Hình hài mầu nhiệm
Chân Pháp Lưu
(Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh)
Có một câu hỏi thường đi lên trong tôi, đó là khoa học công nghệ có giúp chúng ta hạnh phúc và thảnh thơi hơn không? Quá trình tiến hóa 541 triệu năm của loài người có giúp chúng ta sẵn sàng cho những phức tạp, bế tắc về cảm xúc mà chúng ta đang phải đối diện trong hai mươi năm trở lại đây – thời đại mà chúng ta liên lạc và truyền thông với nhau, thậm chí với chính mình, chủ yếu qua máy vi tính, màn hình, bàn phím, máy thu hình và micro cài sẵn?
Thầy có dạy rằng khi sử dụng máy tính trong hai tiếng đồng hồ, chúng ta thường quên mất là chúng ta có một hình hài. Tôi nhớ hồi tôi mới tám tuổi, mẹ tôi đã mượn một máy Apple IIe mới tinh của trường tiểu học nơi mẹ dạy trong kỳ nghỉ hè năm 1984. Ba mẹ bắt tôi ngồi trước cái máy, và trong khi tôi nhìn vào cái màn hình xanh đen một cách thờ ơ, mẹ tôi bảo: “Ba mẹ thấy con cần phải học sử dụng cái máy này để chuẩn bị cho tương lai của con”. Thực thế, trong mấy mươi năm sử dụng máy tính để lập trình, làm bài tập ở trường, chơi game, viết email (khi email đã trở nên phổ biến), và sau này là sử dụng máy để thiết kế các trang web của Làng Mai, đã có những lúc tôi thật sự quên mất là mình có một hình hài. Là một người xuất gia trẻ, tôi tự hỏi liệu mình thật sự có khả năng an trú trong giây phút hiện tại, ý thức về hơi thở và hình hài trong khi sử dụng máy vi tính hay không?
Thế giới công nghệ – nhìn sâu để thấy rõ
Lúc này đây, tôi đang ghi xuống những dòng này trên giấy bằng bút máy. Nhưng để bài viết này được in ra trong Lá Thư Làng Mai, quý thầy, quý sư cô sẽ phải ngồi trước máy tính để dịch nó từ tiếng Anh ra tiếng Việt. Bản dịch cũng sẽ được chỉnh lý trên màn hình, được dàn trang, sau đó có thể nó sẽ được lưu vào một thẻ nhớ hoặc được gửi qua email. Bốn mươi năm trước, quy trình này gần như không thể thực hiện được vì cần phải điều phối hàng chục, nếu không nói hàng trăm máy tính với đủ loại phần mềm phức tạp và tinh vi. Một điều đáng kinh ngạc không kém là khi nhận một quyển Lá Thư Làng Mai còn thơm mùi mực in gửi qua đường bưu điện, sẽ không có ai nghĩ đến quy trình kỹ thuật ấy, cứ như nó là một chuyện đương nhiên, rất bình thường.
Điều này khiến tôi nhớ đến câu chuyện về nhà bác học thiên tài Albert Enstein. Năm 1902, chàng thanh niên Albert Enstein nhận một công việc có vẻ hơi tẻ nhạt tại Cục cấp bằng sáng chế Bern với vị trí là chuyên gia kiểm tra các bằng sáng chế. Việc kiểm tra các sáng chế liên quan đến sự đồng bộ hóa cơ điện của mọi đồng hồ ở tất cả các trạm xe lửa của Thụy Sĩ đã dẫn ông tới những kết luận quan trọng về bản chất của ánh sáng và sự liên hệ mật thiết giữa không gian và thời gian. Liệu chúng ta có thể tự huấn luyện mình, như Einstein, để có thể nhìn sâu vào những gì đang xảy ra trong lĩnh vực công nghệ và dùng chánh niệm để tiếp xúc với bản chất tương tức của thân, tâm và tất cả các pháp hiện hữu xung quanh ta, nhờ đó có thể đạt tới một cái thấy sâu sắc hơn về chính mình: mình là ai và làm thế nào để mình có thể sống hạnh phúc hơn trong phút giây hiện tại?
Ý tưởng về một khóa tu cho giới lập trình và thiết kế mạng
Tháng Tám năm 2014, trong một cuộc gặp gỡ tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) ở Waldbröl, Đức, một nhóm gồm quý thầy, quý sư cô và hai bạn thiền sinh Wake Up – những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, đã phát khởi ý tưởng: Thầy muốn chúng ta thiết kế một thiết bị điện tử giúp chúng ta chế tác thảnh thơi và hạnh phúc. Vậy thì tại sao trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ, chúng ta không tổ chức một khóa tu dành riêng cho các chuyên gia lập trình và thiết kế mạng tại thung lũng Silicon, trái tim của thế giới công nghệ? Nếu các nhà lập trình và thiết kế mạng có thể đến với nhau để cùng tập thở, tập đi và tập ăn cơm trong chánh niệm, dù chỉ trong vài ngày của khóa tu, thì tài năng sẵn có của mỗi người kết hợp với tuệ giác tập thể chắc chắn sẽ mang lại những kết quả lớn hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể mong đợi.
Nhờ sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của anh Kenley Neufeld – một người bạn, cũng là một giáo thọ cư sĩ, cùng với những đề nghị rất hay của thầy Pháp Dung trong cuộc họp chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ, chúng tôi đã lên kế hoạch để tổ chức khóa tu vào tháng Mười năm 2015.
Khóa tu “thí nghiệm” – mỗi ngày là một sự bất ngờ
Theo dự định, đó sẽ là một khóa tu nhỏ. Chúng tôi muốn thử nghiệm trước, giống như những nhà khoa học bắt đầu cuộc thí nghiệm chỉ với một ít nguyên liệu nếu như chúng có khả năng gây nổ. Vì là lần đầu tiên “thí nghiệm” khóa tu kiểu này nên chúng tôi không có chương trình hoàn chỉnh được vạch sẵn từ trước. Nhóm tổ chức khóa tu – gồm sư cô Diệu Nghiêm, thầy Pháp Trạch, thầy Pháp Mãn, sư cô Hiến Nghiêm, sư cô An Nghiêm và tôi, cùng với Kenley, muốn xem các sinh hoạt tiến triển như thế nào trong mỗi giờ, phản hồi của thiền sinh ra sao. Vì vậy, mỗi lần lên chương trình hay thời khóa sinh hoạt, chúng tôi chỉ làm cho nửa ngày thôi. Sự thực tập mà Thầy trao truyền đã giúp chúng tôi có thể phối hợp với nhau một cách chánh niệm trong thời gian chuyển tiếp giữa các sinh hoạt, lắng nghe ý kiến và đóng góp của mọi người để đi đến một quyết định chung về sinh hoạt kế tiếp. Kinh nghiệm thực tập và tổ chức khóa tu của quý thầy, quý sư cô trong tăng đoàn đã giúp cho khóa tu có thể được tổ chức một cách thoải mái và linh động đến như vậy.
40 phút chỉ để gửi một email
Một trong những thực tập làm cho khóa tu này khác với những khóa tu thông thường là “thiền email”. Một bạn trẻ chia sẻ: “Thực tập viết email trong chánh niệm là một kinh nghiệm thực sự làm cho tôi thức tỉnh và mở lòng ra”. Thiền sinh đến khóa tu được mang theo các thiết bị điện tử như laptop, iPad hoặc điện thoại di động. Sau khi các máy vi tính được kết nối với mạng Wifi, thiền sinh được mời để máy vi tính sang một bên. Các bạn thực tập trở về với hơi thở, thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại, ý thức toàn thân và nhận diện những cảm thọ đang có mặt.
Một lúc sau, mọi người, kể cả quý thầy, quý sư cô, đem chiếc máy của mình để lên bàn phía trước mặt. Ai cũng đặt tay lên trên máy tính và thực tập nhìn sâu vào nó – để thấy những khoáng chất mà người ta đã khai thác để làm nên chiếc máy; thấy những người thợ mỏ và những hiểm nguy mà họ phải đối diện mỗi ngày; thấy những phần mềm, hàng chục triệu dòng mã để tạo nên chiếc máy cho chúng ta sử dụng; thấy những sáng tạo của biết bao chuyên viên, cả nam lẫn nữ. Để chiếc máy vi tính càng ngày càng tinh xảo, các kỹ sư đã phải bỏ ra hàng chục triệu giờ công để thiết kế, hoặc tái thiết kế mỗi thành phần: CPU, card đồ họa, ổ cứng, màn hình, v.v.
Sau đó, mọi người trở về ý thức tới cảm xúc của mình khi bắt đầu mở laptop hoặc thiết bị điện tử của mình ra, nhưng chưa bật máy lên. Vài người thấy được bóng mình phản chiếu trên mặt máy. Có tiếng ai đó cười khúc khích. Rồi trong khi hết lòng chú tâm vào hơi thở, mọi người cùng bấm nút khởi động máy.
Có bao nhiêu là cảm thọ đi lên trong tôi từ khi bấm nút khởi động máy! Tôi nhận diện được cảm thọ hồi hộp, phấn chấn phát khởi khi máy laptop vừa khởi động. Và tôi cũng nhận thấy tâm tôi chuyển rất nhanh sang chế độ “làm việc” (doing), muốn chạy tới trước, muốn bắt đầu công việc ngay thay vì chỉ đơn thuần có mặt trong giây phút hiện tại. Tất cả những cái đó chỉ diễn ra trong một vài tích tắc mà thôi.
Sau khi ý thức đến hơi thở, nhận diện các cảm thọ và trạng thái của tâm mình trong khi dõi mắt trên màn hình, chúng tôi được hướng dẫn làm một việc: mở email ra và viết email cho một người thân, nhưng phải viết trong chánh niệm. Cứ vài phút lại có một tiếng chuông được thỉnh lên để mời mọi người trở về với hơi thở trong lúc viết email như một tăng thân. Sau đó, tất cả đều bấm nút “send” để gửi cùng một lượt. Cả quá trình thực tập thiền email mất khoảng 40 phút. Bốn mươi phút chỉ để gửi một email!
Mở lòng cho những sẻ chia
Trước khi kết thúc khóa tu, thiền sinh và quý thầy, quý sư cô được mời lên chia sẻ. “Trong khóa tu, con cảm thấy quý thầy, quý sư cô và những người tham dự cùng nhau khám phá những tác động của sự thực tập chánh niệm với một tinh thần cởi mở mà không có sự chỉ đạo, điều khiển nào cả”, một chuyên viên thiết kế phần mềm nhận xét. “Thời gian quán chiếu sau khi gửi email đi là một thí dụ. Có một thầy hỏi chúng con cảm thấy thế nào về phương pháp thực tập này – kỳ cục, ích lợi, hay quái lạ? Con thấy thầy hỏi rất thật và mở lòng lắng nghe những phản hồi khác nhau từ mọi người mà không có sự ngần ngại”.
Những thực tập tương tự như vậy trong khóa tu – đem chánh niệm soi chiếu vào sự tương tác giữa người và máy – có một ảnh hưởng tích cực đến thiền sinh, như sau này họ chia sẻ. “Giờ đây khi bước đi, khi phải chờ ở nơi nào đó, khi viết email, hay khi có một cảm xúc mạnh đi lên, tôi có thể ý thức hơn về những gì đang xảy ra. Đó là một bước tiến quan trọng đối với tôi”.
Những bài pháp thoại trong khóa tu, phần lớn là do sư cô Diệu Nghiêm đảm trách, rất phù hợp với nhu cầu của thiền sinh. “Những lời dạy của sư cô Diệu Nghiêm về các loại hạt giống chứa trong tàng thức đã giúp con hiểu rõ hơn về chính mình, đặc biệt là hiểu hơn về những tác động của quá khứ lên con người mình”, một chuyên viên thiết kế vi tính nói. “Khóa tu chính là một mô hình thu nhỏ của cuộc sống mà con hằng mơ ước: một ngày bình an với những giây phút dành để nuôi dưỡng chính mình và những giây phút tập trung vào công việc. Con thấy có rất nhiều cảm hứng để thiết kế một ngày của mình như thế”.
Sau ba ngày đầu của khóa tu, các buổi thực tập chánh niệm trong khi làm việc được đan xen nhiều hơn với các thực tập căn bản như thiền ngồi, thiền đi, thiền ăn, thiền buông thư. Lúc đó, chúng tôi hơi phân vân giữa hai hướng: một là tiếp tục hướng dẫn thiền sinh làm những công việc hàng ngày theo cách làm việc của tu viện, thí dụ như khi lau chùi nhà vệ sinh thì chỉ lau chùi nhà vệ sinh thôi mà không suy nghĩ nhiều, khi làm việc gì thì có mặt với việc ấy càng nhiều càng tốt; hai là có thêm những hoạt động theo nhóm để các thiền sinh vừa có thể làm những công việc thuộc lĩnh vực của mình vừa áp dụng sự thực tập chánh niệm mà các bạn đã học hỏi trong ba ngày qua?
Dù cũng hơi “mạo hiểm” nhưng chúng tôi đều chọn phương án tổ chức sinh hoạt theo nhóm (collaborative visioning activity). Chúng tôi đề nghị thiền sinh tự tổ chức thành ba nhóm và làm việc với nhau trong tinh thần đồng đội, theo những gợi ý do chúng tôi đưa ra, chẳng hạn như: hãy thiết kế “một cái gì đó” có công năng giúp giảm thiểu khổ đau và mang lại hạnh phúc lâu dài. Cụm từ “cái gì đó” được cố ý sử dụng như một gợi ý chung chung, bởi vì công nghệ có thể biểu hiện qua rất nhiều hình thức.
Sau hai ngày làm việc cùng nhau trong tinh thần tập thể, thực tập nhìn sâu và ái ngữ, thay vì tổ chức một buổi Be-in như thường lệ, ba nhóm đã trình dự án “cái gì đó” bằng cách sử dụng các mô hình đồ họa trên các tập giấy khổ lớn. Thậm chí có nhóm còn làm hẳn một trang bìa theo kiểu trình bày sản phẩm của Steve Jobs/Apple. Nhóm thứ nhất thiết kế một giao diện lập trình ứng dụng (API – Application Programming Interface) qua mạng, nhóm thứ hai làm một phần mềm ứng dụng, dự án của nhóm còn lại là một loại thiết bị có thể đeo vào người được (wearable device).
“Cùng làm việc một cách cẩn trọng và cộng tác với nhau trong chánh niệm, đó là ước mơ bấy lâu của con, giờ đã trở thành hiện thực”, một chuyên viên thiết kế trẻ chia sẻ. “Con nhận thấy rất nhiều tập khí không nuôi dưỡng những hạt giống tốt trong con. Phần lớn những tập khí này có liên quan tới sự liên hệ của con với khoa học công nghệ, hay nói cách khác là con cảm thấy mình bị công nghệ sử dụng. Sau khi tham dự khóa tu, con thật sự tin rằng công nghệ có thể được sử dụng theo hướng tích cực – đem mọi người lại gần nhau chứ không phải tạo ra sự chia cách và bất bình đẳng”.
Một bạn khác chia sẻ: “Con đã quyết định mở lòng ra với các bạn thiền sinh khác. Và sự mở lòng này đã được đáp lại bằng sự tôn trọng, nhẹ nhàng và đầy tình thương”.
Sự chuyển hóa đã xảy ra rất cụ thể nơi các thiền sinh. “Quý thầy, quý sư cô đã hướng dẫn một cách rất thật lòng. Con cảm thấy quý thầy, quý sư cô gắn bó rất sâu sắc với pháp môn và sự thực tập”, một chuyên viên thiết kế nói. “Trong một không gian an toàn, tĩnh lặng, đầy tình thương và sự tôn trọng, con nhận ra rằng mình không chỉ là một lập trình viên hay là một ông bố trong gia đình, mà con còn là một con người”.
Một thiền sinh từ Bỉ bay sang dự khóa tu nói rằng anh ấy rất cảm kích “không khí cởi mở và thoải mái do quý thầy, quý sư cô tạo nên, bởi nơi đó không có chỗ cho sự phán xét, hoàn toàn không có sự thương hại từ phía những vị xuất sĩ đối với những vấn đề mà mọi người phải đối diện. Thay vào đó, chỉ có một nụ cười trầm tĩnh và lạc quan trong mọi tình huống”.
Giám đốc điều hành của một công ty sản xuất phần mềm đã trình bày trải nghiệm của ông trong khóa tu với các bạn thiền sinh khác như sau: “Nói chung, tôi thậm chí không hề nhắc đến những gì có liên quan đến kỹ thuật. Khía cạnh ấn tượng nhất là rất nhiều không gian đã được tạo ra để giúp mọi người trở về với chính mình. Tôi cũng muốn nói đến pháp đàm. Quý thầy, quý sư cô đã hướng dẫn một cách tài tình để các buổi pháp đàm có sự cởi mở, an toàn và hiệu quả”.
“Con đã dự rất nhiều khóa tu, nhưng khóa tu này hơi khác một chút”, một chuyên viên thiết kế phần mềm người Mỹ gốc Việt chia sẻ. “Ở đây, con đã gặp những người rất thú vị, những người có cùng những băn khoăn như con, và con đã học hỏi rất nhiều ở họ. Uớc mong sâu sắc của họ trong việc giúp đỡ người khác và xây dựng một cộng đồng sống tỉnh thức đã tạo cảm hứng cho con. Đó là những gì mà thế giới này đang cần”.
Thay vì để cho thiền sinh hành xử theo tập khí hay phản ứng qua lời nói, sự thực tập im lặng hùng tráng (noble silence) trong hầu hết các buổi sinh hoạt đã cho thiền sinh thời gian và không gian tĩnh lặng để quá trình chuyển hóa có thể diễn ra.
“Có người nói một điều gì đó mà con cho là vô lý và nó cứ nằm hoài trong suy nghĩ của con”, một thiền sinh chia sẻ. “Một người khác phản ứng lại khi con kể một câu chuyện đùa hơi quá lố (khi con nhận ra thì đã quá muộn màng). Những điều ấy làm con bận trí. Con cảm thấy con cần phải đến nói chuyện trực tiếp với những người đó để thấy nhẹ lòng hơn. Nhưng con lại không có được cơ hội ấy nên con đã đi thiền hành trong một tâm trạng cáu kỉnh. Sau khi thực tập thiền hành, con thấy mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa. Con không có nhu cầu tới phân trần gì với những người đó nữa. Cảm giác nặng nề đã biến mất”.
Nuôi lớn ngọn lửa Thầy trao
Dù được gọi là khóa tu dành cho giới kỹ thuật công nghệ, nhưng những “kỹ thuật” rất đơn giản mà Thầy đã truyền trao không mỏi mệt đã được đón nhận rất hết lòng và chứng tỏ được hiệu quả lớn lao của mình. Một thiền sinh khác chia sẻ: “Thực tập ngồi thiền (có hướng dẫn) mỗi buổi sáng trong khóa tu mang lại cho tôi rất nhiều chuyển hóa. Nếu lần tới có khóa tu, tôi sẽ đăng ký ngay lập tức”.
“Một trong những cái thấy hữu ích nhất mà con thu thập được từ khóa tu là ý niệm về ngôi nhà đích thực nằm trong tự thân chúng ta”, một anh bạn làm thiết kế phần mềm nói. “Sự phối hợp giữa thiền ngồi, thiền đi và thiền ăn cùng với sự thực tập im lặng hùng tráng để bắt đầu cho một ngày đối với con rất quan trọng. Những thực tập này đem lại cho con một khoảng không gian mà thường ngày con không có, giúp con thấy rằng có mặt trong hiện tại có thể đem lại cho con rất nhiều niềm vui”. Và bạn tâm đắc nhất điều gì trong khóa tu? “Đó là các thầy, các sư cô! Con đã học từ cách sống của các thầy, các sư cô nhiều hơn là qua sách vở và trường lớp”.
Một người khác tâm sự: “Sự xa cách giữa con và các thầy, các sư cô biến mất khi nụ cười của con được đáp lại bằng một nụ cười. Con lo là các vị ấy sẽ cho là mình cao quý hơn người khác, nhưng thực tế là họ đã không làm như vậy”. Khi kể cho bạn bè nghe về khóa tu, anh gọi đó là “một kinh nghiệm làm thay đổi cuộc đời mình”.
“Khi nghe như vậy, thường thì người ta có vẻ rất ngạc nhiên và hỏi: Thật vậy sao? Con giải thích cho họ con đã được hướng dẫn cách ngồi thiền và đi thiền như thế nào, đã có thời gian tìm lại chính mình như thế nào, đã học cách mang sự thực tập chánh niệm về nhà và nơi làm việc ra sao. Nghe tới đây, họ thường nói: Hay quá! Mình ganh tị với bạn đấy. Một câu nói mà con ít khi chờ đợi ở những người bạn lúc nào cũng bận rộn này!”.
Vậy thì cái gì là hoa trái mà chúng ta gặt hái được khi thực tập chung với nhau qua những buổi cùng làm việc, cộng tác và phát huy sáng kiến trong chánh niệm? Đó là cùng nhau giữ gìn tình huynh đệ, tình tăng thân đã được xây dựng trong khóa tu và tiếp tục nuôi lớn ngọn lửa mà Thầy đã nhen lên trong lòng mỗi người. Hy vọng phần mềm tiện ích “Đám mây không bao giờ chết” (“A Cloud Never Dies” application) của Làng Mai có công năng tạo niềm vui và hạnh phúc lâu dài, sẽ được ra mắt đại chúng trong một ngày rất gần.