Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa
Chân Định Nghiêm
Này em, một lần trong buổi vấn đáp, em đã đặt câu hỏi: “Làm sao có thể an trú được trong hiện tại khi em đang có quá nhiều buồn khổ?”.
Em đã được nghe Thầy dạy cách thực tập dừng lại, đừng rong ruổi về quá khứ hay mơ tưởng đến tương lai, mà hãy trở về với hiện tại. Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, chỉ khi nào thân và tâm an trú trong hiện tại thì mới có thể thật sự tiếp xúc được với sự sống, mới nhận diện và thưởng thức được những mầu nhiệm ngay trong con người mình và xung quanh mình như tuổi trẻ, cặp mắt sáng, như mây trắng, trời xanh… Và chỉ khi nào tiếp xúc được những mầu nhiệm ấy thì ta mới có thể được nuôi dưỡng, chuyển hóa và trị liệu.
Nhưng trong cuộc đời này, đâu phải chỉ có những mầu nhiệm của sự sống không đâu? Còn cái chết của những người thương, bệnh tật và bao nhiêu buồn khổ khác nữa? Em nghi ngờ. Sống ngoài đời khổ gấp trăm gấp ngàn lần sống trong tu viện. Có phải pháp môn này chỉ phù hợp cho giới xuất gia, hay cho những người có nhiều may mắn, có được một nếp sống thoải mái, có thì giờ rảnh rỗi để đi thiền hành mỗi ngày, để ngắm trời, ngắm hoa chăng? Còn em, nhìn lại cuộc sống hằng ngày của mình, em chỉ thấy phiền muộn. Đối với em, trở về với giây phút hiện tại chỉ có nghĩa là trở về với phiền muộn thôi. Là con người, dù sống ở đâu, ngay cả ở trong tu viện, thì cũng có những tâm tư của con người, như phiền muộn, khổ đau… Vì vậy mới phải thực tập để chuyển hóa. Tuy vậy, những phiền muộn trong tu viện chỉ giống như “sóng gió trong một bát canh”, đâu có thấm thía gì với những khổ đau tràn ngập ngoài đời!
Vì vậy tôi đã giữ im lặng và chưa bao giờ trả lời câu hỏi của em. Tôi biết, dù cố gắng trả lời như thế nào đi nữa thì cũng chỉ có thể chạm đến phần lý thuyết mà thôi. Khi chưa đi ngang qua kinh nghiệm sống thì nói gì cũng chỉ là lý thuyết. Và tôi đã đợi mãi đến hôm nay mới dám trả lời câu hỏi của em.
Này em, em có đồng ý rằng một trong những nỗi buồn khổ lớn nhất và sâu đậm nhất là khi mình đang mất, hay sắp mất một người thương không? Tôi đã đi qua nỗi khổ này hai lần trong đời rồi. Lần thứ nhất cách đây 24 năm lúc Ba tôi mất, lúc đó tôi chưa đi tu. Lần thứ hai là cách đây một năm, lúc mọi người tưởng rằng Thầy tôi sắp tịch. Lúc mới biết tin Thầy đang nằm hôn mê sau khi bị xuất huyết não, anh của tôi chỉ biết xuýt xoa trên điện thoại: “Tội sư cô quá! Ba đã mất vì đột quỵ, bây giờ Thầy cũng bị đột quỵ. Sao mà tội sư cô quá! Sư cô lại phải đi qua thêm một lần nữa”. Tôi là người đầu tiên trong gia đình phát hiện ra Ba bị đột quỵ đêm đó. Đứng ngoài hành lang cạnh bác sĩ Moinard trong bệnh viện, tôi cũng là người đầu tiên biết tin Thầy tôi bị xuất huyết não sáng hôm đó. Anh tôi biết cái khổ khi có người thương bị đột quỵ. Anh tôi cũng biết nguyên nhân gì đã đưa tôi đến con đường xuất gia, cũng biết Thầy là người cha tâm linh đã dìu dắt tôi ra khỏi cơn buồn khổ và ra khỏi nếp sống hệ lụy. Thầy có phải chỉ là người cha tâm linh của tôi không đâu? Anh tôi và em út tôi không xuất gia, nhưng đến khi anh tôi lấy vợ và em út tôi xuất giá thì cũng níu áo Thầy, xin Thầy làm lễ Thành hôn cho họ. Các chị của tôi đã lập gia đình hết rồi, nếu không thì chắc cũng vậy.
Một buổi khuya khi vừa thức giấc, tôi nằm yên trong bóng tối, định thần để nhớ lại xem mình đang ở đâu. Khi nhớ ra rằng mình đang ngủ tại khách sạn Bordeaux và Thầy thì đang nằm ở phòng cấp cứu tại bệnh viện, sống chết không biết ra sao, trong khoảnh khắc ấy, cả người tôi tràn ngập một cảm giác buồn tê tái. Đi theo cảm giác này là một năng lượng bệnh hoạn, chết chóc nặc mùi nhà thương mà tôi đã tiếp xúc trong những ngày trước đó. Bàng hoàng trước cảm giác nặng trĩu này, tôi hiểu được tâm trạng của những người tìm cách khỏa lấp những vấn đề khó khăn trong cuộc đời của họ mà tôi đã từng nghe. Sau đó, khi phải đối diện lại với thực tại thì họ không bớt khổ chút nào, trái lại, càng khổ hơn trước rất nhiều. Tôi đã không cố ý chạy trốn, ngược lại, tôi đã trông đợi tin tức mỗi giây mỗi phút vì muốn biết chính xác những gì đang xảy ra cho Thầy tôi. Nhưng trong khi thiếp đi vài giờ đồng hồ, tâm trí tôi không còn ý thức và quên đi những gì đang tiếp diễn, cũng giống như một người đang dùng giấc ngủ để trốn tránh niềm sầu khổ. Giờ đây, với kinh nghiệm bản thân, tôi có thể khẳng định với bạn rằng, chạy trốn giây phút hiện tại không giúp được gì cả.
Năng lượng nặng nề này đã đè chụp lên cả con người tôi, từ đỉnh đầu cho đến gót chân, từ ngoài da đi thật sâu vào tận xương thịt. Nó kéo tôi đi thật xa vào một cái hố to tối hù. Tôi phải ngồi bật dậy, thầm đọc bài kệ trong khi đưa chân vào đôi giày. Bước ra khỏi giường, tôi đi rửa mặt và tiếp tục thực tập thi kệ trong mỗi động tác kế tiếp.
Tình ruột thịt lúc nào cũng thiêng liêng và vượt thoát thời gian, không gian. Dẫu cho sống xa nhau nửa vòng trái đất, hay nói theo cách nôm na là cách biệt nhau giữa hai cõi âm dương, cũng không thể nào phai nhạt được. Bởi vì tình này nằm trong ruột, trong thịt, trong máu và trong mủ của mình. Vậy mới được gọi là tình ruột thịt, máu mủ. Lúc đó tôi tự hỏi: tôi và Thầy tôi đâu phải là ruột thịt mà sao Thầy tôi hôn mê, cảm giác của tôi không khác gì khi chính Ba tôi hay Mẹ tôi hôn mê?
Khi cạo đầu xuất gia, tôi lại được sinh ra một lần nữa để làm em bé trong gia đình tâm linh. Thầy tôi sinh ra tôi, và đóng vai trò làm mẹ cũng như làm cha.
Ở ngoài đời, con cái cần đến cha mẹ khi còn bé. Lớn lên rồi, sống trong xã hội, đi theo quy luật chung thì con cái phải tự lập, phải có một nếp sống riêng và một sự nghiệp riêng. Thầy trò chúng tôi cho đến bây giờ vẫn có cùng một nếp sống chung và một sự nghiệp chung. Là người xuất gia, chắc chắn là tôi phải tiếp tục học và hành suốt đời. Và nếu còn học thì vẫn còn cần đến Thầy. Không những cần Thầy dạy học mà còn cần Thầy soi sáng những lầm lỡ của mình nữa.
Như một người mẹ, Thầy tôi rất quan tâm đến nếp sống vật chất của chúng tôi như cái ăn, cái mặc, chỗ ở, tiền túi… Có một lần đi khóa tu, thấy tôi mặc chiếc áo nhật bình bạc màu, Thầy hỏi sư chị trụ trì xóm tôi một cách rất nhẹ nhàng: “Sao sư chị để cho sư em mặc áo cũ đi ra ngoài vậy?”. Tánh tôi không bao giờ để ý đến chuyện ăn mặc, nhưng vì thương sư chị, từ đó tôi luôn để dành những chiếc áo mới nhất để đi khóa tu và đi ra ngoài.
Mỗi sinh hoạt trong thời khóa thường nhật của chúng tôi từ đầu ngày cho đến cuối ngày đều có liên hệ trực tiếp đến Thầy. Bởi vì Thầy dạy chúng tôi cách bắt đầu một ngày mới với sự thực tập thi kệ lúc thức dậy, cách mang dép, cách đi nhà vệ sinh, vặn vòi nước, đánh răng, rửa mặt, cách ngồi thiền, tụng kinh, lạy Bụt, cách ăn sáng, cách đi, cách làm việc… Trong mỗi sinh hoạt, mỗi động tác, Thầy hướng dẫn chúng tôi cách thức để có thể tự nuôi dưỡng thân tâm và chuyển hóa khổ đau cho chính mình. Thầy chỉ dạy và soi sáng đời sống tu học cá nhân, cho đến cộng đồng. Thầy dạy cách sống hòa hợp trong một cộng đồng mà mỗi người đến từ mỗi quốc gia khác nhau, có văn hóa và tuổi tác khác nhau. Từ những năm đầu, Thầy đã làm mới và chỉ dạy cho chúng tôi cách tổ chức, sinh hoạt trong chúng xuất gia. Chính Thầy đề cử ra Ban chăm sóc, đã dạy chúng tôi vai trò cũng như cách thức làm việc của Ban chăm sóc, rồi của Hội đồng Tỳ kheo, Hội đồng Tỳ kheo ni, cho đến Hội đồng Giáo thọ, và vị Trụ trì. Viết đến đây, tôi còn cảm được năng lượng hớn hở và phấn khởi của các chị em tôi mỗi mùa đông giá lạnh, một tuần ba buổi, vào thiền đường sớm để có được một chỗ ngồi tốt, chuẩn bị để nghe buổi pháp thoại sắp tới. Nghe pháp hoài cũng vẫn muốn nghe thêm. Rồi còn bao nhiêu là những sinh hoạt khác với Thầy nữa!
Này em, chắc em đã hiểu vì sao những gì xảy ra cho Thầy đã ảnh hưởng tôi nhiều như vậy. Tôi có quyền buồn đau khi Thầy tôi bệnh nặng phải không em? Nhưng cái gì đã giúp cho tôi ra khỏi cái hố to tối hù vào buổi khuya hôm đó?
Sau khi thực tập thi kệ một hồi, lòng dịu lại được phần nào, đầu óc tôi sáng suốt hơn để nhớ rằng Thầy đang có mặt khắp mọi nơi, trong tăng thân xuất sĩ cũng như cư sĩ, trong tất cả những ai đang thực tập hơi thở chánh niệm, những ai đang bước những bước thiền hành trên quả địa cầu này, và nhất là trong chính tôi. Tôi cũng đã từng thực tập tiếp xúc với Ba tôi trong bàn tay tôi lúc Ba tôi mới mất. Nhưng lần này, có lẽ nhờ được nhắc nhở thường xuyên trong đời sống tu tập hằng ngày trong suốt 22 năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy hiệu lực thần kỳ của cách nhìn sự vật dưới ánh sáng của tương tức. Nhận thức này đã kéo tôi ra khỏi hầm hố của sự đau buồn, hố càng sâu thì tôi được thoát ra càng mạnh. Đúng như những gì em cũng đã từng được nghe, chỉ có tuệ giác mới giúp mình vượt thoát khổ đau. Và nếu mình chưa có tuệ giác, mình cũng có thể nương theo tuệ giác mà mình đã được học thì cũng đỡ khổ rồi, phải không em?
Khi nhớ rằng Thầy tôi đang tiếp tục sống mạnh khỏe dưới hình tướng của tôi, bỗng nhiên một sức mạnh chưa từng có dâng lên trong lòng, phát khởi thành một lời nguyện. Lời nguyện này còn mạnh mẽ gấp nhiều lần so với lúc tôi phát nguyện xuất gia, lúc thọ giới lớn và cả lúc nhận truyền đăng từ Thầy. Tôi ngạc nhiên vô cùng! Tôi đã từng đi qua trạng thái thương nhớ, chán nản, không còn một chút năng lượng để làm gì khi sầu khổ. Giờ đây, chỉ cần thấy tôi là sự tiếp nối của Người thì tôi lại tràn đầy năng lượng và niềm ước vọng. Trước mặt tôi có bao nhiêu điều tôi muốn làm để tiếp tục sự nghiệp của Người. Chính cái nhìn này đã làm cho niềm khổ đau trong tôi thoát hình thành một nguồn năng lượng dũng mãnh để tạo ra lời phát nguyện đó. Càng khổ thì lời phát nguyện càng dũng mãnh. Tôi đã chứng kiến nét mặt và ánh mắt của Thầy chuyển từ trạng thái xuất huyết não qua đến trạng thái hôn mê, ruột gan tôi vẫn còn thắt lại khi viết đến đây. Tôi cảm thấy thấm thía những gì tôi đã được học về Lợi lạc của khổ đau (the goodness of suffering). Nếu em lấy khổ đau làm phân bón, từ bùn, em sẽ gặt hái được những đóa sen xinh tươi và thơm ngát nhất.
Này em, đây là lần đầu tiên tôi dám trả lời câu hỏi của em. Tôi không biết tôi có giúp được gì cho em không, nhưng ít nhất, tôi không nói lý thuyết suông. Và tôi cảm được rằng Thầy tôi cũng như Ba tôi đang mỉm cười, hài lòng về tôi lắm.