Chào tuổi trẻ tôi

Sư cô Trăng Hồ Sen xuất gia trong gia đình cây Hoàng Yến ngày 12.05.2016 tại Làng Mai Thái Lan, sau thời gian tập sự tại Diệu Trạm. Mười tám tuổi, cái tuổi mà ở bên ngoài ai cũng vạch ra cho mình một hướng đi và theo đuổi sự nghiệp cho tương lai với bao kỳ vọng của chính mình và gia đình, sư cô đã chọn con đường xuất gia, gia nhập vào gia đình Áo nâu. Là một người tu trẻ, sư cô đã thực tập và trải qua những thử thách đầu đời tu thật thú vị.

Tuổi trẻ vào chùa

Tuổi trẻ tôi vào chùa khi lên mười tám. Hai năm rồi, sao tôi lại vào chùa với cái tuổi này nhỉ? Tôi thích đàn, thích hát, thích thể thao và nhất là tôi không thích sống cuộc đời đã được lập trình sẵn: học, đi làm, lấy chồng, sinh con, chăm con… Nhiều người tuổi trẻ như tôi đồng ý với nhau rằng cuộc đời đã lập trình sẵn như vậy. Con người vốn dĩ phải bận rộn như vậy, nhưng tôi không chấp nhận, không thích cuộc sống đó. Tôi muốn cuộc đời mình ý nghĩa hơn. Mười tám tuổi, tôi nghĩ có thể mình sẽ trở thành giáo viên để có thể trao truyền những ý nghĩa cuộc đời lại cho thế hệ tương lai như thầy cô của tôi đang làm. Nhưng tôi lại cũng thích đi đây đi đó.

Rồi tôi khám phá ra được một ước mơ mà ngày xưa tuổi thơ đã gởi gắm cho tôi. Tôi nhớ lại những lời hỏi đáp giữa tôi và bạn bè lúc nhỏ:

– Ê, lớn lên mày muốn làm gì?
– Tao chắc chắn sẽ là một sư cô, tao sẽ đi tu.


Nói rồi tôi bật cười thiệt to. Tuổi thơ tôi cũng thường xem phim siêu nhân, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn làm nữ anh hùng, tuổi thơ tôi chỉ thích đi tu thôi. Hồi đó, tôi thường theo ba mẹ đi chùa, thích mang những bộ quần áo thùng thình và thích những bước đi nhẹ nhàng của quý thầy. Trái tim nhỏ bé của tuổi thơ tôi đã cảm thấy thật bình an và ước chi mình cũng có thể đem lại sự bình an như vậy cho mọi người.

Tuổi trẻ tôi chỉ có sách vở, con chữ và con số. Mười tám tuổi, tôi bắt đầu nhận ra xung quanh tôi cuộc đời không phải đơn giản như vậy. Đằng sau sự đầy đủ và êm đềm mà ba mẹ cho chúng tôi là sự hy sinh và những lo lắng của ba mẹ. Đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, tôi tự hỏi mình sinh ra để làm gì và giúp được gì? Chọn lấy một ngành nghề rồi đi học và kiếm tiền, tuân theo quy luật cũ kỹ ấy hay sao?

Một lần nữa, mầu nhiệm thay, những bóng áo nâu lại xuất hiện trong cuộc đời tôi, mở ra một ngã rẽ hoàn toàn khác mà ngày xưa tuổi thơ tôi đã từng ao ước đến. Một nếp sống mà tôi có thể dành tặng cho tuổi thơ của mình và cả cho tuổi trẻ của tôi nữa. Mãi đến khi đi tìm ý nghĩa của cuộc đời mình tôi mới bắt gặp tuổi thơ tôi. Vậy là tuổi trẻ tôi vào chùa.

Tuổi trẻ ngơ ngơ

Lúc còn tuổi thơ, tôi có cái ngơ ngơ của tuổi thơ. Bây giờ tuổi trẻ, tôi có cái ngơ ngơ của tuổi trẻ. Một trong những cái ngơ ngơ của tôi là hay quên. Đầu của tôi hay suy nghĩ lung tung và chẳng nhớ mình đã làm gì, nói gì. Tôi cũng hay để đồ đâu quên đó. Quý sư mẹ bảo người trẻ ngày xưa khác với người trẻ bây giờ. Thì người trẻ lúc nào cũng mới mà! Mới đây thôi, tôi thưa với sư mẹ là tôi sẽ khất thực cho sư mẹ. Nhưng rồi tôi quên và đã bưng bát đi tuốt lên trai đường ăn cơm với đại chúng. Ăn xong tôi mới nhớ sư mẹ đang ở nhà đợi cơm. Tôi ơi!

Tôi có lúc như là con nít nhưng có khi lại y chang bà già. Lúc mới vào chùa, tôi được gọi là tuổi trẻ… già. Bởi những suy nghĩ và hành động của tôi so với các bạn đồng trang lứa có vẻ như chững chạc hơn. Thực ra cũng tại tôi xa nhà đi học từ nhỏ nên không được sống với tuổi thơ được ba mẹ chăm sóc nhiều nên tính tự lập trong tôi được biểu hiện. Nhưng cũng có khi hạt giống tuổi thơ trong tôi lại biểu hiện thật rõ. Càng ngày tôi càng thấy mình con nít hơn hay sao ấy. Ở trong chùa lạ ghê, tôi được học biết bao nhiêu thứ: học nấu ăn, học cách chia sẻ trước đại chúng, học nói, học cách làm việc và tổ chức các ngày Tết cho đại chúng như tết Trung Thu, tết Tây… Càng ngày tôi càng biết làm nhiều việc hơn nhưng càng ngày tôi thấy mình cũng con nít hơn. Chắc bởi trong những điều đã học, tôi được học trở về nương tựa nơi các sư chị, sư em của mình nữa. Trước giờ tôi cứ quen tự giải quyết mọi vấn đề của mình. Tôi muốn làm mọi thứ thật hoàn hảo, nhưng bây chừ tôi có các sư chị sư em đó, mỗi người làm một chút và tôi không cần phải lo lắng chi cả, tôi chỉ cần làm hết lòng thôi. Tôi đã từng rất sợ mình bị ngơ ngơ, sợ làm sai cho nên tôi mới hay suy nghĩ cách này cách khác để mình được hoàn hảo. Tôi đâu biết là khi mình làm sai thì sẽ được dạy bảo, được chỉ bày. Đại chúng luôn có mặt đó để soi sáng cho tôi. Vậy là tôi đã bớt già rồi.

Nhưng mà tôi vẫn cứ ngơ ngơ nhiều thứ. Tôi đã bảo rồi mà, tôi hai mươi sẽ không lặp lại những ngơ ngơ của tuổi mười tám nhưng vẫn có cái ngơ ngơ của tuổi hai mươi. Có nhiều điều tôi chưa biết thành ra cứ ngơ ngơ vậy mà hay. Ngơ ngơ để tuổi hai mốt, hai hai học nữa. Tôi thở và không băn khoăn nữa. Tôi sẽ sống hết lòng với cái ngơ ngơ của mình.

Tuổi trẻ là phải gào như thác

“Tuổi trẻ là phải gào như thác”. Giới sư của tôi dạy vậy đó. Mà tôi thấy đúng như vậy. Có đôi khi bước ra khỏi nhà vệ sinh, tôi chầm chậm xỏ dép vào, bước từng bước chân thật chánh niệm. Chợt tôi dừng lại, nhìn bên trái, nhìn bên phải và không có ai. Vèo! Năm giây sau tôi đã ở trước cửa phòng mình và khoái chí cười thích thú. Có khi tôi đang chải răng chầm chậm rất có ý thức. Bỗng nhiên thấy nguồn năng lượng trẻ trong tôi dư thừa quá. Vậy là tôi… xoẹt…xoẹt…xoẹt. Xong! Tất nhiên tôi vẫn bước đi thật chậm rãi một cách khoan thai, đặt ý thức xuống lòng bàn chân và thưởng thức sự chậm rãi của bước chân mình.

Tuổi trẻ là thác gào. Tôi đang có sức khỏe và tinh thần hăng hái. Tôi gào thét cả bên trong lẫn bên ngoài. Tôi nhận thức những gì đang xảy ra xung quanh và đón nhận những thử thách mới mẻ và học làm những điều chưa bao giờ làm. Nhưng thác cũng chỉ là một phần của dòng chảy. Tôi cũng có những khúc sông thật bình yên vì tôi có một khoảng không gian của tâm hồn để trở về.

Tuổi trẻ về nhà

Ba bệnh, tôi và chị gái của tôi là sư em Trăng Hải Chiếu được phép về nhà gấp. Trên xe tôi ngồi thật bình an thở cho ba. Ở chùa, đại chúng đang ngồi thiền và tôi cũng đang thở cùng đại chúng. Tôi phải làm gì khi về nhà đây nhỉ? Chiều hôm ấy, tôi vừa đi chợ về thì được báo tin ba bị tai nạn và tôi cần đi liền, chẳng kịp chào quý sư cô vì sợ trễ xe. Tôi cũng không có giờ để được quý sư cô dặn dò sự thực tập khi về nhà, quý sư cô chỉ dặn qua một mình chị gái của tôi. Tôi chưa biết phải làm gì cả, chỉ có mặt với hơi thở thôi.

Vào bệnh viện gặp ba, tôi chắp tay búp sen và ba cũng làm vậy. Ba tôi đang nằm, mắt rưng rưng khi nhìn chị em tôi. Mắt tôi cũng ướt theo, tôi thật “mít ướt” nhưng chỉ chút xíu thôi, tôi và ba cùng trở về với hơi thở.

Mẹ bảo hai chị em tôi về nhà cho yên vì ở bệnh viện đông người và hơi xô bồ, cảnh bệnh nhân đau ốm khổ sở, cộng thêm người nhà của bệnh nhân khắp nơi đông đúc, mẹ nghĩ cảnh ở bệnh viện không hợp với chị em tôi. Tôi thấy hơi ấm ức, giá mà tôi không đi xuất gia, chỉ là một đứa con bình thường ở nhà thì tôi có thể ở lại giúp mẹ chăm ba. Tôi nhất quyết không chịu và giải thích cho mẹ hiểu, xin mẹ đừng bọc chị em tôi kỹ quá như vậy. Ở chùa quý sư cô đã dạy phải tiếp xúc với những khổ đau bên ngoài để trân quý hơn những bình yên trong tu viện. Chính tôi cũng ý thức được rằng những kinh nghiệm khó khăn sẽ giúp cho sự tu học của tôi rất nhiều, mẹ có thể tin ở chị em tôi.

Thời gian đó, tôi và chị tôi đã đem hết những gì mình đã được học và thực tập ra áp dụng. Tôi thực tập thiền hành dù chỉ vài bước chân thôi. Tôi chế tác ra năng lượng bình an để gởi cho ba mẹ trong mỗi món ăn tôi nấu. Từ từ, bóng áo nâu xuất hiện trong bệnh viện trở nên quen thuộc. Tôi thấy bình an hơn khi ở bên cạnh ba mẹ. Tôi hát cho ba nghe, tôi cười và cảm nhận được năng lượng bình an của tôi có mặt.

Tuy nhiên, trong cái đầu mới lớn của tôi có nhiều câu hỏi đặt ra. Một người trẻ đi tu có thể giúp được gì cho gia đình mình? Tôi cứ thở với công án đó. Về nhà, dù đã là một sư cô, tôi vẫn như hồi xưa, vẫn cứ nhe răng cười với bất cứ ai đang nhìn tôi. Nhờ đi tu tôi giữ được nụ cười ấy (chứ ở ngoài lắm khi người ta lại bảo mình cười vô duyên). Nhưng tôi cảm thấy bản thân mình vẫn chưa đủ lông đủ cánh. Tôi vẫn chưa giữ được sự bình an khi về nhà, tôi chưa giúp được gì nhiều cho ba mẹ. Tôi thấy thương ba mẹ lắm và ước chi mình có thể san sẻ được những lo lắng, buồn tủi của ba mẹ. Có lẽ công phu tu học của tôi chưa đủ, nhất định tôi sẽ trau dồi thêm phẩm chất chánh niệm trong tôi. Điều lớn nhất tôi có thể đem đến cho ba mẹ là sự bình an và hạnh phúc của mình.

Câu chuyện tuổi trẻ đi tu của tôi chẳng bao giờ kết thúc.

Đôi khi tôi cũng cần được nghỉ ngơi. Khi đặt lưng nằm xuống, tự thấy mình đã học và làm việc rất hết lòng nên tôi cũng cho phép mình nghỉ ngơi đôi chút. Tôi có được bao nhiêu thời gian? Tôi được quý sư cô nhắc nhở rằng tuổi trẻ sẽ đi qua nhanh lắm. Tôi có hết lòng với tuổi trẻ của mình hay chưa? Tôi thực tập, học hành, làm việc và chơi đã hết lòng và đã học thương hết lòng chưa?

Tôi từng nghĩ và muốn nói với chính tôi rằng tôi đã làm rất tốt mọi thứ với khả năng của tôi đang có. Thỉnh thoảng tôi vẫn sợ hãi, vẫn mặc cảm tự ti và thậm chí còn kiêu ngạo và tự hào nữa cơ. Nhưng những cái đó là tôi. Tôi cũng có niềm tin, có ý chí và tôi có tuổi trẻ. Những khúc sông êm ả hay những khúc sông thác gào cũng chính là tôi. Tôi hãy cứ thở, cứ thưởng thức con người của tôi để những điều tốt đẹp được hình thành và lớn lên trong chính tâm hồn tôi.

Chào tuổi trẻ tôi!

Chân Trăng Hồ Sen