Đừng phụ suối đồi
Chân Hoa Nghiêm
Giữ mãi tình này
Năm nay khóa tu cho người Việt tại tu viện Bích Nham có chủ đề là Giữ mãi tình này. Chủ đề hấp dẫn cho nên khá đông người Việt về tham dự. Mối tình nào cần phải giữ mãi? Tình vợ chồng? Tình cha mẹ đối với con cái? Tình anh em, hay tình bạn? Mối tình nào cũng cần phải giữ mãi.
Trong các nhóm pháp đàm dành cho người trẻ, có em chia sẻ nỗi khổ đau về sự thiếu truyền thông với mẹ, có em thì nói rằng ba mẹ không muốn cho em đi đâu vì sợ hư, tối ngày ở nhà làm cho em xa lạ với bạn bè… Đây là vấn đề khoảng cách văn hóa mà từ lâu Thầy thường nhắc đến trong những bài pháp thoại dành cho người Việt tại hải ngoại. Đa số những người trẻ lớn lên tại Mỹ có nhiều khó khăn với ba mẹ. Có những em qua đây từ nhỏ, cũng có những em được sinh ra tại đây. Lớn lên trong môi trường của văn hóa Mỹ, sự suy nghĩ cũng như ý thích của các em hoàn toàn khác với ba mẹ. Đó là điều tất nhiên vì hai văn hóa hoàn toàn khác. Chúng tôi ngồi yên và lắng nghe, cảm thông từng nỗi khổ đau của các em.
Áp lực văn hóa và xung đột trong gia đình là một vấn đề lớn cần tháo gỡ. Mối tình nào cũng cần phải làm mới lại, cũng cần phải trân quý, giữ gìn. Đó là mục đích mà khóa tu này muốn chuyên chở và nhắn nhủ đến những người Việt tha hương.
Thăm Thầy
Nghe tin Thầy qua Mỹ điều trị, tôi liền xin phép chúng Bích Nham để đi thăm Thầy. Kể từ ngày Thầy bệnh, trong lòng tôi luôn mong muốn được gặp Người. Đáp chuyến bay từ New York qua San Francisco, tôi được thầy Pháp Huy kể cho nghe tình hình của Thầy hiện tại. Có một mạnh thường quân muốn giúp Thầy phục hồi sức khỏe. Ông là CEO của hãng Saleforce, tên là Marc. Ông đã đọc sách của Thầy và rất ấn tượng về Thầy cùng pháp môn thực tập của Làng Mai. Vào năm 2013, ông đã yểm trợ hết lòng để tổ chức một buổi pháp thoại của Thầy tại dinh thự của ông và một buổi thiền hành cho các CEO trong không khí thân mật. Sau đó, ông đã có ý định mời Thầy hướng dẫn ngày quán niệm cho 150000 nhân viên của mình vào năm 2015. Khi nghe tin Thầy bệnh, ông có nhã ý muốn giúp đỡ. Ông cho máy bay riêng qua tận Làng đón Thầy về dinh thự của mình để điều trị. San Francisco là môi trường thuận tiện nhất, vì nơi đây tập trung rất nhiều bác sĩ giỏi. Nhìn lại năm qua, tôi thấy hiệu lực của sự cầu nguyện do toàn thể đệ tử Thầy trên thế giới đến nay đã dần trở thành hiện thực, sức khỏe của Thầy đang có nhiều tiến bộ.
Thầy vẫn còn đây trước mặt tôi. Người đang ngồi yên trên chiếc xe lăn, cảm xúc tôi dâng trào. Sư em Pháp Hữu nhẹ nhàng thưa: “Bạch Thầy, có sư chị Hoa Nghiêm vào thăm”. Thầy quay lưng lại nhìn tôi thật lâu. Tôi lặng yên cho những giọt nước mắt âm thầm rơi. Tôi nắm lấy bàn tay phải của Thầy. Bàn tay đã viết cả ngàn câu thư pháp, bàn tay đã sáng tác bao nhiêu tác phẩm đem lợi ích cho nhân loại. Bây giờ bàn tay này đang ngồi yên. Bữa cơm chiều, tôi ngồi nhìn Thầy dùng trong im lặng. Dáng Thầy vẫn thẳng, Thầy đưa từng muỗng thức ăn lên miệng rất từ tốn.
Tôi ở chơi được hai tuần và giúp nhóm thị giả nấu ăn. Các vị thị giả chia thành sáu nhóm, mỗi nhóm hai người thay phiên nhau chăm sóc. Những thầy thị giả đang có mặt để chăm sóc Thầy đa số đến từ Pháp. Tăng thân địa phương cúng dường thức ăn vài ngày trong tuần để các vị thị giả hoàn toàn lo chăm sóc Thầy. Không đủ người nấu ăn cho ban thị giả, ngoài những ngày được cúng dường thức ăn, những ngày còn lại các vị thị giả nhiều khi phải ăn mì gói, vậy thì làm sao có đủ sức. Gần đến ngày về lại Bích Nham, thầy Pháp Huy nhìn tôi cười nói: “Xin sư chị Hoa Nghiêm ở lại, làm thị giả của thị giả. Sư chị nấu cơm cho chúng em. Chúng em cũng cần được chăm sóc để có sức khỏe mà hầu Thầy. Sức khỏe của Thầy là trên hết chị à”. Tôi có tên trong danh sách những vị xuất sĩ trong các khóa tu ở Mỹ: Bích Nham, Mộc Lan và Lộc Uyển. Tôi rất muốn có mặt, nhân đó cũng là cơ hội thăm viếng các trung tâm ở Mỹ. Nhưng rồi tôi thấy, nếu ở lại, tôi có thể đóng góp rất nhiều cho ban thị giả. Hơn nữa, cơ hội được gần vị Thầy kính yêu là một phước đức lớn. Tôi quyết định hủy chuyến đi để ở lại với nhiệm vụ phụ nấu ăn cho thị giả và chăm sóc Sư cô. Đó là một chút tấm lòng của sư con, sư chị, sư em.
Ngày nào đẹp trời, thị giả đưa Thầy ra biển Golden Gate hứng gió và nắng, đêm về Thầy ngủ rất ngon. Từ ngày đến đây, tôi thấy lúc nào Thầy cũng ngồi ăn một mình trong phòng với thị giả. Anh Hương đề nghị với tôi là mình có thể ăn chung với Thầy. Chiều nay, tôi nấu nồi phở thật thơm. Anh Hương ra ngoài mua hai cái bánh táo (apple pie) thật ngon. Chúng tôi mời Sư cô và tất cả thị giả cùng vào ăn chiều với Thầy. Thầy trông rất vui khi thấy các sư con quây quần bên mình. Sau buổi ăn mọi người yêu cầu tôi hát tặng Thầy. Thầy nhìn tôi gật đầu. Tôi hát bài Lòng không bận về, bài mà Thầy ưa thích. Ngày xưa mỗi lần gặp tôi ở đâu Thầy thường bảo tôi hát cho Người nghe. Nghe như có tiếng đất trời gọi nhau, bất ngờ Thầy cùng hát theo và còn đưa tay trái lên như diễn tả lời bài hát. Chúng tôi nhìn Thầy cảm động. Anh Hương và sư em Định Nghiêm đôi mắt đỏ hoe, cổ họng tôi bỗng dưng nghẹn lại không hát tiếp được, tôi phải thở thật sâu mới không gián đoạn bài hát.
Tôi ở đó được hơn một tháng. Thời gian này, chuyến hoằng pháp cũng đã bắt đầu với sự có mặt của 45 vị xuất sĩ đến từ các trung tâm của Làng Mai trên thế giới: Pháp, Mỹ, Đức và Thái Lan. Ngày xưa cứ cách hai năm thì Thầy có chuyến hoằng pháp tại Mỹ. Chuyến hoằng pháp ở Mỹ năm nay thiếu vắng Thầy. Số lượng người ghi danh khóa tu không đông như những năm trước, nhưng lực lượng giáo thọ hùng hậu khiến chất lượng các khóa tu không giảm sút. Tôi nghe các sư em báo cáo lại là thiền sinh rất hạnh phúc với những bài giảng của các vị giáo thọ. Họ có niềm tin vào sự tiếp nối của Thầy.
Khi phái đoàn đến hướng dẫn khóa tu tại San Francisco thì đúng vào tháng Mười. Ngày sinh nhật của Thầy đã gần kề. Chúng tôi bàn tính tổ chức ngoài vườn. Rất vui là 40 vị xuất sĩ trong chuyến hoằng pháp có cơ hội được ghé thăm và tham dự ngày sinh nhật của Thầy. Hôm đó đúng là một ngày đặc biệt. Thầy trông rất rạng rỡ. Nhìn mọi người, Thầy nở nụ cười thật tươi. 40 vị xuất sĩ trong phái đoàn cùng với rất nhiều thân hữu Tiếp Hiện, tề tựu quanh Thầy. Tất cả chúng tôi niệm Bồ tát Avalokitesvara cúng dường Thầy, có tiếng đàn violon và guitar của hai sư em Thệ Nghiêm và Trai Nghiêm phụ họa. Trong khi niệm danh hiệu Bồ tát, Thầy giơ bàn tay trái lên và đưa ra như ngày xưa Thầy thường hay bắt ấn. Nhiều thầy cô đã không dằn được cảm xúc. Bánh sinh nhật được đem ra, chúng tôi hát mừng ngày tiếp nối Thầy 89 tuổi. Thầy cầm cây nến, quay quanh một vòng rồi đưa lại gần miệng và thổi nhẹ. Chúng tôi reo mừng khi cây nến phụt tắt. Sự có mặt của Thầy là một hạnh phúc lớn cho chúng tôi.
Tôi tháp tùng sư cô Chân Không đến tham dự khóa tu cho người Việt tại tu viện Lộc Uyển, có trên 200 người tham dự. Trở về lại chốn xưa, nơi tôi đã từng sống bốn năm, khung trời núi rừng dường như không thay đổi. Các sư bạn già đã lớn tuổi hơn, nhưng tình thương dành cho tôi vẫn trọn vẹn như xưa. Gặp lại những thân hữu, ai cũng mừng rỡ hỏi thăm, tôi thấy ấm lòng. Tấm chân tình của người xưa vẫn còn nguyên vẹn dù thời gian đã đi qua. Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, đó là nội dung bài pháp thoại tôi chia sẻ trong khóa tu. Tôi không nghĩ là mình sẽ cho pháp thoại, nhưng núi rừng Lộc Uyển muốn tôi trang trải cõi lòng của người đi xa mới trở về. Tôi muốn tâm sự rằng: “Dù vật đổi sao dời, nhưng tấm chân tình thì sẽ không bao giờ thay đổi”. Khi nhắc về Thầy, tôi không dằn được cảm xúc, khiến bao cô chú rơi nước mắt theo. Có một lần tôi hỏi Thầy: “Thầy ơi, trong khi cho pháp thoại, mà bỗng dưng muốn khóc, con có nên đè nén không?”. Thầy nhìn tôi lắc đầu: “Tại sao đè nén, cứ khóc đi con”. Tôi liền nói: “Nhưng nếu con khóc trước mặt mọi người thì quê lắm”. Thầy nói: “Có sao đâu! Mình khóc mà biết là mình khóc thì không có gì quê cả”.
Chứng kiến sự chăm sóc của thị giả đối với Thầy, tôi thấy lòng biết ơn các sư em lắm. Có đêm Thầy không ngủ, thị giả thức cùng Thầy. Mỗi người đã có mặt chăm sóc Thầy bằng tất cả tấm lòng thương kính. Có đêm Thầy ngủ ngon giấc. Nhìn Thầy, tôi nhớ lại những chuyến đi hướng dẫn khóa tu cùng Người những năm về trước. Hình ảnh Thầy đứng trên bục giảng, hình ảnh Thầy hướng dẫn thiền hành trước hàng ngàn người trở về trong tôi. Thầy đã trao truyền rất nhiều tâm huyết của mình, thông điệp cuộc đời Thầy đã đi luân hồi khắp mọi nơi trong sự bình yên của con người. Tôi nhắm mắt trở về với hơi thở, mỗi hơi thở vào tôi niệm Bụt cầu nguyện Thầy mau lành bệnh.
Bà Peggy là một bác sĩ châm cứu cho Thầy mỗi ngày, nhà bà gần chỗ chúng tôi. Bà rất hào phóng, tất cả chúng tôi đều được bà châm cứu miễn phí. Thông thường lệ phí để trả cho một giờ châm cứu rất cao. Một lần sau khi châm cứu cho tôi xong, bà hỏi: “Tại sao quý vị lại thương yêu Thầy nhiều như thế? Thầy đã làm gì cho quý vị?”. Tôi mỉm cười nhìn bà: “Chúng tôi thương Thầy vì Thầy thương chúng tôi. Thầy đã nuôi dưỡng chúng tôi không chỉ bằng Pháp mà còn bằng tất cả tình thương yêu như một người cha ruột thịt. Đôi khi Thầy còn nấu những thức ăn ngon cho chúng tôi nữa. Thầy đã cho chúng tôi thật nhiều, không phải chỉ riêng cho học trò của Thầy thôi, mà Thầy đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho nhân loại. Sự chăm sóc của chúng tôi có là bao”. Bà nhìn tôi gật đầu cảm động. Bà rất hết lòng, dù trời đã khuya bà vẫn không ngại đi bộ đến để châm cứu giúp Thầy ngủ ngon.
Tôi trở về Bích Nham để an cư. Ngày mồng 2 tết, tôi nhận được tin vui từ Định Nghiêm, sư em nói: “Trước tết Thầy bị đau bụng lắm và muốn về lại Pháp. Nhưng nhờ châm cứu và liệu pháp phản hồi thần kinh (neurofeedback), Thầy không còn đau nữa. Thầy lại còn tham dự Be-in với ban thị giả”. Sức khỏe của Thầy là niềm vui của chúng tôi. Tuy ở đây nhưng lòng tôi luôn hướng về Thầy. Mỗi sáng tôi vẫn cầu nguyện cho Thầy mau phục hồi sức khỏe. Ở Bích Nham, tuy không còn bên Thầy, nhưng tôi thấy gần Thầy trong từng hơi thở bước chân. “Thương Thầy là các con phải biết thương nhau”, đó là câu nói ngày xưa Thầy thường nhắc nhở chúng tôi. “Thầy không cần gì hết, Thầy chỉ cần chúng con thương nhau là đủ rồi”. Ngoài những giờ chia sẻ phương pháp thực tập, thỉnh thoảng, tôi mời các sư em đến phòng chơi. Dù không nói gì nhiều, chỉ cần ngồi có mặt cho nhau, cùng uống một chén trà, ăn một miếng bánh thì tình huynh đệ cũng sẽ dần lớn lên trong mỗi chị em, đó là nguyện vọng của Thầy.
Một năm đi qua
Khóa tu Holiday bắt đầu khi tôi ở Bích Nham đúng một năm. Năm nay số lượng người tham dự đông hơn. Trong bài pháp thoại sáng nay, thầy Pháp Khôi đặt câu hỏi cho thiền sinh: “Vì sao quý vị về đây tu học?”. Tôi cũng tự hỏi, tại sao họ có thể rời ngôi nhà ấm cúng tiện nghi để về sống trong một môi trường thiếu tiện nghi hơn, cho dù chỉ năm ngày, nhất là trong ngày tết. Đối với người Việt, tết là ngày để gia đình quây quần bên nhau, bên bàn thờ ông bà tổ tiên. Nhiều người chia sẻ, muốn tìm sự bình an cho tâm hồn, muốn trở về với chính mình, muốn tu học với tăng thân, mà sự cô đơn thì không ai nhắc đến. Tôi nhớ có một mùa Giáng sinh ở Pháp, tôi đã tiếp xúc với một cô thiền sinh Mỹ, cô đã tâm sự rằng, mỗi lần mùa đông về, nhất là mùa Giáng sinh và tết Tây, có rất nhiều người cảm thấy cô đơn. Cô là một trong số đó, và cô muốn tìm đến một nơi có thể tạo lập bình an cho tâm hồn. Họ rất cần một cộng đồng với những sinh hoạt hiền lành. Trong xã hội hiện tại, nhiều người lao mình vào những cuộc chơi không lành mạnh để trốn tránh khổ đau, cô đơn và bế tắc. Và rồi họ tuyệt vọng nhận ra, sau cuộc chơi, họ càng khổ đau, cô đơn và bế tắc hơn. Nhiều thiền sinh đã cám ơn Thầy và tăng thân có mặt đó, để tất cả cùng tạo nên môi trường bình yên, có phẩm chất tu học, giúp họ trở về với chính mình, và cảm thấy được che chở.
Đi tu thì dễ, duy trì sự tu mới khó
Sau khóa tu Holiday, chúng tôi được ba ngày nghỉ ngơi. Sáng nay đi vào phòng giặt, gặp sư em Trường Nghiêm đang xếp những chiếc ra trải giường. Năm nay chúng Bích Nham có thêm các sư cô từ Việt Nam và Thái Lan qua, tu viện vui và ấm cúng hơn. Chúng tôi thăm hỏi nhau chuyện trong chúng. Các em tôi xuất gia ngày mỗi đông. Con đường tu rất đẹp nhưng không ít những chướng ngại, không phải ai cũng thành công. Nhìn sư em, tôi nói: “Tu không phải dễ em há”. Sư em thưa: “Theo con tu thì dễ nhưng duy trì sự tu mới khó”. Tôi thấy đúng quá. Lúc mới xin tập sự xuất gia, bồ đề tâm của ai cũng cao ngất. Nếu có hỏi tâm xuất gia bao nhiêu phần trăm thì người nào cũng cương quyết cho là ước nguyện của mình đã hơn 100% rồi. Một vài năm sau thì tâm ban đầu bị hao mòn, không tìm thấy niềm vui trong sự tu học nữa, bất mãn nhiều thứ xâm chiếm tâm hồn, nghĩ rằng thầy không hiểu, các sư anh sư chị không thương, không thấy pháp môn tu học rõ ràng, văn hóa quá khác biệt,… Có muôn vàn lí do để không còn có thể tiếp tục nuôi lớn lý tưởng xuất trần. Sư em nói đúng, duy trì đường tu mới khó. Làm sao chúng ta đi trọn con đường mà không trở thành khúc củi bị vớt lên hay bị kẹt giữa dòng? Làm sao giọt nước ra đến đại dương mà không bị bốc hơi?
Mấy ngày qua trời cứ đổ những cơn mưa, sáng nay mưa lất phất, đại chúng đi thiền hành vào rừng. Dòng suối trong veo chảy mạnh hơn mọi khi, không gian được tô bởi một màu xám của mây và mưa, ẩn hiện dưới chân là những chiếc lá vàng khô. Chợt nghĩ đến đời tu, tôi thấy mình đã vượt qua nhiều chông gai, chứ không phải hành trình tôi đi chỉ là bãi cỏ êm ái trải đầy hoa. Tôi nhận ra, sở dĩ tôi không bỏ cuộc là nhờ lòng biết ơn trong tôi thật lớn. Nhìn dòng suối chảy róc rách đổ xuống từ đồi cao, tôi liên tưởng tới câu thư pháp Thầy viết mà tôi rất thích: Đừng phụ suối đồi. Tôi không thể phụ lòng Má tôi và gia đình huyết thống. Má tôi rất mong muốn các con lo tu và đi trọn con đường, các chị em tôi cũng vậy. Tôi càng không thể nào phụ lòng Thầy tôi. Thầy đã dùng hết tâm huyết của mình để trao truyền cho học trò những pháp môn tu học, giúp chuyển hóa khổ đau, đưa đến chân hạnh phúc, đưa đến sự giải thoát hoàn toàn của một bậc giác ngộ. Dĩ nhiên tôi biết mình chưa đạt được điều đó, nhưng tôi tìm thấy được niềm vui trong sự tu học, niềm vui trong sự buông bỏ những tham đắm của cuộc đời. Tôi cũng không muốn phụ lòng các sư chị, sư anh và sư em của tôi trong gia đình tâm linh. Tình huynh đệ cũng đã giúp tôi đi qua những bước khó khăn trong đường tu. Tôi thấy mình có niềm tin vào pháp môn, có niềm tin vào Thầy và tăng thân.
Thầy thường hay nhắc nhở chúng tôi: “Ngày nào con còn biết ơn, ngày đó con còn hạnh phúc”. Thầy đã cho chúng tôi một con đường, và tôi tiến bước trên con đường đó cho đến hôm nay là do lòng biết ơn trong tôi không bao giờ cạn.