Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Tiếng Việt của con

Chân Trời Hiện Pháp

Sư chú Trời Hiện Pháp là người Thái Lan. Năm 2010, sư chú đến nương tựa đại chúng Làng Mai Thái Lan và trở thành đứa con trong gia đình xuất gia Cây Hoa Gạo sau một thời gian tu học theo truyền thống Phật giáo tại đất nước của mình. Hiện sư chú đang thực tập tại Làng Mai, Pháp. Đây là những chia sẻ của sư chú, viết bằng tiếng Việt.

 

Toàn vũ trụ chứa trong hạt cải, ba thời gom lại một sát na”. Lúc trước, con cảm thấy câu kinh này quá sức thần thông hóa, nhưng từ từ, con nhận thấy nó chứa đựng sự thật. Sự thật mà không phải chỉ là lý trí huyền ảo. Nó là kinh nghiệm có được sau những thao thức quan sát thực tại, mà cũng là một cái gì đó vốn đã có sẵn trong mỗi người. Một lời mời khám phá.

Tiếng Việt của con lúc hai hay ba tuổi thấy chiếc nón lá, nghe bài dân ca hòa tiếng đàn trong vô tuyến truyền hình, dù chẳng hiểu gì mà thấy hay hay, thích thích.

Tiếng Việt của con là thứ sinh ngữ nước bạn hàng xóm không gần không xa, học rồi thấy giống tiếng mẹ đẻ ta. Cần thế vài ba chữ thì cũng thành câu. Tổ tiên hẳn đã sống cùng nhau, giao lưu gắn kết bền lâu trong dòng lịch sử suốt hai ngàn năm hơn.

Tiếng Việt của con, đọc sách Thầy thấy nhiều đánh động sâu thẳm trong tâm hồn, muốn tìm hiểu là hoàn cảnh nào, là nhân duyên nào đã tạo nên Thầy. Con cũng muốn biết huynh đệ đồng bào gắn bó cùng Thầy, vào năm 2010, anh em xuất sĩ áo nâu đông vui, ấm cúng, “pháp sống xum vầy” khiến con muốn học tiếng Việt từ đây.

Tiếng Việt của con bắt đầu từ câu: “Chào cô, chào chú, chào thầy, chào bác, cám ơn, không biết, không hiểu tiếng Việt, tạm biệt”, rồi thôi. Có ai ngạc nhiên nói thêm vài câu, con nghe, và cố nhiên, con nói được chừng đó thôi. Không qua ngôn ngữ, chỉ có cảm thông, tình thương thân mến, “tâm truyền tâm”.

Tiếng Việt của con ở dưới mái tranh, dưới bầu trời xanh, các em các anh “sống nghèo mà vui”. Rồi trong nhóm uống trà, con ngồi ở đó không biết nói gì, anh em cười ha ha, chắc nói xấu mình. “Phải vậy không hả?” (Are you sure?). Bắt đầu rồi đó, giờ phải tìm ra, con học tiếng Việt. Trong máu huyết đã có “nó” rồi, học thêm chắc là không khó. Kinh nghiệm học của con là “Không có cách học nào đưa tới cái hiểu tiếng Việt. Cái hiểu là con đường”.

Tiếng Việt của con không có lớp học đàng hoàng, không có giáo viên nhưng ai ai cũng là thầy, dù ít hay nhiều họ đã dạy cho. Tiếng Việt của con ở ngoài vườn rau, ở mái nhà bếp, ở đất Mami, đất bác Pu-lư. Gặp ai cứ hỏi: “Anh đang làm gì?”. Không phải hỏi thiền mà để học ngôn ngữ. Anh em từ bi chỉ bày hết lòng, với tâm thao thức vì cả hai bên đều muốn hiểu nhau.

Tiếng Việt của con tập đọc ghép chữ trong buổi tụng kinh sáng chiều công phu, vừa tưới tẩm hạt giống tốt, chỉ lối tu tập, vừa tăng thêm vốn ngôn ngữ.

Tiếng Việt của con là lúc Thầy nói pháp thoại video. Mọi người muốn con lắng nghe sâu sắc nên đã nhờ người khác thông dịch. Nhường qua nhường lại rốt cuộc không có ai dịch. Con ngồi yên, nghe không hiểu, một mình cô đơn mà vẫn ngồi đó, vừa thở vừa quên thở nhưng chẳng đòi hỏi ai. Thôi thì quyết chí về học tiếp.

Tiếng Việt của con không ép mình học mà vì sống vui quá, muốn thương, muốn hiểu nên từ từ thấm vô. Sau khi sống một tháng với tăng thân, một buổi pháp đàm chiều ngày quán niệm, thông dịch mất thời gian, vốn đã biết nhiều cụm từ căn bản rồi nên con xin chia sẻ bằng tiếng Việt, từ nào không hiểu thì mới hỏi bằng tiếng Anh. Ba tháng, trong pháp thoại, anh em ý thức đến giúp thông dịch nhưng con nghe hiểu nên bảo không cần, chỉ cần giúp con từ nào khó thôi. Bốn tháng nói chưa thuần như người Việt Nam lắm, nhưng khi thấy vài cách hành xử không dễ thương của anh em, con đã chia sẻ trong buổi pháp đàm, làm cho không khí trầm lặng, im ru. Con chưa hiểu tăng thân và từng anh em nhiều nên mới chia sẻ theo cái thấy cá nhân về cách tu, nhưng ai ngồi đó chắc cũng hiểu ý và hơi sợ cái ông sư mới đến này.

Tiếng Việt của con sau bảy tháng, có người cư sĩ Thái tới thăm, ở tại tu viện (đất cũ). Con bắt đầu hiểu tiếng Việt nên được mời thông dịch. Chúng lúc đầu khó khăn với chuyện ăn, chỗ ngủ, tổ chức đời sống tu tập, ngoại giao, mấy anh em trẻ mà ai cũng phải lo đảm trách việc chúng. Không ngần ngại, con phải dấn thân. Việc thông dịch lúc đầu rất rắc rối, nào là tai phải nghe, nào là đầu phải làm việc chuyển ngữ, nào là miệng phải nói ra, rồi tiếng mình đang nghe đánh lại với tiếng nói cộng thêm sự lo lắng, tìm chữ nào phù hợp trong hai tiếng khác nhau. Đó là sự tập luyện, trải qua một thời gian thì việc dịch đã trôi chảy như rót nước.

Tiếng Việt của con giờ đây đã thuận, không cần trong đầu dịch qua dịch lại Thái sang Việt như lúc đầu tập nói. Nghĩ gì nói nấy. Nói như cảm nhận tiếng mẹ đẻ, cũng như con đang từ từ cắm rễ vào tăng thân.Vì ý chí tu luyện bản thân, con đã từng muốn rút vào nơi thanh vắng, xa lánh cuộc đời, bởi vì con không thấy tính tình của con phù hợp hay gần gũi được với chính mình và cả với thế gian. Nhưng khi có bạn đồng tu, cảm thấy thân thương hơn huyết thống nên gọi nhau là “anh em”. Con biết rằng mình không cần làm gì nhiều. Hiểu nhau, nâng đỡ, khuyến khích nhau và để không gian cho mọi người trau dồi phẩm chất tu tập, mỗi chúng ta chỉ cần làm ít ít mà tác động cho đời thì có được rất nhiều rồi. Chúng ta là ai nếu không phải là anh em. Ai ơi, nếu còn nhớ chuyện trăm trứng trăm con của mẹ Âu Cơ và Lạc Long Quân, có biết trăm đứa con đó đang ở đâu chăng?

Tiếng Việt của con nói với anh em xuất gia thấy gần gũi làm sao, như ba mẹ sinh ra, có đủ niềm tin hơn cả người nhà. Thật ra đối với con đây chính là nhà. Trong khi đó, chưa ai nói tiếng Thái rành rọt mà lại ở đất Thái này. Vậy là con hoan hỷ dấn thân đi vào mỗi lĩnh vực: thông báo thời khóa, chào đón cư sĩ đến tu hoặc khách đến thăm, dịch pháp thoại, pháp đàm, thiền hướng dẫn, đi khóa tu, đi mua dụng cụ âm thanh, mua gỗ, mua vật liệu xây nhà, mua phân bón cây, đi bệnh viện, gặp nha sĩ, chú công an. Nhìn lại thấy vui, trong đời sống dưới mái tranh mong manh, vô thường bất trắc, lắm lúc không từng hẹn hò mà tới khiến cho con tỉnh thức, tinh cần, là cơ hội phát triển thêm tình huynh đệ. Đức Thế Tôn đã căn dặn: “Các thầy khất sĩ, quý vị không có cha, không có mẹ, nếu không chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc?”. Con thì muốn nói: “Quý vị đâu phải là bà con huyết thống, đâu phải là đồng bào đồng hương. Quý vị quốc tịch khác khi sống trong tổ quốc tôi, nhưng đã có điều gì làm cho tôi thương mến, trân quý và tôn trọng nơi quý vị, có điều gì trong lắng sâu làm cho tôi gần gũi với quý vị không khác người đồng bào tôi. Chính tôi đã chọn các anh em mà không phải các anh em chọn tôi”.

Tiếng Việt của con là những bài thiền ca đặc sản Làng Mai rất thích thú. Những danh từ đơn giản mà ý nghĩa sâu sắc làm rung động tâm hồn người hành giả. Với âm điệu thanh thoát nhẹ nhàng hoặc hùng vĩ, hoặc pha lẫn thanh điệu chân chất quê làng, như đưa con trở về cây cầu cây dừa chốn quê xưa. Về bản (quê), con rất thích bản sắc quê hương, dù quê Thái, quê Việt hay quê Tây đều thích cả. Từ xưa con vốn không thấy thích thú bài hát ái tình chua cay, khi biết tiếng Việt có nhiều bài hát rất phong phú về quê hương, tình người, hay bài hát trẻ con đầy ý nghĩa thì con quý lắm. Nhất là thiền ca rất thiền vị nên con cũng thấy thú vị. Nghe rồi, con còn sáng chế thêm mắm thêm muối nữa chứ. Tiếng Việt của con là câu ngâm thơ, ngâm Kiều, nhạc lý, nhạc chèo, nhạc cải lương. Nghe thấy hay hay trong đáy sâu tâm thức, thấy quê Thái quê Việt vốn không xa, thấy âm hưởng hao hao như nhau. Tiếng Việt của con không phải giọng Bắc, không Trung, không Nam, vậy mà nghe người Nam giả giọng Bắc không chuẩn chỗ nào là con nhận ra đó nha. Một lần trong khóa tu người Việt tại Thái Lan, con thấy một bác trai hơi buồn buồn nên đến hỏi thăm. Thấy con mặc y phục lạ lạ mà nói tiếng Việt, bác giật mình hỏi: “Thầy quê ở đâu?” Con đáp: “Ở Thái Nguyên.” Bác giật mình lần nữa: “Tôi cũng ở Thái Nguyên” (ý con là: tôi, người Thái nguyên vẹn, chưa từng đi Việt Nam hay nước ngoài lần nào cả). Có lẽ bác vui mừng được gặp đồng hương, một lúc sau lại hỏi: “Thế thầy ở Thái Nguyên mà là người kinh hay người dân tộc?” “Tôi không phải người kinh, người dân tộc!” Con trả lời thật thà. “Dân tộc nào: Tày, Nùng, Mường, Thái?” “Dân tộc Thái.” “Đúng thế.” Bác gật đầu nói tiếp: “Ừ, tôi nghe giọng thầy nói, tôi cũng đoán được thầy là người dân tộc!” (may là bác không hỏi Thái Nguyên mà ở huyện nào, xã nào, biết cái cầu đó, đường kia không? Chớ nếu bác hỏi thiệt thì chắc con bảo: tôi chỉ ở trên núi rừng, biết gì mấy tên đó đâu.)

Tiếng Việt con bắt đầu nói thong thả. Khi đi khóa tu cho người Thái, con cũng giúp thông dịch tiếng Việt, ngay cả đồng bào cũng nhận không ra. Chắc là thấy nhiều thầy, sư cô trẻ người Việt đã bắt đầu nói tiếng Thái khá giỏi nên họ đến hỏi con: “Sư chú nói tiếng Thái rõ quá, học lâu chưa?” “Lâu rồi!” (từ lúc mẹ đẻ ra rồi, nhưng con chỉ trả lời đúng câu họ hỏi thôi). Họ gật gù: “Giỏi quá, công nhận.” Mới vừa rồi còn trường hợp vui hơn nữa. Trong khóa tu đó mẹ con cũng có tham dự. Một thiền sinh nữ bảo người bạn bên cạnh: “Sư chú bận đồ Nam tông đó nói tiếng Thái rất rõ nha.” Mẹ con trả lời: “Thì sư chú là người Thái mà.” “Đâu phải, sư chú là người Việt đó.” “Chắc chắn sư chú là người Thái, vì sư chú là… con của tôi đấy.”

Tiếng Việt của con trong năm thứ ba phải đem ra trao đổi để giải thích tiếng Thái, tiếng mẹ đẻ của con cho các anh chị em khi đã lên đất mới và có lớp ngôn ngữ đàng hoàng. Các sư chú, sư em trẻ mang nhiều sức sống, thường làm chuyện cười cho lớp học có sinh khí ấm cúng thêm.

Tiếng Việt của con, một số từ có gốc chữ Hán, gồm có danh từ Phật học phiên âm từ tiếng Phạn. Tiếng Thái cũng có nhiều từ lấy ra từ tiếng Pali và Sankrit, có khi thấy đồng âm giữa ngôn ngữ Thái Việt, con cũng trích dẫn ra nguồn gốc nhiều thứ ngôn ngữ như thế. Có một lần một sư em làm mặt giận nói với con: “Biết nhiều ngôn ngữ không đưa tới giác ngộ” rồi sư em mỉm cười kết luận: “Không biết ngôn ngữ, không biết đường về chùa!”. Hai anh em cười khì khì với nhau. Đúng là chúng ta cần tu thêm với nội dung này.

Tiếng Việt của con là ngôn ngữ của tình anh em tha thiết và vô tư, đã khiến con, lúc đầu là một người khách xa lạ, trở thành gần gũi, thân thiện và hòa nhập vào mạch sống chung của tăng thân.

Tiếng Việt của con đã mở cho con một thế giới để gặp lại huynh đệ rất mới của ngày xưa. Tiếng Việt đã là một yếu tố, không phải mục đích mà là con đường đưa chúng ta tới với nhau. Không phải vì tiếng Việt mà vì trong tận sâu tâm thức ta đã có sẵn “nó” rồi. Nó là gì, con không biết rõ, nhưng nó đã làm cho chúng ta trở thành người xuất gia từ thuở thơ ấu với tâm hồn trong sáng, cởi mở mà vững mạnh, quyết chí. Con không biết “nó” nằm ở đâu, và con không thể chỉ “nó” nơi một người nào khi con đang gọi bằng anh em. Con chỉ cảm nhận qua khi sống chung mà thôi. Anh em con là như thế nên con cảm thấy gần gũi không kém người đồng bào nào.

Con không phải là người Việt, nhưng ít nhiều con cũng mang trong người dòng máu tổ tiên huyết thống và tâm linh Việt Nam. Con giống hay khác với người Việt Nam?

Tiếng Việt của con chắc chắn là không giống với tiếng Việt của nhiều người khác. Tiếng Việt của con cũng như thế giới của con, chỉ có mái tranh, cây dừa, hồ nước, ngọn đồi, ly trà, sương mù và anh em ngồi quanh thầm cười hay lặng yên bước đi. Thế giới của con chỉ là thế giới nho nhỏ của một đứa con không hay đi đây đi đó kiếm xem cái gì ở ngoài kia. Một thế giới giản dị và bình thường, nhưng vì con thương nên con vẫn vừa lòng với cái thế giới đó. Vì nó còn nhỏ nên nó sẽ còn rộng lớn lắm. Con đang kể về tiếng Việt của con, nhưng thật sự ai ai cũng biết rằng con không phải nói về tiếng Việt. Tiếng Việt của con không phải chỉ về ngôn ngữ mà là ý nghĩa giữa những dòng chữ, là sức mạnh tuổi trẻ, là khao khát thâm sâu, là truyền thông của lòng người, và những ai đã sống trong dòng chảy những gì mà con vừa kể thì chắc là sẽ hiểu rõ nhất rằng con đang nói gì đây.