Hạnh phúc của bạn, hạnh phúc của tôi

(Bài của sư chú Chân Trời Đức Định. BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh)

 

 

Tối nay, sau buổi thiền tọa, toàn bộ ngọn đồi xóm Thượng được phủ kín trong sương. Sương làm cho những ngọn đèn dọc các lối đi như tỏa hào quang. Ngôi tháp chuông một lần nữa gửi những chùm ánh sáng từ bốn góc tháp tỏa trên mặt đất xung quanh và hắt lên bầu trời sẫm đen đang được tô điểm bởi muôn vì sao lấp lánh.

Từ thiền đường lớn dạo bước về tăng xá, tôi gặp người bạn thân quý của tôi – cội lê cổ thụ. Tôi dừng lại cách cây vài mét. Thỉnh thoảng một thầy hoặc một sư chú trở về tăng xá và ngọn đèn tự động bật lên rồi lại tắt đi. Tôi đứng đó, thẳng hàng với cây lê và ngọn đèn nên tôi không bị ánh sáng làm chói mắt. Từ góc này tôi có thể thưởng thức cây lê trong đường nét sắc sảo của hình ảnh tương phản trắng đen, được vẽ nên bằng ánh sáng của màn sương phủ khắp xung quanh.

Vài ngày trước, quý thầy đã làm công việc cắt tỉa cây trong xóm, trong đó có cả người bạn cổ thụ này của tôi. Thường thì tôi không thấy dễ chịu gì với việc cắt tỉa cây, vì tôi có cảm giác việc đó làm mấy cái cây đau đớn. Nhưng đêm nay khi ngắm cội lê già, một cảm xúc bỗng đi lên trong tôi: Bạn ấy trông thật hạnh phúc và tươi mát!

Đứng trước cội lê, tôi hỏi: “Bạn có vui lòng nếu chúng tôi cắt tỉa cho bạn không?” Và câu trả lời mà tôi nhận được đêm nay đã thật sự làm tôi chấn động. Câu trả lời đó chính là: “Bạn hạnh phúc là tôi hạnh phúc”. Nghe cứ như là một câu thần chú vậy.

Tôi bị chấn động, tôi cảm thấy một niềm kính ngưỡng và biết ơn sâu xa. Khi ôm lấy người bạn cổ thụ, tôi xin bạn giúp tôi nuôi dưỡng đức hạnh đó trong trái tim tôi.

 

 

Nhìn lại trải nghiệm này, tôi cảm thấy thật hạnh phúc bởi tôi có thể nhận ra tăng thân mình cũng đang sống và tu tập với tinh thần ấy.

Đối với bản thân tôi, mỗi khi cơn giận hay khổ đau phát khởi, tôi học cách có mặt mà không trốn chạy hoặc đè nén cảm thọ đó và coi nó như một phần của chính mình để có thể chăm sóc, ôm ấp nó. Còn nếu một người trong tăng thân làm cho những người khác khổ đau thì tăng thân sẽ không phản ứng theo hướng trách móc, mà sẽ thực tập nhìn sâu cho tới khi có thể tìm ra cách thức giúp đỡ mà không dựa trên tâm phân biệt, kỳ thị. Tôi nhớ đến sự kiện ở tu viện Bát Nhã cách đây gần chín năm, khi ấy quý thầy, quý sư cô Bát Nhã đã đứng yên như cội lê cổ thụ, dù đang bị đe dọa. Cắm rễ trong giáo pháp, các thầy các sư cô đã không phản ứng vì giận dữ hay sợ hãi.

Tôi cảm thấy cội lê già, bằng sự tĩnh lặng của mình, đã phản chiếu lại tâm tôi một cách giản đơn: “Cách bạn nhìn tôi phản ánh những gì xảy ra trong tâm bạn. Những gì bạn đối xử với tôi là cách bạn đối xử với chính mình”.