Thảnh thơi tu học – An vui giúp đời
Chân Pháp Khâm
Sau khóa An cư kết Hạ tại AIAB, chúng tôi gồm các thầy Pháp Khâm, Pháp Chứng, Pháp Giao, sư chú Trời Lĩnh Nam và sư cô Lương Nghiêm đi Úc để tham dự chuyến hoằng pháp hàng năm tại Nhập Lưu từ ngày 12.9 đến 27.9.2015. Tu viện Nhập Lưu chưa có quý thầy, đầu năm 2015 chỉ có hai sư cô Thuần Tiến và Trí Duyên ở đó, khoảng giữa tháng Tư mới có hai sư cô Tịnh Quang và Tựu Nghiêm qua, đến tháng 8 thì mới có các sư cô Phát Nghiêm, Trăng Sông Hồng, Trăng Thường Trú và Trăng Cơ Duyên qua. Tôi cũng hơi lo, vì không biết các sư cô đã quen với môi trường ở Úc chưa, mới đến mà phải lo về việc tổ chức khóa tu rồi. Hai năm trước cũng có sáu sư cô, nhưng vì không gia hạn visa được nên phải về để quý sư cô mới qua thay.
Té ra là mối lo của tôi không cần thiết. Sư cô Thuần Tiến cho biết là các sư em mới qua rất năng động. Việc làm khá nhiều và Nhập Lưu thì rộng đến 55 hectares, nên các sư em được tập lái xe trong khuôn viên tu viện để làm việc cho dễ. Chỉ học hai ba lần là biết lái. Cũng chẳng đi đâu xa, qua lại chỉ mấy quãng đường từ nhà bếp lên thiền đường, từ nhà ở ra nhà bếp, nên cũng yên tâm. Biết lái xe một chút như vậy, nhưng các sư em vui lắm, vì tin vào khả năng mình có thể học và làm những điều mình chưa bao giờ làm trước đây. Trước khi qua, tuy cũng có nghe tình trạng còn khó khăn tại Nhập Lưu, nhưng nghĩ là nếu mình không giúp thì ai giúp, cho nên các sư em thấy vui khi được tăng thân ở Việt Nam đề cử đi Úc. Tinh thần phụng sự theo tiếng gọi của tăng thân đã được các sư em đáp ứng nhiệt tình.
Chuyến đi chỉ có hai tuần. Sau các khóa tu, hai ngày sau là chúng tôi về lại Hồng Kông liền. Vì phải giúp các sư cô học một ít kỹ năng như kế toán, ghi danh trên mạng, làm video, mà ở Nhập Lưu lại không có internet nhanh, chúng tôi phải đem hai máy tính văn phòng lên Melbourne, ở tại nhà một cư sĩ để hướng dẫn cấp tốc. Tôi dạy về kế toán, thầy Pháp Giao dạy về ghi danh, thầy Pháp Chứng dạy về làm video. Cũng may là các sư cô tiếp thu nhanh, nên có thể làm những điều cần thiết tối thiểu cho những công việc đó. Tôi xin chia sẻ dưới đây một vài suy nghĩ và kinh nghiệm xây dựng tăng thân tại châu Á trong lĩnh vực ngôn ngữ và khả năng chuyên môn trong những năm qua.
Việc sinh hoạt, tổ chức tu học và hoằng pháp thì dù ở trung tâm nào, ở nước nào, tăng thân đều có những chương trình đào tạo và thời khóa căn bản chung, cho nên chỉ một thời gian ngắn sau khi đổi xóm là đại chúng thích ứng với môi trường mới liền. Trung tâm nào cũng ngồi thiền, ăn cơm im lặng, thiền hành, chấp tác, học nội điển, ngoại điển, có hai ngày quán niệm mỗi tuần, đi hoằng pháp… Theo thời khóa đầy đủ là đủ cho mình có một nội lực tu tập tốt rồi. Quan tâm của tôi là đào tạo về ngôn ngữ và những kỹ năng cần thiết để thực hiện những công phu và công việc hàng ngày một cách tự tin, để được thảnh thơi và an lạc hơn.
Từ chuyến về Việt Nam lần đầu tiên năm 2005 của Sư Ông, các tăng thân và trung tâm tu học ở châu Á-Thái Bình Dương đã phát triển khá nhiều, bao gồm các nước và vùng lãnh thổ: Việt Nam, Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc Lục Địa (Mainland China), Hàn Quốc, Tân Tây Lan, Úc và Ấn Độ. Ngoại trừ ở Việt Nam, các trung tâm khác đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính để hoằng pháp. Qua Trung Quốc cũng nói tiếng Anh để tăng thân địa phương dịch qua tiếng Hoa. Ngoài vấn đề ngôn ngữ, còn có các việc khác như thủ quỹ, ghi danh văn phòng, xây dựng, làm visa… tăng thân cũng cần phải làm. Cần có một chương trình tổ chức và huấn luyện như thế nào để các thành phần trong tăng thân, ai cũng có khả năng và cơ hội đóng góp. Chia sẻ đồng đều khả năng và cơ hội đóng góp cũng là “lợi hòa đồng quân” về tinh thần, cũng quan trọng không kém việc chia đều những quyền lợi vật chất.
Sau khi chuyển lên trung tâm mới vào tháng 5 năm 2013, quý thầy, quý sư cô giáo thọ Làng Mai Thái Lan đã xem lại cách tổ chức và đào tạo trong tăng thân. Việc làm đầu tiên là dành hoàn toàn buổi sáng trong thời khóa cho việc học. Ngoại trừ phải đi làm visa, đi khám bệnh, hay những công việc quan trọng không làm vào giờ khác được, tất cả đều nhắm vào việc học hết. Sáng học chiều làm việc, thời khóa cả năm cứ như vậy thôi. Quý thầy, quý sư cô lớn ủng hộ theo thời khóa này hết lòng để làm gương. Chỉ cần điều chỉnh một ít thời khóa và nhấn mạnh tinh thần học, thế là chỉ trong vòng một tuần, Làng Mai Thái Lan đã sinh hoạt theo mô thức của một tu học viện. Đi bộ đổi lớp gặp nhau là cười chào rồi vào lớp khác, như là một trường học. Các lớp học khá xa nhau, nên cũng là cơ hội đi bộ để tập thể dục.
Vấn đề kế tiếp là học những gì và ai đứng lớp? Tinh thần đào tạo của tăng thân là “nghé đi theo trâu”, người đi sau học từ người đi trước, người chưa biết học từ người đã biết, người biết ít học từ người biết nhiều hơn… Nói theo kiểu truyền thống gia đình Việt Nam là anh chị năm tuổi đã biết lo cho em bốn tuổi rồi. Quý thầy, quý sư cô giáo thọ, kể cả quý vị mới được truyền đăng, đều được yêu cầu đứng lớp. Dựa theo chương trình học bốn năm và những chương trình Sư Ông làm thêm sau này, ban giáo thọ đã làm ra chương trình bảy năm, đào tạo từ lúc mới vào tu cho đến lúc làm giáo thọ và sau giáo thọ. Tầm nhìn lớn và dài, nhưng để thực hiện nó trong một tăng thân luôn có sự thay đổi người và có nhiều trình độ khác nhau là một thách thức lớn.
Quan trọng là ngôn ngữ. Ở đất khách quê người, thì việc hội nhập vào môi trường địa phương rất cần thiết. Các sa di, sa di ni mới xuất gia đều được yêu cầu học tiếng Thái trong năm đầu tiên, vì trong thời gian đó, ít khi đi ra ngoài. Cũng may tiếng Thái là ngôn ngữ châu Á nên dễ học hơn cho người Việt so với tiếng Anh, cũng như tiếng Anh thì dễ học hơn cho người châu Âu. Các sư chú và sư cô nhỏ tuổi (baby monk và baby nun) học tiếng Thái rất nhanh. Người đứng lớp là cư sĩ Thái hay quý thầy, quý sư cô đã biết nói tiếng Thái. Ngoài các sư em nhỏ, một số đông cũng được đề nghị học tiếng Thái, để cho việc vận hành tu viện được trôi chảy. Lớp tiếng Anh thì theo nhu cầu và khả năng, nên số lượng ít hơn số lượng học tiếng Thái. Một ngày học một giờ, bốn ngày một tuần, cứ thế mà vào lớp tiếng Thái hoặc tiếng Anh.
Chỉ trong vòng vài tháng, số lượng người nói tiếng Thái tăng lên rõ rệt. Tăng thân có thể liên hệ với người Thái trực tiếp, mối liên hệ với tăng thân và dân chúng địa phương tốt hơn. Các sư em nhỏ có tự tin và vui hơn nhiều, vì có thể đóng góp cho tăng thân chỉ sau vài tháng. Có thể thường thấy các sư cô, sư chú nhỏ thông dịch từ tiếng Thái qua tiếng Việt cho quý thầy, quý sư cô giáo thọ.
Bên lớp tiếng Anh thì có khó khăn hơn. Vì là người Việt dạy cho nhau, không phải là người có chuyên môn giảng dạy, kẹt nhất là không có môi trường để luyện tập, nên nói chung là chưa có nhiều tiến bộ như mong muốn. Năm 2016, Làng Mai Thái Lan có dự định mời hai thầy cô giáo dạy Anh văn từ Philippines qua giúp, sẽ đào tạo một nhóm chuyên nói tiếng Anh và tạo một môi trường nói tiếng Anh cho nhóm này sinh hoạt. Một thành viên tăng thân người Mỹ ở Philippines sẽ giúp Làng Mai Thái Lan điều hợp chương trình này. Số lượng khách quốc tế về Làng Mai Thái Lan ngày càng nhiều. Khóa tu cho chúng chủ trì năm 2015 vừa qua có đến 16 quốc tịch, nên cần có một số quý thầy, quý sư cô giỏi tiếng Anh giúp. Làng Mai Thái Lan phải tự đào tạo nhân sự thôi, vì trung tâm nào cũng cần người nói tiếng Anh. Chương trình này cũng sẽ giúp cho việc đổi xóm, giúp quý thầy, quý sư cô đến các trung tâm nói tiếng Anh dễ dàng hội nhập hơn. Ngay cả khi qua EIAB, biết tiếng Anh thì cũng giúp dễ dàng học tiếng Đức, vì người dân Đức đa số đều nói tiếng Anh. Tôi nghĩ là quý thầy, quý sư cô Làng Mai ai cũng cần biết tiếng Anh hết, chỉ cần tập trung một năm học là biết rồi.
Tôi có dịp xem một video về sinh hoạt và tổ chức của một cộng đồng kiến. Chúng chia ra nhiều nhóm làm việc chuyên môn: nhóm đi kiếm thức ăn về báo lại thì có nhóm đi lấy thức ăn, rồi lại tiếp tục đi kiếm thức ăn, nhóm lấy thức ăn về giao lại cho nhóm cất vào kho, nhóm canh giữ an ninh… Cả đời kiến chúa chỉ được lên mặt đất có một lần, sau đó ở luôn dưới hang làm nhiệm vụ duy nhất là sinh đẻ. Cơ thể của mình cũng vậy, các tế bào gốc trở thành các tế bào chuyên biệt như tế bào da, tim, bắp thịt, thần kinh… để làm các nhiệm vụ chuyên ngành. Khác với con kiến chỉ biết làm một việc, con người có khả năng làm được nhiều thứ, nhưng biết chia ra những bộ phận để làm những việc chuyên môn. Tăng thân cũng có những ban phụ trách những chuyên ngành như vậy.
Việc đào tạo chuyên môn được thể hiện qua các ban như ban đậu hũ, ban âm thanh, ban ghi danh, ban thủ quỹ… Tùy theo ban mà nhu cầu chuyên môn cần đi sâu hay tàm tạm là đủ. Muốn nấu ăn ngon, chuyển hóa rác cho đàng hoàng thì cũng phải học. Làm mấy việc chuyên môn, nhất là về mặt kỹ thuật, thường thì mất nhiều thì giờ hơn và mất nhiều năng lượng hơn, nên đa số không thích. Cái khó là làm sao tạo niềm hứng thú cho những lĩnh vực này?
Theo kinh nghiệm của tôi, làm những việc này cũng vui lắm. Học những việc này cũng không khó, làm hoài cũng quen. Những vị trí này thường làm ít nhất là hai năm, để năm đầu học và năm sau có thể đào tạo người khác, không nên thay đổi hoài mỗi sáu tháng. Cần có hai người làm với nhau trong một vị trí, để khi người này bận thì người kia có thể làm được. Tôi không nghĩ là làm lâu trong một lĩnh vực chuyên môn sẽ làm người đó trở nên quan trọng và kiêu hãnh. Câu “Một người giỏi trong lĩnh vực này là một người khờ trong lĩnh vực khác” (An expert in one field is a fool in another field) nói lên một sự thật là không ai có thể giỏi trong tất cả mọi ngành được. Giỏi 10 trong 100 ngành thì cũng là người khờ trong 90 ngành.
Việc tổ chức các khóa tu ở Thái Lan cũng trở nên dễ dàng hơn khi lập ra các nhóm chuyên môn để tổ chức cho Wake Up, thanh thiếu niên, trẻ em, cho thầy cô giáo trong chương trình Đạo đức học Ứng dụng (applied ethics) hay cho chuyên viên về sức khỏe cộng đồng (health care professionals). Hàng tuần, hay mỗi hai tuần, các nhóm này gặp nhau để thảo luận những đề tài cần làm cho những khóa tu đó. Cho nên, khi khóa tu đến thì không cần phải kiếm người tổ chức. Đóng góp cho khóa tu không nhất thiết phải cho pháp thoại. Nhiều thiền sinh chia sẻ là họ được lợi lạc nhiều qua sự tiếp xúc với quý thầy, quý sư cô từ những buổi thiền buông thư, tập thể dục, hay từ những buổi chấp tác như sắp xếp thiền đường, chuyển hóa rác. Có việc nào quan trọng hơn việc nào không? Năm 1986, phi thuyền con thoi Challenger bị nổ khi vừa được phóng lên, lý do là một vòng cao su (O-Ring) nối liền hai ống nhiên liệu không co giãn đúng như dự định do thời tiết lúc đó rất lạnh. Vòng cao su đó có giá trị khoảng 800 dollars, trong lúc đó phi thuyền con thoi giá trị cả tỷ dollars. Cái gì cũng có tầm quan trọng riêng của nó.
Năm 2003, trong chuyến đi hoằng pháp tại Ý với Sư Ông và tăng thân, tôi gặp một người là nông dân chuyên trồng và sản xuất dầu olive. Gia đình anh làm nghề này đã mấy trăm năm. Chỉ cần nếm vài giọt dầu là anh ta biết nó được làm từ những loại olive nào, và những trái olive đó được trồng trên vùng đất nào, nhận được bao nhiêu nước và ánh sáng mặt trời… có nghĩa là anh ta biết hết những gì về dầu và trái olive. Để được như vậy, anh ta phải đích thân làm những công việc của một nông dân olive, ngày này qua ngày khác, tháng này qua năm nọ. Chúng ta được huân tập, được học và sống toàn thời gian trong môi trường chánh niệm như thời đạo Bụt nguyên thủy, cho nên cũng giống như một “nông dân chánh niệm”. Sống chánh niệm sâu sắc trong từng giây phút là điều tôi muốn huân tập.
Những giáo lý căn bản và pháp môn thực tập của Làng Mai có thể được học trong một chương trình khoảng một năm. Nhưng để hiểu và thực chứng, phải mất cả đời để thực tập. Cần ôn lại và cập nhật những điều căn bản đó trong suốt đời tu của mình. Chương trình học và thực tập đó gồm có: kinh Quán niệm hơi thở, kinh Tứ niệm xứ, Duy biểu học; các giáo lý căn bản: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tam pháp ấn, Ba cánh cửa giải thoát, Tương tức tương nhập, Giáo lý duyên khởi; các giới luật: Năm giới, Mười bốn giới Tiếp Hiện (giới Bồ tát), Mười giới Sa di và Sa di ni, Giới bản tân tu Tỳ kheo và Tỳ kheo ni; và Bốn pháp ấn của Làng Mai. Về mặt thiền tập thì cần nắm rõ các pháp môn: hơi thở chánh niệm, nghe chuông (tập dừng lại), thiền ngồi, và thiền đi. Các pháp môn thiền ăn, thiền làm việc, thiền buông thư… được khai triển từ những giáo lý và pháp môn căn bản này.
Chánh niệm bây giờ đang là một đề tài rất được quan tâm trên thế giới. Nhiều người nói về nó và ai cũng muốn biết về nó. Với một số người, nếu không biết về chánh niệm thì có vẻ hơi quê. Ở ngoài đời trong mấy chục năm qua, nhiều trường phái chánh niệm được xiển dương với chủ trương là không tôn giáo và không môn phái (non-religious và non-sectarian). Trong đó ít nhiều tinh túy của chánh niệm nguyên chất bị lấy đi, và không còn là chánh niệm như lúc Bụt dạy nữa. Thời gian gần đây, khuynh hướng muốn được học và thực tập chánh niệm nguyên chất đang trở lại. Làng Mai Hồng Kông đã thành lập Học viện Chánh niệm Làng Mai để mở chương trình đào tạo thầy cô giáo chánh niệm theo hình thức không tôn giáo. Điều này cũng không khó gì, vì Phật giáo được dạy và thực tập tại Làng Mai là một lối sống chớ không phải là một tôn giáo.
Từ năm 2012 đến nay, tôi có dịp làm việc với các chuyên gia y khoa, các nhà tâm lý học và các nhân viên xã hội chuyên về trị bệnh tâm thần. Họ muốn đem chánh niệm vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhờ có căn bản về chánh niệm và Duy biểu học nên tôi có thể cho ý kiến để bổ túc cho những điều mà phương pháp hiện tại chưa có. Tháng 11 năm 2015, Làng Mai Hồng Kông thành lập Trung tâm Thân Tâm Kiện An Thở và Cười (Breathe and Smile Mindbody Wellbeing Center) để đem pháp môn Làng Mai vào lĩnh vực sức khỏe thân tâm. Hai thành viên tăng thân, một người là nhà tâm lý học lâm sàng (clinical psychologist) và một là nhà chuyên gia xã hội (social worker), làm toàn thời gian cho trung tâm này. Họ đã tham dự chương trình đào tạo “Mindfulness Teachers” trong thời gian dài một năm AIAB tổ chức, và sẽ kết hợp pháp môn Làng Mai trong lĩnh vực chuyên môn cho các bệnh nhân và khách hàng của họ.
Đã sáu năm rồi, Nhập Lưu chưa có chúng xuất sĩ nam, nên năm 2017, có dự định là tám thầy và sư chú sẽ qua. Làng Mai Indonesia đang chờ giấy phép xây dựng, xong cũng xin người qua. Trong khi đó thì Làng Mai Malaysia đang rục rịch xây dựng trung tâm, lúc ổn định cũng xin người qua. Tôi thở và mỉm cười, cùng đi với tăng thân trong những chương trình hoằng pháp này. Sống trong giây phút hiện tại, thu thập những kinh nghiệm đã có và thấy được những điều cần làm trong tương lai, tôi biết tôi phải làm những gì trong lúc này, tôi không có gì phải lo hết. Có thảnh thơi tu học thì mới an vui giúp đời được.
AIAB, ngày 04 tháng 01 năm 2016