Hoa trái ngọt đường về

Chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ

Năm 2017, Bích Nham được 10 tuổi. Từ đầu năm, thầy Pháp Khôi đã hỏi tôi: “Sư chị Hoa Nghiêm ơi, làm sao mình tổ chức ăn mừng sinh nhật 10 năm của Bích Nham cho thật vui hả chị?” Chúng tôi đồng ý với nhau là cứ mỗi khóa tu đều sẽ ăn mừng sinh nhật 10 năm Bích Nham. Đầu tiên là khoá tu dành cho Tiếp hiện vùng Đông Bắc Mỹ vào tháng Tư. Tiếp theo là trong ngày lễ Phật đản, số người tham dự hôm đó lên đến cả ngàn người. Sau buổi pháp thoại, trong lúc tôi đang giới thiệu về lễ mừng sinh nhật, thì gần năm mươi em thiếu nhi đi lên với cái bánh sinh nhật, hôm đó thật là vui! Lễ sinh nhật Bích Nham tiếp tục được diễn ra trong các khóa tu mùa Hè, khóa tu tiếng Anh và tiếng Việt trong chuyến hoằng pháp. Thế là chúng tôi được ăn bánh sinh nhật “đã đời luôn”!

Trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ năm 2017, Bích Nham có số lượng người tham dự khóa tu đông nhất. Người Mỹ đang trong tình trạng hoang mang và sợ hãi cho tương lai đất nước của họ. Mục đích của khóa tu là giúp người Mỹ đến được với nhau và trở về với nguồn gốc tổ tiên của mình. Những bài pháp thoại có công năng đem lại sự bình an và chuyển hóa những khổ đau tự thân. Thế giới hôm nay có nhiều khủng hoảng. Những cuộc xung đột giữa các nước Trung Đông, cuộc chiến tranh Hồi giáo và khủng bố đã tạo ra không biết bao nhiêu là chết chóc. Con người sống trong sự lo sợ rất nhiều, chưa nói đến thiên tai và bão lụt. Vì thế chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới. Cầu nguyện cho những người đã chết vì những nguyên nhân nêu trên. Có cầu thì có ứng, năng lực cầu nguyện của đại chúng sẽ cảm ứng đến những người đang bị rơi vào vòng chiến tranh, thiên tai và lũ lụt.

Khóa tu cho người Việt có trên hai trăm người tham dự, gồm các tăng thân Toronto, Florida, North Carolina, New York, New Jersey và các vùng lân cận. Về tu viện, đồng bào người Việt được nuôi dưỡng bởi năng lượng tươi mát của quý thầy, quý sư cô. Đây cũng là cơ hội cho người Việt Nam được gặp nhau, xây dựng tình đồng hương, cùng thở không khí trong lành và năng lượng bình an của núi rừng Bích Nham. Khóa tu chỉ có năm ngày mà ban tổ chức đã thực hiện được hai buổi lễ lớn là Bông hồng cài áo và Trung thu.

Sau chặng Bích Nham, phái đoàn Làng Mai tiếp tục tổ chức khóa tu tại tu viện Lộc Uyển. Riêng tôi, đây là cơ hội được gặp lại những huynh đệ ngày xưa. Chúng Làng Mai được thuyên chuyển khắp nơi và chúng tôi không bị kẹt vào một trú xứ nào, trú xứ nào cũng là quê hương. Tuy rằng chúng tôi cách xa nhau về địa lý, nhưng vì chung một lý tưởng, chung một pháp môn nên chúng tôi cảm thấy như mình chưa từng xa cách. Thật hạnh phúc khi thấy các sư già vẫn còn đó! Tôi tận hưởng thời gian bên các vị, vì cuộc đời vô thường, mình đâu biết được ngày mai? Thời gian ấy tôi cũng có dịp thăm lại các thân hữu của Lộc Uyển năm xưa. Có vị tóc đã hai màu rồi, có vị bận rộn vì đã có cháu nội, cháu ngoại. Chúng tôi được chú Ngọc chở đi thăm chú Thọ trong bệnh viện. Gặp chúng tôi, chú mừng rỡ nắm chặt tay chúng tôi. Chú cảm động khi biết tin Thầy đang dần phục hồi sức khoẻ. Nhớ năm nào chú là chủ biên của tờ báo Đất Lành, luôn kêu gọi chúng tôi viết bài cho báo. Sư em Đẳng Nghiêm cầm tay chú và nói: “Chú nhớ thường xuyên trở về với hơi thở nha chú!” Đã bao nhiêu năm qua, lòng trung kiên của chú dành cho Thầy và tăng thân Làng Mai không bao giờ suy giảm. Chúng tôi nắm tay chú và nói rằng: “Thầy và tăng thân Làng Mai luôn có mặt đó cho chú”. Chú cảm động rơi nước mắt.

Ngồi trên đỉnh núi vào đêm trăng sáng, những ngọn đèn đêm lấp lánh của thành phố Escondido như những ngôi sao dưới trần gian. Lộc Uyển là chốn đi về cho những người thành phố, khi cuộc sống tràn đầy những lo âu và bế tắc, chỉ cần lên núi ngắm trăng sao và thở không khí trong lành thì những lo âu, muộn phiền sẽ lắng xuống. Ngồi bên tôi là sư chị Trung Chính và các sư em. Tôi trân quý giây phút này biết bao. Đi đâu và ở bất cứ trung tâm nào của Làng, tôi cũng thấy người thương mình ở đó. Nơi nào tôi cũng thấy tình huynh đệ luôn chan hòa và đầy ắp. Thầy Pháp Dung và một nhóm quý thầy, quý sư cô trẻ đã cùng nhau khắc chữ “Breathe and Remember” (Thở và hãy nhớ) lên một hòn đá nằm trên đường lên núi theo nét chữ của Thầy. Mong rằng những ai đến Lộc Uyển, khi lên núi sẽ thấy lời nhắc nhở của Thầy luôn còn đó.

Sau chuyến hoằng pháp tại Lộc Uyển, chúng tôi đến tu viện Mộc Lan. Tu viện Mộc Lan “đến sau mà về trước”, chúng tôi thường đùa với nhau như vậy. Mộc Lan có mặt sau Bích Nham và Lộc Uyển, nhưng hiện nay cơ ngơi của Mộc Lan đã đầy đủ. Ni xá, thiền đường, phòng ăn, và bây giờ tăng xá cũng sắp hoàn tất. Phải nói rằng, sự hòa hợp giữa tu sĩ và cư sĩ ở tu viện Mộc Lan như “nước với sữa”.

Mỗi chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ đều có khóa tu dành cho xuất sĩ. Khóa tu xuất sĩ năm nay có chủ đề về sự tiếp nối của Thầy trong hướng đi tới của tăng thân Làng Mai. Chủ đề thật hấp dẫn! Ban tổ chức khóa tu gồm những vị đại diện cho các trung tâm của Làng Mai tại Pháp và Mỹ. Chúng tôi, hơn một trăm xuất sĩ, đã có thời gian ngồi với nhau, đã lắng nghe nhau, lắng nghe những niềm đau cũng như hạnh phúc. Có những bức xúc xảy ra do tri giác sai lầm và sự thiếu truyền thông giữa đôi bên. Ngồi yên lắng nghe, tôi không trách các sư anh, sư chị, vì tôi cũng là sư chị. Tôi không trách các sư em vì tôi cũng là sư em. Tôi biết rằng sự tu tập của chúng tôi vẫn còn yếu kém. Ái ngữ và lắng nghe là điều mà chúng tôi cần thực tập thêm cho sâu sắc. Chúng tôi đang trên con đường thực tập, đang trên đường chuyển hóa thì làm sao không có những lúc gây khổ đau cho nhau. Quan trọng là mình biết sửa đổi, tha thứ những lỗi lầm và chấp nhận nhau, như vậy mới gọi là xây dựng tình huynh đệ.

Mùa thu vẫn còn đó

Sau hai tháng trời ròng rã trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ, chúng tôi trở về Bích Nham. Được chú Lân đón tại phi trường với thùng bánh mì chả lụa chay, chúng tôi rất hạnh phúc. Ngồi trên xe nhìn hai bên đường, lá vẫn còn vàng, chưa rụng. Tôi cứ ngỡ rằng khi về thì lá đã rụng hết rồi. Mùa thu đã đợi chúng tôi trở về chăng? Hạnh phúc vô cùng khi trở về căn phòng cũ. Thương làm sao không gian yên ắng! Ngồi yên bên cửa sổ nhìn ra ngoài, những chiếc lá phong đang đong đưa theo gió như chào đón tôi về. Mỉm cười với những chiếc lá, với cây phong tôi thấy lòng thật bình yên. Tôi đi thăm lại suối rừng Bích Nham, thăm lại con đường thiền hành quen thuộc, và gặp lại đàn nai rừng thân yêu. Thương vô cùng đàn nai rừng chỉ còn lại mấy con. Năm ngoái, con nai mẹ ba chân đã bị bắn. Khi nghe tin đó, tôi buồn lắm. Vì ngày mới đến, tôi đã gặp nai mẹ ba chân với cặp mắt to thật hiền lành và đàn nai bảy, tám con bao quanh. Mỗi lần đi ngang ni xá, nai mẹ hay dừng chân và nhìn về phía chúng tôi. Từ khi nai mẹ bị bắn đến nay, hầu như tôi không thấy đàn nai rừng nữa. Cầu nguyện sao cho mấy chú thợ săn không bắn trúng một con nai nào. Tôi yêu mùa thu vì nó đẹp, nhưng đàn nai rừng thì có nhiều sợ hãi, bởi vì mùa thu ở đây cũng là mùa săn bắn. Mình đâu biết rằng hạnh phúc của mình có thể là khổ đau của loài khác.

Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ

Khi cái lạnh buốt bắt đầu xuất hiện thì mùa An cư đã đến. Sáng nay chúng tôi sẽ làm lễ Đối thú an cư. “Chú voi con” đi bên tôi, tay cầm y và miệng cứ lặp đi lặp lại câu nói mà em sẽ phải thưa khi ra đối thú: “Con là sa di ni Chân Trăng…”, “Con là sa di ni Chân…” Là người Việt lớn lên ở Mỹ, từ nhỏ em đã được giáo dục và sống theo văn hóa Mỹ cho đến khi trưởng thành và đi làm, nên em không quen nói tiếng Việt trước đám đông. Năm ngoái, em đã cắn nhằm lưỡi khi đọc tên của mình. Năm nay em sợ bị như vậy nên phải thực tập trước. Có bao nhiêu người trẻ lớn lên và biết chọn cho mình một đời sống có hạnh phúc trong hiện tại và tương lai! Em đã chọn cho mình một hướng đi giúp mình và giúp người chuyển hoá những khổ đau. Em phải có nhiều nghị lực để dứt bỏ những thói quen trong đời sống thường nhật khi còn là một cư sĩ, và tập “làm ngơ” với những thú vui chơi và những thức ăn ngon đầy cám dỗ.

Có những người trẻ từ Việt Nam qua du học ở New York. Khi đến Bích Nham, các em như trở về quê hương của mình. Có những em bị căng thẳng vì cuộc sống. Có em bị rơi vào đường ma túy, nhờ có sự giúp đỡ của quý thầy, quý sư cô, em đã làm lại cuộc đời. “Chuông chùa làng xa chiều lại vang… Bếp ai lên khói ấm tình thương… bát cơm rau thắm mối tình quê…” Tiếng hát vang lên từ phòng ăn. Một nhóm quý thầy, quý sư cô cùng các em sinh viên Việt Nam từ New York xuống, đang ngồi quây quần bên nhau và hát những bài hát của quê hương. Lâu lắm rồi tôi mới tiếp xúc lại không khí của những người trẻ Việt Nam ở hải ngoại với những bản nhạc “bolero” Việt Nam. Tôi thầm cám ơn quý thầy, quý sư cô đã có mặt cho các em.

Kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương

Trong khóa tu ở tu viện Mộc Lan, chúng tôi đã làm lễ xuất gia cho hai em Chân Trăng Quang Sơn và Chân Trăng Kim Sơn. Đã từ lâu, Thầy muốn tu viện Bích Nham sẽ là nơi thuận tiện để phát triển đạo Bụt ở Mỹ. Trong những năm qua, tôi thấy người Mỹ bắt đầu biết đến Bích Nham nhiều hơn. Có nhiều người trẻ lớn lên ở nước Mỹ muốn trở thành những vị xuất sĩ để phụng sự cho xã hội. Tuy có hai mươi ba sư cô, mà chúng tôi thuộc về sáu quốc gia rồi. Là một sư chị lớn tại đây, tôi phải thực tập thương các sư em cho đồng đều. Với những người dễ thương mà mình thương được thì dễ rồi, nhưng với người chưa dễ thương mà thương được mới là khó. Không phải đi tu rồi là trở nên bậc thánh nhân. Những tập khí mình huân tập từ nhỏ bởi gia đình và xã hội cũng đủ tạo những phiền phức cho nhau trong cuộc sống chung hàng ngày. Nếu lên non cao và chỉ tu có một mình thôi thì chắc chắn là mình không làm ai buồn và dĩ nhiên cũng không ai làm mình giận. Nhưng gốc rễ của phiền não thì còn y nguyên vì đâu có ai chạm đến. Sống trong tăng thân là một môi trường rất tốt để thấy rõ những thói quen đẹp hay xấu của mình, để mình có cơ hội nhìn lại và chuyển hóa những cái chưa hay, chưa đẹp. Tôi thấy rõ một điều: ban đầu, ai cũng lên xuống vì những phiền não do mình tạo ra. Nhưng tu một thời gian rồi ai cũng trở nên đằm thắm. Chỉ cần mình kiên nhẫn lúc ban đầu. Thầy đã từ bi và kiên nhẫn với những tập khí của mỗi chúng tôi. Tôi cũng đang đi theo bước chân của Thầy, kiên nhẫn trong tình thương với các sư em của mình.

Mấy ngày qua tuyết rơi nhiều, vùng Đông Bắc Mỹ đang có nhiều trận bão tuyết. Sáng nay mở cửa ra ngoài, trước mặt tôi là một biển tuyết mêng mông. Chỉ có một đêm thôi mà lớp tuyết đã dày lên trên hai tấc, và tuyết vẫn đang tiếp tục rơi. Tuyết rơi rất đẹp, như những bông hoa trắng được cõi trời rải xuống trần gian. Nhưng khi có bão tuyết thì tuyết như muốn lấp đầy cả trần gian làm cho mình sợ hãi. Con người mình cũng thế. Khi hiền thì ai trông cũng rất đẹp, rất dễ thương. Nhưng khi cơn giận nổi lên rồi thì mọi người hơi ngại tới gần. Tôi bước thật chậm. Lướt qua tôi là những bước chân thoăn thoắt của những sư cô trẻ, một sư em ngoái lại vẫy tay nhìn tôi cười. Dưới chân tôi là lớp tuyết mịn giống như đường, nhưng cũng giống như muối. Thực sự, dưới chân mình là tuyết chứ không phải là muối hay đường. Cuộc đời thật ra là ngọt ngào, hay đắng cay đều do ý niệm mình mang lại. Hãy thực tập chấp nhận những gì đang xảy ra cho mình với thái độ bình tĩnh. Hiện tại tôi đang bước từng bước chân trên lớp tuyết dày và thấy rằng đây là tuyết chứ không phải là “đường” hay “muối” gì cả. Nghĩ như thế, tôi thấy mình nên thực tập tâm không ưa thích cũng không ghét bỏ.

Sáng hôm nay trời nắng đẹp, mùa xuân sắp về và mùa An cư cũng sắp hoàn mãn. Chúng tôi thêm một tuổi đời và một tuổi đạo. Thêm một tuổi đời thì thấy mình đã gần kề bên cửa tử. Còn thêm một tuổi đạo thì mình đã về và đã tới hay chưa?

Chân Hoa Nghiêm