Đi để về
Sư cô Trăng Mai Phương xuất gia ngày 14 tháng 12 năm 2016 tại Làng Mai, Pháp trong gia đình cây Mai Vàng. Sư cô hiện đang tu học và phụng sự với nhiều hạnh phúc ở xóm Mới, Làng Mai, Pháp.
Bật máy lên mà gõ là khẩu hiệu thay cho Cầm bút lên mà viết tôi đã tự đặt ra cho mình lần này. Bốn năm rồi hứa nộp bài cho Lá thư Làng Mai mà cuối cùng cũng ngậm hột thị cho tới tận năm nay. Tôi thích viết nhưng cũng dễ tụt cảm hứng, và dù có làm cách nào đi nữa thì cũng chẳng thể nặn ra được một chữ, nhất là để nộp thì lại càng khó cho tôi. Nhưng lần này là trường hợp ngoại lệ. Ừ, thì thử làm trái lại với cái mà tôi gọi là “tính tôi thế”, xem tình hình nó đi đến đâu. Mà nếu không được đăng thì ít ra tôi cũng đã thử để chơi với chính mình… cho bõ những ngày làm biếng đầu năm cũng như để sau này chẳng có gì phải tiếc!
Bắt đầu… lạch cạch… lạch cạch…
Năm ấy, tôi, một người trẻ, vào độ tuổi đứng trước nhiều ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời. Sống cá tính, với nhiều hoài bão, lý tưởng, tôi đã quyết định rời xa quê hương đất nước, vác trên vai một cái bị nặng mang tên chán chường, và suýt nữa tự dán cho mình cái mác mất gốc. Hai mươi tư tuổi, thẳng tay vứt đi cái kính màu hồng đã mang theo nhiều năm về đời sống gia đình, xã hội và đất nước. Tôi đã quyết định cho mình cơ hội để thấy cho tỏ tường những thứ tưởng chừng như còn hết sức hình tượng trong đầu về đời sống Tây phương, và hơn cả là về đời sống tâm linh. Tôi vẫn muốn vỗ vai và tung ra vài câu khen ngợi cho chính mình vì đã dám quyết định mạo hiểm. Và rồi lại tự ngoan ngoãn tháo ra cái kính màu hồng khác trong lòng, trước khi toàn tâm toàn ý bước tới con đường này – con đường của những người tự do.
Để tôi kể rõ thêm về kế hoạch hết sức mạo hiểm năm đó, mà tôi tin ông bà tổ tiên chắc cũng hài lòng lắm khi thấy tôi dám làm liều. Tôi nuôi mộng đi tu từ những năm đầu ngồi trên ghế giảng đường, nhưng mộng ấy chắc nhỏ xíu như hạt đỗ xanh, nếu không có cô bạn tưới tẩm cho mỗi lần cùng nhau đi công quả xây tháp trên núi Tây Thiên. Dù bây giờ chúng tôi mỗi đứa tu một pháp môn khác nhau, nhưng khi nghĩ về, tôi luôn thấy ấm lòng. May phước là nhân duyên thế nào, sau khi tốt nghiệp đại học tôi tìm thấy một chương trình giao lưu văn hóa với một số nước như Mỹ, Pháp, Đức… Cuối cùng tôi chọn Pháp với suy nghĩ đi kiểu đó bố mẹ không tốn tiền như cho tôi đi du học. Sau đó nếu tôi có quyết định đi tu mà không đi học tiếp thì chắc cũng sẽ thấy bớt áy náy hơn. Và hơn cả là tôi sẽ có tất cả điều kiện thuận lợi để tới xem Làng Mai là sao, liệu tôi có thể gửi gắm cả cuộc đời mình lại nơi đó!
Vậy là tôi tới Pháp vào một ngày đầu thu. Đặt chân tới Pháp, cái cảm giác xa lạ hình như không có nhiều, chỉ có khoảng cách về ngôn ngữ có lẽ là lớn nhất với tôi lúc đó. Tiếng Anh thì không, tiếng Pháp thì chỉ oui, non, gật lắc dù đã đi qua bao trường lớp, chứng chỉ. Thế tôi mới nói là liều. Thời gian ở cùng gia đình Pháp không lâu, cũng chỉ mười tháng nhưng có lẽ trong tôi nó dài đến chục năm. Theo đúng quy định thì tôi phải đi học tiếng Pháp ở trường, được hưởng mọi thứ như con trong nhà, giúp chăm sóc và đưa các em tới trường khi bố mẹ các em bận công việc. Tôi cũng được có tiền bỏ túi mỗi tháng, đủ để đi du lịch hay mua sắm nếu tôi cần. Tình thương, sự cảm thông, sự tôn trọng, nâng đỡ và cả những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, đời sống, về cách chăm sóc trẻ em mà tôi trải qua cùng gia đình đã làm tôi khôn lớn và để thấy mình rõ hơn rất nhiều. Vì hai nhóc có chút vấn đề về tâm lý, tình trạng phổ biến cho trẻ em hiện nay ở các nước Tây phương, nên tôi cũng có nhiều động lực để học ngôn ngữ hơn và học cách chăm sóc với nhiều sự kiên nhẫn mặc dù gặp nhiều khó khăn.
Nhờ sống chung trong gia đình Pháp và chăm sóc các em, tôi mới thấy mình thật rất Việt. Không chỉ vì dòng máu, màu da hay mái tóc đen mà cả cái cách tôi dạy hay muốn các em làm theo. Tôi biết mình không thể áp dụng cái mà mình được dạy và cho là đúng lên đời sống các em được. Bố mẹ các em và các em cũng dạy cho tôi một bài học về sự sẻ chia khi có khó khăn trong lòng mà không cắn răng chịu đựng, rồi cho đó là khó khăn và trách nhiệm của riêng mình. Tình thương, sự tôn trọng từ cả hai phía và mong muốn từ lúc đầu mà tôi luôn giữ khi sống chung là để hiểu thêm văn hóa, đời sống ở Pháp, đồng thời để họ thấy được văn hóa Việt, thấy được một phần của con người Việt đã giúp tôi thấy rõ thêm cả hai bên, để học hỏi và để buông đi nhiều điều trong lòng. Nhờ thế mà tôi đã đi qua được rất nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc và dạy dỗ các em sau đó. Hơn cả, nếu không có sự động viên và thực tập với quý sư cô ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ, tăng thân Paris và đặc biệt là các bạn trong Vườn Bông, tôi đã không thể sống trọn vẹn như thế trong khoảng thời gian ấy. Sau khi chương trình giao lưu văn hóa kết thúc, bố mẹ và các em tìm đủ cách giữ tôi lại, bởi một phần thấy tôi giúp được cho em bé nhất có chút tiến bộ về mặt tâm lý. Nhưng có lẽ vì tôi cũng đã có được gần hết những câu trả lời cho những câu hỏi còn sót lại sau khi rời Việt Nam nên tôi quyết tâm đầu đội trời chân đạp đất, kéo vali rời gia đình và các em để đi. Đi về con đường mà tôi tin, một niềm tin to lớn trong lòng là sẽ giúp được cho nhiều người và cho chính tôi nữa.
Rồi trở thành sư cô, ý thức về những bức xúc, chán chường về đời sống gia đình, về đất nước quê hương vẫn đọng lại, tắc nghẽn đâu đó trong lòng. Rồi tiếc vì vào chùa rồi mới đọc được cuốn Nói với tuổi hai mươi và Tuổi trẻ, tình yêu, lý tưởng. Tôi quyết định làm lại, bắt đầu lại trong chính mình. Hàn gắn lại những rạn nứt với gia đình huyết thống, với quê hương bằng ý thức. Chỉ có vậy tôi mới có khả năng cắm rễ trong gia đình mới – gia đình tâm linh. Thực tập như một Sa di ni trong những năm đầu, tôi thích lắm pháp môn Ba cái lạy hay Năm cái lạy mà Sư Ông viết trong nhiều cuốn sách. Tôi dùng đủ mọi cách để tưới những lời Sư Ông viết trong từng cái lạy vào ý thức mình. Đọc hết bằng tiếng Việt rồi đến tiếng Pháp, bằng cách thu âm rồi thực tập lạy. Lúc mới bắt đầu thực tập thì chưa, nhưng khi đã bắt đầu ngấm và yên hơn trong lòng, thì mười lần thực tập tám lần tôi khóc, nước mắt cũng đủ làm đầy mấy cái hồ sen xóm Mới.
Lạy thứ Tư và thứ Năm là hai cái lạy mà tôi phải dành nhiều thời gian để nhìn sâu hơn cả. Càng đọc tôi càng thấy những góc sâu khuất, tưởng chừng như đã bị phủ một lớp bụi dày đặc được chạm tới, được lau chùi bằng cái thấy với sự bình tĩnh, sáng suốt và nhiều chấp nhận hơn. Tôi hiểu ra và nhìn ra được những người mà tôi đã giận, đã từng nói là ghét cay ghét đắng cũng đang mang rất nhiều tổn thương, khổ đau để bắt đầu thấy thương và buông dần đi những vết thắt đã kết lại nhiều năm. Để rồi lại thấy thêm nhiều điều vỡ òa trong lòng, những điều tôi đã trách cứ, khổ đau, đã không hiểu về những người tôi thương. Tôi đã từng rất buồn về cách bố hành xử trước đây trong gia đình. Nhưng khi nhận ra chính mình đang lặp lại y hệt những gì bố đã làm trong đời sống hiện tại, tôi mới hiểu ra có lẽ cũng như tôi, dù không muốn nhưng bố cũng đã tiếp nhận nó từ thế hệ trước, từ đời sống, từ những khó khăn bố đã từng đi qua mà không ý thức những gì mình tiếp nhận và sẽ trao truyền lại. Và có lẽ bố cũng đã từng muốn thay đổi, làm gì đó để chính mình bớt khổ mà không biết phải làm sao. Thấy được đến đó tôi thương bố quá. Tôi biết bố cũng rất thương tôi, một sự thật mà vì giận hờn tôi đã từng gạt sang một bên. Bao nhiêu trách cứ, tủi hờn theo từng giọt lăn dài trên má. Tôi tự hứa với chính mình là với tất cả những điều kiện thuận lợi mình đang có trong đời sống tu học, tôi quyết tập lại, tập để chấp nhận và thương những vụng dại mà tôi đã gây ra cho bản thân và những người mình thương. Làm mới lại đời sống với những cái đẹp mà tôi đã được trao truyền. Và tôi biết tôi không chỉ làm nó cho riêng mình mà cho cả bố nữa.
Nhìn lại những năm tháng sống đời sống xuất gia tại Làng Mai, tôi cũng thấy mình thật may mắn không chỉ có Việt Nam là quê hương mà tôi còn có đất nước, con người Pháp – nơi đã cho tôi bao nhiêu điều kiện để tìm lại chính mình, để thấy mình có khả năng khai thông lại dòng suối mát lành của gia đình huyết thống mà cũng để tôi dần dần cắm rễ hơn, chấp nhận để hiểu và thương hơn gia đình tâm linh. Tập thương lại, ngâm nga làn điệu dân ca để tiếng hô canh sáng tối cũng mềm và thấm hơn. Tôi cũng tập thương lại, nhìn lại những cái đẹp của người Việt, của văn hóa Việt để ông bà tổ tiên lại được cười, được thở và cùng bước trên từng bước chân tôi đi về tương lai.
Một ngày, tự nhiên trong tôi đi lên một câu hỏi: “Nếu tôi không quyết định bỏ đất nước để lên đường, không bỏ gia đình để lên đường, liệu tôi có cơ hội để nhìn lại, để hiểu, để chấp nhận những đổ vỡ trong gia đình hay trong đời sống, trong xã hội, đất nước hay không?”. Câu hỏi ấy đã mở ra cho tôi những cái nhìn mới và tự do hơn về chuyện đến – đi đã xảy ra với những người thương trong cuộc đời mình. Tôi chợt mỉm cười… qua khung cửa nắng vàng đầy sân, những chiếc lá khô còn sót lại cũng theo gió trở về…
lạch cạch lạch cạch…
… dừng tay nhấp miếng trà bancha mẹ mới gửi và cười thầm: “Hóa ra chữ nghĩa cũng chịu trào ra đấy chứ nhỉ!”.
Ly trà nóng và tiếng ai thì thầm: “Đâu là cái tính tôi?”.