Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Vào dòng rong chơi

Chân Thuần Tiến

(Phần 2 – viết về thiền viện Nhập Lưu, tiếp theo LTLM số 37)

Sáng nay ngồi trước hành lang của cốc Nến Ngọc với tách trà nhỏ trong tay, trước mặt tôi là bức tranh vĩ đại tuyệt vời mà thiên nhiên đã trao tặng cho chị em chúng tôi để ngắm mỗi ngày. Giây phút mầu nhiệm của hiện tại cho tôi tiếp xúc được với rừng tràm dáng thon cao, vươn dài hàng vạn nhánh lá xanh mướt óng ánh khi nắng tràn về. Rừng cây đang đứng thật yên và hạnh phúc tiếp nhận nắng ấm ban mai từ mặt trời êm nhẹ lan tỏa vào từng chiếc lá, lớp vỏ rồi sâu dần vào thân cây. Những làn sương mỏng đầu ngày cũng từ từ bay nhẹ lên cao. Hơi thở tôi hòa quyện vào làn sương, hạt nắng tan vào không gian thênh thang.

Tiếp nối con đường

“Bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài…” Nhập Lưu cũng đang chầm chậm chuyển mình từng bước vững chãi thảnh thơi mà đi tới trong từng phút giây để mỗi ngày thêm mới, thêm nhiều sức sống hơn trên con đường thực hiện sứ mạng mà Thầy và tăng thân đã giao phó tại xứ Úc châu này. Đầu năm 2012, sáu sư cô từ Thái Lan được bảo lãnh sang Úc, nhưng vì không gia hạn được visa nên cuối năm 2014, các sư cô đã trở về lại Thái, Việt Nam hay qua Pháp. Rút kinh nghiệm từ đợt bảo lãnh đầu tiên, chúng tôi bắt đầu bảo lãnh sáu sư cô đợt hai thẳng từ Việt Nam, như vậy cơ hội có thể gia hạn visa dễ dàng hơn. Đó là hai sư cô Tịnh Quang và Tựu Nghiêm đến từ Tuệ Uyển vào tháng 4 năm 2015. Đến tháng 8 năm 2015 thì có thêm bốn sư cô từ Diệu Trạm (Huế) đặt chân đến Nhập Lưu, đó là các sư cô Phát Nghiêm, Trăng Sông Hồng, Trăng Thường Trú và Trăng Cơ Duyên. Năng lượng trẻ, khỏe và tràn đầy nhiệt tâm thực tập cũng như phụng sự của các sư cô trẻ đã đóng góp sự năng động, tươi mát cho Nhập Lưu thật nhiều.

Những ngày quán niệm thứ Năm và Chủ nhật mỗi tuần vẫn đều đặn, tùy vào số lượng các vị cư sĩ tham dự mà chúng tôi chia ra hướng dẫn cho thích hợp với ngôn ngữ mà họ mong muốn trong khi nghe pháp thoại hoặc những buổi tụng Năm giới và Mười bốn giới Tiếp Hiện. Những ngày lễ lớn như Tắm Bụt, Bông hồng cài áo, Giáng sinh và Năm mới thì số lượng tham dự trung bình khoảng từ 60 cho tới 100 người. Thỉnh thoảng có những nhóm mướn nguyên một chiếc xe buýt lên tham dự một ngày quán niệm để biết về phương pháp thực tập của Làng Mai ở Nhập Lưu như thế nào. Cuối ngày mọi người đều chia sẻ là họ thích lắm, hạnh phúc lắm và mong có một Nhập Lưu thứ hai ở dưới phố để được gần gũi và sinh hoạt chung với quý sư cô mỗi cuối tuần.

Đầu tháng 4 năm 2015, chúng tôi có hướng dẫn hai ngày quán niệm, một ngày cho người Úc và một ngày cho người Việt lần đầu tiên ở Perth, có khoảng 40 đến 50 người tham dự trong ngày. Tiểu bang này cách Melbourne 4 giờ bay và khác nhau 4 tiếng đồng hồ. Sau hai ngày quán niệm thì có 20 người đồng ý thành lập tăng thân đầu tiên ở Perth. Bên cạnh đó, những khóa tu chính vào tháng 4 ở các tiểu bang của nước Úc vẫn được duy trì hằng năm. Còn khóa tu vào tháng 9 thì có sự thay đổi: lúc trước, các tăng thân tổ chức tại tiểu bang địa phương mình ở và chúng xuất sĩ bay đến đó để hướng dẫn, nhưng bây giờ thì trở thành khóa tu gia đình do thiền viện Nhập Lưu tổ chức, cùng với sự yểm trợ của quý thầy bên Hồng Kông và các tăng thân cư sĩ ở các tiểu bang. Trong hai năm qua, khóa tu này được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Cave Hill Creek ở Beaufort thuộc thành phố Melbourne. Đây là một nơi có khung cảnh rất đẹp, thiền vị và lý tưởng để mở khóa tu, cách Nhập Lưu chừng 20 phút lái xe. Ai đến cũng đều trầm trồ khen ngợi và thích thú. Đó cũng là cơ hội đoàn tụ cho các tăng thân trong nước Úc gặp gỡ, chia sẻ và hiểu nhau nhiều hơn, vì vậy khóa tu này đã mang lại cho mọi người rất nhiều lợi lạc trên con đường chuyển hóa và hạnh phúc như ngày hội vậy. Tuy nhiên đó chỉ là phương tiện tạm thời thôi.

Công trình xây dựng ngàn đời

Giữa năm 2014, chúng tôi nộp giấy tờ xin phép làm một toilet gần thiền đường, dành cho các vị thiền sinh lớn tuổi sử dụng khi tham dự thời khóa. Khi hội đồng hành chính của địa phương (Council) đến để xem xét thì biết được nhà bếp, nhà ăn (chung) và cốc Nến Ngọc của chúng tôi đang sử dụng không đủ tiêu chuẩn sinh hoạt cho cộng đồng và bắt buộc chúng tôi không được nhận khách tới ở cũng như tổ chức khóa tu. May thay nhờ chú Tuấn và chú Tim (người Úc) giải thích, đưa ra bản vẽ mới của nhà khách cũng như nhà bếp, phòng ăn sẽ xây trong tương lai, kèm theo bản báo cáo bảo đảm an toàn của chú Tuấn, cuối cùng họ đồng ý cho phép chúng tôi được sử dụng cốc Nến Ngọc và nhà bếp tạm thời trong hai năm nữa. Chú Tuấn nói với tôi: “Sư cô ơi, hội đồng hành chính ở vùng quê còn hiền lắm đó, còn giúp mình nữa nên mới cho mình thêm hai năm, chứ hội đồng thành phố là bắt gỡ xuống hết rồi.” Tôi thở phào nhẹ nhõm, lòng thầm cám ơn Bụt, Tổ và năng lượng của Thầy đã che chở cho Nhập Lưu chúng tôi. Tôi cũng cám ơn hội đồng hành chính địa phương – những người đã làm việc hết lòng, thông cảm và lo lắng cho sự an toàn của mọi người.

Không bùn làm sao có sen”, nương vào những điều kiện bắt buộc của hội đồng địa phương, giữa tháng 7 năm 2015, chúng tôi đã xây xong hành lang bằng xi măng bao quanh thiền đường Thanh Lương Địa với con đường nhỏ an toàn cho người khuyết tật sử dụng. Gần thiền đường phía bên phải, chúng tôi dựng được một cái cốc nhỏ bằng gỗ dùng làm quán sách và một nhà vệ sinh mới nhưng còn dang dở cho tất cả mọi người đều có thể dùng được. Hiện tại chúng tôi đang chờ giấy phép của hội đồng địa phương để bắt đầu công trình xây dựng cư xá cho thiền sinh đến tu học, thay thế cho cốc Nến Ngọc. Hy vọng công trình này sẽ khởi công vào đầu năm 2016. Tất cả các bản vẽ cũng như việc liên hệ với hội đồng địa phương về giấy tờ hành chánh cho Nhập Lưu đều do chú Tim và chú Tuấn yểm trợ và cúng dường về tài chính. Xin cám ơn những vị Bồ tát bổ xứ đã đến đúng lúc, đúng thời để cho hoa sen nở nụ trong rừng thiền Nhập Lưu. Sau khi công trình xây dựng cư xá hoàn tất thì chương trình xây nhà bếp, nhà ăn mới cũng sẽ bắt đầu.

Tăng thân khắp chốn

Hạnh phúc thay được sống trong tăng đoàn, được hành trì cùng pháp môn, chúng tôi đã và đang tiếp nhận rất nhiều tấm lòng thương yêu, chăm sóc và yểm trợ của các vị cư sĩ khắp các tiểu bang trong và ngoài nước Úc. Khi hay tin Nhập Lưu gặp khó khăn, tăng thân đầu tiên ở Melbourne do cô Susan hướng dẫn đã đứng lên thành lập một nhóm gây quỹ xây dựng cho Nhập Lưu. Bên cạnh đó, với sự chia sẻ, viết thư kêu gọi, góp ý kiến của chú John (Sydney) cùng sự hợp tác của thầy Pháp Khâm, lá thư ấy đã đến từng địa chỉ điện thư của mọi người. Nhờ vậy trong thời gian gần đây, Nhập Lưu đã nhận được sự yểm trợ tài chính cho công trình xây dựng theo định kỳ hằng tháng hoặc mỗi tuần.

Về phần thực phẩm rau đậu thì có nhóm của cô Diễm (chị sư chú Long Hoa) chăm sóc, gởi lên hàng tuần. Cô Diễm, người mà chúng tôi thường dí dỏm gọi đùa là bộ ngoại giao của Nhập Lưu, cũng đã khéo léo mời được chú Tuyển, mang những chiếc xe cẩu, cán đường và cho thêm thợ làm lại những con đường trong thiền viện thêm bằng phẳng, rộng rãi hơn và mang lại thật nhiều niềm vui cho mọi người.

Giờ đây, khi chạy xe vào Nhập Lưu, ai cũng cảm thấy êm nhẹ và an toàn trong thích thú. Thêm vào đó, cô Lài cũng góp phần cúng dường một xe van 12 chỗ, khi thấy các sư cô từ Việt Nam qua mà chỉ có mình tôi lái xe đi xa được thôi. Cô tủm tỉm cười nhẹ nhàng nói: “Sư cô! Con mong có một chiếc xe van để quý sư cô đi chung với nhau cho vui, đỡ tốn xăng và không cần nhiều tài xế đó mà”, khi tôi từ chối Nhập Lưu đã đủ xe nhỏ rồi. Còn phải kể đến chú Vinh, tuy đã ngoài 75 tuổi nhưng chú rất năng động. Chú đã tự mình mua một xe van 12 chỗ để tìm cách giúp đỡ, đón đưa những ai muốn đến Nhập Lưu tu học, cũng như chú Ron, cô Daya đến dạy tiếng Anh cho các sư cô bốn buổi chiều mỗi tuần với nhiều tình thương và kiên nhẫn. À còn ngoại Chi nữa chứ – các sư cô trẻ gọi là “ngoại” vì tuổi cô đã hơn 76 rồi. Chúng tôi gọi ngoại Chi là bộ trưởng bộ chuyên chở và tiếp tế lương thực, bởi vì những ai ở dưới phố muốn cúng dường thực phẩm cho Nhập Lưu đều mang đến nhà bác Chi. Hoặc từ tiểu bang khác gởi tới thì cũng báo cho bác Chi đi nhận. Đến thứ Bảy cuối tuần thì bác chở lên Nhập Lưu. Căn nhà của ngoại Chi thường được chúng tôi gọi một cách thân thương là “Motel Nhập Lưu” – nơi chuyển tiếp, trạm dừng chân nghỉ ngơi cho quý sư cô trước và sau những chuyến hoằng pháp xuyên tiểu bang, ra nước ngoài và trở về lại Úc. Lúc nào đến nhà ngoại Chi, chúng tôi cũng được tiếp nhận tình thương che chở, bảo bọc, lo lắng về sức khỏe cho chúng tôi như về nhà ngoại ruột của mình.

Ôi! Thật cảm động biết bao trước những tấm lòng bền bỉ, kín đáo và thầm lặng yểm trợ, thương yêu chúng tôi qua nhiều hình thức khác nhau. Tất cả đều có chung ước mơ là Nhập Lưu nhanh chóng có đủ điều kiện, khả năng để tiếp nhận mọi người đang hướng về và cần nương tựa. Chúng tôi không thể kể hết được trọn vẹn những tình thương ấy, những tấm lòng thật gần gũi biết bao ấy, vì trang giấy thì có giới hạn…

Tôi không ngủ mơ đâu, ngày hôm nay đẹp lắm thật mà!

Chúng tôi có tám chị em sống với nhau trong tình gia đình nho nhỏ, với những nụ cười rộn ràng hồn nhiên líu lo như tiếng chim sau những bữa ăn. Các sư em tôi chia tri, chia đội và mỗi người là một đội, một tri. Thời khóa cũng đầy trong ngày nhưng ai cũng tham dự đầy đủ. Sáng thứ Bảy mỗi tuần là cơ hội cho chị em chúng tôi cùng làm việc chung. Các sư em tôi chịu học tiếng Anh, hô canh, đọc kinh bằng tiếng Anh, lái xe, ghi danh khách đến, chịu làm những việc như cắt cây, cắt cỏ, sửa xe, sửa máy bơm nước, ống nước… và chịu chơi, luôn hồ hởi trả lời thích và thêm rằng “xe say con chứ con không say xe” khi tổ chức đi hồ, đi biển, ngắm nhìn từng đàn chim cánh cụt ủn ỉn lội lên bờ dưới những đợt sóng cuồn cuộn phủ tràn lên bãi biển. Nhưng cũng có khi chỉ cần hỏi: “Em khỏe không?” là đôi mắt liền đổi màu đo đỏ và nước mắt cũng đã rươm rướm ở mi rồi, bởi vì hôm qua thiền sinh đến hơi đông và hôm nay thì em hơi mệt. Các sư em tôi vẫn còn ngây thơ và dễ thương như vậy đó! Vì thế ai bảo đi tu là khổ? Xin cám ơn quý sư cô Diệu Trạm đã từng ngày mớm sữa pháp của Thầy cho các sư em vừa đủ lớn, để rồi lại đưa các em vào dòng chảy của tăng thân qua tới bến Nhập Lưu.

Nhập Lưu đang vào những ngày hạ, thời tiết năm nay nóng hơn và kéo dài hơn những năm trước. Tuy nhiên về đêm thì rất mát có khi trở lạnh như đã vào đông. Nhìn xuyên qua rừng tràm đang mềm mại lung lay theo chiều gió nhẹ, những cành lá xanh non như dang tay vẫy chào trao tặng tôi niềm hạnh phúc hiện thực của sự sống mầu nhiệm bây giờ và ở đây. Đôi bàn tay chắp lại trong niềm kính cẩn và biết ơn, tôi cám ơn Bụt, ơn Tổ, ơn Thầy, ơn tăng thân và tất cả mọi người, mọi loài trong vũ trụ đã nuôi dưỡng, chấp nhận tôi và hàng vạn cây tràm kia là những bạn đồng hành nguyện cùng chúng tôi vững bước trên con đường chuyển hóa và làm lớn rộng nguồn suối yêu thương đích thực trong mọi người và trên khắp muôn nơi.