Làng Mai năm qua

 

Năm 2020 đã khép lại với những sự kiện không thể nào quên cho cả thế giới: thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, xung đột, bạo động xảy ra hầu như khắp nơi. Đặc biệt đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của không biết bao nhiêu người trên hành tinh này. Trong bối cảnh đó, các trung tâm thiền tập Làng Mai trên thế giới vẫn cố gắng tinh tấn thực tập, duy trì sự bình an nội tại, đóng góp hoa trái tu học của mình nhằm giảm thiểu những khổ đau, giúp trị liệu và chế tác niềm vui cho cuộc đời. Xin mời quý vị cùng chúng tôi nhìn lại chặng đường Làng Mai đã đi qua trong năm 2020 đầy biến động này.

 

“Giữ lửa trong tim” – khóa tu xuất sĩ tại EIAB (15-29.2.2020)

Sau những ngày vui đón tết Nguyên đán, đại chúng ở Làng cũng như ở Paris (tu viện Suối Tuệ và Thiền đường Hơi Thở Nhẹ) háo hức chuẩn bị hành lý để lên đường sang Đức, tham dự khóa tu xuất sĩ được tổ chức tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB). Đây là một sự kiện rất đặc biệt, vì kể từ năm 2011 đến nay, đại chúng ở Làng mới được tham dự khoá tu xuất sĩ tại Đức. Mọi năm khóa tu này được tổ chức tại xóm Thượng.

Trước đây, thường thường sau khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan vào tháng Tám, Sư Ông đề nghị có thêm vài ngày để chúng xuất sĩ sinh hoạt chung với nhau, nhưng nhiều nhất là năm ngày mà thôi. Còn lần này, đại chúng có đến mười ngày để tu tập và xây dựng tình huynh đệ. Năng lượng của hơn 200 xuất sĩ làm cho EIAB thật ấm áp và vui tươi, đi đâu cũng thấy bóng dáng áo nâu.

Đại sảnh của EIAB trở thành thiền đường có tên là Kiện Hành (Heroic March), nơi diễn ra các buổi pháp thoại. Ba phòng lớn ở tầng một của Viện Vô Ưu được biến thành thiền đường cho đại chúng ngồi thiền, tụng kinh vào buổi sáng và buổi tối. Điều kiện phòng ốc ở EIAB khá đầy đủ, thuận lợi hơn so với xóm Thượng, thành ra dù bên ngoài thời tiết khá lạnh nhưng đại chúng vẫn rất hạnh phúc với các sinh hoạt ở trong nhà.

Chủ đề của khóa tu năm nay là Giữ lửa trong tim (Nourishing the Fire Within). Những bài pháp thoại của thầy Pháp Hữu, sư cô Đoan Nghiêm, sư cô Thuận Nghiêm, những chia sẻ của thầy Pháp Liệu, thầy Pháp Xả, sư cô Đào Nghiêm làm cho ngọn lửa của niềm tin, của bồ đề tâm, ngọn lửa tu học và phụng sự trong mỗi vị xuất sĩ càng thêm cháy sáng.

Đại chúng cùng chia sẻ kinh nghiệm giữ lửa qua các buổi pháp đàm. Ngoài ra, năm nay ban tổ chức còn sắp xếp để đại chúng có thể chia sẻ theo các nhóm có cùng mối quan tâm, cùng sở thích (affinity groups). Một trong những sinh hoạt đặc biệt ấn tượng của khóa tu là đêm thơ nhạc được dàn dựng khá công phu với đủ loại nhạc cụ (violin, cello, piano, sáo, guitar). Những trích đoạn trong tác phẩm Bây giờ mới thấy của Sư Ông được đọc xen kẽ với các bản nhạc, tạo nên không khí thiền quán rất sâu lắng.

Trong khóa tu xuất sĩ năm nay, 21 thầy và sư cô đã được truyền đăng làm giáo thọ. Thầy Pháp Ấn, thầy Pháp Ứng, sư cô Đoan Nghiêm thay mặt Sư Ông và tăng thân truyền đăng cho các sư em của mình. Dưới đây là những bài kệ truyền đăng đã được trao cho 21 vị tân giáo thọ:

1. Thầy Thích Chân Pháp Lý
(Mickaël Beaugé) 


Nương tựa tăng thân pháp nhiệm mầu
Gốc rễ vun bồi  nghĩa sâu
Bồ tát dũng xuất nơi mỗi bước
An tịnh thân tâm sáng địa cầu

2. Thầy Thích Chân Pháp Trình
(Lê Đức Hiền
Pháp danh: Tâm Nguyên Thiện )

Đêm ngày pháp bảo rộng tuyên dương
Trình đạt oai nghi niệm dẫn đường
Sen hồng hé hiện muôn cõi Bụt 
Về rồi quê cũ bước an khương

晝夜法昌馨
四儀念演呈
紅蓮開佛土
家里得歸寧

Trú dạ pháp xương hinh

Tứ nghi niệm diễn trình

Hồng liên khai

Phật độ Gia lí đắc quy ninh

3. Thầy Thích Chân Trời Độ Lượng
(Trịnh Anh Tùng
Pháp danh: Tâm Chân Lạc)

Cảm ân thế độ tròn sau trước
Lượng cả từ dung vẹn nghĩa tình 
Dựa lưng gốc đại rừng Yên Tử 
Sơ tâm sống dậy khí hùng linh

4. Thầy Thích Chân Trời Bảo Tạng
(Sugianto 
Pháp danh: Supporting Practice Of the Heart)

Cùng tử lang thang vạn dặm trường
Dừng chân nhận rõ mặt quê hương
Bảo tạng báu xưa còn tiếp hiện 
Đèn tổ truyền trao đã tỏ tường

5. Thầy Thích Chân Trời Bảo Tích
(Bagaria Anshuman) 

Bồ đề cội cũ truyền gia bảo
Hương tích lưu thơm mỗi trăng sao
Ngày xuân thấy được hoa đào nở 
Buông xuống, cười vang đấng anh hào

6. Sư cô Thích Nữ Chân Chiếu Nghiêm
(Hồ Thị Cẩm Hà
Pháp danh: Tâm Thanh Trần)

Tâm thể hằng minh chiếu
Tổ tổ tự trang nghiêm
Tông đăng viên bổn nguyện 
Bi hỏa mãn Sa-bà

7. Sư cô Thích Nữ Chân Chứng Nghiêm
(Phan Thị Hồng Loan
Pháp danh: Tâm Quảng Tuệ)

Hiếu ân chứng đạt đã từ lâu
Công phu tu tập quả nhiệm mầu
Trang nghiêm cõi tịnh từng hơi thở 
Trần gian cứu độ trả ơn sâu

8. Sư cô Thích Nữ Chân Diễm Nghiêm
(Nguyễn Giác Nguyên
Pháp danh: Tâm Phước Trí)

Hiện pháp huyền diễm trang nghiêm
Bước chân địa xúc phược triền tháo tung
Lắng nghe ái ngữ thu đông 
Càn khôn ngời rạng ánh hồng vừa lên

9. Sư cô Thích Nữ Chân Năng Nghiêm
(Cao Thị Từ Bi
Pháp danh: Tâm Nguyên Ái)

Rừng bi biển trí năng khai ngộ
Tam học trau dồi nếp giữ nghiêm
Một sớm hừng đông lên tiếng gọi 
Bến cũ xuôi về nối tổ tông

10. Sư cô Thích Nữ Chân Trượng Nghiêm
(Lê Thị Phi Kiều Ái Linh
Pháp danh: Tâm Bổn Lan)

Tích trượng cầm tay lòng nghiêm giữ
Dưới đèn cần mẫn đọc kinh thư
Xuân về đơm lộc hoa tuệ giác 
Thức tỉnh nghìn xưa đến bây chừ

12. Sư cô Thích Nữ Chân Tại Nghiêm
(Trần Thị Thúy Vy
Pháp danh: Tâm Khánh Duyên)

Tự tại đi qua những bể dâu
Chuyên tâm phụng sự đáp ân sâu
Trái tim thuần khiết trang nghiêm ấy 
Hồng liên tung nở cánh nhiệm màu

11. Sư cô Thích Nữ Chân Sáng Nghiêm
(Patricia Victoria Bergink)

From the deep well of Store the Mind creates
A painting adorned with beauty and truth
Listening deeply not pulled here and there 
We’re a light for our self and for others

13. Sư cô Thích Nữ Chân Trai Nghiêm
(Uchida Akemi) 

Purification by abstinence adorns the sky
As the north star shows the way across the ocean
The music of the breathing is the deep harmony
Of the stars and the planets and rising tide

14. Sư cô Thích Nữ Chân Tảo Nghiêm
(Trầm Thị Việt Thanh 
Pháp danh: Tâm Tịnh Thủy)

Tảo giác xin nguyện bước đi
Nghiêm thân hành đạo từ bi giúp đời
Tịnh thủy rưới mát khắp nơi 
Lối về quê mẹ rạng ngời chơn tâm

15. Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Rằm
(Nguyễn Thị Ngọc Bích
Pháp danh: Tâm Phương Châu)

Tánh giác trong lành nghiêm giới định
Trăng rằm viên mãn ước nguyền xưa
Sáng soi an tịnh thân tuệ pháp 
Đuốc thiêng tổ tổ chân truyền thừa

16. Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Chùa Xưa
(Nguyễn Thị Ánh Tuyết
Pháp danh: Tâm Thanh Tịnh)

Vằng vặc trời trong trăng dọi bóng
Chùa xưa vang vọng pháp âm không
Chuyển gieo bi trí về muôn hướng 
Che mát địa cầu mãn ước mong

17. Sư cô Thích Nữ Chân Trăng An Vui
(Thạch Thị Liêng
Pháp danh: Tâm Trí Hoa)

Trăng sáng nẻo về nơi xứ lạ
An vui mở rộng một con đường
Trúc tím hoa vàng luôn hiển lộ 
Công phu sen nở tỏa sắc hương

18. Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Tuyết Hoa
(Nguyễn Thị Hồng Anh
Pháp danh: Tâm Nhuệ Chí)

Trái tim thuần khiết tợ tuyết hoa
Tình huynh tỉ muội ấm một nhà
Không ràng không buộc vầng trăng tỏ 
Chiếu sáng đời nghệ thuật thanh cao

19. Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Một Phương
(Nguyễn Thị Phương Chi
Pháp danh: Tâm Thanh Trì)

Trăng về một hướng rạng mười phương
Đại địa thanh lương khắp nẻo đường
Ngàn hoa tung cánh rền âm pháp 
Diễn xướng lời kinh hiểu với thương

20. Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Tùng Hạc
(Trương Thị Ca Dao
Pháp danh: Tâm Hạnh Luận)

Trăng hôm ấy là trăng muôn thuở
Tùng xanh vách núi hạc ngang trời
Lưng gió túi trăng đem phân phát 
Nụ cười hạnh phúc sáng muôn nơi

21. Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Mai Thôn
(Hà Lan
Pháp danh: Tâm Trì Địa)

Trăng sáng vườn mai lòng đã nhẹ
Đường về thôn cũ bước thong dong
Gươm báu trao tay người nghệ sĩ 
Bừng lên đầu núi ánh mây hồng

Kể từ khi thành lập vào năm 2008, đây là lần đầu tiên tại EIAB có lễ truyền đăng, vì vậy báo chí và truyền hình địa phương đã đưa tin về sự kiện này. Trong thời gian diễn ra khóa tu, ông thị trưởng thành phố Waldbröl cùng phu nhân đã ghé thăm đại chúng và chia sẻ rằng ông rất hạnh phúc với sự có mặt của EIAB tại thành phố này.

Ngày cuối trước khi đại chúng về lại Làng thì tuyết rơi! Vậy là đại chúng được “đãi” một ngày chơi tuyết thật khó quên. Đại chúng cùng lên đồi táo, vào rừng chơi… Đã lâu lắm rồi “cư dân” ở Làng mới được chơi tuyết vui đến như vậy.

 

 

Đại dịch Covid – Mùa “an cư” không chủ định

Trong thời gian diễn ra khóa tu xuất sĩ tại EIAB, đại chúng đã nghe tin về sự xuất hiện của virus Corona (Covid-19), khởi nguồn tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Cuối tháng Hai, đại dịch đã bắt đầu bùng phát tại châu Âu, đầu tiên là tại Ý. Không ai ngờ rằng virus này lại lây lan nhanh chóng đến vậy. Đến tháng Ba, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”.

Sau khi đại chúng từ EIAB về lại Làng, quý thầy, quý sư cô trong Hội đồng Giáo thọ ba xóm đã họp và thảo luận với nhau, cuối cùng đi đến quyết định tạm thời không nhận thiền sinh về Làng cho tới đầu tháng Năm. Một quyết định không dễ dàng nhưng rất cần thiết để bảo vệ tăng thân trong bối cảnh dịch bệnh lây lan khá nhanh.

Các khóa tu ở Làng cũng như mọi chuyến hoằng pháp đều bị hủy bỏ, vì thế thời khóa được sắp xếp lại để các lớp học có thêm giờ và thêm nhiều môn như các lớp về ngôn ngữ, kỹ năng, nội điển, v.v. Lớp học hầu như diễn ra mỗi ngày. Nhờ vậy mọi người đều được học hỏi và thực tập sâu sắc hơn. Ba xóm không còn gặp nhau vào ngày quán niệm như trước nữa, nhưng vẫn có chương trình quán niệm đều đặn mỗi thứ Năm và Chủ nhật tại mỗi xóm, pháp thoại thì online (trực tuyến): ngày thứ Năm xem DVD của Sư Ông; ngày Chủ nhật quý thầy, quý sư cô giáo thọ ba xóm chia nhau giảng dạy. Tới phiên xóm nào giảng thì hai xóm kia học online. Đại chúng chỉ được gặp nhau qua màn hình. Những buổi ngồi thiền sáng tối, đại chúng đều gởi năng lượng an lành cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm bệnh cũng như các y bác sĩ và cho cả thế giới.

 

Mời tăng thân về nhà: ngôi chùa điện tử và các khóa tu trực tuyến


Nghĩ đến những thiền sinh không được tới tu viện tu tập giữa cơn đại dịch trong khi phải đối mặt với biết bao bất an và sợ hãi, quý thầy, quý sư cô đã cố gắng kết nối với mọi người thông qua các sinh hoạt trực tuyến. Các sinh hoạt này bao gồm pháp thoại, pháp đàm, ngày quán niệm và khóa tu. Tổ chức khóa tu trên mạng liên quan rất nhiều đến vấn đề kỹ thuật và đòi hỏi khâu chuẩn bị phải thật kỹ lưỡng. Đây là một lãnh vực quá mới mẻ cho phần lớn quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Ý thức rằng trong thời đại dịch khó khăn, Làng Mai lại càng nên có mặt để chia sẻ sự thực tập cho mọi người, quý thầy, quý sư cô đã “can đảm” tham gia các đội Teachable, Curating, Technical, và ban tổ chức khóa tu. Những thuật ngữ công việc này trước đây quá xa lạ, dần trở nên quen thuộc hơn. Các thầy, các sư cô có người vừa làm vừa học. Người biết cách làm bỏ thời gian, công sức và tấm lòng tiên phong mở đường và huấn luyện những vị khác.

Ban đầu, việc ghi danh cho các khóa tu trong tháng Năm, khóa tu 21 ngày, khóa tu mùa Hè ở Làng dự tính vẫn được tiếp tục, với hy vọng là đại dịch sẽ sớm được khống chế. Thế nhưng, đến đầu tháng Năm tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp trên khắp các châu lục, với châu Âu là tâm dịch. Trước tình hình đó, tăng thân phải thông báo chính thức hủy các khóa tu này.

Gần bốn mươi năm qua, chưa bao giờ Làng đóng cửa, không tiếp nhận thiền sinh về thực tập trong một thời gian dài như vậy. Cả ba xóm của Làng như đang trong một thời kỳ “an cư” không chủ định. Các hoạt động bên ngoài đều giới hạn, chỉ có tri khố (phụ trách đi chợ cho đại chúng) là mỗi hai tuần ra khỏi nhà một lần. Tuy thế, mỗi xóm đều có không gian đủ rộng, có rừng cây hoặc đồi mận nên các thầy, các sư cô vẫn có thể thiền hành trong xóm của mình và tiếp xúc với thiên nhiên xung quanh. Khi nhà nhà “đóng cửa tránh dịch” thì dường như thiên nhiên lại trở nên yên bình hơn. Bầu trời trong xanh hơn, không có những vệt khói trắng do máy bay để lại. Nhiều loài chim lạ từ đâu kéo về hót líu lo trên những cành cây đang cho lộc non. Hoa cỏ ở Làng vẫn đến hẹn lại lên, đua nhau khoe sắc. Giữa mùa dịch bệnh, đại chúng cố gắng giữ gìn sự thực tập để nuôi nhau bằng năng lượng tích cực, ý thức rằng sức khỏe thân tâm không phải chỉ của mình mà còn của tất cả mọi người.

Từ năm 2009, Sư Ông đã dạy quý thầy, quý sư cô xây dựng “ngôi chùa điện tử” để mọi người dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào đều có thể đến chùa tu học. Nhưng có lẽ phải đủ nhân duyên như bây giờ, khi cửa chùa bên ngoài bị đóng lại thì cổng chùa trên mạng mới được mở rộng hơn. Sư Ông hẳn rất hạnh phúc khi biết ước muốn xây dựng “ngôi chùa điện tử” của mình đang được thành hình, cho dù do những “nghịch tăng thượng duyên” dẫn dắt.

 

Khóa tu trực tuyến dành cho các nhà hoạt động xã hội (Mindful Action Retreat for Activists) (11 – 15.3.2020)


Ban đầu khóa tu dự kiến được tổ chức tại EIAB, nhưng khi đại dịch bùng phát, EIAB phải tạm thời đóng cửa. Không đành lòng nhìn 115 thiền sinh đăng ký tham dự khoá tu thất vọng, Ban tổ chức gồm có bốn xuất sĩ và một thiền sinh tình nguyện viên đã tìm cách để duy trì khóa tu. Cuối cùng ban tổ chức đã quyết định thử nghiệm hình thức khóa tu online. Trong gần bốn mươi năm qua, đây là lần đầu tiên Làng Mai tổ chức và hướng dẫn khóa tu qua mạng.

Nhờ vào ứng dụng Zoom, thiền sinh vẫn có thể thấy được nhau và thấy được sự có mặt của các xuất sĩ trong những buổi thiền tọa, thiền hành, pháp thoại, pháp đàm, chia sẻ theo chuyên đề (workshops),… Có lẽ pháp môn khó làm trực tuyến nhất là pháp môn thiền hành. Ban tổ chức đã sáng tạo một cách thức “thiền hành online”, đó là mời thiền sinh cầm điện thoại theo trong khi đi thiền hành. Các bạn có thể nhìn thấy qua màn hình điện thoại hoặc sử dụng một tai nghe để có thể nghe được tiếng bước chân của tăng thân khắp chốn đang thiền hành cùng với mình. (Tuy nhiên vì khâu kỹ thuật khá phức tạp nên trong các khóa tu trực tuyến sau này, thiền sinh được mời tự đi thiền hành và ý thức là quý thầy, quý sư cô cũng đang cùng đi với mình cùng một lúc.)

Sư cô Chân Đức và thầy Pháp Dung, qua những bài pháp thoại, đã chia sẻ với các nhà hoạt động xã hội những thực tập để nuôi dưỡng hạt giống của niềm tin, hy vọng, tình thương và lòng biết ơn trong chính mình, cũng như chuyển hóa các cảm xúc mạnh như giận dữ, lo lắng, sợ hãi,… Sư cô Chân Đức đặc biệt nhấn mạnh đến sự thực tập chăm sóc và thương yêu chính mình. Chúng ta cần dành thời gian để ngồi yên và nhìn lại chính mình. Nếu chúng ta không biết chăm sóc chính mình thì chúng ta không thể nào chăm sóc cho trái đất. “Đừng ép buộc mình phải tiếp tục dấn thân nếu thấy tình thương trong lòng mình bắt đầu khô cạn”, sư cô chia sẻ.

Khóa tu thực sự là không gian để các nhà hoạt động xã hội ở nhiều lứa tuổi, từ dưới 30 cho đến trên 70 tuổi, đến với nhau, cùng sẻ chia, nuôi dưỡng, tiếp thêm cho nhau năng lượng và niềm vui để bước tiếp trên con đường phụng sự. Đặc biệt trong những buổi pháp đàm, dù chỉ nhìn thấy mặt nhau trên màn hình nhưng mọi người đều cảm nhận được sự có mặt và lắng nghe sâu của các thành viên trong gia đình pháp đàm. Nhiều thiền sinh bày tỏ mong muốn được duy trì những buổi pháp đàm trực tuyến như vậy sau khóa tu.

 

Năm ngày quán niệm và hội thảo trực tuyến “Theo dấu chân Thầy” (In the Footsteps of Thich Nhat Hanh) (25 – 29.3.2020)

Năm ngày quán niệm và hội thảo (Summit) trực tuyến này do tạp chí Lion’s Roar & Quỹ Thích Nhất Hạnh (Thich Nhat Hanh Foundation) đồng tổ chức tại Mỹ với hơn 90 ngàn người đăng ký tham dự. Summit này do chín vị giáo thọ xuất sĩ và cư sĩ của Làng Mai từ nhiều quốc gia khác nhau hướng dẫn. Đó là quý thầy Pháp Hải, Pháp Dung, Pháp Lưu, quý sư cô Chân Đức, Đẳng Nghiêm và chị Chân Ý (Anh Hương), chị Chân Bản Nguyên (Peggy Rowe Ward), anh Chân Đại Âm (Larry Ward) và anh Chân Thật Đạo (Shantum Seth). Ngoài ra, còn có một số vị khách mời, trong đó có ông Jack Kornfield và chị Chân Tiếp (Joan Halifax).

Trong bài pháp thoại của mình, thầy Pháp Dung chia sẻ: “Đây là thời khắc quý báu để chúng ta dừng lại và nhìn sâu. Thời điểm này chứa đựng cả khổ đau lẫn sự quý giá. Khổ đau đem đến cho chúng ta một bài học nào đó. Khổ đau dạy cho ta biết trân quý những mầu nhiệm của sự sống, sự mầu nhiệm của vô thường, của đổi thay”. Thầy cũng tặng cho mọi người hai “lăng kính” để quán chiếu, đó là lăng kính vô thường và tương tức. Thầy nói: “Ý thức về sự tương tức, phụ thuộc lẫn nhau có thể giúp chúng ta được giải thoát, tự do và làm cho chúng ta cảm thấy bớt xa cách, biệt lập”.

Thầy kêu gọi mọi người thay đổi cách sống của mình để bảo vệ đất Mẹ: “Lewis Thomas, tác giả của tác phẩm The lives of a cell (Sự sống của một tế bào), giúp ta nhìn hành tinh này như một cơ thể sống. Trong hai thế kỷ qua, loài người chúng ta đã trở thành một loại ung thư trên cơ thể của trái đất. Đó là điều mà nhiều người trong chúng ta không muốn thừa nhận. Nhưng sự thật là chúng ta đã gây cho đất Mẹ nhiều thương tích. Vì vậy mà trái đất đang tự điều chỉnh và tìm cách tự chữa lành thương tích. Hy vọng là chúng ta sẽ ra khỏi đại dịch này với nhiều tỉnh thức hơn về những gì đang xảy ra cho trái đất, cho loài người chúng ta”.

Dù các sinh hoạt diễn ra online nhưng các thiền sinh vẫn thấy có sự gắn kết rất rõ ràng. Một thiền sinh đã chia sẻ: “Trong một tháng qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi gần như bị tê liệt vì lo lắng và sợ hãi. Nhưng sau khi tham gia những buổi thiền tọa, thiền hành và pháp thoại trực tuyến, hạt giống định tĩnh, không sợ hãi và từ bi trong tôi được tưới tẩm. Giờ thì tôi cảm thấy tốt hơn nhiều. Tôi đang viết báo, viết truyện tranh để giúp cho những người khác cũng vượt qua lo lắng và sợ hãi như tôi. Từ tận đáy lòng mình, tôi vô cùng biết ơn quý thầy, quý sư cô Làng Mai”.

Khóa tu trực tuyến dành cho các Đại sứ của tăng thân Wake Up (Wake Up Ambassadors) (07-10.5.2020)

Với thành công của khóa tu dành cho các nhà hoạt động xã hội, quý thầy, quý sư cô có thêm kinh nghiệm để tổ chức tiếp khóa tu trực tuyến dành cho thành viên nòng cốt (hay đại diện) của các tăng thân trẻ, còn được gọi là Wake Up Ambassadors. Hơn 140 bạn trẻ đại diện cho các tăng thân Wake Up trên khắp thế giới đã tham dự khóa tu này, trong đó khoảng 14% đã thọ 14 Giới Tiếp hiện.

Ngay trong bài pháp thoại đầu tiên của khóa tu, sư cô Chân Đức đã kêu gọi các bạn trẻ cùng quán chiếu về vai trò “Đại sứ” của mình. Phải chăng các bạn chỉ đại diện cho tăng thân Wake Up tại địa phương của mình mà thôi? Hay các bạn có thể đại diện cho một cái gì đó lớn hơn thế? Sư cô đã chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều là những đứa con của đất Mẹ, hay nói cách khác, chúng ta là những vị Đại sứ của đất Mẹ. Và đất Mẹ đang kêu cứu! Đất Mẹ đang gửi đi tín hiệu SOS (Stop! Oh, Stop!), nghĩa là: dừng lại, xin hãy dừng lại. Sau khi đại dịch đi qua, chúng ta không thể nào quay trở lại cuộc sống “bình thường” như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chúng ta sẽ gánh chịu nhiều thảm họa và khổ đau nếu như ta không học được cách sống hài hòa với đất Mẹ, với cỏ cây, cầm thú và đất đá. Cần có một sự tỉnh thức tập thể nếu ta muốn tiếp tục sống trên hành tinh này.

Ngoài pháp thoại trực tuyến, các bạn còn được tham dự gần như tất cả các sinh hoạt thường có trong một khóa tu Wake Up được tổ chức tại Làng như: ngồi thiền có hướng dẫn, thiền hành, ăn cơm chánh niệm, thiền buông thư, pháp đàm, thảo luận chuyên đề (workshops), thuyết trình theo nhóm (panel sharing), vấn đáp, cũng như các thời khóa tập khí công, yoga, chơi trò chơi và hát với nhau thông qua Zoom. Dù ở cách xa nhau và mỗi người ở nhà của mình nhưng các bạn đều cảm thấy gần gũi, thân thương như thể tăng thân đang có mặt ngay trong chính ngôi nhà của mình vậy.

 

Khóa tu trực tuyến dành cho người trẻ
và Tiếp hiện Indonesia (Wake Up and OI Indonesia) (21-24.5.2020)

Khóa tu này do quý thầy, quý sư cô từ Làng Mai, Pháp (trong đó có các vị xuất sĩ người Indonesia), và từ Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) kết hợp tổ chức.

(Xin xem thêm chi tiết trong bài Không gian truyền tải tình thương, trang 105)

 

Khóa tu trực tuyến “Tìm hiểu sự vận hành của tâm” (Understanding Our Mind)
(23- 28.6.2020)

Tháng Sáu năm 2019, lần đầu tiên tăng thân tổ chức khóa tu về thần kinh não bộ mà không có Sư Ông trực tiếp hướng dẫn. Khóa tu đã rất thành công và tạo cảm hứng để quý thầy, quý sư cô tiếp tục tổ chức một khóa tu tương tự trong năm 2020. Ban đầu, khóa tu dự kiến được tổ chức tại EIAB vào tháng Năm, nhưng vì dịch bệnh, khóa tu buộc phải hoãn lại.

Đến cuối tháng Tư, sau thành công của hai khóa tu “thử nghiệm” (khóa tu dành cho các nhà hoạt động xã hội và khóa tu Wake Up Ambassador), quý thầy, quý sư cô quyết định dời khóa tu này sang tháng Sáu và tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Điều bất ngờ là mặc dù có sự thay đổi ngoài dự kiến nhưng khóa tu vẫn thu hút khoảng 420 người tham dự, gấp đôi số thiền sinh của khóa tu năm ngoái.

Ngoài những bài pháp thoại của quý thầy, quý sư cô giáo thọ (sư cô Chân Đức, thầy Pháp Dung, thầy Pháp Xả, sư cô Đào Nghiêm, thầy Pháp Lưu và thầy Pháp Khởi), thầy Pháp Linh và Tiến sĩ Liam Kavanagh còn tổ chức những buổi đối thoại giữa các vị xuất sĩ và một số nhà khoa học như Elena Antonova từ trường đại học King’s College London, Antoine Lutz từ Trung tâm Khoa học Thần kinh Lyon (Lyon Center for Neuroscience), Iain McGilchrist – tác giả của cuốn sách nổi tiếng về não bộ có tựa đề The Master and his Emissary (Người thầy và Sứ thần), cùng với Sebastjan Vörös của đại học Ljubljana, Slovenia.

Trong khóa tu này, qua các buổi thiền tọa, thiền hành, pháp thoại, ăn cơm chánh niệm, pháp đàm cũng như chia sẻ chuyên đề của các chuyên gia về thần kinh học, đại chúng có cơ hội tìm hiểu về sự vận hành của tâm từ góc nhìn khoa học và Phật học. Khi hiểu được sự vận hành của tâm, chúng ta sẽ biết cách chuyển hóa khổ đau và chế tác hạnh phúc trong đời sống hàng ngày của mình; cũng như biết cách buông bỏ những tri kiến, những phân biệt giữa tâm và vật, chủ thể và đối tượng, để có thể đi xa hơn trên con đường khám phá chân lý. Nuôi dưỡng tuệ giác vô phân biệt, chúng ta sẽ biết cách giữ gìn, chăm sóc các mối liên hệ giữa mình và mọi người, từ đó có một cuộc sống hòa hợp và hạnh phúc hơn.

Khóa tu khép lại với khoảnh khắc thật xúc động khi trên màn hình hiện lên hàng trăm khuôn mặt của thiền sinh đến từ các quốc gia khác nhau (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hồng Kông, Indonesia, Việt Nam, Uganda, Mỹ, Canada…) cùng mỉm cười và hát chung với nhau trong tình tăng thân ấm áp, gần gũi.

Khóa tu mùa Hè thời Covid

Khóa tu mùa Hè hàng năm tại Làng là khoá tu đông vui nhất trong năm, với khoảng 800 – 1000 thiền sinh tham dự mỗi tuần, trong đó có hàng trăm trẻ em và các thanh thiếu niên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Mùa hè năm nay, Làng đóng cửa vì đại dịch nên không khí ở Làng yên ắng lạ thường, vắng tiếng cười đùa của các thiên thần nhỏ.

Dù vậy, quý thầy, quý sư cô ở Làng vẫn quyết định tổ chức ba khóa tu trong mùa hè, nhưng dưới hình thức trực tuyến (mỗi khóa tu kéo dài ba ngày, từ thứ Sáu cho đến Chủ nhật): khóa tu Cooling the flame (Dập tắt ngọn lửa phiền não, từ ngày 10 – 12.7); khóa tu The art of awakened living (Nghệ thuật sống chánh niệm, từ ngày 24 – 26.7) và khóa tu Love is the way (Con đường thương yêu, từ ngày 07 – 09.8).

Việc tổ chức khóa tu trực tuyến vẫn còn mới mẻ và có nhiều điều cần hoàn thiện về mặt kỹ thuật nên quý thầy, quý sư cô chưa thể tổ chức chương trình trực tuyến cho thiếu nhi và thiếu niên song song với chương trình dành cho người lớn. Vì vậy, các khóa tu trong mùa hè này chỉ dành cho người lớn mà thôi. Ngôn ngữ chính của khóa tu là tiếng Anh.

Ngay từ đầu mùa dịch, quý thầy, quý sư cô đến từ các quốc gia khác nhau như Pháp, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam,… đã chủ động tổ chức những sinh hoạt trực tuyến để yểm trợ tinh thần cho người dân nước mình. Thế nhưng, để cùng nhau tổ chức một khóa tu trực tuyến cho 400 – 1000 người với nhiều kênh ngôn ngữ khác nhau thực sự không hề dễ dàng. Quý thầy, quý sư cô chỉ có khoảng một tháng rưỡi để chuẩn bị, từ việc mua thêm trang thiết bị, huấn luyện thêm các “kỹ thuật viên” về quay phim, âm thanh, cho đến việc làm các video hướng dẫn cho thiền sinh trước khi bước vào khóa tu trực tuyến, rồi đến đăng tải nội dung của khóa tu trên ứng dụng Teachable, v.v. Cái gì cũng mới mẻ, cũng cần phải tìm tòi, học hỏi.

Nhưng với tinh thần vừa làm vừa học, quý thầy, quý sư cô đã cùng nhau vượt qua những giây phút khó khăn để tổ chức thành công ba khóa tu lớn. Sư Ông hẳn rất hạnh phúc khi thấy các con của mình đang có mặt bên nhau và cùng chung tay hiến tặng niềm vui đến mọi người trong sự hòa điệu như vậy. Sư cô Chân Không, sư cô Định Nghiêm dù đang ở Tổ đình Từ Hiếu cũng tham gia hướng dẫn khoá tu.

Khóa tu đầu tiên có 409 thiền sinh, khóa tu thứ hai có 519 thiền sinh, và khóa tu thứ ba có 1316 thiền sinh tham dự. Riêng khoá tu thứ ba, quý thầy, quý sư cô trong ban tổ chức có mở ghi danh cho người Việt. Trong một thời gian rất ngắn, 513 người Việt đã đăng ký tham dự.

Nhờ có khóa tu trực tuyến mà rất đông thiền sinh đã “mời” được tăng thân về nhà. Một thiền sinh chia sẻ: “Con chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể cảm nhận được năng lượng của Làng Mai ngay trong phòng khách nhà mình, nhưng điều đó đã thực sự xảy ra. Nhìn những nụ cười của quý thầy, quý sư cô qua Zoom làm cho con cảm giác như mình đang có mặt ở Làng vậy” – Gijs (Hà Lan).

Nhiều chuyển hóa mầu nhiệm đã xảy ra trong khóa tu:

“Lâu lắm rồi con mới có lại cảm giác là mình đang sống. Tháng Hai vừa qua, con gần như muốn kết liễu cuộc đời mình. Con không biết mình sống để làm gì nữa. Nhưng giờ đây, sự thực tập chánh niệm đã giúp con thay đổi một cách sâu sắc. Con có thể cười được rồi! Từ tận đáy lòng mình, con muốn nói với quý thầy, quý sư cô rằng con đang sống và con muốn sống cuộc đời này một cách ý nghĩa hơn. Đó là nhờ quý thầy, quý sư cô!” – Patricia (Mỹ).

“Khóa tu đã đánh thức một cái gì đó trong con. Trước đây, con sống rất ích kỷ và tự hủy hoại chính mình. Con đã quay lưng với cuộc đời và với mọi người. Nhưng giờ đây con đã có can đảm đối diện với chính mình, chịu trách nhiệm về hành động của mình và cố gắng không trốn chạy khổ đau. Con nghĩ là mình đã tìm thấy được sự bình an trong nội tâm để có thể làm được những điều đó. Con thực sự muốn thay đổi, muốn trở thành một con người đầy thương yêu và hòa hợp. Điều con học được qua khóa tu là nhờ biết chăm sóc khổ đau của chính mình mà ta có thể thương yêu và chăm sóc những ai đang khổ đau và chúng ta có thể chuyển hoá để trở nên tốt đẹp hơn” – Mark (Anh).

Nhiều thiền sinh mong muốn quý thầy, quý sư cô tiếp tục tổ chức nhiều khóa tu trực tuyến hơn nữa, ngay cả khi đại dịch đã chấm dứt. Đối với nhiều người, việc sắp xếp một tuần đến Làng tu học không phải là dễ, nhưng nay nhờ có khóa tu trực tuyến, họ có thể tham dự dễ dàng hơn.

Những trục trặc kỹ thuật trong khi tổ chức khóa tu là điều không thể tránh khỏi, nhưng may mắn là đa số thiền sinh đều rất cảm thông với những khó khăn của quý thầy, quý sư cô. Có người còn nói rằng: “Những trục trặc kỹ thuật trong khóa tu là điều dễ hiểu, nó khiến cho con càng thương quý thầy, quý sư cô nhiều hơn. Cảm ơn quý thầy, quý sư cô đã can đảm dấn thân vào lĩnh vực công nghệ này”.

Con đường thương yêu là khóa tu cuối của mùa hè. Trong dịp này, đại chúng được nghe thầy Pháp Lưu, thầy Pháp Linh cùng một số cư sĩ phỏng vấn trực tuyến ông Bill McKibben về cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Bill McKibben là một nhà hoạt động xã hội đã dành cả cuộc đời mình cho vấn đề môi trường. Ông là nhà sáng lập phong trào chống biến đổi khí hậu toàn cầu mang tên 350.org. Ông chia sẻ rằng có nhiều lúc ông có cảm giác tuyệt vọng trước thực trạng về biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ quá nhanh trong khi chúng ta còn rất ít thời gian để hành động. Và thật trớ trêu, những người nghèo vốn chỉ chịu trách nhiệm về một phần nhỏ lượng khí phát thải lại phải hứng chịu gánh nặng từ biến đổi khí hậu và ít có khả năng bảo vệ chính mình trước tình trạng này.

Sở dĩ ông có thể vượt qua những giây phút tuyệt vọng đó và tiếp tục hoạt động là vì ông nhận ra rằng mình không hề đơn độc. Phong trào chống biến đổi khí hậu ngày càng được đông đảo quần chúng tham gia. Sự xuất hiện của phong trào Extinction Rebellion (Nổi dậy chống nguy cơ tuyệt chủng), phong trào School Strike for Climate (Bãi khóa vì khí hậu) của Greta Thunberg,… đem lại cho ông niềm hy vọng vào thế hệ trẻ. Theo ông, điều quan trọng nhất mà mỗi cá nhân cần làm lúc này là bớt tính cá nhân của mình để có thể đến với nhau trong những phong trào hành động. Lịch sử cho thấy rằng chỉ khi nào chúng ta xây dựng được những phong trào với sự tham gia của đông đảo quần chúng, chúng ta mới có thể tạo ra sự thay đổi.

Khóa tu mùa Hè được khép lại bằng một đêm hòa nhạc trực tuyến đầy ấn tượng. Tất cả thiền sinh đã từng tham dự các khóa tu trực tuyến của Làng đều được mời tham dự. Năng lượng bình an, sâu lắng và đầy thiền vị của đêm hòa nhạc đã khiến cho tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy niềm biết ơn. Truyện ngắn Câu chuyện dòng sông của Sư Ông đã được sử dụng để làm đề tài thiền quán cho buổi hòa nhạc này.

(Quý vị có thể đọc thêm những cảm nhận của quý thầy, quý sư cô cũng như của thiền sinh về các khóa tu trực tuyến trong bài “Không gian truyền tải tình thương”, trang 105)

Khóa tu trực tuyến đầu tiên dành cho các gia đình (28.7 – 02.8.2020)
Với mong muốn thử nghiệm việc tổ chức một khóa tu gia đình trực tuyến cho cả cha mẹ, các em thiếu nhi và thiếu niên (teen), quý thầy, quý sư cô ở Làng Mai, Pháp đã phối hợp với quý thầy, quý sư cô ở các tu viện tại Mỹ là Lộc Uyển, Bích Nham và Mộc Lan để tổ chức một khóa tu sáu ngày dành cho các gia đình. Hành trình tổ chức “thử nghiệm” khóa tu này có rất nhiều điều thú vị. (Xin đọc thêm bài chia sẻ của sư chú Trời Thiện Khai ở trang 100)

 

 

Khóa tu trực tuyến dành cho người Ý

Khóa tu này diễn ra từ ngày 04 – 06.9.2020, đã hiến tặng rất nhiều niềm vui cho một số thiền sinh và gia đình người Ý thường xuyên đến Làng trong những khoá tu mùa hè hàng năm.

 

Công nhận tác giả của vở kịch phóng tác “Cậu Đồng”

Chiều ngày 6 tháng 9 năm 2020, NSƯT Thành Lộc đã công bố tác giả chính thức của vở kịch phóng tác Cậu Đồng được diễn tại Sân khấu IDECAF (l’Institut d’Echanges Culturels avec la France – Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp) là của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Từ lúc còn trẻ, Sư Ông đã luôn tìm cách để giữ gìn những nét trong sáng và lành thiện cho văn hoá Việt Nam cũng như văn hoá Phật giáo. Công việc của Sư Ông có khi gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng chưa bao giờ Người bỏ cuộc. Sư Ông từng nói: “Sự vùng dậy để thoát xác của một nền văn hóa không phải là một cái gì có thể thực hiện một cách dễ dàng và êm đềm. Sự dễ dàng và êm đềm đó chỉ có thể đi đôi với tinh thần nô dịch. Mà đã là nô dịch thì văn hóa không còn là văn hóa nữa, mà chỉ còn là một dụng cụ. Những mâu thuẫn và khổ đau gây nên do sự va chạm giữa cái cũ và cái mới vốn là những gì không tránh được. Chỉ có một con đường phải đi – con đường của sự tranh đấu bền bỉ và gian khổ”. (Trích Nẻo về của ý – Sư Ông Làng Mai)

Cậu Đồng, một phóng tác kịch của Sư Ông từ vở hài kịch Le Tartuffe của Molière, do nhà in Sen Vàng xuất bản năm 1958, là một tác phẩm như vậy. Vở kịch này đã được Sư Ông trực tiếp hướng dẫn cho Gia đình Phật tử Cầu Đất trình diễn lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1952.

Được nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc dàn dựng và công diễn từ năm 1998, vở kịch Cậu Đồng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, người đóng vai chính trong Cậu Đồng, cho biết: “Kịch bản Cậu Đồng là một trường hợp đặc biệt. Chúng tôi đã sưu tầm được kịch bản này từ một bản đánh máy đã cũ nên tên của người viết cũng chỉ đề là khuyết danh, nội dung hoàn toàn có gốc từ một vở hài kịch cổ điển Pháp.

Cậu Đồng cũng đã góp phần tạo dựng thêm cho thành tựu và uy tín nghệ thuật của các nghệ sĩ trình diễn cũng như cho thương hiệu sân khấu kịch IDECAF đến nay. Cho đến lần tái diễn này, như một hạnh duyên lớn, chúng tôi đã tìm ra được tư liệu vô cùng quý giá, đó là bản in sách Việt ngữ kịch bản Cậu Đồng được xuất bản vào năm 1958 tại Sài Gòn, do vậy mà may mắn biết được người đã phóng tác vở kịch này là Thiền sư Thích Nhất Hạnh”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Thái Dương – chủ quản Sân khấu kịch IDECAF chia sẻ: “Đó là hạnh duyên mà những người làm nghệ thuật như chúng tôi trân quý, mang ơn công đức của Thiền sư đã viết nên những tác phẩm đẹp đời, đẹp đạo, gieo vào lòng khán thính giả thiện tâm sống tốt đẹp vì đời sống cộng đồng”.

(Nguồn: https:/nld.com.vn/van-nghe/nsut- thanh-loc-cong-bo-kich-cau-dong-cua-thien-su- thich-nhat-hanh-20200906155736292.htm)

 

An cư kiết thu (17.9 – 15.12.2020)


Từ đầu năm, vì quý thầy, quý sư cô đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức vào việc tổ chức các khóa tu cũng như sinh hoạt trực tuyến nên ba tháng an cư là một món quà rất quý, một khóa tu offline (không qua mạng) dành cho chúng xuất sĩ của Làng.

Ba tháng an cư là cơ hội để các xuất sĩ làm mới lại sức mạnh tâm linh cũng như sức khỏe thể chất, và có thời gian để xây dựng tình huynh đệ, xây dựng tăng thân. Chúng tôi ý thức rằng sự bình an và vững chãi của tăng thân có liên hệ mật thiết đến sự bình an của mọi người và của thế giới.

Có 173 xuất sĩ và 51 cư sĩ dài hạn cùng kiết giới an cư với nhau tại Làng Mai. Năm nay, đại chúng quyết định chỉ truyền trực tuyến các bài pháp thoại vào mỗi Chủ nhật hàng tuần, và mỗi hai tuần thì có pháp đàm qua Zoom cho những thiền sinh đang ở tại nhà mình và cùng thực tập an cư.

Mỗi thứ Năm, toàn chúng xuất sĩ của Làng được nghe những bài pháp thoại của sư cô Chân Đức; ngoài ra đại chúng còn được nghe một số băng giảng về khóa Dị bộ tông luân luận của Sư Ông. Những bài giảng này của Sư Ông đều có phụ đề bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, do một nhóm quý thầy, quý sư cô dành nhiều tâm sức để thực hiện.

Trong suốt mùa an cư, đại chúng có cơ hội cùng nhau quán chiếu về chủ đề tâm phân biệt. Những lo lắng, sợ hãi của người dân trên thế giới trước đại dịch Covid-19 đã khiến cho sự phân biệt, kỳ thị chủng tộc có xu hướng lây lan mạnh và nguy hiểm chẳng kém gì virus SARS- CoV-2. Qua những buổi pháp đàm, đại chúng đã cùng nhau chia sẻ những cái thấy, những trải nghiệm của tự thân về sự phân biệt chủng tộc và những thực tập để chăm sóc cảm thọ, tri giác của mình, để nuôi lớn trí tuệ vô phân biệt nơi mình.

An cư được hơn một tháng thì chính phủ Pháp lại có lệnh phong tỏa (lockdown) lần hai. Các xóm tự tổ chức ngày quán niệm tại xóm của mình, các chương trình chung cho ngày xuất sĩ vào mỗi thứ Năm phải tạm dừng. Mặc dù vậy, quý sư cô xóm Hạ và xóm Mới mỗi tuần đều có hai buổi sinh hoạt chung qua Zoom: một buổi học về các pháp môn căn bản do sư cô Chân Đức chia sẻ từ xóm Hạ và một buổi khác, với chủ đề về đời sống xuất sĩ, do sư cô Thoại Nghiêm đứng lớp, từ xóm Mới.

Đến cuối mùa an cư, quý sư cô xóm Hạ mở một ngày quán niệm cho đại chúng thường trú của ba xóm. Gặp nhau ai cũng mừng, cũng hạnh phúc. Hoa trái trong ba tháng an cư được mọi người gom lại chia sẻ với nhau trong ngày quán niệm chung này.

 

Bốn lễ xuất gia trong năm

Đi qua một năm đầy “giông bão” nhưng khu vườn tăng thân vẫn có thêm nhiều cây trái xanh tươi: 1 cây Me, 3 cây Xô thơm trắng (White Sage), 9 cây Hạt dẻ (Chestnut) và 18 cây Hoa mộc.

Cây Me xuất gia ngày 22.3.2020 tại tu viện Vườn Ươm, Thái Lan: Sư chú Chân Trời Trí Độ. Các sư cô: Chân Trăng Hương Thiền, Chân Trăng Yên Hòa, Chân Trăng Yên Thảo, Chân Trăng Biển Tuệ, Chân Trăng Khai Hội, Chân Trăng Yên Hiếu, Chân Trăng Yên Phương, Chân Trăng Yên Thuần, Chân Trăng Bảo Tích, Chân Trăng Phương Ân, Chân Trăng Yên Thư, Chân Trăng Thanh Khê, Chân Trăng Yên Thanh, Chân Trăng Yên Nhã.

Cây Xô thơm trắng xuất gia ngày 6.9.2020 tại tu viện Lộc Uyển, Mỹ, gồm 3 sư chú: Chân Trời Minh Niệm, Chân Trời Minh Định và Chân Trời Minh Lực

Cây Hạt dẻ xuất gia ngày 3.10.2020 tại Làng Mai, Pháp, gồm 6 sư chú: Chân Trời Niệm Xả, Chân Trời Niệm Lưu, Chân Trời Niệm Hòa, Chân Trời Niệm Khiêm, Chân Trời Niệm Thuần, Chân Trời Niệm Tấn và 3 sư cô: Chân Trăng Hiếu Thuận, Chân Trăng Hiếu Khai, Chân Trăng Hiếu Đức.

Cây Hoa mộc xuất gia ngày 18.11.2020 tại Tổ đình Từ Hiếu, Việt Nam, gồm 4 sư chú: Chân Trời Phương Ngoại, Chân Trời Biển Đức, Chân Trời Vắng Lặng, Chân Trời Thênh Thang và 14 sư cô: Chân Trăng Hương Thiền, Chân Trăng Yên Hòa, Chân Trăng Yên Thảo, Chân Trăng Biển Tuệ, Chân Trăng Khai Hội, Chân Trăng Yên Hiếu, Chân Trăng Yên Phương, Chân Trăng Yên Thuần, Chân Trăng Bảo Tích, Chân Trăng Phương Ân, Chân Trăng Yên Thư, Chân Trăng Thanh Khê, Chân Trăng Yên Thanh, Chân Trăng Yên Nhã.

 

Thành lập tu viện Sơn Tuyền ở Bilpin, vùng ngoại ô phía tây Sydney

Trong chuyến đi Úc năm 1986, Sư Ông có dạy tăng thân Sydney thiết lập một trung tâm tu học tại đó. Tăng thân Sydney đã mua một miếng đất ở Howey Valley cách Sydney khoảng 180 cây số nằm ở vùng ít dân cư. Miếng đất này cách thị trấn gần nhất – Singleton – khoảng 70 cây số nên thường được gọi là đất Singleton, hay còn gọi là Làng Sen Búp. Những năm đầu, tăng thân có lên đó sinh hoạt. Tuy nhiên, những năm về sau vì các thành viên đã lớn tuổi lại ở xa nên sinh hoạt ở đó cũng từ từ ít đi. Các sư cô Tú Nghiêm, Lương Nghiêm, Hảo Nghiêm cũng nhờ sinh hoạt ở Singleton mà phát tâm xuất gia. 

Tháng 9 năm 2018, một thành viên tăng thân Sydney cho mượn cơ sở để Làng Mai thiết lập trung tâm tu học tại Canoelands, một vùng ngoại ô Sydney. Tuy nhiên, do không được phép tổ chức sinh hoạt tôn giáo nên hoạt động ở đây cũng bị hạn chế. Các sư cô Trung Chính, Đoan Nghiêm, Trí Duyên và Cần Nghiêm đã giúp cho các sinh hoạt tại Canoelands. Nhờ đến tu tập ở đây mà đến tháng 2 năm 2020, gia đình một Phật tử tại Sydney đã cúng dường một cơ sở rộng 5.5 héc-ta, trong đó có một ngôi nhà và các phần phụ có thể sửa chữa được để

tổ chức tu học cho khoảng 50 người. Cơ sở nằm ở Bilpin, một vùng nổi tiếng về trồng táo nên có biệt danh là vùng đất của táo núi (Land of the Mountain Apple). Tuy nhiên ở đây lại thiếu chỗ đậu xe, đường đi vào rất hẹp, ngôi nhà lại nhỏ. May sao ngôi nhà bên cạnh, rộng 0.8 hécta, được rao bán. Tháng 7 năm 2020, tăng thân Sydney gây quỹ và mượn tiền mua ngôi nhà này, biến nó thành xóm Nước Tĩnh (hay Tịnh Thuỷ, 浄水, Still Water Hamlet) dành cho các sư cô. Ngôi nhà nhỏ thuộc cơ sở được cúng dường trở thành xóm Thanh Quang (Clear View Hamlet, 清光), dành cho các thầy. Tu viện được đặt tên là Sơn Tuyền vì vùng đất ở trên núi và có một mạch suối ngầm cung cấp nước cho một cái hồ ở đó.

Như vậy là sau 34 năm chờ đợi, một trung tâm Làng Mai đã được thành lập tại vùng ngoại ô Sydney. Thầy Pháp Hải có mặt tại Úc vào tháng 2 năm 2020 như được “Bụt Tổ gọi về” để lo cho trung tâm ở Sydney. Các thầy Pháp Hải và Tenzin (một khách tăng), các sư cô Trung Chính, Trí Duyên và Cần Nghiêm đã trải qua mùa an cư kết hạ đầu tiên tại đây từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2020. 

(Mời quý vị đọc bài viết Suối mát nuôi mầm xanh của thầy Pháp Hải trang 92 để hiểu thêm về sự ra đời của tu viện mới này).

Khóa tu Thương như Bụt thương (28.12.2020 – 01.1.2021)

Song song với khóa tu Nghị lực, Thương yêu và Hy vọng cho năm 2021, lần đầu tiên Làng Mai đã thử nghiệm một khóa tu dành cho đồng bào người Việt, đặc biệt có các sinh hoạt theo giờ Việt Nam. Khóa tu đã có 203 người Việt tham dự. Ngoài những thiền sinh từ các miền đất nước Việt Nam, khóa tu còn có sự tham gia của đồng bào người Việt ở hải ngoại như Đức, Pháp, Mỹ, Úc. Thiền sinh rất hạnh phúc được nghe các bài pháp thoại của quý thầy, quý sư cô lớn từ khắp các nơi như thầy Pháp Ấn, thầy Pháp Ứng, Sư cô Chân Không. Ban tổ chức cũng đã mời được quý thầy, quý sư cô từ các trung tâm khác của Làng Mai như Việt Nam, Hồng Kông, Thái Lan, Đức cùng chia sẻ các pháp môn tu học. Không khí của các buổi sinh hoạt, các buổi pháp đàm rất vui và nuôi dưỡng không chỉ cho tăng thân cư sĩ mà còn cho tăng thân xuất sĩ người Việt tại các trung tâm Làng Mai khắp nơi. Cuối khóa tu, đồng bào người Việt đã có cơ hội tham dự buổi lễ truyền giới trực tuyến cùng với các vị thiền sinh nói tiếng Anh và tiếng Pháp (Việt Nam có 22 vị phát nguyện tiếp nhận 5 giới). Giây phút được chứng kiến thiền sinh khắp năm châu tham dự và tiếp nhận năm giới trực tuyến là một giây phút lịch sử cho tất cả mọi người trong khóa tu. Trong buổi pháp đàm sau đó, nhiều thiền sinh Việt Nam đã chia sẻ niềm xúc động của mình khi lần đầu tiên nhìn thấy nhiều bạn thiền sinh Tây phương quỳ xuống phát nguyện tiếp nhận, giữ gìn và thực tập Năm giới quý báu.

Làng phải đóng cửa vì đại dịch trong suốt một năm qua. Nhờ vào sự yểm trợ hết lòng của quý thân hữu, cả về vật chất lẫn tinh thần, tăng thân mới có thể tiếp tục đem pháp môn chánh niệm đến với mọi người thông qua những khóa tu trực tuyến. Chúng tôi vô cùng biết ơn và xin nguyện tiếp tục duy trì “ngôi chùa điện tử” để quý vị dù ở bất kỳ nơi đâu và bất cứ khi nào đều có thể ghé thăm và tu tập cùng tăng thân.

Một mùa xuân mới đang về ! Với lòng trân quý và biết ơn, chúng tôi xin kính chúc quý thân hữu cùng gia đình một năm mới sum vầy, đầy sức khỏe, an vui và thảnh thơi. Xin gửi tới quý vị câu đối Tết cho năm Tân Sửu 2021 để cùng nhau thưởng thức và thực tập :

Đất thiêng ngồi tự tại

Khắp chốn bước kiện an.