Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Đến để tự thấy

Chân Hội Nghiêm

Viết cho các anh chị em xa Làng

Nắng mới lên rồi. Ánh nắng từ phía đông hắt qua khu rừng hướng lâu đài rất đẹp. Ở phòng học Mây Tím nhìn ra, có những buổi sáng sương giăng, phủ khắp cả đồi mận, đẹp lắm. Lá thu vẫn còn đó, vàng đỏ, chập chùng, ẩn hiện. Cái lạnh của mùa đông cũng đang ngự trị, cho thu đông quyện vào nhau, cảnh vật trở nên huyền nhiệm. Con biết ơn nơi này, biết ơn Thầy đã cho mình đôi mắt biết nhìn, biết ngắm.

Trăng lặn, thật đẹp, thật thanh bình. Phòng học với cửa kính lớn rộng cho mình cảm giác như đang ở ngoài trời, đang tiếp xúc với trăng thật sự. Từ dưới đất, hơi lạnh bốc lên thành khói, thành sương, thành mây bảng lảng. Sao mà huyền hoặc và đẹp đến thế. Ngồi đây, con nhớ lại có lần đi Đức trong một khóa tu tổ chức ở Intersein, Thầy được ở trong một căn phòng có cửa kính lớn rộng từ đầu này đến đầu kia. Nhìn ra bên ngoài khung cảnh thật đẹp. Chẳng khác nào mình đang ngồi ngoài trời ngắm cảnh. Thầy thường hay mời các anh chị em lên uống trà ngắm cảnh với Thầy. Có phải cảnh đẹp cũng làm cho lòng mình hân hoan rộng mở? Con ngồi đây, không gian bên ngoài cũng giúp con tạo dựng không gian bên trong. Tương tức mà. Con ước mình có thể chụp được bức hình này gởi cho các anh chị em xem. Có lẽ tàng thức là một cái máy chụp hình chuyên nghiệp nhất. Rất sống động và thực, chỉ có điều khó để gởi cho các anh chị em.

Trăng vẫn chưa hề lặn”. Yên, yên lắm! Có những buổi sáng thức dậy, thấy các chị em, ai cũng an nơi chỗ ngồi của mình và ngắm trăng. Một cảnh tượng rất yên, lặng và đẹp. Đẹp từ bên ngoài lẫn bên trong. Ở chỗ ngồi của con nhìn ra, trăng lặn ngay bên cạnh lâu đài. Cảnh vật làm cho trăng nên thơ thêm. Mỗi loài hoa, mỗi con người, mỗi cảnh vật… có một vẻ đẹp riêng, và vẻ đẹp ấy được tô điểm bởi cái vị trí của nó, nơi nó được đặt lên. Một bình hoa đẹp không phải đặt ở đâu cũng đẹp. Nó phải phù hợp với không gian chung quanh nữa.

Xóm Hạ bây giờ thay đổi nhiều. Chỉ mới một năm thôi mà đã khác hẳn. Nhà ăn bây giờ khang trang hơn. Nhớ ngày khai trương nhà ăn, cũng là ngày xuất sĩ, anh chị em quây quần bên nhau ăn trưa thật ấm cúng và vui nhộn. Hơn hai năm xây dựng, xóm Hạ ở trong tình trạng bùn lầy nước đọng, đi ra ngoài là áo quần dính đầy bùn, không có ngày nào và không có ai là không dính bùn. Khất thực từ nhà Anh Đào đến thiền đường Cam Lộ (lúc này một nửa làm nhà ăn, một nửa làm nhà kho chứa đồ) những ngày mưa thật vất vả. Ăn xong lại lặn lội trở về nhà Anh Đào để rửa bát. Một số quý sư cô sử dụng bình bát của mình để đi thẳng về ni xá. Một số muốn thực tập như mọi người nên cũng dùng bát thủy tinh của nhà ăn, thấy mình đồng sự được với thiền sinh, cũng vui. Niềm vui tại tâm mà! Chính vì vậy mà thiền sinh cảm thấy hạnh phúc. Chẳng có ai phàn nàn, chẳng có chuyện gì xảy ra cho năm ấy cả. Ai cũng thực tập hết lòng và chấp nhận những thiếu hụt của xóm. Họ thương mình nhiều lắm nên mới chấp nhận được trong những điều kiện như thế. Bây giờ nghĩ lại giai đoạn đó thấy mấy chị em xóm Hạ cũng cừ thiệt. Các anh chị em từ xóm khác đến quán niệm một ngày là đã la làng chọc: “Sao giống về quê cày ruộng quá”. Có những chị em từ nơi khác về an cư thấy vậy, ngày nào cũng đẩy những chiếc xe rùa đầy đất đi đắp đường, thật là dễ thương.

Những ngày quán niệm cả ba xóm, những con đường vốn đã bị giới hạn lại giới hạn thêm bởi những chiếc xe cẩu, xe tải đào đất, ban đất và chở vật liệu. Thế mà nay mọi thứ đã khang trang (trừ nhà Anh Đào chưa sửa chữa), cư xá Hồng Giòn cũng đẹp và ấm cúng hẳn ra. Chung quanh, những con đường được trải sỏi, rất đẹp và sạch. Những ngày mưa, tuyết, vẫn khô ráo không bị bùn lầy.

Ấy! Xóm Hạ bây giờ sạch đẹp như thế đó. Kính mời các anh chị em về thăm Làng, thăm lại xóm Hạ một chuyến cho vui. Được gặp lại cố tri thì còn gì hạnh phúc bằng!

Tự do của một người tu

Bây giờ là mùa Giáng sinh. Các anh chị em biết rồi đó. Truyền thống của làng mình là bốc thăm để tặng quà cho nhau. Ai bốc trúng tên mình thì người đó sẽ làm ông già Noel của mình.

Mọi người háo hức vui khi chuẩn bị và làm những món quà, những tấm thiệp, đơn giản mà đẹp. Chưa tặng, không biết người kia nghĩ gì mà người chuẩn bị đã thấy hạnh phúc nuôi dưỡng rồi. Những ông già, bà già Noel làm việc rất hăng say, vui vẻ. Có khi đụng đầu nhau vì phải đi tặng quà trong những lúc tối trời, lúc mọi người đã lên giường ngủ hết.

Thế rồi ngày Noel đến. Sau một ngày chơi với bốn chúng, các anh chị em xuất sĩ có một ngày riêng ở Sơn Cốc. Quà chất đầy các cây Noel. Các xóm dâng quà lên Thầy, rồi tặng quà cho nhau. Thật là vui và sinh động! Sau đó đi thiền hành và ăn picnic. Mọi người ngồi rải rác khắp nơi. Có người ngồi dọc hai bên đường đi, có người ngồi quanh đống lửa, có người ngồi cạnh rặng tre, bờ suối, thành từng nhóm. Món quà tình huynh đệ dâng lên tặng Thầy.

Con cũng gói nhiều quà, và món quà làm con vui nhất, chắc cũng đứng hàng top ten, là món quà con gói cho sư út. Một đôi vớ rất dễ thương, có mấy em bé người tuyết, có những viền ngang xanh, trắng, cam, rất đẹp. Tất nhiên những đôi vớ như vậy thì không thể mang ra ngoài được rồi, nhưng mình có thể để dành cho những ngày bệnh, có thể mang ở trong phòng, trên giường bệnh, không cần phải đi ra ngoài nhiều. Mỗi lần bệnh con thường thích mang những đôi vớ như thế, nhìn thấy vui vui, ngồ ngộ, bớt ưu sầu vì sự đau nhức và mệt mỏi. Đôi vớ đó là từ một sư em giữ tủ chúng đưa cho con. Một ngày đó soạn đồ, thấy đôi vớ dễ thương quá, sư em bảo con gói lại tặng cho sư út. Con xuýt xoa: “Chu cha, đôi vớ này mình cũng thích nữa huống là sư út, chắc sư út hạnh phúc lắm đây”. Sư em bảo: “Hay là tặng cho sư cô đi”. Con nói: “Thôi, gói tặng sư út cho sư út vui”. Con gói lại mà lòng thấy vui chi lạ. Con để ý xem sư út hạnh phúc như thế nào khi nhận món quà này. Cũng tò mò, con hỏi:

– Con khui quà hết chưa?
– Dạ khui hết rồi.
– Vui không?
– Dạ vui lắm, con có rất nhiều quà, chất đầy giường luôn. Con để dồn lại rồi mở một lần.
– Con thích món quà nào nhất?

Em ậm ự… (Con biết, cũng khó để nói là món quà nào mình thích nhất, mỗi món mỗi vẻ, mười phân vẹn mười).

– Có món nào vui không?
– Dạ có.
– Món nào?
– Món đó đó.
– Món đó là món nào?
– Thì món có ghi chữ “thương tặng sư út” đó. (Rồi em mỉm cười như muốn nói là món sư cô tặng đó).
– Con nhận ra à? Có thích không?
– Trời, sư cô nghĩ răng rứa. Cái nớ con buông bỏ ra mà, để trong tủ chúng đó.

Đến lượt tôi… há miệng, trợn mắt… “Ủa, dzậy hả?”. Rồi cả hai cùng phá lên cười.

Món quà ấy làm con cứ cười hoài, và càng thấy rõ tự do của một người tu. Khi chưa đi tu, mỗi lần tặng quà mình cứ nghĩ tới những món quà nào có giá trị, hợp sở thích của người đó. Rồi người nhận quà cũng vậy, món quà đó có đẹp không? Có giá trị không? Nếu không thì cũng trách móc tại sao lại tặng quà cho mình như vậy, tặng mà không hiểu gì hết… Nếu mình lỡ tặng một món quà cho ai không có giá trị, không hợp sở thích của người đó… chắc mình cũng áy náy lắm. Còn bây giờ thì, những món quà như thế cho nhau những tràng cười. Bởi thế mới thấy người tu có nhiều tự do thật. Tràng cười tự do của người xuất sĩ.

Núi

Dù trời xanh mây trắng
Dù sóng gió bão giông
Dù mây sương mưa tuyết
Núi vẫn sừng sững bao dung
Mỉm một nụ cười trầm lặng.
 
Ngọn núi đã lên đèn
Ánh sáng trời thắp lên từng đỉnh núi
Nối dài một dải
Tràn xuống núi đồi
Êm ả, bình yên
An nhiên và chậm rãi
 
Chậm, chậm lắm!
Có thể mắt em không thấy được
Nhưng nhìn thật sâu, thật lâu, em sẽ thấy
Ánh sáng tràn.
Nhịp độ chậm làm cho lòng mình lắng lại
Để mở ra những ngõ ngách đã đóng kín từ lâu.
Em ôm Núi vào lòng
Và Núi cũng ôm em
Như thể em là con của Núi
(Đây là lần đầu tiên em nhận mình là con của Núi)
Núi cao và linh thiêng
Chắp tay em gởi lòng vào Núi
Nguyện cho hồn thiêng của núi sông che chở
Nguyện cho hồn thiêng của núi sông bảo hộ
Cho em vững chãi bền lâu.
 
Niềm vui của những người chinh phục đỉnh núi
Đã trở về ngự trị trong tất cả mọi tâm hồn
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên có thể.
Núi đã thổi hồn mình vào từng viên đá, ngọn cỏ
 
Dù rất nhỏ mà cứu được những linh hồn
Cứu được những xác thân.
Núi không chỉ ngự trị trong những đỉnh cao đồ sộ
Núi có mặt trong từng viên đá, ngọn cỏ
Để từ những viên đá nhỏ, từ ngọn cỏ mong manh
Núi đã nâng mình lên cao, lên cao
Đến tận đỉnh trời.
 
Bài học mà Núi đã dạy cho những người con của Núi hôm nay:
“Không có gì quý hơn tình huynh đệ,
Những lúc hiểm nguy đừng hốt hoảng, giao động
Đừng lo lắng băn khoăn
Hãy giữ lòng yên bình
Núi sẽ ôm em vào lòng
Núi sẽ bảo hộ cho em”.
 
Nguyện cho núi sông muôn đời bao dung bình lặng
Và em, cũng bình lặng bao dung như Núi.
 

Những ngày làm biếng sau khóa tu mùa Hè, các chị em thường tổ chức đi núi Pyrénées, có khi là núi Alps ở Pháp. Lần này, các chị em xóm Hạ tổ chức đi núi Alps, Thụy Sĩ. Núi Thụy Sĩ đẹp và hùng vĩ. Con thích những chuyến đi. Những chuyến đi như thế mình hiểu thêm được các chị em của mình. Mọi người được chơi, được tự do, được là mình. Không cần phải gò bó, cố gắng hay gì cả. Lên tới nơi là mọi người đã hạnh phúc rồi. Có người thì thấy lên đến đó là đủ. Không cần phải đi đâu nữa. Ngồi ở nhà uống trà ngắm núi bên bếp sưởi củi thì còn gì thú vị bằng. Vừa đẹp, vừa ấm cúng, lại vừa khỏe. Và họ cũng không hiểu tại sao một số khác đã lên đến đây rồi, cảnh đẹp như thế này rồi mà còn đi đâu nữa? Có người thì trèo lên tận các đỉnh núi mới thấy thỏa thích. Lên đến đỉnh núi còn tuyết, vốc tuyết uống cà phê ở trên đó. Vừa lạnh run cầm cập, vừa thưởng thức hương vị cà phê với tuyết trên đỉnh núi cao ngất ấy mới thấy mãn nguyện.

Và họ cũng không hiểu tại sao lại có những người đi núi mà không leo núi, chỉ ngồi ở nhà uống trà… phí quá. Con thì có cảm giác mình hiểu được tất cả các tâm trạng ấy nên cứ để cho các chị em tận hưởng những sở thích của mình. Đi chơi mà! Ép uổng nhau làm gì? Thế nhưng cũng có một ngày, tất cả các chị em, đông đủ, một đoàn 35 người, nào giày, áo khoác, nào thức ăn, nước uống, nào gậy gộc, nào máy quay phim chụp hình… đi núi chung với nhau. Có người thích đi nhanh, có người thích đi tà tà, đi không cần đến, tới đâu thì tới. Chỗ nào thích thú thì ta dừng lại, uống trà, ngắm cảnh, chụp hình và lượm những viên đá đẹp. Khó để gom lại cho mọi người cùng đi chung một lần. Con thì thích đi nhóm giữa. Cứ đợi nhóm cuối đến gần mình, con lại phóng theo nhóm trước. Cứ thế mà làm thành một đoàn dài. Cảnh núi rừng hùng vĩ và đẹp quá. Đi đến đâu mọi người trầm trồ đến đó.

Đến một đoạn, nhìn lên, thấy các chị em ngồi trên một mỏm núi xanh, uống trà, nhìn xuống, khung cảnh thật là lãng mạn. Vừa hùng vĩ, vừa nên thơ, vừa vui, mà vừa có tình. Đỉnh núi này không phải là đỉnh cao nhất, nhưng lại là đỉnh khó trèo và mạo hiểm nhất khiến các chị em đầy phấn chấn với những khoảnh khắc lặng im hay những tiếng cười giòn. Các chị em, những người vượt lên được đoạn đường núi khó khăn này, đều học được bài học cho riêng mình, bài học “không có gì quý hơn Tình huynh đệ”, “yên mình lại để nương tựa Bụt nơi tự thân”. Có một khoảnh khắc mất thăng bằng, đối diện với hiểm nguy nơi vách núi cao, con đã gọi thầm: “Bụt ơi, cứu con”. Lạy Bụt, ngay tức thì con thấy yên lạ. Yên lắm. Yên nơi mỗi tế bào. Con đứng lặng như thế một lúc, và thở. Sau đó tiếp tục cuộc hành trình. Tự nhiên con thấy người mình nhẹ tênh và bình an lạ. Một tay con lấy viên đá đang cầm trong tay moi đất ra để có chỗ tựa chân, tay kia con níu từng bụi cỏ nhỏ để nâng người mình lên. Cứ thế mà vui với cuộc hành trình. Bụi cỏ chỉ là chỗ cho mình thêm điểm tựa thôi. Con không hiểu tại sao những bụi cỏ nhỏ như vậy, nhổ gốc như chơi, lại có thể nâng cả con người bốn mươi mấy ký này lên được. Đó là một kinh nghiệm mới mà con khó có thể lý giải. Kinh nghiệm này cứ ở trong con hoài. Một ngày, con nghiệm ra, khi mình yên lại thì cơ thể cũng nhẹ hơn. “Vật chất có thể biến thành năng lượng” mà! Có những người khi họ bước đi mình thấy nhẹ như mây bay. Kinh nghiệm đó cho con một cái thấy mới là khi biết nương tựa những điều nhỏ thì nó có thể đưa mình lên cao và đi xa. Ở trong chúng cũng vậy. Mình thường nghĩ là mình phải nương tựa Thầy, nương tựa các sư anh sư chị vững chãi, thực tập tốt. Điều đó là hẳn nhiên rồi, nhưng mình không biết là mình cũng nương tựa các sư em nhỏ nhiều lắm. Các em rất hồn nhiên, vô tư và trong sáng. Đôi khi đang buồn một chuyện gì đó chưa kịp chuyển hóa, các sư em nói một câu, kể một chuyện làm mình cười lăn, thế là nỗi buồn tự chuyển hóa lấy, không cần phải mất nhiều thời gian và năng lượng. Nếu biết nương tựa những điều nhỏ thì mình có thể đi rất xa.

Thầy hay nói: “Con nuôi Thầy nhiều lắm con biết không?” (Chắc ai cũng nghe Thầy nói câu này nhiều lần). Mình không thể tin được. Làm sao mình có thể nuôi Thầy được. Bây giờ thấy các sư em nuôi mình, mình mới hiểu Thầy, điều hồi xưa Thầy nói là có thật. Biết cách nương tựa tăng thân thì mình mới biết cách xây dựng tăng thân.