Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Bìa 1

Bìa 2

Bìa 3

Bìa 4

NỘI DUNG

Xin trân trọng gởi đến quý thân hữu Lá Thư Làng Mai số 39 vừa ra đời để quý vị thưởng thức trong những ngày xuân Bính Thân 2016. Quý vị sẽ cùng thở nhịp thở của tăng thân cũng như nhìn lại sự hành trì và học hỏi của bản thân trong năm qua.

Tải về

Bìa khổ A4 xin nhấp vào hình bên trên
Bản.PDF A4 cho Web

  1. Làng Mai năm qua
  2. Cô Hạnh Phúc - Sư Ông Làng Mai
  3. Dừng lại,nhìn sâu và hành động - Chân Pháp Dung
  4. Thông điệp Phật giáo về Biến đổi khí hậu
  5. Trở về trong tình huynh đệ - Chân Mai Nghiêm
  6. Vững cánh chở niềm tin - Phỏng vấn Cây Đan Mộc
  7. Vườn ươm - Chân Uyển Nghiêm
  8. Con đường tự do - Chân Pháp Đăng
  9. Tình quê - Ôn Thủ tọa Thích Giác Viên
  10. Thiết kế tăng thân - Sư Ông Làng Mai
  11. Tình thầy trò - Chân Pháp Ứng
  12. Người anh cả của rừng cây - Chân Trung Hải
  13. Cảm nhận của Gió - Sư út Chân Trăng Thiên Hà
  14. Thảnh thơi tu học - An vui giúp đời - Chân Pháp Khâm
  15. Người trồng tuổi thơ - Chân Bội Nghiêm
  16. Hình hài mầu nhiệm - Chân Pháp Lưu
  17. Buổi sáng - Chân Pháp Khả
  18. Đường mòn - Chân Truyền Nghiêm
  19. Dòng chảy yêu thương - Chân Tuệ Nghiêm
  20. Về với đất Mẹ - Chân Hội Nghiêm
  21. Con thuyền tăng thân - Phỏng vấn thầy Chân Pháp Hộ
  22. Thăm Thầy - Chân Hiểu Nghiêm
  23. Em tôi - Chân Hỷ Nghiêm
  24. Đừng phụ suối đồi - Chân Hoa Nghiêm
  25. Vào dòng rong chơi - Chân Thuần Tiến
  26. Bàn tay chạm tới trăng sao - Chân Trăng Thường Trú
  27. Núi Phú Sĩ đẹp lạ lùng - Chân Trai Nghiêm
  28. Mối tình Việt Nam - Chân Pháp Niệm
  29. Ngoại chạy theo nắng - Chân Trăng Vô Ưu
  30. Thất Nhìn Xa - Chân Trung Hải
  31. Bích Nham và những hạnh phúc đơn sơ - Chân Pháp Nguyện
  32. Ngày mới của năm mới -Chân Tịnh Hằng
  33. Thiên thần quét lá - Chân Pháp Khôi
  34. Đỉnh cao gió gọi - Chân Pháp Biểu
  35. Con đã về - Chân Trăng Tin Yêu
  36. Nhàn - Chân Trời Nội Tâm
  37. Hạt mầm chắp tay chào ánh sáng - Chân Đăng Nghiêm
  38. Tiếng Việt của con - Chân Trời Hiện Pháp
  39. Ngày mới - Chân Duyệt Nghiêm
  40. Đến để tự thấy - Chân Hội Nghiêm
  41. Mùa hè trong con - Chân Trăng Mới Lên
  42. Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa - Chân Định Nghiêm
  43. Dòng tu Tiếp Hiện - Sư Ông Làng Mai
  44. Trăng sao vẫn đẹp đêm rằm - Chân Bảo Nguyện
  45. Để lại cho em - Chân Xuân Tản Viên
  46. Đến tìm tôi ở khoảng giữa lưng đồi - Chân Lân Nghiêm
  47. Tuyết - Chân Trăng Chiếu Diệu
  48. Cùng đi trên đường vui - Chân Trăng Tuyết Hoa
  49. Những giọt sương - Chân Minh Hy
  50. Đi về phía mặt trời - Chân Trời Bảo Tạng
  51. Pháp Vân - Chân Trời Đại Đồng
  52. Tình yêu đất Mẹ - Chân Trăng Tam Muội
  53. Phương trời cao rộng - Chân Trăng Non Cao
  54. Vượt núi - Chân Minh Trí
  55. Lắng nghe tiếng khóc em thơ - Chân Trời Hy Mã
  56. Ngồi yên bên Hơi Thở Nhẹ - Tăng thân Hơi Thở Nhẹ
  57. Tăng thân yêu quý - Chân Trăng Hải Ấn
  58. Đường xưa mây trắng vẫn còn bay - Chân Trăng Từ Hiếu
  59. Cây trong chùa - Chân Chuẩn Nghiêm
  60. Bình an là giác ngộ - Chân Trời Đại Giác
  61. Như mới hôm qua - Chân Trăng Ngân Hà
  62. Gieo hạt giống lành - Chân Dung Nghiêm
  63. Mỗi bước chân là thương yêu - Chân Trăng Nga Mi
  64. Cùng Thầy rong chơi - Cây Thế Kỷ
  65. Từ Suối Thơm đến Biển Xanh - Chân Thoại Nghiêm
  66. Ấm áp những tấm lòng - Sư cô Chân Không
  67. Về lại ngôi nhà đích thực - Anne Woods
  68. Lịch sinh hoạt năm 2016 của Tăng thân Làng Mai
  69. Địa chỉ liên lạc của Làng Mai và các trung tâm

Lịch sinh hoạt của tăng thân Làng Mai năm 2017

Tại Làng Mai:

15.11.2016 – 12.02.2017: Khoá tu An cư kiết Đông 2016-2017

27.01 – 31.01: Đón Tết Nguyên Đán Đinh Dậu

10.04 – 17.04 : Khoá tu tiếng Pháp

31.05 – 07.06: Khoá tu dành cho doanh nhân

08.07 – 05.08: Khoá tu mùa Hè

11.08 – 18.08: Khoá tu dành cho người trẻ quốc tế

chủ đề “Sinh thái và trồng trọt theo lối hữu cơ” tại xóm Thượng và xóm Hạ

18.08 – 25.08: Khoá tu “Nấu ăn trong chánh niệm” tại xóm Mới

25.08 – 01.09: Khoá tu sức khoẻ tại xóm Thượng

15.11.2017 – 12.02.2018: Khoá tu An cư kiết Đông 2017-2018

Xin vào trang nhà Làng Mai để xem chi tiết: – Tiếng Việt: www.langmai.org

 

Tại Pháp và các nước châu Âu khác:

31.03 – 02.04: Khoá tu chánh niệm cuối tuần tại trường Đại học Barcelona, Tây Ban Nha

18.04 – 01.05: Hoằng pháp tại Ý

18.04 – 26.04: Khoá tu Im lặng hùng tráng tại Hoà Lan

28.04 – 01.05: Khoá tu cho tăng thân Bulles Cauville tại Normandy, Pháp

28.04 – 14.05: Hoằng pháp tại Tây Ban Nha

21.04 – 12.05: Khóa tu chánh niệm vào dịp lễ May Bank tại Ireland

11.05 – 29.05: Hoằng pháp tại Indonesia

04.05 – 28.05: Khóa tu Leven in Aandacht tại Hoà Lan

15.05 – 30.05: Khoá tu đi bộ tại Ý

24.06 – 02.07: Khoá tu dành cho người trẻ tại Ardèche, Pháp

22.08 – 29.08: Hoằng pháp tại Anh

 

Tại EIAB – Đức:

02.04 – 08.04: Khoá tu dành cho người trẻ tại EIAB, Đức với chủ đề “Cái thấy sâu, Sinh thái sâu” (Deep Insight, Deep Ecology Wake-up Retreat)

08.04 – 13.04: Khoá tu với chủ đề “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” tại Đức

13.04 – 17.04: Khoá tu cho người nói tiếng Việt

24.05 – 28.05: Khoá tu gia đình cho người nói tiếng Hoà Lan

10.06 – 17.06: Khoá hướng dẫn của sc Diệu Nghiêm

07.08 – 12.08: Khoá tu dành cho người nói tiếng Đức

13.08.2017: Ngày quán niệm với quý thầy quý sư cô EIAB và tăng đoàn Làng Mai

14.08 – 19.08: Khoá tu dành cho người nói tiếng Hà Lan

06.09 – 10.09: Khoá tu cho người nói tiếng Việt

27.12 – 02.01: Khoá tu Tuần Lễ Tết

Xin vào trang nhà của Học viện để xem chi tiết: www.eiab.eu

 

Tại AIAB – Chùa Trúc Lâm, Liên Trì, Ngnong Ping, HongKong:

13.04 – 17.04: Khoá tu mùa Xuân (trong dịp lễ Phục Sinh) 30.04: Lễ Phật Đản

04.06 – 03.09: Khoá tu An cư 3 tháng mùa mưa AIAB

12.07 – 16.07: Khoá tu gia đình mùa Hè

06.08 và 27.08: Lễ Bông Hồng cài áo

09.08 – 13.08: Khoá tu dành cho các nhà giáo dục 04.09: Lễ Tự Tứ

04.10: Tết Trung Thu

18.10 – 22.10: Khoá tu sức khoẻ thân tâm kiện an

 

*Ngoài Tu viện:

25.02, 25.03, 27.05, 24.06, 23.09, 25.11: Ngày quán niệm tại trường Đại học Sư Phạm HongKong 01.04, 08.07, 07.10: Ngày quán niệm tại trường Đại học Hong Kong với chủ đề “Behavioral Health” Xin vào trang nhà của Tu viện để xem chi tiết: www.pvfhk.org

 

Tại các nước châu Á – Thái Bình Dương (ngày có thể thay đổi)

Tháng 04, tháng 06: Hoằng pháp tại Singapore

28.04 – 11.05: Hoằng pháp tại Nhật Bản

22.05 – 26.05: Hoằng pháp tại Indonesia

14.09 – 28.09: Hoằng pháp tại Úc châu

01.10 – 14.10: Hoằng pháp tại Trung Quốc

04.11 – 17.11: Hoằng pháp tại Philippines

19.11 – 30.11: Hoằng pháp tại Malaysia

30.11 – 07.12: Hoằng pháp tại Đài Loan

Xin xem thêm chi tiết tại: www.plumvillageasia.org

 

Tại Làng Mai Thái Lan:

01.02 – 05.02: Khoá tu dành cho người nói tiếng Việt

21.02 – 26.02: Đại Giới Đàn Tánh Thiên

24.03 – 28.03: Khoá tu dành cho thầy cô giáo

02.04 – 23.04: Chương trình xuất gia gieo duyên Đức Bụt Trẻ Thơ dành cho trẻ em Thái (3 tuần)

12.04 – 16.04: Khoá tu gia đình dành cho người Thái Lan

03.05 – 07.05: Khoá tu Wake Up Quốc tế 10.05.2017: Lễ Phật Đản

12.05 – 14.05: Khoá tu Làm Vườn trong chánh niệm

23.06 – 27.06: Khoá tu cho người nói tiếng Việt

09.07 – 05.10: Khoá An cư kiết Hạ và chương trình 3 tháng xuất gia gieo duyên dành cho người Thái và các nước phụ cận

16.10 – 20.10: Khoá tu dành cho thiếu niên (Teens)

21.10 – 23.10: Khoá tu Doanh Nhân (tại Resort Kirithantip)

09.11 – 12.11: Khoá tu cho những người làm Công tác Xã hội

22.11 – 07.12: Hoằng pháp tại Chiang Mai

09.12 – 13.12: Khoá tu chăm sóc sức khoẻ cộng đồng vùng châu Á Thái Bình Dương

14.12 – 17.12: Khoá tu Làm Vườn trong chánh niệm

25.12 – 01.01.2018: Khoá tu dành cho chúng chủ trì và Tình nguyện viên vùng châu Á Thái Bình Dương

Xin vào trang nhà của Trung tâm để xem chi tiết: www.thaiplumvillage.org

 

Tại Tu viện Lộc Uyển:

29.03 – 02.04: Khoá tu Tiếp Hiện

26.04 – 30.04: Khoá tu Wake-up 14.05: Lễ Phật Đản

28.06 – 02.07: Khoá tu Gia đình

18.05 – 23.07: Chương trình cắm trại trong chánh niệm dành cho thiếu niên (Teens) Xin vào trang nhà của Tu viện để xem chi tiết: www.deerparkmonastery.org

 

Tại Tu viện Bích Nham:

19.04 – 23.04: Khoá tu Tiếp Hiện “Vững chãi như núi xanh” 07.05: Lễ Phật Đản

17.05 – 21.05: Khóa tu dành cho người da màu

02.06 – 04.06: Khoá tu Nấu ăn trong chánh Niệm

14.06 – 18.06: Khoá tu Wake Up dành cho người trẻ

01.07 – 07.07: Khoá tu mùa Hè

19.07 – 23.07: Khoá tu dành cho các nhà Giáo dục

23.08 – 27.08: Khóa tu dành cho người nói tiếng Anh

30.08 – 03.09: Khóa tu dành cho người nói tiếng Việt 23.11: Lễ Thanksgiving

24.12: Lễ Giáng sinh

28.12.2017 – 01.01.2018: Khoá tu cuối năm

Xin vào trang nhà của Tu viện để xem chi tiết: www.bluecliffmonastery.org

 

Tại Tu viện Mộc Lan:

Khoá tu trong Tu viện:

10.03 – 12.03: Khoá tu Nấu Ăn

29.03 – 02.04: Khoá tu dành cho học sinh Trung học

21.04 – 23.04: Khoá tu Wake-up dành cho người trẻ từ 18-35 tuổi

04.05 – 07.05: Khoá tu Tiếp Hiện và Lễ Phật Đản

25.05 – 28.05: Khoá tu dành cho người trong chương trình “12 Step Programs”

08.06 – 11.06: Khoá tu dành cho các chuyên gia Giáo dục – “Thầy cô giáo hạnh phúc làm thay đổi thế giới”

01.07 – 05.07: Khoá tu mùa Hè 22.07: Open House

27.08: Lễ Bông hồng cài áo

10.10- 15.10: Khóa tu (cùng với tăng đoàn quốc tế Làng Mai)

22.11 – 24.11: Khoá tu cuối tuần Thanksgiving

28.12 – 01.01.2018: Khoá tu cuối năm với chủ đề “Gieo trồng hạt giống của niềm vui”

 

Các khoá tu ngoài Tu viện:

Chuyến hoằng pháp Việt Wake Up tại Bắc Mỹ:

09.03 – 12.03: Toronto, Canada

16.03 – 19.03: Chicago, IL

23.03 – 26.03: Seattle, WA

30.03 –  02.04: Honolulu, HI

28.04 – 30.04: Khoá tu cuối tuần tại Cincinnati, Ohio

20.05: Ngày quán niệm tại Little Rock, AR 17.06: Ngày quán niệm tại Memphis

07.10: Sinh hoạt chánh niệm tại Memphis (cùng với tăng đoàn quốc tế Làng Mai) Xin vào trang nhà của Tu viện để xem chi tiết: www.magnoliagrovemonastery.org

 

Bắc Mỹ:

16.08 – 09.11: Hoằng pháp tại Bắc Mỹ (New York, Mississippi, California) Xin xem chi tiết tại trang: www.tnhtour.org/tour_dates

 

Tại Tu viện Nhập Lưu – Úc:

12.02.2017: Ngày quán niệm cho người Việt tại Melbourne

22.02 – 01.03.2017: Hoằng pháp tại Adelaide

12.03.2017: Ngày quán niệm tại Tasmania (cho người nói tiếng Anh)

16.03 – 20.03.2017: Lễ Hằng Thuận và 2 ngày quán niệm cho người nói tiếng Việt tại Brisbane.

07.04 – 09.04.2017: Khoá tu tại Adelaide

14.04 – 17.04.2017: Khoá tu tại Sydney

21.04 – 23.04.2017: Khoá tu tại Melbourne

28.04 – 01.05.2017: Khoá tu tại Brisbane 07.05.2017: Lễ Phật đản

01.06 – 29.08.2017: Khoá tu An cư kiết Đông 03.09.2017 : Lễ Bông Hồng Cài Áo

21.09 – 26.09.2017 : Khoá tu tại khu nghĩ dưỡng Cave Hill Creek

(do quý thầy, quý sư cô AIAB và Nhập Lưu tổ chức)

22.10.2017: Lễ giỗ Tổ Khương Tăng Hội

Xin vào trang nhà của Tu viện để xem chi tiết: www.nhapluu.org

 

Thầy luôn ở trong con

Thầy thương kính,

Lâu lắm rồi, con không còn viết thư thăm Thầy. Hôm nay nghe tin Thầy đang tập đọc nên con viết lá thư này mong rằng Thầy sẽ đọc được lá thư của con.

Mùa đông này là mùa đông thứ ba con ở tu viện Bích Nham rồi đó thưa Thầy. Mùa đông năm nay lạnh hơn nhiều so với năm trước. Tu viện Bích Nham năm nay có 22 sư cô và 2 em tập sự xuất gia cùng an cư. Nghe sư em trụ trì nói năm nay là năm mạnh nhất của xóm Hạc Trắng, vì toàn là những sư cô còn rất trẻ, chỉ có con là “tra” nhất thôi Thầy ạ.

Mùa an cư này các sư em nhỏ bầu con làm giám niệm. Con nghĩ: “Là một sư chị lớn đã đủ mệt rồi, bây giờ lại thêm chức giám niệm nữa!”. Các em nói: “Sư mẹ lớn nhất làm giám niệm là đúng rồi”. Con yêu cầu các em nên tham gia sinh hoạt đầy đủ, nếu vắng mặt quá ba lần mà không có lý do chính đáng thì phải ra sám hối. Con làm bảng để theo dõi mọi sinh hoạt của các em. Mỗi ngày con đều quan sát sự sinh hoạt của các em có đều đặn hay không, để chấm vào bảng thực tập. Chao ôi, đôi mắt của con đã biến thành cái máy CCTV (camera quan sát) mất rồi!

Đầu mùa an cư, năng lượng thực tập của đại chúng lên rất cao, không biết vì tự giác hay vì các em sợ sám hối. Hôm nay đã là tuần thứ ba của mùa an cư và năng lượng tu học của đại chúng vẫn rất cao. Dù bên ngoài trời mưa, giông, gió, tuyết nhưng mọi người đều có mặt đầy đủ, chỉ trừ những vị bị bệnh thôi.

Ngày 14 tháng 12, có lễ xuất gia cho ba em: chú John là tập sự ở Lộc Uyển và hai em gái Katherine (người Mỹ) và Thanh Tâm (người Việt) tập sự ở Bích Nham. Con được biết đây là lễ xuất gia thứ hai được tổ chức tại Bích Nham. Lần đầu tiên là gia đình cây Mướp Hương do Thầy làm lễ, có hai em xuất gia. Lần này, chúng con được phép đại diện Thầy làm lễ xuất gia cho các em. Con thấy chúng con thật sự đang thực hiện những hoài bão mà Thầy mong muốn – tiếp nối sự nghiệp của Thầy. Chúng con – các sư cô trong Ban giáo thọ – cùng ngồi lại đặt tên cho hai em rất vui. Khi buổi lễ xuất gia diễn ra thì thầy Pháp Hải, sư cô Giới Nghiêm và con đại diện đại chúng cùng làm lễ cạo tóc cũng như truyền y cho các em. Mặc dù thầy Pháp Hải được mời đến từ tu viện Lộc Uyển, và ba tu viện Làng Mai ở Mỹ cách xa nhau, nhưng chúng con xem nhau như một nhà. Nhìn lại diễn tiến buổi lễ, con thấy chúng con không làm với tư cách một cá nhân mà cùng làm với nhau như một cơ thể, thật mầu nhiệm.

Thầy ơi! Trong khi làm việc chung, đôi khi vì vụng về, mất chánh niệm, chúng con thấy mình vẫn còn gây cho nhau sự hiểu lầm và làm khổ lòng nhau. Nhưng may nhờ có pháp môn làm mới, thực tập nói lời ái ngữ và lắng nghe sâu; cùng với ý thức gìn giữ tình huynh đệ, không ai muốn làm khổ ai, nên chúng con đã bỏ qua những sai sót của nhau trong khi làm việc. Con rất biết ơn Thầy đã đưa đường chỉ lối cho chúng con trong cuộc đời, giúp cho chúng con giữ mãi lý tưởng xuất gia, nuôi lớn tình huynh đệ, phụng sự và độ đời.

Sáng nay phòng con có thêm thành viên mới, đó là sư em Trăng Hoàng Yên. Trong gia đình cây Mai Vàng, sư em là người đứng thứ 20 nhưng ở Bích Nham thì sư em là nhỏ nhất. Chính vì vậy mà sư em rất được “cưng”. Lớn lên ở Mỹ nên sư em nói tiếng Mỹ giỏi hơn tiếng Việt. Sư em rất hồn nhiên và cũng rất khéo tay. Ngày lễ Noel, sư em đã cắt những tấm hoa tuyết rất đẹp. Phòng con, từ ngày có sư em, luôn có tiếng cười rộn rã. Sư em Cẩn Nghiêm cũng ở chung phòng, sư em rất có duyên và biết chơi với các sư em trẻ, nên nhiều sư em quý sư chị Cẩn Nghiêm lắm.

Ngày làm biếng, hai sư em rủ con đi rừng chơi. Chúng con mang theo trà và đi xuống con suối nhỏ. Hai sư em lấy một miếng ván bắc cầu ngang qua dòng suối, chúng con trải chiếu và ngồi trên miếng ván. Con bắt đầu pha trà cho ba người. Thấy con hơi chật vật nên các sư em khiêng những viên đá phẳng làm cái bàn trà ngay bên dòng suối. Ánh nắng nhẹ xuyên qua những hàng cây khô, khí trời lành lạnh của mùa đông, tiếng suối chảy róc rách, khung cảnh thật đẹp. Ngồi yên, cầm ly trà nóng trên tay con thưởng thức hương vị của trà và lắng nghe tiếng suối, lắng nghe tiếng nói cười của các sư em. Con thấy mình đang hạnh phúc vô cùng! Con đã nếm được hương vị của “Hiện pháp lạc trú” là như thế nào. Trong giây phút ấy, con hoàn toàn không thấy một chút lo âu, phiền muộn nào nữa cả.

Nhớ đến Thầy, con ước gì Thầy có mặt ở đây để cùng chúng con thưởng thức cái đẹp của cõi tịnh độ Bích Nham. Thầy ơi, Thầy còn nhớ tới bài hát của bác Tư không? “Mời bạn hãy nâng ly trà, tình bạn sẽ luôn đậm đà…”. Con kính dâng Thầy một ly trà Xuân thật thơm. Thầy trò mình cùng tận hưởng núi rừng thiên nhiên, cùng chúng con thưởng thức hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Thầy luôn có mặt đó trong con, dù bất cứ ở đâu và hoàn cảnh nào. Và con biết Thầy sẽ hạnh phúc biết bao khi thấy tình huynh đệ của chúng con ấm áp, dù tiết trời mùa đông đang rất lạnh.

Con của Thầy,

Chân Hoa Nghiêm.

Đỉnh của tuyệt vời

Buông hết không gian
Tôi thấy mình có ở nơi này, nơi nọ
Thời gian oằn mình co cụm
Khi buổi chiều vương trên cát,
Con sóng dài buổi sớm biển khơi!
Nếu hành trình này ta tiếp tục đi
Có được không mời vầng mây đứng lại
Cho bầu trời trong,
Thoả phiêu bồng đôi mắt
Vì tim còn đó những ngắn dài
Ngôi sao ban ngày vẫn sáng
Để những mảnh đời thắp lại chút tình cao!
Lá cây trân quý nhau
Hát ca về lại với vô cùng ngày cuối
Hàng rào hoa vàng lưu dấu
Những ánh mắt người
Dù hờ hững, trân quý, những lần qua!
Tôi ngồi đây,
Nỗi đau như giọt sương
Trưa nay tan để sáng mai đọng lại
Câu hỏi lớn đã đôi lần gõ cửa 
Thế nào là cao cả,
Nơi đâu là đỉnh của tuyệt vời?
Thương cho trọn là chi,
Dụng ý gì trong tuổi trẻ?
Bất ngờ quá!
Chỉ là một trong veo buổi sớm
Một vực trà
Nhoẻn nụ cười tháng tư
Và…
Ngồi yên không rong ruổi!
Bạn còn giữ không
Những cánh đồng xa vắng
Những tiếng chim đầy
Tuổi thơ vi diệu…
Hay là tiếng thở dài trăn trở
Mặt trời lên có ngắm
Ước mơ dang dở có thành?
Tôi thì chỉ giữ hôm nay,
Giữ hôm nay cho bạn
Còn kịp hỏi han một đoá hoa thân thiện
Mọi thứ ở đây rồi,
Có hết những đỉnh ngời mà tôi muốn vươn lên!

Hạt tương lai vừa thấm nhuận hồng ân

Đến Làng Mai tu học gần hai năm, thầy Đồng Trí có nhiều niềm vui và lợi lạc trong đời sống của người xuất sĩ. Hiện tại, thầy đang thị giả Sư Ông ở Tu viện Vườn Ươm với rất nhiều hạnh phúc. Đây là lá “thư tình” đầu tiên của thầy gởi tới Sư phụ của mình, sau gần 19 năm xuất gia.

 Xóm Thượng, ngày… tháng… năm…

Kính bạch Thầy!

Sáng nay, suốt thời gian ngồi thiền 45 phút, hình ảnh của Thầy đi lên trong đầu con và con cứ dõi theo một cách tự nhiên mà không dùng hơi thở chánh niệm để dừng lại suy tư như cách con thường làm.

Sau giờ ngồi thiền, con đi thiền hành ngoài trời nơi con đường nhỏ trải sỏi. Con đường đẹp và bình yên lắm Thầy à. Đẹp và bình yên cả lúc sáng sớm, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối. Con theo dõi hơi thở, có ý thức từng bước chân và con cũng thấy rất rõ Thầy đang đi thiền hành với con, trên môi Thầy mỉm một nụ cười rất sâu và thầm lặng. Lúc đó, một cách rất tự nhiên, nước mắt con chảy dài. Con đã khóc trong niềm vui vì con thấy Thầy đã thật sự có trong con!

Sự sống đang vận hành. Cảnh vật thiên nhiên bên này khác hẳn so với quê nhà. Có những khi con đứng ngắm bầu trời, thấy những hiện tượng xảy ra rất lạ đối với con. Đã 10 giờ đêm rồi mà trời vẫn còn sáng, một bên thì mặt trời lặn và một bên thì trăng tròn ngày rằm đang lên. Đứng trước hiện tượng như vậy con thấy rất vui. Như thế này thì kể cho mọi người ở quê nhà làm sao mà tưởng tượng ra và tin cho được. Cây cối cũng vậy. Khi mùa đông đến, nhìn vào những khu rừng, tưởng chừng như những thân cây kia đã chết khô, chỉ còn là bộ xương đứng trơ trọi, chịu đựng cái giá rét của mùa đông, nhưng khi xuân về thì chúng đâm chồi nảy lộc thật nhanh. Lúc đó, con chỉ thầm nói “đúng là đến để mà thấy”, chứ diễn tả bằng lời khó mà hình dung ra được.

Bạch Thầy, con biết Thầy đã hy sinh và tạo rất nhiều thuận duyên cho con. Thầy đã cho con ra Huế học và con đã tốt nghiệp Phật học viện. Sau đó, con lại vào Sài Gòn học thêm một năm nữa, rồi được Thầy đồng ý cho đi du học Đài Loan một năm, và cuối cùng con lại xin phép Thầy được qua Làng Mai nước Pháp để thực tập pháp môn chánh niệm thì Thầy cũng hoan hỷ. Trong khoảng thời gian này, mặc dù ở chùa huynh đệ không có nhiều nhưng Thầy vẫn cho con đi tìm cầu học hỏi. Thầy đã hy sinh rất lớn để cho con được trọn vẹn ý nguyện của mình.

Thầy thương kính, trong buổi ngồi thiền, con thấy rất rõ nụ cười của Thầy. Nụ cười ấm áp ấy con đã nhận được trong những buổi hầu trà Thầy. Bây giờ, nụ cười ấy đã lên đường và đi luân hồi rất rõ trong tâm con. Đó là một sự luân hồi đẹp, phải không bạch Thầy. Con ý thức rất rõ, chỉ bằng sự thực tập có phẩm chất con mới có thể tiếp nối gia tài tâm linh mà Phật, chư Tổ và Thầy đã truyền trao lại cho con. Con biết, chỉ có phẩm chất tu học mới chính là hoa trái quý báu nhất con dâng lên Thầy để báo đáp thâm ân Thầy đã sinh con ra trong gia đình tâm linh này. Con nguyện tiếp nối thật đẹp để xứng đáng tình thương và sự yểm trợ của Thầy.

Con muốn ghi lại những gì đã đi lên trong lòng con sáng nay khi nhớ về Thầy. Thầy ơi, Thầy đi dạo quanh vườn chùa thì Thầy cho con thăm hai cây bồ đề – hai vị hộ pháp lớn cho chùa mình. Cho con thăm từng ngóc ngách, từng mảnh vườn, từng bia tháp ở chùa tổ Thiền Lâm. Tất cả những nơi đó đều rất quen thuộc và gắn bó với cuộc đời con.

Vài lời kính thăm Thầy. Con kính chúc Thầy luôn có sức khoẻ. Chỉ còn mười ngày nữa là đến ngày giỗ Tổ, con xin kính lễ.

Làng Mai, cuối xuân,

Đệ tử của Thầy!

Lớp học vui vẻ

(Con đường đến với Wake Up Schools)

Thầy kính thương,

Tuần trước con được tham gia khóa bồi dưỡng dành cho giáo chức tại chùa Sơn Hạ, xóm Thượng, trong dịp Làng Mai tổ chức khóa tu năm mới 2017 cho thiền sinh quốc tế. Dịp cuối năm thiền sinh về Làng rất đông. Nhờ sự yểm trợ đắc lực của thầy Pháp Lưu và nhóm Wake Up Schools mà những người hoạt động trong ngành giáo dục và những ai có quan tâm tới chương trình đem chánh niệm vào giáo dục có cơ hội đến với nhau cùng thực tập các pháp môn căn bản như nghe chuông, ngồi thiền, thiền hành, thiền ăn, thiền buông thư, nghe pháp thoại, thực tập ái ngữ và lắng nghe. Trong buổi hướng dẫn tổng quát, thầy Pháp Lưu (người Mỹ) và thầy Bảo Tạng (người Indonesia) đã chia sẻ với khoảng 40 thiền sinh đến từ nhiều nước: Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Ý, Nhật, Mỹ, Bolivia, Hà Lan, Đức, Bỉ, Columbia, v.v.. về thực tập chánh niệm trong trường học và những lời dạy của Sư Ông dành riêng cho các vị giáo chức. Chúng con có cơ hội thực tập trở về với chính mình trong giây phút hiện tại để học cách lắng nghe, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau và chế tác niềm vui. Sư Ông thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thân giáo. Chúng con ý thức được rằng chỉ khi nào chúng con biết tự chế tác hạnh phúc và an lạc trong thân tâm thì mới có thể hiến tặng sự tươi mát và có mặt thật sự cho học sinh của mình.

Ngoài thời khóa bình thường của một khóa tu chánh niệm thì trong tuần qua chúng con còn có cơ hội học cách giới thiệu các trò chơi vừa vui, vừa có tính giáo dục và tính thiền, cũng như học cách giới thiệu các pháp môn căn bản như nghe chuông, theo dõi hơi thở, ngồi thiền, và thiền hành cho học sinh. Ngoài ra, chúng con còn được tham dự một buổi vấn đáp với quý thầy có nhiều kinh nghiệm đưa chánh niệm vào học đường như: thầy Pháp Lai, thầy Pháp Lưu, thầy Bảo Tạng và thầy Bảo Tích. Thiền sinh  được  đặt câu hỏi về cách ôm ấp và chuyển hóa những cảm xúc mạnh, cũng như về cách xử lý các tình huống trong lớp học khi có học sinh gây rối, hoặc cách tiếp cận với ban giám hiệu để xin phép giới thiệu thực tập chánh niệm trong lớp học. Các vị giáo chức đều rất phấn khởi khi được nghe những chia sẻ vừa sâu sắc vừa thực tế từ quý thầy.

Vào buổi chiều cùng ngày có bốn vị giáo chức được mời thuyết trình trước đại chúng về kinh nghiệm thực tập và giảng dạy các lứa tuổi khác nhau từ mầm non đến đại học; cũng như kinh nghiệm xây dựng tăng thân trong bối cảnh bốn nước khác nhau: Hà Lan, Pháp, Singapore và Tây Ban Nha. Sau đây, con xin chia sẻ cuộc hành trình mười năm học hỏi, chuyển hóa thân tâm, cũng như đổi mới cách giảng dạy và đóng góp xây dựng tăng thân của con.

Truyền thông bằng trái tim

Tháng Tư năm 2007, lần đầu tiên con được gặp Sư Ông và tăng thân tại khách sạn Melia Hà Nội. Hồi đó, con đang giảng dạy bộ môn tiếng Anh  và giao thoa văn hóa tại một trường đại học ở Hà Nội. Bài pháp thoại của Sư Ông: “Làm thế nào để tìm được sự bình an và hạnh phúc đích thực” đã đánh động tâm con sâu sắc. Lần đầu tiên con nhận ra rằng: con không cần phải chạy đến tương lai để có hạnh phúc, mà chỉ cần trở về với giây phút hiện tại, nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Trong buổi vấn đáp, con đã được đặt một câu hỏi với Sư Ông về cách truyền thông với những người có văn hóa và tôn giáo khác nhau. Câu trả lời ý nghĩa của Sư Ông về “truyền thông bằng trái tim” từ đó đã trở thành kim chỉ nam hướng dẫn con trong cách hành xử và giao tiếp hàng ngày. Lời dạy “truyền thông bằng trái tim” càng đặc biệt có giá trị khi con chuyển sang sống và làm việc tại Singapore – nơi mà đồng nghiệp và sinh viên đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Câu danh ngôn của nhà hiền triết Aristotle: “Giáo dục trí năng mà không giáo dục tấm lòng thì không phải là giáo dục” (Educating the mind without educating the heart is no education at all) cũng là kim chỉ nam hướng dẫn con trong phương pháp giảng dạy và thiết kế chương trình học cho sinh viên.

Trước khi bắt đầu một học kỳ mới, con thường lắng nghe nhu cầu học tập, mong đợi của các em sinh viên khi tham gia khóa học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Sau đó, con thiết kế các hoạt động trong lớp cũng như ngoại khóa phù hợp để có thể đạt được ba mục tiêu chính: am hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam; hiểu về thói quen, sở thích và quan điểm sống của các bạn cùng lớp và hiểu về chính mình. Con thường nhấn mạnh cho các em biết mục tiêu thứ ba là quan trọng nhất. Bởi vì đó là nền tảng để hiểu thế giới xung quanh.

Khi chuyện trò với các đồng nghiệp đến từ khắp năm châu, con thường nhắc nhở mình áp dụng cách giao tiếp bằng trái tim. Phần lớn các đồng nghiệp của con đều sống xa nhà, làm việc trong một môi trường nhiều áp lực, nên nhiều khi họ cảm thấy trống trải vì không có liên hệ thực sự với những người xung quanh mình. Trên con đường đi tìm hạnh phúc qua sự nghiệp, do phải chịu quá nhiều áp lực cạnh tranh để giữ vị trí số một, nhiều người đã phải trả giá đắt. Khi mang chứng bệnh trầm cảm hoặc suy nhược về sức khỏe, họ đã không còn hứng thú với công việc nữa.

Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương

Con về Làng lần đầu vào một ngày giữa tháng 7 năm 2012. Lúc đó, con mới được xuất viện, mệt mỏi cả thân lẫn tâm, nhưng nhờ được thực tập hơi thở, nghe chuông, ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm chánh niệm,… con dần dần bình phục. Khi được nghe Sư Ông giảng về hạnh lắng nghe của đức Bồ tát Quán Thế Âm, con đã rất xúc động. Tham dự các buổi pháp đàm, con càng thấm thía một điều là chỉ cần biết lắng nghe sâu thôi thì cũng đã làm vơi nhẹ nỗi đau trong lòng rồi. Con phát nguyện thọ năm giới, và nguyện thực tập thật tốt giới thứ tư “Ái ngữ và lắng nghe”, để hiểu được chính mình, các bạn đồng nghiệp, cũng như các em sinh viên.

Trong môi trường giáo dục con đang sống và làm việc cũng có rất nhiều sự cạnh tranh và căng thẳng. Ai cũng muốn là số một, và vì vậy đã gây ra bao nhiêu nỗi khổ niềm đau. Rất đông sinh viên và đồng nghiệp   của con cảm thấy cô đơn, mệt mỏi. Các em sinh viên thiếu tự tin vì luôn cảm thấy mình cố gắng thế nào cũng không bao giờ đủ. Ít ai có thời gian ngồi lại chia sẻ và lắng nghe nhau. Con có cảm giác trên đường đua đến vị trí số một, ai cũng đói hiểu và đói thương. Mấy năm gần đây, trường con được xếp hạng số một châu Á về chất lượng nghiên cứu và giảng dạy. Nhưng tiếc thay, càng ngày càng có nhiều sinh viên bị các chứng rối loạn về tâm lý cần được sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý. Do đó, con muốn thực tập giới thứ tư, nói lời tích cực để tưới tẩm hạt giống tốt lành, để lắng nghe và hiểu các em. Thật may mắn và hạnh phúc khi con được nhận Năm giới quý báu.

Trở lại Singapore sau khóa tu mùa Hè, con tiếp tục thực tập những gì con đã học được ở Làng. Mỗi ngày, con tự nhắc mình chú ý theo dõi hơi thở và tập đi những bước nhẹ nhàng, thảnh thơi. Tuy nhiên, cuộc sống bận rộn và căng thẳng cứ kéo con đi. Con giống như một giọt nước đang bốc hơi ngay giữa trưa hè oi bức. Vài tháng trôi qua, sự thực tập của con không còn được tinh tấn như trước, nhưng có một điều con vẫn đặc biệt chú trọng thực tập mỗi ngày, đó là giới thứ tư – ái ngữ và lắng nghe. Sau mỗi ngày làm việc, con tập ngồi yên và lắng nghe chính mình. Mỗi lần tới với các em sinh viên, con đều tập lắng nghe những khó khăn, thách thức, áp lực của các em. Khi giảng dạy, con cũng chú ý nói những lời có tính khích lệ động viên để tưới tẩm những hạt giống tốt lành trong các em.

Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới

Về Làng dự khoá tu 21 ngày vào tháng 6 năm 2014, con may mắn được nghe quý thầy giới thiệu về phong trào “Wake Up School” – mang chánh niệm vào trường học. Đó là lần đầu tiên con được nghe về chương trình này. Ngay sau buổi đó, con đã viết thư cho Sư Ông, chia sẻ rằng con đã tìm được khát vọng sâu sắc nhất trong tâm mình. Đó là đem chánh niệm vào trường học. Nhưng con chưa biết phải bắt đầu từ đâu? Con nhớ sư cô Chân Không đã gặp con và nói: “Sư cô đã đọc thư của con rồi. Bức thư con viết dễ thương lắm. Con có thể bắt đầu bằng việc xây dựng một tăng thân”.

Nghe sư cô chia sẻ, con như được tiếp thêm năng lượng và cảm hứng. Con biết ngọn lửa phụng sự bắt đầu được thắp sáng trong tâm. Tuy nhiên, thời gian đầu con thấy khá lúng túng và thiếu tự tin. Con chưa có nhiều kinh nghiệm thực tập và hướng dẫn thiền tập trước đám đông thì làm sao có thể xây dựng tăng thân? Về Singapore, con kết nối được với tăng thân trẻ Joyful Garden Sangha – tăng thân “Khu vườn vui vẻ”. Con bắt đầu sinh hoạt với tăng thân này và từng bước tham gia hướng dẫn thiền tập trong ngày quán niệm hàng tháng. Dần dần, con có thêm tự tin và động lực để bắt đầu xây dựng một tăng thân tại trường   đại học nơi con làm việc. Con đường giới thiệu chánh niệm vào trường học của con đã bắt đầu  từ lớp tiếng Việt, sau đó phát triển dần ra câu lạc bộ chánh niệm cho sinh viên, và câu lạc bộ chánh niệm cho giáo viên.

Cô giáo hạnh phúc và lớp học vui vẻ

Mỗi sáng thức dậy, con theo dõi hơi thở với bài kệ Thức dậy. Con tập sống trọn vẹn và sống vui từng ngày, không để công việc kéo mình đi nữa. Con tự nhắc mình theo dõi hơi thở và bước chân mỗi khi đi bộ tới văn phòng và lớp học. Sự thực tập này giúp con tiếp xúc với giây phút hiện tại, để có thể hiến tặng sự có mặt đích thực của mình cho các em sinh viên. Con muốn mình có mặt thực sự khi các em vào lớp nên thường tới phòng học mười phút trước khi giờ học bắt đầu. Con cho các em năm phút im lặng trước mỗi tiết học để tập buông thư. Có khi con giới thiệu với các em một bài hát Việt để các em có thể vừa thư giãn vừa học. Con tạo cơ hội cho các em chia sẻ niềm vui trong tuần, để nhắc nhở rằng dù có bao nhiêu bài tập và bài thi, mình vẫn có thể có những giây phút vui vẻ và thư giãn. Con cũng tạo giờ tập nói, giúp các em học cách chia sẻ và lắng nghe chính mình, hiểu chính mình và hiểu nhau hơn. Cứ thế mỗi ngày, con thực tập chế tác hạnh phúc và cùng các em sinh viên có những lớp học vui vẻ.

Câu lạc bộ chánh niệm sinh viên

Sau thành công của chương trình “Phật giáo ở châu Á” trong chuyến đi Việt Nam năm 2015, các em sinh viên đã thân nhau hơn nên muốn tiếp tục gặp nhau thực tập chánh niệm hàng tuần. Thế là các em quyết định thành lập Câu lạc bộ chánh niệm sinh viên (Mindfulness Interest Group) để giới thiệu việc thực tập chánh niệm tới các bạn khác trong trường. Con rất vui khi nhận lời mời làm cố vấn cho các em. Các em thường gặp nhau vào tối thứ Tư hàng tuần, cùng nhau ăn tối trong im lặng rồi ngồi thiền, đi thiền, thiền buông thư, hoặc thực tập chia sẻ và lắng nghe sâu. Có một số em thấm được giá trị của việc thực tập (giúp các em thư giãn trước khi có bài thi lớn, giúp các em hiểu chính mình và kết nối với các bạn tốt hơn, v.v.) nên đã mời các bạn đến tham gia. Vì vậy, gần như tuần nào câu lạc bộ chánh niệm cũng có thành viên mới tham dự. Vào cuối mỗi học kỳ, con cùng với một đồng nghiệp dạy môn Tâm lý học chánh niệm (Psychology of mindfulness) tổ chức buổi ngồi thiền công cộng (Mindfulnesss flash mob) thu hút các em sinh viên và nhân viên của trường đến tham gia. Con rất vui khi dần dần gieo được hạt giống chánh niệm trong trường.

Cộng đồng thực tập chánh niệm

Cuối năm 2014, con đã cùng với một số đồng nghiệp tổ chức câu lạc bộ chánh niệm cho giảng viên và người nhà của họ trong khuôn viên khu tập thể của trường. Chúng con gặp nhau mỗi tối thứ Sáu để thực tập ngồi thiền, mười động tác chánh niệm, thiền buông thư, thiền ăn hoặc chia sẻ. Những người tham gia phần lớn là người Mỹ hoặc đã từng nghe về chánh niệm khi sống ở Mỹ. Dần dần, có thêm người ở các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, v.v. Mọi người rất vui khi có cơ hội ngồi lại với nhau cùng thực tập để buông thư toàn thân sau một tuần làm việc căng thẳng. Nhiều đồng nghiệp của con rất vhạnh phúc khi được học thiền buông thư, và đã ngủ ngon hơn sau mấy tuần bị mất ngủ. Một số đồng nghiệp bày tỏ ý muốn giới thiệu việc thực tập cho con cái ở nhà để giúp các cháu bớt căng thẳng  vì  áp  lực  học  đường. Thế  là  chúng con quyết định mở lớp “Thiền tập cho trẻ em” mỗi tháng một lần.

Con vẫn nhớ buổi thực tập đầu tiên có hơn mười người tới, em bé nhất chỉ mới hai tuổi đi cùng với mẹ, còn em trai lớn nhất khoảng mười một tuổi. Lúc đầu, con hơi lo lắng, không biết giới thiệu việc thực tập thế nào cho hợp lý vì trong nhóm có cả người lớn, trẻ em lẫn thiếu niên. Sau đó, con nghĩ quan trọng nhất là tưới tẩm hạt giống hạnh phúc, nên con bắt đầu bằng bài hát “I like the roses” (Tôi yêu những đóa hồng). Các cháu rất thích bài này nên học hát và làm các động tác rất nhanh. Sau đó, con bảo các cháu tự đặt lời mới cho bài hát bằng cách chọn một loại trái cây mà các cháu thích, làm động tác miêu tả trái cây đó rồi cho cả nhóm làm theo. Các cháu rất hứng khởi và thay nhau hát lời mới: “I like the mango/ I like strawberry/ I like bananas…” (Tôi yêu trái xoài/ Tôi yêu quả dâu/ Tôi yêu trái chuối). Có nhiều động tác rất dễ thương nên mọi người vừa hát vừa cười. Vui ơi là vui! Sau khi hát, con cho các cháu đứng thành vòng tròn rồi bắt đầu nghe chuông và thở. Các cháu rất thích nghe chuông và đếm hơi thở của mình. Sau đó con giới thiệu các cháu một số động tác chánh niệm, và kết thúc bằng việc giới thiệu thiền cam. Buổi thực tập đầu tiên đó rất vui nên sau đó chúng con quyết định tổ chức hai tuần một lần. Càng ngày càng có nhiều cháu nhỏ và phụ huynh cùng tham dự. Sau buổi thực tập cuối cùng trước khi con đi sang Pháp, một bé trai người Pháp sáu tuổi, thường đến thực tập cùng mẹ và em gái hai tuổi, nói với con: “Cô yên tâm. Cô sắp đi xa nhưng cuối tuần này cháu sẽ hướng dẫn em gái cháu thở!”. Câu nói đó làm con thấy rất hạnh phúc.

Con nhớ hồi khóa tu mùa Hè năm 2013, trong buổi pháp thoại cho người Việt, Sư Ông có chia sẻ là Sư Ông rất hạnh phúc khi mỗi ngày có dịp tưới tẩm hạt giống tốt trong người khác. Và Sư Ông có nhắc con: “Một ngày nào đó con sẽ tiếp tục cho Thầy”. Ngẫm lại con đường của con mười năm qua, con thấy mình hạnh phúc khi được học cách sống hạnh phúc và chia sẻ điều đó với những người xung quanh.

Dấu ấn của tình thương

Em à,

Em có biết không, thư này tôi viết cho em đến gần bốn năm mới hoàn tất đó.

Tôi đã bắt đầu viết từ năm 2013, rồi bỏ lửng đến hôm nay mới có dịp viết tiếp. Khi mới viết, tôi thấy nó sao sao ấy, nó hơi non non, như ổi còn chát, như chuối còn xanh, và tôi không có cảm hứng để viết tiếp. Thật là có lỗi với em lắm lắm! Cho đến ngày hôm nay tôi mới gửi những dòng này đến em.

Cuối năm 2012, trong dịp lễ Giáng sinh, tôi nhận được một món quà khi đại chúng chơi trò Ông già Noel bí mật (Secret Santa). Em có biết trò chơi này không? Năm nào chúng tôi cũng chơi trò này. Tên của tất cả mọi người, kể cả thiền sinh, được ghi trên từng mảnh giấy riêng rẽ, rồi được bỏ vào chuông hay vào một cái hộp. Mình bốc trúng tên của ai thì chỉ mình biết thôi và mình chuẩn bị một món quà cho người đó. Món quà sẽ được bỏ dưới gốc cây thông Noel, dán tên của người đó. Đến ngày 25 tháng 12, đại chúng dùng sáng chung rồi sẽ có một ông già Noel cười “Ho, hoh, hoh” ra phát quà cho đại chúng. Phát tượng trưng thôi vì đại chúng đông lắm. Sau đó ai cũng sẽ nhận được ít nhất là một món quà. Đó là món quà của ông già Noel bí mật.

Món quà tôi nhận được năm đó là một viên đá màu trắng, ở trên có ghi chữ “nhẫn” bằng mực tàu, viết theo kiểu thư pháp của Sư Ông. Làng Mai có nhiều người viết chữ rất giống Sư Ông, nên tôi chắc đó là nét chữ của một thầy hay một sư cô nào đó. Tuy vậy, tôi vẫn thầm nghĩ biết đâu đó là quà từ Sư Ông? Đó cũng là một cách thực tập đó em, để tưới tẩm cho hạnh phúc trong mình lớn hơn. Tôi thích món quà đó lắm dù đó là của ai. Thích cho đến nỗi tôi đã viết thư cho em để “thử” chia sẻ về chữ “nhẫn”. Tôi thấy thú vị lắm! Tuy biết rằng còn lâu tôi mới thực hiện được hạnh nhẫn nhục ba la mật nhưng tôi cũng thử bàn về chữ “nhẫn” trong cái thấy và cái làm còn hạn hẹp của tôi.

Trong tiếng Việt, chữ “nhẫn” thường đi đôi với chữ “nhịn”, hay chữ “nhục”. Ngoài ra còn nhẫn nại, kiên nhẫn, ẩn nhẫn nữa. Tóm lại, một người được nói đến kèm với một trong những từ có chữ nhẫn nói trên, đối với tôi, là một người “đáng nể”. Tại sao vậy? Tại vì muốn nhẫn nhịn, nhẫn nhục, nhẫn nại hay kiên nhẫn không phải dễ. Thí dụ, mình là một thầy giáo hay cô giáo dạy Toán. Mình giảng về một công thức toán học rồi cho bài tập. Và học trò mình không giải được bài tập đó. Mình “kiên nhẫn” giảng lại. Học trò vẫn không làm được. Rồi mình kiên nhẫn giảng một lần nữa. Vậy mà có em vẫn không làm được. Hồi tôi còn làm cô giáo, tôi mất hết kiên nhẫn. Tôi thấy sao học trò mình… “chậm tiêu” quá! Bây giờ biết nhìn lại, tôi thấy chính mình mới chậm tiêu. Chính tôi cần thay đổi cách giảng bài để học sinh có thể dễ tiếp thu hơn, và vì thế có thể nhẫn nại được lâu hơn. Sự nhẫn nại đó sẽ đem lại kết quả khá hơn.

Một người nhẫn nại là một người chịu khó. Còn một người kiên nhẫn là một người không bỏ cuộc. Toàn là những đức tính cần có để làm “chuyện lớn”, những đức tính mà tôi ao ước.

Lúc còn học trung học, có lần một người quen bói chữ cho tôi, nói tôi là một người làm gì cũng dở dang, làm gì cũng không đến nơi đến chốn. Tôi rất buồn và tự ái khi nghe nói như vậy. Người mà làm cái gì cũng không đến nơi đến chốn là một người không kiên nhẫn, không nhẫn nại. Sau này nhìn thật kỹ, tôi thấy cũng không xa với thực tại của tôi là mấy. Việc làm của tôi không có cái gì là lâu bền cả. Không lâu bền không phải vì bị đuổi việc, mà bởi vì tôi luôn luôn tự động xin thôi việc. Vì bất mãn với sếp, vì không đồng ý với hệ thống điều hành, vì đòi hỏi quá cao nơi chính mình nên tôi không đủ kiên nhẫn để ở lại một nơi nào lâu  cả.

Ông bà mình nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng tôi chưa bao giờ có được kinh nghiệm đó. Không nhẫn nại, không đủ kiên nhẫn và không muốn nhẫn nhịn nên chỉ làm việc tối đa năm năm là tôi bỏ việc để đi tìm một việc khác. Rồi sau vài năm lại bỏ việc đó để đi tìm một việc khác nữa. Sau này (lúc chưa xuất gia) nhìn lại, thỉnh thoảng tôi vẫn… chép miệng tiếc rẻ: “Phải chi hồi đó mình kiên nhẫn hơn một chút, chắc bây giờ mình đã là một cô giáo, một nhân viên xã hội, một… có kinh nghiệm rồi!”

Nói tới nói lui nãy giờ tôi chỉ muốn cho em biết tôi là một người thiếu kiên nhẫn, thiếu nhẫn nại thuộc loại… cao thủ. Đó chỉ là đơn cử một vài thí dụ thôi.

Trước đây, tôi không hề nhận ra tập khí thiếu kiên nhẫn và hay phản ứng của mình. Đằng sau những tập khí ấy có một cái gì đó âm thầm chi phối cách hành xử của tôi. Cũng giống như đôi khi mình mở máy vi tính lên, thấy sao mà nó chạy chậm rì. Một lát ở góc dưới bên phải màn hình hiện lên một khung chữ nhật nho nhỏ, báo cho mình biết là có chương trình gì đó đang chạy phía trong, nên mình không mở được chương trình gì khác. Biết nó như vậy, mình đâu có cách nào khác, mình phải chờ. Thật lòng mà nói, tôi còn kém hơn cái máy tính nữa! Chương trình chưa có tên, chưa được nhận diện đó của tôi âm thầm chạy, nhưng tôi lại không có cái khung vuông báo động nên tôi tự cho mình là người… dễ tính, vui vẻ, dễ thương, nhất là với bạn bè. Dù có khi ai nói chuyện với tôi mà hơi lòng vòng một chút, không vào vấn đề là tôi sốt ruột lắm, tôi… nhảy vô nói dùm và kết luận dùm luôn. Nhưng tôi vẫn “kiên cố”: “Hừm, tôi mà hay phản ứng hả? Tôi có lý do chính đáng mà, đâu phải tôi muốn như vậy, tại bạn tôi nói vậy, làm vậy nên tôi mới như vậy chứ…”.

Trong nhiều năm, tôi đã sống và hành xử như vậy cho đến lúc tôi gặp pháp môn thở và cười của Sư Ông. Khi thấy đệ tử làm cái gì mà hơi ngán một chút, Sư Ông thường động viên: “Làm một hồi rồi sẽ quen thôi con”. Tôi thích hai chữ “một hồi” lắm bởi vì nó có vẻ không là một thời gian dài, hợp với người thiếu kiên nhẫn như tôi. Sư Ông dạy quay trở về với bước chân, với hơi thở ý thức để có mặt trong giây phút hiện tại, vậy nên có chuyện không vừa ý, tôi tập thở và cười. Ban đầu có hơi gượng gạo một chút nhưng từ từ thì có vẻ tự nhiên hơn. Vì cứ quay về với giây phút hiện tại, với hơi thở nên tôi quên bẵng đi là tôi đang sốt ruột, hay đang mong đợi cái gì diễn ra kế tiếp.

Ngồi yên trong khi ngồi thiền, tụng kinh, ngồi trong các buổi pháp đàm; đi yên trong khi đi thiền hành, trong khi đi từ nơi này đến nơi kia trong tu viện… một hồi, dù chưa làm giỏi lắm, một lúc nào đó tự dưng cái chương trình chưa có tên vận hành phía sau tâm tôi từ từ lộ diện. Mà thực ra không phải chỉ là một chương trình thôi đâu mà nhiều cái lắm. Chúng nó cứ thay phiên nhau hoặc cùng nhau hoạt động bất chấp không gian, thời gian, hay… thời tiết. Em thấy có lợi hại không? Nhận diện ra chúng rồi, tôi tập gọi đúng tên của chúng, như Sư Ông thường dạy “Hãy gọi đúng tên tôi”. Em đã sẵn sàng để tôi giới thiệu chúng cho em chưa? Đây, tên của chúng đây: mặc cảm hơn, kém, bằng, tủi thân, lo lắng, sợ hãi, mệt mỏi, và nhiều nhiều nữa.

Dĩ nhiên đôi lúc cũng có mấy chương trình có tên là từ, bi, hỷ, xả, hiểu, thương, chánh niệm vận hành để tôi hành xử dễ thương, biết buông bỏ, biết thông cảm v.v. Nhưng hôm nay tôi chỉ muốn chia sẻ với em mấy cái chương trình đã làm tôi lao đao lận đận mà thôi.

Sống trong tăng thân, tôi được nhắc nhở và soi sáng thường xuyên. Em xem, làm sao mà tôi “làm lơ” với cái tập khí thiếu kiên nhẫn và hay phản ứng của tôi được nữa. Tôi biết, nếu tôi để cho những chương trình, bây giờ đã có tên, chạy âm thầm phía dưới, nó sẽ làm tôi không mở được các chương trình khác mà tôi cần dùng. Khi đó truyền thông với các sư chị, sư em sẽ bế tắc, những quan hệ tốt đẹp sẽ bị ảnh hưởng. Và tôi sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để xây dựng lại. Thú thật với em, có khi cái khung hình báo động hiện lên khá lâu mà tôi vẫn chưa tắt được chương trình mình cần tắt. Nhưng ít ra, tôi đã có phương tiện báo động, điều đó làm tôi rất an lòng. Tôi thấy mình… còn có thuốc chữa, chưa đến nỗi bị bác sĩ chê.

Mùa hè, thiền sinh về Làng tu học rất đông. Đông quá nên cả xóm, cả Làng bận bịu. Nhiều thiền sinh cũng có nhu cầu tiếp xúc riêng với quý sư cô ngoài thời khóa. Đôi khi tôi có thể ngồi lắng nghe các bạn ấy hàng giờ đồng hồ. Khi khác mới nghe một chút, tôi đã thấy đầy và nôn nóng muốn cho lời khuyên để chấm dứt câu chuyện. Sau đó, bao giờ tôi cũng thấy áy náy trong lòng vì thấy mình không dễ thương. Tôi tập nhận diện những chương trình đang chạy phía sau cách hành xử đó: phán xét, sân si, lo lắng, sợ hãi,… Quá mệt mỏi, không chăm sóc cho mình đàng hoàng cả về thân lẫn về tâm nên không đủ rỗng rang trong lòng cũng làm cho tôi trở nên thiếu kiên nhẫn đó em.

Trong 60 năm đi khắp nơi để gieo trồng tưới tẩm hạt giống của hiểu và thương, Sư Ông quả thật là một tấm gương kiên nhẫn cho tôi ngưỡng mộ và noi theo. Sư Ông đã đem thông điệp chánh niệm giảng đi giảng lại một cách không mệt mỏi trong suốt ngần ấy năm. Có người nghe Sư Ông một hồi rồi nói: “He doesn’t say anything new – Thầy không có dạy cái gì mới hết!”. Đúng như vậy thật, thì có gì mới đâu ngoài việc đem thân về lại với tâm để có mặt thật sự trong phút giây hiện tại, rồi thì cứ thở vào thở ra, đã về đã tới trong từng bước chân, từng hơi thở,… Chỉ vậy thôi mà Sư Ông đã đi khắp gần xa để hướng dẫn, giảng dạy, dù cho đó là cảnh sát, công an, doanh nhân, thầy cô giáo, nhân viên xã hội, bác sĩ, kỹ sư hay người nội trợ gia đình. Tất cả đều có chung một “đơn thuốc”. Sư Ông đã kiên trì, nhẫn nại dạy đi dạy lại, vậy mà tôi vẫn thực tập rất lơ mơ. Nếu không có  từ bi lớn, một trái tim lớn thì có lẽ Sư Ông đã… bỏ cuộc từ lâu.

Bởi vậy, trước đây khi chưa biết câu thư pháp “Kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương” của Sư Ông, tôi đã mang máng cảm nhận một điều là muốn kiên nhẫn mình phải có một ước nguyện, một tình thương, hay ít ra là một ý thích. Nếu không thì đó chỉ là một sự chịu đựng mang nhiều đau khổ. Kiên nhẫn trong tình thương thì mình mới có thể “thưởng thức” được cái mình đang làm và mình mới có thể tiếp tục… kiên nhẫn.

Sống trong tăng thân, tôi mới thấy đại chúng đã kiên nhẫn với tôi như thế nào. Đi xuất gia, tôi mang vào tu viện tất cả những tập khí đẹp cũng như chưa đẹp của mình và dĩ nhiên những cái chưa đẹp là đa số. Đại chúng đã cho tôi thời gian và không gian để từ từ nhận diện rồi chuyển hóa chúng. Đại chúng không hề sốt ruột. Tôi mới là người sốt ruột. Tôi muốn là người… hoàn hảo, chắc em biết rồi đó. Sống trong chùa, phần lớn tôi được nhắc nhở bởi cách sống của quý sư cô hơn là sự nhắc nhở trực tiếp. Tôi thấy những khi mình lầm lỗi, hay có những gì chưa đẹp, chưa hay, ít khi nào tôi bị rầy, thường thì quý sư cô chỉ cười. Khi soi sáng, quý sư cô chia sẻ rất nhẹ, rất khéo léo với nhiều tình thương. Tôi quan sát cách quý sư cô nói năng, hành xử và giải quyết những trường hợp khó xử; cách quý sư cô chăm lo và chơi với các sư em mới xuất gia; cách quý sư cô chăm sóc cho chính tự thân khi trải qua khó khăn. Tôi thấy không ai sốt ruột muốn sư em hay muốn mình chuyển hóa… sau một đêm. Ai cũng kiên nhẫn, cũng cho mình và cho sư em không gian, thời gian. Miễn thấy sư em có tâm muốn chuyển hóa là ai cũng hoan hỷ. Được sống trong một đại chúng như vậy, tôi lại được tham gia cùng Sư Ông và đại chúng trong những buổi thiền hành, các thời thiền tọa, pháp thoại, pháp đàm, xếp hàng để khất thực và rửa bát… (Tiết lộ cho em một bí mật: tất cả những thực tập tôi vừa liệt kê đều diễn ra với một tốc độ… chậm rì). Nhờ vậy mà tôi đi trong sương lâu ngày cũng ướt áo, tôi bỗng trở nên bớt sốt ruột hồi nào không hay. Tôi biết chấp nhận các tập khí của mình hơn. Hình như tôi đã biết thương mình hơn!

Dạo này tay tôi hay đau. Tôi thấy cái đau kéo dài hơi lâu. Đã mấy tháng rồi mà chưa khỏi. Tôi thở, ngồi thiền gửi tình thương cho nó, cho phép nó nghỉ ngơi, xoa bóp cho nó, vậy mà nó vẫn không khỏi. Rồi tự nhiên tôi nhận ra là mình không hề lo lắng, sợ hãi như hồi xưa. Tôi cứ chăm sóc nó như vậy, tôi chấp nhận nó.

Và, hình như… tôi đã có được một chút kiên nhẫn mà tôi ao ước.

Tôi biết em mừng lắm, bởi vì em đã ẩn nhẫn chờ tôi quá lâu rồi. Em chờ tôi chăm sóc cho em, nhưng tôi thì lại không có kiên nhẫn, cho nên ít khi tôi chăm sóc em cho đến nơi đến chốn. Giờ đây tôi đã biết chăm sóc cho cái tay của mình một cách kiên nhẫn, vì vậy em cứ yên lòng. Hai chị em mình đang có nhiều hy vọng.

Thương quý

Chị của em,

Trăng Mai Thôn

Đến tu viện để “rửa xe”

Rửa xe (car wash) là một dịch vụ rất phổ thông ở Mỹ.  Xe dơ một khi được đưa vào tiệm, khách hàng chỉ cần tốn chừng $20 là xe được rửa sạch từ ngoài vào trong. Sau khi rửa, xe trở nên sạch sẽ, sáng loáng và thơm tho. Chủ nhân cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc hơn khi ngồi trong một chiếc xe như thế.

Paul là một thiền sinh người Mỹ. Chú đã đến tu tập tại tu viện Mộc Lan hai lần. Lần đầu tiên chú đi một mình và chỉ ở lại vào cuối tuần. Sau đó một tháng, chú trở lại với cô con gái 13 tuổi để tham dự khóa tu Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn). Đi cùng chú còn có người bạn đồng nghiệp và cô con gái của ông.

Một bữa nọ sau giờ cơm trưa, tôi trò chuyện với Paul. Chú đã chia sẻ niềm hạnh phúc và bình an có được trong thời gian ở tu viện. Chú tiếc vì nhà ở tận Austin, Texas, phải lái xe 11 giờ đồng hồ, giá như ở gần đây thì chắc chắn chú sẽ đến thường xuyên. Sau vài phút chia sẻ, chú ngưng một lát rồi nói tiếp: “Với tôi, tu viện Mộc Lan giống như một tiệm rửa xe vậy.” (For me, Magnolia Grove Monastery is like a Buddhist Car Wash). Vừa nghe xong câu nói ấy, tôi nhìn chú, hai người cùng cười thích thú. Tôi hiểu ý của Paul.

Những bạn thiền sinh, trong đó có Paul, khi mới đến tu viện, họ mang theo rất nhiều sự căng thẳng, mệt nhọc, lo lắng và bất an trong thân thể cũng như tâm hồn.  Tu viện là nơi dành cho mọi người tu tập. Vì thế, vừa đến đây, cho dù chưa được hướng dẫn thực tập, các bạn cũng đã được ảnh hưởng bởi môi trường. Một không gian bao la thoáng đãng, trong đó có những hàng cây xanh mát, tiếng chim ca thánh thót, tiếng chuông chùa ngân vang, và đặc biệt, xa xa có bóng dáng của quý thầy và quý sư cô đang đi một cách nhẹ nhàng, vững chãi và thảnh thơi. Những yếu tố tốt lành ấy phần nào đã đánh động, làm thức tỉnh hạt giống chánh niệm, bình an và vui tươi đã bị lấp vùi dưới những lớp khổ đau, lo lắng và sợ hãi mà họ đối diện hàng ngày.

Chỉ sau vài hôm có cơ hội đặt thân tâm của mình trong nguồn năng lượng chánh niệm của tăng thân, các bạn thiền sinh có sự thay đổi rõ rệt.  Bước chân trở nên chậm rãi và nhẹ nhàng hơn. Các bạn biết thưởng thức sự yên lặng trong giờ ngồi thiền, ăn cơm, thiền hành,… Các bạn lại được thường xuyên nhắc nhở rằng hãy nương vào hơi thở chánh niệm để mang tâm trở về với thân và thực sự an trú hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Nuôi dưỡng chính mình với những phép thực tập chánh niệm, cụ thể như nghe chuông, uống trà, thiền hành, hát thiền ca,… những hạt giống hạnh phúc và thương yêu được tưới tẩm và nuôi lớn. Không cần phải dụng công cực nhọc, nhưng các bạn thiền sinh đều gặt hái được nhiều hoa trái của sự chuyển hóa.

Tiệm rửa xe nhận những chiếc xe dơ để rửa, và xe được rửa bằng nước. Còn ở tu viện Mộc Lan – nơi mà Paul gọi đùa là một “Buddhist Car Wash”, chúng tôi không nhận rửa xe, nhưng chúng tôi hết lòng chào đón những con người đến từ mọi nơi, không phân biệt già trẻ, văn hóa, màu da,…. Một khi đến đây, thân tâm của mọi người đều được “rửa” một cách rốt ráo bằng nguồn năng lượng chánh niệm tập thể được chế tác qua các buổi công phu sớm trưa, bằng những nụ cười thân thiện và những tấm lòng cởi mở, bao dung.

Sáng nay gặp cô Sandy, một thiền sinh từ Memphis thường đến tu viện, tôi kể cho cô nghe về những lời chia sẻ của Paul. Nghe xong, cô mỉm cười và bảo: “Với tôi, tu viện Mộc Lan giống như một cái bồn tắm. Tôi đặt cả con người mình vào đó, buông thư và thưởng thức hết lòng”. (“For me, Magnolia Grove Monastery is like a bathtub. I just put myself in it, relax and enjoy it wholeheartedly”).

Nếu những ai chưa từng đến một nơi như thế thì nhân đây, chúng tôi xin trân trọng kính mời. Mong rằng quý vị có thể tạo cơ hội cho thân và tâm của mình được “rửa” và được “ngâm” bằng những chất liệu tâm linh tốt lành để sự dễ chịu, bình an và hạnh phúc trong tự thân lại được phục hồi. Từ đó, quý vị càng có thêm động lực và nguồn cảm hứng trở về chăm sóc và thưởng thức chính mình nhiều hơn.  Đó thực là một món quà xứng đáng để tặng chính mình, người thân và bạn bè.

Để tìm hiểu thêm thông tin về tu viện Mộc Lan, xin xem tại website: http://magnoliagrovemonastery.org/

Chuyến hoằng pháp có một không hai

Đại chúng ở Làng tiễn Sư Ông tại sân bay Bergerac

Máy bay cất cánh, hình bóng các thầy các sư cô đứng dưới vẫy tay chào xa dần, nhỏ dần, rồi mất hút.

Trên chiếc máy bay tư nhân (private jet), chỉ có mười thầy trò chúng tôi ngồi với nhau giống như đang ngồi ở phòng sinh hoạt tại Sơn Cốc. Cô chiêu đãi viên lịch sự mời nước, bánh trái và chiều theo sở thích của mỗi hành khách. Chiếc máy bay chỉ có mười sáu chỗ ngồi, thuộc hạng nhỏ nên bay thấp hơn những chiếc máy bay Boeing bình thường. Nhìn ra cửa sổ, thầy trò chúng tôi được thưởng thức cảnh thiên nhiên dưới đất liền gần hơn, rõ hơn, như dãy núi tuyết Alpes, dãy Hy Mã Lạp Sơn, v.v. Thỉnh thoảng, thị giả đưa Sư Ông đi lại một cách thoải mái trên máy bay. Đến phòng lái phía trước, Sư Ông ngạc nhiên nhìn vào mấy hàng nút bấm màu sáng trưng, và nhất là khoảng không gian vô tận trải dài ngay đằng trước mặt phía ngoài tấm kính. Hai chú phi công đang thay phiên nhau lái, nhoẻn miệng cười và mời chúng tôi vào xem một cách thân thiện. Đang ở trên máy bay mà chúng tôi có cảm giác thoải mái, tự do như đang ở nhà. Có lẽ vì vậy mà Sư Ông không muốn nằm nghỉ trên chiếc giường êm ấm đã chuẩn bị sẵn. Sư Ông chỉ muốn ngồi trên ghế dựa bình thường như những hành khách khác. Thấy Sư Ông vui, khỏe, nhóm thị giả chúng tôi lại càng tíu ta tíu tít, quán sát, khám phá, chụp hình, bàn tán đủ chuyện,…

Trong lúc thầy trò đang vui cười, bỗng dưng tôi cảm thấy xốn xang trong lòng: nếu như trước kia Sư Ông mà đi giảng dạy bằng máy bay như thế này thì Sư Ông đã bảo tồn được sức khỏe và tiết kiệm được bao nhiêu là thì giờ!

Từ Pháp đi Thái, với máy bay bình thường, chuyến bay nhanh nhất cũng phải mất hơn 15 tiếng rưỡi đồng hồ, cộng thêm 7 giờ đồng hồ để đi từ Sơn Cốc đến phi trường Bordeaux, kể cả thời gian xếp hàng cân hành lý, đi qua các trạm kiểm soát an ninh, và khi đến Thái, quá trình đó lại lặp lại. Nhưng với máy bay tư nhân, chỉ cần mất 11 giờ đồng hồ bay. Máy bay được phép hạ cánh tại các phi trường nhỏ gần tu viện hơn. Hành khách cũng không phải xếp hàng cân hành lý, xếp hàng đi qua các trạm kiểm soát hay hải quan để trình hộ chiếu và làm các thủ tục. Đó là chưa kể những lúc hành lý bị chặn lại để lục soát kỹ hơn trong những giai đoạn nóng bỏng với vấn đề khủng bố. Vì vậy với máy bay dân sự từ Pháp sang Thái thì đó là một chuyến đi dài, nhưng chuyến bay được rút ngắn lại gần một nửa khi sử dụng máy bay tư nhân.

Trước kia, mỗi khi Sư Ông đi giảng dạy, có những chuyến bay kéo dài cả một ngày hoặc lâu hơn nữa, ấy vậy mà Sư Ông cứ phải ngồi suốt, chân và lưng nhức mỏi, ê ẩm. Ngay cả muốn bay qua Phật học viện Ứng dụng châu Âu ở Đức – gần Pháp nhất – dù chỉ phải đổi máy bay có một lần tại phi trường Paris hay Amsterdam cũng phải mất cả một ngày đường! Chuyến bay cuối cùng Sư Ông đi từ Học viện về lại Làng năm 2014 đã làm cho Sư Ông đuối sức. Điều mà chúng tôi, những đệ tử được đi tháp tùng theo Sư Ông trong các chuyến hoằng pháp thường làm là tìm những chiếc ghế trống khác ngồi, để dành ba chiếc ghế sát liền nhau cho Sư Ông có thể nằm nghỉ ngơi trên chuyến bay nhiều giờ đó. Nhưng không phải lúc nào chuyến bay cũng có chỗ ngồi trống. Tôi còn nhớ trong chuyến bay tối từ Mỹ về lại Pháp, thầy Pháp Hữu đã để trống chỗ ngồi của mình cho Sư Ông có thể nằm nghỉ thoải mái hơn, còn thầy cứ đi qua đi lại trên máy bay trong lúc đèn đã tắt và mọi người thì đang chìm vào giấc ngủ.

Lại một lần khác, trong lúc chờ chuyển máy bay, do đuối sức, Sư Ông đã nằm dài dưới đất ở một góc phi trường nơi vắng người qua lại. Có khi về đến phi trường Charles de Gaulle lại gặp phải lúc các hãng máy bay đình công nên không có chuyến bay nào về Bordeaux, mười mấy thầy trò đành phải đón xe ra ga Montparnasse mà lấy xe lửa để về tu viện. Tại phi trường cũng như nhà ga, hành khách nằm ngồi la liệt, thử tưởng tượng Sư Ông sau một chuyến đi dài lại phải chen chúc trong đám đông người, cũng may mà mua được đủ vé cho cả đoàn cùng về Làng với Sư Ông hôm đó.

Giảng dạy hay hướng dẫn khóa tu không làm Sư Ông mệt. Trái lại, di chuyển đường dài làm Sư Ông kiệt sức, thay đổi khí hậu và bị trái giờ không ngủ được còn làm Sư Ông mất sức hơn nữa. Có những chuyến đi mà sau đó, Sư Ông đã phải mất nhiều tháng trời mới phục hồi lại được sức khỏe. Vì vậy đã nhiều lần, chúng tôi đã từng thỉnh cầu Sư Ông đừng đi đâu nữa mà chỉ ở Làng giảng dạy để hồi phục sức khỏe.

Từ nhiều năm qua, Sư Ông đã ngưng giảng dạy tại Ý và Hà Lan. Người Hà Lan phải về Học viện Ứng dụng châu Âu, người Ý phải về Làng để tham dự khóa tu. Và rất nhiều những lá thư thỉnh mời Sư Ông đi giảng dạy ở các nước khác đã bị từ chối. Tuy vậy, chương trình hoằng hóa của Người vẫn cứ dày đặc, và mỗi một năm trôi qua là Sư Ông già hơn, sức khỏe lại yếu đi. Ngay cả những người tuổi bằng một nửa Sư Ông hay còn ít hơn nữa, khỏe mạnh, mà khi đọc thấy chương trình giảng dạy của Sư Ông thì cũng phải “le lưỡi”.

***

Sư Ông đói bụng, cô chiêu đãi viên liền đi hâm nóng thức ăn riêng được mang theo cho Sư Ông. Sư Ông là người quyết định giờ giấc ăn uống ngủ nghỉ cho cả đoàn. Cô chiêu đãi viên nói chuyến bay này cô thấy rất dễ chịu vì hành khách rất dễ thương và không có sự đòi hỏi.

***

Trước kia, các đệ tử của Sư Ông sống ở các tu viện khắp nơi, ai cũng mong mỏi được gặp Sư Ông, được nghe Sư Ông dạy trực tiếp, được cùng đi thiền hành, được cùng ngồi thiền với Sư Ông. Và niềm vui lớn của Sư Ông cũng là được gặp lại các đệ tử. Có một lần, Sư em Tường Nghiêm nói với tôi: “Em đã từng gặp nhiều vị thầy, mà em phải công nhận rằng ít có ai mà ‘enjoy’ đệ tử (tận hưởng sự có mặt của các đệ tử) như Sư Ông. Sao Sư Ông ‘enjoy’ ngồi chơi, nói chuyện với các sư con ghê đi. Sư Ông luôn luôn để hết 100% tâm ý của mình khi ngồi với các đệ tử”. Và khi Thầy “enjoy” các đệ tử của mình thì các đệ tử cũng rất mong mỏi được ở bên Thầy. Đó là lẽ tự nhiên.

Những lần về lại Hoa Kỳ, các thầy các sư cô ở tu viện Thanh Sơn, tu viện Lộc Uyển, đều được luân phiên làm thị giả Sư Ông. Nói là làm thị giả chớ thật ra là để được gần Sư Ông, chơi với Sư Ông. Năm 1999, tất cả các sư cô đều được tuần tự làm thị giả cho Sư Ông một ngày, kể cả các sư cô lớn như sư cô Chân Đức và sư cô Hoa Nghiêm. Những lần Sư Ông về tu viện Bát Nhã hay Làng Mai Thái Lan cũng vậy, các sư con U20 (dưới 20 tuổi) rất nôn nóng trông đợi đến ngày mình được làm thị giả cho Sư Ông. Và Sư Ông cũng rất hạnh phúc có cơ hội “cưng” các sư con. Các nhóm “Cây” (các gia đình xuất gia) cũng được Sư Ông mời đến cốc để dùng cơm chung, để hát, để chia sẻ, rồi sau đó mỗi sư con còn được chụp hình riêng với Sư Ông trước khi ra về nữa. Sư Ông thường tạo cơ hội để thầy trò được chơi chung trong những chuyến đi núi, những ngày xuất sĩ, những buổi tiệc nướng ngoài trời (barbeque), Trung thu,…

Lần đầu tiên các đệ tử tổ chức sinh nhật bất ngờ cho Sư Ông tại thiền đường Hội Ngàn Sao ở xóm Hạ, Sư Ông không vui khi đệ tử tổ chức mà không xin phép trước, hơn nữa Sư Ông “mắc cỡ” nên xoay lưng bỏ đi về phòng. Nhưng những năm sau này, Sư Ông cũng hoan hỷ ra chơi với đại chúng vào ngày sinh nhật. Thấy lạ, có một lần thị giả hỏi vì sao Sư Ông hết mắc cỡ. Sư Ông trả lời rằng bởi vì Sư Ông rất thích khi thấy đại chúng có cơ hội tập họp ngồi chơi chung với nhau. Thỉnh thoảng lại có những sư con được gặp Sư Ông để chia sẻ về những khó khăn mình gặp phải để được Sư Ông an ủi vỗ về hoặc dạy dỗ. Những giây phút có hai ba thầy trò được ngồi riêng với nhau hay ngồi trong một nhóm nhỏ là những giây phút rất đặc biệt đã đành, mà ngay những lúc Sư Ông sinh hoạt chung với cả đại chúng đông cũng đều đặc biệt không kém: những buổi thiền đi dưới ánh trăng sao, những buổi thiền ngồi tại thiền đường Vách Núi với tiếng chim hót líu lo khi ánh ban mai đang từ từ ló dạng, những buổi vấn đáp với những câu hỏi “nóng” nhất trong các khóa tu xuất sĩ,…

Những chuyến đi hoằng hóa của Sư Ông thường được sắp xếp trong một khoảng thời gian nhất định để không bị trùng vào những khóa tu sắp xảy ra tại Làng trước và sau chuyến đi. Khoảng thời gian này được chia đều ra cho mỗi nước ở vùng Đông Nam Á. Ấy vậy mà có một năm, trong khi bàn thảo để lập chương trình cũng có một ban tổ chức tranh đấu xin Sư Ông ở lại nước mình lâu hơn một vài ngày. Sư Ông mà ở lại một nước thêm vài ngày có nghĩa là chương trình của một nước khác phải bị cắt ngắn đi vài ngày. Thế là ban tổ chức các nước khác lại phải lên tiếng tranh đấu quyền công bằng để không bị “thiệt thòi”. Họ tính từng ngày! Vậy mà giờ nói đến chuyện Sư Ông chỉ ở lại Pháp và không đi đâu nữa thì quả thật là một chuyện không thể tưởng tượng được!

Năm 2012, khi Sư Ông trở lại hướng dẫn các khóa tu và giảng dạy tại Quốc hội Bắc Ái Nhĩ Lan (North Ireland), sư cô Diệu Nghiêm đã khóc và nói rằng sư cô đã phải năn nỉ và đợi Sư Ông gần 20 năm nay. Đệ tử của Sư Ông đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, và ai ai cũng mong muốn Sư Ông về tế độ đồng bào tại quê hương mình. Ai cũng đưa những lý do đặc biệt và chính đáng để xin Sư Ông đến hoằng pháp tại quốc gia mình: nào là những nhà chính trị, nào là các nhà doanh thương – những người trên thực tế, có tầm ảnh hưởng còn lớn hơn những chính trị gia, những người cần có một đời sống tâm linh để dân chúng bớt khổ; nào là những nhà kỹ thuật của Facebook, Google, những người có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu trong thế kỷ “hi- tech” (công nghệ cao) hiện giờ, nếu họ biết tu tập và có ý muốn đưa con người đi lên thì thế giới sẽ có một tương lai tương sáng hơn; nào là giới giáo chức, những người sẽ mang sự thực tập chánh niệm vào trường lớp cho giới trẻ; nào là những khoa học gia, những bác sĩ y tá trong ngành sức khỏe; nào là các khóa tu xuất sĩ để làm mới đạo Bụt vùng Đông Nam Á; nào là giảng dạy và truyền Năm giới cho bộ tộc Thích Ca, v.v. Sức khỏe của Sư Ông yếu vậy đó, nhưng làm sao có thể ngăn cản Sư Ông đi độ đời được? Hơn nữa, từ khi còn là một chú sa di trẻ, Sư Ông đã từng viết với nét bút chì trên cái cột trước chánh điện của chùa Từ Hiếu dòng chữ Hán: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.”

Quả thật là như vậy. Sư Ông chưa bao giờ chùn bước trước những gian nguy hay cực khổ trên con đường hoằng pháp. Sư Ông đã từng đi qua nhiều cuộc chiến với bom đạn, với sự chết chóc. Sư Ông đã từng tìm đến những nơi nghèo khó, bệnh tật, hiểm nguy để giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh. Đã bao nhiêu lần, Sư Ông từng an nhiên trước những đe dọa cho sự an thân của mình để đi kêu gọi hòa bình, kêu gọi nhân quyền, hay cứu vớt thuyền nhân. Sư Ông đã từng dám nói lên những cái thấy không phù hợp với quan điểm chính trị của Việt Nam, của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc,… và đã từng bị lưu đày, đã từng được cấp giấy tờ của một người “apatride – một người không có quốc tịch, không có quốc gia nào công nhận đây là công dân của họ.

Chịu cực, chịu khó trong những chuyến hoằng pháp, đối với Sư Ông, đó chỉ là chuyện nhỏ. Những năm 1995, 1997, khi Sư Ông đã 70 tuổi rồi mà Sư Ông còn nghỉ trưa trong một chiếc lều nhỏ cắm ngoài trời, không có nhà vệ sinh, vào những ngày quán niệm dành cho gia đình Phật tử của chùa ở San Diego hoặc dành cho cư sĩ người Mỹ tại Oakland. Sư Ông cũng đã từng ở lều vào tuổi ấy trong suốt năm ngày khóa tu trên núi Shambala tại Mỹ.

Thấy không thể nào ngăn cản những chuyến đi xa của Sư Ông được, chúng tôi đã từng nhiều lần năn nỉ Sư Ông đi máy bay với vé hạng nhất để có thể nằm nghỉ ngơi trong chuyến bay nhưng không thành công. Vào năm 2004, khi Giám đốc Nhà xuất bản Seoul cho ra mắt tác phẩm Quyền lực đích thực đã mời Sư Ông qua Đại Hàn giảng dạy. Ông ta đã mua sẵn vé máy bay hạng nhất cho Sư Ông. Sư Ông đã rất mắc cỡ và đã đợi cho tất cả các hành khách lên máy bay hết rồi Sư Ông mới bước đến chỗ ngồi của mình.

Trước khi lên đường cho chuyến đi này, tôi đã chuẩn bị hành lý cho Sư Ông cẩn thận. Lý do cũng bởi vì cách đó gần 10 năm trong một khóa tu tại Đức, có một sư cô từ Việt Nam được đi theo tháp tùng và đã phụ thị giả xếp lại hành lý cho Sư Ông trước khi về lại Pháp. Sư cô đã xót xa khi nhìn thấy những y phục sờn cũ của Sư Ông. Kể từ đó, tôi đã luôn xin phép chuẩn bị hành lý cho Sư Ông mỗi khi đi xa. Thấy chiếc đãy nâu đã bắt đầu sút chỉ và bạc màu, tôi đã nhờ sư em Cung Nghiêm may một chiếc đãy mới để thay thế. Nhưng khi nhìn thấy chiếc đãy mới tinh, Sư Ông không chịu dùng vì “xách đãy mới mắc cỡ lắm!”. Mãi cho đến năm 2011, chiếc đãy này đã lủng lỗ và bạc màu hết, Sư Ông mới đồng ý thay thế nó với chiếc đãy do thầy Pháp Thạnh may. Ấy vậy mà trước khi lên đường, Sư Ông để lại chiếc đãy mới và giữ lại chiếc đãy cũ trong hành lý.

Tại phòng triển lãm ở xóm Mới, trong tủ kính có một chiếc cặp sờn rách với cái nút đóng bằng sắt bị hư và đã được nối lại bằng một cọng kẽm. Đó là chiếc cặp mà các đệ tử đã cúng dường khi Sư Ông đi Mỹ kêu gọi hòa bình năm 1966. Sư Ông đã dùng chiếc cặp này trong các chuyến đi từ châu Mỹ, qua châu u, châu Úc, rồi dùng mãi cho đến thời gian đi dạy ở đại học Sorbonne tại Paris. Vậy đó, bất cứ vật dụng gì dù có cũ bao nhiêu mà vẫn còn sửa lại được thì Sư Ông vẫn còn giữ lại để dùng tiếp. Tại Sơn Cốc, dù là một mẩu bánh mì nhỏ xíu, Sư Ông cũng cất lại trong lò nướng để dùng tiếp cho ngày hôm sau.

Sư Ông thường nhắc đến Đức Thế Tôn trong suốt 45 năm đã không ngừng đi du hành trong bao nhiêu quốc gia vùng lưu vực sông Hằng để độ đời. Cho đến năm 80 tuổi, ngài vẫn chỉ đi bộ. Vì vậy đối với Sư Ông, những chuyến đi hoằng pháp có mệt nhọc bao nhiêu thì cũng chỉ là chuyện bình thường. Sư Ông thường nói, hướng dẫn tu tập cho các vị cư sĩ ngay tại tu viện mình đang sống là quá tiện nghi, quá dễ dàng: “Đó là phước điền của mình. Mình không phải đi đâu xa mà ruộng phước đến tận nơi cho mình gieo hạt”. Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ là tư niệm thực của Người. Thiền sinh đến càng đông thì càng vui.

Những năm đầu khi mới thành lập Làng Mai, lúc đó Sư Ông cũng đã hơn 56 tuổi mà Sư Ông còn phải hướng dẫn tất cả mọi sinh hoạt từ sáng đến tối trong suốt một tháng hè: thiền ngồi, thiền đi, pháp thoại, pháp đàm, tham vấn, thiền trà, cơm quá đường, các buổi lễ giỗ Tổ, lễ Bông hồng cài áo, lễ Hòa bình,… Có khi Sư Ông dùng cơm trưa chung với thiền sinh rồi sau đó cũng xếp hàng rửa chén với họ. Chúng tôi tuy trẻ tuổi hơn, thỉnh thoảng với hai ba anh chị em, phải đi hướng dẫn một khóa tu nhỏ chỉ kéo dài năm ngày thôi mà sau đó đã thấy mệt rồi.

Trong nhiều năm, Sư Ông đã từng giảng mười bài pháp thoại và một buổi vấn đáp mỗi tuần vào khóa tu mùa Hè. Sáu ngày mỗi tuần, Sư Ông đều cho hai bài pháp bằng hai thứ tiếng khác nhau mỗi ngày. Ngoài ra còn các bữa ăn quá đường và các buổi lễ lớn mỗi tuần nữa. Vừa xong khóa Hè là Sư Ông lại lên đường đi hoằng pháp bên Mỹ hoặc các nước khác, trong khi đại chúng ở nhà làm biếng. Lại có những mùa đông lạnh cóng, Sư Ông cho pháp thoại lúc 6 giờ rưỡi sáng. Sau pháp thoại là buổi điểm tâm. Điểm tâm xong, Sư Ông lại cho bài pháp thứ hai. Đi hoằng pháp từ xa về nhưng nếu ngày hôm sau là ngày quán niệm, Sư Ông cũng cho pháp thoại như thường, không hề biết mỏi mệt.

Ngoài chuyện giảng dạy, Sư Ông còn nghiên cứu, dịch thuật, nhuận văn, viết sách. Mỗi năm đều có sách mới. Có những tác phẩm, Sư Ông viết ngay vào những buổi khuya trong các khóa tu với thời khóa dày đặc, ví dụ như “Bây giờ mới thấy” hoặc “Con gà đẻ trứng vàng”, những tác phẩm cuối cùng mà tự tay Sư Ông viết vào tháng 8 năm 2013 tại Học viện Ứng dụng châu Âu. Cho đến lúc Sư Ông đã bắt đầu ngã bệnh, Sư Ông vẫn tranh thủ dịch lại Tâm kinh tại Học viện vào tháng 8 năm 2014. Khi tay không còn viết được nữa thì Sư Ông lại nói vào máy thâu thanh vào những đêm khuya khi mọi người đang ngủ.

***

Bất chợt, Sư Ông chỉ tay ra cửa sổ máy bay. Tất cả chúng tôi đưa mắt nhìn qua cửa kính: trên nền trời bao la ửng đỏ, mặt trời thật to, thật tròn đang bắt đầu lặn. Tất cả thầy trò ngồi trong im lặng thưởng thức cảnh đẹp mầu nhiệm. Không ai nói ai nhưng ai cũng cảm nhận sâu sắc đây là giây phút huyền thoại.

Sự thực tập chánh niệm miên mật của Sư Ông trong từng giây phút của đời sống hằng ngày tạo cho chúng ta có cảm giác là lúc nào Sư Ông cũng thảnh thơi để thưởng thức thiên nhiên, như không có chi để làm. Những bước chân của Sư Ông lúc nào cũng chậm rãi như đi mà không cần đến. Nhưng kỳ thật, Sư Ông đi nhanh và đi xa hơn ai hết, và Sư Ông cũng làm việc nhanh và nhiều hơn ai hết.

***

Trên máy bay, Sư Ông lại đứng dậy đi dạo vài vòng với hai thầy thị giả. Khi nào không bị đau nhức, khỏe một chút là Sư Ông lại tập tay, tập chân ngay trên giường trong những đêm không ngủ được hay khi vừa thức giấc, hoặc tập ngồi, tập đứng, tập đi. Khóa tu mùa Hè năm ngoái tại xóm Thượng, Sư Ông đã cùng đi thiền hành với thiền sinh trên chiếc xe điện. Đến các bậc thang, xe điện không trèo lên nổi, và Sư Ông đã đứng phắt dậy để đi bộ tiếp với hai thị giả. Về tới cốc Ngồi Yên, Sư Ông xoay trở lại, dơ cao cánh tay ra dấu chiến thắng rồi xá chào thiền sinh. Rất đông các vị cư sĩ đã vừa khóc vừa nói: đây là bài pháp không lời sâu sắc nhất của Sư Ông dành cho họ trong khóa tu đó.

Suốt cuộc đời, Sư Ông không ngừng thuyết pháp, không ngừng ban tặng diệu pháp. Đây cũng là một chuyến hoằng pháp tại Thái Lan. Dưới một hình thức khác. Để tiếp nhận, chúng ta chỉ cần mở lòng ra và mở to đôi mắt quan sát.

Máy bay đang hạ cánh. Nhìn qua cửa sổ, Sư Ông thấy các sư con đang nôn nao đứng đợi.

Như gặp lại ngàn xưa – phần II

Tình thầy trò

Thầy về Thái Lan. Đó là một sự kiện chấn động tâm thức không biết bao nhiêu người. Những công trình đã hoàn tất nhanh chóng. Tôi cảm nghe nơi mỗi trái tim anh chị em xuất sĩ là mỗi niềm thương, mỗi sự chờ đợi sự có mặt của Thầy. Nghe tin Thầy về, Ôn Thủ tọa Giác Viên trong thời gian trị bệnh ở Việt Nam cũng đã sắp xếp qua thăm Thầy. Buổi gặp gỡ sáng hôm đó thật ấm áp tình thầy trò. Thầy và Ôn Thủ tọa gặp nhau trong thất Nhìn Xa. Thầy đã ôm Ôn Thủ tọa vào lòng nhiều lần, đã mời Ôn Thủ tọa ngồi bên cạnh và nắm tay như tiếp xử với một tri âm tri kỷ. Ánh mắt Thầy hôm đó thật vui. Niềm vui ấy, tôi nghe được cả tình thầy trò, cả niềm vui hội ngộ, cả niềm biết ơn của Thầy đối với Ôn Thủ tọa Vườn Ươm. Tôi mở lá thư Ôn Thủ tọa dâng lên Thầy. Trên bì thư có đề mấy chữ: “Kính dâng Thầy, lần viếng thăm hiếm có nuôi dưỡng tình thầy trò. Con, Thích Giác Viên“. Đó là một bài thơ lục bát có tên Ngọn lửa tâm linh, tôi còn nhớ vài câu:

Phương Khê nhóm lửa tâm linh
Thầy trò có mặt thỏa nghìn ước mong
Lửa lên ấm cả mùa đông
Nuôi nhau nuôi những nuôi dòng nuôi nhau…”

Thầy đã tự cầm tờ giấy và đọc thật chậm rãi cả bài thơ. Thầy đưa mắt nhìn Ôn Thủ tọa, rồi áp bài thơ lên má nhiều lần, gật đầu rất tâm đắc. Nắng hôm đó tỏa chiếu ánh sáng thật đẹp, xa xa thấp thoáng dãy núi ẩn hiện trong sương mai, khắp nơi ngập tràn hương đất mùa xuân hội ngộ. Tình thầy trò sưởi ấm hồn vũ trụ, sưởi ấm hồn anh em thị giả chúng tôi.

Thấy được hạt giống Bồ đề nơi con

Một buổi chiều, anh em thị giả chúng tôi nhận thấy có hai vợ chồng và một đứa bé trai ngồi cách thất Nhìn Xa khoảng trăm mét. Họ ngồi đó để mong được gặp và đảnh lễ Thầy trong lúc Thầy thiền hành. Hôm đó Thầy mệt nên không ra ngoài. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lại thấy bóng dáng của ba người ấy xa xa trước thất. Cảm tấm lòng của họ, tôi đã rủ thầy Đồng Trí ra thăm chơi. Chúng tôi ngồi uống trà trên những tảng đá. Qua câu chuyện, tôi biết họ lần đầu tiên đến với một trung tâm của Làng. Nghe Thầy về Thái Lan, họ lập tức mua vé máy bay qua thăm theo lời nguyện mà họ từng phát, rằng hễ chư tôn đức nào từng có thời gian sống ở Tổ đình Ấn Quang, Sài Gòn, thì họ sẽ tìm mọi cách để được đến đảnh lễ một lần.

Anh em chúng tôi ngồi chơi, có dịp chia sẻ với họ về sự thực tập ở Làng sau khi lắng nghe vài câu hỏi họ đặt ra. Họ đã lắng nghe hết lòng. Đúng là một buổi sáng đẹp. Bé Hoàng Long thật dễ thương và thông minh. Chính bé đã nói với ba mẹ về mục đích của lần đi Thái Lan này là mong được gặp Sư Ông. Sáng hôm đó họ đã phải lên Bangkok để về Việt Nam, vì thế mà họ ra đây thật sớm để mong được gặp Thầy. Biết Thầy sẽ không thiền hành sáng đó, và cảm kích trước tấm lòng của gia đình này, anh em tôi đã quyết định vào thất xin Thầy để bé Hoàng Long được lên thăm Thầy. Nghe chúng tôi thưa chuyện, Thầy gật đầu đồng ý cho bé vào thất liền. Thầy rất thương con nít. Thầy đã ôm bé vào lòng, xoa đầu và thấm những giọt mồ hôi trên trán bé sau khi nghe bé giới thiệu về mình. Có lẽ đây là bé trai đầu tiên được lên thất Nhìn Xa và được chụp ảnh cùng Thầy. Trong khi Thầy ôm bé vào lòng, phía dưới sân cỏ, tôi nhìn thấy ba mẹ bé Long đang năm vóc sát đất đảnh lễ Thầy. Bức tranh ấy in đậm vào tâm hồn tôi.

Cả gia đình đã rất hạnh phúc. Anh chị em thị giả chúng tôi cũng rất hạnh phúc. Chúng tôi biết ơn những tấm lòng đã luôn luôn hướng về Thầy bằng sự kính thương chân thật. Nắm tay bé Hoàng Long, tôi hỏi: “Cảm giác của con thế nào khi gặp Sư Ông?”. Bé trả lời: “Cảm giác của con là vui, run và hạnh phúc”. Ai cũng cười với câu trả lời dễ thương và rõ ràng của bé.

Bao la

Thầy đi quanh thăm thất thị giả được dựng lên bên cạnh thất Nhìn Xa. Thất nhỏ, không đủ chỗ, một nhóm anh em dựng thêm những chiếc lều gần đó để ở. Thầy đã đến thăm chỗ ở của anh em thị giả chúng tôi nhiều lần để xem chỗ ở có được thoải mái hay không.

Sáng nay, một nhóm quý sư cô ở Long Thành lên chào và gặp Thầy ở thất thị giả. Thầy ngồi chơi, uống trà, nghe các sư con hát, và chụp hình. Thế rồi Thầy có cảm hứng lên núi chơi. Anh em thị giả, quý thầy từ tăng xá và quý sư cô cùng leo núi với Thầy. Lần đầu tiên Thầy leo núi trong chuyến về thăm này. Con đường lên núi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, nhiều đá tảng gập ghềnh và thân cây chèn lối. Xe lăn của Thầy được nâng lên bằng những cánh tay của các con Thầy. Ngọn đồi thật khó để chinh phục. Chúng tôi phải nâng xe Thầy lách qua những thân cây, vượt qua những tảng đá lớn, dừng lại nghỉ vài lần cho đến lúc không gian mênh mông hiện ra nơi tầm mắt. Mồ hôi nhễ nhại, mà không ai là không nở nụ cười hạnh phúc. Không có gì quý hơn tình thầy trò. Không có gì quý hơn tình huynh đệ. Lên đến đỉnh đồi, ai cũng thấy đó là công trình mầu nhiệm mà thầy trò đã cùng nhau thực hiện. Khung cảnh hiện ra thật bao la khoáng đạt. Thầy chỉ tay cho chúng tôi tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm. Thầy thưởng thức trà trong khi chúng tôi cùng hát với nhau những bài thiền ca. Nhìn lại ngọn đồi, chính bản thân tôi không hiểu nổi tại sao trong một buổi trưa như vậy, thầy trò lại có thể leo lên một cách khỏe vui như vậy. Tôi càng thấm thía hơn lời sư cô Chân Không nói sau đó, rằng “có tình thầy trò thì không việc gì chúng ta không làm được”.

Trưa hôm đó, sư anh Pháp Niệm và sư anh Trung Hải đã đãi tôi, thầy Đồng Trí, thầy Pháp Trực và sư chú Trời Trong Sáng một bữa cơm với bùi Huế thật ngon.

Cũng từ trưa hôm đó, không ai bảo ai, anh em chúng tôi thường gọi ngọn đồi đó là đồi Tình Thầy Trò.

Bạn hiền ơi, tôi kể cho bạn nghe vài chuyện trong rất nhiều chuyện như thế thôi, và tôi không cố ý lựa chọn kỷ niệm nào nơi sổ công phu để kể cho bạn cả. Tôi biết, chuyện Thầy cứ nắm tay sư em Pháp Chất trong buổi tối thầy trò cùng uống trà thưởng thức hai đóa hoa quỳnh nở giữa lòng Phương Khê, hay chuyện của anh em thị giả chúng tôi, nào sư anh Pháp Ứng, nào Pháp Đại, Pháp Nhiếp, Mãn Trung, Đại Đồng… mỗi người mỗi công việc chuẩn bị để Thầy ra với đại chúng trong ngày quán niệm, hoặc chuyện của những vị bác sĩ đến giúp Thầy phục hồi, chuyện những lá thư tôi viết thăm Thầy tôi ở Kim Sơn, chuyện các em thị giả mới từ Vườn Ươm, hay chuyện các sư cô chăm lo về thuốc men, về thức ăn cho Thầy, tất cả đều ý nghĩa như những gì tôi đã kể cho bạn nghe. Tôi biết, chuyện gì tôi kể tôi cũng thấy vui, và tôi tin rằng chuyện gì tôi kể bạn cũng thấy vui. Tôi cũng muốn nói với bạn, rằng tôi rất hạnh phúc vì chúng ta luôn có nhau và tôi rất hạnh phúc vì chúng ta luôn có Thầy.

“Ta nhớ đi tìm nhau
Ta nhớ đi tìm Thầy
Thầy không còn tuổi tác
Ta cũng thành mây bay
Năm uẩn này khoáng đạt
Năm uẩn này không hai
Tự do và kính ngưỡng
Bước chung trên đường dài”.