Đóa vô ưu nở thắm mùa xuân

Sư cô Chân Thoại Nghiêm

Bạn hiền,
Lâu lắm rồi tôi mới có một ngày ngồi yên, đốt trầm, ngắm hoa khi viết bài cho Lá thư Làng Mai. Cành hoa lan trắng bên cửa sổ đang mơ màng với tia khói mỏng manh tỏa ra bên cạnh. Cuộc đời đầy những ngẫu nhiên không tính trước được. Tôi đã gật đầu với lời mời về tu viện Lộc Uyển ở Mỹ cho khóa tu kỷ niệm 20 năm thành lập, với tu viện Nhập Lưu ở Úc để đón Giao thừa và bói Kiều, với dự tính sẽ về Pháp như thường lệ vào mùa xuân để gia hạn thẻ sinh hoạt tạm trú, và cũng đã nghĩ tới những chuyến bay ra vào Hà Nội cho triển lãm mùa xuân. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một năm đầy những di chuyển bận rộn nữa, nhất là khi nhận ra trong ngày đầu năm 2020 thì đang ngồi trên xe buýt từ Bangkok đi Pakchong (mình vẫn đùa với nhau rằng đầu năm làm gì là cả năm làm chuyện đó mà). Ấy vậy đó, mà mười tháng nay tôi ở yên một chỗ, di chuyển xa nhất là đi Bordeaux làm giấy tờ và hình như bước chân ra khỏi tu viện không quá mươi lần. Năm nay dịch bệnh lan tràn, thay đổi hết mọi kế hoạch và đời sống của mọi người. Tôi nghĩ bụng, viết lại ít hàng để nhớ đến một năm đặc biệt cũng tốt, bởi vì nào ai biết được tương lai sẽ như thế nào. Mình biết rằng hiện tại làm nên tương lai, nhưng một thay đổi nhỏ nào cũng ảnh hưởng đến tất cả và hiệu ứng cánh bướm (the butterfly effect) càng minh chứng cho định luật vô thường. Vậy nên cứ sống hết lòng, và mỉm cười với những gì xảy tới.

Vì vậy, kể cho bạn hiền nghe những gì đã qua trong năm đặc biệt này nghe. 

 

 

Tháng Giêng

Thầy từ Thái về lại Việt Nam, sức khỏe ổn định. Tôi đưa hai cô bác sĩ từ nước ngoài và các sư cô Từ Nghiêm, Đào Nghiêm, Khuê Nghiêm từ Làng về đi quanh quanh nhân dịp họ tới Việt Nam thăm Thầy: đi Hội An xem đèn lồng, đi Mỹ Sơn xem Tháp Chàm, đi Non Nước thăm động Âm Phủ. Có cả một bức hình tăng thân Làng Mai với nón lá nhân dịp đi thăm Mỹ Sơn với Thầy treo ở đây. Nhờ có chuyến đi này mà tôi có dịp được đi ngang sông Thu Bồn để nghĩ tới hình ảnh Thầy với ngón tay nhỏ máu trên dòng sông trong trận bão lụt kinh hoàng năm Giáp Thìn 1964:

Trên thượng lưu sông Thu Bồn
Đứng giữa dòng
Tôi cắt đầu ngón tay cho giọt máu đào rơi hòa tan vào dòng nước
Máu tôi đã được hòa với dòng sông
Thôi hãy nằm im
Tất cả những ai đã vong thân oan ức!…

(Trích “Ruột đau chín khúc”- thơ Thầy)

Bài thơ đó đã khiến tôi xúc động rất nhiều. Nghe nói thảm cảnh năm ấy đã khiến hơn 6000 người chết và trên 53.000 ngôi nhà bị chìm trong biển lũ mênh mông ở miền Trung. Sông Thu Bồn đã thành nơi viếng thăm lịch sử trong các chuyến đi hành hương về đất Tổ của đệ tử phương Tây của Thầy.

Tiễn mọi người rời Huế, tôi và sư em Pháp Nguyện bay ra Hà Nội để tiếp tục tìm chỗ cho buổi triển lãm thư pháp. Anh Hiểu chịu khó đưa đi xem nhiều nơi, rốt cuộc đi xem lại phòng  triển lãm ở trường Đại học Mỹ thuật Việt nam, ở phố Yết Kiêu, mới sửa sang xong, chúng tôi đồng ý ngay, ký hợp đồng luôn. Thế là ngày triển lãm đã được dự tính vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm. Mong là Thầy khỏe đủ để có thể nhìn thấy những bức thư pháp của mình được triển lãm ở Việt Nam.

Về lại Diệu Trạm, không khí chuẩn bị cho ngày tết rộn rịp khắp nơi. Các sư em rủ đi chợ hoa. Nhớ năm ngoái Thầy đi chợ hoa rồi về ghé thăm ôn Từ Đàm, năm nay Thầy không đi thì con đi chợ hoa cho Thầy. Lần này, các sư em đưa đến một tiệm bán cây và tình cờ mua được hai cây mộc lan màu trắng và một cây màu hồng. Tôi vui quá sức. Bao nhiêu năm tôi tìm cây màu trắng để trồng ở Làng vì Thầy thích cây này sau chuyến đi Đại Hàn về mà ở Pháp không có. Những cây non Thầy đem về sau chuyến đi, tôi trồng được một mùa thì từ từ chết mất, rồi sau đó tôi đi tiền trạm đem về mấy cây nhưng cũng không sống được nên cứ thấy mình “nợ nợ” Thầy một ước muốn. Trên đường về tình cờ bắt gặp một chậu cúc đại đóa màu hỏa hoàng là loại hoa Thầy ưa thích, thế là xuống xe hỏi thăm và đi về tận vườn để lựa được một chậu thật tròn cho Thầy. Vui quá! Tôi làm quà cho mình thêm một cây lan dã hạc treo ở trước cửa sổ. Thấy mình đang chuẩn bị hết lòng cho một cái tết nữa ở quê hương. Mà không chuẩn bị cũng không được vì các sư em nhắc nhở nhớ đổi tiền mới, phát cho bao lì xì “chùa made” với nhiều hình vẽ thiết kế khác nhau, tình nguyện giúp bỏ bao v.v… Diệu Trạm đã nhỏ mà còn thêm Trạm Tịch ra ăn tết chung, không khí rộn ràng hết sức.

Ấy vậy mà, 29 tết tôi không từ chối được lời năn nỉ của các sư em ở Úc nên lên máy bay đi ăn tết… xa nhà. Lúc này chuyện đại dịch còn đang ở Vũ Hán, chỉ mới bắt đầu ở các nước khác nên tôi có chút quan tâm nhưng không bận tâm. Thầy đang khỏe, ăn được, thường xuyên ra ngoài đi chơi nên tôi yên tâm. Lên xin Thầy cho con đi ít ngày vì tội các sư em ở tu viện xa xôi hẻo lánh. Ngày 30 tết Việt Nam thì ở Úc đã là mồng Một tết, tôi ngồi khai bút đầu năm trên chiếc đơn thấp ở phòng sư em Thượng Nghiêm bên Nhập Lưu. Năm nay là năm đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi khai bút với hương sage, bạch lạp vì sư em đã chuẩn bị cho sẵn sàng, và vì Úc đi trước Việt Nam 4 tiếng nên đón Giao thừa xong thì mới có 9 giờ tối Việt Nam nên tôi còn tỉnh táo để mở máy viết ít hàng. Đang từ không khí đông đúc của Diệu Trạm, bỗng chốc lại ở trong cái thiền đường nhỏ giữa khu rừng khuynh diệp rộng mênh mông chỉ có năm sáu chị em, thật là một trải nghiệm! Vài người thôi nhưng đón Giao thừa có chuông trống Bát nhã đàng hoàng. Trước giờ vì luôn luôn làm lễ chung với quý thầy nên việc thỉnh chuông gia trì và chuông trống Bát nhã đâu có tới lượt quý sư cô. Học thì có học từ thời sa di mà không bao giờ được thực hành. Kỳ này tôi ngồi chuông gia trì, cười tươi, ôi rồi cũng có lúc mình được… thực tập. Chuông và trống do hai sư em phụ trách, lực không mạnh nhưng cũng rất hùng. Khi nghe tiếng chuông trống Bát nhã nổi lên giữa núi rừng, đột nhiên tôi thấy lòng rưng rưng, như đánh thức một cái gì đó vốn rất yên tĩnh tận bên trong. Bỗng chốc cảm nhận được những gì Thầy đã viết: “Những tiếng trống oai hùng như sấm dậy mở đầu cho những tiếng đại hồng chung ngân vang sung sướng. Bảy hồi chuông náo động cả đêm khuya tịch mịch, tưng bừng đón tiếp một mùa xuân mới”- (Tiếng chuông giao thừa, Tình người.)

Rồi tôi bói Kiều cho Phật tử lên thăm Nhập Lưu. Gặp được phụ huynh của các sư em người Việt ở Úc qua Làng và qua Thái xuất gia như ba mẹ của các sư chú Trời Gió Xuân, Trời Thinh Không và mẹ của Trời Khiết Minh. Hy vọng từ từ Úc sẽ đủ người địa phương xuất gia để có thể duy trì và nối tiếp được tu viện bên này. Sự tu tập và chăm sóc thiền sinh của các sư em đang có kết quả tốt và tôi cảm được năng lượng đó qua những nụ cười trân trọng và thương yêu của Phật tử.

Mồng Ba tết, nhận được clip về những ngày đón tết do các sư em từ Diệu Trạm gởi qua, có cả hình chụp chúc tết Thầy đầu năm. Số tôi ít được chụp hình với Thầy, mỗi lần có dịp chụp hình là tôi lại đi đâu đó. Kỳ này hình Thầy rất đẹp, ngồi một mình vững vàng vì thị giả ý tứ, đắp y quỳ xa xa.

Tháng Hai

Trong những ngày tôi còn ở Úc thì dịch corona rất nhanh chóng đã thành đại dịch của thế giới. Thời tiết từ mát lạnh trở nên nóng gay gắt nên tôi bị cảm, mong là đừng sốt vì nếu có thì không dám bay về luôn. Chuyện đại dịch khiến các nơi đều lo sợ. Diệu Trạm hủy hội chợ và không có ngày quán niệm. Thái Lan hủy khoá tu người Việt. Sư cô Chân Không cũng đã hủy chuyến đi trước đó vì sợ người già dễ bị lây nhiễm. Ngày 3 tháng 2 là hội chợ ở Nhập Lưu nhưng nghe nói nhiều người cũng sợ đám đông nên không đến. Trời đột ngột trở lạnh, tôi ngồi bói Kiều ngoài trời luôn ba tiếng ròng rã lạnh run, không ngơi tay để ăn trưa vì ai cũng dự một chút rồi lo về vì đường xa. Tôi hoàn toàn kiệt sức, xong việc là theo xe Phật tử lên Melbourne để hôm sau bay về Việt Nam. May sao tối đó cô Chi cạo gió giúp mới ngủ ngon để có năng lượng đi tiếp. Tôi bay về Sài Gòn, nghỉ lại một đêm rồi hôm sau mới đi Huế. Trên chuyến bay từ Melbourne về Sài Gòn, tôi thấy dân Á châu đeo khẩu trang nhưng người Úc không hề. Cũng không thấy kiểm tra nhiệt độ khi đi vào sân bay. Tuy nhiên trong chuyến bay từ Sài Gòn ra Huế thì cả máy bay đều đeo khẩu trang hết. Về tới Huế tôi trốn luôn không lên thăm Thầy vì đang cảm sợ Thầy bị lây, với lại tôi chỉ ở có hai ngày rồi lại bay đi Hà Nội nên không dám gặp Thầy xin phép đi tiếp nữa.

Ra Hà Nội tôi không đi đâu nhiều vì phải dưỡng bệnh. Ở nhà làm việc qua mạng cũng được, để thầy Pháp Nguyện đi với anh Hiểu. Cảm xong lây lất tới ho, mà mùa này ho một tiếng là thiên hạ xanh mặt sợ corona dù chỉ mới Vĩnh Phúc là bị cách ly. Hà Nội lạnh và ẩm, trúng mùa nồm, phòng tôi cứ vặn điều hòa cao mới chịu nổi. Hơi kha khá hết bệnh lại được mấy anh chị trong tăng thân Hà Nội rủ đi dạo phố cổ. Tôi cũng đeo khẩu trang đi ra ngoài xem thành phố thế nào giữa mùa dịch, thấy phố cổ vắng nhiều (nên đỡ chen lấn) nhưng sinh hoạt vẫn khá bình thường. Thầy Pháp Nguyện chưa từng được đi Yên Tử nên mấy anh chị mời đi Quảng Ninh. Tôi cũng hăng hái tham gia, phen này quyết định phải leo lên tới chùa Đồng vì lần trước đi với Sư Ông chỉ tới chùa Hoa Yên là dừng chân. Lần trước, mười lăm năm rồi, chưa có cáp treo và con đường lên núi không đơn giản. Lần này tôi đi trên con đường Tùng để lên tới chùa Đồng. Quãng đường trước đó thì ngồi trên ca bin cáp treo nhìn xuống cánh rừng xanh ngắt mà nhớ tới cáp treo ở Hồng Kông để lên chùa Bảo Liên. Không trúng mùa lễ hội và cũng đang mùa dịch bệnh nên núi vắng người, nhưng khi lên tới chùa Đồng cũng vẫn phải chen chân như thường. Không thể tưởng tượng nếu đang mùa lễ hội thì chỗ đâu mà để chân. Chùa Đồng cũng không còn như tôi nghĩ nên khá ngỡ ngàng. Về mở mạng ra xem mới biết năm 2006 chùa đã được xây dựng lại với thiết kế khác. Bởi vậy nên tôi càng quý trọng những gì đang xảy ra, vì tương lai có thể chẳng bao giờ còn gặp lại được.

Về lại Huế, tôi cách ly… chung phòng với Sư cô Chân Không, chỉ không dám qua thăm Thầy thôi. Vẫn xuống bếp làm tekka, vẫn đi chợ mua đồ cho chúng, vẫn ra nhà băng sắp xếp mọi chuyện trước khi rời Việt Nam. Lần này đi không biết sẽ bao lâu. Tôi nghĩ nhanh nhất cũng phải ba tháng. Việt Nam lo lắng cho dịch bệnh nhưng mọi chuyện vẫn bình thường, chỉ có đeo khẩu trang (cũng là bình thường nốt) và rửa tay thường xuyên. Em Liên ở Hà Nội gởi cúng dường mỗi người một chai nước rửa tay cá nhân thơm mùi quế, tôi đem theo luôn trên đường đi qua Pháp một tuần sau.

Ngày cuối trước khi tôi đi Pháp là ngày kỵ Sư Cố. Dĩ nhiên, tôi không khéo lánh qua Từ Hiếu dù nếu tôi mà có bị nhiễm virus thì chắc Sư cô Chân Không cũng đã bị lây. Nghe kể sư cô Định Nghiêm khuyên Thầy đừng ra ngoài kẻo lây bệnh, Thầy lặng thinh. Nhưng đến khi đi thắp hương Sư Cố xong, Thầy đi chơi xuống hồ bán nguyệt và chủ động kêu các em trong nhóm Thiện Tài Đồng Tử tới rồi nắm tay từng em. Thầy thấy thị giả căng thẳng quá nên trấn an chăng?

Tháng Ba

Tôi lại về đây, về cái xóm Mới nhỏ mà rộn ràng đầy ắp thương yêu. Mỗi năm dịp cuối đông là tôi lại bay về Pháp để gia hạn cho visa ở lâu. Lần này giữa mùa dịch, tôi về được một tuần hơn thì việc vào Pháp trở nên khó khăn. Đón tôi ở phi trường là hai sư em Trai Nghiêm và Hào Nghiêm, và hai sư em cũng sẽ đưa tôi đi làm giấy tờ ở Bordeaux luôn vì cái hẹn của tôi nằm trong thời gian bị cách ly. Do đó, sau khi chở thẳng tôi tới nhà Lưng Đồi thì hai sư em cũng “cách ly”, không ở với chúng mà ở nhà khác cho tới khi tôi xong thời gian ở riêng để bảo đảm nếu có “cô Vy” nào theo tôi thì cũng chỉ có theo tôi thôi hay cùng lắm là theo hai sư em chứ không đặt chân được đến xóm Mới. Corona đã bắt đầu lan tràn ở châu Âu. Và song song vào đó, việc trở lại Việt Nam cũng thành vô hạn định vì Việt Nam đóng cửa không nhận khách du lịch quốc tế. Đóng cửa cho đến khi nào hết dịch. Khi nào? Không ai biết. Đã lo toan mọi việc ở Việt Nam rồi nên tôi bỏ Việt Nam lại sau lưng và tận hưởng trọn vẹn những ngày cách ly. Mùa này mưa suốt ngày. Lúc ở xứ mưa dầm dề như Huế thì không có một giọt mà về đây lại mưa. May là khí hậu khô nên không có gì để than phiền. Tôi đi qua khí hậu nồm, ẩm, khô, nắng, mưa, sương mù trong một khoảng thời gian ngắn, thấy cuộc đời thật phong phú! Không biết ai sao chứ với tôi được nghỉ ngơi 14 ngày thật tuyệt vời. Tôi hồi sức sau chuyến đi và đồng hồ sinh học cũng được điều chỉnh lại nên ngày về với đại chúng tôi tràn đầy năng lượng và hội nhập hoàn toàn với nếp sống của xóm Mới.

Tháng Ba, trời bắt đầu vào xuân dù còn lạnh lắm. Còn những ngày mưa phùn ướt át nhưng cũng đã bắt đầu có những ngày nắng óng ả vàng tươi. Hoa thủy tiên tàn rồi nhưng hoa tulip đang nở, và hoa lê trắng, hoa đào hồng, hoa forsythia (mai Đông Á) vàng đều đang khoe sắc trong vườn. Mùa xuân của Pháp đẹp quá! Trên bãi cỏ xanh, bồ công anh vàng và những đóa cúc trắng tí xíu nở đầy. Dù bị ngứa mắt, sổ mũi, ho khục khục vì dị ứng trở lại (ở Việt Nam không khí ô nhiễm vậy mà thoát cái nạn bị dị ứng phấn hoa bụi cỏ này), tôi vẫn không ngăn được mình cầm kéo ra vườn tỉa cây và thơ thẩn… ngắm trời ngắm đất.

Thầy có lần bảo cái gì cũng là một cơ hội. Đúng vậy đó bạn hiền. Bao nhiêu năm rồi có bao giờ mình dám “đóng cửa chùa”, không tiếp nhận thiền sinh về thực tập trong một thời gian dài như bây giờ? Cả tu viện như đang trong một thời kỳ “an cư” không chủ định. Không cần kiết giới mà cũng không ai ra khỏi đại giới. May đất đủ lớn để đi bộ trong xóm. May có vườn mận nhà bên gần là của mình rồi (vì chịu bán nhưng chưa đủ tiền mua) nên ngày nào đại chúng cũng được đi thiền hành lên ngọn đồi đầy hoa nở trắng. Mùa thu vừa rồi thu hoạch mận xong tới mùa tỉa cây, không ai chịu tỉa (vì chủ đất coi như sẽ bán đất nên không chăm sóc nữa, nhà mình thì chưa mua nên chưa trách nhiệm) nên, nhờ đó, hoa mận nhiều hơn, trắng ngợp cả trời. Ngày hội hoa mai chị em tổ chức gần tháp chuông, nghe nhạc và ngắm hoa rất vui. Năng lượng trẻ đầy tràn qua “ban nhạc xóm Mới” với sư em Trai Nghiêm chơi violin, sư em Trăng Linh Dị chơi keyboard, sư em Trăng Hiếu Đức, Trăng Hồ Sen, Trăng Cẩm Tú đàn guitar, sư em Sinh Nghiêm đàn tranh và những nụ cười tươi hết cỡ. Các sư em rộn ràng với những màn hát, hò, múa ngẫu hứng giữa vườn mận rất là “văn nghệ cây nhà lá vườn”. Giữa mùa dịch bệnh, chúng tôi nuôi nhau bằng năng lượng tích cực để nâng cao sức khỏe thân và tâm, không phải chỉ cho mình mà còn cho tất cả mọi người.

 

 

Các hoạt động bên ngoài đều giới hạn, chỉ có tri khố mỗi hai tuần ra khỏi nhà. Tri xa thì “ế ẩm”. Ai bước chân ra ngoài là phải cầm theo giấy chính quyền yêu cầu: phải điền lý do, giờ rời nhà. Trong xe chỉ được có hai người. Từ nhà chính đi qua nhà Lưng Đồi hay Sơn Cốc cũng phải cầm theo giấy vì phải đi xe hơi. Từ nhà chính đi qua nhà Giếng Thơm cũng đi đường bên trong cho an toàn. Có một hôm vài chị em đi thiền hành trên con đường đất ranh giới vườn rau xóm Mới với nhà hàng xóm trồng măng tây cũng được cảnh sát ưu ái nhắc nhở chỉ nên đi trong đất nhà mình, và mỗi lần không được quá hai người đi chung. Thế là “the way out is in”, tha hồ mà quay về NHÀ.

Nhờ không đi ra ngoài nên mọi thời khóa đều đủ người. Năng lượng tu tập và học hành lên cao. Không có thiền sinh đồng nghĩa với thời gian dành toàn bộ cho nhau, nên lớp học đều đặn và không ai bị vắng mặt. Người đứng lớp cũng nhiều hơn vì không ai phải đi hướng dẫn khóa tu nước khác. Mọi chuyến hoằng pháp mùa xuân đều bị hủy bỏ. Vì thế thời khóa được sắp xếp lại để các lớp học có thêm giờ và thêm nhiều môn như các lớp về ngôn ngữ, kỹ năng, nội điển, v.v…

Vì tình trạng cách ly nên ba xóm không còn gặp nhau vào ngày quán niệm như truyền thống nhưng chúng tôi vẫn giữ chương trình quán niệm đều đặn mỗi thứ Năm và Chủ nhật, pháp thoại thì online: ngày thứ Năm xem DVD của Sư Ông, ngày Chủ nhật giáo thọ ba xóm chia nhau giảng dạy. Tới phiên xóm nào giảng thì hai xóm kia học online. Gặp nhau qua màn hình thôi cũng ấm áp lắm rồi. Những buổi ngồi thiền sáng tối chúng tôi đều gởi năng lượng an lành cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm bệnh cũng như cho cả thế giới. Nghĩ tới các thân hữu không được tới tu viện tu tập chung với quý thầy, quý sư cô giữa cơn bão dịch bệnh này chúng tôi rất thương. Biết là bên trang nhà tiếng Anh (plumvillage.org) đã có nhiều hoạt động trực tuyến, phía tiếng Việt cũng bàn tính sẽ lên chương trình ngày quán niệm trực tuyến bằng những video hướng dẫn ngồi thiền, thiền buông thư, thiền hành, ăn cơm im lặng, nghe pháp thoại để các thân hữu và đồng bào có thể tham dự. Cùng thực tập, dù là qua mạng, sẽ chế tác năng lượng bình an cộng đồng để chăm sóc những bất an, sợ hãi trong tâm mọi người. Và chưa bao giờ, tôi thấy “ngôi chùa điện tử” như ý Thầy mong muốn được rõ nét như bây giờ. Ngày ấy, đã mười mấy năm rồi, Thầy dạy chúng tôi làm chùa trực tuyến để mọi người cùng thực tập nhưng có lẽ phải đủ nhân duyên như bây giờ, khi cửa chùa bên ngoài bị đóng lại thì cổng chùa trên mạng mới thật sự mở ra để cùng tu tập.

Mới biết, tầm nhìn của Thầy xa đến chừng nào!

Có một ngày gần cuối tháng, tôi mơ thấy Thầy. Đây là một trong những lần hiếm hoi mà giấc mơ còn rõ nét khi tỉnh dậy. Tôi thấy Thầy đang ngồi trên giường và có nhiều người tới thăm Thầy lắm nên tôi chờ đến lúc còn ít người chung quanh thôi thì mới tới gần, quỳ xuống chào Thầy. Tôi thưa là con xin lỗi đi lâu quá, đi Úc về rồi đi Pháp, rồi bệnh dịch nên bây giờ mới chào Thầy được. Thầy im lặng xoa đầu tôi xong khẽ khàng nói, rất chậm: “Bên Pháp lạnh không con?”. Sư cô Định Nghiêm đang nói chuyện với ai đó dưới chân giường la lên: “Thầy nói được rồi”. Lúc đó tôi tỉnh dậy. Biết chỉ là giấc mơ và cũng không buồn lý giải vì sao lại có giấc mơ như vậy, nhưng cảm giác ngọt ngào và vui sướng còn đọng lại trong tôi rất lâu.

Ngày 22 tháng 3, nghe tin có lễ xuất gia ở tu viện Vườn Ươm. Chỉ có một em, vì mùa covid nên tập sự các nơi không qua được Thái Lan mà em này tập sự đã lâu nên được xuất gia… một mình. Tự dưng trở thành đặc biệt. Trong con số trên một ngàn đệ tử của Sư Ông cũng chỉ có hai người là xuất gia một mình, và sau này thì đợt xuất gia nào cũng đông. Không chừng sau này em thành cao tăng, như những vị khác trong tăng thân mà xuất gia một mình cũng đều nổi bật: sư cô Đoan Nghiêm, thầy Pháp Ấn. Đã vậy lại còn được đặt tên là gia đình Cây Me. Trong khi nhiều người khúc khích nghĩ tới cây me có rất nhiều trái mà gia đình này chỉ có một người. Tôi lại nghĩ tới cây me thật to, thật vững chãi ở tu viện Vườn Ươm đã đem niềm vui rất nhiều cho tăng thân từ những ngày đầu lên đất mới.

Những tháng mùa xuân

Về lại Làng là hội ngộ với bệnh dị ứng nên giấc ngủ không ngon, nhưng tôi sung sướng được đi làm vườn dù bữa nào cũng bị dị ứng hành cho đuối: sưng mắt, nghẹt mũi, miệng đắng. Hôm sinh nhật sư cô Chân Không, đại chúng ăn ngoài vườn và canh giờ để gọi qua Việt Nam hát mừng. Sư cô đem điện thoại qua cho Sư Ông gặp mấy sư con xuất gia ở xóm Mới mà Thầy chưa thấy mặt. May quá, lúc đó Thầy đang khỏe nên chịu nhìn vào màn hình. Thế là các sư em được “gặp” Thầy, được hát cho Thầy nghe, em nào cũng hạnh phúc. Tôi nhìn thấy Thầy, hơi xót xa vì Thầy ốm hơn lúc trước, nhưng khỏe là mừng rồi.

Mùa xuân này tôi được ở Làng để ngắm những cành dâu trơ trụi đột nhiên một ngày chi chít đọt non xanh mát. Lá dâu non nhú ra, cả những quả dâu bé tí màu xanh. Những trái mận non cũng ra đời còn dính vào cuống hoa chưa rụng. Cả vũ trụ như đang bừng lên sức sống. Đọt dâu lớn rất nhanh thành những chiếc lá be bé và còn mềm, nên chúng tôi bỗng thành những cô gái “hái dâu” khi tôi tỉa những cành dâu mọc không trật tự. Chỉ cần tỉa chừng hai cây được khoảng mười cành là đại chúng ăn lá dâu non hai ngày. Chúng tôi cười với nhau, thấy mình như tằm ăn dâu. Các sư em bảo mình thành Ỷ Lan đi hái dâu hết rồi. Mà cả xóm có hơn chục cây dâu lận, ăn sao hết. Lá dâu có vị béo và thơm, lại là một loại lá có nhiều công dụng hỗ trợ cho sức khỏe: bổ phổi, giúp thanh lọc gan, giải nhiệt cơ thể, trị nám da, cải thiện trí nhớ, làm sáng mắt, hạ cao máu, cholesterol… (nghe tôi quảng cáo ghê chưa?). Thế là mâm cơm hầu như ngày nào cũng có lá dâu, không luộc thì xào. Ăn thả cửa đến nửa tháng sau thì lá đã sẫm màu và bắt đầu dai, bấy giờ phải đi hái đọt thôi chứ không ăn hết tất tần tật mọi lá như trước. Lá dâu gần hết “mùa” thì sư cô Chân Đức cho thị giả đem măng bên Sơn Cốc qua. Thế là lại tha hồ ăn măng cho nhớ Thầy (vì Thầy thích tự tay kho măng đãi học trò), ăn hết măng Sơn Cốc thì đi quanh hai bụi trúc xóm Mới, rồi xóm Trung, rồi qua nhà hàng xóm “đạp măng”. Cứ cách mấy ngày lại có măng kho, mà ăn hoài không ngán. Rồi thì măng nướng chấm muối tiêu, bún măng, gỏi măng… Ngày xưa các cụ bảo “thu ăn măng trúc đông ăn giá”, mình thì mùa xuân cũng ăn măng luôn. Ăn măng “ta” chưa đủ, ăn tiếp qua măng tây. Nhà hàng xóm trồng măng tây nên thu hoạch xong còn loại vụn vụn, là tới phiên mình lấy về. Thỏa thuận với nhau là mình biếu chả giò trao đổi. Măng tây bán ở ngoài mắc ơi là mắc, mà xóm Mới thì cứ hết măng tây luộc lại tới măng tây đút lò. Các sư em còn làm măng tây ngâm chua ngọt nữa chứ.

Sống ở đồng quê, rau trái tươi ngon nên bữa cơm nào cũng lành, cũng ngon. Sáng nào cũng có hạt phỉ (hazel) rang vừa bùi vừa béo. Năm ngoái đi lượm được quá nhiều, năm nay lại không có khóa tu nên tới giờ vẫn còn hạt để ăn. Mùa hè năm nay Làng sẽ không mở cửa vì vẫn chưa hết dịch bệnh. Mấy cây mận, mấy cây dâu tằm, cây sung tím chắc là ế khách vì không có thiền sinh, không có mấy cháu nhỏ tới Làng thì ăn sao hết. Bữa nay mấy cây anh đào đã đầy trái và có trái bắt đầu đỏ rồi. Nghe nói mùa anh đào năm ngoái đại chúng ăn no cả bụng mà vẫn còn trái, năm nay mất mùa nên trái không trĩu cành nhưng thấy cũng đầy trái non.

Bạn hiền ơi, có một ngày tôi ôm rổ đi chơi, ngắt ở đây một ít, kia một ít hoa lá trong vườn. Nắng rất trong, cỏ thật xanh, và những đóa hoa dại đủ màu nhàn nhã đu đưa trong gió. Hôm kia nông trại hạnh phúc của Sơn Hạ vừa mới gởi lên những búp xà lách xanh non bụ bẫm nên tôi nhất định phải làm một thau xà lách đủ màu cúng dường lên đại chúng. Đi quanh một chút, vừa ngắm vừa hái, hương thơm của rau thì là, của hoa hồng, của hoa xô thơm thật ngọt ngào. Bạn hiền biết món xà lách này có bao nhiêu thứ không? Kể cho bạn hiền nghe nhé: xà lách, arugula, xà lách xoong, ngò, rau răm, rau bạc hà, thì là, bồ công anh, mùi tây, hẹ và mười loại hoa: hoa hồng năm loại (đỏ, hồng, vàng, trắng, tím), cúc vạn thọ vàng nhạt, vàng đậm, hoa bồ công anh, kim ngân hoa trắng và vàng, hoa xô thơm, hoa sen cạn (nasturtium). Đây đều là những loại hoa và rau trong xóm, vừa là cây trồng vừa là hoa dại. Hầu như thứ nào cũng có chút vị thuốc. Tôi bỏ hoa vào chậu nước lạnh để ngâm, nghe mùi thơm dìu dịu phảng phất và nhìn màu sắc tươi sáng chen lẫn, lòng thật thỏa mãn như ôm cả hương vị mùa xuân vào người.

Bây giờ đi thiền hành là chúng tôi đi lên đồi mận. Trời nắng ấm. Hoa dại màu xanh nhạt rập rềnh chen lẫn những đóa hoa hồng, tím, vàng, trắng. Cả một cánh đồng hoa dại đẹp sững sờ. Có lẽ mọi năm mưa ít hơn, hay cỏ cắt thường hơn mà tôi không thấy nhiều hoa như năm nay. Chắc vì miếng vườn sắp sang tay nên chủ vườn không buồn cắt cỏ, do đó nhiều loại hoa hiếm thấy năm nay có cơ hội lớn lên đầy cả vườn. Có một loại lan đất nhỏ xíu, tên là lan ong (bee orchid) vì thu hút ong, rất giống loại lan mini màu xanh và tím. Có một loại lan dại hình tháp màu tím hồng, vốn dĩ là nằm trong dạng được bảo tồn vì sắp tuyệt chủng, hai mươi năm trước ở xóm Hạ tôi đã biết là không được hái mà bây giờ không ngờ vườn mận lại đầy hoa này. Hôm lễ Phật đản vừa ăn trưa xong thấy ông hàng xóm lái xe cắt cỏ lớn qua cắt cỏ, chúng tôi vội vàng đi bứng những gốc lan đó về trồng trong khu vườn nhỏ trước thiền đường. Bứng chỉ được một số, không kịp nữa rồi, chúng tôi đành cắt về trước khi những đóa hoa đó tan nát dưới cái xe cắt cỏ. Bởi vậy, hoa trước giờ chỉ dám ngắm mà bây giờ lại đầy nhà, cắm mấy bình cúng Bụt, rồi cắm chưng trong phòng ăn, nhìn thấy cả mùa xuân.

Có một ngày trái trăng vàng “ửng chín”, sáng và gần. Thu hút ánh mắt mọi người sau giờ ngồi thiền. Tôi đang đứng chiêm ngưỡng chung với một số sư em thì sư em Trăng Phương Nam người Indonesia lí lắc hoa tay trước mắt tôi, nói tiếng Việt: “Con đẹp không?”. Tôi ngớ ra một chút mới nhận được em đang chơi chữ vì em là Trăng mà, nên tôi lắc đầu: “Trên kia mới đẹp”, và chỉ về phía mặt trăng. Em nương theo hướng tay tôi, cũng là hướng sư em Trăng Khương Giới đang đứng, lắc đầu nguầy nguậy: “Không, trăng này (chỉ vào mình) mới đẹp, trăng kia không đẹp bằng” rồi cười lém lỉnh. 

Ừ, dù cho có thế nào đi nữa, trăng vẫn có mặt đó, trong sáng và bao dung. Trăng không kỳ thị, chỉ có mình chọn lựa được nhận ánh trăng đó hay không mà thôi.

Cũng không biết năm nay có phải vì covid hạn chế đi lại nên trời trong xanh hơn, thiên nhiên đẹp hơn, hay vì tôi không được đi lại nên có giờ thưởng thức thiên nhiên hơn, chú tâm hơn. Vì vậy mà thấy quanh cái xóm bé tí ti này bao nhiêu là điều kỳ diệu. Như hôm trước tỉa cái hàng rào quanh bình đựng gas trước phòng Sư Ông, cây lên cao khỏi cái hàng rào cả mấy tấc, ra hoa trắng khá đẹp. Đang cắt ngắn xuống bỗng sư em thị giả thấy một tổ chim có một con chim mẹ và hai cái trứng giữa bụi cây. Thế là rình khi chim mẹ đi kiếm ăn, tôi cắt hết xung quanh nhưng chừa lại mấy cái nhánh cây trên đầu tổ để che mưa che nắng cho cái tổ, nhìn như một cái đầu nấm nổi lên màu xanh. Hai con chim mẹ chim cha bay về chắc có ngơ ngẩn, nhưng tổ nguyên vẹn nên chim mẹ lại vào ấp trứng cho đến ngày trứng nở ra chim non, tập bay và bay đi hết. Còn để lại cái hàng rào chữ nhật có một túm cao cao như dấu tích của một ngôi nhà đã hết được sử dụng. Cái tổ trống không nhưng không ai muốn dọn đi, thỉnh thoảng các sư cô đi ra văn phòng ghé ngang vạch cây nhìn xem có con chim nào mượn tổ đẻ trứng nữa không.

Rồi tới cây mận trước lan can của Nhật Nguyệt thất có một cặp bồ câu tha cây về làm tổ. Các sư cô thấy chim bay đi tìm nhánh nhỏ nên đi lượm dùm, đem về chất đống dưới gốc cây mận, nhưng con chim này không biết vì sợ hơi người hay chọn lựa gỗ tốt cho tổ ấm mà không thèm động vào nhánh nào hết, tự mình bay đi ngậm từng cọng cây về. Cái tổ này thật là vui, chỉ toàn cành cây xếp lên nhau chứ không có rêu, cỏ đan lại tròn ủm như cái tổ chim kia. Vậy mà chị bồ câu nằm rất vững vàng. Cái tổ chỉ đủ cho một con béo ú, con còn lại nhảy nhảy rồi bay mất, sau này mới biết chúng nó thay nhau ấp trứng. Đứng trên hành lang nhìn xuống thấy cái tổ và cặp chim rất rõ ràng. Sư em Trăng Tin Yêu quay một đoạn clip, xem lại cứ như xem phim động vật chiếu trên tivi vậy đó.

Và có khoảng năm con nai ở trong rừng, thỉnh thoảng chạy vụt qua sát mé cái mương ranh giới giữa đất mình và nhà hàng xóm. Thấy nai thì vui vì nai cũng biết đất mình hiền nên vào tránh nạn, nhưng hơi ngài ngại vì sợ bị con ve nai (deer tick) cắn thì phiền.

Đã có nhiều thân hữu quan tâm, gởi tiền cúng dường Làng vì sợ chúng tôi không có nguồn thu nhập trong mùa dịch bệnh bị đói. Ôi những tấm lòng để chúng tôi tri ân. Đức của Sư Ông lớn lao nên con cháu được hưởng. Chúng tôi chưa thiếu ăn, chưa đói, chỉ ăn rau và đậu nên cũng không tốn kém lắm. Tuy nhiên dịch bệnh kéo dài nên cũng khá chật vật với các chi tiêu khác như thuế đất, thuế nhà, bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe, điện, nước, gas, phí điện thoại, linh tinh. Chưa kể toàn nhà cũ nên nay hư cái này, mai sập cái khác… Nghe nói bên Việt Nam đã hết cách ly, mọi người có thể đi làm lại. Ở Pháp vẫn còn lệnh phong tỏa. Có một ngày ông xã trưởng tới thăm, đem cho một túi khẩu trang may sẵn cho mình dùng. Từ ngày 15 tháng 5 thì ra đường không còn phải đem giấy tờ chứng minh là đi đâu nhưng nạn dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Nhưng có lẽ thiên hạ không thể ở nhà thêm nữa nên mấy ngày rồi con đường trước mặt xóm bắt đầu có nhiều xe trở lại.

Sau mấy tháng cách ly, bây giờ mọi người học làm quen với vấn đề trực tuyến. Chúng tôi không giỏi giang gì về kỹ thuật, đường truyền Internet thì chậm rì rì vì là “vùng sâu vùng xa”, (công nhận Internet ở Việt Nam ngon lành hơn nhiều), nhưng cũng bắt đầu chuyển tải những buổi tu tập của mình đến thân hữu gần xa. Các sư cô hay đi dạy xa cũng cho những buổi pháp thoại để thay thế cho khóa tu dự định ở Đài Loan, Nhật Bản. Các nhóm lo về sinh hoạt tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp và ban kỹ thuật luôn luôn bận rộn với những pháp thoại trực tuyến và thu hình sinh hoạt. Ban giáo thọ họp về việc cho các khóa tu online để thế cho những khóa tu không thể tổ chức ở Làng. Ai có việc đó. Sinh hoạt tu tập vẫn đều đặn. Những buổi ngồi thiền, tụng giới, thiền hành đều hướng tâm cầu nguyện cho dịch bệnh sớm tiêu trừ và mọi người được bình an vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thời khóa mùa xuân của chúng tôi có giờ giới thiệu văn hóa để chị em hiểu nhau hơn và cũng giúp chính người trình bày có cơ hội hiểu sâu về quê hương của mình hơn. Hôm tháng Tư có buổi thuyết trình của các sư em Indo và Nhật Bản. Rất có ích và giúp tôi biết được thêm về các đất nước này dù đã từng qua đó giảng dạy. Buổi thuyết trình chấm dứt với sư em Sinh Nghiêm giả làm người Nhật ngồi gảy đàn tranh và các sư em khác đem bánh, bún, món truyền thống mời mọi người ăn. Thật là vui. Đúng là năng lượng trẻ trung và sáng tạo. Sau đó thì tới văn hóa Pháp, rồi văn hóa miền Bắc, văn hóa miền Trung, miền Nam của Việt Nam. Buổi nào cũng kết thúc với “văn hóa ẩm thực” vùng miền làm ai cũng no mắt và no bụng.

Mùa Hè

Mùa hè năm nay không mở cửa tu viện được nên Làng tổ chức khóa tu trực tuyến. Những khóa đầu tiên khá vất vả vì máy móc không đủ, kinh nghiệm không có nhưng các sư em đã tổ chức rất giỏi. Khóa tu ba ngày vào tháng Sáu có trên 400 người, khóa tu năm ngày về não bộ có 420 người, khóa tu ba ngày của tháng Bảy có khoảng 520 người và khóa tu ba ngày tháng Tám có khoảng 1.300 người. Làm khóa tu online vất vả phần tổ chức nhưng người dự lại dễ hơn vì ở nước nào cũng được, như khóa tu tháng Tám có pháp đàm cho nhiều ngôn ngữ là Anh, Pháp, Việt, Nhật và Hoa.

Tôi bận rộn theo thời khóa chúng, thỉnh thoảng cho pháp thoại và đi dọn vườn mận. Vườn mận không được tỉa mùa trước nên bây giờ làm những nhánh mận sai trái bị gãy vì chịu không nổi sức nặng của cả trăm trái đang ngày một lớn. Ngày nào cũng có những nhánh cực lớn cần phải cưa để không làm hư cây. Covid vẫn còn hoành hành. Chúng tôi vẫn bị cách ly. Có cô cư sĩ Hồng Kông cúng dường tiền để các sư cô xóm Mới mua đồ thể dục thể thao cho… có vận động. Chắc cô này đã từng tới xóm Mới và thấy nó bé như cái lỗ mũi so với hai xóm kia, bây giờ bị cách ly nữa nên thương các sư cô đang tuổi ăn tuổi lớn mà không có chỗ chơi. Thế là một buổi họp toàn chúng sôi nổi với những yêu cầu được nêu ra: bóng rổ, bóng bàn, quần vợt, tập lưng, tập hít xà đơn v.v… Tôi xin mua dụng cụ cắt cây với lý do ngày hai buổi leo lên đồi mận cắt tỉa là vận động lắm lắm đó, ai cũng cười và dĩ nhiên đồng ý. Cái hồ bơi mini có mấy mét ở nhà Hoa Mai cũng được đem ra phân tích, may sao chỉ cần mua một con robot hút dơ mà thôi chứ không tốn kém gì vì hồ còn mới. Khi mua cái nhà chúng tôi không nghĩ đến chuyện có thể sử dụng hồ bơi vì cứ nghĩ là sẽ rất tốn kém, không ngờ thầy Trời Đại Nghĩa kiếm được ông thợ tới cố vấn… miễn phí, chỉ cho cách làm sạch nước, lọc nước, v.v… quá dễ dàng. Thế là mùa hè này có một nhóm “yêu nước” hăng hái chịu trách nhiệm quản lý hồ bơi luôn.

Chép lại cho bạn hiền lá thư tôi viết tính gởi cho Thầy nhưng rồi bỏ dở dang, ít nhiều gì bạn hiền đọc để thấy thêm xóm Mới mùa hè: 

Thầy thương kính,
Con vừa đi hái cà chua ở ngoài vườn vào. Những trái cà chua chín mọng rất ngon mắt làm con nhớ tới những lần đi chợ ở Việt Nam mua đồ về nấu ăn cho Thầy. Năm nay xóm nào cũng trồng rau củ rất nhiều nên chúng con được ăn thức ăn sạch hoàn toàn, vừa tươi vừa ngọt. Ở Huế không kiếm ra thức ăn tươi như vậy cho Thầy trong khi ở đây chúng con sống đời nông dân sướng quá chừng. Mùa hè này chúng con có bầu, bí, khổ qua, cà chua, bí ngòi (zucchini), dưa leo, su hào, su su, bông cải xanh (broccoli), mồng tơi, rau muống, rau lang, các loại rau thơm chẳng thiếu thứ gì. Chúng con cũng đang phơi khô và bỏ tủ đá để dành cho mùa đông sắp tới. Đồi mận ở xóm Mới mình đã mua nhờ một vị mạnh thường quân ở Việt Nam cúng dường và mình cũng đã thu hoạch xong. Ông hàng xóm của Sơn Cốc tới cắt cỏ, hái mận và sấy khô dùm mình luôn. Mình và ông ta chia đôi số lượng mận thu hoạch được và ông ta báo tin là chúng con sẽ có được năm tấn mận khô khi sấy xong. Ui, cả năm nay vì dịch covid mình đóng cửa không có thiền sinh tới nên số lượng mận ấy chắc phải năm năm mới ăn xong. Con đang sắp đóng gói hút chân không để giữ mận được lâu. Vì mình thỏa thuận sẽ mua đồi mận nên nguyên năm nay đồi mận không được chăm sóc, nhờ vậy mà cũng không có xịt thuốc trừ sâu, quả mận đúng là bio 100% và không khí xóm Mới thở rất sướng Thầy ạ. Đó cũng là một trong những lý do chính mình muốn có đồi mận ngoài việc mở rộng thêm đất cho xóm Mới.

Năm nay con không kịp tỉa cành nên những nhánh dâu tằm sà xuống mặt. Nhờ vậy dù đi thiền hành mà lâu lâu có người đứng lại hái trái ăn. Mùa dâu tằm hết rồi thì chúng con có mận, sung, lê, nho, táo, và sắp tới là hồng. Cứ đi vòng vòng là đem về cả rổ trái cây cho mọi người dùng. Con hái sung, lột vỏ và bổ ra thành từng lát như lát cau để phơi khô ăn cho mùa đông. Vỏ màu ngà, ruột màu đỏ rất đẹp.

Năm ngày nữa Lộc Uyển sẽ cho xuất gia ba sư em trai người Mỹ, gọi là gia đình White Sage (Xô Thơm Trắng). Tháng 10 bên này chúng con sẽ cho xuất gia bảy sư em trai người châu Âu, hai sư em nữ cũng dân châu Âu và một sư em tới từ Hồng Kông, gọi là gia đình Chestnut (Hạt Dẻ).

 

 

Mùa Thu

Năm nay trời ấm nên vào thu rồi mà muỗi vẫn còn nhiều. Chúng tôi vào ba tháng An cư kiết thu. Tôi bận rộn hơn một chút với họp hành, dạy lớp, cho pháp thoại mỗi tuần để săn sóc các sư em ngoài chuyện tiếp tục giờ chấp tác đi cắt cây. Năm nay táo mất mùa nên đại chúng không đi thu hoạch táo, nhưng bù lại cánh đồng kế nhà bỗng dưng năm nay có hợp đồng với hãng đồ hộp nên trồng bắp, bắp Mỹ hẳn hòi. Vì ở đây xưa giờ nông dân chỉ trồng bắp cứng dành cho bò ăn nên khi cô Martine cầm về mấy trái bắp Mỹ ai cũng ngạc nhiên, không tin. Mình xin mua nhưng họ bảo họ thu hoạch xong rồi, cái gì còn trên mặt đất mình được lấy. Thế là an cư nhưng cả xóm ra khỏi đại giới đi thu hoạch bắp. Báo tin cho các xóm khác cùng đi lấy mà cũng không hết. Chúng tôi đem về nhiều quá ăn không kịp, lớp ăn bắp luộc, bắp nướng, lớp bỏ vào tủ đá để dành cho mùa đông. Người châu Âu không có thói quen ăn bắp nhiều như vậy nên rất ngạc nhiên khi thấy các sư cô Việt Nam ngày nào cũng ăn bắp luộc mà không ngán.

 

 

Hết bắp tới đi lượm hạt phỉ (hazelnut). Năm nay họ bảo mất mùa, không đáng công thu hoạch nên gọi cho chúng tôi tới lấy mà hạt nào hạt nấy thật là to, không cần phải đi lượm kỹ mà cũng đầy cả xe.

Xong chuyện hazelnut thì tới hồ đào (walnut), cô Martine tìm ra mấy vườn hồ đào xanh sạch gần St. Foy La Grande bán sỉ rất rẻ nên chúng tôi quyết định mua về cho chúng ăn thay vì phải đi mua các loại hạt khác. Đúng là cây vườn và vào đúng vụ nên hạt rất ngọt và thơm, khác xa hạt bán trong bao ngoài siêu thị. Walnut giúp bổ não và nhiều omega-3 nên không cần quảng cáo, ngày nào hộp đựng hạt cũng hết rất sớm. Tôi chủ trương tiền ăn hơn tiền thuốc nên mùa covid này phải tìm cách tăng cường hệ miễn nhiễm của mọi người. Vậy là cả mùa thu lúc nào trong góc nhà ăn cũng có người đập hạt, hết loại hạt này thì tới loại hạt kia. Tôi ngâm qua đêm cho hết chất ức chế enzyme và chất độc rồi mới bỏ vào máy sấy khô trước khi ăn nên nhiều sư em ngạc nhiên vì ăn không bị “nóng” và “đầy hơi” như trước.

Có nhiều hạt, chúng tôi được uống thêm sữa hạt và làm bơ hạt ăn với bánh mì, thấy mình đúng là sống vùng quê thứ thiệt. Đơn giản nhưng rất thích bạn hiền ạ. Ở thành phố làm gì kiếm ra đồ tươi như thế chứ.

 

 

Bước vào an cư, nhà ăn xóm Mới đúng là… mới. Cả năm trời thợ sửa cái hiên tạm bợ thành phòng mở rộng của nhà ăn và đập bức tường chắn ở giữa. Các bức tường đá của phòng ăn cũng được cách nhiệt và sơn lại nên bây giờ nhà ăn chẳng những rộng hơn mà nhìn thoáng và sáng lắm. Sư cô Tuệ Nghiêm gom hết toàn bộ thư pháp của Thầy ở xóm Mới làm khuôn lại và treo lên nên cứ như là một chỗ triển lãm thư pháp, dù có nhiều bức là copy. Có tường cách nhiệt, mùa đông năm nay ngồi ăn chắc sẽ dễ chịu hơn nhiều.

Cuối tháng Chín, nghe tin Thầy yếu, không ăn được đã mấy tuần nên ai cũng lo. Nguyên mùa an cư này thời khóa mỗi tối đại chúng xóm Mới đều đắp y làm lễ cầu an cho Thầy và cho thế giới. Các thầy đại diện các xóm, các trung tâm đều bay về Việt Nam. Ai cũng hỏi sao tôi không về? Tôi cũng không biết nếu về thì tôi làm được gì, và trên hết tôi tin Thầy sẽ vượt qua, bởi vì năm nào dịp gần Ngày Tiếp nối Thầy cũng bệnh một trận hết. Có điều mỗi năm mỗi yếu nên thời gian bị bệnh kéo dài hơn. Tôi nghĩ sự có mặt của mình cho các sư em ở xóm Mới cũng không phải là vô ích nên để tùy duyên, chỉ sống cho hết lòng và chế tác năng lượng bình an gởi cho mọi người thôi.

Mùa Covid, hạn chế đi lại nên cứ phải đặt mua đồ qua mạng, nhìn thùng giấy và bao bì xả ra mà thương cho đất Mẹ. Đa số chúng tôi đã giặt đồ bằng túi giặt Terra Wash, công nghệ xanh của Nhật thay cho xà bông giặt nên bớt được phần lo tái chế thùng nhựa. Mỗi túi giặt được tới 365 lần mà lại tốn ít nước hơn nên cũng đỡ lắm. Xà bông rửa chén thì dùng vỏ trái cây rau củ ủ cho lên men. Còn sữa ăn sáng thì để đỡ mua sữa trong hộp giấy quá nhiều, chúng tôi làm thêm sữa yến mạch mỗi ngày ngoài sữa bắp, sữa hạt. Thôi thì cứ cố gắng bớt xả rác được thứ gì thì đỡ thứ đó. Muốn sống hoàn toàn xanh quả thật phải dùng một nỗ lực rất lớn vì thói quen sử dụng đồ có sẵn không phải thay đổi dễ dàng.

Mùa Đông

Tháng 11, sư cô Lan Nghiêm khám phá đã bị ung thư giai đoạn cuối. Các sư em ở xóm Hạ làm thị giả túc trực đêm ngày. Cũng trong tháng này tôi hay tin lễ xuất gia cây Hoa Mộc được tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu. Các sư em này thật may mắn, được vào thăm Thầy trước khi xuất gia và lại được làm lễ xuất gia ngay chùa Tổ, là chuyện bao lâu nay muốn mà chẳng được. Video gởi qua, chị em chúng tôi xúm lại xem những khuôn mặt sư em mới và chăm chăm đợi chờ những cái tên mới được đọc lên rồi xuýt xoa khen ngợi, bàn tán.

Cuối tháng 11, chúng tôi tổ chức trồng cây hạnh nhân (almond) trên đồi mận, thế vào nơi những cây mận đã chết. Chú Pellegrin, cũng là xã phó, người giúp chúng tôi thu hoạch mận năm nay đã gợi ý cho chúng tôi trồng hạnh nhân vì địa thế trên đồi mận thích hợp với loại cây này và hoa cây almond màu hồng rất đẹp. Nghe nói hoa đẹp là thích rồi, huống chi còn có hạt để ăn. Thế là tri cảnh đi đặt cây, chở cây về, nhờ bác Hubert hàng xóm đào bỏ cây chết để có lỗ trồng cây và chở phân lên đồi để sẵn. Ngày trồng cây vui như ngày hội. Ban chăm sóc thì chuẩn bị sẵn những bảng tên để ai trồng cây nào gắn tên mình vào cây đấy. Có những người trồng cây rất thuần thục, có những người đây là lần đầu tiên trong đời cầm cái xẻng, nhưng ai cũng hết lòng. Trồng đến tối mới xong, 86 cây lận mà. Mấy hôm sau mỗi lần đi thiền hành lên trên đó là ai nấy tản ra đến thăm “cây của mình”. Vườn mận rộng nên có người đi kiếm hoài mà quên mất cái cây mình nằm ở đâu. Có người lo xa, xách theo bình nước đi tưới, dù tri cảnh bảo tới hè mới cần tưới vì bây giờ đã vào mùa mưa rồi. Tôi nghĩ tới mùa xuân, khi cây ra những nụ hoa đầu tiên chắc chị em hạnh phúc lắm.

 

 

Pháp vẫn tiếp tục bị phong tỏa. Nhưng nghe nói vaccine đã được tìm ra và bắt đầu chích ngừa rồi, không biết tới bao giờ mới chích hết được cho mọi người.

Tháng 12, ngay ngày đầu tháng là sư cô Lan Nghiêm mất. Ba xóm chung tay lo tang lễ, chỉ có gia đình sư cô được mời dự và số người tụ tập cũng không được đông. Ngày hỏa táng, tôi đứng trước nhà quàn, bỗng nhớ tới lần đi cùng Thầy và Sư cô cũng tới nhà quàn này cho lễ của thầy Pháp Ý. Thầy vẫn còn đó nhưng đệ tử đi trước Thầy cũng đã năm, bảy người. Trời tháng 12 năm nay không lạnh. Hoa dại nở như mùa xuân. Thậm chí có mấy cánh hoa đào trước thiền đường cũng bị lừa nở sớm. Thầy Trời Đại Nghĩa giúp đóng sàn gỗ cho phòng bệnh nên khu vực trên nhà bếp bắt đầu khang trang. Chỉ chờ cô Martine và sư em Trăng Tĩnh Mặc sửa xong bốn nhà kho nhỏ để chứa mận khô là có thể dùng thêm khu vực đó làm phòng sinh hoạt.

Giữa tháng là Tự tứ. Ba tháng an cư đã qua rất nhanh. Ba tháng này thiệt là an cư vì không ai phải đi đâu nhiều, cũng không phải đi đón thiền sinh như mọi năm. Một tuần sau có đêm thơ ca thiền tiếng Việt. Hai hôm sau là lễ Giáng sinh. Ba xóm tụ họp nghe pháp thoại, ăn chung và văn nghệ. Năm nay không có thiền sinh nên tổ chức đơn giản. Lễ Giáng sinh của xóm Mới trang hoàng toàn là đồ cũ và đồ tái chế. Con tuần lộc bằng carton với nhánh cây tỉa ngoài vườn làm sừng dễ thương quá chừng, còn hoa tuyết thì cắt từ giấy bìa dán rất tỉ mỉ. Ban chăm sóc đem thùng giấy gói quà cũ ra cho mọi người dùng lại. Buổi sáng ngày 25 xóm Mới chơi với nhau, buổi chiều mời xuất sĩ ba xóm lên dùng cơm chiều và sau đó là văn nghệ bỏ túi ở nhà ăn. Không khí huynh đệ rất ấm áp. Ngày hôm đó cũng nghe tin là Thầy đã ăn bình thường lại được cả tuần rồi, nên đã vui lại thêm vui.

Cuối năm là khóa tu online năm ngày. Không ngờ người ghi tên tham dự đông như vậy, kể cả 203 người ở Việt Nam nữa là 1.218 người. Cả Làng ai cũng bận: người họp ban giáo dục, người vào ban kỹ thuật, người vào ban tổ chức, người dự bên tiếng Việt, người bên tiếng Anh, kẻ dịch tiếng Pháp, ban văn phòng túc trực suốt để hướng dẫn thiền sinh không vào được platform… Hình như là tất cả mọi người ở xóm Mới đều có ban gì đó dính líu tới các khóa tu. Chúng tôi đã họp và định ra bảy khoá tu liên tiếp tới cuối tháng Năm năm tới nên trong khi khóa tu này đang xảy ra thì các vị trách nhiệm cho các khóa tu kia cũng bắt đầu chuẩn bị. Nhưng tinh thần ai cũng cao. Tổng cộng có 239 người xin nhận Năm giới qua mạng. Nhiều người nhận giới xong đã khóc vì xúc động. Có được một hướng đi rõ ràng trong cuộc sống đầy chông chênh là một hạnh phúc lớn.

Một năm có bốn mùa, bây giờ có thêm mùa covid và mùa lũ. Năm nay nhiều thiên tai: lũ lụt, động đất ở châu Á, cháy rừng ở Úc, Mỹ. Còn dịch bệnh thì chẳng chừa châu nào. Khổ đau và sợ hãi, bạo loạn và hồ nghi, lòng người không an ổn. Nhưng trong cộng nghiệp vẫn có biệt nghiệp, nên bên ngoài đầy những bất an nhưng trong tu viện vẫn có tiếng cười và tình chị em. Chúng tôi siêng năng tu tập cho chính mình và cho mọi người để chờ “ngày mai trời lại sáng”.

Bạn hiền ơi,
Trăng vẫn sáng. Hoa vẫn nở. Quy luật của trời đất vẫn tiếp diễn. Sau mùa đông sẽ là mùa xuân. Những củ tulip đang đâm chồi chờ ngày bung ra khoe sắc trong cái giá lạnh của tháng Giêng. Tôi vẫn có hy vọng vào một tương lai bình ổn sẽ tới, chỉ không biết nhanh hay chậm thôi. Gởi bạn hiền hai câu đối tôi muốn thực tập cho năm nay, bạn hiền cùng làm không?

Từng hơi thở giữ tâm an tịnh

Mỗi bước chân nở đóa vô ưu