Người truyền lửa

Mỗi khi nghĩ đến Thầy, chắc hẳn ai cũng có kỷ niệm với Thầy, dù ít dù nhiều. Với tôi, kỷ niệm bên Thầy rất ít nhưng cũng đủ để cho tôi làm hành trang đi suốt cuộc đời tu học.

Dụng nhân như dụng mộc

Tôi biết câu danh ngôn này từ khi tôi còn rất bé vì bố tôi là một người thợ mộc khá tài ba. Dù những mẩu gỗ rất nhỏ bố tôi cũng dùng nó vào việc này, việc kia. Khi nào gỗ vụn quá, không thể làm gì được thì bố tôi mới cho xuống bếp để chụm lửa nấu cơm. Nhưng ngày đó, tôi nghe bố nói nhiều mà không thấy thấm thía gì hết, có thể vì tôi còn bé quá. Vậy mà khi nghe Thầy nói, dù chỉ một lần thôi cũng làm cho tôi nhớ mãi.

Đó là lần mà tôi cùng một vài sư chị, sư em mang cơm qua cho Thầy, và được ăn cơm cùng Thầy nữa. Khi dùng cơm xong, Thầy trò thường ngồi uống trà với nhau. Và đột nhiên Thầy hỏi tôi:

  • Này con, con có biết câu “dụng nhân như dụng mộc” không?

Không cần phải suy nghĩ, tôi trả lời:

  • Dạ, bạch Thầy, con biết.

Thầy nói tiếp:

  • Mình phải dạy các sư em mình như thế đó con.

Thực sự lúc đó, có thể Thầy nhìn thẳng vào mắt tôi, nhưng tôi thì đâu dám nhìn Thầy, tôi cứ nhìn xuống mặt bàn. Trong lòng tôi chợt đi lên câu hỏi: “Sao Thầy lại nói với mình như thế nhỉ, mình còn nhỏ xíu mà!” Bụng nghĩ vậy nhưng tôi đâu dám nói ra. Tôi chỉ: “Dạ!” mà thôi.

Cho đến hôm nay, đã hơn bốn năm kể từ ngày Thầy nói điều đó với tôi, tuy tôi chưa lớn thêm là bao nhưng tôi thầm hứa với Thầy rằng: Thầy ơi, con sẽ cố gắng làm những gì Thầy đã dạy. Con hiểu ra rằng một người thợ mộc giỏi là người biết sử dụng gỗ. Và với con, con sẽ đến chơi với các anh chị em của con nhiều hơn để hiểu thêm, để bớt đi những đòi hỏi này nọ nơi anh chị em và chấp nhận được những vụng về nơi người khác. Con đã hiểu ra rằng chúng con đến từ nhiều nơi trên thế giới, mỗi người có một tuổi thơ riêng, một hoàn cảnh riêng nên mỗi người có một tính cách riêng. Khi hiểu được như thế, con thấy tâm mình khoẻ hơn nhiều. Con cũng sợ rằng con nói thì dễ mà làm thì khó, nhưng con biết rằng chỉ cần có cố gắng thì mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp. Thầy và tăng thân luôn có mặt đó cho con. Nhìn lại, con thấy con đã có thật đông các sư em mà toàn là các sư em thật dễ thương. Con chưa phải làm gì cả Thầy ạ. Tuy nhiên câu nói đó của Thầy thì vẫn còn in đậm trong trí nhớ của con.

Cách làm vườn

Tôi còn nhớ rất rõ ngày hôm ấy. Đó là một ngày có mưa nhẹ. Tôi cùng quý sư cô qua Sơn Cốc để làm cỏ ngoài vườn và dọn dẹp việc này, việc nọ. Thầy rất thích hoa cúc đại đoá nên quý thầy, quý sư cô thường hay mua về để Thầy ngắm. Và khi hoa hết bông thì cần phải được trồng lại xuống đất. Nếu chăm sóc tốt thì hoa sẽ lại cho bông. Tôi được giao công việc này vì tôi cũng biết làm vườn chút ít.

Đang cuốc đất chăm chú tôi bỗng giật mình vì nghe tiếng Thầy ở đằng sau. Tôi buông cuốc, tháo bao tay ra và chắp tay chào Thầy. Thầy nhìn tôi và nói: Này con! Một người làm vườn giỏi cần phải biết cây nào cần nhiều nắng, cây nào cần ít nắng. Và mảnh vườn nhà mình, mình cũng cần phải biết chỗ nào có nhiều nắng, chỗ nào ít nắng. Có như thế mình mới biết cách để trồng cây cho hợp lý… Tôi biết Thầy đang nhìn mình để nói nhưng tôi cứ nhìn xuống đất, chẳng dám nhìn Thầy. Sau khi nói xong Thầy đi thiền hành quanh vườn. Tôi lại tiếp tục làm công việc của mình. Giờ nghĩ lại tôi thấy hơi tiếc. Sao lúc đó tôi không buông công việc ra để mà đi thiền hành cùng Thầy nhỉ? Nhưng tôi lại tự an ủi là tôi đã được Thầy dạy cho một bài học đơn giản mà thâm thúy.

Là một người tu, tôi cũng là một người làm vườn. Tôi tự nhắc mình rằng không nên sợ những khó khăn. Hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đón nhận những khó khăn khi nó đến. Giống như một mảnh vườn, phải có cỏ, có hoa và có rác. Một người làm vườn giỏi là người biết chuyển hoá rác đó thành phân hữu cơ để bón cho cây. Những tâm hành không dễ thương luôn có trong mình, giống như là cỏ; và một người làm vườn, nếu muốn cho khu vườn của mình không có cỏ thì cần phải nhổ cỏ mỗi ngày. Nếu là loại cỏ mọc từ rất sâu dưới lòng đất (quê tôi gọi đó là cỏ gừng) mà mình cứ nhổ mỗi ngày thì cỏ đó cũng bị “thối chí” mà dần dần biến mất.

Sống trong đại chúng, tôi nhận thấy rất rõ rằng đại chúng luôn cho mình không gian và cơ hội để thực tập. Đại chúng luôn chấp nhận và tha thứ nếu như mình lỡ gây ra lầm lỗi và biết nhận lỗi để sửa chữa. Những nội quy mà đại chúng đã đưa ra, tôi thấy đó không phải là những điều cấm cản. Đó là hàng rào vững chắc bảo vệ tôi. Cũng như một mảnh vườn, nếu không có hàng rào bảo vệ thì mảnh vườn đó sẽ bị tàn phá bởi những nguyên nhân ngoài ý muốn. Tôi nhớ mảnh vườn nhà tôi ngày trước, bố tôi đã trồng rất nhiều cây bao quanh để làm thành hàng rào bảo vệ. Nhưng bố tôi cũng phải thường xuyên cắt tỉa để hàng rào đó được đẹp và gọn gàng.

Càng ngẫm nghĩ tôi càng thấy biết ơn Thầy vô cùng.

Giữ bếp lửa hồng

Bên Sơn Cốc, ở góc vườn có một nơi đốt lửa. Khi nào chúng tôi qua, nơi ấy lại tiếp tục có một đống lửa hồng.

Ngày Thầy còn khoẻ, Thầy trò thường hay ngồi quây quần cùng nhau bên đống lửa hồng ấy và Thầy kể cho chúng tôi nghe bao nhiêu là chuyện. Mỗi câu chuyện Thầy kể đã nuôi dưỡng chúng tôi rất nhiều. Bây giờ đây, tôi lại kể cho các sư em nghe mỗi khi có dịp. Và chúng tôi cũng áp dụng liền những chuyện Thầy đã kể. Ví dụ như chuyện hồi Thầy còn làm điệu, Thầy thường cùng huynh đệ nướng măng chấm muối tiêu ăn. Mỗi khi qua Sơn Cốc, tôi cũng không thể nào bỏ qua cơ hội hiếm hoi này nếu như có dịp. Và quả thực, mình dù lớn nhưng vẫn thích những thú vui khi còn ấu thơ, dù cho đó là một điều vô cùng đơn giản. Tôi chợt hiểu ra rằng Thầy cũng muốn các con của mình được nuôi dưỡng khi nghĩ về tuổi thơ nên có bao nhiêu chuyện là Thầy kể hết cho các con nghe.

Hiện giờ, Thầy đang ở Làng Mai Thái Lan, nhưng các con của Thầy ở đây vẫn cùng nhau giữ gìn bếp lửa hồng ấy. Những ngày dành riêng cho xuất sĩ, dù là ở xóm Thượng, xóm Mới hay xóm Hạ thì vẫn có một đống lửa hồng được đốt lên, và anh chị em chúng tôi ngồi quây quần bên nhau. Nhiều khi chỉ có mấy cái bánh tráng nướng thôi, mà sao vui quá. Đúng là hạnh phúc của người tu. Giản đơn nhưng mà sao sâu lắng quá.

Tôi cảm thấy rằng Thầy đã trao cho mỗi người con một ngọn lửa hồng rồi. Và tôi thấy rất rõ sự tiếp nối của Thầy nơi mỗi một người huynh đệ. Giờ đây, quý thầy, quý sư cô lớn thay Thầy dạy dỗ các sư em và cho pháp thoại. Những khoá tu lớn vẫn thành công tốt đẹp bởi vì tăng thân đã làm việc chung với nhau trong tinh thần “Ý hoà đồng duyệt” và đại chúng luôn nhắc nhở nhau là hãy “Đi như một dòng sông”.

Tôi cũng có một bếp lửa hồng nho nhỏ trong tim nhưng tôi tin chắc rằng tôi sẽ không giữ được nó nếu như không có tăng thân. Ngày còn nhỏ tôi đã phải nấu cơm cho cả gia đình và tôi biết rất rõ rằng nếu củi chỉ có một cây thì không thể nào nhen lửa được để nấu cơm. Và muốn cơm được ngon thì tôi phải lo giữ lại than hồng để sau đó ủ cơm. Điều này không phải tự nhiên mà tôi biết. Tôi đã được bố mẹ chỉ dạy rất nhiều từ bao nhiêu ngày trước. Khi chắc chắn là tôi biết nấu cơm thì bố mẹ tôi mới yên tâm đi làm đồng để tôi hoàn toàn tự lo liệu. Những bữa nào tôi nấu cơm ngon thì bố mẹ tôi đều khen để khích lệ. Cũng có bữa, chẳng may tôi nấu cơm bị dở, bố tôi đều chỉ ra cho tôi thấy nguyên nhân vì sao để lần sau tôi không  lặp lại. Tôi thầm biết ơn bố mẹ tôi rất nhiều.

Hôm nay đây, tôi đang cùng tăng thân chung tay để giữ bếp lửa hồng mà Thầy đã dày công tạo dựng. Tăng thân luôn là nơi để cho tôi quay về nương tựa, như lời Thầy đã dạy: “Có con cho nên mới có Thầy. Có một bếp lửa để khi mình đi đâu thì nhớ về. Thầy trò mình hãy chăm sóc bếp lửa hồng để bếp lửa còn cháy mãi, cho mình và cho bè bạn.” (Pháp thoại của Thầy, Giáng sinh 2012).

Chân Chuẩn Nghiêm