Thư cảm ơn của Thích Nhất Hạnh Foundation

 

 

 

 

2499 Melru Lane Escondido, CA 92026        760-291-1003  ext.104•   info@ThichNhatHanhFoundation.org  •ThichNhatHanhFoundation.org

 

Kính thưa quý thân hữu,

Thấm thoát, một mùa xuân mai vàng trúc biếc lại lướt đến giữa khung trời thênh thang. Cùng với ánh dương trước thềm năm mới, Thích Nhất Hạnh Foundation xin kính chúc quý đạo hữu một mùa xuân Mậu Tuất thân an tâm lạc, vạn sự duyên lành, gia đình hội tụ với chén trà ngọt vị quê hương.

Chúng tôi vô cùng tri ân tấm lòng từ bi và bàn tay nhân ái của quý vị trong suốt thời gian qua đã tận tâm yểm trợ và đóng góp cho các trung tâm Làng Mai, cho các chương trình từ thiện, các khóa tu thực tập chánh niệm, các dự án xây tăng xá và ni xá, chương trình chăm lo sức khỏe cho Thiền Sư Nhất Hạnh và các vị xuất sĩ, chương trình Wake Up và Cedar Society, v.v.. .  Chúng tôi cũng xin thành tâm tri ân trái tim “nhớ về quê mẹ” của quý vị trong chương trình Hiểu Và Thương.  Tấm lòng từ ái của quý vị đã trợ giúp chúng tôi duy trì và tiếp nối con đường của Thiền Sư Nhất Hạnh.

Thầy đã dạy: “Quê hương là tăng thân đó. Bàn chân địa xúc hãy về”. Thật vậy, những bước chân tỉnh thức từ quê hương tâm linh dẫn lối cho ta về nơi quê cha đất mẹ yêu thương. Và những lời ca dao ru con tha thiết từ quê hương huyết thống đưa đường cho ta đến chốn rừng trúc vô sinh bất diệt. “Không có con đường đưa về quê hương. Quê hương chính là con đường”. Con đường đời và đạo viên thông. Con đường tuệ nhật vừng xanh bừng sáng cả sơn khê, chiếu soi muôn nẻo cuộc hành trình về quê hương đích thực.

Chén trà hồn dân tộc đậm đà hương vị thiền, quyện hòa thành bản diệu khúc xuân ca, như lời của Thiền Sư Nhất Hạnh, “Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca …” điệp khúc Bông hồng cài áo của mùa xuân bất tận. Như lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ, “Diệu khúc xưa nay xin hãy xướng” cung bậc Phật Tâm Ca. Giữa suối rừng tịch nhiên trên đỉnh thiêng Yên Tử, dưới ánh trăng tĩnh mặc nơi Am Mây Ngủ núi Bảo Đài, vẫn lồng lộng vang rền âm điệu “Phật quốc bất thắng xuân” xướng lên từ tiếng sáo ngọc Trần Nhân Tông Trúc Lâm Đại Sĩ.

Chúng tôi xin kính chúc quý vị một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui, gia đình bình an hạnh phúc, có hiểu có thương để tiếp bước vững vàng trên con đường của chư Bụt và chư vị Bồ Tát.

Rừng trúc mai thôn xin tặng người,

 

Chân Bảo Thành Hồ Mộng Lan

Thành viên Ban Điều Hành Thích Nhất Hạnh Foundation

 

___________________________________________________________________________________________________

 

Kính bạch Thầy,

Kính thưa các đạo hữu,

Con đã dành cả cuộc đời mình để kiếm tìm sự bình an. Và chỉ đến khi tìm ra pháp môn chánh niệm thì con mới biết đâu là nơi để hướng về.

Có lẽ nhu cầu này có liên quan đến việc con là một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong chiến tranh: cuộc chiến tranh diễn ra trên đất nước và cả cuộc chiến tranh diễn ra trong gia đình con giữa hai đấng sinh thành. Không có cuộc chiến tranh nào đối với con là không đáng sợ cả. Con có cảm giác một phần con người mình đã bị huỷ diệt bởi từng cuộc chiến tranh.

Ký ức sớm nhất là lúc con lên hai tuổi rưỡi, nấp dưới tầng hầm cùng với bà nội và ba mẹ. Tổ quốc con bị xâm chiếm, và đội quân ngoại xâm đã tiến đánh thành phố thủ đô nơi gia đình con cư ngụ. Mặt đất rung chuyển như sấm động khi những chiếc xe tăng tiến vào. Con siết chặt bạn búp bê trong tay và nhắm nghiền mắt lại.

Mười năm sau:

Con lên mười một tuổi, bị đánh thức bởi tiếng vật lộn. Em trai con đang nằm khóc trên sàn phòng khách trong tiếng ồn ào của ti-vi. Ba mẹ con lại đang đánh nhau. Con chạy đến bế em bé lên và van xin cha dừng lại.

Mười bốn năm sau:

Con hai mươi lăm tuổi, đang ngồi trong văn phòng tư vấn của một trường tiểu học nơi con làm việc. Hoài bão của con là bảo vệ trẻ em, giúp các em có được một tuổi thơ bình an, hạnh phúc, một tuổi thơ mà con chưa từng có. Một em trai học lớp hai bước vào, nói với con rằng em rất sợ phải về nhà. Con ngồi đó, nắm tay em. Bên ngoài, nhìn con có vẻ rất điềm tĩnh khi lắng nghe câu chuyện của em, nhưng lòng con lại đầy lo ngại cho em.

Ba năm sau:

Con hai mươi tám tuổi và đang ngồi trong một nhóm pháp đàm tại thiền đường Thái Bình Dương, tu viện Lộc Uyển. Đó là lần đầu tiên con đến một trung tâm tu học. Đến lượt con chia sẻ. Con thấy hơi mất tự nhiên. Con muốn khoác lên một vẻ tươi vui nhưng gương mặt đã phản bội con, nước mắt con ràn rụa chảy. Trong nước mắt, con nghe giọng nói của chính mình: “Tôi  không tin vào cuộc đời này. Tôi muốn tin rằng có sự tồn tại của một vũ trụ đã được tạo dựng một cách thông minh và từ bi, nhưng cuộc sống của tôi đã chứng tỏ điều ngược lại.” Con ôm mặt khóc trong sợ hãi và giận dữ – giận bởi vì phần lớn cuộc đời mình, con đã sống trong lo sợ. Mệt mỏi vì cảm thấy mong manh và không có được sự chở che trong một thế giới có vẻ điên rồ, con đã đến đây tìm nơi nương tựa, và con đã đồng thời mang theo với mình những câu hỏi chưa được trả lời. Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Cái gì là mục đích của khổ đau? Tại sao bất hạnh lại xảy đến cho những người vô tội? Điều duy nhất con chắc chắn là không biết mình có thể tin gì về bản chất của cuộc đời, hay thậm chí về bản chất của chính mình.

Mười ba năm sau:

Con bốn mươi mốt tuổi và đang ngồi tại bàn làm việc trong văn phòng của Thích Nhất Hạnh Foundation. Con nhắm mắt lại, thở trong khi đi thăm lại dòng ký ức, quán chiếu xem điều gì đã đem con đến với sự tu tập, và sự tu tập đã đem lại cho con được những gì.

Đã mười sáu năm trôi qua kể từ khi con đọc quyển sách đầu tiên của Thầy, mười ba năm từ khi con tham dự khoá tu đầu tiên, và chỉ ba năm từ khi con bắt đầu đem sự thực tập vào lòng thay vì chỉ mang những lời dạy của Thầy đi vòng quanh như những người sưu tầm kiến thức.

Sự thực tập tiếp tục giúp con chuyển hoá. Nhờ đó, dần dần con đã trở thành một nơi nương tựa an toàn cho chính mình và phần nào đó có thể tiếp xúc với hải đảo bình an không gì lay chuyển được của tự thân. Sự thực tập bảo hộ cho con, giúp con ý thức được sự lên xuống của thuỷ triều trong biển khổ của chính mình để con không tự làm khổ mình và làm khổ người khác trong vô thức. Sự thực tập giúp con tìm được bến bờ, nơi con có thể nghỉ ngơi và khám phá được cái đẹp của sự thăng trầm đã làm nên cuộc đời mình. Và thậm chí ngay cả trong những ngày con có nhiều lên xuống nhất, sự thực tập vẫn có thể giúp con tìm được rất nhiều yếu tố nuôi dưỡng trong tự thân và ở chung quanh.

Con kinh nghiệm rằng sự thực tập chánh niệm chính là một liều thuốc giải độc cho chiến tranh, dù cuộc chiến đó đang diễn ra bên trong hay bên ngoài con cũng thế.

Sự thực tập chánh niệm chính là một pháp môn hoà giải tuyệt vời nhất mà chúng ta có được.

Xin cảm ơn quý vị đã góp phần đem pháp môn này đến với nhiều người bằng cách yểm trợ cho Thích Nhất Hạnh Foundation.

Khi con thực tập pháp môn chánh niệm với lòng từ bi cho chính mình và cho người khác, con thường có nhiều bình an và hiểu biết hơn. Bản thân con đã tìm được sự vững chãi trong chính tự thân nên con tin rằng sự vững chãi ấy sẵn có trong tất cả chúng ta và ai cũng có thể tự mình trải nghiệm điều này bằng sự thực tập. Và một khi chúng ta tìm được sự vững chãi không lay chuyển ấy thì không có một cuộc chiến tranh hay sự bạo động nào có thể phá vỡ nó được.

Cảm ơn sự thực tập của quý thân hữu và cảm ơn quý thân hữu đã tham gia vào cộng đồng của những nhà hoạt động hoà bình trên toàn thế giới.

 

Mousqa Katawazi

Solid Trust of the Heart

Annual Fund Manager, Thich Nhat Hanh Foundation

Sustaining Circle Member