Người xuất sĩ bình dị
Áo nâu, nón lá và guốc mộc
Tháng 6 năm 1994, khi đặt chân đến xóm Thượng, chùa Pháp Vân, Làng Mai, Pháp, hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi là được tiếp xúc với Sư Ông trong chiếc áo tràng nâu cũ giản dị, phai phai màu. Và tôi càng ấn tượng hơn khi thấy Sư Ông đi đôi guốc, không phải guốc mộc mà guốc màu đen, quai nâu, một sản phẩm được sản xuất từ Hà Lan hay Đan Mạch. Tôi hơi tò mò rồi tìm hiểu nơi quý thầy tại sao ở đây Sư Ông và quý thầy đa số đều đi guốc. Sau đó, tôi được biết là mặc áo tràng, nhật bình nâu và đi guốc mộc là hình ảnh của một ông thầy tu truyền thống. Ở Việt Nam, ngày xưa các thầy đều đi guốc mộc trong tu viện. Tôi rất ấn tượng và hạnh phúc vì biết mình sẽ được mặc chiếc áo nâu và đi guốc mộc sau khi được xuất gia.
Khoảng tầm năm 1998 – 1999, Sư Ông đã cho đặt mua guốc mộc từ Việt Nam sang để cho các thầy, các sư cô mang. Ở Làng vào các khóa tu mùa Hè, Sư Ông và tăng thân vẫn đắp y ăn cơm quá đường. Mỗi thầy, sư chú, sư cô đều được phát cho một đôi guốc mộc làm bằng loại gỗ cây thị hoặc gỗ cây sầu đông và quai nhựa trong suốt. Thú thật, các thầy, các sư cô, nhất là các vị xuất gia người phương Tây khi thấy guốc mộc đó là nhăn mặt, không thích mang. Mang vào rất khó đi và trông nó yểu điệu thế nào ấy. Nhưng dù không thích cũng phải mang, ít nhất là vào những buổi ăn cơm quá đường. Tôi nhớ trong tu viện có sư anh cả Giác Thanh, nhất quyết không mang. Nhưng vì thương kính Sư Ông nên cuối cùng thầy cũng mang.
Sau đó không lâu, Sư Ông dạy lược phần đắp y khi ăn cơm quá đường. Mặc chiếc áo tràng nâu, đi guốc mộc, mang nón lá là đẹp lắm rồi và cũng rất trang nghiêm. Một trong những lý do mà càng về sau Sư Ông càng lược bớt những yếu tố lễ nghi là vì thiền sinh đến tu học càng ngày càng đông. Và để cho họ không cảm thấy quá đầy bởi các lễ nghi do đa phần họ đến từ các truyền thống khác như Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo,… Một số người có thể sẽ bị dị ứng với những yếu tố tôn giáo khiến họ không có cơ hội tiếp xúc được với nguồn tuệ giác thâm sâu của đạo Bụt. Đó cũng là lý do mà Làng Mai không xây chùa có mái cong theo kiểu truyền thống, không thờ tự theo kiểu truyền thống mà chỉ tạo dựng tu viện theo mô hình một ngôi Làng (Village), một cộng đồng sống hài hòa với thiên nhiên.
Cũng từ năm đó, tăng thân bắt đầu mặc áo tràng nâu, đi guốc mộc, mang nón lá trong các buổi ăn cơm quá đường. Sau này vì đi lại khó khăn, nhất là đối với các thầy, đặc biệt các thầy, sư chú người phương Tây nên guốc mộc kiểu Việt Nam đã bị mai một, nhưng tăng thân vẫn đi loại guốc Hà Lan hay Đan Mạch. Qua thời gian, áo tràng hay nhật bình nâu và chiếc nón lá đã trở thành biểu tượng và trang phục của văn hóa xuất sĩ Làng Mai. Thiền sinh khắp nơi trên thế giới khi nhìn thấy một vị xuất sĩ trong chiếc áo tràng nâu và nón lá thì họ nhận diện ra được ngay đó là quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Ở Làng Mai, các thầy và các sư cô được phép sử dụng ba màu cho y phục: màu vàng cháy là màu y (sanghati), màu nâu và màu lam. Năm 2018, trước khi Sư Ông về lại Việt Nam, trong một buổi họp mặt giáo thọ châu Á tại Làng Mai Thái Lan, chúng tôi bàn về chuyện y phục và đặt vấn đề có nên dừng sử dụng màu lam không. Đang lúc có nhiều ý trái chiều thì Sư Ông đến, chúng tôi trình lên sự việc và xin Sư Ông chỉ dạy. Sư Ông lập tức chỉ tay vào màu nâu. Thế là từ đó, ở Thái Lan các thầy, các sư chú, sư cô chỉ dùng màu nâu cho y phục.
Gìn giữ văn hóa
Tôi nhớ có lần Sư Ông rầy la hai thầy khách Việt Nam đến tham dự khóa tu dành cho người xuất gia tại tu viện Kim Sơn, California, Mỹ. Đó là vào năm 2001. Hai thầy khách đã đến tham dự khóa tu trong trang phục áo tu của truyền thống Đài Loan. Tất nhiên là áo tu và giày dép theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc. Nhìn từ trên xuống dưới không tìm đâu ra dấu vết của nét văn hóa y phục của người xuất gia Việt Nam. Sư Ông đang đi dạo, thấy hai thầy ăn mặc như thế, Sư Ông gọi lại và nghiêm dạy. Tôi nhớ từng câu rõ mồn một:
-“Quý thầy làm cái gì vậy? Tại sao quý thầy lại ăn mặc cái kiểu như thế? Dân tộc mình đã bị đô hộ một ngàn năm chưa đủ sao? Quý thầy muốn làm nô lệ tiếp nữa hay sao? Tại sao quý thầy không biết tự hào mặc chiếc áo tràng nâu thuần Việt, không mặc những bộ vạt hò thuần Việt mà lại đi mặc mấy bộ y phục như thế? Quý thầy là những người đi tiên phong trong trách nhiệm gìn giữ văn hóa. Nếu quý thầy không làm, không gìn giữ thì làm sao mà khích lệ người dân gìn giữ được?”.
Hai thầy nghe Sư Ông rầy một trận thất kinh, choáng váng. Lời nhắc nhở ấy như tiếng hét của một vị thiền sư nhằm thức tỉnh thế hệ xuất gia trẻ đang chạy theo xu hướng mất gốc, đang hướng ngoại mà quên rằng mình là người xuất gia Việt Nam, mình có truyền thống, bản sắc văn hóa xuất sĩ của mình. Sư Ông là người thầy đặc biệt tôn trọng và quan tâm đến vấn đề văn hóa, thấy các thế hệ xuất gia trẻ hướng ngoại, Sư Ông không ngần ngại nhắc nhở để họ biết tự hào khi mặc y áo truyền thống xuất sĩ Phật giáo Việt Nam. Đó là màu nâu sồng giản dị mà bao thế hệ thầy tổ đã mặc và giữ gìn. Người xuất gia phải là người luôn đi tiên phong trong trách nhiệm gìn giữ văn hóa, đặc biệt là trong nếp sống và công việc hành đạo của mình!
Trong những chuyến hoằng pháp tại Trung Quốc năm 1999, 2001, 2002, Sư Ông và tăng thân được tiếp đón tới các tu viện, chùa chiền để diễn thuyết, pháp thoại, hay hướng dẫn khóa tu… Sư Ông luôn xuất hiện trong chiếc áo tràng nâu, đôi guốc mộc và chiếc nón lá. Hiếm khi Sư Ông đắp y trong các buổi lễ cung nghênh, tiếp đón. Phật giáo Trung Quốc đa phần rất nặng về lễ nghi long trọng. Và có vẻ như trước cái hình thức lễ nghi long trọng như thế, Sư Ông có dụng ý muốn giới thiệu cho họ thấy lại cái đơn giản, mộc mạc của một người xuất sĩ, phong thái của một thiền giả, vốn là nét đặc thù trong nhà thiền mà họ đã từng biết đến từ các bậc thiền sư trong truyền thống thiền của họ. Trong những sự kiện như vậy, có hai màu tương phản rõ ràng: hình thức trang nghiêm long trọng của y giáo phục rực rỡ màu vàng, đỏ (một số chư tăng ở Trung Quốc đắp y màu đỏ, áo hậu màu vàng, thường phục màu lam) và sự giản dị, mộc mạc, chân chất của màu nâu từ tăng thân Làng Mai. Người Trung Hoa luôn tự hào họ là người anh cả, Phật giáo ở Việt Nam là du nhập từ Trung Hoa. Nhưng theo sử sách thì không hẳn như vậy. Qua tác phẩm Thiền sư Khương Tăng Hội, chúng ta thấy có thể Phật giáo ở Trung Hoa do ngài Khương Tăng Hội truyền qua vào cuối thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ thứ III. Qua thời gian, cũng ít thấy có vị tăng nào tiếp tục công việc hoằng pháp qua Trung Hoa từ Việt Nam. Mãi đến thế kỷ 20 – 21 mới có Thiền sư Thích Nhất Hạnh sang Trung Hoa hoằng pháp trong chiếc nón lá và áo tràng nâu giản dị của một tu sĩ Việt Nam.
Các thầy, các sư cô, sư chú thuộc tăng thân Làng Mai chỉ mặc y phục như áo vạt hò, áo nhật bình, áo tràng thuần truyền thống Phật giáo Việt Nam mà không mặc những mẫu y phục kiểu các sư tăng Trung Quốc hay Đài Loan. Như các kiểu áo cổ La hán hay áo tràng có sợi dây thòng xuống bên hông phải và có những đường chỉ chạy sít nhau ở cổ áo. Nói tới đây tôi nhớ năm 2008, tôi rời tu viện Bát Nhã ra Hà Nội gấp để làm một số việc, nghĩ là đi một hai hôm rồi vào lại nên không mang theo đồ đạc gì nhiều, chỉ mang trên mình một chiếc áo tràng. Ở Hà Nội, tôi bị mất giấy tờ, không đi đâu được và cuối cùng phải rời Việt Nam. Trước khi đi, tôi ghé mua một cái áo tràng ở tiệm bán y áo gần chùa Quán Sứ, nhưng ở đó họ chỉ bán áo tràng của người xuất sĩ kiểu Trung Quốc. Tôi đã mua một cái để mặc. Về tới xóm Thượng, Pháp, tôi mặc cái áo tràng đó vào hầu Sư Ông tại thất Ngồi Yên. Sư cô Định Nghiêm thấy tôi mặc cái áo đó bèn la lên:“A! Thầy Pháp Niệm mặc áo sư Tàu”. Sư Ông nhìn với ánh nhìn “thông điệp”, và tôi hiểu rằng Sư Ông không muốn tôi mặc cái áo đó. Thời đó, để có một chiếc áo tràng hay nhật bình nâu tại Làng Mai là khá hiếm và tôi biết tôi cần tạm sử dụng chiếc áo tràng này. Thế là sau khi về phòng, tôi đã cắt bỏ hết các sợi chỉ trên cổ áo và hai sợi dây lòng thòng đó đi. Thế là ổn.
“Phật tánh không phân chia Nam Bắc” nhưng mỗi dân tộc đều có văn hóa Phật giáo thấm nhuần những nét văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc đó. Văn hóa thì rất đa dạng và phong phú. Người ta nói rằng văn hóa còn thì đất nước còn. Điều này luôn đúng ở mọi thời đại. Theo Sư Ông Làng Mai, người xuất gia là những người luôn tiên phong cho việc gìn giữ văn hóa. Văn hóa chúng ta đang nói đến ở đây là văn hóa y phục của người xuất sĩ trong truyền thống đạo Bụt Việt Nam. Là người tiên phong trong công cuộc làm mới đạo Bụt, để cho đạo Bụt thích ứng được với những nhu cầu của thời đại, nhưng Sư Ông Làng Mai đồng thời cũng là một người có thể nói là vô cùng bảo thủ, nhất là trong việc khôi phục và giữ gìn những giá trị hay, đẹp của truyền thống dù với những chi tiết rất nhỏ như đôi guốc mộc, chiếc nón lá và y phục màu nâu: áo tràng, nhật bình và vạt hò.
Hình ảnh ông thầy tu Việt Nam trong chiếc áo tràng hay nhật bình nâu và chiếc nón lá đã trở nên một hình ảnh thân quen đối với cộng đồng quốc tế, cũng giống như hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam trong chiếc áo dài và nón lá bài thơ. Người phương Tây khi thấy một ông thầy tu mang áo tràng nâu và đội nón lá thì biết ngay đó là ông thầy tu truyền thống Việt Nam. Mỗi dân tộc, truyền thống Phật giáo đều có y phục đặc trưng của họ, nhìn vào họ là biết họ thuộc dân tộc nào, truyền thống Phật giáo nào.
Chân chất màu thiền
Áo tràng nâu, đôi guốc mộc và chiếc nón lá không chỉ là vấn đề văn hóa trang phục mà nó còn nói lên tinh thần giản dị, chân chất và thanh thoát của một ông thầy tu. Ngày xưa, các ngài đều chỉ mặc áo tràng nâu, đi guốc mộc và đội nón lá. Sư Cố Thanh Quý cũng thường hay chống gậy, đội nón lá đi chơi khắp vườn chùa hoặc khi xuống đường tham gia cuộc vận động bất bạo động năm 1963. Hình ảnh đó trong lòng Phật giáo, nhất là Phật giáo miền Trung, đã trở thành bất diệt. Là một cảm hứng để thế hệ sau noi theo mà tập sống một đời sống giản dị, chân chất và thanh thoát của một người tu. Hình ảnh này hiện nay vẫn còn được một số các vị xuất sĩ gìn giữ, còn phần nhiều đã mai một đi. Màu y áo của chư tăng bây giờ đã biến dạng khá nhiều, cái màu đất nâu, giản dị, chân chất, thanh thoát của Nâu sồng từ trở màu thiền đang dần bị thay thế. Tôi luôn cảm thấy ấm áp và biết ơn khi nhìn thấy những vị vẫn còn giữ được nét “sồng” tâm linh ấy.
Tôi luôn cảm thấy ấn tượng mỗi khi nhìn thấy bóng dáng người xuất sĩ, dù họ xuất hiện một mình hay với một đoàn thể có khi lên tới hàng trăm người. Họ đi từng bước thong dong trên các đường phố náo nhiệt, đông người để hóa duyên, khất thực, độ người, giúp đời như ở thành phố New York, London, Los Angeles, Hà Nội hay Sài Gòn… Ấn tượng trong tôi thật sâu đậm khi tận hưởng những giây phút cùng Sư Ông và tăng thân đi trên các vùng cao nguyên núi đồi của tu viện, đặc biệt trong các buổi ăn cơm quá đường. Tôi biết dù Sư Ông và tăng thân xuất hiện ở đâu, hình ảnh áo nâu và nón lá trong bước đi thong dong, thầm lặng, tĩnh tại luôn gây ấn tượng mạnh trong lòng người và tạo cảm hứng cho tất cả nhớ quay về với nếp sống giản dị, tri túc và thảnh thơi.