Huyền thoại một chuyến đi
Thầy Chân Pháp Nguyện
Ngày được thông tin về tình hình sức khỏe của Thầy đang trên đà xuống dốc, anh em tôi tranh thủ sắp xếp công việc để về có mặt bên Thầy.
Chuyến bay hồi hương
Tất cả các chuyến bay dân sự và thương mại quốc tế không được phép hoạt động trong thời gian đại dịch Covid-19, nên bốn anh em tôi từ tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan được Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok sắp xếp cho đi chuyến bay ‘hồi hương’ giải cứu đồng bào Việt Nam đang bị kẹt tại Thái Lan. Chúng tôi được thông báo chuyến bay sẽ hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất và sau đó sẽ được xe chuyển về cách ly tại trại quân đội ở Cần Thơ.
Tại cổng bay, nhân viên hàng không phát cho mỗi hành khách một bộ dụng cụ phòng chống dịch Covid-19. Họ bảo: “Quý thầy mặc đồ này vào trước khi lên máy bay”. Tôi mở bao dụng cụ ra thì thấy trong đó gồm có: một bộ đồ phòng chống dịch màu xanh, một cái khẩu trang, một đôi găng tay và một cặp mắt kính bảo hộ. Tôi nhìn quanh thì thấy ai cũng tháo ra mặc vào. Thấy thế anh em tôi cũng làm theo. Mặc bộ đồ này cho tôi một cảm giác như là một phi hành gia và tôi đang chuẩn bị đi qua một hành tinh khác. Tiếp theo đó là những cảm giác nóng nực, khó chịu, v.v… Nghĩ đến những người phi hành gia phải mặc những bộ đồ còn cồng kềnh khủng khiếp hơn, thì tự nhiên bao nhiêu nóng nực, khó chịu trở nên lắng dịu.
Chuyến bay VN 604 của hãng hàng không Vietnam Airlines bắt đầu khởi hành từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) vào lúc 12:20 chiều, ngày 01 tháng 10 năm 2020. Chuyến bay gồm có 290 hành khách và tất cả đều mặc đồ đồng phục màu xanh bao phủ từ đầu cho đến chân, kể cả cặp mắt và cái miệng. Những người tiếp viên hàng không cũng không ngoại lệ. Không ai nói chuyện với ai. Tất cả đều chìm trong im lặng. Tôi thầm nghĩ đây là chuyến bay đầu tiên thực tập im lặng hùng tráng tuyệt đỉnh. Đúng 2 giờ 5 phút chiều, máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất.
Chuyến xe ân tình
Xuống tới lầu dưới, có một vài người vì quá nóng nên đã tháo bộ đồ phòng chống dịch ra. Thấy thế một anh nhân viên tiến tới nhắc nhở mọi người không được cởi đồ và khẩu trang ra cho đến khi về tới trại cách ly. Nhìn ra, tôi thấy sáu chiếc xe buýt lớn đang chờ sẵn ở phía ngoài cửa hông của phi trường quốc nội. Có một anh hài hước nói rằng: “Ôi! Có một chiếc xe buýt nhìn giống như xe buýt ‘Bến Thành – Chợ Lớn’ của thập niên 70”. Chúng tôi xếp hàng từng nhóm lên xe buýt. Tới phiên anh em chúng tôi là đúng chiếc xe buýt ‘Bến Thành – Chợ Lớn’. Anh em tôi cười ríu rít! Tôi vui miệng nói đùa: “Đây là duyên của mình”. Đặc điểm của chiếc xe buýt này là không có máy lạnh và tất cả các cửa sổ đều được đóng lại và dán kín băng keo. Tôi thầm nghĩ bụng: “Nếu có một con Covid-19 nào trên xe thì cũng đừng mong mà tẩu thoát”. Tôi hỏi chú tài xế từ đây về trại cách ly ở Cần Thơ khoảng bao lâu. Chú bảo: “Mình về Đồng Nai”. Lúc này tôi mới biết Đồng Nai là nơi mà chúng tôi sẽ được cách ly.
Trước đoàn xe buýt là một chiếc xe gíp do hai chú cảnh sát giao thông dẫn đường và phía hông là một chiếc xe mô tô do hai chú cảnh sát giao thông khác thổi kèn hộ tống. Đoàn xe vừa chạy vừa thổi kèn báo động, nên xe nào cũng phải tránh ra. Không khí tưng bừng nhộn nhịp như đưa đón tổng thống! Có một người hành khách bảo rằng: “Le quá! Mình được hộ tống như tổng thống Obama”. Một người khác nghe vậy rồi hài hước đáp rằng: “Không đâu, hộ tống Covid đó!”. Tôi ngồi im lặng mà thầm biết ơn chú tài xế và chiếc xe buýt rất nhiều. Chú tài xế lái xe rất chuyên nghiệp với nhiều bình an. Tôi nghĩ việc lái xe thì không khó, nhưng để làm một người tài xế bình an đưa những người có khả năng bị nhiễm Covid-19 đòi hỏi tình thương và sự can đảm. Một công việc ít ai muốn làm vì nó mang nhiều mạo hiểm. Trong khi đó thì chiếc xe buýt tuy trông rất cũ kỹ nhưng lại rất chung tình. Tôi thầm niệm đây là chiếc xe ân tình chứa đầy tình thương đưa người về chốn bình an, trong đó có sự giãn cách bất an và lo lắng.
Tình người trong trại cách ly
Chúng tôi may mắn được xếp ở chung với nhau cùng tám người khác. Trong đó có ba thầy từ truyền thống khác và năm người cư sĩ nam. Trại cách ly được chia ra thành hai khu vực, một bên nam một bên nữ. Mỗi phòng có khoảng từ 10 đến 12 người ở chung. Đây là Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân VI, nên hạ tầng cơ sở được thiết kế theo kiểu quân đội. Trại gồm có bốn tòa nhà tập thể thiết kế theo mô hình chữ nhật, ở giữa là sân thể thao. Phòng ốc thì đơn giản chỉ có giường tầng, nhà vệ sinh tập thể, còn phần ăn uống thì có cơm hộp được đặt ở ngoài đưa vào mỗi ngày ba buổi.
Hiện tại, miền Trung đang bị bão lụt, nên thời tiết ở Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng. Phần nhiều là ngày nào cũng mưa. Để sống sót được 14 ngày cách ly mà không bị trầm cảm thì phải có một biện pháp nuôi dưỡng chung. Nếu không thì suốt ngày chỉ biết nằm ngồi trên giường. Để cho căn phòng được ấm cúng hơn, anh em tôi quyết định sắp xếp lại căn phòng. Chúng tôi dời vài cái giường tầng lại gần với nhau để tạo thêm không gian ở khoảng giữa làm nơi ngồi chơi uống trà. May mắn cho chúng tôi là trại cách ly không xa ni xá Trạm Tịch, nên quý sư cô đã thương tình gửi vào cho một chiếc chiếu, năm cái tọa cụ, vài cây nến và một cây đàn ghi- ta. Phía sau nhà có một cái hàng rào với nhiều hoa dại mọc xen lẫn với nhau, thầy Pháp Niệm nhẹ tay hái một bó đem vào cắm trong bình nước và đặt giữa phòng trà. Thế là chúng tôi có được một phòng trà dã chiến ấm cúng hạnh phúc. Đây không chỉ đơn thuần là một phòng trà mà còn là thiền đường, phòng ăn và chỗ giao lưu kết nối nuôi dưỡng anh em tôi trong thời gian ở đây.
Sau khi vào trại cách ly, chúng tôi mới biết các em thanh niên mà chúng tôi nhìn thấy ở phi trường Bangkok sáng nay là các em đi làm bất hợp pháp ở Thái Lan, nên đã bị giam giữ trong thời gian dịch bệnh. Tổng cộng có hơn 70 em được phép hồi hương kỳ này. Chúng tôi có cơ hội ngồi chơi và trò chuyện cùng các em. Có những em hoàn cảnh gia đình rất đáng thương, phần lớn từ Quảng Bình và Thanh Hóa. Vì kinh tế gia đình nên buộc phải đi qua Thái Lan kiếm sống. Có một em trai chia sẻ: “Ở Quảng Bình không có việc làm, nếu cứ ngồi không thì chết đói cả nhà, nên con qua Thái Lan tìm việc làm để giúp gia đình. Một tháng nếu con gói ghém, không xài, ít nhất con có thể dành dụm gửi về phụ giúp gia đình từ 7 đến 10 triệu đồng”. Tôi hỏi: “Em làm công việc gì ở Thái Lan?”. Em đáp: “Dạ, con giúp việc ở nhà hàng”. Phần lớn các em đến từ gia đình nghèo, ít học, nên công việc chỉ là lao động chân tay. Có em làm thợ hồ, có em phụ vựa rau, nhà hàng, hay bán hàng rong. Một em trai khác chia sẻ: “Cách ly ở đây quá sướng. Ở đây được cho ăn một ngày ba bữa đàng hoàng và có giường ngủ riêng”. Nghe những mảnh đời gian nan vất vả của các em, tôi cảm thấy chạnh lòng thương xót.
Ngày nào chúng tôi cũng có cơ hội uống trà và ăn cơm chung với nhau ba buổi. Cứ vài hôm thì quý sư cô gửi thức ăn vô tiếp tế, nhờ thế mà chúng tôi có cơ hội san sẻ với các em. Một hộp mì gói hay một vài trái quýt, có lẽ không đáng giá là bao nhưng nó chứa đựng tình người. Có một em quê ở Sóc Trăng nói: “Đây là lần đầu tiên con được ở chung phòng với quý thầy. Con thấy năng lượng rất khác. Thật là một phước đức lớn cho con”. Trước khi rời trại, em cúng dường một chút tịnh tài để tiếp tục gieo duyên với quý thầy. Tôi cảm được lòng quý kính Tam bảo và âm thầm hồi hướng công đức cho em.
Mỗi ngày trong trại tôi tự nuôi mình bằng những pháp môn căn bản như thiền tọa, thiền hành, uống trà, tập thể dục, v.v. Tôi không xem đó là thời khóa mà thấy nó là lẽ sống rất tự nhiên, là thức ăn nuôi dưỡng hàng ngày không thể thiếu. Tuy không gian trong trại nhỏ bé, nhưng tôi cảm thấy đủ thoải mái và hạnh phúc. Tôi tự nhắc mình hai tuần cách ly này là món quà vô giá để nghỉ ngơi. Nhờ thế mà tôi tìm được niềm vui, lấy được sự quân bình, và thấy được nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.
Về bên Thầy
Trước cửa thất Lắng Nghe có để vài chai khử trùng, một hộp khẩu trang y tế, và một hộp bao giầy. Vào thời điểm này, đó là quy định trước khi vào thất, mọi người phải khử trùng và mang khẩu trang. Tôi thở ba hơi dài trước khi bước vào thất. Cảnh tượng và không khí trong thất rất thân thương và sống động như ngày nào. Nó cho tôi một cảm giác quen thuộc lạ thường. Tôi rất hạnh phúc vì Thầy vẫn còn đó. Tôi im lặng bước đến, nắm lấy tay Thầy rồi ngồi yên thưởng thức sự hiện hữu của nhau.
Lần sau tôi trở lại thăm Thầy vào buổi tối. Tôi bước đến xá Thầy, rồi nhấc cái ghế ngồi bên tay trái Thầy, vì Thầy thuận nhìn bên trái. Tôi chắp tay nhìn Thầy, thưa: “Thưa Thầy! Con là Pháp Nguyện. Con đã tới và con đã về bên Thầy đây!”. Tôi quan sát và thấy rằng tuy Thầy yếu nhưng vẫn tỉnh táo, đặc biệt là đôi mắt rất trong. Sau thời gian ngồi thở trong im lặng với Thầy vài phút, tôi nắm lấy tay Thầy rồi bắt đầu chia sẻ: “Thưa Thầy! Chúng con rất biết ơn sự hiện hữu của Thầy. Hôm nay là ngày 11 tháng 11, đúng sáu năm từ khi Thầy bị đột quỵ. Trong sáu năm qua, Thầy đã từ bi thị hiện để tiếp tục làm chỗ nương tựa tinh thần cho chúng con. Thầy đã cho chúng con rất nhiều thời gian cũng như không gian để trưởng thành, để lớn lên ,và để củng cố sự tu học. Nhờ vào lòng từ bi và đức độ của Thầy, tăng thân của mình bây giờ khá vững mạnh, tứ chúng tu học hết lòng. Con biết lúc nào Thầy cũng thong dong tự tại. Việc cần làm đã làm. Chúng con nguyện đặt hết tâm sức để tiếp tục sự nghiệp của Thầy. Xin Thầy hãy yên lòng!”. Trong khi trò chuyện với Thầy, tôi cảm được hơi ấm từ bàn tay của Thầy như một nguồn năng lượng dâng trào. Thầy nhìn tôi chăm chú với khuôn mặt đầy sức sống và thấm nhuần lòng từ bi như đang gửi gắm một niềm tin trọn vẹn.
Nhờ Bụt Tổ gia hộ, sức khỏe của Thầy trở nên khá hơn mỗi ngày. Đến lúc này thì tay và chân trái của Thầy đã cử động được khá nhiều mà Thầy thường dùng để biểu lộ cảm giác. Bên cạnh đó, Thầy cũng dùng cặp mắt tinh anh để truyền đạt ý nghĩ của Thầy. Hơn ba tháng qua, có thể nói Thầy đã đủ khỏe để lấy lại chủ quyền của một vị thiền sư. Vì thế, trong mấy ngày này các anh chị em thị giả cũng phải cẩn thận lắm. Nếu không thì sẽ bị “quất một gậy”. Cây gậy của Thầy rất từ bi, nhưng rất hữu hiệu, đó chính là đôi mắt. Chỉ cần nhìn anh em thị giả chúng tôi một cái thôi thì cũng đủ làm cho chúng tôi “hú hồn”.
Chuyến về Việt Nam thăm Thầy kỳ này, đối với tôi là một chuyến đi huyền thoại, có một không hai. Nó không thể nào có được nếu không có những tấm lòng Bồ tát đứng phía sau giúp đỡ, cũng như những tấm lòng bền sắt tươi son luôn có mặt đó để chăm lo cho Thầy. Tôi xin tri ân đại chúng cũng như những người hảo tâm đã yểm trợ và giúp đỡ chúng tôi có được visa. Chúng tôi nghĩ rằng chuyến này về là để chuẩn bị hậu sự cho Thầy. May mắn thay, con cháu về đông vui nên sức khỏe của Thầy khá lên. Chúng tôi biết tất cả đại chúng khắp nơi trên thế giới cũng đã và đang tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi cầu nguyện cho sức khỏe của Thầy. Chúng tôi rất biết ơn đại chúng. Theo kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy năng lượng tập thể rất quan trọng. Nếu chúng ta đều suy nghĩ tích cực, hướng về cái thật, cái thiện và cái đẹp thì năng lượng tập thể đó có thể thay đổi được tình hình.
Tôi đã trải nghiệm và học hỏi được rất nhiều điều trong chuyến đi này từ lúc khởi hành. Ý chí mạnh mẽ của Thầy đã dạy cho tôi một bài học vô giá: dù cuộc đời có bão táp phong ba ra sao cũng đừng vì thế mà bỏ cuộc. Hãy can đảm đứng lên sau khi vấp ngã, hãy can đảm sống thực với lòng mình, và hãy can đảm làm một con người vô sự.