Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Người anh cả của rừng cây

Chân Trung Hải

Kính tặng những người anh, người chị của đạo tràng với lòng biết ơn.

Cuối đường thiền hành, có khi đại chúng dừng ở tượng Bụt trắng. Ở đó có cái sân cỏ rộng, là pháp đường chính của pháp hội 2013, khi Sư Ông về Thái Lan lần gần đây nhất. Người hướng dẫn đi tới gần tượng Bụt, chắp tay xá rồi quay lại nhìn đại chúng đang từ từ bước tới. Đại chúng sẽ hiểu ý, cùng hướng về tượng Bụt và chờ cho đến khi mọi người tới nơi thì mới đồng loạt chắp tay xá nhau, rồi xá Bụt để kết thúc buổi thực tập thiền đi. Đó là tượng Bụt đầu tiên, và cũng là tượng Bụt lớn nhất của trung tâm. Tượng được đặt trên một khối đá lớn, vững chãi, uy nghiêm mà không mất đi sự hòa điệu với thiên nhiên hùng vĩ chung quanh.

Nhưng chỉ có cái sân cỏ rộng và một tảng đá lớn thôi thì chắc chắn vị trí ấy đã không được chọn để tôn trí tượng Bụt uy nghiêm ấy. Cái làm cho chỗ ngồi của Bụt uy nghiêm và hùng tráng, cái làm điểm tựa cho tảng đá lớn vững chãi và yên ổn, cái làm cho bãi cỏ mênh mông trở nên ấm cúng và gần gũi ấy chính là một cội cổ thụ cao rộng, to lớn và hùng vĩ, đó là người anh cả của đạo tràng.

Đó là một cây cóc rừng, là cây cổ thụ già nhất, lớn nhất, cao nhất và có tán lá rộng nhất ở đây. Thân cây tới mấy người ôm mới xuể, những cành cây như những cánh tay khổng lồ vươn ra bốn phía, tán lá xanh tươi phủ khắp một vùng rộng lớn. Ngồi dưới tán cây, bốn mùa một năm, tượng Bụt được che mát bởi một cái lọng trời màu xanh to lớn. Cội cây ấy cũng là chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu chim rừng. Trong pháp hội 2013, cội cây ấy cũng là pháp đường cho cả ngàn thính chúng.

Uy hùng là thế, mạnh mẽ là thế, độ lượng là thế. Nhưng người nào nhìn vào thân cây ấy cũng thấy thường trực ở đó những vết thương. Không phải là vài vết xước, thực sự là những vết thương lớn, sâu, chiếm cả một phần ba bề mặt thân cây và kéo dài lên đến nửa ngọn cây. Không những thế, vết thương ấy lây lan từ góc này sang góc kia của gốc cây và từ cành này sang cành khác của thân cây. Nhìn những vết thương lớn đang đục khoét và gặm nhấm thân cây, không ai là không dâng lên một nỗi xót thương. Nhìn qua, người ta sẽ tưởng rằng cội cây này chẳng thể nào sống lâu thêm được, sẽ đổ xuống trong một cơn bão nào đó mà thôi. Vậy mà nó đã ở đó không biết bao nhiêu năm, không khi nào là không xanh tươi và không khi nào rời vết thương của nó.

Một lần, ngồi yên bên tượng Bụt, tựa vào một mảng thân cây cạnh một vết thương lớn, dưới bóng mát của cội cóc rừng ấy, tôi bỗng hiểu ra rằng vết thương ấy, sự sống chung với vết thương ấy, sự chữa trị vết thương ấy, sự sinh ra của các vết thương khác, sự sống chung và chữa trị các vết thương mới ấy chính là sự trưởng thành và sức mạnh đích thực của cội cây. Tôi cúi đầu.

Thân cây tiết ra một thứ nhựa màu nâu đen, cố gắng bọc vết thương lại. Lớp nhựa ấy chính là thân cây lành lặn màu nâu tươi phản chiếu nắng chiều mà ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ. Khi vết thương này chưa lành hẳn thì tại một góc khác của thân cây đã xuất hiện vết thương mới. Sức sống của cội cây lại chiết xuất thứ nhựa nâu kia để bọc lại vết thương, bọc kín, thân cây lại lớn hơn. Ba năm rồi, liên tục, không khi nào thân cây không có vết thương và cũng vì thế, chưa bao giờ thân cây ngừng lớn.

Sức sống mãnh liệt nào trong thân cây đã làm cái việc trị liệu và nuôi dưỡng trường kỳ ấy? Tuệ giác nào dưới cội cây đã làm nơi nương tựa cho sự kiên định, tận tụy và một lòng ấy? Niềm vui nào trong lòng đất đã hàm dưỡng cho những cành lá luôn mơn mởn xanh tươi ấy? Sức sống ấy mới dồi dào và bền bỉ làm sao! Tuệ giác ấy mới hồn hậu và sáng ngời làm sao! Niềm vui sống ấy mới mãnh liệt và tươi nhuận làm sao!

Những tán lá rộng mát, những cành cây hùng vĩ và thân cây uy nghiêm. Nhìn vào ai cũng có thể thấy được. Nhưng nhờ đâu mà thân cây ấy đứng vững? Nhờ đâu mà những cành cây to lớn ấy cứng cáp mạnh mẽ? Nhờ đâu mà muôn triệu chiếc lá trên chiếc lọng trời mênh mông kia luôn xanh tươi? Chẳng phải là nhờ sự chở che đùm bọc của đất trời sao? Cành cây muốn vươn rộng thì phải có không gian. Cội cây này có không gian. Đó là ân che của trời. Cội cây muốn đứng vững thì rễ phải cắm rộng sâu vào lòng đất. Đất mẹ ôm hết không biết bao nhiêu chiếc rễ của nó. Đó là ân chở của đất. Cội cây sở dĩ hùng vĩ và uy nghiêm, sở dĩ vững chãi và kiên định chính là nhờ nhận được đức che hùng vĩ uy nghiêm của trời và ân chở vững chãi kiên định của đất vậy.

Cội cổ thụ kia không ngưng yêu thương và trân quý sự sống, chưa từng chạy trốn và coi thường những vết thương, cứ thế mà sống, tận tụy, hết lòng, có mặt và hiến tặng. Làm được như thế chính là nhờ ân đức chở che của đất trời vậy.

Ngày mai, đi thiền về, bạn tới ngồi bên gốc cóc rừng kia đi, bạn sẽ tiếp nhận được suối nguồn yêu thương bất tuyệt, bạn sẽ tiếp xúc được với sức sống bền bỉ kiên định bất diệt, và bạn sẽ thấy suối nguồn sức sống ấy đang tuôn chảy trong huyết quản mình. Và xin bạn nhớ, rằng không phải hễ là đại thụ thì thôi không còn cần che chở, rằng hễ là đại thụ thì thôi không còn nữa đau thương. Bởi lẽ thường, cội cây càng lớn thì càng cần phải được đức che lớn và ân chở lớn. Bởi chỉ có thể với ân đức ấy, cội cây cả kia mới có thể đón ngọn gió đầu, mới có thể hứng cơn mưa lớn, mới có thể chịu trận bão to cho ngàn cây chung quanh, cho bãi cỏ, cho tượng Bụt trắng bên dưới và cho pháp hội của đạo tràng. Xin đức che ân chở của trời đất tiếp tục và luôn luôn đùm bọc người anh cả ấy của đạo tràng.

Xin cúi đầu bên người anh cả ấy.