Hương vị của hôm nay

Sư cô Chân Trăng Mai Lâm là một sư cô người Pháp, hiện đang tu tập tại xóm Hạ, Làng Mai. Dưới đây là chia sẻ của sư cô về sự thực tập nuôi dưỡng tâm ban đầu của mình. Bài viết được chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Có thể có nhiều người biết lý do vì sao con muốn chia sẻ về sự thực tập nuôi dưỡng tâm ban đầu của mình. Nhưng nếu có ai không biết thì con xin bắt đầu bằng cách nói về con một chút. Con đã được xuất gia với Thầy Làng Mai vào tháng Chạp năm 1999. Tháng Tám năm 2004, con xin rời đại chúng để trở về tìm hiểu gốc rễ tâm linh là đạo Cơ đốc, đạo gốc của con. Tháng Chạp năm 2017, con trở lại Làng xuất gia một lần nữa trong gia đình cây Mai Vàng.

Con nhớ lần đầu tiên tới xóm Mới, khi đó con không hề biết chút gì về đạo Bụt, hay về cuộc sống của người xuất sĩ dù con đã đọc sách và nghiên cứu rất nhiều. Trước đó con cũng có tập ngồi thiền và thăm viếng một số chùa ở Nhật, nhưng con chưa biết cách áp dụng sự thực tập vào đời sống hàng ngày. Và đó chính là điều mà con đang tìm kiếm. Vì vậy khi mới đến Làng, con rất hào hứng muốn biết, muốn làm tất cả mọi thứ. Nói chung con vô cùng nhiệt tình, dù bề ngoài rất yên lặng. Con muốn hiến tặng thời gian và năng lượng của mình để giúp người bớt khổ. Con mơ sẽ làm được một cái gì đó thật đẹp trong cuộc đời mình, làm một cái gì đó để… cứu thế giới này chẳng hạn…

Thực tế là con đã mang trong mình một gánh nặng do tổ tiên bao đời trao truyền lại, cụ thể là qua cuộc ly dị đầy sóng gió của ba mẹ khi con vừa lên ba tuổi. Con bị chia cắt với các anh chị em và về ở với mẹ. Thời thơ ấu, cứ mỗi hai hay ba năm con lại phải theo mẹ di chuyển chỗ ở. Con không có đủ thời gian để thực sự cắm rễ ở một nơi nào cả. Và khi con lên mười lăm tuổi, con bỗng nhận ra rằng mình cũng đang đi về hướng mà ba mẹ đang đi.

Con tự hỏi: “Mình phải làm gì đây?”

Con mơ đến chuyện bỏ nhà ra đi, để lại tất cả sau lưng, trở thành một người sống ở nước ngoài và bắt đầu lại tất cả trong một môi trường hoàn toàn xa lạ. Con bỏ ngang việc học đại học để du lịch sang các nước Á châu như Nhật, Thái Lan… Nhưng không lâu sau đó con nhận ra mình vẫn đang mang theo hành trang nặng nề ấy. Con cần một cái gì khác hơn và có ý nghĩa hơn là đi du lịch. Rồi con được đọc một quyển sách của Thầy Làng Mai. Mới đọc lần đầu tiên con đã thấy bị cuốn hút. Con đến Làng tham dự khóa tu mùa Hè và có cơ hội được có mặt trong một buổi lễ xuất gia.

Cạo sạch mái tóc

Nguyện cho mọi người

Dứt hết phiền não

Độ thoát cho đời.

Nghe bài kệ, con nhận ra rằng cuộc sống xuất gia chính là lời giải đáp cho khát khao tìm kiếm một con đường có ý nghĩa cho cuộc đời con.

Quả thật hạnh phúc đã hiện diện… Thế nhưng không lâu sau lễ xuất gia của mình, một lần nữa con lại nhận ra rằng khổ đau của mình đã không hề được cạo sạch cùng với mái tóc. Nỗi đau của con vẫn còn đó thật sâu ở bên trong, dù con đang ngồi trong thiền đường trên bồ đoàn, đang nấu ăn hay đang ngồi chơi với một sư cô. Bất cứ lúc nào hay nơi nào, con cũng đang phải đối diện với nỗi khổ niềm đau ở bên trong.

Con lại tự hỏi: “Mình phải làm gì đây?”

Con bắt đầu viết thư cho Thầy, mỗi khi thấy mình lâm vào một tình trạng quá phức tạp mà con không thể tự mình hiểu được. Con rất ý thức về những khó khăn của mình, nhưng đồng thời lại bị chúng nhấn chìm. Con học cách thở, cách đi và đặt niềm tin vào một vài sư cô trong tăng thân. Thời gian trôi qua, con vẫn tiếp tục xây giấc mơ cho cuộc đời mình. Giấc mơ của con là thực hiện những dự án thực sự như: vận động cho hòa bình theo đường lối bất bạo động, xây dựng tu viện ở các thành phố lớn hoặc thành lập các cộng đồng thực tập ở những nơi hẻo lánh. Từng chút, từng chút một, những ước vọng đó đã lấy đi tất cả sự bình an trong con. Nói chuyện với bất cứ thầy hoặc sư cô nào, con chỉ quan tâm khi cuộc nói chuyện đó có liên quan đến một dự án mới. Con hạnh phúc khi được tham gia vào một ban nào đó, hạnh phúc được làm một cái gì đó, bất cứ cái gì.

Trong khi đó, trái tim con không hề thấy thỏa mãn. Con không có bình an, không có đủ niềm vui (thiền duyệt) trong các sinh hoạt của mình. Thỉnh thoảng, nỗi khổ đau của con lại trở về, nhắc con phải chăm sóc nó và chăm sóc chính con. Mỗi lần như thế, con lại xin phép biến mất hai hoặc ba ngày. Con sợ làm phiền người khác, sợ mình có vẻ trẻ con, sợ nhất là bị phán xét rằng mình không phải là một người tu giỏi. Con thường đi dạo trên những ngọn đồi xung quanh hay trốn trong rừng. Con hay thức dậy trước chuông thức chúng để có một khoảng thời gian tĩnh lặng cho riêng mình, để viết, đọc và cảm thấy an toàn. Nhu yếu được yên lặng và sống một mình của con càng lúc càng lớn lên. Sở dĩ nhu yếu này trở nên quá lớn là vì chỉ khi nào những điều kiện của bình an, tĩnh lặng ở bên ngoài hiện diện thì khi đó con mới có thể tìm được sự bình an ở bên trong mà con đang thiếu thốn.

Vào những ngày đầu tiên sau khi con xuất gia, Thầy đã khuyến khích con nhìn sâu vào gốc rễ Cơ đốc giáo của mình. Con vâng lời Thầy, viếng thăm các linh mục và nữ tu trong những tu viện Cơ đốc giáo, đọc Thánh Kinh và nghe thánh ca. Đời sống nội tâm của con hấp thụ tất cả những thức ăn đó và con thấy được nuôi dưỡng khi nghiên cứu về các điều luật của dòng thánh Benedicto hoặc thánh Dominic. Con vui thích khi tưởng tượng về cuộc sống của một tu sĩ đạo Cơ đốc. Con đã trốn tránh khổ đau của mình bằng những hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tâm ban đầu trong con hoàn toàn bị đánh mất. Con đã quên không làm mới lại, bắt đầu lại từ nơi mình đang đứng. Thay vì vậy, con lại đi tìm một khởi điểm khác: đó là khát khao được sống một cuộc sống khác, bay xa khỏi chính mình để tìm sự bình an…

Con đã liên lạc thư từ với Mẹ Bề trên của một tu viện nữ dòng Thánh Benedicto trong suốt hai năm, cho nên khi con chia sẻ về những ưu tư và nguyện ước của mình, Mẹ Bề trên đã đề nghị con đến tu viện học hỏi thêm về giáo lý. Con xin phép rời tăng thân đến đó hai tháng. Và con đã ở lại đó mười một năm.

Một thời gian sau, con quyết định gửi y lại và thưa rõ với Thầy về nhu yếu sâu sắc muốn tìm hiểu thêm về truyền thống và tổ tiên tâm linh của con. Trong khoảng thời gian con ở tu viện, có hai lần một số quý thầy và quý sư cô từ Làng đến viếng thăm. Niềm vui khi gặp lại các thầy, các sư cô y như khi gặp các anh chị em cùng huyết thống. Con chưa bao giờ thấy mối liên hệ này đứt đoạn. Con chỉ đi trên con đường của riêng mình mà chưa bao giờ quay lưng lại với những gì mà con đã được học hỏi từ Thầy. Và con vẫn thấy chánh niệm chính là một sự yểm trợ lớn lao giúp sự thực tập trong tu viện của con càng thêm sâu sắc.

Con lại trở thành một người thỉnh sinh (chủng sinh – postulant), một tập sinh (novitiate), rồi khấn tạm và khấn trọn đời. Con có cảm tưởng mình thật sự đã làm mới lại, theo những quy định không khác với những gì mà con đã trải qua. Cuộc sống xuất gia lại như mới mẻ, dễ dàng, hấp dẫn và thú vị! Những bức tường cao của một nhà tu kín nhìn có vẻ rất an toàn. Con có cảm giác đi vào trong tu viện cũng giống như mình đóng tất cả các cửa lại, không thể đi ra. Sự thật tuyệt đốicon từ nay sẽ phải đối diện nhau đến trọn đời. Điều đó cũng có nghĩa là con sẽ không còn chỗ nào để trốn tránh nữa…

Con lại phải nhìn vào những yếu tố đen tối nhất đã làm nên con người của mình: không có khả năng tiếp nhận tình thương, hèn nhát, sự kiêu hãnh, và trên tất cả là nhu cầu được công nhận, được thương. Thượng Đế – sự thật tuyệt đối- đang có mặt ngay đây, chắc chắn là như vậy, cũng như Người đang có mặt ở khắp nơi. Thế nhưng con không thể thấy bất cứ một cái gì khác hơn là cái tôi khó chịu của mình. Con không thể tiếp nhận bất cứ một sự soi sáng nào từ bên ngoài. Cuối cùng, sơ hướng dẫn lúc con còn là tập sinh, nhân dịp làm việc chung đã nói với con: “Em cần phải làm gì đó mới được, em không còn hạnh phúc nữa…”

Con phải làm gì bây giờ?

Con đã quay về với mình để quán chiếu một thời gian. Vào một buổi chiều tháng Sáu đầy nắng, con ngồi đọc sách dưới bóng một cây linden cổ thụ. Con ngồi đó khoảng một tiếng đồng hồ rồi đứng lên để ra về. Bước đi không đầy 100 mét, con bỗng nghe tiếng răng rắc lạ tai, ngoái nhìn lại, con thấy cây linden của con đã gãy đôi. Nếu như nó gãy khi con còn ngồi dưới gốc cây thì sao? Có thể con đã chết rồi, thế nhưng con vẫn đang còn sống. Nhận thức này thôi thúc con phải hành động.

Lần đầu tiên trong đời con quyết định phải hành động từ nội tại, không chuyển môi trường mà phải tìm hiểu ước muốn sâu sắc nhất của chính mình, cái mà Làng Mai gọi là tâm nguyện. Tại sao con lại chọn cuộc sống của một người xuất sĩ? Nếu muốn giúp người, con cần phải làm sao có đủ dũng lực và hạnh phúc để có thể làm được việc ấy. Nếu con chỉ muốn trốn chạy khó khăn, tốt hơn là con nên tìm cho mình một nơi nào có những điều kiện dễ chịu hơn. Nếu chỉ là để sống một mình với Thượng Đế, như là một người đồng hành thì con đã sai lầm: con đã cố đi trên con đường đó trong tám năm trời nhưng vẫn thấy thiếu một cái gì đó, thấy trống vắng. Trong con có một cái vực sâu mà con rất sợ phải rơi vào.

Con đã chia sẻ những suy tư của mình với một linh mục ở tu viện gần bên. Cha đã lắng nghe con với một sự thông cảm sâu sắc và một nụ cười đầy từ bi trong khi con khám phá ra một cảm giác mới mẻ trong tâm mình: “Con luôn cố gắng để trở thành một người khác, một người tốt hơn con, một người mạnh mẽ có thể thay đổi cả thể giới và thay đổi chính mình. Nhưng bây giờ thì con biết con chỉ là một người yếu đuối và cô độc, và con không thể tự mình làm bất cứ một cái gì”. “Tốt lắm!”- Cha không nói gì thêm mà chỉ khuyến khích con tiếp tục con đường mới mẻ này, con đường của sự khiêm cung, công nhận rằng mình có những giới hạn. Con bắt đầu cảm thấy khỏe nhẹ hơn rất nhiều. Một người rất bình thường, không phải là bậc thánh, cũng không phải bậc giác ngộ, mà chỉ là một người thảnh thơi, tự tại hơn đang dần dần trở lại trong con, bởi vì con không còn tự phán xét đòi hỏi mình nữa. Và chính con người tự do đó trong con đã giúp con quyết định rời khỏi tu viện dòng Benedicto.

Con luôn tự nhắc nhở mình rằng lý do duy nhất con rời tu viện là từ chính con, con không có khả năng sống cuộc sống của người xuất gia. Suy nghĩ được như thế, con thấy lòng mình rất vui và nhẹ nhõm. Trong thời gian quán chiếu sâu này, một câu nói của thánh Giăng (Saint Jean de la Croix) thường đi lên trong tâm con, chói sáng như một vì sao hướng con đi trên con đường mà con muốn bước: “Giờ đây chỉ còn một công việc duy nhất mà ta cần làm, đó là thương yêu”.

Con tìm được một nơi tạm trú trong giai đoạn chuyển tiếp. Đó là một cộng đồng gồm những người trẻ (và không còn trẻ nữa) sống chung với những người khuyết tật. Người sáng lập cộng đồng đặt tên nó là “l’Arche” (Con thuyền cứu thế Noah) với ước muốn xây dựng cộng đồng thành một nơi của lòng vị tha và tôn vinh sự sống. Có một số nữ tu cũng đến đây nương tựa và dần dần những vị này trở thành những người có thể hiểu con và giúp con tìm được lối ra. Sống chung với những người có thể mạnh dạn nói lên những điều mình nghĩ, yêu thương một cách chân thành và chia sẻ từ trái tim mình một cách không sợ hãi đem lại cho con rất nhiều trị liệu.

Cùng với cộng đồng ở đây, con khám phá ra hạnh phúc lớn nhất của con là khi con thực sự có mặt và để cho mọi sự diễn ra trong dòng chảy tự nhiên của nó. Con cũng khám phá ra chỉ cần thực sự có mặt trong chánh niệm có thể mang lại lợi ích lớn nhất và có thể làm giảm thiểu rất nhiều đau khổ của người khác. Con nhận ra nỗi khổ đau của chính con trong những người ở đây, và con không muốn ai phải khổ đau, chỉ muốn đem một giọt nước thanh lương làm dịu đi sự nóng bức cho người bất cứ khi nào con tiếp xúc với khổ đau.

Con được phép ở đó hai năm như một nữ tu, tuy không mặc áo dòng nhưng vẫn giữ trọn vẹn những lời khấn. Con có thể trở lại tu viện bất cứ lúc nào. Tuy nhiên trong suốt hai năm ấy con không muốn làm một quyết định nào cả.

Tháng 10 năm 2014, con nhận được một bức thư của Thầy nói rằng con có thể trở lại Làng Mai. Con đã không trả lời ngay. Rồi Thầy trở bệnh nặng. Con vẫn còn đang trong giai đoạn nhìn lại ước nguyện sâu sắc nhất của cuộc đời mình là gì. Thời gian này con về Làng dự khóa tu sức khoẻ và đến thăm Thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Mỗi lần như thế con đều cảm thấy mình đã về nhà. Thậm chí khi các thầy hay các sư cô mà con quen biết không còn ở đó, thậm chí khi Thầy không còn ở đó.

Con xin phép rời tu viện trở lại cuộc sống ngoài đời, và chỉ khi nhận được lá thư từ tu viện, chính thức cho phép con được ra đời thì con mới thấy thật rõ ràng đó là điều mình hoàn toàn không muốn. Con vẫn còn nhớ rất rõ câu: “Giờ đây chỉ còn một công việc duy nhất mà ta cần làm, đó là thương yêu”. Con biết chắc chắn có một nơi tại miền Nam nước Pháp, ở đó con có thể học cách hiến tặng tình thương đích thực… Vì vậy con đã xin tăng thân cho con trở lại, và con đã về Làng vào khóa tu 21 ngày năm 2016, mười hai năm kể từ khi con rời xóm Hạ.

Chắc chắn là con cần phải làm mới. Nhưng chẳng phải chúng ta cần làm mới mỗi ngày trong đời sống hay sao? Ngày hôm nay thiền hành có hương vị của hôm nay, thiền tọa cũng thế. Trò chuyện, chia sẻ với các sư chị sư em, ăn, ngủ… tất cả mọi cái mà chúng ta gọi là thực tập đều có thể có hương vị của hôm nay. Con có thể cho rằng mình đã biết cách thực tập và biết phải làm gì. Thế nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Từ khi trở lại với tăng thân, con cảm thấy rằng hạnh phúc của mình tùy thuộc một cách hiển nhiên vào phẩm chất của sự tu tập mà không vào một cái gì khác. Sống trong tăng thân, con có rất nhiều khoảnh khắc rất đẹp, có nhiều lúc khó khăn, đôi khi không lường trước được, nhưng cũng có khi chúng lại giống như những người bạn cũ. Có một điều mà gần đây con cảm thấy rất trân quý trong nếp sống tăng thân, đó là con có thể học hỏi từ tất cả mọi điều để nuôi lớn thương yêu. Con có thể mở cửa một cách nhẹ nhàng và đầy chánh niệm vì thương, vì muốn thực tập chánh niệm, đồng thời vì các sư chị, sư em con cũng đang cần sự yên bình; vì muốn tạo cảm hứng cho các bạn thiền sinh, cho những người có thể đang nhìn vào mình để thực tập theo. Điều này cũng đúng cho tất cả mọi thứ khác: con có thể đi trong chánh niệm, chùi phòng vệ sinh, nấu ăn hoặc viết bài cho Lá Thư Làng Mai vì tình thương. Con thực tập để cho tình thương và lòng từ bi là ý nghĩa tối hậu cho tất cả mọi việc con làm. Nếu con có thể khắc ghi điều đó trong tâm thì dù cho con có mệt, có buồn, có bệnh, ánh sáng vẫn soi đường con đi: ánh sáng của từ bi và tương tức.

Con nhận ra rằng điều duy nhất mà con biết về sự liên hệ giữa con với vạn vật, đó là: tự riêng mình, con không là gì cả. Con không là gì cả nếu không có những giọt sương lóng lánh trên chiếc lá sen, nếu mặt trời không nhô lên trên đồi mận, nếu trẻ con không đu lên những cây tre vào mùa hè ở Làng, và nếu không có những nụ cười của các sư chị, sư em của con…