Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Trở về trong tình huynh đệ

Chân Mai Nghiêm

Sư cô Mai Nghiêm, người Pháp, là một vị giáo thọ Làng Mai, hiện đang tu tập tại tu viện Lộc Uyển, California, Mỹ. Sư cô đã viết bức thư này gửi đến Tổng thống Pháp sau vụ khủng bố tại Paris (lá thư được chuyển ngữ từ tiếng Pháp). Sư Ông Làng Mai thường dạy các đệ tử xuất gia cũng như tại gia về sự thực tập viết “thư tình” cho các nhà lãnh đạo chính trị trong những lúc đất nước đang trải qua những ngày căng thẳng, sợ hãi và hoang mang. Lá thư Sư Ông viết cho Tổng thống Mỹ năm 2006 vẫn luôn mang thông điệp của yêu thương, của tình huynh đệ và cũng là những điều mà chúng ta có thể thực tập được từ trái tim mình.

 

San Diego, thứ Ba, ngày 17 tháng 11 năm 2015

Kính thưa ngài Tổng thống,

Sáng nay, bốn chiếc máy bay quân sự lượn ngang dọc trên bầu trời Đại Ẩn Sơn (nơi tu viện Lộc Uyển tọa lạc) khiến tôi nghĩ về nước Pháp. Đã hơn một năm nay tôi sống ở California nhưng những ngày qua lòng tôi không ngừng hướng về quê hương.

Những suy tư của tôi cũng hướng về ngài, thưa Tổng thống. Lãnh đạo một đất nước còn đang rất bàng hoàng sau những gì xảy ra, phải đối mặt vớimột tình trạng đau thương và phức tạp, chịu nhiều sức ép lớn về chính trị và truyền thông chắc hẳn đã gây cho ngài nhiều căng thẳng và những đêm làm việc không nghỉ.

Cảm ơn Tổng thống đã chấp nhận giữ vai trò khó khăn này. Vai trò của một người thuyền trưởng, lèo lái con tàu với tất cả tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả.

Trong đêm 13 tháng 11, biết bao người con của nước Pháp đã phải bỏ mạng. Một phần trong tôi cũng chết cùng với họ. Từ thẳm sâu trong tim tôi một tiếng nói cất lên, muốn được tôi biết đến. Cùng lúc tôi đã nghe trong tiếng khóc của mình vang vọng tiếng nức nở của những người anh em ở Syria. Tôi đã thấy trong sự tuyệt vọng của mình tiếng kêu cứu của biết bao người ở khắp mọi nơi, đang khổ đau vì mất người thân, vì bạo động, vì chiến tranh và những nỗi lo sợ hãi hùng.

Hôm nay đây, tôi thấy rõ trong tận sâu thẳm lòng mình, tôi không muốn bất cứ một gia đình nào phải rơi những giọt nước mắt đau thương nữa.

Như lời đức Giáo hoàng Francis trong bài diễn văn đọc tại Quốc hội Mỹ: “Chúng ta phải luôn nhớ đến nguyên tắc vàng này: Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn”.

Thưa ngài Tổng thống, qua những trang sử, chúng ta đã thấy rằng hành động làm ô nhục danh dự của người Đức bằng Hòa ước Versailles năm 1919 đã mở đường cho Hitler lên nắm chính quyền. Cũng tương tự như vậy, những trận bom trừng phạt dội xuống Campuchia năm 1973 đã khiến cho số người gia nhập lực lượng Khmer Đỏ càng tăng lên; cuộc chiến ở Iraq đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.Trong tình trạng khủng hoảng toàn cầu như hiện nay, chúng ta thật dễ dàng đánh mất mình và bị những đòi hỏi khẩn cấp, sự hỗn loạn và không khí sôi sục kéo đi.

Thưa Tổng thống, liệu chúng ta có thể cùng nhau tìm những giải pháp cho tình trạng cấp bách hiện nay nhưng cũng không quên dành thời gian để cùng nhớ lại, cùng lắng nghe, cùng học hỏi từ lịch sử và từ những chứng nhân của lịch sử ấy.

Trong một thế giới mà quá khứ có thể được làm sống lại một cách chân thật và đầy đau thương như trong bộ phim The Son of Saul (Con trai của Saul) được công chiếu gần đây, liệu chúng ta có thể cùng nhau tưởng nhớ đến những khổ đau và mất mát trong quá khứ, để từ đó có những hành động sáng suốt, đầy trách nhiệm và không tạo thêm bất cứ cơ hội nào khiến con cháu chúng ta phải sống lại những thương đau mà chúng ta đang trải qua này.

 Liệu chúng ta có thể cùng nhau dựng xây một thế giới nơi mà tâm bi thính – khả năng lắng nghe những khổ đau của cả hai phía với tâm từ bi – sẽ vượt lên ý muốn làm cho bạo động leo thang, nơi ước mong thấu hiểu và cảm thông sẽ chiến thắng mọi thành kiến, mọi sợ hãi, mọi khát vọng trả thù hay quyền lực.

Cùng với nhau, chúng ta không những không làm cho thế giới mù lòa bằng hận thù như lời thánh Gandhi đã nói*, mà còn thắp lên những tia sáng của sự sống nhiệm mầu, của hy vọng và thương yêu trong ánh mắt của mỗi người dân. (*Lời Thánh Gandhi: Mắt đổi mắt chỉ khiến cho thế giới mù lòa – An eye for an eye will only make the whole world blind).

Kính thưa Tổng thống, tôi tin rằng sử sách và những thế hệ tương lai sẽ nhớ đến Ngài như một nhà lãnh đạo biết dùng sức mạnh của sự định tĩnh để trấn an đất nước trong những giờ phút hỗn loạn đầy sợ hãi và giận dữ, một vị thuyền trưởng đầy kinh nghiệm biết đưa con tàu tới những vùng nước lặng, một vị chỉ huy khôn ngoan và dũng cảm biết bảo vệ hòa bình, một người chăn cừu biết chăm sóc và giữ an toàn cho những con cừu non của mình. Một lẽ đơn giản là tất cả chúng ta đều yêu mến tiếng chim non ríu rít hơn tiếng súng đạn. Chúng ta đều muốn được ngắm nhìn những đàn chim lượn bay tự do hơn là những chiếc máy bay quân sự trên bầu trời.

Thưa Tổng thống, trong những thời khắc đen tối này, ngài không bước đi một mình. Có rất nhiều người đang hướng về Ngài, yểm trợ Ngài và cầu chúc cho Ngài có nhiều can đảm trên chặng đường khó khăn này.

Xin gửi tới Ngài tất cả lòng biết ơn và niềm tin tưởng.

Thích Nữ Chân Mai Nghiêm.

 

Thư của Sư Ông Làng Mai gửi Tổng thống Mỹ

 

George W. Bush (ngày 8.8.2006)

Kính thưa Ngài Tổng thống,

Đêm qua, tôi mơ thấy anh tôi (anh tôi vừa từ trần cách đây hai tuần tại Hoa Kỳ). Anh đang ở bên các con của anh và nói với tôi: “Chúng ta hãy cùng nhau về nhà đi”. Sau một tích tắc ngần ngừ, tôi vui vẻ trả lời: “Vâng, chúng ta phải về nhà thôi”.

Thức giấc vào khoảng năm giờ sáng, tôi nghĩ tới tình hình bên Trung Đông, và lần đầu tiên tôi có thể khóc. Tôi khóc rất lâu và cảm thấy nhẹ hơn sau một giờ đồng hồ. Rồi tôi xuống bếp pha trà. Trong khi pha trà tôi nhận ra rằng lời anh tôi nói là đúng: “Nhà của chúng ta đủ rộng cho tất cả chúng ta. Hãy cùng nhau trở về trong tình anh em”.

Kính thưa Tổng thống, tôi nghĩ rằng nếu Tổng thống có thể khóc như tôi đã khóc sáng nay, Tổng thống sẽ cảm thấy nhẹ bớt rất nhiều. Chúng ta đang giết những người anh em của chúng ta ở bên đó. Họ là những người anh em của chúng ta – Chúa đã nói với chúng ta như vậy, tất cả chúng ta đều biết như vậy. Họ có thể không coi chúng ta như những người anh em bởi vì họ đang thù hận, hiểu lầm và kỳ thị. Tuy nhiên, với chút ít tỉnh thức, chúng ta có thể nhìn mọi sự từ một khía cạnh khác, và như thế chúng ta giải quyết tình trạng bằng cách khác. Tôi xin đặt hết tin tưởng vào đức Chúa nơi Ngài. Tôi xin đặt hết tin tưởng vào Phật tính trong Ngài.

Xin cảm ơn Tổng thống đã đọc thư này,Với lòng biết ơn, và trong tình huynh đệ,

Thích Nhất Hạnh

Làng Mai