Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Nhàn

Chân Trời Nội Tâm

Năm nay, mùa làm biếng đến với tôi thật bình an, nhẹ nhàng và sâu lắng. Thích cái thanh nhàn của tu viện, cái không khí trong lành và mát dịu của mùa thu, sự tỉnh táo của thân tâm khi bắt gặp một hình ảnh đẹp.

Mười ngày làm biếng bây giờ đối với tôi, nó không quá dài và không quá ngắn. Năm trước, tôi thấy thật chán khi chờ từng ngày làm biếng trôi qua, phải sống với cảm giác đi vòng quanh, ghé chỗ này chỗ nọ chơi cho hết ngày, hay thỉnh thoảng lại thở dài than: “Sao lâu hết ngày thế”. Dĩ nhiên là lúc đó tôi vẫn có tập khí “làm biếng”. Làm biếng thở, làm biếng đi hay làm biếng chấm dứt những suy nghĩ miên man. Nói như thế không có nghĩa là bây giờ tôi không “làm biếng”, vẫn còn như thường, nhưng ít hơn và biết cách thưởng thức hơn.

Mây trời cẩm tú

Buổi sáng được ngồi thở cho sâu, thở cho khỏe, thở cho an, giây phút đó thật tuyệt vời. Chỉ cần ngồi cho vững chãi thì hơi thở đến với tôi thật tự nhiên và thật bền. Có những sáng trời trở gió, trùm tấm chăn mỏng, đội cái mũ len, ngồi đón chào sự xoay vần của vũ trụ, sự chuyển biến của đất trời, bỗng thấy mình thật giàu có. Đất trời như nằm gọn trong lòng hạt sỏi sáng nay.

Mở mắt ra, nhìn sang phải, thấy sư anh đang ngồi bên cạnh, quay sang trái, thấy sư em đang “nhập định” với những cái gật gù. Hạnh phúc bây giờ chỉ bấy nhiêu thôi.

Hương thầm

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận ra thu qua mùi hương ổi chín:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phảng vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”

Tôi nhận ra thu không phải qua hương ổi chín, tôi thấy thu về qua hương thơm nhẹ nhàng của cây bạch hạc đầu ngõ, qua hương thơm nhẹ nhàng của hàng nguyệt quế hay cái nồng nàn thân quen của hoa sữa. Có nhiều buổi tối, hương hoa sữa chạy thẳng vào phòng, làm tôi phải ngập ngừng dừng lại như một thoáng làm quen. Mỗi lần bắt gặp hương hoa ấy, là như một lần gặp lại đứa em ruột thịt từ muôn kiếp, lạ lẫm mà mừng vui khi nhận ra tri kỷ ở xứ người. Giây phút ấy, dù đang mơ màng buồn ngủ, tôi cũng dành một chút thời gian đi tìm đứa em thương. Quàng một cái khăn, khoác thêm chiếc áo mỏng, thế là đủ cho một cuộc tương phùng.

Ba ngàn thế giới không đầy tấc gang

Buổi sáng, con đường thiền hành thật dài và đẹp, mềm mại, yên bình và tinh khôi. Sương còn vương trên lá, hai bên xanh mướt màu cỏ non, từng bụi hoa dại li ti nở trắng cả vệ đường. Tôi được báo thức một ngày mới bởi tiếng gà rừng gáy le te từng hồi. Hình như nó phát ra phía sau cốc Thầy. Sáng sớm, tiếng gà gáy nghe thật thích, thanh bình quá trong khung cảnh đồng quê. Cốc Thầy đẹp lắm. Ngồi uống trà nơi này mỗi ban mai, ta sẽ thấy từng đàn sóc trắng chuyền cành, từng đàn chim cu gáy đậu trên mái tranh gọi nhau gù gù, hay từng đàn sáo kiếm ăn bên mé đồi, rồi lần lượt bay vút lên trời xanh.

Phía sau cốc là vườn Bụt. Ngày làm biếng, có nhiều thời gian đứng yên trước Bụt, nhìn thật sâu nụ cười hiền lành nơi khuôn mặt điềm nhiên, lòng người cũng lắng xuống. Ai đó đã đặt một bó hoa hồng dưới chân Bụt. Trong lòng thấy thương Bụt nhiều, tôi lại gần đặt bàn tay vào chân Bụt, bàn chân Bụt như mềm ra, thật mịn và thật ấm.

Mấy ngày làm biếng, trong vườn Bụt xuất hiện thêm một ông Bụt nữa, trước đó có bảy, giờ thêm một là tám. Bảy ông Bụt kia được đại chúng an vị cẩn thận, còn ông Bụt này là khách tự do đến đi. Ông Bụt này không thích bị dân chúng chú ý nên ngồi ẩn mình sau một phiến đá cao quá đầu người. Sở dĩ tôi phát hiện ra được vì trong khi tôi đang ngắm những ông Bụt tượng hình từ đá núi, thì ông Bụt này thỉnh thoảng quơ tay lên đuổi muỗi.

Lúc này câu thơ của Sư Ông xuất hiện trong đầu:

“Ngồi đây lắng tiếng chim bay
Ba ngàn thế giới không đầy tấc gang”

Ông Bụt bằng đá đang ngồi cạnh ông Bụt mềm mại, có mặt cho cả hiện tại và tương lai, khoảng cách chỉ vài tấc gang. Một cảnh tượng thật đẹp, nhiệm mầu và hy hữu. Không gian giờ đây hình như không còn cách biệt. Bụt dưới hình tướng nào, dường như chỉ còn là ý niệm. Tất cả là một, hòa quyện vào nhau, tôi chỉ có thể đo được bằng hơi thở mà thôi.

Tình bạn

Mùa làm biếng là thời gian chúng tôi đi tận hưởng vẻ đẹp và sự giàu có của đất trời nhiều nhất. Từng cuộc hẹn, lên lịch, thông báo cho nhau. Nào chơi theo cây xuất gia, chơi theo tri, theo nhóm, theo miền, theo lớp, theo tuổi, theo sở thích… đủ hết cả. Sáng sớm và chiều tối là nhộn nhịp nhất. Mới tờ mờ sáng, phòng nào phòng nấy bật đèn sáng choang. Chuẩn bị nào trà, nào bánh, nước sôi, mỳ gói, bánh mỳ, nấm kho, tương chao, đậu đỗ đủ hết, và hẳn nhiên là cả những câu chuyện tu học để chia sẻ cho nhau nghe. Đồ ăn thức uống đầy ắp cả ba lô để chuẩn bị cho một ngày chơi đầy tình huynh đệ, niềm vui và nuôi dưỡng nhau. Nơi chiếc ba lô đơn sơ ấy, có trái tim đầy lửa nguyện của những người tu trẻ.

Có những sáng thức dậy, tăng xá thật yên, nhìn quanh chỉ lác đác vài anh em ở nhà. Thấy vui trong lòng. Người đi chơi cũng vui mà người ở nhà cũng vui. Tu-chơi dung thông.

Chiều tối là lúc nhà bếp nhộn nhịp hơn ngày thường. Để chuẩn bị chiêu đãi cho ngày hôm sau, những anh chị em đi chơi tha hồ trổ tài nấu nướng. Tiếng cười nói rộn rã, người làm món này, người sửa soạn món kia, mùi xào nấu xèo xèo thơm phức. Bao nhiêu tình thương, đã để vào trong sự cẩn trọng từng công việc, từng động tác.

Về Làng

Mùa làm biếng năm nay, tôi thấy mình như được về Làng thật sự. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi tiếp xúc được với linh hồn của Làng. Trước đó có khi tôi chỉ được nghe, được kể, được nhìn về làm biếng. Nhưng giờ đây tôi cảm thấy tôi đã chạm được phần nào vào linh hồn của Làng, linh hồn của sự thực tập làm biếng đích thực.

Chưa bao giờ tôi thấy chữ Làng lại gần gũi, thân quen và lắng dịu như vậy. Có phải tôi đã được về Làng rồi chăng!

Nhật ký mùa Làm biếng, 2015