Ngàn suối chung dòng thương

Thiên Ý thôn, Từ Nghiêm tự, ngày 27.11.2017

Các sư anh, sư chị gia đình Trầm Hương kính thương!

Một thập niên đã trôi qua với rất nhiều đổi thay, thấy thật dài mà như mới hôm qua. Khoảng thời gian đó đã cho sư em rất nhiều niềm vui cũng như kinh nghiệm trong cách sống và thực tập. Hôm nay, sư em ghi lại lòng tri ân cùng một vài kỷ niệm trên chặng đường song hành cùng các sư anh, sư chị trong mười năm vừa qua, những điều đã nuôi dưỡng sư em trên con đường này. Khi chia sẻ từ trái tim, sư em biết nó sẽ chạm tới được trái tim, dù các sư anh, sư chị ở phương trời nào, trong hình thức nào.

Sư em nhớ thuở theo chân ba đi trồng mấy cây trầm gió. Nghe ba kể, sư em hiểu được rằng để tìm một cây kết tinh trầm tự nhiên thì rất hiếm, vì vậy người ta thường làm cho thân cây trầm bị nhiều vết thương như cắt cành hay đóng đinh (nhất là thời nay)… để từ đó cây trầm phải tự chữa lành vết thương và tạo thành tinh trầm. Sau đó, người ta đẽo lấy tinh trầm và đốt lên rất thơm. Sư em rất quý cũng như học hỏi rất nhiều từ cách sống của cây trầm. Cây đã dâng tặng cho đời tinh trầm và hương thơm, ngay cả khi nó không còn tồn tại bằng thân trầm xanh tươi. Thật mầu nhiệm! Từ ngày vào tăng thân, được xuất gia, tu học cùng gia đình mang tên Trầm Hương, hình ảnh và cách sống của cây trầm đã soi sáng tinh thần sống và phụng sự của sư em. Theo thời gian, gia đình mình đã đi qua bao khó khăn, có mặt hết lòng để đóng góp cho tăng thân và xã hội bằng nhiều hình thức. Sư em thấy “tinh thần trầm hương” luôn biểu hiện trong mỗi anh chị em chúng mình. Lúc khó khăn hay hạnh phúc, sư em luôn cảm nhận và ý thức sự có mặt của các sư anh, sư chị cho mình. Sức mạnh tinh thần của tình huynh đệ đã thắp sáng mỗi bước đi của sư em.

Sư em thường được nghe đại chúng “tưới hoa” gia đình mình: các sư anh, sư chị sống, đóng góp trong tăng thân, hành xử với nhau và với người thân của nhau cũng như với các vị thiền sinh rất đẹp. Sư em rất được nuôi dưỡng và nguyện sống, thực tập để xứng đáng làm sư em của các sư anh, sư chị, làm người con mà Thầy đã sinh ra từ tuệ giác, thân giáo và khẩu giáo của Thầy.

Thỉnh thoảng, hạt giống cùng tử đi lên khiến đôi lần sư em cũng muốn ra đi, nhưng làm sao sư út Trầm Hương có thể biến mất được khi lòng tri ân và tình thương kính của sư em với tăng thân, với quý sư anh, sư chị đã trở thành chất keo sơn. Ngoài gia đình cây Trầm Hương mình ra, sư em vẫn còn những sư anh, sư chị, sư em đáng kính và dễ thương khác nữa mà. Sư em thấy mình may mắn có Thầy và các anh chị em dễ thương, vì vậy sư em muốn các sư em sau này cũng được may mắn như mình. Khi không có Thầy bên cạnh thì cũng còn có các sư anh, sư chị đáng kính, bao dung, nhân từ, thuần hậu dìu dắt mình trong những lúc khó khăn hay cùng mình chia sẻ niềm vui, nỗi buồn…

Mười năm làm người xuất sĩ, hai mươi mấy năm có mặt trong cuộc đời này, sư em có nhiều cái thật ngốc và phải thực tập chấp nhận nó. Không biết khi nào sư em mới lớn khôn! Sư em từng nghĩ, sau này trở thành sư cụ lụm khụm nhớ lại mấy cảnh ngốc của mình chắc cũng sẽ bật cười. Bây giờ thầm nghĩ lại, đôi khi sư em cũng phải bật cười với những giây phút đó.

Sư em vẫn nhớ, mười mấy tuổi rồi còn gì, thế mà mỗi lần đi thăm phòng quý sư anh ngày Tết, được quý sư anh mời uống trà, sư em lại nói thích uống sữa. Thế là được các sư anh pha cho ly sữa nóng. Các sư anh ở mấy phòng thì sư em được bấy nhiêu ly sữa nóng. Lâu lâu còn được gửi cho cả lốc sữa nữa. Cho đến bây giờ sư em vẫn nhớ tới các sư anh và những ly sữa đó (ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa trên con đường thành đạo cũng nhờ bát sữa của nàng Sujata mà). Giờ thì sư em chỉ mong có nhiều cơ hội được chơi và cùng đi trên con đường đẹp cùng các sư anh, chỉ vậy thôi cũng vui rồi. Các sư anh đã chăm sóc, bảo hộ, nuôi dưỡng tinh thần và truyền kinh nghiệm sống cho sư em, có khi còn luyện và thử thách để sư em mạnh mẽ vượt qua những thứ sâu trong nội tâm mình. Các sư anh còn khuyên sư em không nên vướng vào tình cảm. Sư em chỉ mỉm cười thôi, nhưng trong lòng rất cảm kích trước sự bảo hộ của các sư anh. Sư em dặn lòng sẽ chăm sóc mình thật tốt, nhưng cũng tinh nghịch thầm nghĩ rằng chưa chắc các sư anh sẽ không thương ai mà lại đi dặn em mình. Những hành động và biểu hiện của các sư anh đều được sư em quan sát để học hỏi mà…

Và các sư chị là những người luôn gần gũi và sát cánh cùng sư em, nhất là khi sư em đi qua khó khăn. Có người thì âm thầm, có người thì từ xa, có người thì túc trực 24 giờ, buồn vui luôn có đó cho sư em, chia sẻ tâm tư cũng như sự thực tập, dạy cho sư em nhiều kinh nghiệm sống, chấp nhận những lúc sư em bướng bỉnh. Hồi đó, không hiểu tại sao sư em hay hát, hát chẳng ra đâu mà cứ muốn hát, gặp gì hát nấy như là muốn gom tất cả vào bài hát của mình, đôi khi làm các sư chị phải bực mình. Nhưng cái bệnh đó của sư em qua rồi! Sư em vẫn nhớ, có lần một sư chị dạy sư em nấu bánh canh. Sư em đâu có biết, cứ thử nấm rơm hoài, hết miếng này đến miếng khác rồi hỏi vì sao nó không mềm, chín thì nó phải mềm chứ? Sư chị cười rồi bảo nêm, sư em đâu biết bao nhiêu là đủ, nêm đại vào nồi, sư chị chỉ nhìn rồi cười. Sau đó nồi bánh canh mặn chằng. Sư chị nói đôi khi mình phải học từ thất bại của chính mình, chứ không phải chỉ qua lời của người khác. Hồi đó sư em thích ăn cơm cháy. Mỗi lần nấu cơm xong, có sư chị thường để phần một chút cơm cháy cho. Khi biết sư chị sẽ rời chúng, sư em nói: “Sư chị đi rồi sẽ không còn ai để phần cơm cháy cho sư em nữa”. Thế là sư chị khóc làm sư em cũng cảm xúc. Sư em buồn thiệt đó sư chị ơi! Sư chị có buồn không?

Khi có các sư anh, sư chị ra đi, sư em buồn lắm. Sư em đã từng nằm dài trên đơn, mắt nhìn lên trần nhà mà “quán chiếu sự đời”. Tuy còn có các sư anh sư chị khác bên cạnh cùng chung bước, nhưng sư em vẫn mang trong lòng nỗi buồn cho người ra đi. Sư em đã dùng rất nhiều thời gian thực tập và quán chiếu để vượt qua. Đôi khi sư em nghĩ sẽ không thèm chơi với ai nữa hết, không thương ai hết cho khỏe. Sự suy nghĩ ích kỷ và hẹp hòi ấy đã che mất con đường sư em đến với các sư anh sư chị và các sư em. Phải! Trong cuộc sống, đôi khi mình phải dùng tới nhiều phương tiện khác nhau như máy bay, tàu lửa, xe buýt để đi từ nơi này qua nơi khác… thì trong đời sống tâm linh cũng vậy, dù dưới những hình thức khác nhau, mình vẫn có thể chuyên chở sự sống cũng như hạnh phúc tự thân, chung tay làm đẹp và có mặt cho đời.

Sư em nhớ đến câu chuyện đã đọc ngày còn bé về nàng công chúa và mấy con ngỗng. Tuy người ta nói đó là câu chuyện cho con nít nhưng với sư em đó là một tuệ giác. Đôi khi sự đau buồn, sự ganh ghét tầm thường, sự ích kỷ, hay một hạt giống đáng thương trong tâm chính là mụ phù thủy biến chúng ta thành ngỗng bay đi, bay đi khỏi những người mình thương, bay đi khỏi những trái tim thương yêu bao dung và độ lượng. Những khi đó mình hành xử không dễ thương với người thương, người mình chưa thương, cũng như với chính mình…

Sư anh sư chị anh minh, bao dung, nhân từ là tương lai tươi sáng của các sư em! Đó là câu thần chú mà sư em đã học được từ sự đau khổ khi mất đi sư anh, sư chị, sư em của mình. Và nó cũng giống như vị thiên thần luôn nhắc sư em cách sống, cách đối nhân xử thế. Đôi khi chỉ cần một bàn tay nhẹ nhàng cũng có thể cứu vớt và mở được lối đi, tiếp thêm năng lực và ánh sáng trong tâm để các sư em đi tiếp trên con đường tốt đẹp, cho các sư em những cơ hội chuyển hóa và thay đổi. Các sư anh, sư chị luôn kiên nhẫn, chờ đợi, hy vọng, nâng đỡ các sư em và các sư em luôn hạnh phúc được lớn lên và chuyển hóa trong tình thương, trí tuệ của các sư anh sư chị. Không ai mà không từng làm con, làm em, làm anh hay làm chị. Chỉ một giây phút không suy xét là mình đã có thể mất đi em mình, anh mình, chị mình. Sư em đã học được tầm quan trọng của suy nghĩ, lời nói hay hành động qua kinh nghiệm sống của người khác cũng như của chính mình.

Thầy từng dạy sư em: thực tập đúng với vị trí của mình, như là một sư em ngoan hay một sư chị dễ thương, cũng là đang xây dựng tăng thân. Thầy thường hỏi sư em: “Con có biết con có bao nhiêu sư anh, sư chị và sư em không? Con phải biết là mình có bao nhiêu”. Câu nói ấy rất quan trọng. Thật may mắn khi được làm em để khi khó khăn hay đau khổ thì có các anh chị ở đó để chia sẻ. Nghĩ đến điều đó là sư em cảm thấy vô cùng biết ơn. Thỉnh thoảng nếu như các sư anh, sư chị có khó khăn, buồn khổ thì không biết ai sẽ làm người cho các sư anh, sư chị chia sẻ. Sư em mong rằng khi đó các sư anh, sư chị sẽ đi chơi với các sư em. Tình huynh đệ trong tăng thân mình rất đẹp, chúng ta cùng tu, học, chơi và làm việc với nhau. Mình góp phần sáng tạo cho cuộc đời này thêm tươi đẹp, muôn màu muôn vẻ, nhưng không mất đi phẩm chất của người xuất sĩ.

Sư em thấy mình cũng còn bướng bỉnh, thỉnh thoảng hơi ngang và cũng không phải là người toàn hảo. Chính vì vậy mà sư em có nhiều vấp ngã và nhờ đó đã lớn lên. Niềm vui khi học được từ những vấp ngã đó đối với sư em rất thâm sâu và nó thấm vào tinh thần sống của sư em. Đôi khi sư em nghĩ đó là niềm vui của đời người. Sống trong cuộc đời và thực tập trong tăng thân, sư em ý thức là mình có rất nhiều cơ hội để lớn lên, để chuyển hóa và đóng góp cho đời. Mọi thứ đều trở thành cơ hội trong tình thương và trí tuệ của Thầy, của các sư anh, sư chị cùng các sư em. Có những lúc sư em ra trước đại chúng hay đi qua những giai đoạn khó khăn, sự sợ hãi khiến sư em thở không nổi. Trong hoàn cảnh đó, hình ảnh tập đi lúc bé hiện lên, chập chững trong vòng tay của ba mẹ và cố gắng hết sức mình, dù đôi khi té ngã nhưng tiếp tục đứng lên đi tiếp, thế là đi được. Hiện tại sư em cũng là em bé đang tập đi. Sư em thầm nói: “Các sư anh sư chị ơi! Sư em sẽ cố gắng và mỗi ngày sư em sẽ làm tốt hơn”.

Thập niên qua, rời cái nôi Bát Nhã đến môi trường đầu tiên là đất Tổ và hiện tại theo dòng chảy của tăng thân, sư em được nương tựa Thầy và tăng thân ở Làng. Đó là một cơ hội cho sư em lớn lên và nhìn rộng hơn để thấy “tứ hải giai huynh đệ”, trái đất là quê hương, anh chị em khắp chốn là anh chị em của mình. Đi đến đâu cũng thấy những người thân thương, giống như lời của một bài hát: “Đất cũng đẹp, cây cũng đẹp, sao đâu đâu cũng đẹp…”.

Các sư anh, sư chị kính thương! Nàng công chúa trong chuyện cổ tích đã dùng tình thương dệt nên những chiếc áo để cứu các anh của mình thoát hình ngỗng. Còn sư em thì với sự thực tập, đang cùng tăng thân chuyển hóa năng lực của mụ phù thủy để chúng ta sẽ không thành ngỗng bay đi khỏi những người mình thương, không mất đi cơ hội thực tập nuôi lớn tình thương và sự hiểu biết trong chính mình và trong tăng thân. Rồi thời gian cứ thoi đưa, mười năm, hai mươi năm hay bao lâu nữa, dù xa hay gần, chúng ta cũng sẽ tiếp tục hiến tặng cho cuộc đời cũng như có mặt cùng nhau trên “muôn ngàn nẻo sống”, trong muôn hình vạn trạng. Sư em rất hạnh phúc và may mắn được làm sư em của các sư anh, sư chị. Ngày có mặt trời, đêm có mặt trăng với muôn vàn tinh tú cùng chúng ta làm đẹp cuộc đời.

       Thương kính
  Sư út Trầm Hương
Chân Nguyệt Nghiêm