Thư gửi Ba Mẹ

Sư cô Chân Trăng Thuận Hóa được biểu hiện trong gia đình xuất gia cây Hoàng Yến. Ba sư cô mất lúc sư cô còn bé. Và trong thời gian đang làm tập sự xuất gia tại Diệu Trạm thì mẹ sư cô cũng qua đời. Bằng sự thực tập trở về tiếp xúc với tổ tiên huyết thống trong mình, sư cô đã đi qua niềm đau mất đi những người thân. Sư cô đã thực tập theo lời dạy của Thầy với cách tư duy tích cực và thấy rằng mình thật may mắn khi còn có ba mẹ để nghĩ về…

Diệu Trạm ngày nắng,

Con chào Ba Mẹ!

Ở nơi ấy chắc ba mẹ vẫn vui chứ ạ? Con gái ba mẹ giờ thành một sư cô rồi nè, tu tập vui lắm ạ. Cho nên con tin chắc là ba mẹ cũng sẽ vui lắm. Có lẽ từ xưa nhà mình đã có ai muốn đi tu mà không thực hiện được, cho nên hôm nay con mới có đầy đủ phước duyên vào chùa.

Sáng nay con bước lên thiền đường, không khí buổi sáng thật tĩnh lặng (vì hôm nay được làm biếng). Con ngồi thật yên lắng nghe tiếng gió, tiếng gà gáy sáng, lâu lâu tiếng còi xe vang lên vội vã trong màn đêm và cả tiếng nói ở trong tâm mình nữa. Con ngồi thật yên và có mặt đó cho gia đình. Chắc mọi người bây giờ đang tất bật lo cắt gọt, nấu nướng để bày cúng vì hôm nay là 100 ngày của mẹ. Con ngồi đó và những hình ảnh ngày xưa đi lên trong con.

Hình ảnh ba đạp chiếc xe đạp chở con đi xem lô-tô. Chỉ có ba mới làm được chuyện đó thôi, ba nhỉ! Ba sợ con mỏi chân nên để con ngồi trên xe rồi ba dắt bộ, hết dốc ba lại đạp tiếp. Lúc ấy con còn nhỏ lắm và hôm ấy trăng cũng tròn như hôm nay. Con ngây thơ nhìn theo ông trăng và nghĩ là ông trăng đang đi theo nhìn hai cha con mình. Khi con nói thì ba chỉ cười, lưng áo ba đã ướt đẫm mồ hôi mà chẳng nghe ba than mệt gì cả. Bánh xe vẫn lăn đều trên con đường đất. Chỉ có tình thương của ba mới làm được như vậy thôi. Thật hạnh phúc khi con vẫn còn ký ức về ba. Những hình ảnh đẹp cứ như một cuốn phim dài tua nhanh trong trí nhớ của con. Anh chị em con đứa nào ba cũng thương như nhau. Ba dạy cách sống công bằng trong mỗi hành động của ba. Con nhớ có lần hạ dĩa quýt trên bàn thờ xuống, ba đã chia cho từng người không thiếu ai hết. Lúc đó con tham ăn, sợ bị giành nên cầm trái quýt trốn ở góc nhà ăn một mình đó ba. Con hư ba nhỉ! Lúc nhỏ con luôn là đứa trốn nhà đi chơi, ba biết nhưng chẳng bao giờ phạt con. Ba ơi, ngày ba đi con vẫn chưa chấp nhận được. Không chỉ riêng con mà cả mẹ, anh chị, chú bác… ai cũng bàng hoàng. Với cái đầu nhỏ bé nhưng lì lợm, con đã tự cho rằng ba sẽ trở lại. Con tự động viên mình rằng ba chỉ đi vài tháng. Nhưng rồi một năm, hai năm… con phải tập chấp nhận rằng ba sẽ không về nữa. Con tập sống tự lập khi không có ba bên cạnh. Mỗi ngày trôi qua, nhìn thấy mẹ mỗi ốm hơn, đôi mắt thêm quầng thâm và những vết chân chim nhiều hơn, con càng muốn cố gắng mạnh mẽ.

Rồi năm 2009 mẹ bệnh, con chỉ muốn nghỉ học đi làm. Không phải vì con không thích học mà vì con muốn mẹ đừng bỏ anh em con. Con sợ! Nỗi đau mất ba đã quá lớn lao rồi, con không biết mình có thể chịu đựng được cái viễn cảnh mẹ cũng rời bỏ con mà đi không? Nhưng ngày đó vẫn cứ xảy đến, lạnh lùng và tàn nhẫn đưa mẹ đi. Hai mươi tuổi con trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngơ ngác, bơ vơ và trống trải. Dù rằng trong chùa có những pháp môn thực tập nhưng tại con tu chưa giỏi nên lâu lâu vẫn cảm thấy tủi thân khi nghe mọi người nhắc đến hai chữ ba mẹ.

Ngày hôm nay, khi ngồi thật yên trên thiền đường con cảm thấy hạnh phúc và may mắn. Con may mắn vì ít ra con còn có ba mẹ để nhớ. Có những bạn sinh ra còn không được thấy ba mẹ nữa cơ. Như vậy cũng đủ hạnh phúc với con lắm rồi. Con lại được ba mẹ thương yêu nữa. Mẹ nhớ không, lúc con còn được ngủ với mẹ? Con lạnh run, mẹ quay qua ôm con cho ấm, ai ngờ ấm quá con ngủ mơ… đạp mẹ đau điếng. Rồi lúc con bệnh mẹ lo nấu cháo cho con ăn. Lúc con ho, mẹ vùi củ nghệ bắt con nhai. Nhìn con đau mà mẹ đau gấp ngàn lần, đứng ngồi không yên, lo lắng đủ bề. Chỉ có tình mẹ mới vậy, mẹ nhỉ? Từ lúc mẹ bệnh, con chưa bao giờ thấy mẹ ngủ bình an như vậy. Miệng mẹ khẽ cười, tâm con thấy vui. Con vui vì bây giờ mẹ không còn bị cái hình hài làm cho đau đớn nữa. Mẹ bây giờ là một người tự do, đôi khi con lại thấy mẹ mỉm cười với con. Ba mẹ đang có trong con, nhờ tu tập, con thấy được những hạt giống trao truyền từ ba mẹ, cả tốt lẫn chưa tốt lắm. Nhưng không sao, con sẽ thực tập để chuyển hóa chúng, mẹ ạ.

Con kể cho ba mẹ nghe về ước nguyện đi tu của con nhé! Ước nguyện này đã có trong con từ lúc nhỏ, khi bà nội dắt con đi chùa. Con thích không khí thanh tịnh ở chùa và con muốn được làm một điều gì đó có ích cho xã hội. Ngày đi tu con chỉ có một mong muốn là làm thế nào để con có thể giúp được cho chính con và cho gia đình mình bớt khổ. Con thấy anh chị em trong gia đình thương nhau, nhưng do không hiểu nhau nên mới làm cho nhau khổ. Con muốn tìm một con đường để giải thoát cho con, vì chính trong con cũng có những khổ đau. May mắn là trong nhà con là người được thương nhất, ra ngoài cũng được bạn bè quý mến. Vì con được ba mẹ thương cho nên con mới đi tu. Nhưng cái tình thương con muốn hướng đến là một tình thương rộng lớn hơn. Con muốn thương nhiều hơn ba mẹ thương, nhiều hơn bạn bè thương, nhiều hơn cả tình thương đôi lứa. Con muốn đem tình thương ấy mà đối xử với tất cả mọi người, thứ tình thương không biên giới mà chỉ có những người ba, người mẹ mới làm được. Con đang thực tập để có thể thương được như vậy đó. Khi đi tu rồi thì tình thương không chỉ giới hạn trong gia đình hay trong tình thương đôi lứa. Thương theo tinh thần của đạo Bụt là tình thương có tự do, có hiểu biết. Vì có hiểu mới thương được. Thương như vậy thì mình hạnh phúc mà người cũng hạnh phúc, ba mẹ nhỉ!

Con thấy mình vẫn còn may mắn khi bên con vẫn còn có anh chị, có các bạn đồng tu. Con có cả gia đình tâm linh và huyết thống bên cạnh con. Con đang là sự tiếp nối của ba mẹ, ba mẹ có thấy không? Mỗi ngày con đều thấy mình thật may mắn. Con nuôi dưỡng niềm biết ơn và hạnh phúc trong con. Con biết khi con hạnh phúc thì ba mẹ cũng hạnh phúc, vì con thấy ba mẹ đều đang có trong con. Con yêu ba mẹ nhiều lắm!

Con gái của ba mẹ,

(Chân Trăng Thuận Hóa)