủm tỉm trong khi lắng nghe các sư em bàn tán, bình phẩm từng diễn viên. Sư Ông hỏi sư em Phẩm Nghiêm:

– Ai vẽ râu cho con?
-…
-Lúc con nắm cổ áo sư cô Định Nghiêm, con nghĩ gì?
Sau một lúc lâu, Sư Ông lại nói:
– Sư cô Định Nghiêm chưa biết lên đồng.

Đúng rồi! Đạo diễn nói tôi phải rùng mình lên khi lên đồng thì tôi cứ rùng, có người nói tôi giống bị điện giật. Mà hình như trong chúng tôi không có ai rành về chuyện này, mà cũng chẳng có ai lên mạng tìm hiểu thêm để chỉ cho tôi. Mỗi lần tập đến đoạn đó, mọi người không có gì để bàn bạc nên chỉ lướt qua thôi.

Từ thời làm sadi, tôi cũng thường hay đóng kịch, nhưng đây là vở kịch khiến tôi vui và ấn tượng nhất. Các chị em tôi có ngờ đâu, đó là vở kịch đón xuân cuối cùng mà Sư Ông ngồi xem một cách thích thú khi chưa ngã bệnh.

Một buổi sáng yên tĩnh có nắng ấm cách đây gần hai năm, trong thời gian thị giả Sư Ông ở Huế, tôi gặp hai dì cháu đến xin đảnh lễ Sư Ông. Sau khi thăm hỏi một hồi, tôi mới biết đây là cô Thành, tức Phương Hải, người đã từng được Sư Ông dạy đóng vai con Sen năm xưa. Cuối năm 1951, Sư Ông, lúc bấy giờ còn là chú Nhất Hạnh, được thầy Đức Thiệu, trụ trì chùa Viên Giác ở Cầu Đất mời lên mở một khóa giáo lý mười lăm ngày tại đó. Thầy Đức Thiệu đã từng là bạn học của chú Nhất Hạnh tại Phật học đường Báo Quốc ở Huế, là đệ tử lớn của thầy Trí Thủ.

Lớp giáo lý có chừng ba mươi người, trong đó có những người rất trẻ và bé Thành là một trong những người trẻ ấy. Cứ mỗi tối sau giờ cơm chiều, các em, các bác lên chùa để học giáo lý. Suốt trong hai tuần không có ai vắng mặt. Chú Nhất Hạnh cưng nhóm học trò này của chú lắm. Tất cả các học viên nam được chú đặt tên bắt đầu bằng chữ Đức, và tất cả các em nữ được đặt tên bắt đầu bằng chữ Phương. Cô Phương Nguyên sau này đã trở thành Sư bà Như Lý, Ni trưởng chùa Long Hoa. Bé Thành thì được tên Phương Hải. Cuối khóa, mỗi em đều viết một bài và Tạp chí Liên Hoa đã xuất bản văn tập kỷ niệm ấy.

Xong lớp giáo lý này, thầy Đức Thiệu mời chú Nhất Hạnh ở lại thêm hai tuần nữa để ăn Tết trước khi về Sài Gòn. Mỗi tối, các em, các bác lại tiếp tục lên chùa để tụng kinh rồi vừa nghe chú kể chuyện vừa hơ tay sưởi ấm bên bếp lửa hồng trước cái lạnh mùa đông miền cao nguyên. Mỗi sáng, họ lại nối gót chú thiền hành lên đồi trà ở phía sau chùa Viên Giác để tắm mình trong hương trà ngào ngạt. Từ trên đồi nhìn xuống, bên trái là đồn điền trà của Pháp, bên phải dưới phố là nhà thờ. Con đường chính và thôn xóm, tất cả đều chìm trong sương mù và chầm chậm lộ hình dưới ánh nắng ban mai.

Thấy các em trẻ trong lớp này có rất nhiều năng khiếu về kịch nghệ, chú Nhất Hạnh tập cho các em vở kịch Cậu Đồng với rất nhiều thích thú. Khi còn đi học theo chương trình Pháp ở trường tư thục Vương Gia Cần tại Sài Gòn, chú đã có cảm hứng phóng tác và Việt hóa vở kịch Le Tartuffe của Molière. Bấy giờ mỗi chiều, chú đi bộ từ chùa Viên Giác xuống phố tập kịch cho các em. Chú chọn cho bé Phương Hải vai con Sen. Bé nũng nịu than phiền:

– Thưa chú, sao chú không cho con đóng vai gì khác mà chú cho con đóng vai con ở?

-Con không biết à, vai đó là vai khó nhất đó con. Con đóng hay nên chú mới chọn vai đó cho con.

Các em trình diễn kịch trong dịp Tết để gây quỹ lập đoàn quán cho Gia đình Phật tử Cầu Đất. Sau này rời Cầu Đất về lại Đà Lạt, nơi chú đã lập trường tiểu học Tuệ Quang, chú Nhất Hạnh cũng mở một lớp giáo lý khác, dạy ba, bốn buổi tối mỗi tuần. Nhóm học trò từ Cầu Đất của chú bữa nào cũng thuê xe vượt qua quãng đường dài 23 cây số, bất kể trời mưa giá rét, vẫn chăm chỉ đến học lớp này. Có những đêm mưa gió, xe đưa các em đến lớp học trễ, chú đã luôn đợi nhóm Cầu Đất đến lớp đông đủ rồi mới bắt đầu giảng bài.

Lần đầu tiên Sư Ông về lại Việt Nam vào năm 2005, Sư Ông đang đi dạo thăm một ngôi chùa tại Bảo Lộc cùng với rất đông chư Tôn đức, cô Phương Hải thấy Sư Ông từ xa, quá mừng và không cần biết đến ai xung quanh, cô vừa rượt theo Sư Ông vừa la to:

– Thưa Thầy, con Phương Hải đây Thầy!

Sư Ông dừng lại, xoay ra sau, cũng vừa đúng lúc cô chạy đến nơi, quỳ xuống trước Sư Ông.

– Con Phương Hải đóng vai con Sen đây Thầy.

Lúc đóng vai con Sen, bé chưa đầy 15 tuổi. 53 năm sau, bé 68 tuổi, tóc bé đã bạc, vậy mà Sư Ông nhận ra bé ngay. Sư Ông cười vui và đưa tay xoa đầu người học trò cưng năm xưa.

Mười bốn năm sau ở Huế cũng vậy, sau khi nghe giới thiệu, Sư Ông đã lập tức nhận ra cô Phương Hải và nắm tay cô. Cô Phương Hải than thở với Sư Ông rằng bây giờ cô yếu và hay bệnh lắm, có thể đây là lần cuối cùng cô đi được đến Huế để thăm Sư Ông. Lúc cô chào Sư Ông để đi về, cô đi xa rồi mà Sư Ông vẫn còn vẫy tay chào cô qua cửa sổ.

 

 

Sư Ông và các chị em chúng tôi cứ ngỡ rằng không còn cuốn Cậu Đồng nào nữa qua năm tháng và nhất là sau chiến tranh. Không ngờ chính cô Phương Hải còn giữ lại được một bản gốc mà bìa sách đã sờn phai và những trang giấy đã vàng ố. Sư Ông viết lời tựa tại Lâm Viên, mùa xuân Quí Tỵ (1953). Trang đầu cuốn sách có chữ ký của Thanh Huyền (cô Thanh) ngày 18-01-1956. Trên danh sách các nhân vật, cô Thanh còn ghi tên của từng diễn viên đóng vai nào.Cô đã gửi cuốn sách này cúng dường Sư Ông và cuốn này hiện đang được tàng trữ trong kho lưu trữ sách Sư Ông tại Sơn Cốc bên Pháp.

Năm ngoái, 2020, vào tháng Bảy, trang điện tử vnexpress.net đăng một bài với tựa đề Hàng trăm khán giả xem Thành Lộc diễn “Cậu Đồng”:

“Hơn 330 khán giả ủng hộ nghệ sĩ Thành Lộc diễn lại Cậu Đồng – vở kinh điển của 23 năm trước, do nghệ sĩ Đoàn Minh Ngọc đạo diễn. Vở công diễn lần đầu năm 1997, được khán giả ủng hộ nồng nhiệt, mang về cho Thành Lộc giải Mai Vàng năm 1998. Đến nay, tác phẩm đạt kỷ lục về suất diễn của Idecaf. ( https://vnexpress.net/hang-tram-khan-gia-xem-thanh-loc-dien-cau-dong-4128492.html )”2 400 đêm diễn và suất nào cũng “cháy vé”. Vở kịch này được xem là thành công của một sân khấu đang có lượng khán giả đông nhất tại Sài Gòn.

Họ biết rằng Cậu Đồng được Việt hóa từ tác phẩm Le Tartuffe của đại văn hào Pháp Molière, nhưng không biết ai đã Việt hóa tác phẩm này. Các sư em Thư Nghiêm và Tư Nghiêm trước khi xuất gia cũng đã từng đi xem vở kịch này. Đến khi về Làng Mai xuất gia, các sư em mới biết rằng vở kịch này là do Sư Ông phóng tác.

Sau khi đọc tin tức trên trang điện tử vnexpress.net, chị Liên, một vị cư sĩ trong tăng thân đã liên lạc để cho nghệ sĩ Thành Lộc biết ai đã phóng tác vở kịch này. Đạo diễn Trần Minh Ngọc đã xác minh ngay rằng tác giả đúng là Sư Ông. Đó là nhờ quyển sách từ cô Phương Hải mà đạo diễn đã đối chiếu với kịch bản ông đang có, chứ nếu chỉ tìm kiếm trên google về các tác phẩm của Sư Ông thì không thấy có vở kịch này trong danh mục.

Ngay sau đó trên facebook, nghệ sĩ Thành Lộc đã viết như sau: “Đây là một niềm hoan hỉ lớn, một vinh dự và cũng là sự may mắn từ DUYÊN LÀNH mà sân khấu kịch Idecaf chúng tôi có được: Chúng tôi đã từ một nhịp cầu nối thật tình cờ mà biết được người đã phóng tác vở kịch CẬU ĐỒNG – từ vở kịch Pháp Le Tartuffe của nhà soạn kịch lừng danh Molière – và đã Việt hóa vở kịch để được đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc (người lĩnh hội văn hóa Pháp và Tây học từ nhỏ) dàn dựng và trình diễn cho quý vị khán giả xem từ 23 năm trước cho đến hiện nay là AI.

Và bắt đầu từ suất diễn tối thứ năm 20/8/2020 sắp tới, sân khấu chúng tôi sẽ vô cùng hoan hỉ và hãnh diện được xướng tên để giới thiệu cùng quý khán giả yêu kịch Idecaf tên của “Ngài”, đây cũng là bổn phận và trách nhiệm của công ty Thái Dương (kịch Idecaf) chúng tôi, chứ không giới thiệu ở đây. Ahihi… vì vui quá nên cho phép tôi được giữ bí mật, chỉ dành bật mí này cho quý khán giả mua vé xem Cậu Đồng mà thôi!

* Chú ý: Hiện nay các nghệ sĩ trong vở còn chưa biết tin này nên tôi thấy đã quá chừng… các nghệ sĩ ơi! Muốn biết tên người phóng tác này là ai thì inbox nhé, tôi cho biết! Hí hí…”

Sau buổi diễn, trên facebook nghệ sĩ Thành Lộc đã kể tiếp: “Suất diễn mới vừa rồi, khi chúng tôi xướng tên người đã dịch thuật và Việt hóa vở hài kịch cổ điển Pháp LE TARTUFFE (Kẻ đạo đức giả) của Molière sang phiên bản Việt Nam với tựa đề CẬU ĐỒNG, khán giả đã ồ lên rõ to và vỗ tay!

Một cảm giác thật sự hoan hỉ!”

Ngay sau đó, các anh chị trong tăng thân ở Sài Gòn nhắn tin cho tôi rằng: “Mấy hổm rày ở Sài Gòn đang rất là hot, vở kịch Cậu Đồng đang diễn trở lại dưới tên tác giả là Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Rất nhiều trang báo cũng đăng tin về sự kiện này.

Ông Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc Công ty Thái Dương (Idecaf) – cho biết: “Chúng tôi mong muốn sớm hợp thức hóa thủ tục để trả lại đúng tên của Thiền sư cho một tác phẩm sân khấu mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Dù chậm còn hơn cứ để hai chữ khuyết danh. Khán giả đang hưởng ứng vở kịch này, lượng vé bán ngày càng tăng, các suất diễn trong tuần cũng dành cho vở kịch này. Do đó, đây là một tín hiệu đẹp để hướng tới việc tri ân công đức của Thiền sư đã viết kịch bản, tạo duyên may để sân khấu chúng tôi dàn dựng và được công diễn”. 

Thế là nhà biên kịch Châu Thổ, một trong những đệ tử cư sĩ của Sư Ông liền liên lạc với Idecaf để xin một suất diễn đặc biệt dành cho các tăng thân cư sĩ ở Sài Gòn vào ngày 30.9.2020. Không có đủ vé cho mọi người nên các anh chị trong ban tổ chức của tăng thân phải đứng xem kịch. Trước giờ diễn, Idecaf đã hoan hỉ dành 30 phút cho các đệ tử của Sư Ông dùng sân khấu để sinh hoạt và biến sân khấu kịch thành thiền đường, cùng thực tập chánh niệm trước và trong khi xem kịch. Chị Mỹ Hằng hướng dẫn thính chúng ngồi thiền 20 phút, an tịnh thân tâm và thưởng thức vở kịch một cách sâu sắc.

Hơn 300 người ngồi yên, buông thư và theo dõi hơi thở:

1. Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào.

Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra.

Vào – Ra

 

2. Thở vào, tôi buông thư toàn thân.

Thở ra, tôi buông thả mọi căng thẳng trong thân và tâm.

Buông thư toàn thân – Buông thả mọi căng thẳng

 

3. Thở vào, tôi quán tưởng Thầy năm 25 tuổi

Thở ra, tôi tiếp xúc với năng lượng trẻ trung, đầy nhiệt huyết và sáng tạo nơi Thầy.

Thầy 25 tuổi – Trẻ, đầy nhiệt huyết và sáng tạo

 

4. Thở vào, tôi tiếp xúc được với năng lượng của Thầy lan tỏa cùng khắp trong 70 năm qua.

Thở ra, tôi tiếp xúc được với những hạt giống tốt Thầy gieo trồng trong suốt 70 năm qua.

Thầy lan tỏa cùng khắp – Hạt giống tốt khắp nơi

 

5. Thở vào, tôi tiếp xúc được với năng lượng của Thầy trong chính tôi.

Thở ra, tôi xúc chạm được với những hạt giống tốt Thầy đã gieo trồng nơi tôi.

Năng lượng Thầy trong tôi – Hạt giống tốt Thầy gieo trồng nơi tôi

 

6. Thở vào, Thầy đang cùng thở vào với tôi.

Thở ra, Thầy đang cùng thở ra với tôi.

Thầy thở vào với tôi – thở ra với tôi

 

7. Thở vào, tôi là sự tiếp nối của Thầy.

Thở ra, tôi có thêm niềm tự tin và hạnh phúc.

Tôi tiếp nối Thầy – Thêm tự tin và hạnh phúc

 

8. Thở vào, Thầy trong tôi đang thở.

Thở ra, Thầy trong tôi đang mỉm cười.

Thầy trong tôi thở – mỉm cười

Đại chúng ngồi thiền xong, cô Châu Thổ lên giới thiệu về vở kịch. Điều đặc biệt nhất là cô còn mời cô Phương Hải lên sân khấu để khán giả được làm quen với người đóng vở kịch này lần đầu trong vai con Sen vào năm 1952. Hầu hết những diễn viên còn lại trong nhóm đều đã không còn.

Có lẽ đây là lần đầu tiên các khán giả lại gây ấn tượng mạnh cho đoàn nghệ sĩ Idecaf đến như vậy. Không khí an tịnh và trang nghiêm quá, nghệ sĩ Hữu Châu đóng vai ông Phán rất xúc động, tới mức bị quên lời thoại ở đoạn đầu.

Vở kịch chấm dứt, đoàn diễn viên ra chào khán giả. Nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ vài lời với đại chúng. Anh có giải thích như thế này: “Cách đây 23 năm, chúng tôi nhận được kịch bản này từ một bản đánh máy đã bị xé trang đầu, nên chúng tôi không biết là của tác giả nào. Nhưng cũng có thể, nếu vào thời điểm đó mà biết là của ai thì chưa chắc vở này đã được diễn. Cho nên điều này đúng là hạnh duyên”. Khán giả vỗ tay ầm ầm! Các đại diện tăng thân lên tặng sách Sư Ông( Đạo Phật ngày nay, Am mây ngủ và Văn Lang dị )sử cho từng nhà nghệ sĩ để tỏ lòng cảm kích.

Có lẽ họ không biết là từ khi còn trẻ, Sư Ông đã quan tâm và yểm trợ đặc biệt giới văn nghệ sĩ. Khi Sư Ông mới thành lập nhà xuất bản Lá Bối năm 1964, Sư Ông đã có một buổi hội thảo với các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ như Hồ Hữu Tường, Tam Ích, Phạm Duy… Sư Ông đã nói đến trách nhiệm của văn nghệ sĩ là khai thị và trị liệu. Với tài năng của mình, các nhà văn, nghệ sĩ mang sứ mạng tưới tẩm hạt giống tốt nơi quần chúng và làm cho cuộc đời bớt khổ. Trong những năm ở Tây phương, Sư Ông đã hướng dẫn nhiều khóa tu cho giới văn nghệ sĩ ở Mỹ, Âu châu và Sư Ông cũng hướng dẫn những pháp môn thực tập giúp họ thực hiện được sứ mạng đó. Đồng thời trong những năm khó khăn nhất tại quê nhà, Sư Ông đã tìm cách tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc, khơi lại nguồn hứng khởi nơi các văn nghệ sĩ qua những lá thư, những gói quà gửi về cho họ và cho gia đình họ( Phương Hương xuôi vạn lý, Sư cô Chân Không.)

Ông Huỳnh Anh Tuấn cũng đã bày tỏ với báo chí như thế này: “Sau khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao tập Bông hồng cài áo cho NSND Kim Cương cách đây hơn 50 năm, sân khấu cải lương và kịch nói đã có tác phẩm Bông hồng cài áo do soạn giả Hoàng Khâm chuyển thể. Từ bài viết này, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác ca khúc Bông hồng cài áo. Cứ đến mùa Vu Lan báo hiếu, giai điệu và ca từ của ca khúc này lại vang lên ở nhiều nơi. Người làm sân khấu lại càng háo hức, hân hoan khi biết vở kịch Cậu Đồng là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh phóng tác và Sân khấu Idecaf đã dàn dựng, tổ chức biểu diễn thành công. Đó là hạnh duyên mà những người làm nghệ thuật như chúng tôi trân quý, mang ơn công đức của Thiền sư đã viết nên những tác phẩm đẹp đời, đẹp đạo, gieo vào lòng khán thính giả thiện tâm sống tốt đẹp vì đời sống cộng đồng” ( https://nld.com.vn/van-nghe/nsut-thanh-loc-cong-bo-kich-cau-dong-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-20200906155736292.htm )