Đất Bụt con về

 Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, mái nhà tâm linh che chở cho chín sư cô và cho các vị cư sĩ ở vùng lân cận Paris cùng về tu tập. Chiều Chủ nhật, ngày 08 tháng 10 năm 2017, cũng là ngày quán niệm, ba sư cô của Thiền đường cùng bốn thầy và ba sư cô từ Làng nhập đoàn đi Ấn Độ. Tôi hân hoan biết mình sắp được đặt chân lên đất Bụt, sắp được trở về tiếp xúc với cội nguồn gốc rễ tâm linh theo dấu chân Bụt. Ngắm nhìn Sư cô trú trì và các chị em có mặt cho thiền sinh trong ngày quán niệm, phút chốc lặng yên, tôi trở về với hơi thở: một tâm niệm hân hoan, một niềm thương cảm biết ơn sâu, ba chị em tôi đi Ấn cho cả các chị em ở nhà.

Chúng tôi đến Dehradun, vợ chồng chú Shantum – giáo thọ cư sĩ và là Tiếp hiện lâu năm của Làng Mai, tiếp đón đoàn và tổ chức cho cả chuyến đi. May mắn cho đoàn là thầy Trời Bảo Tích (người Ấn Độ) có mặt trong thời gian đầu của chuyến đi và cùng giúp tổ chức khóa tu tại Dehradun.

Sau vài ngày nghỉ ngơi làm quen với khí hậu, văn hóa Ấn, đoàn có ngày quán niệm và khóa tu Wake Up School ở Dehradun. Mọi thứ như đã được chuẩn bị sẵn bởi vì Thầy Làng Mai đã có mặt ở đây nhiều năm trước, đã mở đường chỉ lối, nay các thầy, các sư cô chỉ cần biểu hiện và tiếp nối Thầy. Đây là lần đầu tiên tôi tham dự khóa tu ở xa và cũng là lần đầu tiên được đi chung với nhiều thầy, nhiều sư cô. Tôi tận hưởng từng giây phút cho các chị em tôi ở Thiền đường.

Khóa tu diễn ra trong ba ngày, khoảng gần 250 giáo viên, cảnh sát, cùng khoảng 100 em thanh thiếu niên, học sinh tham dự. Khoá tu có chương trình đặc biệt (workshop) cho thế hệ ông bà, cha mẹ của các em học sinh. Pháp môn chánh niệm đã được đưa vào trường học giúp các thầy giáo, cô giáo thư giãn, chế tác hạnh phúc, yêu ngành nghề; giúp các em học sinh buông thư, giảm căng thẳng trong việc học; giúp các bậc ông bà, cha mẹ hiểu các em thêm qua việc áp dụng phương pháp Ái ngữ lắng nghe. Ai cũng được học cách sử dụng những câu thần chú của Làng để làm cho gia đình hạnh phúc hơn. Trong khóa tu này, tôi đã được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các sư anh, sư chị, thấy được tầm ảnh hưởng rộng lớn của Thầy, thấy hoa trái của pháp môn chánh niệm đưa vào trường học qua các phương tiện nghe chuông, thở, cười, thiền ca… được thể hiện rõ qua những gương mặt rạng rỡ, hạnh phúc, biết ơn sau khi tham dự khóa tu.

Là một người tu trẻ, tôi ý thức đường tu của mình đang còn dài phía trước, và niềm tin vào kinh nghiệm thực tế, vào những gì tôi thấy, nghe và cảm nhận đang rộng mở đưa tôi về một hướng đi, một nền đạo Bụt dấn thân mà xã hội đang cần, mà Thầy tôi luôn xiển dương.

Chuyến hành hương

Những ngày ở Dehradun thiên nhiên hiền hòa, khí trời mát mẻ không giống như ở những vùng khác của Ấn Độ. Dehradun tọa lạc dưới chân núi Hymalaya, một trong những dãy núi cao nhất của thế giới. Từ trong phòng nhìn ra cửa sổ, những dãy núi hiên ngang hùng dũng nối nhau giữa nền trời xanh xen lẫn sắc màu của nhiều dãy nhà nối nhau, tạo nên một thành phố nhỏ ven sườn núi rất đẹp mắt.

Sau khóa tu đoàn có cơ hội lên núi. Đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp nhưng lại có nhiều phương tiện xe cộ lên xuống nên phải nhường nhau. Những lúc như vậy, ngoài việc nắm lấy hơi thở, giữ được thăng bằng để không bị say xe, thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn màu xanh của núi, tận hưởng khí thiêng nơi đây cho tôi một cảm giác dễ chịu an lành. Cuối cùng, xe cũng dừng lại nơi một địa điểm dưới chân núi để đoàn thưởng thức leo núi. Từ đỉnh núi nhìn ra xa, những dãy núi tuyết hiện ra trắng xóa, và sau những dãy núi tuyết ấy là lãnh thổ Tây Tạng. Địa hình, khí thiêng, thổ nhưỡng đã hình thành nên nét đặc trưng riêng của từng vùng. Mỗi phút giây tận hưởng là mỗi phút giây tôi được học hỏi, khám phá. Không chỉ riêng tôi mà dường như cả đoàn ai cũng có cảm giác như đang ở Thiên đường – Tịnh độ trong hiện tại.

Mười ngày ở Dehradun đã đi qua. Mở sang tờ lịch mới, ngày 18 tháng 10, đoàn có mặt tại nhà thầy Trời Bảo Tích. Trong ba ngày, không khí gia đình tâm linh và huyết thống thân thiện, gần gũi, ấm áp và rộn rã tiếng cười của tình huynh đệ. Điều đặc biệt đã đến! Anh chị em được đón Tết Ấn (lễ hội Ánh sáng) cùng với gia đình thầy Trời Bảo Tích. Nhà nhà đốt pháo hoa râm ran, người người cười cười, nói nói, chúc nhau những lời tốt đẹp “happy dewali”. Một điểm tương đồng của văn hóa Á châu. Sau buổi lễ cầu nguyện chúc phúc theo truyền thống Ấn, mỗi thầy, mỗi sư cô được nhận lì xì từ tay mẹ thầy Trời Bảo Tích. Ngày hôm sau, đoàn có cơ hội đi tham quan cung điện xưa và những dãy trường thành cổ của thành phố Raipur mà giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh còn được gìn giữ cho đến ngày nay. Ngắm nhìn từng góc cạnh của cuộc sống đang hiển bày trước mắt, tôi cúi đầu biết ơn tất cả.

Vào ngày 21 tháng 10, chuyến hành hương theo dấu chân Bụt với tăng thân nói tiếng Pháp được bắt đầu từ bảo tàng thánh Gandhi –  nơi Người trút hơi thở cuối cùng. “My life is my message” – tinh thần bất bạo động, giá trị tâm linh mà tôi thấy được qua Bụt, qua Thánh và qua Thầy Làng Mai, nay chúng tôi đang tiếp nối. Hành trình trên đất Ấn có hơn tám mươi vị. Ngày 22 tháng 10 đoàn di chuyển từ New Delhi đến Varanasi nơi có dòng sông Hằng linh thiêng chuyên chở tổ tiên tâm linh và huyết thống của người dân Ấn. Trong suốt chuyến đi, đoàn được hướng dẫn sử dụng bước chân thiền hành và hơi thở chánh niệm khi xếp hàng làm thủ tục lên máy bay, thiền xe buýt, tiếng chuông giúp mọi người trở về ý thức những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Cảnh tượng buổi sáng bên bờ sông Hằng, mọi người đang tắm gội, tẩy đi tất cả những bụi trần để làm thanh tịnh thân tâm hoặc tụng kinh, trì chú cầu phúc lành… Khi thuyền đi được ba mươi phút, bên bờ sông, một thi hài được đưa ra chuẩn bị cho lễ hỏa táng. Củi được chất sẵn vuông góc dưới bệ, bên cạnh vài chiếc thuyền chất đầy củi, mép bờ sông nhiều lớp tro đã được đổ xuống. Trong phút tĩnh lặng đó, mọi người trên thuyền có cơ hội trở về quán chiếu sự sống.

Phải mất gần cả ngày đường đi xe buýt, đoàn mới đến được Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Bụt thành đạo. Ở đây, rất nhiều truyền thống Phật giáo khắp nơi hội tụ về. Mỗi truyền thống trình bày cách thức, ngôn ngữ, văn hóa nước mình để truyền thông và bày tỏ niềm kính ngưỡng đối với Bụt. Tất cả đều hướng về bậc Cha lành giác ngộ, tạo nên một đạo Bụt cổ thụ với nhiều thân, cành, lá gồm nhiều màu sắc khác nhau. Buổi sáng, hương trầm xông ngát, lời kinh vang vọng, không khí lễ bái lan tỏa khắp khuôn viên Bodhgaya. Ở một góc yên, hướng về Bụt, tôi nguyện với lòng sẽ thực tập để Bụt, Thầy trong tôi biểu hiện bất cứ nơi nào tôi có mặt. Có lẽ đó cũng là điều mà Bụt và Thầy luôn mong đợi.

Trường đại học Nalanda, được Thầy tôi nhắc tới rất nhiều lần trong các buổi giảng, nơi mà thầy Huyền Trang đời nhà Đường từ Trung Hoa sang Ấn Độ đã theo học. Thời ấy trường có khoảng gần mười ngàn vị tu sĩ. Thời điểm chúng tôi đến, trường chỉ còn lại nền rêu phong và tường đen xám, tất cả đều đã bị thiêu hủy hết. Ngậm ngùi trước sự tàn lụi của trường, tôi tiếp xúc sâu hơn với tự tính “vô thường”.

Chiều ngày 27 tháng 10, đoàn có cơ hội leo lên đỉnh núi Linh Thứu, nơi hay được nhắc đến trong phần mở đầu của các kinh Bụt dạy. Đó là nơi Bụt thường giảng pháp trong thời gian hoằng hóa của Người. Chúng tôi đang tập bước những bước chân bình an, vững chãi mà hơn hai ngàn sáu trăm năm trước Bụt đã bước đi trên con đường này mỗi ngày. Vừa lên tới đỉnh, khí thiêng như vẫn còn đó, tôi có cảm giác như mình đang được trở về với không khí của pháp hội năm xưa. Đất trời thênh thang, núi đồi nhấp nhô xanh ngát một màu. Lạ thay, tôi chỉ muốn tìm cho mình một chỗ để ngồi yên, để tắm mình trong phút giây tĩnh lặng mà tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc hy hữu này. Khi mọi người đã lên hết trên đỉnh núi, cả đoàn cùng ngồi thiền, ngắm mặt trời lặn. Một mặt trời đỏ cam, to tròn đang ở ngay trước mắt. Giây phút ấy, tôi như chạm đến một cái gì đó thiêng liêng vô cùng. Thở, mỉm cười, bình an tận hưởng…

Hết giờ ngồi thiền, như đã hẹn, chị em tôi cùng cạo tóc cho nhau để đánh dấu giây phút thiêng liêng này, để khí thiêng đất trời, Bụt và tăng đoàn năm xưa chứng minh cho nguyện ước của chúng tôi. Niềm vui sâu, hạnh phúc lớn như được lan tỏa khắp và kéo dài đến khi đoàn xuống núi dùng cơm tối và cả suốt buổi pháp đàm sau đó.

Chuyến hành hương “Theo dấu chân Bụt” đã đến phần cuối của chặng đường. Đoàn đến thăm Kushinagar (Câu thi na), nơi Bụt thị tịch giữa hai cây Sala. Bảo tháp Bụt được xây dựng nơi đây để người người đến thăm viếng bày tỏ lòng kính ngưỡng. Kính lạy Người với tất cả niềm tôn kính và biết ơn bậc Cha lành giác ngộ đã đưa đường chỉ lối cho chúng sanh đang lạc bước tìm thấy con đường thoát khỏi khổ đau, tuyệt vọng, bất an, tìm thấy bình an, tự do và hạnh phúc. Cả đoàn cùng ngồi thiền chế tác những giây phút tĩnh lặng hướng về Người.

Dấu tích lịch sử còn lưu lại qua cột trụ mà vua Asoka (A Dục) đã dựng lên nơi Bụt ra đời, vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), Nepal. Trong tác phẩm Đường xưa mây trắng của Thầy Làng Mai, tôi thấy Bụt hiện hữu như một con người lịch sử và nay đứng trước chứng tích nơi Người sinh ra, tôi càng chứng thực hơn. Tôi cảm ơn tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống của người Ấn, cảm ơn tất cả nhân duyên để Bụt có mặt trên cõi đời này, tồn tại hơn hai ngàn sáu trăm năm và sẽ tiếp tục còn mãi theo thời gian.

Thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ), nơi thái tử Tất Đạt Đa lớn lên và trưởng thành, là điểm cuối mà đoàn ghé thăm, khép lại chuyến hành hương về xứ Bụt. Dưới gốc cây Bồ Đề, tám mươi người được quý thầy quý sư cô hướng dẫn ôn tụng Năm giới. Chuyến đi để lại trong lòng mỗi người những phút giây đáng nhớ, những giá trị tâm linh còn mãi.

Chuyến hành hương kết thúc, các vị cư sĩ về lại Pháp, quý thầy quý sư cô có thêm một tuần ở New Delhi cho khóa tu tại trường Pathways. Vừa đến trường, chúng tôi nhận ra ngay pháp thân của Thầy đang có mặt qua những câu thư pháp được trang trí khắp khuôn viên trường. Trường có hơn một ngàn em học sinh nội trú và bán trú. Chúng tôi có mặt tại trường, tiếp xúc và gần gũi với các em trong ba ngày của khóa tu, hiểu thêm những mong muốn, những vấn đề mà các em đang gặp phải, giúp các em giảm căng thẳng, dạy các em cách áp dụng các pháp môn thiền hành, nghe chuông, thiền buông thư… Các em rất thích pháp môn thiền ăn và chia sẻ rằng khi ăn các em thấy ngon hơn, tiếp xúc được với sự sống và ân tình có mặt trong bát cơm mà các em đang ăn. Mỗi khi gặp các thầy các sư cô, các em kính cẩn chắp tay chào. Một cô tình nguyện viên của khóa tu nói: “Ấn Độ bây giờ không còn giống như hồi xưa, mỗi khi gặp nhau ai cũng chắp tay chào”. Tôi trả lời: “Bạn có biết Bụt đã đem nét đẹp văn hóa này của nước bạn đến khắp mọi nơi không?” Cô nở một nụ cười hạnh phúc.

Ấn Độ có một nền tâm linh lâu đời được gìn giữ đến ngày nay. Tuy nhiên đời sống vật chất còn nghèo, sự chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội vẫn còn rất lớn. Trong suốt chuyến đi, hai bên đường, rác thải và rác nylon song hành cùng chúng tôi. Cảnh nghèo đói có mặt khắp nơi, các em nhỏ thất học luôn tìm mọi cách làm động lòng thương của khách hành hương. Chạnh lòng thương, tìm lấy hơi thở bình an, tôi ngắm nhìn các em với niềm cảm thương sâu sắc. Có cách nào mà tôi có thể giúp các em hay nhất trong giới hạn của mình? Cầu mong các em sẽ gặp được nhiều duyên lành. Ngày cuối trước khi về lại Pháp, thành phố New Delhi chìm trong không khí ô nhiễm. Trên xe buýt đến sân bay, chú Shantum hỏi chúng tôi: “Chắc chuyến đi Ấn này là chuyến hành trình gian nan cho quý thầy quý sư cô?” Tôi mỉm cười trả lời: “Chính vì vậy mà Bụt đã sinh ra trên đất Ấn.”

Về tới Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, vừa bước vào cửa, một sư em ra chào ba chị em tôi, hớn hở: “May quá ba sư chị đã về! Em nhớ ba sư chị quá! Ba sư chị về rồi em mừng quá!!!” À thì ra sư em ở nhà đóng vai trò chị lớn, thấy ba chị em tôi về như trút được gánh nặng, “Em hiểu và thương các sư chị hơn.”

Hơi Thở Nhẹ ấm áp tiếng cười tình huynh đệ, đón người về, tiễn người đi: phút giây này đẹp mãi…

Chân Cảnh Nghiêm