Mối tình Việt Nam
Chân Pháp Niệm
Thầy thường nói rằng quê hương của Thầy không phải chỉ là Việt Nam, quê hương của Thầy là cả trái đất này, là bây giờ và ở đây, là vượt thoát thời gian và không gian. Tôi biết dù nói thế nhưng trong lòng Thầy vẫn có một mối tình đặc biệt đối với Việt Nam, đơn giản vì Thầy là người con Việt Nam. Trong cái nhìn của một vị thiền sư thì ở đâu cũng là quê hương, nhưng trong một con người thì nơi sinh ra và lớn lên là quê hương của mình, và Thầy vẫn luôn luôn tự hào vì điều đó. Dân tộc, tổ tiên của chúng ta là một dân tộc thuần từ, có một ngôn ngữ Việt rất ngọt ngào, đầy chất liệu thi ca. Nền đạo đức thuần từ thể hiện rõ nhất ở hai thời đại Lý-Trần. Những điều hay đẹp ấy được Thầy khai triển và cống hiến cho xã hội Tây phương – một tinh thần đạo Bụt Dấn thân (Engaged Buddhism) đã và đang được nơi này đón nhận nồng nhiệt.
Thầy và Tăng thân Làng Mai thiền hành tại Vĩnh Phúc trong chuyến về Việt Nam năm 2007
Sáu anh chị em chúng tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm sinh sống và hành đạo tại Tây phương. Chuyến đi ấy gồm có sư cô Định Nghiêm, sư cô Thuần Nghiêm, sư cô Thiều Nghiêm, thầy Pháp Ứng, thầy Pháp Trú và tôi, tất cả đều đã rời đất nước từ khi còn nhỏ, đều đã lớn lên và tiếp thu văn hóa phương Tây. Thầy biết chúng tôi là những đứa trẻ Việt của thế hệ “trái chuối” – ngoài da thì vàng nhưng trong ruột thì trắng, nghĩa là đã bị Tây hóa. Tuy vậy, ở trong tu viện, Thầy đã dạy cho chúng tôi nhiều cái hay, cái đẹp về văn hóa Việt. Thầy cho chúng tôi tiếp xúc với một nền đạo đức tâm linh, văn hóa, văn minh Việt để chúng tôi không bị mất gốc và có thể tự hào mình là người Việt Nam. Nhiều người trẻ lớn lên ở Tây phương có mặc cảm cô độc vì tuy họ là người Việt mà không biết gì về con người và văn hóa Việt, trong khi đó lại có cảm giác không được chấp nhận như người Tây, do đó rất đau khổ. Khi được học cả hai nền văn hóa thì mình có thể tự hào hơn, hạnh phúc hơn vì mình mang trong mình cả hai nền văn hóa. Tuy đã được Thầy trao truyền những cái hay, cái đẹp về văn hóa Việt nhưng Thầy muốn các con của Thầy trở về Việt Nam để tiếp xúc trực tiếp và cảm nhận bằng xương bằng thịt, bằng cả trái tim của mình, và Thầy đã tặng cho sáu anh chị em chúng tôi bài thơ trên. Chúng tôi ai nấy đều hớn hở, hồi hộp lên đường về thăm quê cha đất tổ.
Đĩa trái cây chín thơm
Đứng về phương diện tâm linh, Thầy luôn luôn dạy chúng tôi nhớ về nguồn gốc của mình. Ở bàn thờ tổ tiên trong thiền đường xóm Hạ có hai câu đối do Thầy viết: “Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp. Suối nguồn huyết thống nguyện khai thông”. Người hạnh phúc là người có khả năng nối kết được với gốc rễ tâm linh và huyết thống của mình. Mình có hai gốc rễ: tâm linh và huyết thống. Ngoài chuyện trở về tiếp xúc và bồi đắp gốc rễ huyết thống, mình cũng về để kết nối với gốc rễ tâm linh, mà gần nhất là chư Tổ ở Tổ đình Từ Hiếu, nơi Thầy đã xuất gia học đạo. Thầy bảo: “Các con là những cây thầy trồng nay đã kết trái, đã chín thơm, đẹp và thầy muốn dâng lên chư Tổ như một kết quả của sự tu học của mình. Thầy về chưa được nên các con về giùm thầy vậy. Các con về cũng là thầy về. Về chùa Tổ các con nhớ bước những bước chân chánh niệm trên đất Tổ cho thầy, nhớ thăm những nơi mà thầy đã sống, như phòng ngủ, những cái giếng, chuồng bò, đồi Dương Xuân, và nhất là phòng của Sư Cố. Các con đi đảnh lễ tháp Tổ Liễu Quán và nếu có cơ hội thì ra Hà Nội để chiêm bái núi Yên Tử và đảnh lễ các tháp của Tam Tổ Trúc Lâm”.
Tháng Hai năm 2000, sau khi đã được Thầy truyền đăng làm giáo thọ, chúng tôi được Thầy cho phép về thăm Việt Nam. Chuyến đi ấy dài hơn hai tháng và chúng tôi đã được tiếp xúc với ba miền của đất nước. Tại Huế, chúng tôi được ở lại chùa Tổ. Thời gian ở chùa Tổ có thể nói là thời gian hạnh phúc nhất vì được đảnh lễ tháp Tổ, được tiếp xúc với năng lượng của chư Tổ, được Sư Thúc và các thầy yêu thương, chăm sóc tận tình, được đi đảnh lễ tháp Tổ Liễu Quán, nhưng cũng nhiều phen “đau tim”… Ra Bắc, chúng tôi được Thầy dạy đi thăm và đảnh lễ các tháp Tổ ở miền Bắc, đặc biệt là đi thăm núi Yên Tử. Đây là nơi mà các vị vua đời Trần đã rũ bỏ “áo mão cân đai” để lui về tu tập, trong đó có vua Trần Nhân Tông, sau này là người đã khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái đặc thù Việt Nam, một thiền phái của đạo Bụt Dấn thân mà bây giờ Thầy trò chúng tôi đang tiếp nối. Thầy bảo: “Chuyến đi này là chuyến đi thăm quê, ngoài việc tiếp xúc với tổ tiên, với quê hương đất nước, xã hội và trải nghiệm, các con sẽ có thể không được phép tổ chức những ngày tu chánh niệm như bên này, các con cũng sẽ tiếp xúc với những mặt trái của đất nước, xã hội và có những cái có thể làm cho các con bị sốc, nhưng các con đã được chuẩn bị kỹ, lại có sự thực tập nên sẽ không đau khổ và thất vọng như những người trẻ khác khi họ về Việt Nam lần đầu. Mỗi bước chân thảnh thơi, an lạc, mỗi nụ cười tươi sáng, hiền hòa, mỗi cử chỉ yêu thương đều là những bài pháp thoại không lời, sống động mà các con có thể cống hiến cho quê hương”.
Chuyến đi ấy đã khơi dậy trong lòng những người trẻ lớn lên ở hải ngoại như chúng tôi tình yêu thương đất nước vô bờ bến. Ai cũng sẵn sàng về lại nhiều lần để góp sức xây dựng quê hương của mình được đẹp đẽ như tổ tiên đã làm trong thời đại Lý-Trần. Mỗi lần được ngồi chơi với Thầy, Thầy luôn quan tâm đến Việt Nam. Thầy nói nếu Thầy về không được thì sau này các con sẽ về giùm cho Thầy. Đất nước của mình đã trải qua quá nhiều khổ đau, đổ vỡ và đang đối mặt với nhiều thách thức. Hơn một nửa dân số được sinh ra sau chiến tranh và có khi trải nghiệm những cái khổ mà không biết tại sao mình khổ. Thế hệ trước thì vẫn mang nhiều hiềm hận, thương tích, chia rẽ, còn thế hệ sau lại đang có cảm giác lạc hậu và choáng ngợp trước những phát triển của thế giới công nghệ, và nhiều người không định hướng được mình sẽ ứng phó như thế nào.
Chuyến đi khép lại với những niềm vui, sự hãnh diện và bao điều thao thức đối với anh chị em chúng tôi. Trước hết là cái đẹp về núi non, sông nước hữu tình. Chúng tôi khi còn ở Việt Nam, vì điều kiện không cho phép nên chưa bao giờ được vân du trên khắp các vùng đất nước, nhưng sau chuyến đi chúng tôi đã giật mình hãnh diện, không ngờ đất nước của mình lại đẹp như thế. Hèn chi Thầy đã viết bốn câu thơ ca tụng Việt Nam để tặng cho các bạn trẻ Việt Nam như chúng tôi khi tới Làng:
“Lắng lòng nghe tiếng gọi quê hương
Sông núi trông ra đẹp lạ thường
Về tới quê xưa tìm gốc rễ
Qua rồi cầu hiểu tới cầu thương.”
Tiếng gọi quê hương
Quả đúng như thế. Chúng tôi không ngớt đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thật là một đất nước với núi non, sông hồ thơ mộng. Con người hình như thân thiện hơn, niềm nở hơn, tươi vui hơn. Điều này do một du khách Tây phương đã nói với tôi khi tôi gặp bà ở bãi biển Nha Trang. Có nhiều thứ để nói về đất nước và con người Việt Nam lắm. Những cái hay, cái đẹp ấy đang được ông bà, cha mẹ gìn giữ. Ông bà, cha mẹ là những chiếc cầu để con cháu được kết nối với tổ tiên.
Song, bên cạnh đó, nhiều trải nghiệm khác đã khiến chúng tôi nghĩ là sẽ tiếp tục trở về để góp sức xây dựng đất nước bằng chính nếp sống đạo đức tâm linh mà bao thế hệ tổ tiên đã dày công bồi đắp. Chúng tôi thấy đất nước còn quá nhiều khó khăn, khổ đau, nghèo đói, bức xúc, lo lắng, sợ hãi, tranh đua, nghi kỵ, bạo động; tuổi trẻ chán nản, tuyệt vọng, mất phương hướng; dư âm của những vết thương chiến tranh, hận thù và bất công còn đọng lại nơi từng tế bào của mình, không có gì mất đi cả. Tôi nhớ có lần ngồi trên xe lửa đi ra Hà Nội, tôi gặp một anh thanh niên với khuôn mặt thanh tú đang bán trứng vịt lộn. Tôi bắt chuyện hỏi thăm và được biết là anh đã tốt nghiệp đại học kinh tế nhưng không tìm được việc làm, cuối cùng phải đi bán trứng vịt lộn để kiếm sống. Tôi thật xót xa. Chúng tôi chợt hiểu được trái tim của Thầy, hiểu được tình yêu thương mà Thầy luôn dành cho Việt Nam, luôn khuyến khích các học trò sau này phải về Việt Nam để thay Thầy xây dựng đất nước bằng sự tu học của mình. Niềm thương cảm quê hương dâng tràn, trong lòng mỗi anh chị em chúng tôi, ngọn lửa yêu thương đã được nhen lên cùng với lời phát nguyện sẽ tiếp tục về Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, đất nước của mình còn có nhiều nghèo đói, còn lạc hậu nhiều khía cạnh, và điều quan trọng hơn cả chính là thiếu đi sự thống nhất lòng người, thiếu chất liệu hiểu và thương vốn là một chất liệu quan trọng mà tổ tiên của mình trong thời Lý-Trần đã sử dụng để xây dựng non sông. Chúng tôi luôn lạc quan về đất nước của mình vì hạt giống của đạo Bụt, của hiểu và thương đã được gieo bởi tổ tiên của mình qua nhiều thế hệ vẫn còn đó trong chiều sâu tâm thức người dân. Chỉ cần tưới tẩm là nó sẽ nảy mầm. Niềm tin về đạo Bụt trong lòng người Việt là không thể nghi ngờ.
Tới năm 2003, tôi lại có cơ duyên về Việt Nam để mở khóa tu cùng với các sư anh, sư chị và sư em của tôi. Chúng tôi đã về quê hương với một trái tim thuần khiết và tràn ngập yêu thương. Niềm ước mơ duy nhất là chung tay xây dựng và bồi đắp, làm đẹp quê hương với nếp sống đạo đức tâm linh của mình. Mọi việc không hề dễ dàng như chúng tôi nghĩ. Kể từ đó, chúng tôi đã có thêm nhiều chuyến về nữa kể cả những chuyến trở về cùng với Thầy. Sau ba chuyến trở về của Thầy và tăng thân, đã có nhiều người trẻ xuất gia. Chỉ trong vòng gần 4 năm, số lượng người trẻ xuất gia đã lên tới gần 400 người. Nhiều cơ hội đã mở ra và cũng không ít những khó khăn, thách thức mà chúng tôi phải đối mặt. Giấc mơ đồng hành với những người trẻ Việt Nam trên con đường hiểu và thương để xây dựng một đất nước Việt Nam, một dân tộc Việt Nam đẹp đẽ hơn, thuần từ hơn, hạnh phúc hơn và an vui hơn đã bị tổn thương trầm trọng. Dù vậy, chúng tôi không giữ một niềm thù hận nào, không chán nản và tuyệt vọng. Tình yêu của chúng tôi cho Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
Giờ đây, những người xuất sĩ trẻ chúng tôi đang tu tập và cống hiến cho hàng trăm ngàn người ở ngoài nước, nhưng trong lòng vẫn ấp ủ một ngày nào đó, nếu nhân duyên đầy đủ cũng sẽ trở về để tiếp tục thực hiện giấc mơ Việt Nam. Những gì huynh đệ chúng tôi đang làm ở nước ngoài cũng là đang làm cho Việt Nam. Chúng tôi luôn có niềm tin và hy vọng đối với đất nước mình. Chúng tôi vẫn tự hào là mình đang cống hiến cho xã hôi Tây phương một đạo Bụt phát xuất từ Việt Nam, đạo Bụt Dấn thân, một đạo Bụt Ứng dụng đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn trong đời sống.
Tại Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan
(Hết phần 1)