Những giọt sương
Chân Minh Hy
Sau bữa cơm nọ, Sư Ông kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện.
Một hôm đang làm thị giả cho Sư cố Tường Vân, thầy Chơn Thức thưa:
– Bạch Ôn! Con thấy Ôn dạo ni dễ thương quá.
Sư cố nói:
– Tại vì dạo ni Thầy tu thiệt.
Sư Ông nói tiếp:
– Các con làm sao khi về Huế, xin đến hầu chuyện với quý Ôn và xin quý Ôn kể những kinh nghiệm tu thiệt của mình. Tại vì những cái đó rất quý. Ngày trước thầy Chơn Thức đã quên không hỏi, bây giờ các con làm cho thầy Chơn Thức.
Được nghe những kinh nghiệm về đời tu từ quý Ôn, đúng là một điều hết sức may mắn cho những người hậu học như chúng tôi, nhưng điều đó thật khó.
Thấm thoát mà đã mấy năm trôi qua, tôi vẫn chưa làm được chuyện ấy. Tuy vậy, trong đời tu của mình tôi đã may mắn gặp được rất nhiều bậc thiện hữu tri thức. Những người ấy đang sống chung quanh tôi. Qua những câu chuyện tình cờ hay trực tiếp mà tôi đã tiếp nhận được những lời giáo huấn, những kinh nghiệm rất quý giá, đã đánh động đến tâm thức của tôi. Người đó là Thầy, là sư anh, sư chị, là sư em của tôi.
Tôi xin được kể…
Bốn con mắt
Tôi vào chùa từ lúc mười lăm tuổi. Cùng trang lứa với tôi có thêm mười ba điệu nữa cùng sống, cùng làm việc và chơi chung. Chùa nhỏ lại nghèo nên không đủ phòng cho tất cả mọi người. Có một phòng lớn với tám cái đơn dành cho các thầy lớn và các sư chú. Các điệu như chúng tôi chỉ có một góc nhỏ để bỏ cái rương. Tôi có một cái rương bằng gỗ thông. Tất cả mọi thứ từ sách vở, chăn mền, áo quần, đồ dùng cá nhân đều nằm gọn trong ấy.
Một hôm đang ngồi rửa chén bát ở mái hiên trước phòng khách, lúc ấy thầy tôi đang ngồi tiếp khách và tôi may mắn nghe được một câu chuyện của thầy.
Thầy nói:
– Khi mới về nhận chùa này tôi chỉ có một mình. Tôi nói với bà con Phật tử rằng tôi chỉ có hai con mắt phía trước mà không có hai con mắt phía sau nên bà con thấy tôi có làm gì sai thì hãy nói cho tôi biết.
Tôi không còn nhớ rõ vị khách ấy là ai, nhưng câu nói của Thầy đã đi vào trong tôi từ lúc đó. Cũng có lúc tôi quên đi những lời nhắc nhở của các huynh đệ chung quanh, nhưng thú thật, nếu không có những lời soi sáng và chỉ bày ấy thì chắc tôi không lớn lên được. Dù quên nhưng tôi luôn giữ tâm niệm là khi sống, chắc chắn có những điều làm cho người khác phiền lòng. Tôi tự hứa sẽ lắng nghe và điều chỉnh lại thân tâm mình. Mọi người chung quanh chính là hai con mắt phía sau, giúp tôi nhìn rõ được bốn hướng.
Việc làm có bao giờ hết
Thầy Nguyện Hải là một sư anh lớn, đã có mặt trong những buổi đầu xây dựng chúng ở Từ Hiếu và Bát Nhã. Tôi may mắn được gần gũi và học hỏi với thầy trong mấy năm. Tôi thích con đường xây dựng tăng thân nên lúc nào cũng hăng say làm việc và tu học. Tôi dành thêm thời gian riêng của mình để làm những công việc mà đại chúng giao phó. Thấy tôi thích làm việc, một hôm đang ngồi uống trà, sư anh nói:
– Việc làm có bao giờ hết đâu. Hôm nay tưởng đã làm xong việc, ai dè hôm sau lại có thêm nhiều việc nữa, làm cả đời cũng không hết việc chú à.
Nhẹ nhàng vậy mà thấm rất sâu. Mỗi khi tôi bị cuốn vào công việc thì lời nói ấy trở về trong tâm, giúp tôi nhìn lại cách mình đang làm. Tôi nhìn lại xem tôi có đánh mất mình trong công việc không, có an trú trong hiện tại không, nhờ vậy, tôi đã biết cách làm việc hay hơn. Tập khí dễ bị lôi cuốn theo công việc còn đó nhưng tôi không quên tự nhắc nhở bản thân rằng xử lý những tập khí của mình là quan trọng hơn cả.
Qua cầu
Dạo đó, trong chúng có một thầy trẻ và một sư cô trẻ vướng mắc tình cảm với nhau nên sư cô Hoa Nghiêm rất lo lắng. Chuyện này ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Nếu chuyện xảy ra ở chỗ nào đó thì mình lo lắng một chút, xót lòng một chút. Còn chuyện xảy ra ở ngay môi trường mình đang sống thì mình mới cảm nhận được nó quan trọng như thế nào đối với bản thân và đại chúng.
Chủ đề của buổi pháp đàm ngày xuất sĩ chiều hôm đó là thực tập làm sao để nuôi dưỡng tình thương đích thực và bảo hộ cho nhau. Các thầy, các sư cô chia sẻ rất hào hứng và hết lòng, vì ai cũng muốn nuôi dưỡng sự lành mạnh trong tăng thân. Sư cô Hoa Nghiêm cũng có chia sẻ:
– Mỗi khi mình có khó khăn thì hãy áp dụng những điều mình đã học hỏi vào sự thực tập, nếu không thì những cái ấy không có ích lợi gì cả.
Những cái mình học thì mình đem ra thực tập liền. Những khó khăn, khổ đau chính là bài học quý báu trong đời tu. Đi qua những cơn bão tố với sự tu học, tâm thức chúng ta sẽ trở nên vững mạnh hơn. Những lúc đối diện với khó khăn, cái mình cần làm là mang những gì đã học hỏi được ra thực tập, cũng như mang củi đã trữ sẵn trong kho ra để sưởi ấm trong mùa đông lạnh. Sự thực tập của mình trong những ngày yên bình chính là nền tảng cho sự chuyển hóa trong những lúc khó khăn. Khó khăn nào cũng khó, nhưng vướng mắc tình cảm là cái khó nhất trong đời tu.
Sự thực tập có thể cứu được đời tu và giúp chúng ta đi ra khỏi khó khăn trong sự vướng mắc, đó là niềm tin nơi Tam Bảo. Không có niềm tin nơi Bụt, nơi Tăng thân, và các pháp môn chuyển hóa thì dù có làm cách mấy, phòng hộ cách mấy, “trừng phạt” cách mấy cũng “mất máu” mà thôi. Niềm tin ấy chính là ánh sáng, là sức mạnh kéo mình ra khỏi vũng bùn lầy đó.
Ngày trước, khi nghe Thầy nói, các sư em của mình thế nào đến một ngày cũng phải “qua cầu”, lúc đó các sư anh, sư chị cần có mặt và nâng đỡ các sư em. Tôi có chút lo lắng và sợ sệt, mình đi tu rồi mà còn phải qua cầu à. Tôi lo lắng mất mấy ngày nhưng rồi tự nhủ rằng nếu có “qua cầu” thì tôi đâu có qua một mình, cả tăng thân sẽ dìu tôi qua, vì vậy tôi nguyện nương tựa tăng thân hết lòng.
Chỉ khổ nỗi là cuộc đời đâu chỉ có một chiếc cầu. Qua được chiếc cầu này mà mình không tỉnh ngộ thì phải qua chiếc cầu khác rất khó khăn. Tình thương và sự ôm ấp thì không có ngằn mé nhưng liệu mình có luôn mở lòng để tiếp nhận hay không!
Nếu không có khó khăn thì đó đâu phải là cuộc sống. Không đi qua khó khăn và chuyển hóa khổ đau tự thân thì khó thấu hiểu được lòng người. Không đi ra được những khó khăn và vượt lên trên chính mình thì đâu xây dựng được niềm tin. Mình có niềm tin nơi chính mình vì mình đã làm được và mình tin chắc là các em của mình sẽ làm được. Điều đó làm cho giáo pháp của Bụt trở nên rất mầu nhiệm.
Tu đâu cần phải tiến
Ở trong môi trường nào, ai cũng mong muốn mình có tiến bộ. Người xuất gia thực tập cũng cầu mong cho mình tiến bộ. Năm mới, ta thường chúc nhau như vậy. Chúc mọi người tu học tiến bộ hơn, vững chãi hơn, thảnh thơi hơn…
Trong một buổi ngồi chơi, sư cô Thao Nghiêm cũng đem cái thao thức đó tâm sự với sư cô Sùng Nghiêm, sư chị cả trong gia đình xuất gia của mình.
– Sư chị, sư em thấy mình tu sao mà không thấy tiến bộ gì cả.
Sư cô Sùng Nghiêm:
– Tu là đã về, đã tới chứ đòi tiến đi đâu nữa.
– Nhưng mà… sư em thấy mình tu còn dở quá! Sư cô Thao Nghiêm tiếp tục “năn nỉ”.
– Cứ thực tập đã về, đã tới một trăm phần trăm như Thầy dạy là được.
Đúng là ngôn ngữ của thiền sư. Không nhân nhượng. Nói thẳng một mạch.
Sư Ông thường dạy rằng chỉ cần các học trò của Thầy tiếp nhận cho được sự thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm là Thầy đủ hạnh phúc rồi. Làm được những cái khác nữa thì Thầy hạnh phúc thêm, nhưng trước hết là phải làm cho được hai cái đó. Càng thực tập càng thấy lời Thầy dạy thật thâm sâu. Khi có hạnh phúc rồi thì tự nhiên ước muốn giúp người có mặt và trở thành động lực mạnh mẽ cho sự tu học của mình.
Lời nói chân thật
Một lời nói như thế nào mới là lời nói chân thật? Là lời nói phát xuất từ kinh nghiệm sống. Là lời nói có khả năng giúp người hoàn thiện được bản thân. Một lần tôi cảm nhận được điều đó.
Vào một buổi thiền hành từ xóm Thượng xuống xóm Tây Hồ, giữa buổi, mọi người ngồi trên sườn đồi để tập thở, tôi đến ngồi bên cạnh sư anh Pháp Đăng. Thấy tôi ngồi không được vững chãi, sư anh nhìn sang và nói:
– Chú ngồi cho thẳng và theo dõi hơi thở mà vẫn không có bình an thì tui cắt cái đầu này đưa cho chú.
Lời nói rất mạnh, mắt đối mắt, tôi cảm nhận được cái tinh anh trong lời nói ấy. Tôi liền ngồi thẳng lưng và thực tập. Năng lượng của câu nói đó đủ mạnh để tôi tiếp tục giữ sự thực tập cho đến bây giờ. Mỗi khi ngồi xuống trên một bãi cỏ hay trên sườn đồi Dương Xuân, câu nói đó lại đi lên và nhắc nhở tôi. Ngồi thẳng lưng và thở thì năng lượng an bình trở nên rất khác khi mình ngồi duỗi chân. Đó là một tư thế đẹp và vững.
Bây giờ hoặc không bao giờ
Những câu thư pháp của Sư Ông câu nào cũng hay, câu nào tôi cũng thích. Thích vì thơ văn, thích vì nét chữ, thích vì sự nhắc nhở cho mình thực tập.
Now or Never (Bây giờ hoặc không bao giờ), tiếng Việt thì câu này có sáu âm tiết, tiếng Anh thì chỉ có ba âm tiết thôi. Cô đọng và súc tích.
Không biết sao mà mỗi khi tôi đánh mất bước chân thì câu nói ấy lại trở về trong tâm trí, giây phút hiện tại bây giờ hoặc là không bao giờ. Có một sức mạnh, một sự tỉnh thức để tôi nhìn lại. Thấy mình đang bị lôi cuốn theo công việc, theo tập khí lo lắng, vội vàng, chỉ để ý đến chuyện tương lai, không thực sự đang sống. Now or Never. Lập tức tôi dừng lại, trở về với hơi thở sâu và từng bước chân chậm rãi. Có lúc tôi đứng yên, thở một vài hơi thật sâu rồi mới đi tiếp. Tôi mỉm cười, thấy Thầy đang có mặt và nhắc nhở tôi thực tập.
Còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ xin kể đến đây, để dành dịp khác. Tôi thích một câu trong văn Quy Sơn cảnh sách: “Thân phụ thiện giả như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận.”
Có những buổi sáng ta đi dạo trong sương, tưởng chừng không ướt áo, khi về mới thấy sương thấm ướt cả hai vai. Gần gũi với các bạn lành cũng như vậy. Họ không cần nói nhiều, chỉ một câu thôi mà đúng lúc đúng chỗ thì đủ cho mình tu cả đời, phải không bạn.