Bàn tay chạm tới trăng sao
Chân Trăng Thường Trú
Những ngày cuối đông…
Nhập Lưu đón con về vào một ngày cuối đông mưa rơi nhè nhẹ. Đôi mắt vẫn còn mệt mỏi sau một chuyến bay dài ngước lên nhìn khung cảnh xung quanh nơi mình sẽ sống. Tai con nghe loáng thoáng đã tới nơi rồi mà sao chỉ thấy toàn là những hàng cây khuynh diệp khẳng khiu, sần sùi hai bên đường. Đi thêm một đoạn nữa mới thấy thấp thoáng hai mái nhà nho nhỏ là nhà bếp và cốc Nến Ngọc. Một chút cảm giác lo lắng, bồi hồi len lỏi trong con nhưng rồi cũng qua đi nhanh chóng. Con mỉm cười với những gì đang hiện diện trước mắt và thầm nghĩ: Chào Nhập Lưu. Con đã tới rồi đây!
Nhập Lưu ẩn mình trong khu rừng tràm bạt ngàn rộng tới 55 mẫu. Có những ngày đôi chân con mải mê men theo những con đường nhỏ trong rừng mà sau này con mới biết đó là đường của các bạn kangaroo. Chạm tay vào những thân cây tràm con cảm nhận ẩn trong lớp vỏ sần sùi kia là một sức sống mãnh liệt, tuy khẳng khiu mà can trường đứng vững giữa đất trời. Từ khi đặt chân lên mảnh đất này, trong con không có sự xa lạ gì cả, cứ như là mình đã tới thật sự. Con nhớ ngày còn nhỏ, khi coi ti-vi, nhìn thấy những hình ảnh giống như những gì đang hiện diện trước mắt con đây, con thầm nghĩ: có bao giờ mình sẽ được sống trong khung cảnh giống vậy không, sao mà bình an, êm đềm quá đỗi! Bây giờ con đang được sống như ước mơ ngày còn nhỏ rồi.
Cái lạnh của những ngày cuối đông vẫn kéo dài dù trời đang chuẩn bị bước sang xuân, nhưng cảm giác lạnh cóng ấy đã được sưởi ấm bởi tình thương của quý sư cô dành cho chị em chúng con. Từng đôi tất, từ tất mang giày đến tất đi ngủ, rồi đến đồ ấm được trao tận tay hay đặt tại giường của từng chị em. Có những ngày ngoài trời mưa rỉ rả, cả nhà cùng quây quần bên bếp lửa hồng sau bữa ăn tối, uống trà rồi kể cho nhau nghe những mẩu chuyện từ ngày xưa cho tới ngày nay. Chị em chúng con như bầy chim non ríu rít kể đủ thứ chuyện, tiếng cười giòn tan vang vọng khắp nhà hòa lẫn với tiếng mưa rơi ngoài cửa. Ấm áp chi lạ!
Xuân về…
Màu trắng tinh khiết của hoa chiết không bi (chi không biết) phủ trên những con đường nhỏ, từng cánh hoa lấm tấm những hạt sương buổi sớm còn đọng lại. Mỗi khi đi thiền hành, gặp những cánh hoa đang e ấp kia thì những bước chân càng thêm nhẹ nhàng, chầm chậm, cứ sợ rằng mình sẽ giẫm lên hoa mất. Hoa của những ngày giao mùa. Bỗng một ngày, thấy có chút gì là lạ khi thức dậy. À, thì ra là đổi giờ rồi, mùa xuân thực sự tới rồi đó. Mùa xuân về mang theo không khí tươi mới. Trời đất bừng thức dậy sau một giấc ngủ đông dài nên tràn đầy sức sống. Muôn hoa đua nở khoe thêm nhiều màu sắc hiến tặng cho đất trời. Ngôi nhà nhỏ mà chị em con đang sống ngập tràn trong sắc hồng, sắc trắng, sắc vàng của hoa mười giờ, bồ công anh… Nắng về đậu trên từng cánh hoa, tán lá. Hoa gặp nắng mừng như mở hội, mọi thứ dường như sáng bừng thêm, không gian thênh thang, lòng người cũng thênh thang.
Ở Nhập Lưu, muốn trồng hoa gì hay cây gì cũng phải rào lưới thật kĩ, không thì mấy bạn kangaroo, wallaby, thỏ… buổi tối lại tới thăm. Có những ngày đi thời khóa về, sư cô Tịnh Quang ra thăm vườn, rồi bước vào nhà, miệng mếu máo: “Em ơi, chị buồn quá… tại vì… tại vì… mấy con thỏ, wallaby ăn hết mấy ngọn cây trà mi và hoa hồng rồi, ăn luôn cả hoa nữa.” Rứa mà, hoa hồng đó, trà mi đó vẫn bừng sức sống, ngày qua ngày vẫn âm thầm nảy những mầm non mới dù chiều cao không tăng thêm được chút nào, để rồi tới một ngày, một đóa hoa tươi tắn lại xuất hiện. Những cây lê cũng vậy, dù nhỏ bé nhưng vẫn kiên cường chống chọi với cái lạnh giá của mùa đông, để đến khi mùa xuân tới, những trái lê nhỏ xíu, xinh xinh được biểu hiện trong niềm vui thích của chị em chúng con. Rứa mà đến một ngày khi con đi ngang qua, nó đã hoàn toàn trụi lủi, mấy bạn wallaby lại ghé thăm tối hôm qua rồi. Hơi buồn một chút nhưng mỗi ngày, đôi mắt con vẫn nhìn thấy lá xanh, vẫn còn thấy sự sống đang tiếp diễn trong những cành cây nhỏ bé đó. Kỳ diệu thay!
Từng ngày trôi…
Con đường từ nhà ở đi lên nhà ăn quanh co uốn lượn. Con có nghe kể về Con đường huyền thoại ở Làng. Dù chưa được nhìn thấy trực tiếp, chỉ có một chút tưởng tượng trong đầu thôi, nhưng con cũng thầm đặt cái tên đó cho con đường mỗi ngày nâng bước con đi. Con đường huyền thoại ngang qua hồ Trăng Rằm, nơi đó có Mẹ Quan Âm ngồi thật lặng yên, dõi ánh mắt hiền hậu nhìn những đứa con của mình. Xung quanh Mẹ là những bông hoa súng đủ sắc màu đang nở rộ. Cảnh tượng thật thanh bình!
Hạnh phúc biết bao mỗi khuya thức dậy, con nhìn thấy ánh trăng sáng chiếu vào nhà, chiếu luôn cả con đường nhỏ đi lên thiền đường để công phu buổi sớm, cũng có khi bầu trời giăng đầy những vì sao. Đứng lại ngước mắt nhìn lên trời cao, trăng sáng quá, bầu trời đẹp quá mà cũng thật gần nữa. Con có cảm tưởng rằng chỉ cần đưa bàn tay với lên cao một chút là có thể chạm được tới bầu trời, chơi đùa được cả với trăng sao. Con hít thở những hơi thở thật sâu, thật bình an, nhẹ nhàng, cảm nhận mình thật may mắn và tự do. Mảnh đất này lành quá, êm đềm quá, tự bao giờ nó đã đi vào tâm hồn con và ngự trị ở đó mất rồi. Con trân quý từng phút giây của cuộc sống hiện tại và tận hưởng nó thật hết lòng. Con sợ con bỏ lỡ sự sống đang có trong con và xung quanh con.
Đổi từ một chúng lớn ở Việt Nam sang một chúng nhỏ chỉ có vài chị em sống với nhau, với môi trường mới giữa mảnh đất thênh thang này là một thử thách đối với con, nhưng càng ngày con càng thấy đây là một cơ hội. Cơ hội để làm mới chính mình, từ thân tới tâm. Mới qua bốn tháng mà sư cô Thuần Tiến đã nói với mấy chị em con: “Ở đây, ai không biết lái xe là một thiếu thốn lớn”, rồi sư cô hỏi: “Các em có muốn học lái xe không?” Chúng con trả lời một cách nhanh chóng “Dạ muốn” trong sự vui thích như sắp được khám phá một điều mới lạ. Thế là ngày hôm sau, bài học đầu tiên là tập lái xe trên những con đường quanh co, lên đồi xuống dốc chung quanh thiền viện. Chạy ngang qua hồ Trăng Rằm, sư cô dặn: “Đừng chạy xuống hồ tắm nghe mấy em, chị không biết bơi đâu nhé.” Con thường gọi những giây phút đó là những giây phút mà sư cô đang cùng chúng con chơi trò “cảm giác mạnh” và câu “thần chú” của sư cô là “Thắngggggg!”. Tay chân của chúng con còn cứng quá, chưa điều khiển được chân ga chân thắng nên cứ xém chút là lủi vô bụi. May nhờ có câu “thần chú” ấy của sư cô nên chưa xảy ra chuyện gì, cũng chưa xuống tắm hồ lần nào.
Cuối cùng ngày thi bằng L cũng tới sau một thời gian dùi mài kinh sử vào mỗi thứ Hai làm biếng trong thư viện của thành phố Ballarat, cách Nhập Lưu khoảng một giờ đồng hồ lái xe. Chúng con phải ra thư viện vì cần làm những bài kiểm tra thử trên Internet, mà mạng ở Nhập Lưu lại rất giới hạn về dung lượng. Mấy chị em con được sư mẹ chở đi bằng xe van, trên xe ai cũng cắm đầu vô máy để tranh thủ ôn lại, có khi quay qua thảo luận, giải thích rồi đố nhau cách xử lý tình huống này, tình huống kia trong khi lái xe. Sư mẹ ngồi trên lâu lâu ngó xuống nhìn các sư con cười tủm tỉm, rồi lại dõi mắt theo từng sư con bước vào phòng thi và cười hạnh phúc khi ai cũng đậu hết.
Từ khi đã dán được bảng L đằng trước và sau xe, những giây phút ngồi trên xe đều là những giây phút ngồi thiền thay vì ngồi ở thiền đường. Nhưng thiền lái xe này căng thẳng quá, đòi hỏi định nhiều lắm, nhất là với mấy chị em chúng con. Vì chúng con có năm người nên cần hai xe: sư cô Trí Duyên và sư cô Thuần Tiến chia ra ngồi trên hai xe ấy, và chúng con cũng chia ra làm hai nhóm. Con được tập cùng sư cô Tịnh Quang và sư em Trăng Cơ Duyên dưới sự hướng dẫn của sư cô Thuần Tiến. Từ những con đường quanh co của thiền viện, chúng con bắt đầu tiến ra những con đường lớn có hai chiều rồi vào đường cao tốc, cảm giác vừa sợ vừa thích thú, nó đòi hỏi sự chú ý và nhạy bén trong khi lái rất nhiều. Có lần con nói với sư cô: “Răng lái xe mà như đi ăn trộm ri sư cô hè, tại vì đôi mắt cứ đảo liên tục, lúc thì liếc qua bên phải, bên trái để canh làn xe, rồi đảo lên kính chiếu hậu nhìn đằng sau, rồi đảo xuống nhìn đồng hồ tốc độ không thôi thì lúc chạy ào ào, lúc thì chậm rì.” Những ngày đầu, sư cô cứ hỏi: “Sao bỗng dưng em thắng lại vậy? Đang ở đường cao tốc mà?”, rứa là tụi con trả lời rất ngây thơ mà bây giờ trở thành những câu nói bất hủ, mỗi khi nhắc lại cũng còn cười với nhau. Bởi vì khi đang chạy, con thấy có xe đang chạy ngược chiều tới là la làng lên: “Ố là la, sư cô ơi xe tới kìa, con sợ”; “Ố là la sư cô ơi, xe tải tề, làm răng đây?”, còn sư cô Tịnh Quang thì: “Họ teeeeeeeeeeeeề…!” “Họ là ai?” Sư cô Thuần Tiến thắc mắc. “Xe đoooooó sư cô!” Câu trả lời vụt đến.
Sư em Trăng Cơ Duyên, lúc ngồi chờ đợi phía sau thì cười nói ríu rít, rứa mà đến khi lên lái thì ngồi im thin thít, không nói tiếng nào. Khả năng tập trung cao khủng khiếp đến nỗi dù mặt tái mét nhưng sư em vẫn tự tin lái dưới sự hỗ trợ rất đắc lực của hai chiếc gối (vì chân ngắn!).
Cái không khí rộn rã đó vẫn còn giữ cho đến ngày thi vòng hai (thi xử lý tình huống trên máy). Có điều thêm một chuyện nữa là con bị chọc quệ luôn. Vì lần trước giấy hẹn thi của con là 1giờ 30 chiều nên con tung tăng đi chơi khắp chốn mà đâu hay người ta cho thi liên tiếp vì các chị em đi chung một nhóm. Rứa là đến khi về lại nơi thi, quý sư chị đã thi xong hết rồi và ai cũng đậu hết. Đến khi con vào phòng thi với nụ cười tươi và tinh thần rất hào hứng thì bỗng dưng, bỗng dưng… máy hư. Con ngồi chờ người ta liên lạc để sửa máy, trong thời gian đó sư cô và các sư chị rủ con ăn trưa, với rong biển và trái cây. Trong lòng con lúc đó có một chút lo lắng, một chút ái ngại nghĩ rằng do cái tội ham chơi cho nên bây giờ con còn ngồi đây, làm ảnh hưởng tới mọi người. Rứa là con chọc mọi người, con nói rằng con không ăn rong biển mô, rong biển màu đen, xui lắm! Đưa chuối thì con nói chút nữa thi xong con ăn, chừ ăn trượt vỏ chuối răng. Cả xe cười ồ lên, quên đi cái nắng, cái mệt giữa ban trưa. Chúng con giống như những sĩ tử ngày xưa vác lều chõng đi thi, nhưng thời nay hiện đại hơn: chúng con xách theo thức ăn trưa, một cái máy tính, một cuốn vở, một cây viết đi cùng nhau trên một chiếc xe và rồi từ từ vượt qua từng chặng thi, từ thi Hương, thi Hội và sắp tới còn cuộc thi Đình (thi thực hành) nữa để lấy bằng P xanh. Và con thấy mỗi người đều đã là một vị Trạng nguyên trong giây phút này rồi.
Hạ đến…
Chớp mắt một cái, mùa hạ đã đến. Hạ về mang theo cái nắng, cái nóng kinh khủng. Có những ngày nóng đến gần 40 độ. Rừng tràm đã khô nay còn khô hơn nữa, nguy cơ cháy rừng luôn luôn ở mức báo động và chúng con luôn trong tư thế sẵn sàng chạy. Nắng nóng là rứa nhưng buổi sáng thì sương mù giăng khắp lối và buổi tối trời se lạnh giúp cho giấc ngủ chúng con càng sâu hơn. Thiên nhiên cũng ưu đãi cho con người ở đây lắm chứ: sau những ngày nắng nóng kinh khủng là một trận mưa, dù nhỏ, khoảng chừng… ba mươi hạt hay mưa ào ào. Những hạt mưa rơi xuống như dòng cam lộ mát mẻ và gột sạch đi những mệt mỏi, những khô cằn, những dư âm của cái nắng kinh khủng còn sót lại.
Có nhiều vị lên Nhập Lưu luôn nói sao chúng con lại có thể sống được trong chốn heo hút, thăm thẳm này? Con thấy con đang được ôm trọn trong vòng tay đầy thương yêu, lân mẫn của tăng thân, của nhiều tấm lòng. Con thấy mình được tự do, được tung tăng bay nhảy giữa không gian thênh thang, được vùng vẫy trong biển ngàn sao, được có nhiều thời gian để trở về với chính mình. Tâm hồn con thấy ấm áp mỗi khi nghĩ về những tấm lòng luôn thương tưởng, những bàn tay luôn sẵn sàng đưa ra mỗi khi Nhập Lưu cần đến. Lớp học tiếng Anh vẫn đều đặn bốn buổi chiều trong tuần với sự hướng dẫn của cô chú Ron-Daya. Sự có mặt tươi mát và tấm lòng phụng sự không biết mệt mỏi của chú Vinh, chị Diễm… và nhiều gia đình khác nữa. Cô chú Kerry-Chris luôn tươi cười và có mặt đó, giúp đỡ quý sư cô dù chuyện lớn hay nhỏ. Mỗi khi xuống phố để đi hoằng pháp ở những tiểu bang khác hoặc có công việc cần, chúng con được chào đón bằng bàn tay, ánh mắt đầy thương yêu của “bà ngoại” Chi và ngôi nhà ấy đã trở thành nhà trọ của Nhập Lưu từ khi nào không biết. Bây giờ “bà ngoại” Chi cũng là người thường xuyên ngồi bên cạnh, trên xe cho chúng con tập lái, dù lúc ban đầu, khi được hỏi thì câu trả lời của bà luôn là: “No, thank you, sợ lắm!”.
Đôi mắt con sáng lên tia hạnh phúc, tin cậy mỗi khi nhìn thấy quý sư cô, sư chị, sư em đang có mặt bên con. Ở Diệu Trạm mấy năm trời có khi nào con lên dâng hương, hô canh đâu. Vậy mà khi qua đây quý sư cô lại luyện cho chúng con làm mọi thứ đều bằng tiếng Anh. Sư cô dạy chúng con rằng mình phải ráng tưới tẩm hạt giống tiếng Anh trong lòng, mình đang ở xứ Úc mà. Con chợt mỉm cười mỗi khi nhớ tới hình ảnh sư cô dạy chị em con hô canh, đảnh lễ chư Bụt và Bồ tát. Giọng của sư cô thì hay quá chừng, cao vút tận trời mây, còn giọng của con thì thấp lè tè dưới mặt đất, rứa mà có thì giờ rảnh là lại tập với nhau, sư cô ngồi “chịu khó” nghe con cất giọng ê a.
Lòng con thấy vui khi nhìn thấy sự có mặt tươi mát, hết lòng nhưng cũng có khi rất thầm lặng của sư cô Trí Duyên. Quý sư cô làm việc nhiều quá, vậy mà vẫn có mặt đó, và rất hết lòng cho đại chúng. Quý sư chị, sư em của con cũng vậy, mỗi ngày đang góp những bàn tay vì Nhập Lưu. Có đôi khi con ước gì có thêm chị, thêm em để giúp đỡ thêm cho chúng, vì ở đây cần lắm những tấm lòng, những bàn tay nhưng có lẽ nhân duyên chưa hội đủ. Con an trú trong phút giây hiện tại để thấy mình đang có quá đủ những điều kiện hạnh phúc, trong con và xung quanh con. Sự sống quanh con mỗi ngày vẫn tiếp diễn với đầy những nhiệm mầu. Kangaroo hình như đã quen hơn với hình ảnh áo nâu, cho nên có khi nhìn thấy chị em con đi qua vẫn đứng lặng yên miệng nhai nhóp nhép, gương mặt có khi nghệt ra, nhìn quá đỗi dễ thương. Tâm hồn con vẫn luôn tràn đầy những làn gió mát với không gian có đủ để quay về, để nuôi dưỡng chính mình và những người xung quanh con.
Công trình xây dựng tăng thân là công trình xây dựng ngàn đời. Mỗi giây phút là một viên gạch để tự bồi đắp cho chính mình. Cuộc hẹn của con với sự sống vẫn còn đang tiếp diễn. Con không muốn mình phá hủy bất cứ một khoảnh khắc nào cả. Con nhớ sư cô có kể câu chuyện về những cú nhảy ngược dòng của đàn cá hồi, phía trước là hàm răng nhọn của những con gấu đang chờ sẵn. Đời sống của người tu cũng vậy, cũng ngược dòng và cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, con luôn ý thức mình đang sống trong một chúng nhỏ và tự nhắc mình làm sao để đời sống của mình thật ý nghĩa và trọn vẹn.
Con thấy mình không đơn độc một chút nào cả. Con có Bụt, có Tổ, con có Thầy, có tăng thân. Con còn có cả một tăng thân rừng khuynh diệp thật lớn xung quanh con, thật vững chãi, kiên cường đứng đó mặc cho gió bão tràn về. Trong mắt con, mỗi ngày dường như những cây tràm trở nên có hồn hơn, dù không nói gì hết, nhưng sự biểu hiện thật mạnh mẽ mà cũng thật bình yên làm cho con cảm thấy được nuôi dưỡng và vững tin thêm. Mỗi ngày con lạy xuống trước chư Bụt, chư Tổ xin cho con thêm vững tay chèo lái, thêm mạnh mẽ để đi trọn con đường mà con đã chọn với tất cả tấm lòng và niềm tin. Con cám ơn Thầy đã cho con thấy con đường sáng, đã sinh con ra trong đời sống tâm linh và tiếp tục nuôi dưỡng con mỗi ngày thêm trưởng thành. Con cám ơn tất cả những gì con đã và đang được nhận, đã đi qua và những gì trong giây phút hiện tại.