Nhìn lá nghe mưa

(Chân Văn Nghiêm)

Trạm Tịch ngày ni

Con đang ngồi bên góc nhỏ trong phòng tại ni xá Trạm Tịch. Trạm Tịch ẩn mình dưới một ngọn đồi với những con đường quanh co bao bọc cây xanh. Nơi đây sáng chiều vang vọng tiếng đại hồng và lời kinh thân quen. Con thương cảnh núi đồi và tình sư chị, sư em sum vầy bên nhau cùng học, cùng tu nên con thường gọi đùa đây là Phương Bối Am.

Phương Bối trong lòng con bây giờ đông vui hơn, Phương Bối không có nhà rông mà thay vào đó là thiền đường lộng gió lá bay. Ngồi trong thiền đường nhìn ra lá xanh vây quanh như đang ở trong nhà sàn giữa rừng vậy đó. Ngồi đây con thấy rừng cây như che chở, nâng đỡ chúng con và thấy mình thật gần với thiên nhiên. Mỗi ngày tiếng kinh vọng về với núi đồi rồi thấm vào lòng chúng con. Con như nghe rõ lời dặn dò của Thầy: “Về Việt Nam nhớ nhìn lá và nghe mưa cho Thầy”. Để rồi mỗi khi ngồi thật yên trong lòng tăng thân con cảm nhận rõ tăng thân chính là nhà, là nơi cho con trở về. Nơi đó có lời nói chân thành từ đời sống của Bụt, Tổ, được Thầy làm mới lại thành ngôn ngữ sao mà gần gũi như những cơn mưa mỗi ngày tưới tẩm hạt giống Bồ đề, đi vào tâm hồn chúng con và mọi loài nơi đây. Con thấy mình được nuôi sống bằng một nguồn thực phẩm lành mạnh, bằng những lời hay ý đẹp như gột rửa những muộn phiền qua lời kinh bình dị và được tắm mát bằng những giọt nước thanh lương. Tự nhiên con reo lên khi chạm vào sự thật trong câu nhạc kinh “… những cơn mưa pháp tắm mát những mảnh vườn nóng bức, khô cằn…” trong ngày giỗ Sư Tổ Khương Tăng Hội.

Ngày mới đến, không khí nơi đây thật lạnh lẽo và u tịch, cho nên mới gọi là Trạm Tịch, bởi cái âm u và hoang sơ của núi đồi như thiếu nắng, thiếu mưa… Vậy rồi Trạm Tịch trở mình với lời kinh khuya sớm, với tiếng nói cười hồn nhiên, với tấm lòng trẻ ham tu, ham học… Trạm Tịch thay áo mới, cây cối và cảnh quang không còn âm u nữa mà hơi ấm tình người và bếp lửa tình huynh đệ đã làm cho nơi đây thân quen và gần gũi hơn. Con ngồi yên, đôi mắt chạm vào bụi chuối, rặng tre trước mặt và bắt gặp ánh mắt Thầy giữa lòng quê hương. Con chợt nhớ bài học yêu quê hương những ngày còn bé:

“Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

‘Ai bảo chăn trâu là khổ’

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”

(Quê hương _ Giang Nam)

Yêu cái chân thật và sự sống

Thế rồi con lớn lên, rồi đi tu. Tháng năm sống trong chùa đã cho con một tình yêu mới, yêu những điều bình dị trong cuộc sống hằng ngày, yêu lời kinh tiếng kệ, yêu cây cối quanh mình, yêu con đường đất đỏ, yêu nải chuối, vườn rau… yêu cái chân thật và sự sống. Bao năm xa quê, con ngập ngừng khi trở về quê hương. Cũng bờ rau muống, bụi chuối, lũy tre… mà sao bây giờ cái gì cũng thật mới mẻ nhỉ? À! Thế ra quê hương có liên hệ với mình nhiều lắm, và trong mình có một quê hương thực thụ mà càng tu học mình như được trở về sống và ngắm nhìn quê hương thật rõ qua đôi mắt ý thức cùng lời ca câu hát:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm…”

(Quê hương_Đỗ Trung Quân)

Bài hát quê hương đã vọng về trong con từ ngày con ở Trạm Tịch. Cứ sáng sớm tinh mơ, mở cửa bước ra khỏi phòng là con cảm nhận được mùi hương tinh khiết của đất trời thật mát mẻ, tinh khôi. Con như cảm nhận sự may mắn của người tu khi được sống với bài kệ:

“Mở cửa nhìn pháp thân

Đời mầu nhiệm không cùng

Lòng dặn lòng tỉnh thức

Dòng nước tâm trong ngần.”

(Mở cửa_Thi kệ Nhật dụng)

Con chợt nhận ra pháp thân của đất trời bao la, hùng tráng và linh thiêng. Và con chỉ cần thả mình trong bước chân nhẹ nhàng men theo lối nhỏ lên đến thiền đường, nơi yêu thương mà con gọi đùa là điểm hẹn của tình huynh đệ, chắp tay xá chào Bụt bằng tấm lòng của một người con thương kính cha trong ngôi nhà tâm linh thân thương, rồi nhẹ nhàng ngồi xuống bên các sư chị, sư em mình, để cảm nhận sự sống trong mình và đất trời gặp nhau.

Học đến gần với mình hơn

Để rồi trong cái yên lặng của ban mai, con thích được cảm nhận rõ ràng hơi thở của mình qua bài kệ hô canh buổi sáng:

“Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai

Tĩnh tọa lòng an miệng mỉm cười

Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức

Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi.”

Pháp thân là điều gì đó thật mầu nhiệm mà con học hoài vẫn thấy mới mẻ, nhưng cảm nhận như mỗi ngày thấy mình được đến gần với chính mình hơn thì phải. Chỉ bốn câu kệ ngắn thôi mà học mười năm rồi con vẫn thấy không đủ thiếu vào đâu cả. Có những hôm trời mưa, nước mưa hắt vào thiền đường, tiếng lá cây xào xạc, mở mắt ra nhìn mưa và thấy lá rơi rơi thiệt đẹp. Con như cảm nhận rõ hơn vì sao Thầy gọi thiền đường là Hiên Nghe Mưa. Những cơn mưa pháp của đất trời và những cơn mưa pháp theo tiếng mõ và nhịp thở của chúng con đan quyện vào nhau làm nên những hạt mưa xuân trên quê hương thân yêu:

“Mưa xuân nhẹ hạt đất tâm ướt

Hạt đậu năm xưa hé miệng cười

Người đã tới thăm, trăng một túi

Lá tía tô gọi hạt mồng tơi

Rậm lục thưa hồng chuông gợi bước

Chân hôn mặt đất mắt ôm trời…”

(Cúc cu đúng hẹn _ Sư Ông Làng Mai)

Con mỉm cười nhận ra tín hiệu của mùa xuân đang đến trong cơn mưa nhẹ hạt và những chồi non vươn mình đón nắng ấm ban mai. Bước ra khỏi thiền đường, lòng nhẹ tênh trong nắng sớm, bắt gặp sự mới tinh đầu ngày của mình và cỏ cây hoa lá. Thả những bước chân thân quen ra vườn rau, Trạm Tịch sau những ngày dọn dẹp, chuyển chúng lại bắt đầu thấy những luống cải mầm xanh non đang lên. Trăng treo trên nền trời trong veo như ngọn đèn ấm áp dọi xuống mái hiên ni xá, quây quần sư chị sư em ngồi trò chuyện bên nhau. Thi thoảng tiếng chuông, nhịp mõ, lời kinh vọng lại vào những hôm làm biếng, nghỉ công phu, làm cho nơi đây như đẹp hơn bởi tấm lòng ham tu của các sư em nhỏ. Con thấy như cái ngày ấy trở về qua câu thư pháp nhỏ có nét chữ của Thầy mà sư em con tặng: “Lòng hôm ấy sẽ là lòng muôn thuở”. Bây giờ con như thấy Thầy đang cười và nheo mắt đọc cho chúng con câu thơ năm nào: “…Người đã tới thăm, trăng một túi. Lá tía tô gọi hạt mồng tơi…”

Học nghe mưa

Chúng con luôn thấy bóng hình Thầy trong lời thơ tiếng hát và những câu chữ hay chiếc lá, nụ hoa… Và con thấy có những bài hát con nghe nhiều lần, nhưng bất giác có một ngày câu hát chui tọt vào tâm thức con và ở đó nhắc nhở cho sự tu học và dõi theo con từng ngày. Bây giờ con mới thấm lời Thầy dạy: “Tụng kinh là để lời kinh đi vào mà không phải chỉ tụng cho hay, và một ngày nào đó mình sẽ thấy lời kinh đi ra giúp mình sống với lời kinh và phải luôn tự hỏi rằng những giáo lý thậm thâm vi diệu ấy có ảnh hưởng như thế nào tới hạnh phúc và khổ đau của chính mình?” Và con nghiệm ra rằng, nghe mưa cũng vậy.

Ngày xưa con nghe mưa là tự nhiên nỗi buồn đi theo. Bây giờ con nghe mưa thật bình an không còn những suy tư buồn đau vây quanh. Một cảm giác tự do của tâm thật rõ ràng và chân thật. Con biết mình không nên níu giữ kỷ niệm hay bị tác động bởi một cảm thọ buồn vu vơ không có thật trong con. Con nghe mưa như đang nghe tiếng hát của đất trời, tiếng nói thân thương của một người bạn. Và khi con nghe mưa bình an cũng là lúc con tập nghe kinh bình an, không thêm bớt một cảm thọ, một tri giác nào cả, chỉ có mặt cho hơi thở và lời kinh.

Học nhìn lá

Thưa Thầy, mỗi lần nghe bài hát Cúc cu đúng hẹn con lại thấy những ngày bình minh lên trên ngọn đồi xóm Mới, hình ảnh thầy trò bên nhau leo lên đồi mận, ngồi yên nhìn xuống xóm Mới thiệt đẹp. Và một ngày, khi nghe tiếng chim cúc cu, Thầy dừng lại như nghe tiếng chuông và thưởng thức nắng ấm đầu xuân. Và bấy giờ con như hiểu thêm lời thơ “Rậm lục thưa hồng chuông gợi bước. Chân hôn mặt đất mắt ôm trời” là một hình ảnh rất đẹp và khí khái của người tu. Hình ảnh đó luôn nuôi dưỡng sự thực tập của con mỗi ngày. Để rồi mỗi ngày con tập nhìn lá, nhìn sự sống và sinh hoạt trong tu viện bằng đôi mắt mới và nghe những giọt mưa tí tách rơi trên hiên nhà, trong sân chùa và trong lòng mình. Con nhận ra sau hơn mười năm đi tu, bây giờ con như mới tập tễnh vào chùa để cảm nhận rõ hơn những điều rất thật:

“Tình yêu non nước về trên lá

Nhân loại mừng vui rộn nẻo đường

Hoa lòng trời đất vô cùng nhỉ

Mỗi một mùa xuân lại nhả hương.”

(Đường quê_Sư Ông Làng Mai)

Đó là những câu thơ Thầy đọc cho con nghe vào một buổi sáng con ngồi đưa võng cho Thầy bên lũy tre ở Sơn Cốc. Đôi mắt Thầy nhìn lên tán lá tre như thầm nhủ: “Lại một mùa xuân nữa xa quê!” Con nhớ đó là những ngày giáp Tết, mọi người về Làng an cư mỗi năm một đông hơn, nhất là những năm Thầy bắt đầu bệnh. Tại Sơn Cốc, tiếng võng hòa cùng tiếng kẽo kẹt của bụi tre nghe thật gần với quê nhà. Hai thầy trò ngồi yên lặng bên nhau nghe tiếng hát của lá, tiếng suối róc rách và ánh nắng xuyên qua những tán lá rơi xuống trên vai, trên áo Thầy, cùng nụ cười thầm lặng trong câu thơ “Hoa lòng trời đất vô cùng nhỉ?”như treo lơ lửng trong hư không rồi đọng lại trên tán lá để “mỗi một mùa xuân lại nhả hương”.

Thầy nhìn rất lâu vào màu xanh của lá như đang cảm nhận sự sống thực thụ của quê nhà trên đất Pháp. Dừng lại một giây trên lá mà quê hương như hiện về thật rõ, cho nên mỗi lần Thầy đưa tay cầm chiếc lá và nhìn vào nó là con thấy như sự sống về trong ánh mắt trìu mến ấy. Con thấy có những điều kỳ diệu trong chiếc lá mà lâu nay con không hay, và chắc trong con cũng có nhiều điều mà con chưa biết rõ về bản thân mình. Cả quê hương, ba mẹ và bạn bè quanh con cũng vậy.

Học xây dựng xứ sở của giây phút hiện tại

Lần này con trở lại quê hương để học lại bài học yêu quê hương qua “bàn tay trên liếp cửa”, qua đôi mắt trầm tĩnh và nụ cười trẻ thơ mà Thầy đã sống. Yêu cả những nét đẹp trong sách vở còn ghi lại trên trang lịch sử hay thời gian đang đi qua, hiện tại phút chốc trở thành quá khứ. Và chúng con đang đi tới tương lai trong bước chân thiền hành cùng tăng thân. Trong dòng chảy của sự sống này, tăng thân là con thuyền mà mỗi thành phần trong tăng thân là một tay chèo trên con thuyền Bát nhã vượt qua những khúc quanh trong lòng mình và trong cuộc đời này. Mầu nhiệm thay những giây phút được chiêm nghiệm hạnh phúc và khổ đau của chính mình trong giây phút hiện tại để vẫn thấy mình thích tu, thích học nghề chuyển hóa, chuyển hóa buồn đau, cơn giận, và học cách làm cho mình bớt khổ. Đi tu, con được học lại nhiều thứ bằng con mắt mới, tình yêu mới, con người mới qua sắc màu quen thuộc và tiếng nói thân thương của Thầy, và đến gần với những lời thơ câu chữ thật đẹp:

“…Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

(Nhớ chùa _ Hòa thượng Mãn Giác – hiệu Huyền Không)