Dòng chảy yêu thương
Chân Tuệ Nghiêm
Xóm Mới, ngày… tháng… năm…
Thầy kính thương,
Sáng nay con đọc một đoạn kinh trong Tăng chi bộ, Bụt dạy thầy Ananda nên có trách nhiệm chăm sóc, sách tấn, và nhắc nhở các vị mới tu. Bụt dạy thầy Ananda nên khuyên các vị mới tu về năm sự thực tập: sống theo những giới luật đã tiếp nhận, hộ trì sáu căn, nói ít lại, sống trong tĩnh lặng, và nuôi lớn chánh kiến. Đọc đoạn kinh này, con thấy y như Thầy đang nhắc nhở các sư anh, sư chị nên chăm sóc, sách tấn, và nhắc nhở các sư em về những điều ấy.
Từ khi Thầy bệnh đến giờ, các sư anh, sư chị lớn chúng con phải thay Thầy nói pháp thoại cho tứ chúng, nhắc nhở, chăm sóc, và hướng dẫn cho các sư em. Con cũng vậy, cũng phải đứng ra để thực tập những điều đó. Thầy được tiếp nối qua tăng thân, trong đó có các sư em. Chăm sóc các sư em là chăm sóc Thầy, chăm sóc Thân Tiếp Nối (Continuation body) của Thầy, vì vậy mà con không ngại ngùng đứng lên để đóng vai trò người chị. Con chỉ biết làm hết khả năng, bởi đối với con, trách nhiệm này không phải dễ. Con biết khả năng chăm sóc các sư em tùy vào khả năng con tự chăm sóc tâm hồn, sự tu học, và sức khỏe của con. Thầy kính thương, đây là những điều con đang làm để tự chăm sóc con mỗi ngày.
Thực tập những pháp môn căn bản. Con nương vào những pháp môn căn bản để nuôi lớn nguồn chánh niệm, sự bình an, tĩnh lặng, và hạnh phúc trong con. Con luôn tự nhắc, pháp môn căn bản là thức ăn của con hàng ngày. Mục đích của con khi xuất gia là nuôi lớn khả năng sống tỉnh thức, thương yêu, hiểu biết, và chuyển hóa khổ đau. Vì vậy con luôn xem sự hành trì những pháp môn căn bản là quan trọng hơn cả.
Tham dự các thời khóa sinh hoạt của đại chúng đầy đủ. Đây là cơ hội để thân tâm con được trị liệu và nuôi dưỡng nhờ năng lượng bình an và chí nguyện tập thể, và như vậy con cũng đóng góp sự có mặt của con để yểm trợ cho các chị em. Con thấy rõ tham dự thời khóa đầy đủ là cách đóng góp và xây dựng tăng thân thêm vững mạnh.
Có thì giờ ngồi yên một mình để nhìn lại bản thân. Điều này con cũng làm theo lời Bụt dạy cho các thầy hồi xưa, là nên tìm đến một căn nhà vắng hoặc một khu rừng, để quán chiếu và nhìn sâu vào lòng thực tại. Con biết khi con bận rộn với công việc và với trách nhiệm của một sư chị lớn, con rất cần thì giờ ngồi một mình để nhìn lại chính mình. Sống trong một chúng lớn, con có thể có thêm thì giờ vào lúc sáng sớm, trước khi đại chúng thức dậy. Đây là thời gian linh thiêng và trị liệu cho con, để có thể chăm sóc tâm thức con và tự sách tấn trên con đường tu học.
Thể dục mỗi ngày. Thân ốm thì tâm cũng ốm. Vì vậy, con dành thời gian tập thể dục mỗi ngày. Chăm sóc thân thể con cũng là chăm sóc cho các sư em, chăm sóc cho tăng thân. Có sức khỏe, con mới đóng góp sự có mặt của con cho tăng thân hết lòng.
Nghe pháp thoại của Thầy. Mỗi ngày con dành ít nhất nửa tiếng để nghe pháp thoại của Thầy. Bao nhiêu tuệ giác của Thầy, Thầy đã truyền đạt qua những bài pháp thoại. Nghe pháp thoại của Thầy, con có cơ hội tiếp xúc với những tuệ giác lớn để có thể chạm được ánh sáng ấy trong lòng. Thầy là một người thầy có tuệ giác, có tình thương lớn, một người thầy cách mạng, đã làm mới đạo Bụt để anh chị em chúng con có cơ hội học hỏi, thấm nhuần tinh ba và cốt tủy của đạo Bụt. Là một người có cái nhìn đi trước thời đại (visionary), Thầy đã mở một con đường sáng, đẹp và rộng lớn cho anh chị em con. Con thực tập để tiếp nhận gia tài quý báu mà Thầy trao truyền mỗi ngày.
Thực tập giới luật uy nghi. Con đang hướng dẫn lớp giới luật Tỳ kheo ni cho các sư em. Truyền trao cho các em cũng là cách con tự nhắc nhở mình về sự thực tập giới luật uy nghi, để con có thể ý thức được sự hiểm nguy trong những điều nhỏ nhặt mà tránh gây ra lỗi lầm và đổ vỡ. Hành trì uy nghi giới luật, con mới có thể làm gương cho các sư em.
Nói ít lại và sống tĩnh lặng. Nói ít lại, sử dụng năng lượng và thì giờ để đầu tư vào việc tu học và trau dồi cho chính con. Sống tĩnh lặng, con có thể trở về với nội tâm, thực tập nhận diện sự biểu hiện của các tâm hành để hiểu mình hơn.
Tiếp xúc với thiên nhiên. Con tiếp xúc với những mầu nhiệm của đất Mẹ mỗi ngày cho thân tâm được nuôi dưỡng bởi những gì đẹp và tích cực. Những gì con vun trồng nơi đất tâm lành mạnh thì cuộc đời con cũng sẽ trở nên lành mạnh và ý nghĩa.
Buông bỏ. Một trong những thực tập quan trọng hàng ngày cho con là buông xuống những suy nghĩ, những ý kiến và tri giác của con. Con vẫn nhắc nhở các sư em, nhưng con tập buông, dù các em có làm theo hay không. Trong buổi họp, con đóng góp ý kiến, và sau đó buông nó đi dù ý kiến có được chấp nhận hay không. Không có gì phải quá quan trọng. Buông được những gì trong lòng để tâm có không gian, yên tĩnh và sáng suốt. Chính cái tâm yên tĩnh, sáng suốt và tự do mới là cái cần thiết cho cuộc đời xuất sĩ.
Thầy kính thương,
Con cảm thấy con đang thực tập những điều Bụt dạy thầy Ananda: phải có trách nhiệm chăm sóc, sách tấn, và nhắc nhở các sư em trong công phu tu học. Và con cũng đang làm điều đó cho con như một vị mới vào tu. Sống theo giới luật uy nghi, hộ trì sáu căn, hạn chế sự nói năng, sống tĩnh lặng và nuôi lớn cái nhìn đúng đắn, những điều này không chỉ dành cho người mới vào tu, mà cho tất cả những xuất sĩ nào muốn thanh lọc thân tâm và muốn có tự do trong lòng. Đây chính là những thực tập giúp con có tự do, hạnh phúc, và vững chãi. Nhờ các sư em mà con nỗ lực hơn trong việc tu, học, và tham gia sinh hoạt của chúng vì con biết, các sư em đang trông mong và nương tựa nơi các sư anh, sư chị lớn.
Nhìn lại, con thấy không những các sư anh, sư chị lớn mới đóng vai trò thầy Ananda để chăm sóc và sách tấn các sư em. Mỗi người trong tăng thân đều đóng vai trò ấy. Ai cũng là thầy Ananda. Ai cũng phải tiếp nối Thầy để dìu dắt, nhắc nhở và thương yêu các sư em. Nếu trong tăng thân, ai cũng đóng vai trò người anh, người chị như thầy Ananda và ai cũng hành trì những điều Bụt dạy cho các vị mới vào tu, thì tăng thân sẽ lớn mạnh, là nơi nương tựa vững chãi cho mọi người, và có thể đi rất xa trên con đường thương yêu, hiểu biết, và chuyển hóa khổ đau mà Thầy đã một đời trao truyền.