Trăng sao vẫn đẹp đêm rằm
Chân Bảo Nguyện
Thầy thương kính của con,
Thấm thoắt đã 50 năm trôi qua! Một nửa đời người với biết bao tang thương, biến đổi, song hành trang và lý tưởng Thầy truyền trao vẫn không hề đổi thay, vẫn luôn cháy bỏng trong tim con. Đó là tình thương và lòng phụng sự tha nhân. Ánh mắt Thầy luôn rực sáng niềm tin và bao dung độ lượng, tấm lòng Thầy luôn chất ngất tình thương. Thầy mãi mãi là ánh đuốc soi đường cho chúng con noi theo tiến bước.
Con vẫn còn giật mình khi nhớ lại tâm trạng bơ vơ, lạc lõng trong một đất nước đang khổ đau cùng cực vì chiến tranh bom đạn. Tuổi trẻ chúng con khi ấy mất cả niềm tin và phương hướng. May thay chúng con tìm đọc được Nói với tuổi hai mươi của Thầy và từ đấy chúng con đã chọn con đường đi cho đến hôm nay. Đó là con đường của tình thương và sự hiểu biết, con đường phụng sự để đem lại bình an hạnh phúc cho tự thân và cho mọi người.
Ngày ấy, lần đầu tiên được tiếp xúc với các anh chị tác viên thuộc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH), con thật vô cùng hạnh phúc. Cả một thế hệ thanh niên thật trong sáng với bao nhiệt huyết đóng góp cho quê hương. Tiêu chí của Trường gồm 3 chữ T thật đẹp: Tình thương, Trách nhiệm và Tự nguyện. Đây chính là hạnh nguyện của những vị Bồ tát suốt đời dấn thân giúp đời vì tình thương lớn. Con đã bị thuyết phục vô điều kiện và đã tâm nguyện rằng, con sẽ đi theo con đường phụng sự của Thầy cho đến trọn đời và mãi mãi về sau.
Bằng thơ ca, Thầy đã thay mọi người nói lên ước vọng của dân tộc, ước vọng hòa bình mà trong hoàn cảnh bi đát của chiến tranh, bao nhiêu người bất lực không thể nói được:
(Hòa bình, tập thơ Cho bồ câu trắng hiện)
Chính niềm ước mơ ấy mà Thầy lên đường bôn ba nơi xứ người để kêu gọi chấm dứt chiến tranh và xây dựng hòa bình cho quê hương. Vì lẽ đó, Thầy bị lưu vong nơi xứ người ngót 40 năm. Thầy đã sống như một tế bào phải tách rời khỏi cơ thể, lẻ loi, cô đơn vì bao nỗi nhớ nhà, nhớ người, nhớ quê nhà tuổi nhỏ thân thương.
Chúng con nơi quê nhà, thỉnh thoảng được truyền cho nhau đọc thư Thầy gửi về gói ghém biết bao nhớ nhung, thương yêu cho quê hương, cho hàng cau, vườn chuối… Thầy nhắc chúng con phải nhớ “rửa mắt” trên những cánh đồng lúa xanh. Lãng mạn và thơ mộng quá! Bài thơ Chỗ đứng của Thầy đã nằm lòng trong ký ức của con:
Các anh chị tác viên đã thay mặt Thầy đi vào những xóm nghèo để chia sớt nỗi cơ cực, lầm than của đồng bào. Chúng con mỗi cuối tuần đều đến thăm Làng Tình Thương ở bên kia cầu Thị Nghè và Làng Thảo Điền qua khỏi cầu Xa Lộ. Chỉ cách thành phố không xa mà cuộc sống người dân nơi đây thật lạc hậu không tưởng: ăn ở mất vệ sinh, đi tiêu tiểu khắp nơi, không có trường học cho con nít học chữ, trẻ em nhỏ đã tập tành người lớn uống rượu, hút thuốc mỗi khi đi giăng câu…
Con vẫn đi dạy học ở Tân Uyên, một vùng quê giáp ranh chiến khu D, vẫn đi thu học bổng cho trường TNPSXH và cuối tuần vẫn về Làng tham gia công tác cùng các anh chị. Chiến tranh bom đạn cứ lan dần tàn phá quê hương mình. Người dân phải đứt ruột rời bỏ xóm làng để tập trung vào những trại tị nạn hoặc những vùng tương đối an ninh hơn. Các tác viên xã hội lại ngày đêm cùng đồng bào xây dựng lại xóm làng, dựng trường, mở lớp, trồng lúa, chăn nuôi…
Rồi tai ương cứ tiếp tục dồn dập xảy đến: Sáu tác viên trong lúc đi thực tập đã bị mất tích, trường TNPSXH bị kẻ lạ vào tấn công lúc ban đêm khiến hai chị Liên, Vui bị tử nạn, chị Hương bị cưa mất một chân và anh Vinh bị bắn vào đầu nên phải nằm liệt một thời gian dài, sau đó được sang Đức điều trị.
Mọi người vẫn không nao núng, vẫn tiếp tục dấn thân, các tác viên vẫn đi vào làng để giúp đồng bào và rồi lại thêm một mất mát lớn: Năm tác viên trong khi đi công tác ở Thủ Đức đã bị bắn chết lúc trời chạng vạng tối, chỉ có một người bị thương nặng song thoát chết trở về mà thôi.
Trước những thảm trạng ngày càng bi đát cho quê hương, người chị cả của dòng tu Tiếp Hiện Nhất Chi Mai đã nguyện đem thân làm đuốc để thắp sáng lương tri mọi người trên thế giới và để kêu gọi hòa bình cho dân tộc.
Tết Mậu Thân với cảnh nhà cháy, chết chóc bất ngờ xảy ra cùng khắp trong thành phố và ngoại ô. Đồng bào quanh vùng Phú Thọ Hòa đều tập trung về khuôn viên chùa Lá và trường TNPSXH để tạm trú. Thầy Thanh Văn khi ấy đang là giám đốc trường và các anh chị tác viên phải đối phó với biết bao bất trắc không lường được khi bỗng nhiên có hàng vài ngàn gia đình đến ở bên cạnh chùa. Giữa bao khó khăn chồng chất thì có tin một sản phụ đang chuyển bụng, các anh chị tác viên phải bất đắc dĩ làm “bà mụ” đỡ đẻ giúp cho người thiếu phụ trẻ được mẹ tròn con vuông ngay trong khuôn viên Trường.
Các vấn nạn như lương thực, thuốc men, nước uống, vệ sinh hàng ngày luôn là gánh nặng mà mọi người phải trăn trở giải quyết. Các cơ quan xã hội của chính quyền vì ngại xa xôi nguy hiểm nên không ai đến cứu trợ. Chỉ có các thân hữu của Trường đi quyên góp và xông pha vượt qua hiểm nguy bom đạn để đem quần áo, thực phẩm, thuốc men đến chùa Lá tiếp tế. Trong công tác này, con đã được anh Hảo, giám đốc trường Anh văn quốc tế đặt cho biệt danh là “nữ hoàng ăn xin” vì tài đi xin hàng cứu trợ ở chợ cho đồng bào.
Nhà con buôn bán sơn dầu ở trước chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10 nên quen biết hầu hết các cô bác buôn bán trong chợ. Do vậy con chỉ vừa khóc vừa kể tình trạng thảm khốc của đồng bào tị nạn là xin được vô số thức ăn như gạo, mì, tương, chao, khoai, đậu… Anh Hảo có xe hơi và tình nguyện cùng con khuân vác lương thực lên xe, chuyên chở, mạo hiểm chạy qua vùng vừa ngưng tiếng súng để đem đến chùa Lá cùng các tác viên TNPSXH phân phát cho đồng bào.
Ngoài ra chúng con còn tham gia vào việc giúp nhân viên Sở Vệ sinh đi chôn xác chết. Trong cơn lửa đạn ngất trời, mạng sống con người như chỉ mành treo chuông nên cái chết đến bất ngờ cho tất cả mọi người. Xác chết vô thừa nhận cứ lăn lóc ngoài đường qua bao ngày không ai chôn cất. Thầy Thanh Văn và chị Chín (sư cô Chân Không) đã mạnh dạn đề xướng việc kêu gọi mọi người giúp Sở Vệ sinh đi thu dọn các xác chết để phòng ngừa bệnh dịch lây lan trong thành phố.
Những đau thương tang tóc rồi cũng qua đi, cuộc sống bình yên dần dần trở lại. Mọi người như tạm quên đi quá khứ buồn đau để hướng về tương lai tươi sáng hơn.
Trong một dịp coi thi Tú tài, con và anh Đức quen nhau, tình yêu chúng con chớm nở từ đây. Con có giới thiệu anh về trường TNPSXH và dẫn anh về thăm Làng (khi ấy con gọi trường TNPSXH là Làng). Anh Đức được ăn cơm chung với thầy Thanh Văn hai lần và có trao đổi khá thân mật với thầy. Có lẽ nhờ nhân duyên này mà khi định cư tại Pháp, anh đã đóng góp thật đắc lực cho Làng Mai mỗi khi có việc cần. Hai chúng con luôn vui sướng kề vai giúp Làng một tay.
Vài năm sau đó, trong một chuyến đi cứu trợ đồng bào tại các trại định cư Biên Hòa, thầy Thanh Văn đã qua đời vì tai nạn xe. Con được một chị bạn làm y tá ở phòng cấp cứu bệnh viện Biên Hòa thuật lại, có một vị sư trẻ bị tai nạn trầm trọng được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Ít lâu sau đó, thầy có tỉnh lại và hỏi thăm các đệ tử đã có ai thay thầy lo việc cứu trợ đồng bào ở trại định cư chưa? Mọi người đều cảm động ứa nước mắt vì tấm lòng của thầy, cho đến khi sắp lìa đời vẫn còn mang những nỗi lo cho tha nhân.
Bên này chúng con buồn lắm và khóc thật nhiều. Chúng con được tin Thầy bên phương trời xa cũng nhập thất cả tháng khi hay tin một biến cố lớn đã xảy ra nơi quê nhà! Quả thật con đường cho lý tưởng từ bi thật đẹp nhưng cũng đầy gian nan, khốc liệt, mất mát!
Thầy Châu Toàn lên thay thầy Thanh Văn tiếp tục công việc. Thầy năng nổ làm việc hết mình cho đồng bào được no cơm ấm áo. Trong dịp mừng lễ Tết cuối năm, thầy Châu Toàn phát biểu mơ ước của thầy khiến con ngồi rưng rưng nước mắt: “Chúng ta sẽ cố gắng làm thế nào để đến cuối năm, đằng trước sân mỗi gia đình là một đống lúa vàng cao ngất ngưởng”. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của quê hương mà thầy vẫn cháy bỏng những ước mơ cao đẹp cho đồng bào như thuở thanh bình thì bảo sao con không khóc cho được! Ngồi phía đằng sau ngôi chùa Lá, nhìn qua những hàng cau xanh là cánh đồng bát ngát một màu vàng của bông lúa chín, con chợt nhớ đến hai câu thơ tuyệt đẹp của Thầy trong bài Đường quê:
Có lẽ vì làm việc quá sức nên trong buổi lễ tổng kết sinh hoạt cuối năm, khi đang trình bày những việc làm của trường cho cử tọa, thầy kiệt sức và xin ra ngoài hội trường nghỉ đôi phút. Sau đó thầy vào đọc hết bản tường trình để rồi gục xuống bàn và vĩnh viễn ra đi.
Chúng con thật ngỡ ngàng đau xót. Thư Thầy gửi về an ủi nhưng chúng con biết Thầy cũng đứt từng khúc ruột: “Nhận được tin dữ, tôi đóng cửa phòng một ngày. Tôi như một gốc cây bị đốn ngã. Tôi đánh điện về an ủi các em nhưng tôi thì không an ủi được. Sao trên đời có những chuyện “lỡ hẹn” đớn đau đến thế, hả em?”.
Trải qua bao cuộc thăng trầm bể dâu, chúng con may mắn được gặp lại Thầy vừa lúc thiền đường Hoa Xương Rồng mới hình thành ngày 03.09.1985, sau này đổi thành thiền đường Hoa Quỳnh và hiện tại là thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Gia đình con và các cháu nhờ vậy có nơi nương tựa như quê hương tâm linh tại Paris, sau quê hương lớn hơn là Làng Mai. Quả thật chúng con có phước báu quá lớn!
Tăng thân Thiền đường Hơi thở nhẹ, Paris
Ròng rã suốt 30 năm qua, chúng con luôn được Thầy thương yêu, nhắc nhở và chỉ dẫn tường tận hành trang sẵn có để thực tập, đó là hơi thở ý thức, bước chân chánh niệm và nụ cười bình an. Pháp môn chánh niệm trong từng giây phút của cuộc sống giúp chúng con nhận biết những điều kiện hạnh phúc đang có để nâng niu trân quý, đã cho chúng con biết bao niềm an lạc, tự do.
Việc xây dựng tăng thân cũng gian nan, lên xuống bao phen nay mới được hình thành tương đối tạm ổn, mặc dù đôi lúc cũng trải qua sóng gió. Chúng con nghĩ đây là những thử thách đo lường nghị lực và kiên nhẫn của chúng con mà thôi, vì Thầy đã trao cho chúng con chiếc đũa thần “Hiểu và Thương” rồi.
Khi Làng Mai kỷ niệm 20 năm, tăng thân Hơi Thở Nhẹ chỉ mới có 3 thành viên Tiếp Hiện. Hiện nay tăng thân chúng con đã có gần 30 thành viên, năng nổ trong tu tập và đóng góp công sức xây dựng tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ.
Con thật sự ngỡ ngàng và hạnh phúc đến lặng người khi nhận được bài kệ truyền trao của Thầy trong buổi lễ trao đèn, vì bài kệ Thầy trao cho con và bài kệ con kính dâng lên Thầy và chư Bụt đã ăn khớp một cách tuyệt vời, mặc dù cho đến khi được quỳ trước mặt Thầy con mới đọc lên:
Bài kệ Thầy truyền trao:
Bài kệ của con kính dâng lên Thầy:
Con xúc động mãnh liệt khi Thầy hướng đôi mắt đầy thương yêu trìu mến và ân cần nhắn nhủ: “Chiếc đèn này là để trao cho cả gia đình chứ không phải cho một mình Chân Bảo Nguyện đâu. Trong kinh có nói đức Bồ tát có rất nhiều cánh tay vươn ra rất dài, và con là cánh tay của Thầy ở Paris. Cánh tay Thầy rất dài, do đó khi nào có việc cần là có con ở đó, không kể đêm ngày, không kể có thì giờ hay không có thì giờ, luôn luôn có mặt cho tăng thân, phụng sự tăng thân. Một cánh tay không đủ, phải có nhiều cánh tay. Thầy trò mình biết thực tập theo bài kệ trên sẽ mang lại nhiều hạnh phúc. Thầy trò ta làm việc rất nhiều và đều không có lương gì cả, nhưng có rất nhiều niềm vui trong khi phụng sự. Đó là pháp lạc có công năng nuôi dưỡng và trị liệu. Con hãy cùng tăng thân thực tập và nuôi dưỡng tình huynh đệ…”
Qua 50 năm âm thầm theo con đường Thầy chỉ dạy, con vẫn luôn tự hỏi: Con có phải là tri kỷ của Thầy chưa? Con đã quá hạnh phúc và may mắn khi được bơi lội trong dòng suối thơm tho, mát trong chứa đầy tuệ giác và từ bi mà Thầy kính thương đã dày công tạo dựng bằng cả một đời dấn thân đầy truân chuyên và bi hùng.
Việc thị hiện bệnh của Thầy cũng đã cho chúng con biết bao bài học để thực tập, để cố gắng. Chúng con chỉ biết cúi đầu đảnh lễ Thầy với tất cả tình thương và kính ngưỡng.
Thầy kính yêu ơi, chúng con thương Thầy nhiều lắm, Thầy có biết không!
Ngày 14.01.2016