Con đã về
Sư cô Trăng Tin Yêu là người Indonesia, xuất gia năm 2012 trong gia đình Hoa Đỗ Quyên (Azalea). Sau bốn năm trốn gia đình đi tu, giờ đây sư cô có cơ hội trở về cùng với tăng đoàn áo nâu trong chuyến hoằng pháp của tăng thân Làng Mai tại Indonesia năm 2015. Dưới đây là những chia sẻ của sư cô về chuyến đi đáng nhớ này.
Áo nâu đón áo nâu
Quả cầu lửa màu cam đang lơ lửng trên bầu trời trong vắt. Đó là cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp mà con chưa từng thấy ở Jakarta, thành phố nơi con được sinh ra. Sư cô Tân Nghiêm và con đang trên đường ra sân bay để đón gia đình Áo nâu tới Indonesia cho chuyến hoằng pháp 2015. Thật rủi ro vì đang giờ cao điểm. Có lẽ phân nửa dân số của Jakarta đang trên đường từ sở làm về. Rủi hơn nữa vì đó cũng là buổi tối trước kỳ nghỉ cuối tuần, rất nhiều người đang trên đường ra sân bay để kịp giờ bay. Tuy vậy trong cái rủi bao giờ cũng có cái may. Bác tài xế lái xe cho chúng con rất rành đường nên có thể tránh được dòng xe cộ đông đúc đó. Khi vào đến khu vực gần sân bay, chúng con có thể nhìn thấy một dòng xe cộ đủ màu, đủ loại đang nối đuôi nhau trên đường phố.
“Biết rõ đường đi lối về” là một kỹ năng quan trọng mà người ta cần phải có khi sống ở Jakarta nếu không muốn bị kẹt trong dòng xe cộ suốt 2-3 tiếng đồng hồ. Con nghĩ điều này cũng giống như trong sự tu tập. Chúng ta cũng phải “tỏ đường đi lối về” để không bị mắc kẹt trong khổ đau. Mà thôi, bây giờ mình quay về giây phút hiện tại. Chúng con cảm ơn người tài xế rất rành đường đã giúp chúng con tránh được nạn kẹt xe. Nhờ vậy mà chúng con đã đến sân bay đúng giờ để đón phái đoàn.
Máy bay đến trễ. Có vẻ như trên đó cũng có nạn kẹt… máy bay. Tính tiếu lâm của con lại nổi lên rồi. Con đang đứng chờ gần cửa ga, mặc chiếc áo nhật bình đẹp nhất, đầu chít khăn cẩn thận. Bất chợt con nhận ra đây là lần đầu tiên con được đón tăng đoàn trên quê hương mình trong chiếc áo người tu. Tâm trí con chợt đi về quá khứ. Từ năm 2008, con đã có cơ hội ít nhất là 5 lần ra sân bay để đón tăng đoàn Làng Mai đến Indonesia hướng dẫn khóa tu. Giờ đây, con cũng đang có mặt ở sân bay, nhưng là để đón… những huynh đệ xuất sĩ của mình. Trong con có một cảm giác thật khó tả, vừa hạnh phúc vừa thấy hơi là lạ, cứ như một giấc mơ. Trở về nước sau gần bốn năm xa cách, thăm viếng bạn bè, gia đình, đón tăng đoàn và gia nhập vào chuyến hoằng pháp tại Indonesia với tư cách một người xuất gia, mọi thứ quả thật mới mẻ đối với con. Chắc chắn những giây phút đầy ý nghĩa trong chuyến hoằng pháp này sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức con.
Thời gian đi tựa tên bay. Mũi tên thời gian bây giờ kéo con trở về với giây phút hiện tại, bởi vì ở cửa ga đã xuất hiện những bóng áo nâu. Sư cô Chân Không, sư cô Thoại Nghiêm và thầy Pháp Khâm là những người đi đầu, đang bước chậm rãi với nụ cười trên môi.
Đi như một dòng sông
Sau khi ăn chiều tại sân bay, mọi người lên xe về khách sạn Yasmin tại Puncak, nơi tổ chức khóa tu, cách sân bay ba giờ lái xe (nếu không đi trong giờ cao điểm). Ban tổ chức đã chu đáo thuê cảnh sát mở đường cho phái đoàn, bởi vì ngày hôm đó, bất cứ nơi đâu cũng bị kẹt xe. Nếu không có cảnh sát dẫn đường thì chẳng biết bao giờ chúng con mới đến nơi.
Đi như một dòng sông là chủ đề của khóa tu năm ngày, từ 14 đến 18 tháng 05 năm 2015. Có khoảng 600 người tham dự. Ban tổ chức ở Ekayana Buddhist Center đã làm việc cật lực cho khóa tu lần này. Chúng con đã lên chương trình cho chuyến hoằng pháp này một năm trước khi Thầy bị bệnh, nhưng sau đó mọi người không biết là có thể tiếp tục tổ chức chuyến hoằng pháp hay không. Vì vậy, khi được tin chuyến hoằng pháp vẫn diễn ra, thời gian dành cho chuẩn bị rất ngắn ngủi. Việc ghi danh chỉ bắt đầu khoảng hai tháng trước khi có khóa tu.Có rất nhiều điều mà con học hỏi được từ khóa tu. Có một lần con được nhờ thông dịch cho một phụ nữ đang cần tham vấn. Trong buổi tham vấn, con nhận ra rằng mình có thể tiếp xúc được với bộ mặt thật của thực tại, đó là khổ đau. Người ta có thể ăn mặc rất đẹp đẽ, nước hoa thơm ngát, nhìn bên ngoài có vẻ rất mãn nguyện và ổn định trong cuộc sống. Khó ai có thể biết được những khổ đau đằng sau bề ngoài sang trọng đó.
Cái đẹp của sự nhẫn nhục hay kham nhẫn là một trong những điều mà con học hỏi được từ khóa tu này và từ các buổi tham vấn. Một người mẹ có hai con đang phải nhẫn nhịn để giữ cho gia đình không bị đổ vỡ khi chồng không chung thủy; một người chị phải nhẫn nhịn để giữ gìn sự hòa hợp giữa các anh chị em trong gia đình khi có những tranh chấp xảy ra… Còn nhiều vấn đề muôn thuở khác nữa của cuộc sống gia đình, đồng thời cũng là những vấn đề lớn lao và phức tạp của cả nhân loại. Con thấy rất cảm động bởi vì con biết chỉ có tình thương mới có thể giúp cho người ta có thể nhẫn nhịn như vậy mà thôi.
Con quán chiếu về phẩm chất này trên con đường tu tập của mình. Nhẫn nhục hay kham nhẫn là một trong những hạnh quan trọng nhất, là một trong Sáu phép Ba la mật. Không có hạnh nhẫn nhục, chúng ta sẽ đi vòng quanh, không bao giờ có thể thoát ra khỏi khổ đau. Gần đây có một sư cô nói với con rằng nhẫn nhục là một nguồn phước đức. Con rất thích điều này dù con nghĩ thực hiện nó không dễ chút nào. Phải có nghị lực, sự hoan hỷ và tuệ giác thì mới mong làm được. Con nhớ lại câu thơ nổi tiếng của tổ Hoàng Bá ở Trung Hoa: “Chẳng phải một phen xương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương!”.
Giờ đây con càng tâm đắc câu thơ ấy bởi con đang sống ở Làng Mai, đi qua mùa đông và thưởng thức hoa mai nở rộ trên đồi. Khi con thưởng thức hoa mai, con biết một trong những nhân duyên hội tụ để những đóa hoa được biểu hiện, đó là sự kham nhẫn.
Dòng sông vẫn đang tuôn chảy
Ngày 20 tháng 05, sau khi khóa tu chấm dứt, dòng sông tăng thân tiếp tục xuôi về Yogyakarta, cách Jakarta khoảng một giờ bay. Sáng hôm sau, tăng đoàn lên xe đi thăm khu đất được cúng dường bởi một thương nhân thành công ở Indonesia, một người rất thương kính Sư Ông và pháp môn Làng Mai. Ông cũng đồng thời là một người rất năng nổ trong giới Phật tử, đã áp dụng phương pháp thực tập của Làng Mai ở văn phòng làm việc. Ông cho đặt một cái chuông trong phòng họp tại nơi làm việc. Mỗi thứ Sáu, tất cả các nhân viên của ông mang theo thức ăn và cùng nhau thực tập ăn trong chánh niệm. Họ có rất nhiều cảm hứng khi nghe ông chia sẻ. Không phải tất cả nhân viên của ông đều là Phật tử, vậy mà họ đã mở lòng ra đón nhận sự thực tập này. Ông đã chia sẻ rằng một nhân viên của ông đã được khách hàng khen ngợi vì khả năng lắng nghe của người đó.
Khu đất được cúng dường cách sân bay khoảng 3-4 tiếng đồng hồ lái xe, nằm trong địa phận của đảo Java, nơi có khoảng 136 triệu dân – tức 60% dân số của Indonesia đang sinh sống. Rất nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra tại hòn đảo này. Vào thế kỷ thứ VII, đế chế thời bấy giờ đã cho phép đạo Hindu và đạo Bụt được du nhập và phát triển tại Java. Chỉ sau khi những người đạo Hồi chiếm đảo Java, các Phật tử đã chạy sang Bali hoặc lên vùng núi ở trung tâm đảo Java. Theo thống kê, hiện có khoảng 750 ngàn người theo đạo Bụt ở trung tâm Java. Đây là những người có gốc đạo Bụt, từ đời này sang đời khác.
Một nhóm quý thầy, quý sư cô đã có cơ hội đi thăm một số làng Phật tử ở những vùng sâu, vùng xa của đảo Java. Dân chúng các vùng này sống rất đơn sơ và thanh bạch. Phần lớn là nông dân. Sau một ngày làm việc đồng áng, họ về nhà dùng cơm chiều, sau đó đến chùa để tụng kinh. Đây là sinh hoạt thường nhật của họ mà không có sự hướng dẫn của người xuất gia. Các thầy thỉnh thoảng từ nơi khác đến cho pháp thoại mà thôi. Sự tinh tấn của người dân ở đây làm con rất cảm phục.
Khi chúng con đến khu đất được cúng dường, trời hãy còn sớm lắm. Cần phải leo lên một con dốc cao và thẳng đứng mới đến được vùng đất bằng phẳng. Ở nơi đó, một cái bục và một bàn thờ đã được chuẩn bị sẵn. Con leo lên dốc với Sư cô Chân Không và thị giả. Ngoài ra còn có thầy Pháp Tử và Rini, cô bạn từng qua Làng tu học gần một năm. Dọc đường, mọi người dừng lại nghỉ khá nhiều lần. Không khí thật trong lành, đâu đâu cũng thấy một màu xanh. Khi lên đến nơi, mọi người có thể thưởng thức cảnh đẹp của núi đồi. Được biết là vào sáng sớm, ngồi ở đây có thể thấy được năm ngọn núi bao bọc xung quanh. Quý sư cô đùa với con rằng không ai muốn qua trung tâm ở Indonesia vì sợ núi lửa phun. Biết làm sao được, thật sự là có tất cả 38 ngọn núi lửa trên toàn đảo Java từ Đông sang Tây. Và tất cả đều đã từng hoạt động một lần. Không có bùn thì không có sen. Nơi nào núi lửa đã từng phun, nơi ấy đất đai rất màu mỡ. Đó là lý do tại sao những miền đất ấy đã từng bị người châu Âu chiếm làm thuộc địa một thời gian rất lâu trong quá khứ.
Sáng hôm ấy, tăng đoàn đã làm lễ tẩy tịnh cho khu đất bằng một nghi thức ngắn gọn và đơn giản. Sau đó sư cô Chân Không, thầy Pháp Đăng, thầy Kai Li và thầy Dharma Vimala đặt viên đá đầu tiên. Tiếp theo quý thầy, quý sư cô ngồi chơi với những người dân địa phương. Họ trang trọng trong y phục cổ truyền Batik và nói bằng ngôn ngữ Java mà con hoàn toàn không hiểu.
Cho đến tận lúc này, tăng thân vẫn chưa được chính quyền địa phương cấp giấy phép xây dựng trung tâm tu học ở đây. Tuy vậy, tăng thân vẫn quyết định làm lễ tẩy tịnh cho mảnh đất này cũng như tổ chức chuyến hoằng pháp tại Indonesia như đã dự định trước khi Thầy bị bệnh. Không có gì thay đổi. Ít nhất là hạt giống xây dựng trung tâm Làng Mai tại Indonesia vẫn đang tiếp tục được gìn giữ và tưới tẩm.
Ngoài lễ tẩy tịnh, tăng đoàn còn đến thăm và thiền hành ở thánh tích Borobudur. Nơi đây là chứng tích một thời hoàng kim của đạo Bụt trên mảnh đất Nam Dương. Thầy rất thích Borobudur khi đến viếng thăm nơi này vào năm 2010. Thầy muốn đem đạo Bụt về lại cho người dân bản địa Indonesia. Với tinh thần của đạo Bụt Dấn thân, Thầy cũng muốn xây trường học cho trẻ em nghèo, đồng thời giúp cho người dân ở đây có thêm phương tiện sinh sống khá hơn. Khi Thầy chia sẻ những ý này, con thấy đây cũng là tinh thần của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mà Thầy đã sáng lập. Mỗi buổi sáng tăng đoàn đều leo lên núi ngồi thiền và ngắm mặt trời lên. Ai cũng ý thức từng bước chân, thưởng thức cái đẹp cho Thầy. Năng lượng của tăng thân làm cho sự có mặt của Thầy trở nên sống động, vượt cả ý niệm về không gian và thời gian. Tăng thân vẫn đang tiếp tục bước tới một cách hết lòng trên con đường thực hiện chí nguyện và công việc độ đời mà Thầy đã mở ra.
Ngày 22 tháng 05, tăng đoàn về lại Jakarta và ngày hôm sau, có một buổi pháp thoại công cộng. Ngày 24 tháng 05, các thầy, các sư cô chia thành nhiều nhóm để tổ chức một ngày quán niệm: nhóm thứ nhất dành cho các chuyên gia giáo dục, nhóm thứ hai dành cho các doanh nhân và nhóm thứ ba dành cho cộng đồng Phật tử tại chùa Boddhi Dharma, Kaloran.
Tăng thân là tấm gương soi
Vào tháng Hai, đoàn tiền trạm gồm các sư cô Tân Nghiêm, Doãn Nghiêm, Hoàn Nghiêm, Trăng Phương Nam và con đã đến Indonesia trước để chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp của tăng đoàn. Năm chị em được sắp xếp ở tại trung tâm Bodhidharma. Sống, làm việc và thực tập chung với nhau trong ba tháng là một cơ hội để cho con học hỏi và khám phá nhiều điều về tự thân và về các huynh đệ của mình.
Khi chưa xuất gia, mỗi lần có khóa tu, con thường giúp lo về mặt tổ chức. Quý thầy, quý sư cô chỉ làm công việc giảng dạy, hướng dẫn và thưởng thức Indonesia mà thôi. Vì vậy, khi bắt đầu chuyến hoằng pháp này, con có khuynh hướng đóng vai trò một người tổ chức như trước đây. Rồi con nhận ra bây giờ con không phải là người đóng vai trò tổ chức nữa mà con là một giọt nước trong dòng sông tăng thân.
Một buổi tối, trong lúc đang làm việc, vì cần một số thông tin có liên quan nên con đã không ngần ngại gọi điện thoại để hỏi một anh bạn lâu năm trong tăng thân cư sĩ mà trước đây con thường sinh hoạt. Trong thời khóa sáng hôm sau, trong khi nghe đọc chương “Nói chuyện trên điện thoại” trong sách oai nghi cho người xuất gia, con mới nhận ra là mình đã không có chánh niệm, mình vẫn bị tập khí cũ lôi kéo.
Con bắt đầu thấy sự nguy hiểm khi mình không thực tập oai nghi, nó khiến mình không thể lớn lên và vững chãi trong Pháp và Luật Bụt dạy. Giờ đây con mới hiểu tại sao Thầy thường nhắc nhở chúng con là phải luôn nương tựa tăng thân. Nhìn lại những gì đã đi qua, con cảm thấy vô cùng tri ân sự có mặt của quý sư cô đi cùng con về Indonesia lần này, bởi đó cũng chính là sự có mặt của oai nghi và giới luật. Nhờ hành trì oai nghi giới luật rất miên mật mà sự hiện diện của quý sư cô đem lại rất nhiều lợi lạc cho những người sống thường trú ở trung tâm, kể cả ôn Trụ trì. Một người bạn của con chia sẻ là khi đến Bodhidharma, chị có thể cảm được nơi đây không khí của một tu viện thực sự.
Cho mẹ mượn cây lược chải tóc
Sau khi tăng đoàn rời khỏi Indonesia, con còn khoảng hai tuần để về thăm gia đình, bạn bè và chùa cũ. Đây là lần đầu tiên con về thăm gia đình trong hình tướng của người xuất gia. Trước khi về lại Indonesia, con khá lo lắng. Con không biết mẹ con sẽ phản ứng thế nào bởi vì mẹ đã rất thất vọng và giận dữ khi biết tin con đi xuất gia. Tuy nhiên, sâu thẳm trong lòng, con biết nếu mình có đủ bình an và niềm tin trên con đường mình đã chọn thì mọi việc sẽ ổn thôi.
Có những khoảnh khắc con hơi chạnh lòng khi tưởng tượng ra nhiều cách phản ứng của mẹ khi gặp lại con. Rồi con tự bảo mình đừng quá lo lắng. Con tin rằng dù giận dữ tới mức nào, mẹ cũng có đủ nghị lực để đối diện với thực tế. Và đó là sự thật. Sự lo lắng, sợ hãi của con chỉ là vô cớ.
Khi con vừa bước chân vào nhà, mẹ con đã bỏ chạy lên lầu và khóc. Thế nhưng chỉ một hai phút sau, mẹ đã trở xuống và bắt đầu hỏi con tới tấp. Con rất cảm động, nhưng cố ghìm nước mắt và tỏ ra bình thường, cứ như con vừa mới trở về nhà sau một ngày làm việc để làm cho không khí nhẹ đi.
Một hôm nọ sau khi tắm xong, mẹ không tìm ra được chiếc lược chải tóc. Mẹ quay sang con: “Cho mẹ mượn cái lược chải tóc của con một chút!”. Đây là câu mà mẹ thường nói với con ngày con chưa xuất gia. Con nhìn mẹ rồi trả lời: “Mẹ, con làm gì còn tóc đâu mà có lược”. Mẹ giật mình nhìn lại con và nhận ra điều đó. Con chỉ dám thầm cười nhẹ, vì biết mẹ vẫn còn buồn, vẫn còn nhiều nỗi đau trong lòng.
Dù vậy, trong con có một niềm tri ân vô bờ bến đối với mẹ và cả gia đình huyết thống. Giờ đây gia đình đã có thể mở lòng để yểm trợ cho con đi trên con đường đẹp này. Sự yểm trợ này giúp con tu tập tinh tấn hơn để chuyển hóa khổ đau và chữa lành những thương tích trong con, để con có thể chia sẻ những hoa trái của sự thực tập này với gia đình. Con cũng vô cùng biết ơn gia đình tâm linh đã cho con sức mạnh và có mặt để yểm trợ bất cứ khi nào con cần đến.
Con như được tiếp thêm sức mạnh mỗi khi nhìn vào mắt của những người thân trong gia đình, thấy được nỗi đau, tình thương và niềm hy vọng của mọi người dành cho mình, cũng như khi tiếp xúc với hoài bão phụng sự cho quê hương, tiếp xúc với tình thương của Thầy. Tất cả những điều ấy đã trở thành một nguồn năng lượng giúp con vượt qua những khó khăn để đi tới và tiếp tục nuôi lớn tâm ban đầu của mình.