Tu viện Bích Nham – Mười năm nhìn lại

Đi Tìm Đất Mới

Mới đó mà tu viện Bích Nham đã được thành lập 10 năm rồi. Nhớ ngày nào, quý thầy, quý sư cô đi tìm được “đất mới” trong vùng Catskill, New York.  Tôi cũng nằm trong nhóm các thầy, các sư cô đi tìm đất mới…

Trước đó, đại chúng đang còn ở Vermont: Đạo tràng Thanh Sơn dành cho quý sư cô và tu viện Rừng Phong dành cho quý thầy. Mỗi năm, hai tu viện đều tụ họp ở tu viện Rừng Phong để cùng tổ chức khóa tu mùa Hè (Summer Retreat). Vào năm 1997, ông triệu phú Pritam S. đã tặng Sư Ông và quý thầy một trong những ngôi nhà tọa lạc trên vùng đất của ông để làm tu viện Rừng Phong.

Khi khóa tu mùa Hè sắp bắt đầu thì chúng tôi hay tin ông Pritam bị mấy nhà hàng xóm khiếu nại lên tỉnh trưởng là mở khóa tu công cộng trên đất tư nhân, như thế là bất hợp pháp. Và vì thế khóa tu không thể tiến hành được tại Thanh Sơn. Vì thời gian gấp rút, chúng tôi đành phải đặt chỗ ngay ở trường đại học Stonehill ở tiểu bang Massachusetts. Kết quả là sau khóa tu chúng tôi bị hụt gần $20,000. Cũng may là có một số các vị thiền sinh hảo tâm đóng góp thêm để bớt một phần thiếu hụt cho tu viện.

Sau khi khóa tu mùa Hè chấm dứt, chúng tôi, các thầy và các sư cô từ tu viện Rừng Phong và Đạo tràng Thanh Sơn lên đường tìm chỗ cho tu viện tương lai. Chúng tôi đi xem nhiều nơi, trong đó có một số trung tâm, khách sạn và nhà nghỉ mát. Có nơi thì tiện nghi đầy đủ, phòng ăn có thể chứa cả 500-1000 người và nhà bếp rất khang trang, đủ chỗ ở, nhưng giá tiền khá cao nên cũng không thích hợp lắm. Có nơi thì rẻ hơn, nhưng nhà cửa hầu như đều xuống cấp, và gần phi trường cá nhân, nên cũng hơi ồn ào, về lâu dài sẽ rất tốn kém…

Tới chiều, khi chúng tôi cũng đã khá mệt mỏi sau khi xem vài nơi thì tình cờ lái xe qua khách sạn Jeronimo trong thành phố Pine Bush, New York. Nơi này có những rừng cây thật xanh tươi, và quang cảnh cũng thanh bình. Ai cũng trầm trồ: “Sao ở đây thấy quen thuộc và giống y một tu viện quá!” Anh chị em chúng tôi, các thầy Pháp Duyệt, Pháp Tâm, sư cô Thiều Nghiêm, tôi và vài sư cô nữa tấp xe vào, thăm hỏi người chủ. Lúc đó có ông chủ (dòng họ Jeronimo) và cô con gái của ông ra tiếp. Chúng tôi hỏi thăm thì mới biết quanh năm Jeronimo Hotel này đã từng nhận những cộng đồng tôn giáo khác nhau về sinh hoạt.

Cô con gái ông chủ đã từng tham dự khóa tu của Làng Mai và đọc sách của Sư Ông. Cô rất mừng khi biết chúng tôi có ý muốn mua đất của khách sạn để thành lập tu viện, nên cô tình nguyện dẫn chúng tôi đi tham quan. Cô đưa chúng tôi đi xem các phòng ăn, phòng họp, phòng giặt, phòng ở và cảnh trí xung quanh. Nhìn cách bố trí các phòng ốc, chúng tôi đùa nhau về những dự tính sẽ làm thiền đường chỗ này, văn phòng ghi danh chỗ kia, hay phòng sinh hoạt, tăng xá cho quý thầy, ni xá cho quý sư cô, và phòng ở cho thiền sinh, v.v.

Gia đình ông Jeronimo cho biết là nước dùng ở phía bên khách sạn là nước giếng, rất trong, rất sạch và khách sạn cũng gần trạm xe lửa, xe buýt cho khách tới từ New York, New Jersey và các thành phố, tiểu bang lân cận. Chúng tôi nghe vậy rất mừng, vì biết địa điểm này là trung tâm, sẽ thuận tiện cho thiền sinh lui tới hơn là ở Vermont. Rồi cô con gái ông chủ dẫn chúng tôi tham quan khu rừng cây phía sau. Chúng tôi thấy rừng cây xanh rất đẹp, có bờ hồ và dòng suối uốn khúc thật thiền vị. Chúng tôi ngồi xuống đất, đem bánh mì ra ăn, và ngồi bên hồ thưởng thức dòng suối mát lung linh dưới nắng chiều… Tôi thấy lòng mình lâng lâng niềm vui và nhẹ nhõm.

Khi ra về, chúng tôi ngỏ ý với ông chủ và cô con gái là muốn mua đất này. Ông nói cũng đã có vài người đặt trước rồi, nhưng nếu chúng tôi đồng ý mua luôn lô đất đối diện có sẵn khu biệt thự của ông thì ông có thể dành ưu tiên cho chúng tôi. Sẵn rất kính quý Sư Ông, cô con gái cứ nài nỉ ba cô nên bán khách sạn này cho chúng tôi. Ông chủ tỏ ra hoan hỉ. Sau khi thương lượng giá cả, chúng tôi ra về, lòng rất hân hoan vui sướng vì biết mình đã chọn được một nơi lý tưởng cho tu viện tương lai ở vùng đất Pine Bush, New York này. Đó chính là tu viện Bích Nham.

Chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ đầu tiên ở Bích Nham.

Sau khi chúng tôi dọn đến tu viện Bích Nham vài tháng thì đại chúng bắt đầu chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ. Đây là chuyến hoằng pháp đầu tiên xảy ra tại Bích Nham vào tháng 10 năm 2007. Lúc đó thiền đường Đại Đồng chưa được xây dựng, ban tổ chức chuyến đi phải mướn một cái lều trắng thật lớn che phủ bốn bên và một vài máy thổi “lửa” làm lò sưởi tạm thời. Buổi sáng vào “thiền đường – lều” ngồi thiền rất lạnh, ai cũng phải trùm áo thật dày, có người phải trùm thêm mền mới đủ ấm. Trước khi Sư Ông cho pháp thoại, các thầy các sư cô đứng trên cỏ nhựa (plastic grass carpet) lót xung quanh “bục giảng” của Sư Ông, vốn là một tảng đá trắng – để niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm. Tảng đá ấy vẫn còn được giữ lại để kỷ niệm, hiện giờ đang được dựng tại đầu đường dẫn đến thiền đường Đại Đồng.

Năm ấy, khóa tu tiếng Anh được tổ chức khi thời tiết thật lạnh. Có những hôm trời mưa gió tới tấp, làm mấy cái cột lều bật lên, có khoảng bốn năm thầy phải ôm ghì lấy mấy cái cột từ bốn phía để giữ cái lều xuống, nhìn thấy rất thương nhưng cũng rất buồn cười!

Trong khóa tu có hơn 800 người, vì vậy chúng tôi phải mướn thêm mấy cái lều trắng lớn làm nhà ăn. Nhà bếp của tu viện thì quá nhỏ, không đủ khả năng nấu cho số lượng lớn như vậy, nên chúng tôi phải đặt thức ăn (cater food) từ nhà hàng Tàu gần tu viện. Chúng tôi chỉ nấu cơm và luộc rau, còn nhà hàng mỗi ngày cung cấp hai món đồ xào và đồ kho để sẵn trong các khay lớn. Cứ tưởng tượng, ngày nào cũng chỉ ăn y chang hai món đồ xào và đồ kho, sau hai ba ngày là ai cũng “ngán ngẩm”… Bây giờ trong các khóa tu ngày nào cũng được đổi món, khi thì bún Huế, khi thì phở, khi thì hủ tiếu, bò kho chay, các món Tây phương và chè đủ loại, chúng ta thật là hạnh phúc và may mắn hơn hồi đó nhiều, có phải không? Mới vài tháng trước, trong khóa tu dành cho người Việt của chuyến hoằng pháp 2017, quý thầy quý sư cô đã đãi phở nóng và 10 loại chè khác nhau để ăn mừng tu viện Bích Nham mười tuổi đó, các bạn nhớ không?

Trở lại năm 2007, thời gian đầu tiên tu viện Bích Nham mới thành lập, bên quý thầy chưa có nhà ăn riêng nên quý thầy phải tìm cách nối thêm vào căn nhà “villa” để làm nhà ăn. Vì vậy, quý thầy phải làm sạch cây cỏ, và đành phải đốn một cây thông để xây nhà ăn mới. Quý thầy xóm Tùng Xanh tổ chức một buổi lễ tụng kinh cầu an và tẩy tịnh cho cái cây sắp bị đốn. Bánh trái, hương hoa quả phẩm được bày ra, và đại chúng hai xóm tụng kinh cầu nguyện. Sau buổi lễ, thầy Pháp Không nói: “Trong đại chúng nếu ai muốn thì có thể tới thiền ôm với cây này”. Một số vị đã thực tập thiền ôm cây.

Theo luật địa phương, vùng núi Catskill này là khu bảo tồn quốc gia, họ muốn bảo vệ cho cây rừng và thiên nhiên nên không cho phép ai đốn cây bừa bãi. Nếu người nào cần phải đốn cây thì phải lập tức trồng một cây khác thế vào. May mắn là ở Bích Nham có thầy Pháp Khôi làm tri vườn rất giỏi. Thầy đã trồng thêm rất nhiều cây cảnh và cây ăn trái trên đất của tu viện trong vòng mấy năm nay.

Vào năm đầu, quý sư cô cùng dọn dẹp dãy nhà Nguyệt Hồ làm ni xá tạm thời. Sau một thời gian, dãy nhà này trở nên quá sập xệ, xuống cấp nên chị em chúng tôi dọn qua dãy nhà Ngân Hà (Constellation). Vào những năm đầu, Sư Ông đã đặt tên cho mỗi dãy nhà, như nhà ăn là Đại Hòa, thiền đường là Đại Đồng, các dãy nhà cho khách cũng có nhiều tên thật đẹp như Phượng Vĩ, Mây Hồng, Sen Vàng, Nắng Thủy Tinh, v.v. Và Sư Ông cũng đặt tên xóm quý thầy là xóm Tùng Xanh, và xóm quý sư cô là Hạc Trắng. Sư Ông còn làm cho hai câu đối treo ở thiền đường Đại Đồng:

“Nước Bích lắng trong ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện
Non Nham tú lệ mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh”

Trong 10 năm tu học ở tu viện Bích Nham, chúng tôi thường áp dụng hai câu này của Sư Ông làm phương châm sống cho mình. Những lúc trong lòng có những lăng xăng, những cảm thọ đi lên, chúng tôi đều tìm cách ngồi xuống tịnh tâm, với đại chúng hoặc đôi khi ngồi một mình bên dòng suối. Có những đêm trời trăng rất đẹp, nhất là vào Trung Thu, anh chị em chúng tôi tổ chức ngắm trăng ngoài sân nơi cốc Sư Ông, cùng uống trà, ăn bánh, thiền ca với nhau thật hạnh phúc. Và ở lâu trong tu viện thì cũng không tránh được những tâm hành buồn chán thỉnh thoảng biểu hiện, chúng tôi cũng tập quán chiếu, buông bỏ và thay đổi cái nhìn để “mỗi lần nhìn lại, mỗi lần mới tinh”.

Chúng tôi cũng có cơ hội thực tập thương yêu và chấp nhận nhau (vì đại chúng gồm nhiều vị đến từ nhiều truyền thống và quốc gia khác nhau: Mỹ, Úc, Việt Nam, Pháp, v.v.), tập thích nghi khí hậu, tập buông bỏ những tư kiến, tập xây dựng tình huynh đệ qua sự tu học, trong khi làm việc và uống trà chung với nhau. Chúng tôi cũng tập xây dựng bốn chúng bằng cách mở những ngày quán niệm cuối tuần cho các Phật tử và thiền sinh đến từ nhiều tôn giáo khác nhau. Ngoài ra mỗi năm chúng tôi còn mở nhiều khóa tu “theo nhu cầu” cho các luật sư, các giới văn nghệ sĩ, các nhà nội trợ, các vị giáo sư, các em sinh viên đại học, các bậc phụ huynh và các cháu, và khóa tu theo ngôn ngữ cho người Việt, người Mỹ, v.v.

Nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là sự trở về với hải đảo tự thân, ý thức được những tập khí, khổ đau và hạnh phúc trong thân tâm và học chăm sóc cho chính mình. Sư Ông dạy, ngoài đời họ khổ nhiều rồi, mình đừng làm cho mình khổ thêm nữa, hãy giúp người vơi nỗi khổ và vun bồi hạnh phúc trong thân tâm. Chúng ta ai cũng có nhiệm vụ chế tác bình an, hạnh phúc và tuệ giác trong tự thân. Chăm sóc  tự thân cho tốt cũng là chăm sóc cho tăng thân, và nếu ta thực tập giỏi hơn thì có thể tập chăm sóc cho tăng thân như chăm sóc cho chính mình.

Mới đó mà tu viện Bích Nham đã hơn 10 năm thành lập. Lòng chúng con tràn ngập sự biết ơn đối với quý thầy, quý sư cô, quý vị cư sĩ đã từng và đang tiếp tục yểm trợ cho tu viện Bích Nham. Tu viện Bích Nham có được đến ngày hôm nay cũng nhờ rất nhiều bàn tay của quý thầy, quý sư cô và quý vị cư sĩ từ khắp nơi về hỗ trợ, đóng góp và xây dựng. Chúng con xin tri ơn tất cả những ai đã đóng góp tài vật, công sức, và sự tu tập cho tu viện Bích Nham càng ngày càng vững chãi hơn, an lạc hơn, và đẹp hơn trong những năm qua, và mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục công trình xây dựng tăng thân, xây dựng ngôi nhà tâm linh cho tứ chúng về tu học trong nhiều năm tới. Chúng con xin kính tặng Sư Ông và đại chúng bài Tri Ân này như lời cảm tạ:

Tri Ân

Cúi đầu lạy tạ ơn người
Từ bi che chở, hộ trì cho con
Tâm bồ đề nguyện giữ bền
Tu hành tinh tấn đáp đền ơn sâu.
Vun bồi hạnh phúc dài lâu
Cùng tăng thân bước lên đồi thảnh thơi
Duy trì hơi thở nụ cười
Đường về quê cũ sáng ngời niềm tin.

Chân Giới Nghiêm