Làng Mai năm qua

Kính thưa quý vị thân hữu,

Khi lá thư này đến tay quý vị thì tại Làng Mai, khóa An cư kiết đông 2017 – 2018 vừa kết thúc viên mãn vào ngày 12.2.2018 trong tiếng chuông trống Bát Nhã trầm hùng. Đại chúng gồm 209 xuất sĩ và 116 cư sĩ đã cùng an trú và tu tập trong 90 ngày với tâm niệm hết lòng làm mới sức khỏe tâm linh cũng như thể chất để có thể đi tới trên con đường tu tập và độ đời. Những bài pháp thoại của quý thầy, quý sư cô giáo thọ với chủ đề “Bảy yếu tố giác ngộ” đã mang lại cho đại chúng rất nhiều cảm hứng để đào sâu sự thực tập của mình.

Trước lễ Tự tứ một vài ngày, đại chúng được thăm và thưởng thức chợ hoa do các sư cô xóm Mới tổ chức, rồi cùng quây quần bên nhau gói bánh chưng, bánh tét. Trong lúc đó thì Ban biên tập cũng đang nỗ lực để Lá Thư Làng Mai được ra đời đúng vào dịp Tết Mậu Tuất, làm món quà tinh thần gởi đến tất cả mọi người trong dịp đón chào năm mới.

Sau đây chúng tôi xin lược thuật những gì xảy ra trong năm 2017:

Niềm vui trên đất Thái

Thế là một năm đi qua thật mau! Cuối năm 2016, Sư Ông Làng Mai bỗng có tuệ giác cần phải về vùng ấm áp Thái Lan để chữa bệnh. Mười bảy thị giả đã đi theo Sư Ông. Cả vùng Đông Nam Á bỗng bừng lên hy vọng và hạnh phúc vì sẽ được gặp mặt Sư Ông. Số lượng các sư cô, sư chú xuất gia trong gia đình cây Mai Vàng (ngày 14.12.2016) bỗng đông hơn…

Mới về tới tu viện Làng Mai Thái Lan, ban thị giả quá ngạc nhiên vì mảnh đất toàn là đá nằm trên núi Khao Yai mà Làng mua được năm 2013 nay bỗng tươi tốt, đông vui với nhiều cây xanh, nhà ở và 200 xuất sĩ.

Xóm Trời Quang là xóm của quý thầy gồm: cư xá dành cho quý thầy, được thiết kế theo hình vuông, ở giữa là một thiền đường nhỏ. Bên cạnh là một nhà trà để tiếp khách và một dãy nhà dành cho cư sĩ nam.

Xóm Trăng Tỏ là xóm của quý sư cô gồm: hai cư xá, kiến trúc cũng giống tăng xá của các thầy; một nhà cư sĩ nữ cất tạm bằng lá, có thể chứa tối đa là 72 giường. Ngoài ra, còn có 2 khu đất rộng để căng lều. Tổng cộng khoảng 400 chỗ cho cư sĩ nữ.

Khi Sư Ông vừa tới Thái Lan thì Phật tử Việt Nam ùn ùn kéo sang Thái. Các sư cô “hết hồn” thấy đồng bào sẵn sàng ngủ trong những khu lều lót bằng bạt nylon, bên dưới cũng là bạt nylon mỏng tanh và trên đó sắp san sát các tấm nệm dày 5 cm, rộng 80 cm và dài 1,80 mét. Các cư sĩ nữ nằm san sát nhau trong một cái mùng dài 10 mét và bề ngang là 2 mét. Thế là 10 bác ngủ chung một mùng. Thấy thương quá đi! Ban tri khách thấy các bác cực khổ cũng nóng ruột, nên giăng thêm mùng dài cho các bác trong các thiền đường nhỏ bên trong mỗi cư xá, cũng có thể được thêm 30 người. Các sư cô đi thương thuyết với các resort chung quanh để tìm chỗ cho các bác trai, nhưng các bác trai rầu lắm, nói ở đó không phải chỗ tu hành, dù resort cho ăn chay nhưng không được ngồi thiền mỗi sáng sớm, không được nghe quý thầy và quý sư cô tụng kinh nên cũng xin cắm lều trong tu viện.

Tóm lại, 700 thiền sinh cư sĩ đã cùng về tu tập với hơn 200 quý thầy, quý sư cô (200 xuất sĩ thường trú và 100 quý thầy, sư cô từ Việt Nam, Hồng Kông, Úc…) Ôi chao là vui! Thường thường cứ hai phòng ngủ (3 – 6 người chung một phòng) thì có một phòng ở giữa dùng làm phòng học hay là nơi để huynh đệ uống trà chung với nhau. Nhưng mỗi cư xá đành chịu mất phòng học nên 30 sư cô khách mới có chỗ ở tạm.

Theo thiết kế ban đầu, căn nhà hiện giờ được dùng làm nhà ăn (ở tầng dưới) và thiền đường (ở tầng trên) là chỉ dùng làm nhà ăn mà thôi. Nhưng vì nhu yếu sinh hoạt của tu viện nên quý thầy, quý sư cô đã quyết định lấy phần bên trên nhà ăn dùng làm thiền đường cho hai xóm, có ban-công hai bên để có thể chứa 350 người. Ở nhà ăn bên dưới cũng có loa để cho khoảng 700 thiền sinh có thể nghe pháp thoại. Kế nhà ăn là nhà bếp lớn chung cho hai xóm, còn nhà khất thực để đại chúng lấy thức ăn thì chưa kịp xây.

Đầu năm 2017, mới tháng Hai mà khóa tu cho đồng bào người Việt vào tháng Sáu đã hết chỗ nên các anh chị trong tăng thân cư sĩ ở Sài Gòn có đề nghị làm khóa tu tại một resort ở Bình Phước, không xa thành phố Hồ Chí Minh và có rất nhiều không gian. Nhưng đồng bào vẫn thích đi Làng Mai Thái hơn, dù biết không có chỗ. Cuối cùng ban tổ chức đành xin lỗi, hủy bỏ khóa tu ở Việt Nam. Khóa tu ở Làng Mai Thái hết chỗ đã lâu, nhưng người Việt vẫn có câu châm ngôn chật bụng chứ không chật nhà nên khóa tu cho 600 người mà vẫn “nhét” được cả ngàn người.

Khóa tu xuất sĩ “Cùng nhau chúng ta là một” tại Làng Mai, Pháp  (từ ngày 19.2 đến ngày 02.3)

Đã thành thông lệ, sau An cư kiết đông, tăng thân xuất sĩ ở Làng lại tập họp về xóm Thượng để tham dự khóa tu xuất sĩ. Năm nay, khóa tu xuất sĩ Cùng nhau chúng ta là một (Together We Are One) diễn ra trong 12 ngày, với gần 250 xuất sĩ từ ba xóm của Làng Mai, Thiền đường Hơi thở nhẹ (Paris) và Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB), Đức. Đại chúng rất hạnh phúc bởi sự có mặt của quý thầy, quý sư cô lớn từ khắp nơi về tham dự, như thầy Pháp Ấn, thầy Pháp Khâm, sư cô Chân Đức, sư cô Diệu Nghiêm, sư cô Giác Nghiêm… Đây thực sự là một ngày hội của gia đình Áo nâu.

Những bông hoa thủy tiên đã nở vàng ở Pháp thân tạng như hòa chung niềm vui với các vị xuất sĩ! Thật là ấm áp và nuôi dưỡng khi 250 xuất sĩ cùng tọa thiền trong buổi sớm mai, cùng thiền hành trên những con đường mòn dẫn xuống Sơn Hạ. Dù không có Sư Ông ở Làng nhưng ai cũng cảm nhận được sự có mặt của Sư Ông nơi từng hơi thở, từng bước chân cẩn trọng của mình. Khóa tu cũng là cơ hội để đại chúng mở lòng chia sẻ những băn khoăn, thao thức trên bước đường thực tập, cùng lắng nghe kinh nghiệm giữ lửa của các sư anh, sư chị đi trước, cùng vui chơi trong giải bóng đá PV Cup và đêm văn nghệ “miệt vườn”, rồi cùng thưởng thức Lễ hội hoa thủy tiên trong nắng ấm đầu xuân… Năng lượng nhẹ nhàng, tươi vui và đầm ấm của gia đình tâm linh trong khóa tu xuất sĩ đã tạo hứng khởi và tiếp thêm năng lượng cho tất cả mọi người trong đại chúng.

Trong khóa tu xuất sĩ cũng đã diễn ra lễ Truyền đăng cho 10 vị tân giáo thọ. Thầy Pháp Ấn và sư cô Chân Đức thay mặt Sư Ông và tăng thân trao đèn và kệ truyền đăng cho các vị tân giáo thọ.

Thầy Thích Chân Đức Tạng
(Peter Quốc Tuấn Trang; Pháp danh: Trung Lý)

Giới đức vun bồi vô tận tạng
Ngàn năm thơm mãi vẫn còn vương
Mỗi phút chăn trâu là vô giá
Chỉ quán trong tay mọi nẻo đường.
Thầy Thích Chân Pháp Kim

(Nguyễn Vũ Hoàng, Pháp danh: Tâm Hoà Niệm)

Pháp bảo kim cang tối thượng thừa
Tương ưng hành giải chẳng nhặt thưa
Rút gươm trí tuệ nhờ tay khéo
Chém sạch duyên trần rộng lối xưa.

Sư cô Thích nữ Chân Thúy Nghiêm
(Nguyễn Thị Mỹ Lý; Pháp danh: Tâm Nguyên Trung)

Như chơn thâm thúy kim ngôn
Nghiêm từ tánh giới sống còn ở đây
Vào dòng địa xúc phút giây
Tương dung lui tới chốn này rong chơi.
Sư cô Thích nữ Chân Khuyến Nghiêm
(Ralu Mó Tuyết; Pháp danh: Tâm Thanh Tú)

Chim hót ca vang điều khuyến thiện
Bàn tay từ ái cõi tịnh nghiêm
Công phu vốn sẵn đầy châu ngọc
Gấm thêu dâng tặng khắp mọi miền.

Sư cô Thích nữ Chân Trưởng Nghiêm
(Phạm Thị Ngọc Sương; Pháp danh: Lệ Phước)

Trưởng dưỡng nguồn tâm từ Pháp Võ
Trang nghiêm Bát nhã diệu âm vang
Thân đâu tâm đó là nguồn sống
Tự tại vào ra cửa Lạc bang.

Sư cô Thích Nữ Chân Lực Nghiêm
(Emmanuelle Macaud; Pháp danh: Tâm Chân Lạc)

The power of love and understanding
Is like Spring Rain beautifying Mother Earth
Life is music we make together
Removing all ideas of you and me.
Sư cô Thích nữ Chân Diễn Nghiêm
(Bùi Thị Lệ Thu; Pháp danh: Tâm Phước Tuệ)

Cõi Bụt diễn hiện ngay cõi này
Uy nghiêm an tịnh từng phút giây
Ba nghiệp tỏa sáng hương thơm ngát
Tiếp nối tổ tông pháp hiển bày.

Sư cô Thích nữ Chân Hào Nghiêm
(Nguyễn Thị Mộng Mơ; Pháp danh: Tâm Phước Hà)

Nụ cười chánh niệm tỏa hào quang
Trang nghiêm chiếu rọi khắp mười phương
Công phu giới định trình thật tướng
Ước nguyện năm xưa đã tận tường.
Sư cô Thích nữ Chân Kế Nghiêm
(Đặng Thị Thu Duyên; Pháp danh: Tâm Quang Tiến)

Kế thừa sự nghiệp của Như Lai
Nghiêm minh tu học đức lẫn tài
Bước chân thanh thản cùng sông núi
Trăng sao mở hội đón ngày mai.

Sư cô Thích nữ Chân Huấn Nghiêm
(Nguyễn Thị Kim Nhung; Pháp danh: Tâm Diệu Ngộ)

Nương lời giáo huấn nghiêm minh
Công phu cần mẫn an bình nội tâm
Tình thương chuyển hóa tình thâm
Trăng khuya vằng vặc khói trầm nhẹ bay.

Đại giới đàn Tánh Thiên (từ ngày 21 đến ngày 25.02.2017, tại Làng Mai Thái Lan)

Cùng thời gian diễn ra khóa tu xuất sĩ tại Làng Mai Pháp thì tại Làng Mai Thái Lan đã diễn ra Đại giới đàn Tánh Thiên với sự chứng minh của Sư Ông Làng Mai. Đại giới đàn đã cung thỉnh được quý Hòa thượng: HT. Thích Chí Mãn – Trú trì chùa Pháp Vân, Đà Nẵng; HT. Thích Huệ Ấn – Trú trì chùa Phổ Quang, Huế; HT. Thích Minh Cảnh – Viện chủ Tu viện Huệ Quang, Sài Gòn; HT. Thích Minh Nghĩa, Viện chủ Tổ đình Giác Nguyên, Sài Gòn; và quý Ni trưởng: NT. Thích nữ Lưu Phương – Trú trì chùa Liên Hoa, Nha Trang; NT. Thích nữ Lưu Phong – Viện chủ Ni viện Kiều Đàm, Sài Gòn; NT. Thích nữ Như Minh – Trú trì chùa Pháp Hỷ, Huế; NT. Thích Nữ Như Ngọc – Trú trì chùa Phước Hải, Sài Gòn vào Hội đồng truyền giới.

Với sự chứng minh của Sư Ông Làng Mai và chư Tôn đức, Đại giới đàn đã truyền các giới Tiếp hiện, giới Khất sĩ và Khất sĩ nữ. Có tất cả 23 vị thọ giới Tiếp hiện, 28 vị được thọ giới Khất sĩ và 30 vị thọ giới Khất sĩ nữ. Dù đang dưỡng bệnh, Sư Ông vẫn có mặt hết lòng trong lễ khai mạc cũng như trong lễ truyền giới Khất sĩ. Sự hiện diện vô hành của Sư Ông khiến cho chư Tôn đức cũng như tất cả đại chúng Làng Mai đều xúc động. Niềm vui thắp sáng trong từng ánh mắt, nụ cười của tất cả mọi người có mặt trong Đại giới đàn.

Trong Đại giới đàn cũng đã diễn ra lễ Truyền đăng vào ngày 23 và ngày 24 tháng 2. Dưới đây là những bài kệ truyền đăng do thầy Pháp Niệm, sư cô Chân Không và sư cô Đoan Nghiêm thay mặt Sư Ông và tăng thân trao cho 13 vị tân giáo thọ:

Thầy Thích Chân Pháp Hương
(Nguyễn Tâm Thành; Pháp danh: Tâm Hòa Phước)

Chân pháp nhất vị
Trụ giải thoát hương
Đẳng vô phân biệt
Nhập chúng y vương.
Thầy Thích Chân Giới Đức
(Nguyễn Phước Nhật; Pháp danh: Nhuận Bình)

Giới pháp Như Lai trao diệu dụng
Vô hành đạo đức tiếp nguồn xưa
Mỗi bước chân thơm lòng Tịnh độ
Hơi thở uyên nguyên một Phật thừa.
Sư cô Thích nữ Chân Chung Nghiêm
(Tống Thị Diệu Trang; Pháp danh: Diệu Hoàng)

Bàn tay của chân tình
Chung vui Tịnh độ sinh
Hơi thở và ánh mắt
Nghiêm tỏa rạng bình minh.
Sư cô Thích nữ Chân Phát Nghiêm
(Đoàn Thị Uyên; Pháp danh: Tâm Liễu)

Dương xuân trời đất nẩy mầm xanh
Quyết phát tâm bi khởi niệm lành
Xây dựng nghĩa tình qua ánh mắt
Nghiêm từ buông xả tưởng vô minh.

Sư cô Thích nữ Chân Quế Nghiêm

(Phan Nữ Bích Câu; Pháp danh: Tâm Thanh Quang)

Sừng sững trên núi cao

Quế thanh quế vẫy chào

Nghiêm minh và tri túc

Im lặng tình thâm giao

Sư cô Thích nữ Chân Diên Nghiêm
(Đoàn Thị Ánh Tuyết; Pháp danh: Tâm Nhật Thành)
Ngọn lửa chân truyền soi cảnh huyễn
Diên trường thọ mạng nhờ nghiêm đức
Một sáng biển đông bừng trang sử
Tỳ lô trăng rọi cửa song thư.
Sư cô Thích nữ Chân Cư Nghiêm
(Trần Thị Phượng; Pháp danh: Tâm Phước Quảng)

Vui nếp tĩnh trên thật địa
Thâm ân đáp trọn đạo uy nghiêm
Trước sau bền vững lời nguyện ước
Theo dòng nhập thế ngát hương thiền.
Sư cô Thích nữ Chân Đạm Nghiêm
(Phạm Thị Vy; Pháp danh: Tâm Quảng Pha)
Huyền Quang hiện áng mây thanh đạm
Hạt giống gieo trồng cõi tịnh nghiêm
Trái tim cam lộ nguyền tiếp nối
Giới tuệ chuyên cần tối chân nhân.
 
Sư cô Thích nữ Chân Tinh Nghiêm
(Nguyễn Thị Bé; Pháp danh: Tâm Quảng Hạnh)

Giới thân trọn vẹn tinh nguyên
Kho tàng pháp bảo thâm uyên trao rồi
Nghiêm trì hạnh nguyện cứu đời
Bước vào biển tuệ xa rời chốn mê.
 
Sư cô Thích nữ Chân Viên Nghiêm
(Lê Thị Tuyết Thư; Pháp danh: Tâm Diệu Như)

Nguyện xưa viên mãn, đức vun trồng
Giới thân nghiêm hộ, tuệ sáng trong
Buông hết thị phi ba nghiệp lắng
Tìm về thấy được tự tính không.
Sư cô Thích nữ Chân Trọng Nghiêm
(Lê Thị Minh Hoa; Pháp danh: Tâm Liên)

Chân Tăng kính trọng ở trong lòng
Nghiêm thường gieo rải hạt tịnh không
Cõi tâm trăng sáng hoa từ nở
Nụ cười nhẹ chớm chốn thong dong.
 
Sư cô Thích nữ Chân Lâm Nghiêm
(Đặng Thị Như Quý; Pháp danh: Tâm Nhuận Thủy)

Tùng lâm mỗi phút ươm hạt quý
Nghiêm mật từng giây tưới hạt bi
Mây lành dạo qua từ đỉnh núi
Chim hót thông đùa diễn pháp âm.
 

Sư cô Thích nữ Chân Hoàng Nghiêm
(Nguyễn Thị Hồng Âu; Pháp danh: Tâm Phước Hải)

Bửu tháp huy hoàng rạng tổ tông
Tài bồi nghiệp tuệ nghiêm trời đông
Gió sớm mây chiều tuyên Bát nhã
Cơ duyên đốn ngộ cứ thong dong.
 

Khóa tu tiếng Pháp (từ ngày 10.04 đến ngày 17.04.2017)

Năm nay, dù không có Sư Ông ở Làng nhưng khóa tu dành cho người nói tiếng Pháp vẫn thu hút hơn 550 thiền sinh từ các nước Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ và Quebec (Canada) về tham dự. Thầy Pháp Khí cùng quý sư cô: Chân Không, Giác Nghiêm và Đào Nghiêm đã cho pháp thoại trong khóa tu về những chủ đề: sự thực tập trở về với hải đảo tự thân, chế tác những giây phút hạnh phúc trong đời sống hàng ngày, chăm sóc cảm xúc mạnh, cách thiết lập truyền thông trong gia đình… Thiền sinh cũng có cơ hội được đặt những câu hỏi trực tiếp với các vị giáo thọ trẻ: thầy Pháp Lưu, thầy Pháp Linh, sư cô Hài Nghiêm và sư cô Lực Nghiêm. Niềm vui và những chuyển hóa sau một tuần thực tập cùng tăng thân đã tạo cảm hứng cho hơn 100 thiền sinh tiếp nhận Năm giới để hành trì. Trong khóa tu này còn có lễ truyền 14 giới Tiếp hiện cho 21 vị, đây là niềm vui lớn của tăng thân Tiếp hiện ở Pháp cũng như các nước châu Âu.

Khóa tu tiếng Pháp vừa kết thúc cũng là lúc quý thầy, quý sư cô lớn trong tăng thân bắt đầu những chuyến hoằng pháp tại châu Âu ( Đức, Ý, Ireland, Hà Lan, Tây Ban Nha) và châu Á (Nhật Bản, Indonesia); ngoài ra còn có hai khóa tu tại Israel và Palestine.

Khóa tu dành cho doanh nhân (từ ngày 31.05 đến ngày 07.06.2017)

Đây là khóa tu thứ hai dành cho doanh nhân tại Làng Mai (lần thứ nhất là vào năm 1999). Quý thầy, quý sư cô Làng Mai cùng với tăng thân cư sĩ Work’ Inspir, Pháp đã phối hợp tổ chức khóa tu này. Tham gia khóa tu có 200 thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới: Bỉ, Đức, Anh, Ireland, Mỹ, Brazil, Mexico, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật… Tổ chức khóa tu dành cho doanh nhân cũng là thực hiện ước muốn bấy lâu của Sư Ông, đó là đem hạt giống của hiểu và thương vào trong lĩnh vực kinh doanh. Những bài pháp thoại trong khóa tu giúp cho thiền sinh thấy rằng sự thực tập không hề tách rời khỏi công việc chuyên môn của họ. Nếu muốn thay đổi thế giới, dù đó là thế giới kinh doanh hay bất cứ một lĩnh vực nào khác, trước tiên chúng ta cần phải trở về ngôi nhà đích thực trong chính tự thân, phải có khả năng kết nối với chính mình. Bất cứ hành động nào của người giám đốc hay nhà lãnh đạo cũng mang chữ ký của chính họ, vì vậy nếu họ không có sự chuyển hóa tự thân thì làm sao có thể mong giúp cho môi trường thay đổi.

Một thiền sinh, trước đây đã tham dự nhiều khóa tu chánh niệm, chia sẻ rằng đây là một khóa tu rất có ý nghĩa và đặc biệt nhất đối với anh. Anh đã đến khóa tu này với rất nhiều mong đợi bởi vì đó là lần đầu tiên anh được tu tập chung với những người cùng lĩnh vực. Anh đã học hỏi rất nhiều từ những bài pháp thoại, từ cách tổ chức khóa tu, thời khóa đến sự kết hợp làm việc chung rất hòa điệu như trong một gia đình của quý thầy, quý sư cô.

“Trong khóa tu này, không những tôi có cơ hội được thực tập những pháp môn thực tiễn, có thể áp dụng bất cứ nơi đâu (như thiền tọa, thiền hành, ăn cơm trong chánh niệm, lắng nghe sâu…) mà còn được học hỏi rất nhiều từ các bài pháp thoại có liên quan trực tiếp đến những nhu yếu trong công tác quản lý và tổ chức doanh nghiệp. Tôi cũng học hỏi từ những chia sẻ của các bạn thiền sinh khác. Tôi cảm thấy mình có nhiều sức mạnh trong vai trò lãnh đạo hơn bởi vì giờ đây tôi hiểu hơn về bản thân, về những nhu yếu và giá trị sống của chính mình” – một bạn thiền sinh đến từ Tây Ban Nha tâm sự.

Vào cuối khoá tu, có 70 thiền sinh đã tiếp nhận Năm giới quý báu trong sự chứng minh và yểm trợ của tứ chúng Làng Mai.

Khóa tu nấu ăn tại xóm Mới (từ ngày 31.5 đến ngày 7.6.2017)

Trong khi khóa tu doanh nhân diễn ra tại xóm Thượng và xóm Hạ thì tại xóm Mới cũng diễn ra khóa tu nấu ăn, với khoảng 160 thiền sinh về tham dự.

Các sư cô xóm Mới đã cho thiền sinh có cơ hội được đi “du lịch” ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, qua các món ăn được chọn để thuyết trình: cà tím kho (miền Bắc), bánh xèo (miền Trung) và hủ tiếu (miền Nam).

Món cà tím kho được sư cô Đàn Nghiêm trình bày rất khéo và đẹp. Món kho thì phải ăn với cơm nên sư cô đã hướng dẫn cho các bạn thiền sinh cách nấu cơm sao cho ngon, nhất là khi phải nấu cơm bằng bếp gas mà không phải là nồi cơm điện. Cà tím kho là một món khá đơn giản, dễ nấu, nhưng “bí quyết” để nấu ăn ngon mà sư cô chia sẻ với các bạn thiền sinh là năng lượng bình an, thương yêu mà mình chế tác trong khi cắt gọt và nấu ăn. Với “gia vị đặc biệt” này, món ăn sẽ ngon hơn rất nhiều.

Có một cô thiền sinh chia sẻ rằng cô đã chọn tham dự khóa tu nấu ăn mà không chọn khóa tu doanh nhân (diễn ra cùng thời gian đó tại xóm Thượng và xóm Hạ), mặc dù cô quản lý hơn 1000 nhân viên. Vậy mà trong khóa tu nấu ăn, cô đã học được cách điều phục cảm xúc, học chế tác niềm vui, bình an… qua những bài pháp thoại, những buổi thiền tọa, thiền hành, ăn cơm chánh niệm,… Và cô mong muốn chia sẻ lại với nhân viên của cô những gì cô được học từ Làng Mai.

Dù là khóa tu nấu ăn nhưng có rất nhiều thiền sinh nam về tham dự. Có người về một mình, cũng có người về cùng vợ hay bạn gái của mình. Cả hai người không chỉ học nấu ăn mà còn học cách làm sao để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Có một em gái, còn rất trẻ, trước khi về tham dự khóa tu em vẫn còn hút hơn hai mươi điếu thuốc mỗi ngày. Vậy mà không ngờ, về tới Làng, nhờ sự thực tập và năng lượng bình an, tươi vui của đại chúng mà em đã bỏ thuốc được. Em chia sẻ điều này trong giờ pháp đàm khiến ai cũng xúc động. Em hứa rằng khi rời Làng về nhà em sẽ vẫn giữ sự thực tập này.

Đến cuối khóa tu, số người nhận Năm giới là trên 70 người, tức là một nửa số thiền sinh tham dự. Một con số mà không ai ngờ tới. Thiền sinh về đây không chỉ được học nấu những món chay ngon và lành mà còn được học cách chế tác hạnh phúc cho chính mình, từ đó hiến tặng hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Qua khóa tu nấu ăn, nhiều thiền sinh nhận thấy rằng ăn chay cũng rất ngon và chỉ cần ăn chay thôi cũng đã giúp bảo vệ đất Mẹ rất nhiều rồi.

Khóa tu mùa Hè (từ ngày 08.07 đến ngày 05.08.2017)

Khóa tu mùa Hè là khóa tu dành cho gia đình diễn ra trong bốn tuần, mỗi tuần là một khoá tu nhỏ. Các gia đình có thể tham gia 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần hay cả 4 tuần. Năm nay, các gia đình về dự khóa tu vẫn đông như khi Sư Ông còn ở Làng, mỗi tuần có khoảng 800 – 1000 thiền sinh, vừa người lớn vừa trẻ em đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới. Văn phòng các xóm vừa mở ghi danh trong một thời gian ngắn là đã kín chỗ. Đây là mùa duy nhất trong năm mà các em thiếu nhi và thiếu niên có chương trình tu tập riêng.

Năm nay xóm Thượng như thường lệ vẫn đón tiếp gia đình có các em thiếu nhi nói tiếng Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Trong khi đó, xóm Mới đón các gia đình có các em thiếu nhi nói tiếng Hà Lan và Đức. Xóm Hạ đón các gia đình có các em thiếu nhi nói tiếng Anh. Các em thiếu niên (teens) thì ở hai xóm, nam ở xóm Thượng và nữ ở xóm Mới. Các em được các thầy, các sư cô hướng dẫn riêng. Vì vậy, đôi khi cũng có những trường hợp khó xử xảy ra. Thí dụ như gia đình một bà mẹ đơn thân nói tiếng Pháp có một con gái tuổi teen và một con trai tuổi thiếu nhi. Vậy là bà mẹ phải nhờ một người bạn hay người bà con về xóm Mới làm bảo hộ cho con gái. Dù đôi khi có những khó khăn trong việc sắp xếp cho cả gia đình về Làng tu tập, nhưng không vì vậy mà các thiền sinh nản lòng. Có nhiều em thiếu niên khi ba mẹ hỏi: “Con muốn đi nghỉ hè ở đâu?” thì em trả lời liền: “Con muốn về Làng!” Thật là một món quà vô giá và vô cùng ý nghĩa mà ba mẹ có thể tặng cho con cái khi cùng các em về tu tập như một gia đình.

Cũng có những em ban đầu không thích môi trường ở Làng, cái gì cũng lạ lẫm, lại không có Internet để chơi game hay dùng facebook như khi ở nhà, vậy mà chỉ sau một, hai ngày là em đã tìm thấy niềm vui khi chơi với các bạn cùng độ tuổi. Được sống trong một môi trường an lành, gần gũi với thiên nhiên, được các thầy, các sư cô chăm sóc và lắng nghe, các em có cơ hội sống thật với chính mình và mở lòng chia sẻ những khó khăn ở trường học, cũng như trong liên hệ với ba mẹ… Những buổi thực tập Làm mới luôn tạo ra phép mầu, giúp cho ba mẹ và con cái hiểu nhau hơn, trân quý nhau hơn. Vì vậy mà nhiều gia đình vừa mới kết thúc khóa tu năm nay đã lên kế hoạch về Làng cho mùa hè sang năm rồi.

Mở đầu khóa tu mùa Hè năm nay, sư cô Diệu Nghiêm cho bài pháp thoại đầu tiên về Sáu câu thần chú. Sư cô đã chia sẻ những phương pháp thực tập để hiến tặng sự có mặt đích thực của mình cho những người mà mình thương yêu. Sự có mặt của mình chính là món quà quý nhất mà mình có thể hiến tặng cho người thương.

Tiếp đó là những bài pháp thoại của quý thầy, quý sư cô giáo thọ khác như: thầy Kai Li, thầy Pháp Dung, thầy Pháp Lai, thầy Pháp Liệu; sư cô Chân Đức, sư cô Từ Nghiêm, sư cô Thanh Ý, sư cô Giác Nghiêm và sư cô Đào Nghiêm. Tất cả các pháp thoại vào khóa tu mùa Hè đều bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, có phiên dịch ra nhiều thứ tiếng khác.

Trước pháp thoại cho người lớn bao giờ cũng có một pháp thoại ngắn cho các em thiếu nhi. Đặc biệt mùa hè năm nay, thầy Pháp Bản người Ý, đồng thời cũng là một người vẽ hình hoạt họa tài năng đã cho một bài pháp thoại cho thiếu nhi dựa trên câu chuyện về bàn tay trái và bàn tay phải của Sư Ông. Thầy Pháp Bản đã dùng những hình vẽ màu sắc vui tươi và sinh động để chuyển tải giáo lý tương tức, không kỳ thị đến các em một cách dễ hiểu và hấp dẫn.

Các gia đình người Việt thì về xóm Trung và cũng có chương trình sinh hoạt tương tự như tại các xóm khác. Đồng bào người Việt ở xóm Trung cũng tham gia những ngày quán niệm tại các xóm như tất cả các thiền sinh khác. Ai không biết tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thì có thể nghe pháp thoại qua thông dịch. Ngoài ra đồng bào người Việt còn được nghe thêm các bài pháp thoại bằng tiếng Việt tại xóm Trung trong những ngày khác do quý thầy quý sư cô giáo thọ người Việt phụ trách. Về xóm Trung, đồng bào được nói tiếng Việt, ăn thức ăn Việt. Một số thiền sinh không nói tiếng Việt nhưng quen thuộc với Làng Mai trong nhiều năm qua thường hay “đến thăm” xóm Trung để được thưởng thức các món ăn Việt nên đôi khi đội nấu ăn trong ngày phải nấu gấp thêm để… “chữa cháy”.

Khóa tu mùa Hè khép lại với hình ảnh gần một ngàn người cùng chờ đón trăng lên trong Lễ hội Trăng rằm tại đồi Bụt, xóm Thượng. Ngày xưa ông cha ta có thời gian để ăn mừng trăng lên hay ăn mừng hoa đào nở, nhưng trong xã hội hiện nay chúng ta bị lôi cuốn theo những thiết bị điện tử và các trò chơi vô bổ mà quên đi nghệ thuật thưởng thức những mầu nhiệm của cuộc sống. Vì vậy, lễ hội Trăng rằm ở Làng Mai cũng là cơ hội giới thiệu cho các bạn thiền sinh về tham dự khóa tu một nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Các em thiếu nhi đặc biệt thích lễ hội này vì được quý thầy, quý sư cô hướng dẫn làm lồng đèn để các em cùng nhau rước vào đêm lễ hội.

Cũng trong khóa tu mùa Hè, Sư cô Chân Không và Sư cô Chân Đức đã thay mặt Sư Ông và tăng thân làm lễ Truyền đăng cho sư cô Chân An Nghiêm – người Mỹ, gốc Phi, xuất gia trong gia đình Sen Trắng, tại Phật đường, xóm Mới, vào ngày 19.07.2017. Dưới đây là hai bài kệ truyền đăng dành cho sư cô Chân An Nghiêm (một bài tiếng Anh và một bài tiếng Việt):

Tiếng Anh:

A cool, refreshing breeze of peace
Adorns the ocean of insight.
You let long years of striving cease
And gently lay the burden down.

Tiếng Việt (trích trong bài thơ truyền đăng):  

… Thầy bệnh, không nói năng
Mắt nhìn con đăm đăm
An nhiên và tự tại
Trang nghiêm con vâng lời …

Khóa tu Wake Up Earth dành cho các bạn trẻ (từ ngày 11.08 đến ngày 18.08.2017)

Một tuần sau khi khóa tu mùa Hè kết thúc, Làng lại tiếp tục mở cửa để đón hơn 500 bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới về tu tập, từ ngày 11 đến ngày 18.8.2017 tại xóm Thượng. Trong mười năm qua, phong trào Wake Up – một phong trào dành cho các bạn trẻ muốn sống một nếp sống tỉnh thức do Sư Ông Làng Mai khởi xướng vào năm 2008 – đã phát triển rất mạnh trên khắp thế giới. Vì vậy mà số lượng các bạn trẻ đến với những khóa tu Wake Up do tăng thân Làng Mai tổ chức ngày càng đông. Những năm trước đây, ở Làng mỗi hai năm mới có một khóa tu dành cho người trẻ, nhưng gần đây do nhu yếu tu tập của người trẻ ngày càng tăng nên quý thầy, quý sư cô đã quyết định tổ chức khóa tu Wake Up mỗi năm một lần.

Rất nhiều bạn trẻ lần đầu tiên đến với khóa tu đã rất xúc động khi thấy hơn 500 người trẻ cùng ngồi thiền, cùng đi thiền hành trong buổi sớm mai. Có một buổi sáng, sau khi thiền hành xuống đồi Bụt, thầy Pháp Dung hướng dẫn các bạn tập mười động tác chánh niệm, rồi bỗng nhiên thầy dẫn cả đại chúng thực tập… thiền chạy. Ai cũng vui với sự bất ngờ thú vị này!

Những bài pháp thoại của quý thầy, quý sư cô giáo thọ: thầy Pháp Dung, thầy Pháp Hữu, thầy Pháp Lưu, sư cô Lăng Nghiêm và sư cô Hài Nghiêm; cũng như buổi vấn đáp với thầy Kai Li, thầy Pháp Linh, sư cô Hiến Nghiêm và sư cô Lực Nghiêm đã giúp các bạn trẻ học cách trở về chăm sóc chính mình, chăm sóc những vết thương, những tập khí không lành mạnh, thiết lập lại truyền thông với chính mình, với những người thương,…

Khóa tu người trẻ nên năng lượng rất trẻ trung và vui tươi! Ngoài những giờ sinh hoạt theo thời khóa, lúc nào cũng nghe tiếng đàn, tiếng hát… Đúng là sức mạnh của âm nhạc, có thể kết nối mọi người lại với nhau một cách dễ dàng, không phân biệt ngôn ngữ, tôn giáo…

Khóa tu cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB):

Ngay sau khóa tu mùa Hè ở Làng, 70 thầy và sư cô đã đi xe buýt 16 tiếng đồng hồ từ Làng Mai sang EIAB, Đức để yểm trợ đại chúng Học viện tổ chức khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan, với chủ đề Kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương.

Học viện ngày càng khang trang hơn, với nhà bếp và nhà ăn mới, đáp ứng được những yêu cầu đề ra của chính phủ Đức. Theo đó, quý thầy, quý sư cô cũng được học hỏi cách thức sử dụng nhà bếp mới như: cách sử dụng các thiết bị nấu ăn, thay giày, mặc đồng phục trước khi vào nhà bếp, v.v..

Khóa tu dành cho người nói tiếng Đức diễn ra từ ngày 07 đến ngày 12 tháng 8, có khoảng 350 người tham dự. Trong khóa tu này, thầy Pháp Ấn cho bài pháp thoại đầu tiên và thầy đã hát bài Hoa mặt trời phổ từ thơ của Sư Ông làm cho nhiều người cảm động đến rơi nước mắt.

Tiếp đó là những bài pháp thoại của quý sư cô: sư cô Chân Không chia sẻ về cách áp dụng pháp môn chánh niệm để đối trị với tri giác sai lầm và những cảm xúc mạnh; sư cô Bi Nghiêm, người Đức, đã mời mọi người cùng quán chiếu câu hỏi: “Mối quan tâm tối hậu của mình là gì?” Sư cô cũng chia sẻ kinh nghiệm tu tập của bản thân khi bị bệnh nặng, làm thế nào để thực sự thấy bùn và sen là một để đi qua khó khăn. Sư cô Chân Đức cho bài pháp thoại cuối cùng của khóa tu, giúp thiền sinh quán chiếu về không sinh – không diệt qua câu hỏi: “Chúng ta từ đâu đến và chúng ta sẽ đi về đâu?” Sư cô cũng khuyến khích và hướng dẫn mọi người huấn luyện tâm. Bởi vì Bụt có dạy: Ở trên đời có một cái mà khi được huấn luyện, thuần hóa sẽ mang lại hạnh phúc tột độ, nhưng nếu không được thuần hóa thì sẽ đem lại những đau khổ vô cùng, đó chính là tâm của chúng ta.

Ngày 13.08 là ngày quán niệm và có pháp thoại công cộng cho người nói tiếng Đức. Tiếp sau đó là khóa tu dành cho người nói tiếng Hà Lan từ ngày 14.08 đến ngày 19.08, với 200 người tham dự. Trong khóa tu này, thầy Pháp Ấn, sư cô Chân Không, sư cô Chân Đức và sư cô Diệu Nghiêm cho pháp thoại.

Đại học Hồng Kông trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Sư Ông

Ngày 29 tháng 8 năm 2017, tại khách sạn MG Mansion ở Băng Cốc, Thái Lan, Giáo sư Lee Chi-Kin, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông đã trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn cho Sư Ông Làng Mai. Dự tính buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan ở Pak Chong vào ngày 30 tháng 8, nhưng vì chương trình Sư Ông đi Việt Nam được thực hiện vào ngày 29 tháng 8, cho nên buổi lễ được tổ chức tại nơi Sư Ông đang nghỉ dưỡng trước khi đi Việt Nam.

Đại học Giáo dục Hồng Kông trước đây có tên là Học viện Giáo dục Hồng Kông (Hong Kong Insitute of Education, HKIEd), là một đại học chuyên ngành về giáo dục, được xếp hạng thứ nhì trong các trường đại học giáo dục tại châu Á và thứ 13 trong các trường đại học giáo dục trên thế giới. Tháng 5 năm 2007, trường đã mời Sư Ông và tăng thân qua Hồng Kông hoằng pháp. Những năm trước đó, Hồng Kông tổ chức lại các cơ sở giáo dục và nhập lại thành một vài cơ sở chính. Sự tổ chức lại này tạo ra nhiều căng thẳng và có một vài nhân viên chịu không nổi áp lực phải tự tử. Họ hy vọng các khóa tu trong chuyến hoằng pháp và đặc biệt là một ngày quán niệm dành cho các giáo sư, nhân viên và các sinh viên, học sinh sẽ giúp giảm bớt áp lực đó. Trong các chuyến đi năm 2010 và 2013, Sư Ông đều có hướng dẫn một ngày quán niệm tương tự tại trường. Để duy trì sinh hoạt đó, tăng thân Làng Mai Hồng Kông đã tổ chức ngày quán niệm hàng tháng tại đây từ tháng 7 năm 2007 cho đến nay.

Sau khi giáo sư phó hiệu trưởng trao bằng, mũ áo Tiến sĩ danh dự và quà tặng, Sư cô Chân Không đã thay mặt Sư Ông và tăng thân đáp lời (BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh):

“Vị Thầy kính thương của chúng tôi thường dạy rằng Hiểu và Thương phải luôn luôn đi với nhau. Giáo dục không phải chỉ là thu nạp kiến thức mà còn là vun trồng hiểu biết – và hiểu biết luôn đi cùng với từ bi, với tình thương. Thầy thường nhắc nhở tất cả chúng ta rằng tình thương của chúng ta phải hướng đến tất cả hành tinh này chứ không phải chỉ dành riêng cho một dân tộc hay một giống nòi. Chúng ta phải biết cách mở rộng trái tim mình. Tình thương của chúng ta phải làm sao ôm trọn được cả hành tinh này.

Vun trồng hiểu biết và thương yêu là phương thức giáo dục cao nhất mà chúng ta có thể thực hiện với tư cách con người. Chúng ta cần nuôi dưỡng Chánh niệm và Từ bi một cách bền bỉ trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.

Nhưng làm cách nào chúng ta có thể tự rèn luyện mình theo phương hướng đó? Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dường như thấy mình khác biệt với những người xung quanh: bạn khác biệt với tôi và chúng ta lại khác biệt với những người khác. Có những người mình thấy “giỏi hơn, hay hơn”, có những người mình thấy “kém hơn”, có những người có vẻ tử tế, có những người lại có vẻ không tốt. Nhưng những khác biệt này chỉ đúng trong thế giới hiện tượng mà thôi. Nếu nhìn sâu hơn, chúng ta có thể thấy rằng trong thế giới bản thể, tất cả chúng ta đều tương tức. Có một mối liên hệ mật thiết, thâm sâu kết nối tất cả chúng ta. Cũng giống như khi nhìn ra đại dương, ta thấy có rất nhiều con sóng khác nhau trên bề mặt đại dương, nhưng ta cũng có thể thấy rằng tất cả các con sóng đều là nước. Không có sự tách biệt. Chúng ta cần phải thực tập nhìn sâu để mở rộng tình thương, để có thể mở lòng ôm được tất cả mọi người, mọi nền văn hóa và mọi dân tộc.

Có một lần Thầy đã kể về một giấc mơ của Thầy. Trong giấc mơ đó, Thầy được gợi lại lần lượt từng biến cố và khổ đau mà Thầy đã trải qua –  những khổ đau không chỉ trong cuộc đời này mà còn trong vô số kiếp trước đây: những khổ đau vì nghèo đói, bạo lực, chiến tranh, thiên tai, tù ngục, oan ức và tuyệt vọng. Trong giấc mơ có một tiếng nói rất mạnh mẽ, có lẽ là tiếng nói của thần Định mệnh, bỗng cất lên: “Các người sẽ phải sống lại tất cả những điều này một lần nữa!” Trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, Thầy đã phản ứng lại: “Ồ, không!” Lúc đó Thầy cảm thấy rằng bị nhấn chìm bởi một cơn lũ khổng lồ của những hành động tàn ác trong chiến tranh, những dã man bạo lực… trong quá khứ, như vậy là đã đủ lắm rồi. Thật quá kinh khủng nếu phải sống lại những kinh nghiệm này một lần nữa. Nhưng sau một hơi thở sâu, Thầy mỉm một nụ cười kỳ diệu và nói to: “Với chánh niệm, từ bi và hạnh nguyện thương yêu sâu – Thầy trỏ thẳng vào ông ta – tôi (Thích Nhất Hạnh) sẵn sàng trở lại cùng với tất cả những trẻ em và những con người đầy khổ đau này. Tôi sẵn sàng trở lại một lần nữa, nhiều lần nữa…!”

Chúng ta biết rằng rất nhiều người thuộc những thế hệ sau này đã được truyền cảm hứng từ cuộc đời và những lời dạy của Thầy. Chúng ta hy vọng rằng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông sẽ tiếp nối việc trao truyền sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu để có thêm hiểu biết cũng như tình thương lớn, không chỉ để phục vụ cho xã hội Hồng Kông nói riêng mà còn để phụng sự cho tất cả hành tinh và muôn loài. Hy vọng rằng chương trình đào tạo của trường hay những luận án tốt nghiệp của sinh viên sẽ thể hiện được kiến thức được trao truyền đi đôi với sự chuyển hóa trong tự thân mỗi sinh viên.”

Sư Ông về Việt Nam (từ ngày 29.8 đến ngày 4.9.2017)

Chuyến bay đưa Sư Ông từ Thái Lan đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng vào 12 giờ 35 phút (giờ Việt Nam) ngày 29 tháng 8 năm 2017. Kể từ năm 2008, đây là lần đầu tiên Sư Ông về thăm lại Việt Nam. Chiều Chủ nhật, 03.09.2017, lúc 18 giờ 40 phút, Sư Ông về đến Tổ đình Từ Hiếu, Huế.

Chuyến về thăm của Sư Ông lần này rất bất ngờ, mặc dù vậy, chư Tôn đức cùng Phật tử cư sĩ đã có mặt sau khi biết tin và đón Sư Ông rất ấm cúng và đầy đạo tình. Quý thầy ở Từ Hiếu với y hậu trang nghiêm đã đón tiếp Sư Ông trong tiếp chuông trống bát nhã trầm hùng.

Sư Ông trông rất hạnh phúc khi trở về thăm lại quê hương và thăm lại Tổ đình Từ Hiếu – nơi Sư Ông bắt đầu con đường xuất gia tu học vào năm 1942. Từ cổng tam quan, Sư Ông thăm qua hồ bán nguyệt, lên chánh điện, niêm hương cúng dường ở nhà hậu Tổ, thăm thiền đường Trăng Rằm, thăm thất Lắng Nghe rồi mới về phòng nghỉ. Những cái nắm tay của Sư Ông với Hòa thượng Giác Quang, Thượng tọa Từ Đạo đã khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Mặc dù phải di chuyển trên xe một đoạn đường dài từ Đà Nẵng ra Huế nhưng sức khoẻ của Sư Ông vẫn rất tốt sau chuyến đi. Về phòng, chỉ mới nghỉ được một lúc, Sư Ông đã dạy thị giả đưa ra ngoài và dạo quanh chốn Tổ một vòng trước khi dùng cơm tối và nghỉ ngơi.

Hơn tám giờ sáng, thứ Hai, ngày 04.09.2017, Sư Ông đã có gần hai giờ đồng hồ rong chơi quanh khuôn viên Tổ đình Từ Hiếu, nơi đã gắn bó sâu sắc với những năm đầu tiên Sư Ông xuất gia học đạo.

Quý thầy trong phiên thị giả cho biết rằng, lúc mười giờ tối và hai giờ khuya, Sư Ông cũng đã đi dạo những nơi gần thất Lắng Nghe, ra thăm thiền đường Trăng Rằm, nơi có chân dung của thiền sư Tánh Thiên Nhất Định, bậc cao tăng khai sơn Tổ đình. Sư Ông muốn đi xuống Tổ đường nhưng đường dẫn xuống đã bị phá bỏ. Sư Ông dạo quanh khuôn viên thiền đường Trăng Rằm và ngắm nhìn rất kỹ những cây cối trong vườn, ngắm nhìn cây vả đang cho rất nhiều trái bên hông thất Sư Ông trong ánh trăng tháng Bảy.

Buổi chiều, Sư Ông cũng ra ngoài dạo chơi, thăm giếng nước xưa, thăm đồi thông cổ, thăm lại những cây bùi già đã cho rất nhiều trái ngon. Từ khoảng sân đất quen thuộc bên hông chánh điện, Sư Ông ra thăm tháp Bổn sư là Sư cố Thanh Quý Chân Thật. Sư Ông đã đi thiền quanh tháp một vòng, dừng lại đọc bài kệ bằng chữ Hán in nơi bức tường thành, thật chậm rãi và kính cẩn, trước khi qua thăm tháp của Sư thúc Chí Mậu và về lại thất nghỉ ngơi. Nơi bốn trụ lớn trước tháp Sư thúc, lúc Sư Ông dừng lại thăm, có những con chim bồ câu bay đến đậu rất yên bình.

Cũng ngay trong buổi chiều cùng ngày, vào lúc 15 giờ 40 phút, sau khi đi dạo quanh chốn Tổ, Sư Ông đã ra hiệu cho thị giả dừng lại, rồi hướng về cổng tam quan, Sư Ông chắp tay, cúi đầu xá chào và ra dấu đưa Sư Ông rời Tổ đình. Các thị giả cảm thấy rất bất ngờ trước quyết định đột ngột và dứt khoát của Sư Ông.

Ngày 05.09 là một ngày dường như im lặng tuyệt đối và trong lúc hầu Sư Ông, các vị thị giả chỉ thấy nơi ánh mắt của Sư Ông vẫn chưa vơi được nét trầm tư kỳ lạ ấy và thường hay lắc đầu. Ngay vào buổi sáng này, Sư Ông đã ra dấu đưa Sư Ông về Thái Lan. Sư Ông đã chỉ vào sư cô Linh Nghiêm, một sư cô lớn người Thái Lan xuất gia tu học với Sư Ông, rồi chỉ lên trời và các vị thị giả hiểu ý là Sư Ông muốn đi xa. Để chắc chắn, sư cô Linh Nghiêm xác nhận lại với Sư Ông: “Bạch Thầy, có phải Thầy muốn về Thái Lan không?” Sư Ông gật đầu và ra dấu phải tiến hành liền. Lại một lần nữa các vị thị giả vô cùng bất ngờ và không hiểu được lý do vì sao!

Chiều tối, có Hòa thượng Giác Quang vào  tận Đà Nẵng thăm Sư Ông. Hòa thượng Giác Quang đã có mặt rất sớm tại Diệu Trạm để chờ đón Sư Ông trong ngày Sư Ông trở về Từ Hiếu. Thầy Từ Hải và quý sư cô từ Diệu Trạm cũng có mặt hầu thăm Sư Ông, dùng cơm tối chung với Sư Ông và hát thiền ca. Thầy Từ Minh, thầy Từ Tế, thầy Minh Hy, thầy Pháp Nhiệm và các sư cô Diệu Trạm sáng hôm sau cũng có mặt thăm Sư Ông.

Chiều 06.09, lúc 2 giờ, Sư Ông chào tạm biệt đại chúng, chào tạm biệt gia đình chủ nhà và các thân hữu, lên xe ra sân bay. Sau khi làm các thủ tục, máy bay đã cất bánh khỏi đường băng sân bay quốc tế Đà Nẵng đúng 15 giờ 13 phút. 16 giờ 31 phút, máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Don Mueang, Bangkok. Sư Ông về đến tu viện Làng Mai Thái Lan vào lúc 19 giờ 50 phút với đông đảo hàng đệ tử xuất sĩ và cư sĩ cung đón. Sáng hôm sau, Sư Ông ngồi thưởng thức trà nơi hành lang thất Nhìn Xa và nhìn bốn chúng dùng cơm sáng quanh hồ trước thất với ánh nhìn tràn đầy yêu thương nhưng cũng không giấu được nét ưu tư còn đọng lại trong ánh mắt, có lẽ đó là ưu tư về vận mệnh của chùa Tổ Từ Hiếu! Sức khỏe của Sư Ông vẫn rất tốt sau chuyến đi dài.

Chuyến hoằng pháp tại Mỹ (từ ngày 23.8 đến ngày 15.10.2017)

Cứ hai năm một lần, tăng thân Làng Mai lại có một chuyến hoằng pháp tại nhiều tiểu bang trong nước Mỹ. Chuyến hoằng pháp tại Mỹ năm nay có chủ đề Awakening Together (tạm dịch: Thắp sáng tỉnh thức cộng đồng), với sự có mặt của khoảng 60 vị xuất sĩ đến từ các tu viện Bích Nham, Mộc Lan, Lộc Uyển và Làng Mai (Pháp).

Chuyến hoằng pháp khởi đầu tại tu viện Bích Nham với khóa tu dành cho người nói tiếng Anh Together We Are One (Cùng nhau chúng ta là một) từ ngày 23.08 đến ngày 27.08 và sau đó là khóa tu cho người Việt với chủ đề Khơi nguồn hiểu biết, mở lối yêu thương, từ ngày 30.08 đến ngày 03.09.

Trước đó, vào ngày thứ sáu 18.08, khoảng 25 vị xuất sĩ Làng Mai đã lên xe buýt đi New York để dự buổi chiếu ra mắt bộ phim Walk with me (tạm dịch: Bước chân an lạc) tại viện bảo tàng Robin. Sau vài hôm nghỉ ngơi, tăng đoàn đã lên đường đi California để hướng dẫn hai khóa tu tại tu viện Lộc Uyển: khóa tu tiếng Anh Khơi nguồn hiểu biết (12.09 – 17.09) và khóa tu tiếng Việt Mở lối yêu thương (20.09 – 24.09).

Đặc biệt trong thời gian từ ngày 28.09 đến ngày 01.10, tăng thân đã hướng dẫn khóa tu có chủ đề: Many Streams, One Source (tạm dịch: Ngàn suối chung một nguồn). Khóa tu này có ba chủ đề riêng biệt đáp ứng nhu cầu của ba nhóm khác nhau: nhóm người da màu (People of Colour-POC), nhóm LGBQ (những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái…) và nhóm thứ ba dành cho tất cả những người còn lại. Có thể nói khóa tu được tổ chức theo yêu cầu của thiền sinh này là khoá tu một trong ba, ba trong một.

Khóa tu dành cho những người da màu (POC) là một khóa tu quan trọng đã được tổ chức trong rất nhiều năm qua. Sở dĩ có khóa tu này là vì những thiền sinh người da màu không thấy đủ thoải mái để chia sẻ những nỗi niềm của họ trong một khóa tu bình thường, nhất là khi có liên quan đến vấn đề kỳ thị chủng tộc.

Tại thành phố New Mexico, cũng từ ngày 28.09 đến 01.10, đồng thời với khóa tu Many Streams, One Source, một số quý thầy quý sư cô đã đến yểm trợ và hướng dẫn một khóa tu dành cho tăng thân Trì Địa (Earth Holder), với chủ đề In the Arms of Mother Earth (Trong vòng tay của đất Mẹ). Có khoảng 200 người trong tăng thân, những người có tâm huyết thực tập để giảm thiểu sự hâm nóng địa cầu, đã đến tham dự khóa tu 5 ngày này. Mọi người đã cùng thực tập chăm sóc những cảm thọ như buồn thương, tuyệt vọng trước tình trạng biến đổi khí hậu đáng báo động như hiện nay và cách thức hành động để có thể thay đổi tình trạng. Đây cũng là cơ hội để quý thầy, quý sư cô học hỏi về những vấn đề phát sinh ngoài xã hội và cách hướng dẫn các pháp môn tu tập thế nào cho tất cả mọi người, từ bất cứ văn hoá, tôn giáo, nguồn gốc xã hội, kinh tế hay giới tính nào cũng cảm thấy mình được ôm ấp và tìm được hứng khởi để thực tập.

Ngày 01.10.2017, tăng đoàn đã tổ chức một ngày quán niệm cho đồng bào người Việt tại Santa Ana. Sau đó tăng đoàn đã lên đường đi Mississippi để hướng dẫn tu tập ở tu viện Mộc Lan trong ngày quán niệm 08.10 và khóa tu Tâm bình, thế giới bình  từ ngày 10.10 đến ngày 15.10.

Chuyến hoằng pháp tại Mỹ kết thúc với khóa tu xuất sĩ diễn ra từ ngày 22.10 đến ngày 29.10 tại tu viện Mộc Lan. Có khoảng 200 vị xuất sĩ cùng tu, cùng học, cùng chơi trong một tuần. Trong tuần lễ này, quý thầy quý sư cô đã có cơ hội xây dựng tình huynh đệ qua thực tập lắng nghe sâu về những băn khoăn, niềm vui và hạnh phúc của cá nhân các vị xuất sĩ nói riêng và của tăng thân nói chung. Cúp bóng chuyền đã đem lại nhiều niềm vui cho các huynh đệ nhờ các đội (gồm cả các thầy và các sư cô) đã thi đấu rất hết lòng. Đội nào cũng nhận được sự cổ vũ không phân biệt của khán giả và cả của bình luận viên. Sư cô Chân Đức nhân dịp có mặt ở Mỹ để đại diện Sư Ông nhận Huân chương Liên hiệp đã tham dự khoá tu này để dạy dỗ, sách tấn các sư em, đem lại rất nhiều hạnh phúc cho chúng xuất sĩ. Đặc biệt trong suốt khóa tu này, quý thầy quý sư cô không phải vào bếp vì ba mẹ của quý thầy và quý sư cô cùng một số thân hữu đã đảm nhiệm việc nấu ăn trong suốt một tuần với nhiều món ăn đầy hương vị Việt Nam.

Làng Mai đến Dreamforce 2017

Mỗi năm, công ty Salesforce.com – một trong những công ty kinh doanh phần mềm có sức phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay – đều thu hút hàng trăm ngàn người về San Francisco để tham dự hội nghị thường niên quan trọng có tên “Dreamforce”. Năm nay, từ ngày 6 đến ngày 11.09.2017, Salesforce đã đón 170 ngàn nhân viên và khách mời đến tham dự hội nghị thường niên này. Theo lời mời của ông Marc Benioff – giám đốc điều hành của Salesforce, khoảng 25 quý thầy quý sư cô Làng Mai đã đến Dreamforce để hướng dẫn pháp môn chánh niệm trong suốt thời gian hội nghị.

Khu vực chánh niệm (“Mindfulness Zones”) được thiết lập ngay trung tâm khuôn viên hội nghị Dreamforce. Tại khu vực này, các vị khách tham dự Dreamforce có thể tham vấn trực tiếp với quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Mỗi buổi sáng, tăng đoàn đều hướng dẫn thiền hành xung quanh khu vực diễn ra hội nghị. Nhiều người đang vội vã đến các buổi hội thảo, rất ấn tượng khi nhìn thấy hình ảnh quý thầy, quý sư cô hướng dẫn khoảng 60 đến 70 người đi thiền hành thật chậm rãi và bình an.

Ngoài ra, quý thầy, quý sư cô còn tổ chức những buổi thiền tập cho người bận rộn, với tên tiếng Anh là Super Sessions of Mindfulness for Busy People. Mặc dù đã tổ chức nhiều buổi hướng dẫn mỗi ngày, nhưng vì không gian có hạn nên rất nhiều người muốn tham dự mà không có cơ hội. Hy vọng sang năm, ban tổ chức sẽ dành cho tăng đoàn một không gian rộng rãi hơn, đủ chỗ cho tất cả những ai muốn tham dự.

Quý thầy, quý sư cô cũng được mời đến thăm tòa nhà văn phòng mới của Salesforce. Mỗi tầng lầu của tòa nhà đều có một phòng thiền dành cho nhân viên, gọi là “mindfulness room” (phòng chánh niệm). Đây là điều mà Sư Ông đã từng gợi ý với ông Marc Benioff – giám đốc điều hành của Salesforce.

Sư Ông được trao Huân chương Liên hiệp (Union Medal)

Ngày 06.09.2017, Hội Chủng viện Thần học Hoa Kỳ (Union Theological Seminary – gọi tắt là Union) tại thành phố New York đã trao Huân chương Liên Hiệp cho Sư Ông tại Hội nghị thường niên của Hội. Sư cô Chân Đức đã thay mặt Sư Ông đón nhận Huân chương này. Sư Ông đã nhận bằng Thạc sĩ về Tôn giáo từ Hội Chủng viện và trường đại học Columbia năm 1963.

Huân chương Liên Hiệp là giải thưởng cao nhất do Chủng viện đề cử, được đưa ra vào năm 1981 như một biểu tượng vinh danh những cá nhân mà cuộc sống của họ là tấm gương thực hiện những sứ mạng hướng thượng trên thế giới. Trong số những người từng nhận huân chương này có cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 (nhiệm kỳ 1993-2001) và Desmond Tutu – Tổng Giám mục Nam Phi, đấu tranh vì Nhân quyền.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Sư cô Chân Đức đã chia sẻ rằng: “Tôi thấy cá nhân mình quá nhỏ bé để đại diện cho Làng Mai và cho vị thầy kính thương của chúng tôi. Năm 2014, thầy chúng tôi bị đột quỵ, điều đó cũng có nghĩa là Thầy không thể có mặt ở đây hôm nay trong hình tướng quen thuộc. Nhưng thực sự, Thầy vẫn đang có mặt ở đây với chúng ta. Tôi nghĩ là Thầy đã có mặt ở đây từ lâu, và đã đi thiền hành dọc theo hành lang của tòa nhà này. Năm 2001, ngay sau sự kiện 11 tháng 9, Thầy đã có một bài pháp thoại tuyệt vời tại Nhà thờ Riverside, hướng dẫn người dân nước Mỹ cách thực tập để đối diện với hành động khủng bố tồi tệ xảy ra vào thời điểm đó.

Nếu bây giờ Thầy có thể nói được thì Thầy cũng sẽ trao cho chúng ta cùng một thông điệp, giống như Thầy đã từng làm vào năm 2001, để giúp chúng ta trong bối cảnh đất nước có quá nhiều khó khăn trong liên hệ với Bắc Triều Tiên. Thầy sẽ dạy chúng ta cách thực tập, trước tiên là lắng nghe chính mình, lắng nghe những nỗi khổ niềm đau, những vết thương nằm sâu trong tâm thức. Tiếp đến là lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của những người ở quanh ta. Rồi đến lắng nghe nỗi khổ của những người tự xưng là kẻ thù của chúng ta. Bằng sự lắng nghe sâu cũng như khả năng thể hiện và lắng nghe chính mình, chúng ta có thể vượt qua những khó khăn chướng ngại mà loài người có trí tuệ (homo sapiens) và trái đất này hiện đang phải đối diện. Thay vì hủy diệt loài người có trí tuệ (homo sapiens), chúng ta có thể chuyển hóa loài người có trí tuệ (homo sapiens) thành loài người có ý thức, có chánh niệm (homo conscious), biết sống đời sống hàng ngày một cách sâu sắc, với từ bi, niềm vui, hạnh phúc và tình thương sâu.

….

Chúng tôi rất biết ơn vì được có mặt tại đây với các bạn và được nhận tấm huân chương vinh dự này. Chúng tôi sẽ mang nó về với Thầy. Thầy sẽ luôn có mặt ở đây trong trái tim các bạn. Bất cứ khi nào các bạn thực tập thiền hành với những bước chân an lạc dọc theo hành lang nơi này, thì khi đó các bạn sẽ tiếp xúc được với Thầy”.

Ba lễ xuất gia trong năm

Lễ xuất gia của gia đình cây Giáng Hương tại Làng Mai Thái Lan vào ngày 02.07.2017, gồm 4 sư chú và 4 sư cô: Chân Trời Trúc Lâm, Chân Trăng Tuệ Phương, Chân Trăng Tuệ Khai, Chân Trăng Tuệ Nhã, Chân Trời Đại Lão, Chân Trời Uyên Nguyên, Chân Trăng Tuệ Uyển và Chân Trời Hồng Lĩnh.

Lễ xuất gia của gia đình cây Sơn Thù Du (Dogwood) tại thiền đường Hải Triều Lên (tu viện Mộc Lan) vào ngày 20.10.2017, gồm có sư chú Chân Trời Minh Dung, sư cô Chân Trăng Kim Sơn và sư cô Chân Trăng Quang Sơn, cả ba đều là người Mỹ.

Lễ xuất gia của gia đình cây Bạch Dương (Poplar) tại Làng Mai Pháp và Thái Lan, vào ngày  14.12.2017, gồm 12 sư chú: Chân Trời Nhật Quang, Chân Trời Khiết Hỷ, Chân Trời Khiết Lâm, Chân Trời Khiết Minh, Chân Trời Địa Xúc, Chân Trời Lặng Chiếu, Chân Trời Khiết Anh, Chân Trời Khiết Tâm, Chân Trời Tâm Không, Chân Trời Thinh Không, Chân Trời Núi Cao và Chân Trời Đuốc Thiêng; và 10 sư cô: Chân Trăng Giác Ân, Chân Trăng Giác Hiếu, Chân Trăng An Bình, Chân Trăng An Tâm, Chân Trăng An Cư, Chân Trăng Giác Hòa, Chân Trăng An Nhiên, Chân Trăng Giác Minh, Chân Trăng Tuệ Văn và Chân Trăng Tuệ Viên.

Khép lại một năm sinh hoạt tại Làng Mai, kính chúc quý thân hữu đón Năm Mới Mậu Tuất 2018 thật dồi dào sức khỏe, an lạc và có một cái Tết sum vầy thật bình an, đầy niềm vui và tiếng cười.