Mưa bên núi xanh

Sư cô Chân Duyệt Nghiêm

Bây giờ là một buổi chiều “vô sự” của ngày lễ Tạ ơn ở đây. Một buổi chiều có thể “ngồi hát ca rất tự do” hay một mình yên lặng như thế cả buổi chiều nếu muốn, vì không có gì cần nói và cần làm cả. Đôi khi tôi yêu cái sang trọng của sự xa xỉ về thời gian. Có người nói: “Trong sự sang trọng có sự tĩnh lặng!”. Có lẽ điều này khá đúng đối với thời gian. Khi đó, mình không cần tất tả chạy đi làm cái này cái nọ, tính toán bàn chuyện cho cái kia hay là tiếp chuyện ai. Mình có thể “ngồi không”, “ngồi chơi”, để thở, để cảm nhận và để đôi khi chợt nhận ra có những thứ mình đã để quá lâu ở trong lòng…

Trước mặt tôi lại là một khung cửa sổ rộng nhìn ra cánh rừng cuối thu, đất trời vẽ thành một bức tranh trầm mặc. Bên ngoài bây giờ là nắng vàng thật đầy, cái nắng chiều cuối thu này thường vàng lên rực rỡ rồi cũng vụt tắt thật nhanh vì ngày trở nên càng lúc càng ngắn, bầu trời cao xanh bên trên những hàng cây xám bạc, và dưới đất, xung quanh, lá vàng khô ngập đầy không gian.

Cuối cùng tôi đã trở lại Bích Nham. Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà đã gần bốn năm kể từ lần đến trước. Giữa hai đầu thời gian đó, trí nhớ tôi đã nhiều lần quay về, thấy mình đi vào rừng, đi dọc theo con suối, ngồi trên băng ghế để nghe ngắm dòng suối, đi từ nhà ăn lên ni xá, đi đến thiền đường, thấy mình đứng yên để ngắm đàn nai đang dạo chơi hoặc chạy theo dậm chân vờ hù dọa những chú sóc béo mập… trong những ngày cỏ xanh hay những ngày tuyết phủ. Tôi đã không chắc là mình có thể quay lại nơi đây trong thời buổi dịch bệnh rối ren này, nhưng có lẽ vì đã nhiều lần nghĩ đến nên cuối cùng tôi cũng đã quay trở lại.

Sáng nay sau buổi ngồi thiền, khi đi từ thiền đường về lại nhà ăn, tôi lại nghe tiếng suối đổ ầm ào trong rừng và từ chỗ tôi đứng nhìn qua, cánh rừng đang mờ ảo dưới làn mưa bụi. Có lẽ con suối nhỏ ẩn nấp trong rừng không len lỏi, róc rách nữa mà đang lớn mạnh và ào ạt tuôn tràn. Tôi đứng lại một hồi lâu, nhìn về phía cánh rừng, lắng nghe tiếng suối rừng trầm hùng ấy và có cảm giác, lại thêm một lần, giấc mơ và hiện thực gặp được nhau. Thật đẹp!

 

 

Tái sinh trần tạ ơn Người từ bi…

Pháp thoại sáng nay nói về niềm biết ơn, chánh niệm và hạnh phúc. Nên tôi cũng ngồi yên và để cho những niềm biết ơn dâng lên trong lòng mình.

Trong những nỗi nhớ về Thầy, tôi cứ nhớ ngày Thầy đọc xong bài viết của tôi về chuyện tôi đã khó khăn với gia đình như thế nào khi rời nhà đi tu. Sáng đó, ngày quán niệm ở xóm Hạ, Thầy vừa đến là cho thị giả đi tìm tôi. Tôi vào phòng Thầy, ngồi xuống bên võng Thầy đang ngồi, Thầy đưa bàn tay mềm, ấm của Thầy bảo tôi nắm lấy, để ủ bàn tay tôi vào hai bàn tay Thầy, Thầy nói: “Thầy vừa đọc bài viết của con”. Rồi từ ngày đó cho đến ngày tôi về Việt Nam thăm nhà, không có chuyện gì nghĩ là có thể giúp ích cho tôi mà Thầy và Sư cô không làm. Tôi nhớ hình ảnh Thầy dẫn tôi vào thư viện ở Sơn Cốc, trải xuống sàn những tấm thư pháp mà Thầy đã viết để tặng cho tôi mang về nhà. Hai thầy trò ngồi xem những tấm thư pháp, Thầy hỏi: “Con thích tấm nào?”. Tôi thưa: “Dạ, thưa Thầy, con thấy… tấm nào cũng đẹp hết!”. Rồi Thầy nói: “Thôi vậy cho con hết đó!”. Thầy gọi tôi lên Sơn Cốc và xóm Mới ăn cơm nhiều lần để dạy tôi cách về thăm nhà sẽ làm gì, nói gì với ba mẹ… Thầy còn dạy tôi nhớ chít khăn cho đẹp. Thầy nói: “Một mảnh khăn vuông đó mà là truyền thống của cả ngàn năm rồi đó con!”. Sư cô Chân Không thì tặng tôi bộ sách của Sư cô lúc đó mới xuất bản. Sư cô viết lời đề tặng tôi kín hết cả trang đầu tiên, mà thực ra là tưới hoa tôi để cho… ba má tôi đọc. Rồi ngày tôi về, Sư cô còn gọi điện về Long Thành nhắn các sư chị, sư em ra sân bay đón tôi và về nhà tôi chơi. Thành ra, có một số chị em trước đó tôi chưa từng biết mặt và chỉ gặp nhau những ngày đó nhưng tôi thấy thương quý và biết ơn các chị em rất nhiều cho đến bây giờ. Thế nhưng, lần đó tôi “làm ăn” thất bại quá. Cái nút thắt đó tôi gỡ không ra. Cho đến khi tôi qua lại, Thầy hiểu ra sự việc, không khuyên tôi cố gắng làm gì với gia đình nữa, mà chỉ “ráng tu” thôi và “những gì mà con muốn ba con làm cho con thì bây giờ con làm điều đó với các sư em mình!”. Thầy tinh tế và bao dung quá, nên từ đó tôi thấy lòng mình cũng nhẹ nhàng và có nhiều không gian hơn. Cho nên, đôi khi sau này tôi cũng làm chuyện này, chuyện kia với gia đình, nhưng tôi không còn quá cố gắng và trông đợi gì cả. Để cho đến một ngày đột nhiên nhận ra, mọi người ai cũng đã bình tâm trở lại và chấp nhận nhau, thương yêu nhau như ngày nào.

Từ ngày Thầy bệnh đến nay, tôi không gặp được Thầy nữa. Đôi khi tôi thấy thiếu Thầy và nhớ Thầy nhiều lắm! Thầy như một bếp lửa để mọi người có thể đến ngồi quây quần hơ tay, sưởi ấm vào mùa đông và như một mặt hồ rộng mát để cho ai cũng có thể nhảy xuống mặc tình tắm gội mùa hè. Đặc biệt là khi trong chúng có chuyện lộn xộn, tôi cứ ước ao có Thầy, chỉ để đưa một ánh nhìn, nói một câu nói, mà làm thông thương và giải tỏa hết những buồn phiền, mâu thuẫn, ấm ức. Còn bây giờ nếu có giây phút nào tôi có Thầy, tôi sẽ chỉ ngồi yên thôi, ủ chén trà nóng của Thầy cho trong tay và cảm nhận sự có mặt quý báu của Thầy…

 

 

Tôi gặp Làng, gặp đất trời của Làng, gặp quý thầy, quý sư cô, rồi mới gặp Sư cô Chân Không và gặp Thầy…Mỗi sự gặp gỡ đó đều là một điều kiện cần và đủ trên con đường tôi đi, mà nếu thiếu một điều kiện nào cũng sẽ không có tôi trong phút giây này.

Cũng như tôi nhớ ngày đó, lần đầu đến gặp sư cô Chân Không, xin Sư cô giúp tôi làm giấy tờ để tôi có thể ở lại Làng an cư ba tháng. Đó là mùa đông năm 2006. Tôi đã kết thúc những việc học hành, thay vì về Việt Nam thì tôi đến Làng. Và vì tôi có ý định ở lại Làng an cư ba tháng “thử” cho biết nên tôi thưa điều này với sư cô Song Nghiêm. Sư cô nói sẽ thưa sư cô Chân Không dùm tôi. Vậy nên ngày tôi vào gặp sư cô Chân Không để nói chuyện làm giấy tờ, tôi nghĩ Sư cô chỉ làm giấy cho tôi ở ba tháng, vậy đã là quý lắm rồi. Nhưng khi tôi mới mở miệng tính giải thích chuyện học hành đi ở của mình thì Sư cô chỉ nói: “Con đưa passport cho sư cô. Sư cô làm giấy cho con một năm luôn”. Rồi Sư cô còn nhìn tôi – một cái nhìn “sấm sét” và nói thêm: “Sư cô tin con!”. Có lẽ ngày đó, Sư cô không biết là Sư cô đã… điểm trúng huyệt của tôi. Nên sau này, lúc nào có… chạm dây chạm mạch, tâm tư bất thường hay manh động muốn “lên núi”, thì tôi cũng “đành” nắm lấy cái niềm tin, niềm thương năm nào của Sư cô đã dành cho mình để đi tiếp, để “làm mới”, để sống tốt hơn và nguyện tiếp tục những gì mà Sư Ông và Sư cô đang làm và muốn các con làm… Vì rằng, ngày đó, Sư cô đâu biết tôi là ai, có muốn tu học gì không mà Sư cô vẫn tin, vẫn thương và gia hạn giấy tờ cho tôi; nếu không thì lấy đâu mà tôi ở lại Làng an cư, rồi làm tập sự, rồi xuất gia tu học đến bây giờ! Còn những câu chuyện về “thương người, giúp người” của Sư cô có lẽ phải làm thành sách nhiều tập, và mọi người trong chúng hay ngoài chúng, đều có thể viết cho quyển sách ấy. Sư cô ơi, cầu nguyện Bụt Tổ gia hộ cho Sư cô khỏe mạnh để sống lâu với chúng con, để thương chúng con, thương Đời và để chúng con được thương Sư cô ạ!

Khi ngồi nghe bài pháp thoại sáng nay, trong tôi còn đi lên một hình ảnh là tôi ngồi viết xuống những điều mà mình biết ơn với một sư chị. Mỗi điều đó tôi viết vào một tấm giấy nhỏ hình tròn, tổng cộng là ba mươi mấy tấm, bằng với số tuổi sư chị. Rồi tôi cột tất cả lại để tặng cho sư chị nhân dịp sinh nhật.

Nhân duyên gặp gỡ sư chị thật lạ và tương đối dài lâu. Đó là khi tôi mới chân ướt chân ráo đến Làng, ở xóm Hạ làm cư sĩ dài hạn trong ba tháng an cư, còn sư chị làm giáo thọ tập sự. Sư chị đã nhận tôi làm y chỉ muội. Và cho đến tận ngày tôi rời Làng, sau hơn mười năm, cũng là sư chị ra đứng tươi cười vẫy chào cho đến khi xe tôi đi khuất, khi biết trong lòng tôi đang có bao nhiêu cảm xúc rối bời…

Nhớ những ngày đầu tiên ấy, tôi ngáo ngơ lắm, chưa có chút mùi vị tương chao gì, từ nhỏ đến lớn chỉ biết học hành nên đâu có biết cách sống trong chùa như thế nào cho phải phép. Sư chị phải “dạy dỗ” tôi từ đầu, từ cách ăn, cách đứng, cách ngồi cho đến việc nấu ăn, thưa hỏi quý sư cô… Mà tôi cũng đâu phải là người dễ dạy! Vì “trót” học hành nhiều quá nên người khác nói gì mình cũng hay lý luận, chất vấn. Sư chị đã phải nhiều phen “vất vả”. Thậm chí tôi còn nhất định không chịu viết thư lúc quý sư cô họp để xét tập sự và xét cho xuất gia vì cái thói tật “không thích hình thức” lẫn “ám ảnh” về những thủ tục hành chính từ thuở còn đi học ở Pháp, làm sư chị phải khuyên nhủ, giải thích, thuyết phục, lẫn năn nỉ và “đe dọa”… Để rồi cuối cùng tôi viết thư cho quý sư cô, mà nghĩ lại là vì thương sư chị đã phải vất vả với mình nên mới viết(!) Ngày tôi xuất gia, mấy cô trò ai cũng vui, sau buổi lễ, sư chị là người cạo tóc cho tôi, cho tôi bộ đồ vạt hò và cái áo nhật bình mà tôi mặc lần đầu trong cuộc đời xuất sĩ. Nhìn lại đoạn đường của mười mấy năm ấy, biết bao nhiêu chuyện buồn vui, lên xuống, thất thường của tôi đã xảy ra, như cái buổi đầu lơ ngơ đó. Tôi may mắn luôn có sư chị kiên nhẫn, thầm lặng, bao dung để sẻ chia, cho dù ở gần hay xa. Và tôi biết trong những tháng ngày sắp tới, sư chị sẽ vẫn luôn ở đâu đó để động viên, an ủi và khích lệ tôi những khi tôi buồn vui hay có những bất an, dao động. Tôi vẫn nhớ năm đầu tiên ấy, sau buổi lễ đối thú an cư của ba xóm, còn có thêm nghi thức các y chỉ sư và y chỉ muội đối thú với nhau tại mỗi xóm. Lúc đó, sư chị làm y chỉ sư cho một mình tôi và theo đúng nghi thức, các y chỉ muội sẽ thưa thỉnh và lạy y chỉ sư ba lạy trước khi vị y chỉ sư nói lời hoan hỷ nhận những vị đó làm y chỉ muội của mình! Tôi vẫn còn nhớ mãi buổi tối hôm đó. Không phải tình cờ là như vậy!

Và cũng vì niềm tin yêu đó mà bây giờ tôi mới thấy thương quý và mến phục các sư em của mình. Như mình ngày đó còn khờ dại, chẳng biết phép tắc gì mà rồi cũng “ráng tu”, đến một lúc thấy lòng tha thiết và trân quý biết bao nhiêu việc được làm một người tu, thì mới thấy các em mình bây giờ mới dễ thương, mới “chùa” làm sao và hẳn là… có tương lai! Nhìn các sư em ngoan hiền, siêng năng làm việc và đi công phu, hồn nhiên vui buồn… tôi luôn thầm cầu mong cho các em giữ hoài được cái tâm trong sáng, hiền lành ấy của mình, dù có thể đôi khi các em sẽ phải chịu ít nhiều thiệt thòi nào đó… Tôi gửi niềm tin và niềm thương ấy vào vũ trụ rồi đó, các em có nhận được chưa?

Tôi nhớ tôi viết một bài thơ sinh nhật có câu:

Sinh nhật mùa thu…

Cúi tạ đất trời vô cùng

Bao nhiêu nghĩa tình làm sao nói hết

Bao nhiêu thâm sâu làm sao thấy được…

Và:

Tạ ơn đời sống đã cho ta có mặt
Tạ ơn đời sống đã vì ta có mặt
Để ta biết yêu thêm, yêu hoài những nỗi đời riêng…

Thật lòng, đó là một hình ảnh mà tôi luôn cố gắng tỏ bày, dù không thể. Bao nhiêu niềm biết ơn sâu xa tự trong đáy lòng, đối với đất trời, với Thầy, với đại chúng, với mọi người và với tất cả những nhân duyên đẹp đẽ cho những cuộc hội ngộ vẫn luôn còn đó trong tôi!

Xin đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau

Xin đi từ thơ ấu, đi vui và bên nhau…

                                              (Kỷ niệm- Phạm Duy)

 

 

Tôi nhớ ngày tôi lên Sơn Cốc để chào sư cô Chân Đức trước khi sang Mỹ. Sư cô dạy tôi và một sư em: “Mình nhớ đi đâu thì cũng ‘mang’ Thầy theo – cách mình thở, cách mình đi, cách mình nói năng, tiếp xử… – mình làm như Thầy đang làm”. Chỉ có vậy thôi đó. Đủ để tôi làm hành trang mang theo với mình. Tôi nghĩ, sẽ có những công trình xây dựng và những chương trình hoằng hóa càng ngày càng quy mô để theo kịp thời đại, nhưng có lẽ cũng sẽ không lớn hơn hay cần thiết hơn những điều mà sư cô Chân Đức đã thay Thầy dạy tôi ngày ấy.

Mùa thu đông này, là một mùa đẹp cho tôi “quay về”, đúng nơi chốn và thời điểm. Những ngày về đây, tôi đã thỏa lòng đi vào rừng, bước những bước chân không thành tiếng trên lối đi đầy rêu mềm hay lá mục, đưa tay khẽ sờ vào những thân cây to lớn xù xì hay tựa người vào đó, cảm nhận năng lượng trầm hùng, bao dung của cánh rừng và đất Mẹ. Tôi muốn đi nhẹ nhàng cho trái đất yên bình trở lại. Và không cần khua động, tôi chỉ muốn có mặt tròn đầy để cảm nhận sự có mặt của tất cả sự sống quanh mình. Thiên nhiên không yêu mình theo kiểu quan tâm, chăm sóc; thiên nhiên chỉ cho mình không gian, vẻ đẹp, sự trong lành và tĩnh lặng đầy cảm thấu để mình có thể an lòng mà vui tươi và độ lượng.

Lúc này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Một trang sách mới mở ra, tôi tự nhủ lòng sẽ cẩn trọng để đọc và viết lên đó, cho hôm nay và cả những ngày sau. Tôi đang có tất cả những gì mình cần – để nghỉ ngơi, để bắt đầu lại và đi tiếp. Có thiền đường, có những con đường thiền hành, thư viện, nhà ăn… Có những người có thể cùng tôi bước đi những bước chân thảnh thơi và chánh niệm. Có vạt nắng, có cánh rừng, có con suối nhỏ hát ca, có những chú sóc hồn nhiên, có đàn nai bình yên ăn lá cỏ. Có những giây phút lặng lẽ “ngồi nghĩ lại mình” và buông xuống tất cả để lòng nhẹ nhõm… Chợt nhận ra đôi khi lòng mình chỉ khát khao những điều bình thường, giản dị như thế này thôi. Bây giờ là tháng Mười hai. Trời nhiều khi rất lạnh, nhưng tôi luôn yêu những buổi khuya đi từ phòng ngủ đến phòng học hoặc đến thiền đường; bước ra cùng trăng sao và chìm đắm vào cái tịch lặng không cùng của đất trời. Như những ngày tháng đầu tiên năm nào mới đến Làng, được thức dậy sớm để đi ngồi thiền cũng như thế. Đi như được trở về.

Những đợt tuyết đầu tiên của mùa đông đã bắt đầu rơi. Và với tuyết ai cũng có thể trở thành em bé, hồn nhiên để trông đợi, đón nhận và chơi đùa. Mùa lạnh đang đến rồi, nhưng tôi sẽ gắng giữ cho hồn mình ấm áp…