Pháp Vân
Chân Trời Đại Đồng
Tôi đến xóm Thượng xin tập sự xuất gia vào một ngày đầu đông, một hôm trước lễ khai mạc khóa An cư kết Đông 2013-2014. Khác với vài tháng trước đó, lần đầu tiên tôi đến Làng với nhiều bỡ ngỡ, lần này tôi cảm thấy thân thương như được trở về nhà mình. Nhanh quá, chỉ có mấy tháng trước thôi, tôi còn là một chàng sinh viên về Làng dự khóa tu mùa hè. Đọc sách của Sư Ông từ lâu rồi, giờ tôi mới thu xếp được để về Làng, để trải nghiệm những điều Sư Ông dạy trong sách. Chưa bao giờ có ý nghĩ về việc xuất gia, vậy mà chỉ sau hai tuần sinh hoạt ở xóm Trung cùng quý thầy, quý sư cô và thiền sinh người Việt, tôi đã quyết định gạt bỏ sự nghiệp ngoài đời, về đây nguyện đi theo con đường của Bụt.
Hạnh phúc quá, như một người mang một gánh nặng trên vai hàng chục năm, nay được trút bỏ, nhẹ tênh bước trên con đường thênh thang. Môi trường mới, cuộc sống mới thật là tuyệt vời! Tôi tha hồ khám phá với niềm hứng khởi và thích thú. Con đường thiền hành uốn lượn bao quanh xóm, nơi nâng niu hàng triệu triệu bước chân an lạc và thảnh thơi, của Thầy và của hàng trăm ngàn người đến từ khắp nơi trên thế giới. Từng gốc cây, từng ngọn cỏ, từng khúc quanh ngày càng trở nên thân thiết với tôi. Điều khiến tôi hạnh phúc là tôi chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán con đường này, dù đã hàng trăm lần tôi bước đi trên đó. Tôi luôn có được niềm vui, thậm chí cả những cảm giác thú vị của lần đầu tiên được đi ngang qua rừng thông hay dưới tán lá rừng sồi dọc theo con đường.
Tôi vẫn còn nhớ lời Thầy dạy, thiền sinh tới Làng Mai, một trong những việc đầu tiên cần phải thực tập, và phải thực tập cho thành công là thiền hành. Một lần có vài thiền sinh đến xóm Thượng, tôi biết họ mới tới lần đầu nên hỏi: “Các cô có muốn đi dạo trên đường thiền hành không?” Họ hỏi thiền hành là gì. Sau khi giải thích ngắn gọn, tôi mời họ thực tập với tôi. Ba người cùng bước đi thong thả trong yên lặng từ đầu phía gần cổng tới vườn Bụt. Tôi mời họ ngồi chơi một lát và bảo họ nếu muốn thì có thể chụp hình vườn Bụt. Thấy được phép nói chuyện, họ chia sẻ về niềm an lạc và sự xúc động chưa từng được nếm trải trong khi đi như vừa rồi họ được bước đi. Niềm vui và sự chia sẻ của thiền sinh tới Làng thực tập luôn là những thức ăn tinh thần rất bổ dưỡng đối với tôi, giúp tôi không đánh mất sự hoan hỷ trong những thực tập hằng ngày, đặc biệt là sự lười biếng vì cảm giác quá quen và không còn gì mới mẻ.
Xóm Thượng đẹp và thân thương lắm, nơi nào cũng đẹp, cũng đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Trừ những khóa tu lớn hay những ngày khách đông, thiền đường Nước Tĩnh rộng rãi và thoải mái vô cùng. Tôi rất thích ngồi thiền trong thiền đường, bên cạnh những buổi ngồi thiền cùng đại chúng với rất nhiều hạnh phúc, tôi thường vào thực tập thêm những lúc rảnh rỗi. An và lạc lạ thường. Lúc này đây, tôi cũng đang ngồi trong thiền đường, ngắm Bụt và viết xuống những dòng tâm sự này.
Vườn Bụt cũng là một nơi tôi yêu thích. Những ngày đẹp trời tôi vẫn hay ra ngồi thiền và ngắm cảnh. Thoai thoải xuống phía dưới là đồi thông, ở ngoài xa là những cánh đồng trên những triền đồi nhấp nhô chập chùng, xen vào đó là những cánh rừng và một ngôi làng nhỏ trên một quả đồi, ngay giữa đỉnh đồi là một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Chao ôi, đẹp lạ kỳ! Cảnh đẹp mà trước đó tôi chỉ được nhìn thấy trong tranh vẽ, hay trong trí tưởng tượng mà thôi, bao nhiêu lần ngồi ngắm là bấy nhiêu lần vẫn thấy đẹp như lần đầu. Chuông nhà thờ trên đỉnh đồi xa xa mỗi ngày đổ ba lần vào 12 giờ trưa, 7 giờ sáng và 7 giờ tối. Pháp môn nghe chuông của Làng Mai đã được kết hợp một cách kỳ diệu với tiếng chuông của ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Thường thường đại chúng thực tập thiền hành buổi trưa, khi đi tới vườn Bụt và ngồi chơi tại đó, một lúc sau chuông nhà thờ đổ và đại chúng được thực tập nghe chuông trong chánh niệm. Tôi chắc hẳn các bạn thiền sinh gốc Thiên Chúa giáo hay đến từ những nước Thiên Chúa giáo đều thấy được niềm vui và hạnh phúc trong những lúc thực tập như vậy. Còn với tôi, hình ảnh Bụt và Chúa Jesus nắm tay nhau cũng không đẹp hơn hình ảnh đại chúng ngồi yên bên cạnh tượng các vị Bụt, nghe chuông nhà thờ và thở trong chánh niệm.
Sườn đồi phía tây và phía bắc của xóm Thượng cũng đẹp hùng vĩ không kém, đặc biệt những buổi chiều khi mặt trời sắp lặn. Tôi được biết Sư Ông khi đi tìm đất để xây dựng trung tâm tu học, đã xem xét nhiều nơi, khi đến khu đồi bây giờ là xóm Thượng, Sư Ông ưng liền, và Sư Ông nhất định phải mua bằng được mảnh đất đó. Tôi nghĩ, dù Sư Ông có nhìn thấy những vẻ đẹp tiềm ẩn nào khác của xóm Thượng, tôi không biết, nhưng chỉ riêng vẻ đẹp của rừng cây, của phong cảnh hùng vĩ và tráng lệ bốn phía khu đồi, mỗi phía với những nét đặc trưng, cũng đủ cuốn hút lắm rồi.
Thời gian tôi tập sự xuất gia cũng là thời gian xóm Thượng đang xây dựng khu nhà vệ sinh mới. Trong khi làm đường ống thoát nước, những người thợ đã đào từ dưới đất lên những tảng đá rất lớn. Thoạt nhìn, những tảng đá này bị đất bùn bao phủ, trông xù xì xấu xí. Tôi đoán nếu cậy bỏ lớp đất bùn đi, rất có thể đây sẽ là những tảng đá tuyệt đẹp. Tôi xin phép quý thầy cho tôi “chơi” với chúng. Thế là hằng ngày những lúc rảnh rỗi, tôi lại ra đó cậy đất ở những tảng đá. Đúng như tôi dự đoán, xóm Thượng bây giờ ở trên đồi cao, nhưng hàng triệu năm trước đây hẳn là ngập trong nước, và nước đã xói mòn những tảng đá tạo thành những hang những hốc vô cùng đẹp. Tôi say sưa với trò chơi này. Một người anh nữa trong gia đình tập sự cũng tham gia góp vui với tôi. Chúng tôi như những đứa trẻ chơi trò tìm kho báu. Có ai hỏi chúng tôi làm gì, tôi trả lời: “Con đẽo đá tìm ngọc.” Mà quả vậy, nước là thợ điêu khắc kỳ tài, nước đã khắc vào đá những hình thù vô cùng đẹp mắt và thú vị, vượt xa bất kỳ một thợ điêu khắc nào tài giỏi nhất. Công việc của chúng tôi chỉ đơn giản là lột bỏ đi lớp đất bên ngoài, vẻ đẹp lộng lẫy của hòn ngọc từ từ hiển lộ. Tôi nói đùa: “Chúng ta cũng là những viên ngọc đẹp như vậy đấy, chỉ có điều là lớp “đất thô” bên ngoài còn hơi dầy và cứng thôi, cứ từ từ mà “bóc” nhé!”.
Tôi dọn vào tăng xá sau buổi lễ xuất gia của chúng tôi. Tôi vốn nhút nhát, lười làm quen với người khác, lại được xếp ở chung phòng với ba sư anh không phải người Việt, nên mấy tháng đầu, ngày nào tôi cũng rời khỏi phòng lúc 5 giờ sáng rồi trở lại phòng lúc 10 giờ tối và leo lên giường ngủ. Thời gian đó, trong tăng xá, thư viện là nơi yêu thích nhất của tôi. Ôi, một nhà toàn sách là sách! Sách với nhiều thể loại, từ sách Phật giáo đến sách Thiên Chúa giáo, từ sách văn học đến sách triết học, khoa học, với đủ các ngôn ngữ từ tiếng Việt đến tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Đúng là niềm mơ ước của tôi, kể cả có mơ tôi cũng chưa từng mơ tới một nhà sách giàu có và phong phú đến vậy. Tôi ngắm sách, đọc tên từng tựa đề, rồi chọn lấy cuốn nào hấp dẫn để đọc và cuối cùng là… xếp sách. Thực tế thì thư viện cũng hơi lộn xộn. Thế là tôi hứng thú với việc sắp xếp lại thư viện, vừa để có thêm thời gian ngắm sách và chơi với sách, vừa để có thêm chỗ cho anh em còn “bày bừa” tiếp, vì xem ra cũng đã gần hết khoảng trống rồi.
Dần dần tôi cũng quen hơn với quý thầy, với các anh em khác, tôi đã hòa mình hơn vào cuộc sống chung của tăng thân. Tôi dành thêm nhiều thời gian ở trong phòng hay trong tăng xá, ngồi uống trà với các sư anh, sư em. Có những buổi làm biếng, anh em ăn chung trong tăng xá. Một hình ảnh vô cùng đẹp đối với tôi, các anh em đến từ hàng chục quốc gia khác nhau, nay về đây ngồi quây quần vòng quanh tăng xá, ăn uống và trò chuyện vui vẻ trong tình huynh đệ bao la. Ngôn ngữ thì tiếng Anh gốc, tiếng Pháp gốc cũng có, đến tiếng Anh bồi, tiếng Pháp bồi của anh em người Việt, thậm chí cả tiếng Việt bồi của các anh em Tây phương đang lõm bõm học. Nhiều khi vận dụng cả hai tay hai chân để biểu thị cho một câu nào đó mà vốn từ ít ỏi không diễn tả nổi. Tôi hiểu các anh em hơn rất nhiều qua những lúc ngồi chơi trò chuyện thân mật bên nhau như vậy, chúng tôi trao đổi chuyện gia đình hay chuyện tu học của bản thân, từ chuyện trên trời như không khí ô nhiễm, đến chuyện dưới đất như đất Mẹ đang nóng lên, chia sẻ từ những niềm vui, hạnh phúc của các thiền sinh đến nỗi niềm của chính anh em xuất sĩ.
Chúng tôi đã có những cái nhìn khác về các anh em, hiểu nhau và cảm thông nhau hơn, qua đó có thể dễ dàng nâng đỡ và yểm trợ nhau trong sự tu học cũng như trong đời sống. Tôi còn phát hiện ra rất nhiều viên ngọc đang ẩn tàng trong những huynh đệ. Có những người trồng rau và chăm cây cảnh rất giỏi. Có những bàn tay thô nhám như dùi đục vậy mà đẽo gọt hay làm các đồ dùng vô cùng tinh xảo. Có những thầy trầm lặng ít nói mà sự hiểu biết về Phật pháp cũng như vận dụng vào sự thực tập rất sâu sắc.
Được sống trong tăng thân thật là một điều mầu nhiệm. Mỗi ngày tôi đều có những niềm vui và hạnh phúc mới trong cuộc sống cũng như trong sự thực tập. Những cái hay cái đẹp của các anh em đồng tu là những nguồn cảm hứng vô tận cho sự học hỏi của tôi. Kể cả những va chạm, những xích mích trong cuộc sống cũng là những cơ hội để tôi nhìn lại bản thân và tự chỉnh sửa. Điều này cũng đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui khi tự chuyển hóa được những điểm yếu nơi thân tâm. Những hạt giống của sự nóng giận, cái nhìn hẹp hòi, phán xét trong tôi vẫn còn rất lớn, nhưng so với ngày xưa chúng đã được chuyển hóa rất nhiều. Tôi thấy giải thoát đâu phải là một điều gì xa vời, gỡ bỏ những “lớp đất thô” để cho “viên ngọc” dần hiển lộ chính là giải thoát rồi. Cũng một tình huống tương tự mà bữa trước mình còn nổi giận, bữa nay đã có thể nhẹ nhàng mỉm cười và xử lý êm đẹp, đó đích thực là giải thoát chứ đâu!
Một nơi ưa thích nữa của tôi ở xóm Thượng là Phật đường. Tôi vẫn thường vào đó thực tập một mình như tụng kinh, thiền lạy. Mỗi khi tôi đem mình lạy xuống trước Bụt, tôi buông bỏ hết những ý niệm về cái tôi riêng biệt, buông bỏ hết những giận hờn, trách móc đối với người khác và đối với chính tôi. Trong tôi chỉ còn một lòng thương kính đối với Thầy, với các sư anh, sư em, các bạn đồng tu và với bản thân mình. Tôi chỉ có một niềm biết ơn với tất cả mọi người và mọi loài, gần gũi nhất và cụ thể nhất là những người, những vật ở quanh tôi trong xóm Thượng. Tôi biết ơn vì tất cả đã nâng đỡ tôi, che chở cho tôi, yểm trợ cho tôi giúp tôi được chuyển hóa, được hạnh phúc mỗi ngày. Tôi biết pháp Bụt đâu phải là những gì huyền bí xa xôi, đó chính là từng hòn sỏi, ngọn cỏ, bông hoa, chính là từng người sư anh, sư em, từng người bạn thiền sinh quanh tôi, tất cả đều là những Pháp hướng về từ muôn phương như những đám bạch Vân hội tụ nơi này để làm đẹp cho nhau và làm đẹp cho cuộc đời.