Giải thích buông dần triêng gióng

Thanh khí tương ứng tương cầu

Thương yêu sâu thẳm trong tâm

Sau 52 năm tu học, từ năm 1966 em Chung vào chùa, 1969 được thọ giới Sadi, 1973 thọ giới Tỳ kheo, pháp tự là Giác Viên, con đã có một năng lượng thúc đẩy làm sao để biết áp dụng giáo pháp qua các sinh hoạt. Mãi đến 1994, con qua Làng mới được tu với tăng thân nhiều xóm, nhất là nhờ Thầy (Làng Mai) khéo léo, nhẹ nhàng đầy kiên nhẫn và lời lẽ sâu sắc rõ ràng, biểu hiện sự sống của tuệ giác chân thực nơi Thầy, đã in sâu nhiều ấn tượng vào thân tâm, giúp con cảm nhận được rằng, con đang nhờ ân đức của Tổ tiên huyết thống tâm linh, khí thiêng của non nước Lạc Hồng đã un đúc cho con thêm, cái chất “Thương” đã có từ lúc học lớp 6 và lớn theo năm tháng.

Sau Mậu Thân (1968) con đã có cơ may rất lớn là sư ôn Trú trì đã ân cần căn dặn rằng: thầy mà sắp ra đây làm chánh đại diện là đệ tử của ôn, điệu mặc áo lên xin thầy nương tựa. Thế là Thầy mới ra hôm trước, ngày sau con liền mặc áo, lên xin như lời sư ôn dạy. Thầy hoan hỷ chấp nhận. Thầy có lối giáo dục bằng sự sống hằng ngày của Thầy. Con cảm nhận Thầy có tâm bao dung độ lượng, sống nghiêm túc, tận tụy về mọi lĩnh vực. Thầy đã chu đáo lo cho

Thương yêu trải khắp không thời

Ân đức đó cho con, lúc ở nhà nhờ tình thương bao la, phẩm chất tháo vát của mẹ, nhờ quý thầy dạy cho học từ lớp bình dân nơi thôn xóm, thầy cô cấp1, cấp2, lại nhờ bạn bè đầy ắp tình nghĩa chân quê un đúc. Lúc mới vào chùa, con nhờ nương náu quý Thầy, nhất là sư ôn Trú trì, nhờ các điệu tác động, nhờ đạo hữu mến Thầy giúp điệu hết lòng mà tạo dựng, tác thành cho con.

Sau Mậu Thân (1968) con đã có cơ may rất lớn là sư ôn Trú trì đã ân cần căn dặn rằng: thầy mà sắp ra đây làm chánh đại diện là đệ tử của ôn, điệu mặc áo lên xin thầy nương tựa. Thế là Thầy mới ra hôm trước, ngày sau con liền mặc áo, lên xin như lời sư ôn dạy. Thầy hoan hỷ chấp nhận. Thầy có lối giáo dục bằng sự sống hằng ngày của Thầy. Con cảm nhận Thầy có tâm bao dung độ lượng, sống nghiêm túc, tận tụy về mọi lĩnh vực. Thầy đã chu đáo lo cho tăng chúng, cho đệ tử, đến đạo hữu, và khéo léo kiện toàn từng bước về tổ chức giáo hội tỉnh nhà, đến các khuôn hội, nhất là ở những vùng xa xôi, những nơi đời sống dân chúng thường gánh chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt, nghèo đói, thiếu cơm áo quanh năm, song rất giàu tình đạo, nghĩa Thầy. Lâu ngày, người Quảng Trị gọi Thầy là “Cha”.

Thương yêu bảo hộ quê hương

Thầy chăm sóc chu đáo đoàn tác viên của Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội như chú Phúc, chú Đính, chú Hà, anh Tuấn và một sư cô người miền Nam.

Các tác viên trẻ này đang cùng dân chúng xây dựng các làng kiểu mẫu về các mặt giáo dục, y tế, kinh tế. Nội dung xây dựng là đánh thức và nuôi lớn tâm chủ động vươn lên để thoát sự trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp, hay buông xuôi bất lực giữa xu thế vọng ngoại, cùng lúc ấy chiến tranh mỗi ngày mỗi tàn phá khốc liệt khắp nơi. Thầy đang tiếp sức với trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội để cùng nhau xây dựng hướng đi độc lập tự chủ cho quê hương, một hướng đi nhân bản, đậm đà văn hóa Văn Lang. Đây là nền tảng của đạo Phật ở giữa cuộc đời và đó cũng là sự vận hành đổi thay tất yếu, song rất bền vững chất sống của dân tộc Việt Nam.

Thương yêu con cháu trưởng thành

Thầy sống rất tình nghĩa mà hết lòng. Con học nhìn, nghe, cảm, thấm năng lượng thân giáo đầy kiên nhẫn, sâu sắc bền bỉ quý hiếm ấy nơi Thầy qua năm tháng. Thầy chú trọng sự hành trì tu tập, gìn giữ thời khóa công phu nghiêm mật, nhưng đời sống thì rất nông thôn chất phác, từ y phục, lời nói,… cái chất quê ấy là vốn liếng lâu đời của Quảng Trị quanh năm thiếu áo thiếu cơm ai cũng phải “khéo ăn mới no, khéo co mới ấm”.

Nhờ thế có lúc việc chùa, việc học ở trường Bồ Đề, khiến con có một thời gian đau đầu đến mức không nói chuyện tiếp xúc với ai, và không thể học hành bình thường được nữa, con lại may mắn có bác sĩ Hoán, cũng là hiệu trưởng trường Bồ Đề Quảng Trị cho thuốc uống. Cái thâm tình của Thầy, của cuộc sống đã tiếp sức cho con vượt qua một cách tự nhiên dễ dàng hơn.

Những nơi đào tạo tăng tài

Sau khi cho con thọ giới Sadi ở Tổ đình Tây Thiên, Huế vào năm 1969 với pháp tự Giác Viên. Cuối năm đó, Thầy cho con vào Báo Quốc Huế tiếp tục tu học. Con học lớp 11 ở Tư thục Bồ Đề, và học Di Đà sớ sao với Hòa thượng Thiện Hạnh, luật Sadi trường hàng với Hòa thượng Đức Phương. Con thu xếp để có thời gian làm sạch cỏ gấu (cỏ cú) ở vườn cam cạnh nhà bếp của chùa Báo Quốc. Con dần dần bớt bệnh. Dịp này, con thỉnh thoảng lên hầu thăm Sư ông Kim Tiên.

Cuối năm 1970 Thầy gởi con vào Phật Học viện Hải Đức Nha trang học Trung đẳng chuyên khoa II. Con phải dự thính một năm mới đỗ vào chính thức, vì chưa học sơ đẳng Phật học. Năm 1973 con còn được Phật Học viện cho thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát xuất gia. Cuối năm 1974, tốt nghiệp Trung đẳng chuyên khoa, con được dự lễ khai giảng lớp cao đẳng do Hòa thượng Từ Đàm làm hiệu trưởng. Đầu năm 1975, lớp cao đẳng gián đoạn, chỉ học gia giáo tại Phật Học viện với chư Tôn đức. Con lại được tham dự lớp dịch Trung A hàm, gồm có 10 huynh đệ, do thầy Tuệ Sỹ trực tiếp cố vấn.

Vào Cam Ranh

Cũng trong thời gian này, với sự chấp thuận của Giáo hội tỉnh Khánh Hòa do Hòa thượng Thiện Bình làm chánh đại diện, con được Phật Học viện cử vào trông coi chùa Từ Đức, thôn Quảng Đức. Nơi đây có 300 hộ dân Quảng Trị vào định cư tránh bom đạn đã mấy năm rồi.

Mẹ con bán nhà, đất, rồi vào chùa ăn chay niệm Phật, thỉnh chuông đại hồng và chăm sóc bữa ăn cho con, đứa con duy nhất còn lại nhờ nương náu thiền môn mới còn tồn tại. Anh con đã chết năm 1974 tại bệnh viện Mang Cá Huế. Thay mặt gia đình, con chủ động mai táng anh con. Ra ở Mang Cá con bị cảm, sư Như Minh cho đệ tử giúp đem thức ăn thức uống, thuốc men. Con nhớ ân ấy thường thăm hỏi Sư qua những lá thư, nên đó là dịp con được Sư xin cho qua Làng tu học.

Ở chùa Từ Đức, con và mẹ hôm sớm có nhau rất đầm ấm như khoảng 30 năm trước ở trọ nhà bác ngoài quê. Hai mẹ con cùng xay lúa làm gạo đem bán ở chợ Chùa làng Lưỡng Kim.

Ở Chùa Từ Đức

Phẩm chất của một ngôi chùa

Đất chùa rộng hơn 2 héc-ta. Đạo hữu phát tâm công quả trồng khoai mì, khoai lang, bắp, lúa gieo… Nhờ thế, kinh tế chùa đầy đủ sung túc hơn bất cứ hộ gia đình nào nơi này. Lúc ấy, đạo hữu rất bận việc mưu sinh, tối còn đi họp để nghe cán bộ phổ biến nhiều tin cần thiết, nhưng đạo hữu đi chùa đều đặn, đông đúc, nhờ cái tâm tín mộ Phật sâu sắc ở ngoài quê Quảng Trị lâu đời. Con thương đạo hữu nên đêm đêm con trao đổi một vài nét giáo pháp thuộc chánh tín, duyên khởi, nhân quả, vô ngã, vô thường. Kinh Pháp cú trong tạng Nikaya là kinh con thường sử dụng vào các buổi chia sẻ ấy. Con viết Pháp cú lên vách ván của chùa cho mọi người học. Con dùng Pháp cú để lạy sám hối thay nghi lạy Hồng danh. Con lại sử dụng Pháp cú và Nikaya tóm tắt vào cả thời khóa ở chùa, thay vì trì tụng Lăng nghiêm, Thập chú, Mông sơn,… chùa chỉ tụng Tâm kinh Bát nhã. Những lúc cầu an, cầu siêu, đám tang… con đều vận dụng lối hành trì như thế.

Thời gian này, những giáo lý đã học bốn năm ở Phật Học viện Nha Trang trước đây giúp con rất nhiều. Con triển khai rộng hơn tinh thần ấy vào các ngày 30, 14, và lễ lớn tại chánh điện.

Tu là yêu nước thương nòi

Những lúc dự họp ở ủy ban xã hay hội trường Mặt trận tổ quốc huyện, khi nào được gọi phát biểu trước các cán bộ, quý thầy, quý linh mục, mục sư, chức sắc Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, các nữ tu Thiên chúa và các trưởng ban hộ tự nơi chưa có trú trì, thì con cũng vận dụng tinh thần nội dung giáo pháp ấy vào. Con dùng cách chia sẻ sao cho thích ứng với những gì cán bộ vừa phổ biến. Con diễn đạt không mang tính tôn giáo, chỉ mang tính xã hội có lợi ích chung mà mọi người trong hội trường dù địa vị rất khác nhau vẫn có thể chấp nhận một cách tự nhiên. Phát biểu về luật pháp, kinh tế, văn hóa, an ninh, từ thiện hay mê tín và không mê tín tùy theo yêu cầu… Mỗi lần phát biểu như thế con thấy có an lạc, thêm niềm tin chánh pháp, rằng chánh pháp đã cho con cảm nhận sao đó mà có thể góp một phần dù rất nhỏ, để xây dựng cuộc sống chung. Tuệ giác là chánh pháp rất thiết thực, rất sung mãn.

Mỗi lần cần tiếp xúc riêng với cán bộ, công an, con cũng nhờ tinh thần ấy mà dần dần tạo được sự thân tình, cởi mở, như là sự đàm đạo đậm sắc tình bạn cùng chung xây dựng quê hương đất Việt. Sự xây dựng thích ứng với tình hình trong xã, trong huyện sao cho ngày càng tốt đẹp hơn. Con thấy rất vui khi sống với nhau, dù ở đâu cũng thắm thiết tình người, tình đồng bào ruột thịt.

Biết mình phát khởi ưu tâm

Tuy có hạnh phúc nhiều mặt như vậy ngay sau 1975, nhưng trong sâu thẳm, con vẫn tự thấy mình chưa thực sự có cái thấy rõ ràng về phương cách thực tập hằng ngày. Con luôn nuôi khát vọng và lưu tâm học hỏi để tìm ra và hy vọng một ngày nào đó sẽ thấy được.

Ngày mẹ qua đời

Mười ba năm sau, mẹ mất ngày 28 tháng 9 năm Mậu Thìn (1988). Năm giờ chiều mẹ không ăn, người thở rất yên, không thấy có gì là đau đớn, như người nằm ngủ. Thở mũi rồi thở miệng và hết thở lúc tám giờ tối. Con ở bên mẹ, giữ yên lặng. Có bác Cát, chị Tâm ở Tân Thành, người phát tâm giúp mẹ việc ăn uống, tắm rửa vào thời gian cuối đời và vài đạo hữu địa phương.

 

 

Đám tang lợi lạc cho nhau

Một đám tang hướng về sự yên tĩnh tối đa. Không chiêng trống nhạc theo tập quán. Chỉ trang trí các câu Pháp cú về vô thường, vô ngã, duyên khởi. Không thỉnh mời, báo tin. Mọi người đến là Phật tử, bà con tại địa phương rỉ tai nhau. Có 17 chư Tôn đức tăng ni ở trong tỉnh, Phật tử Nha Trang như chị Sáu, chị Kỳ vào tham dự một xe ca. Có hai linh mục Bình và Dụ là người bà con trong họ. Niệm Phật được yểm trợ bằng loa và điện là bình ắc quy đặt trên xe quan tài đẩy đi. Mỗi người cầm một nén hương. Một đoàn người lặng lẽ từ chùa ra nghĩa trang khoảng một cây số, chỉ có tiếng loa niệm Phật rõ ràng vang xa trong không khí yên tĩnh của buổi sáng miền quê. Tối 30 con chia sẻ, sáng ngày mồng Một di quan. Nội dung chia sẻ về hiếu qua giáo lý Phật dạy. Con lưu tâm rất nhiều là trong tang lễ làm sao đem được an lạc đến cho người còn sống, người tham dự đều biết rõ giáo lý ấy để linh động áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Mọi người còn được hướng dẫn lưu ý tối đa về việc bảo vệ môi trường: không xả rác, thức ăn uống trong tang lễ hoàn toàn chay tịnh, đạm bạc, thiên nhiên và đầy đủ, trang trí giản đơn từ chánh điện đến bàn linh… Như vậy tang lễ không chỉ thuần túy là đau buồn ủ rũ, mà cần biến niềm đau ấy thành chất liệu nuôi dưỡng cả người chết lẫn người còn sống và cuộc đời hiện tại. Từ ấy, các tuần thất, giỗ, nhất là sau năm 1996 thì cúng giỗ hàng năm trở thành ngày quán niệm đều mang tinh thần ấy. Các vị tham dự ngày quán niệm đều là do lòng thương tưởng và muốn tu mà đến. Số người tham dự càng ngày càng đông, càng ngày càng đi vào nội dung thực tập chánh niệm, như con hằng ngày mong ước. Mộ mẹ thật đơn giản, có câu đối:

Trông xác vữa mẹ già chết để lại

Nhắc thân hèn trẻ mọn sống cho đi

Anh Tuấn cùng xóm giúp khắc chữ lên tấm xi măng cốt thép đính vào vách mộ bằng đá chẻ hình chữ nhật, được xây xong vài ngày sau đó.

Tiền phúng điếu quý bác ban hộ tự tiếp nhận và chi tiêu. Số vàng mẹ bán đất và nhà còn nguyên, con trao lại cho ban hộ tự sửa chánh điện, con chỉ xin một chỉ mua năng lượng mặt trời sạc bình ắc quy do hợp tác xã thanh lý.

Năng lượng duyên khởi, năng lượng “thương” hồi bé đã cho con cái hướng để hành xử qua sự tiếp nhận những thực tế bấy lâu trong chùa cũng như ở xã hội. Con đã học hỏi và chắt lọc để hình thành.

Biết ơn là được bảo hộ

Năm 1994 con được qua Làng tu học với Thầy Làng Mai và tăng thân, một phần nhờ vào những bức thư thăm viếng vì nhớ ơn sư Tây Linh qua đám tang anh con năm 1974 góp phần vào. Quả là còn biết ơn là còn hạnh phúc mà con được học sau này ở Làng.

Có được tuổi thơ

Nguồn mạch thiêng liêng

Giờ đây, từ lúc vào chùa cho đến 2019, trải qua 52 năm tu học, con mới cảm nhận được rằng, chúng ta có thể có tuổi thơ bất cứ lúc nào trước mọi thăng trầm của cuộc sống. Tuổi thơ rất đẹp này chưa hẳn chỉ thuần túy nhờ vào sự tu học của bản thân, mà còn rất cần nhờ vào năng lượng chở che của mạch sống huyết thống và tâm linh vô thỉ vô chung. Mạch sống này trôi chảy qua mọi ngõ ngách sinh tồn và tiếp nối không ngừng.

Trôi chảy mãi là sự vắng mặt ý niệm vĩnh hằng và đoạn diệt, ý niệm có và không. Chính năng lượng ấy giúp con hình thành cái nhìn tươi sáng trong mọi biểu hiện và ẩn tàng của sự sống giữa trần gian. Cho nên mỗi lần con chợt nhớ đến chiếc áo chữ “Thương” là như có mẹ, có Thầy…, có nguồn mạch của hồn thiêng sông núi đã qua mấy ngàn năm lịch sử. Trên đây là cái nhìn tương tức, chính là cái nhìn của tuổi thơ có được từ lúc còn chú bé cho tới bây giờ. Bây giờ mà rõ nhất là tháng 8 năm 2018 tại Pak Chong, Thái Lan.

Hồi tưởng làm giàu hiện tại

Nay hồi tưởng lại các cơ duyên may mắn có được thì sự may mắn ấy con đã nhận từ vô lượng ân nghĩa, song ở đây con chỉ xin điểm lại những mốc chính mà thôi. Con có một gia đình nhà quê, đầy tình làng nghĩa xóm. Con có mẹ là người giàu năng lượng kiên trì tháo vát giữa những cuộc chiến thảm khốc, trong lúc gia đình chẳng có nhà cửa vốn liếng gì cả mà mẹ vẫn nuôi hai anh em con ăn học đầy đủ. Cho đến lúc vào chùa Tỉnh Hội Quảng Trị, con được sống với quý thầy và tám điệu. Rồi lại gặp được Bổn sư, Thầy đã ân cần giáo huấn từ thuở ban đầu. Sau đó được Thầy cho phép vào sống ở Phật Học viện Báo Quốc, rồi vào Nha Trang. Tại Phật Học viện này bốn năm, với sự giáo dục tận tụy của chư Tôn đức. Đặt biệt ở Nha Trang, Hòa thượng Từ Đàm làm Giáo thọ trưởng, thầy Đổng Minh làm giám học, lại được sự yểm trợ hết lòng của ôn Giám viện Già Lam và Hải Đức nên sự học hành của huynh đệ chúng con về mặt tổ chức rất nghiêm túc và có căn bản ý niệm giáo pháp. Vốn liếng bốn năm học giáo lý ấy giúp con sống vững hơn trong môi trường Từ Đức vào năm 1975. Ở Từ Đức, đạo hữu ban đầu phần lớn người quê Quảng Trị giàu tâm đạo, đã yểm trợ hộ trì đúng mức. Nhờ thế, con đã linh động ứng dụng giáo pháp trong nghi lễ và trong hành trì. Con đã chuyên tâm đi về hướng cùng đạo hữu nắm tay nhau trao đổi ứng dụng giáo pháp vào cuộc sống, lúc ấy tuy đang còn thiếu thốn mọi bề, song mọi người vẫn thực hiện được và chưa bao giờ gián đoạn suốt hơn 45 năm qua.

Đó là sự lưu nhuận đổi thay đi lên của tuổi thơ tươi sáng dần dần đầy ân nghĩa thâm sâu của vô lượng nhân duyên đã nuôi dưỡng thân tâm con.

Nỗi khổ dưỡng nuôi

Tuy vậy, do chưa biết thở, biết đi chánh niệm từng giây phút, nên khổ đau vẫn trỗi dậy, có lúc âm ỉ, có lúc bùng phát đến mức như thiêu đốt tâm can của con.

Nỗi đau này lưu lại bao vết thương sâu nặng trong con, nhưng lại là động cơ thúc đẩy con tu học như một chú điệu nhà quê mới vào chùa từ khi được qua Làng năm 1994.

Qua Làng tu học

Ở Làng, cũng học duyên khởi, tứ niệm xứ, quán niệm hơi thở, vô ngã, vô thường, tương tức như ở Việt Nam. Song Thầy Mai Thôn dạy rất kỹ, rất nhiều lần. Thầy có cách trình bày khéo léo, với ngôn ngữ tươi mới, nhẹ nhàng, sâu lắng. Thầy nhấn mạnh nội dung tương tức ở nhiều lãnh vực: giáo pháp, thân và tâm, con người với con người, con người với sinh môi. Thầy trình bày rõ ràng, khúc chiết cách áp dụng nội dung ấy vào mọi sinh hoạt hằng ngày: “Giác ngộ không rời khỏi rửa bát, lặt rau”.

Nhờ cách giáo dục ấy, lại nhờ tuổi thơ quá khứ giúp con nhận ra, biết cách thực tập từ từ, khiến thân tâm con thanh thản, mỗi ngày mỗi sáng tỏ điều mơ ước lưu tâm trước đây. Đây là tuổi thơ trong sáng lành đẹp nơi con nhờ thừa tự chánh pháp chân truyền.

 

 

Về lại Việt Nam

Sau hơn 2 năm 3 tháng (27 tháng ở Pháp) con trở lại quê hương vào năm 1996. Đến Tân Sơn Nhất, con được mời vào trạm an ninh, lập biên bản, an ninh tạm giữ hộ chiếu.

Trong lúc làm việc, con thấy an tĩnh, có niềm vui tự nhiên phát khởi. Hai ngày sau đúng hẹn, con đem hồ sơ được ký ở Việt Nam cho phép đi Pháp và bản tường thuật đã làm gì, đi đâu ở bên đó, nộp cho an ninh.

Sau khi nghiên cứu, vị công an hỏi con rằng tại sao đi trễ quá lâu? Tại sao cho qua Pháp mà đi Đức, Hoà Lan, Thuỵ Sĩ?

Con trả lời tự nhiên. Có sao nói vậy. Rất thật lòng, nên thấy người con rất thanh thản.

Anh công an mới nói “tôi làm việc này là để bảo vệ người dân trong nước cũng như đi ra nước ngoài”. Nghe vậy, con càng vui hơn, con liền kể cho anh ấy nghe về sự chia sẻ của con ở Làng với nội dung cái lạy làm phát khởi lòng biết ơn tổ tiên đất nước đã bao đời ra sức lập quốc và xây dựng nếp sống ngày một tươi đẹp. Nghe xong, anh ấy nói rằng tôi mong có những người đi ra nước ngoài có tâm như thầy. Anh trao cho con giấy bút, gợi ý cho con viết cảm tưởng sau mấy ngày làm việc. Con đã viết: “Cách làm việc trao đổi của anh đã khích lệ tôi rất nhiều cho việc tu học và xây dựng cuộc sống chung ở quê nhà”.

Con đi xe hơi về Từ Đức, đến chùa đã chiều tối. Đạo hữu đã đông đủ đón chờ. Ai cũng vui. Con chào hỏi tất cả, con cũng rất vui. Vào lễ Phật xong, con xin phép đi tắm rồi ra tiếp xúc với mọi người. Con chia sẻ tổng quát việc tu học trong thời gian ở Pháp và nói một ví dụ chi tiết, đó là thiền hành, giúp cho thân tâm nhẹ nhàng an lạc, lại lưu thông khí huyết, dễ chịu mà tránh được buồn ngủ. Rồi cùng đạo hữu đi thiền quanh chùa, yên tĩnh, mát mẻ.

Từ đó, đêm nào đạo hữu cũng đến làm lễ, đi thiền hành và nghe chia sẻ từ từ về thiền ngồi, thiền lạy, tụng kinh, ăn cơm, làm việc kết hợp với hơi thở có ý thức.

Con rất vui, vì được sống ở miền quê thôn dã cùng với bà con chất phác, chăm làm chăm tu. Hoa trái từ Tân Sơn Nhất theo đó mà lớn lên, vì việc làm lời nói đều hướng về sự thật, rất thực tế, chuyển hoá và trị liệu thân tâm và cộng đồng. Cho đến hôm nay sự chia sẻ thực tập có niềm vui ấy mỗi ngày mỗi phát triển, và lan rộng nhiều nơi vì nhờ có tăng thân khắp chốn.

An Bằng Việt Nam

Bây giờ đi tắm biển, bất chợt thấy đòn gánh mà con liền chấn động. Đó là sự biểu hiện của tuổi thơ mang hướng tương nhiếp tương dung ấy. Từ lâu, sự lưu nhuận của năng lượng mọi cái là nhau, biểu hiện qua chất thương trên chiếc áo nông dân thuở bé, con lại có thêm nhiều cơ may được tưới tẩm liên tục từ thuở vào chùa cho đến lúc qua Làng, mà thời điểm rõ nhất là vào tháng 8 năm 2018, con đã trình bày điều ấy ở bài pháp thoại tổng kết 52 năm tu học vào mùa an cư năm 2018. Câu 41 đến câu 44 ở bài Buông dần triêng gióng con đã viết:

Con tiếp tuệ tương tức

Đường hiếu vẫn mở tung

Con lắng là mẹ lắng

Mạch tiên tổ gia phong

Cái nhìn tương tức là sinh khí biến đòn gánh cũ trở thành một pháp ngữ, nuôi lớn sơ tâm đứa con của mẹ mỗi ngày. Sinh khí ấy là cái tâm thiết tha xây dựng cuộc sống bây giờ ở đây nơi tự thân, nơi huynh đệ, nơi tăng thân, nơi gia đình huyết thống, nơi đất nước và sinh môi theo hướng vô ngã, vô thường, niết bàn.

Hiện Pháp giúp mẹ nuôi con

Hồi tưởng về mẹ là con tiếp xúc với niềm thương ấy lúc mẹ còn sống cũng như lúc mẹ qua đời, trong giây phút hiện tại ở thân tâm con, đứa con của mẹ và ở cuộc sống này. Cuộc sống này cũng là mẹ và con:

Trông xác vữa mẹ già chết để lại

Nhắc thân hèn trẻ mọn sống cho đi

Nhờ thế mà sự đầu tư của con thường dồn về giáo pháp dấn thân ngay tại đây. Năng lượng ấy phát khởi nuôi dưỡng con và lớn dần theo năm tháng. Chân trời mầu nhiệm của sự sống hé mở, giúp con ý thức rằng con đang mãi mãi chỉ mới bước được một bước đầu tiên rất khiêm tốn trước sự thật vô ngã vô thường vô lượng vô biên. Ý thức như vậy, giúp con càng cẩn trọng trong từng bước khám phá qua bước chân hơi thở mỗi ngày:

Hơi thở đơn thuần đường thoát khổ

Bước chân địa xúc nẻo giáng trần

Trân quý hai cõi âm dương

Đời con bao phen chìm nổi do sự u mê sâu dày của bản thân, nay một bước khiêm tốn này đã là vô cùng quý báu, con cần hết lòng trân quý mới có sự tiếp tục đi tới.

Có thêm duyên để sống mà tiếp tục thì rất tốt, nếu duyên đến phải chết, thì bước đi hôm nay sẽ che chở bảo hộ cho con. Đó là niềm tin của con đối với Bụt, Tổ, Thầy và huynh đệ gần xa mãi mãi giúp con khám phá không ngừng.

Do vậy, có được 52 năm tu học là một may mắn cho con thừa hưởng thâm ân của Tam Bảo.

Tương tức thực tại nhiệm mầu

Trong mạch sống huyết thống, tâm linh vô lượng, mọi hiện hữu đều là mẹ, là Thầy, là huynh đệ của con.

Ân Thầy hôm sớm đệ huynh
Càn khôn tỏa rạng khai thông suối nguồn.

Quả thực như Thầy đã dạy:

“Cuộc đời như một ảo ảnh, một giấc mộng hay một thực tại nhiệm mầu, điều đó hoàn toàn tùy thuộc nơi bạn, tùy thuộc nơi sự tỉnh thức của bạn”.

(Trích Trái tim mặt trời- Sư Ông Làng Mai)

Hiện pháp đắc an tịnh cư

Ngày 08 tháng 8 năm 2019 (Kỷ Hợi)