Chánh niệm là con đường

Chánh niệm và tà niệm

Bất cứ ai cũng cần sự giúp đỡ, trong đó có cả Bụt. Bụt cũng cần chúng ta giúp Ngài. Bụt chỉ có hai tai thì làm sao nghe được hết những khổ đau trên thế giới? Bụt chỉ có hai tay thì làm sao có thể giúp hết được cho thế giới này bớt khổ? Thành ra, chúng ta phải giúp Bụt, chúng ta phải trở thành mắt của Bụt, thành lỗ tai của Bụt, thành cánh tay của Bụt…

Không những người nghèo đau khổ mà người giàu cũng đau khổ. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp rất giàu có nhưng họ cũng đau khổ rất nhiều. Họ mời chúng ta đến giảng dạy chánh niệm để giúp họ bớt khổ và đồng thời giúp họ thành công hơn nữa trong việc kinh doanh.

Vấn đề đặt ra là: Chúng ta có nên giảng dạy chánh niệm cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp để giúp họ làm giàu nhiều hơn nữa hay không? Có người trả lời: “Tại sao không? Làm giàu thì có gì sai? Họ làm giàu thì họ tạo được công ăn việc làm cho những người khác và cung cấp vật dụng cần thiết cho chúng ta”. Thành ra có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc ta có nên giúp cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hay không.

Chúng ta cũng biết rằng hiện nay trong quân đội có rất nhiều khổ đau, nhiều căng thẳng và nghi ngờ, nhiều người đã tự tử. Người ta muốn mời các vị giáo thọ đến hướng dẫn thực tập chánh niệm cho những người lính trong quân đội trước khi họ được gửi ra trận. Nhiều vị giáo thọ đã từ chối với lý do: “Tôi không thể làm như thế được! Tôi không thể hướng dẫn cho những người lính thực tập chánh niệm để họ có khả năng tập trung cao hơn và giết người giỏi hơn!” Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: “Nếu những người lính có chánh niệm thì họ sẽ không giết hại thường dân mà chỉ giết kẻ địch thôi, điều đó cũng đủ có ích lợi rồi”.

Như vậy, một cuộc tranh luận đã mở ra và đang tiếp diễn xoay quanh vấn đề: chúng ta có nên loại trừ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người trong quân đội ra khỏi sự thực tập chánh niệm hay không? Những người làm nghề đánh cá cũng bắt nhiều cá và tàn hại rất nhiều sinh mạng. Và còn những người trong ngành công nghiệp sản xuất thịt hay chế tạo vũ khí nữa, ta có nên loại trừ hết những người đó ra khỏi sự thực tập chánh niệm hay không?

Cho nên, một câu hỏi rất quan trọng được đặt ra là: Chánh niệm có thể làm lợi lạc cho tất cả mọi người hay chỉ làm lợi lạc cho một số thành phần nào đó mà thôi?

Hôm nay chúng ta phải để thì giờ đi sâu vào chủ đề này. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thực sự hiểu chánh niệm là gì hay không? Trong giáo lý đạo Bụt có danh từ chánh niệm (right mindfulness), mà đã có chánh niệm thì cũng có tà niệm (wrong mindfulness). Thành ra, trước tiên chúng ta phải phân biệt được chánh niệm và tà niệm.

 

Sự khác biệt giữa chánh niệm và tà niệm, chánh kiến và tà kiến

Chánh niệm, tiếng Phạn là  samyak smṛti, ngược lại với tà niệm là mithya smṛti. Có sự khác biệt gì giữa chánh niệm và tà niệm? Câu trả lời là:

    1. Chánh niệm không phải là một công cụ, một phương tiện mà là một con đường

      Ta có thể sử dụng một dụng cụ để làm nhiều việc, ví dụ ta dùng dao để chặt cây, cắt gọt rau quả v.v. nhưng cũng có người dùng dao để đi ăn cướp, để giết người. Chánh niệm không phải là con dao mà ta có thể dùng để làm cả những chuyện tốt lẫn những chuyện xấu. Chánh niệm không phải là một công cụ. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta cho chánh niệm là một công cụ, chúng ta nghĩ rằng có thể dùng chánh niệm để trị liệu, để hòa giải hoặc làm ra nhiều tiền, hoặc để giết kẻ thù cho hay hơn.

      Chánh niệm không phải là một phương tiện hay một công cụ mà là một con đường. Bởi vì chánh niệm là một trong tám chi phần của Bát chánh đạo. Chánh niệm thuộc về chánh đạo (samyak marga). Nếu ta lấy chánh niệm ra khỏi bối cảnh của chánh đạo thì nó không còn là chánh niệm nữa. Đây là điều rất quan trọng!

      Chánh đạo (right path) là con đường đúng đắn, bắt đầu bằng chánh kiến (right view). Chánh kiến là cái thấy vượt thoát mọi sự kỳ thị, giận hờn và sợ hãi. Vì vậy, nếu chánh niệm không chuyên chở chánh kiến trong đó thì không phải là chánh niệm thật sự.

      Chánh đạo là sự thật thứ tư của Tứ đế, mà chánh niệm là một thành phần trong đó. Chánh đạo là con đường đúng đắn đưa tới hạnh phúc, tức là đưa tới sự thật thứ ba của Tứ đế.

      Tà đạo (wrong path) ngược lại với chánh đạo, đó là con đường đưa tới sự thật thứ nhất tức là khổ. Ta có thể nhìn sự thật thứ hai của Tứ Đế như là một con đường, con đường sai lầm (tà đạo). Con đường sai lầm bắt đầu bằng cái thấy sai lầm, tức tà kiến (wrong view). Cái gì đưa tới cái thấy sai lầm? Tà niệm, tà định đưa tới tà kiến. Và tà kiến đưa tới tà tư duy, tà ngữ và tà nghiệp.

      Cho nên, chánh niệm nằm trong chánh đạo, và tà niệm thuộc về tà đạo. Rất rõ ràng. Ta phải phân biệt được chánh niệm với tà niệm. Danh từ chánh niệm và tà niệm đã có từ thời của Bụt. Nếu có chánh niệm thì luôn luôn có tà niệm. Tà niệm luôn đi đôi với tà kiến và tà tư duy. Vì vậy, những loại niệm nào đưa tới tà kiến, tà tư duy, tà nghiệp thì không phải là chánh niệm.

      Có những người không hề học hỏi và thực tập chánh niệm, chánh kiến nhưng họ cũng có một ít chánh niệm và chánh kiến. Họ không phải là Phật tử, không cần phải là Phật tử mới có được chánh niệm và chánh kiến.

      Trong cuộc chiến tranh Đông Dương người ta báo cáo rằng hai phe, phe cộng sản và phe chống cộng sản đã tàn sát lẫn nhau. Họ đã làm theo lệnh của cấp trên nhưng thật ra những người lính của hai bên không hề muốn giết nhau. Người ta kể lại rằng phe cộng sản đã đến đóng ở bờ bên kia sông còn phe chống cộng thì đóng ở bờ bên này sông, hai bên đã nhìn thấy nhau nhưng họ không tấn công nhau. Họ đứng im như vậy trong một hay hai giờ đồng hồ. Cuối cùng để làm tròn phận sự của mình, họ đã chỉa súng bắn lên trời rồi lấy khẩu phần thức ăn của mình ra ăn và rút lui. Chuyện này đã xảy ra rất nhiều lần ở Lào.

      Điều này có nghĩa là những người chiến sĩ đó có được chánh kiến. Họ không hiểu tại sao mình lại phải chém giết lẫn nhau, tại sao mình phải giết người và bị người giết. Họ thấy bên kia không phải là kẻ thù của mình, bên kia cũng giống như mình, bị đưa ra trận tuyến để giết người và bị người giết.

      Từ đâu mà ta có được cái thấy đó? Đó là nhờ chánh niệm, chánh niệm có chứa tuệ giác trong đó. Ở đâu có chánh niệm thì ở đó có tuệ giác. Ta thấy được rằng những người kia là nạn nhân bị bắt đến để giết người và để bị người giết, và ta cũng bị bắt đến để giết người và để bị người giết. Đó là chánh kiến! Ta không thể lấy chánh kiến ra khỏi chánh niệm vì chánh niệm đã chứa sẵn chánh kiến trong đó. Ở Làng Mai chúng ta thường nói rằng chánh niệm chứa đựng năng lượng của định và tuệ trong đó.

      Ví dụ như ta thực tập:Thở vào tôi biết là tôi còn sống. Chánh niệm về hơi thở đưa tới cái thấy là ta đang còn sống. Có những người sống mà không biết là mình đang sống nên họ không thấy vui sướng khi được sống. Có chánh niệm thì tuệ tới ngay lập tức. Chánh niệm mà không có tuệ thì không thật sự là chánh niệm.

      Những người lính từ chối đánh nhau vì họ có được chánh niệm và tuệ giác. Điều này làm cho các cấp chỉ huy rất tức giận. Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, những trường hợp tương tự cũng đã từng xảy ra. Người ta báo cáo rằng có từ 75-80% chiến sĩ đã hành xử như vậy. Cấp chỉ huy đã rất tức giận nên bây giờ họ tìm cách hướng quân đội về một loại niệm và một cái thấy khác, một loại tà niệm và tà kiến. Họ biến niệm và định trở thành một phương tiện, một công cụ để giúp cho quân đội mạnh hơn, phục vụ tốt hơn trong việc tàn sát kẻ thù. Đó là chủ ý của các cấp lãnh đạo quân sự. Như vậy nếu chúng ta đến để giúp cho họ thực hiện được mục đích đó thì chúng ta không giảng dạy chánh niệm thật sự.

      Ví dụ một người lính ra trận, ở ngay trận địa anh ta thực tập thở vào, thở ra và ý thức được rằng kẻ thù của mình đang ở trước mặt mình, và nếu anh không giết kẻ thù đó thì kẻ thù sẽ giết anh.

      Thở vào tôi biết là kẻ thù đang có mặt

      Thở ra tôi phải giết hắn vì nếu không thì hắn sẽ giết tôi.

      Sự thực tập này được thúc đẩy bởi sự sợ hãi, bởi ý chí muốn sống còn và bởi tà kiến. Nếu không coi người kia là kẻ thù thì ta không thể nào giết họ được. Ta bị nhồi vào đầu tư tưởng “Những kẻ đó là kẻ thù của ta, là người ác, là mối hiểm họa cho sự an nguy của đất nước mình. Những kẻ đó đi ngược lại lợi ích của dân tộc mình, không có họ thì mọi chuyện sẽ tốt hơn”. Người ta đã đào tạo những người lính như vậy và làm cho họ có ý muốn giết người.

      Trong chiến tranh Việt Nam, những người lính Mỹ bị nhồi vào đầu là cộng sản rất nguy hiểm, nếu để Việt Nam rơi vào tay cộng sản thì cộng sản sẽ chiếm hết Đông Nam Á và có thể bành trướng sang Tân Tây Lan (New Zealand), Úc (Australia) và sớm muộn gì cũng sang tận Hoa Kỳ. Tư tưởng đó được thúc đẩy bởi sự sợ hãi.

      Hiện nay, Hoa Kỳ đang hợp tác kinh tế với Việt Nam. Nhìn lại quá khứ, ta thấy việc đổ vào Việt Nam không biết bao nhiêu là tiền bạc, súng ống, chất độc hóa học và hy sinh biết bao nhiêu mạng người không phải là một hành động thông minh, đó không phải là chánh kiến. Hàng triệu người đã trở thành nạn nhân của tà kiến đó. Cái thấy sai lầm của những nhà lãnh đạo chính trị đã đưa tới sự tàn phá, hủy diệt môi trường và cái chết của hàng triệu dân thường.

      Hoa Kỳ có thể làm hay hơn, như hỗ trợ cho hai miền Nam-Bắc xây dựng lại đất nước và phát triển kinh tế, giáo dục, v.v. Như thế Hoa Kỳ sẽ chi phí ít hơn, và còn giúp được cho hai miền Nam – Bắc cùng nhau xây dựng một đất nước hạnh phúc hơn. Thông qua đó, nước Mỹ cũng thu phục được nhiều bạn bè hơn. Đó là cái thấy tốt đẹp, là chánh kiến.

      Để có thể huấn luyện một người lính thành một sát thủ giỏi, người ta phải nhồi vào đầu họ tư tưởng là nếu không có kẻ thù đó thì sẽ tốt đẹp hơn cho mình và cho đất nước. Tôi nhớ Tổng thống Bush đã từng tuyên bố như vậy về Bin Laden: “Nếu không có ông thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn!” (the world will be a better place without you!). Đó là chính sách loại trừ mà hiện nay chúng ta vẫn đang tiếp tục sử dụng. Nếu thấy người nào đó có thể là mối nguy hiểm cho an ninh của mình và cho đất nước mình thì chúng ta tìm cách loại trừ người đó, loại trừ bằng cách này hay bằng cách khác, bằng phương tiện hợp pháp hay không hợp pháp.

      Là một vị giáo thọ, nếu ta được mời đến hướng dẫn cho những người lính thực tập chánh niệm thì ta không thể nói với họ rằng: “Công việc của các anh là đi giết kẻ thù. Các anh phải có niệm và định để làm việc đó cho tốt!” Ta không thể nói như vậy. Nếu nói như vậy thì chánh niệm trở thành một phương tiện mà không phải là con đường.

        2. Chánh niệm không phải là một phương tiện để đạt tới mục tiêu

          Khi ta thở vào có chánh niệm thì hơi thở vào không phải là một phương tiện. Nếu biết cách thở thì ta có được niềm vui, bình an và sự trị liệu ngay trong khi thở vào. Không có sự phân biệt giữa phương tiện và cứu cánh. Nếu ta không cảm thấy thoải mái trong khi thở nhưng ta vẫn cố gắng chịu đựng để đạt được một mục đích nào đó thì đó không phải là chánh niệm thật sự.

          Không có sự khác biệt giữa phương tiện và cứu cánh, vì chánh niệm chính là con đường. Con đường được làm bằng những bước chân và mỗi bước chân chính là con đường. Mỗi bước chân đều chứa đựng chánh niệm, chánh định, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn. Mỗi hơi thở vào là một bước chân, trong mỗi bước chân đó ta phải có sự thư giãn, có an, có định và có tuệ.

          Chánh niệm không phải là một công cụ, một phương tiện. Ở Làng Mai chúng ta luôn được nhắc nhở phải thực tập như thế nào để có bình an, niềm vui và tình huynh đệ ngay trong khi ngồi, trong khi đi, trong khi thở, trong khi nấu ăn hay chùi nhà. Có chánh niệm thì làm việc gì ta cũng thấy vui. Chánh niệm cho ta niềm vui, tuệ giác và sự bình an.

            3. Chánh niệm tương tức với các chi phần khác của Bát Chánh Đạo

              Điều này rất quan trọng! Chánh niệm mà không có tuệ giác thì không phải là chánh niệm thật sự. Những người lính ở Lào mặc dù không được giảng dạy về chánh niệm và tuệ giác nhưng họ cũng thấy được rằng những người phía bên kia cũng giống như mình, họ cũng bị ép buộc tới đây để giết và để bị giết, đó là tuệ giác. Những người kia là nạn nhân của chiến tranh và chúng ta không muốn trở thành nạn nhân của chiến tranh. Cho nên thay vì chĩa súng vào nhau, họ đã chĩa súng và bắn lên không trung. Họ có chánh niệm và có tuệ giác.

              Chúng ta đã được học rằng chánh niệm cũng là tuệ giác, chánh niệm cũng là sự giác ngộ.

              Thở vào, tôi ý thức là tôi đang sống.

              Thở vào có chánh niệm đưa tới cái thấy là ta đang sống. Đang sống là một sự mầu nhiệm! Chúng ta không cần phải thực tập 10 năm hay 10 ngày để có được tuệ giác. Chánh niệm trong tự thân nó đã chứa đựng chánh kiến rồi. Và nếu có chánh kiến thì ta không thể nào làm sai. Chánh kiến đưa tới chánh nghiệp, tức là hành động đúng đắn. Ta chỉ hành động sai lầm (tà nghiệp) khi ta có tà kiến.

              Chánh kiến là tuệ giác. Có chánh kiến thì cái ta tư duy là chánh tư duy, cái ta nói là chánh ngữ và cái ta làm là chánh nghiệp. Chánh kiến phát sinh từ chánh niệm. Vì vậy, nếu ta hướng dẫn cho những người lính đó thực tập được chánh niệm thì họ sẽ có chánh kiến. Thành ra, không có gì nguy hiểm khi giảng dạy chánh niệm cho những người lính trong quân đội. Người ta tưởng nếu giảng dạy chánh niệm cho quân đội thì họ sẽ sử dụng chánh niệm khi ra trận để có đủ sự bình tĩnh và sự tập trung mà giết được nhiều người hơn. Điều này không đúng! Chúng ta giảng dạy chánh niệm để họ biết thở như thế nào, đi như thế nào, biết nhận diện cảm thọ và cảm xúc của họ, ý thức được sự sợ hãi, giận hờn trong mình, v.v. Ý thức được thì họ có cái thấy đúng (chánh kiến), và chánh kiến giúp cho ta tránh được tà tư duy, tà ngữ và tà nghiệp.

              Chánh niệm tương tức với các chi phần khác của Bát Chánh Đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ…) trong đó có chánh mạng, tức nghề nghiệp đúng đắn. Có chánh niệm thì ta có chánh kiến và với cái thấy đúng đắn thì ta không thể nào tiếp tục lối sống sai lầm nữa (tà mạng). Để có được hạnh phúc, ta phải từ bỏ tà mạng và tìm một việc làm khác có thể giúp ta phát khởi tâm từ bi và trân quí đối với sự sống. Đó là chánh đạo! Tất cả các yếu tố của chánh đạo đều là cứu cánh mà không phải là phương tiện.

              Giả sử vòng tròn này tượng trưng cho chánh niệm, mà đã là chánh niệm thì phải chứa đựng trong nó năng lượng của định và tuệ.

              Khi có chánh niệm về một cái gì đó thì cũng có nghĩa là ta đang đưa sự chú tâm (định) vào đối tượng đó. Ví dụ như khi ta có chánh niệm về hơi thở vào thì cũng có nghĩa là ta đang định tâm vào hơi thở vào. Năng lượng của niệm và định chuyên chở trong nó năng lượng của tuệ giác. Và nếu niệm, định và tuệ có mặt thì 5 yếu tố còn lại của Bát Chánh Đạo (chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn) cũng có mặt.

              Có niệm, định và tuệ thì lời nói của ta là chánh ngữ. Trên nền tảng của chánh kiến thì không thể nào có tà tư duy. Chánh kiến là một cái thấy không có sự phân biệt, kỳ thị. Chánh kiến là cái thấy tương tức (interbeing), duyên khởi (interdependant origination) và vô ngã (no self). Có chánh kiến thì ta không thể chế tác tà tư duy, tà ngữ và không thể tạo ra tà nghiệp. Chúng ta phải nhớ rằng chánh niệm tương tức với tất cả những yếu tố khác của Bát chánh đạo. Vì vậy chúng ta không cần phải lo lắng là chánh niệm có thể bị lạm dụng. Chánh niệm không thể nào gây hại cho bất kỳ ai hay cho bất kỳ cái gì, vì trong chánh niệm đã có chánh kiến, và khi đã có chánh kiến rồi thì ta không bao giờ có thể làm những điều sai lầm.

               

              Sự thực tập chánh niệm dành cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai

              Những người trong quân đội có rất nhiều đau khổ, họ cũng cần sự giúp đỡ. Vì vậy giúp cho họ bớt khổ không có gì là sai cả. Ta có thể hiến tặng sự thực tập chánh niệm để giúp họ:

                1. Chế tác niềm vui và hạnh phúc

                  Chánh niệm giúp cho ta trở về với giây phút hiện tại và nhận ra rằng chúng ta đang có quá nhiều những điều kiện hạnh phúc. Những người lính cũng như chúng ta, họ có khả năng nhận diện những mầu nhiệm của sự sống, của thiên nhiên, những điều kiện hạnh phúc đang có mặt và nhờ đó, họ có thể chế tác được niềm vui, niềm hạnh phúc để nuôi dưỡng và trị liệu cho chính mình.

                    2. Chăm sóc khổ đau

                      Khi ta hướng dẫn cho những người lính thực tập chánh niệm, họ có thể nhận diện được sự sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng trong mình. Họ học được cách chăm sóc khổ đau của chính mình và giúp mình bớt khổ.

                        3. Thấy được hạnh phúc chân thật

                          Khi đi sâu vào sự thực tập chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc và chăm sóc khổ đau của chính mình, họ sẽ đạt tới chánh kiến. Họ có thể thấy rõ được thế nào là hạnh phúc chân thật.

                          Khi gia nhập quân đội, họ nghĩ đời sống trong quân đội sẽ dễ dàng hơn, họ có thể hạnh phúc hơn khi làm một người lính. Đó là một ý niệm, một cái nhìn về hạnh phúc. Nhưng khi được hướng dẫn thực tập cách thở, cách đi, cách ngồi, cách ôm ấp cơn giận và sự sợ hãi thì họ bắt đầu nếm được hạnh phúc thật sự. Họ so sánh và bỗng nhiên thay đổi quan niệm của mình về hạnh phúc.

                          Lúc đầu ta cho rằng làm một người lính thì có nhiều quyền lợi và đem tới cho ta hạnh phúc. Nhưng bây giờ thì ta đau khổ quá và ta bắt đầu nghi ngờ. Khi có người đến chỉ dẫn cho ta phương pháp thở, phương pháp đi, phương pháp nhận diện những mầu nhiệm của sự sống, phương pháp thưởng thức từng hơi thở và từng bước chân thì ta thức tỉnh, ta nhận ra được thế nào là hạnh phúc thật sự. Ta thay đổi cái nhìn của ta về hạnh phúc, từ cái nhìn sai lạc ta chuyển sang cái nhìn đúng đắn, và động lực thúc đẩy cuộc đời ta cũng thay đổi.

                          Vì vậy nếu quý vị là những vị giáo thọ giỏi được mời hướng dẫn chánh niệm cho những người lính trong quân đội thì quý vị cũng đừng nên lo ngại. Chánh niệm luôn luôn đem lại lợi lạc và chuyển hóa tốt đẹp cho mọi người, dù rằng sự chuyển hóa đó có thể diễn ra chậm.

                          Một điều mà tôi rất quan tâm là chúng ta cũng nên đồng thời giúp cho những vị chỉ huy, cấp trên, bộ tham mưu và những nhà hoạch định chính sách… Bởi vì nếu những người lãnh đạo chính trị còn có cái nhìn sai lạc về hạnh phúc, về an ninh và quyền lợi của quốc gia thì nhiều người trẻ như chúng ta vẫn sẽ tiếp tục là nạn nhân của bạo lực, chúng ta vẫn bị buộc phải chém giết và bị chém giết. Sử dụng phương tiện bạo động không phải là cách duy nhất để bảo đảm an ninh và quyền lợi quốc gia, còn có nhiều cách hay hơn như vậy.

                          Là những người thực tập chánh niệm và hiểu rõ bản chất của chánh niệm, chúng ta phải giúp cho quân đội, nếu không thì họ sẽ tự đào tạo đội ngũ những người giảng dạy chánh niệm riêng của mình. Những người đó có thể giảng dạy chánh niệm theo kiểu:

                          Thở vào, tôi biết là kẻ thù đang có mặt và tôi phải giết hắn.

                          Thở ra, tôi kéo cò súng…

                          Đó là niệm và định căn cứ trên tà kiến.

                          Chúng ta là những giáo thọ giảng dạy chánh niệm, ta không thể dạy như vậy. Chúng ta không bảo những người lính phải từ bỏ nghề nghiệp của mình, ta chỉ đến để giúp họ bớt khổ mà thôi. Và khi đã bớt khổ thì họ sẽ có cái thấy đúng đắn về hạnh phúc chân thật và mọi việc sẽ tự dần dần thay đổi.

                          Vì vậy kết luận của tôi là: Thực tập chánh niệm là pháp môn tu học dành cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai.

                          Tuần trước có hai vị thuộc Bộ Ngoại giao Pháp từ Paris tới thăm Làng Mai. Tôi hỏi hai vị ấy: “Sự thực tập chánh niệm có thể giúp được cho rất nhiều người trẻ và các thầy cô giáo bớt khổ. Chúng tôi đang tìm cách đem sự thực tập chánh niệm vào trường học. Chúng tôi đã và đang huấn luyện cho các thầy cô giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới để họ có thể đem sự thực tập chánh niệm vào lớp học và giúp cho học sinh bớt khổ hơn. Khi học sinh bớt khổ thì thầy cô giáo cũng bớt khổ, sự truyền thông sẽ tốt hơn, việc dạy và học cũng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nước Pháp có chính sách biệt lập tôn giáo (laïcité), người ta cấm những sinh hoạt có tính chất tôn giáo ở những nơi cộng cộng. Vậy quý vị có thể giúp chúng tôi tìm ra cách thức nào để đem sự thực tập này vào những nơi công cộng, đặc biệt là ở các bệnh viện, trường học… hay không?”

                          Trong những năm qua, chúng ta đã tổ chức khóa tu cho cảnh sát, cho nhân viên của các trại tù, v.v… Những đối tượng này đều nhận ra rằng sự thực tập chánh niệm giúp họ rất nhiều vì họ có quá nhiều đau khổ. Hôm qua chúng ta được báo cáo là một thiếu niên trẻ 16 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết. Qua đó, ta thấy rằng không những người trẻ cần sự giúp đỡ của chúng ta, mà lực lượng cảnh sát cũng cần sự giúp đỡ. Vì vậy sự thực tập chánh niệm cần thiết cho tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ một ai.

                          Vấn đề là chúng ta không có đủ giáo thọ. Chúng ta phải đào sâu sự thực tập, phải cải tiến phương pháp giảng dạy để sự giảng dạy và tu tập của chúng ta là sự giảng dạy và thực tập chánh niệm thật sự (true mindfulness). Chúng ta phải đào tạo hàng trăm, hàng ngàn người có khả năng hướng dẫn thực tập chánh niệm ở khắp nơi trên thế giới.

                          Chúng ta biết rằng không cần phải là một Phật tử mới có thể tu tập chánh niệm. Điều quan trọng nhất là: chánh niệm phải là chánh niệm thật sự và điều này tùy thuộc vào sự học hỏi và tu tập của chúng ta. Như vậy chúng ta sẽ không còn lo là chánh niệm bị biến chất và không còn có khả năng giúp được cho mọi người.

                          Giáo lý về chánh niệm, nếu không được hiểu một cách thấu đáo, thì không thể nào giúp ích được cho mọi người. Có rất nhiều người đã coi chánh niệm như là một công cụ.

                          Nhiều truyền thống tâm linh từ phương Đông khi được du nhập vào xã hội Tây phương đã bị biến chất. Người Tây phương vốn quen với lối tư duy lưỡng nguyên (dualistic thinking) như: tạo hóa không phải là tạo vật, chủ thể không phải là đối tượng, vì vậy đã làm biến chất, làm thế tục hóa (secularise) những yếu tố tâm linh đến từ châu Á, kể cả Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo tới từ phương Đông, nhưng sự giảng dạy và sự thực tập Thiên chúa giáo ở Tây phương hiện nay hoàn toàn theo lối tư duy lưỡng nguyên. Người cầu nguyện và người được cầu nguyện là hai thực thể riêng biệt nằm ngoài nhau. Thượng đế ở ngoài ta và ta ở ngoài Thượng đế. Trong khi đó theo giáo lý nguyên thỉ thì Thượng đế ở trong ta và ta ở trong Thượng đế. Ta và Thượng đế tương tức. Điều này đang xảy ra cho sự thực tập chánh niệm trong xã hội Tây phương. Chánh niệm không còn là con đường hạnh phúc hay con đường chuyển hóa mà trở thành một công cụ phục vụ cho một mục đích nào đó, ví dụ như làm ra nhiều tiền hơn, đào tạo nhiều sát thủ hơn, v.v. Vì vậy, là một người giảng dạy về chánh niệm, chúng ta phải ý thức được điều này.

                          Tôi xin nhắc lại là: chánh niệm là một con đường mà không phải là công cụ để phục vụ cho mục tiêu của mình, chánh niệm không thể tách rời khỏi những yếu tố khác của Bát chánh đạo. Ta không thể tách chánh niệm ra khỏi chánh kiến. Có chánh niệm là có chánh kiến. Chánh kiến giúp chúng ta thay đổi những quan niệm lỗi thời của mình mà trước tiên là quan niệm về hạnh phúc.

                          Mùa đông vừa rồi có một phóng viên đến từ London đã phỏng vấn tôi về vấn đề giảng dạy chánh niệm cho các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Câu hỏi mà người phóng viên đó đặt ra là:

                          – Có nên đưa sự thực tập chánh niệm vào các tập đoàn quốc tế hay không? Người lãnh đạo kinh doanh nào cũng muốn trở thành số 1 trong lĩnh vực của mình, vì vậy nếu đưa chánh niệm vào các tập đoàn, có phải là chúng ta đang giúp cho họ thỏa mãn được tham vọng của họ và làm cho chánh niệm bị biến chất hay không?

                          Tôi đã trả lời ngắn gọn:

                          – Nếu là chánh niệm thật sự thì sẽ giúp cho những người đó có được chánh kiến và thấy được cái gì là hạnh phúc chân thật và cái gì không phải là hạnh phúc chân thật. Khi có cái thấy đúng đắn thì họ sẽ thay đổi động cơ ban đầu của mình, thay vì muốn trở thành số 1 họ sẽ muốn có được hạnh phúc thật sự.

                          Trong một buổi giảng tại Ngân hàng Thế giới (World Bank), tôi cũng đã nói rằng: “Quí vị phải lựa chọn một trong hai cái, trở thành số 1 hay là có được hạnh phúc”.

                          Khi ta giảng dạy và giúp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thực tập chánh niệm, họ sẽ có cơ hội nếm được hạnh phúc, tình thương và tự do chân thật. Từ đó họ sẽ thay đổi cách nhìn và động cơ ban đầu thúc đẩy họ thực tập chánh niệm cũng sẽ thay đổi theo.

                          Ở Rwanda năm 1994, hai sắc tộc Hutu và Tutsi đã tàn sát lẫn nhau và khoảng một triệu người đã chết trong cuộc xung đột ấy. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng có mặt ở Rwanda vào thời điểm đó. Vị chỉ huy của lực lượng gìn giữ hòa bình đã xin phép sử dụng một tiểu đoàn để can thiệp và ngăn cản các vụ tàn sát có thể xảy ra giữa người Hutu và người Tutsi. Nhưng yêu cầu của ông đã bị từ chối. Vị tướng này nghĩ rằng nếu khi đó ông được phép dùng một tiểu đoàn của lực lượng gìn giữ hòa bình để can thiệp thì ông đã có thể ngăn chặn được vụ thảm sát xảy ra và cứu được tính mạng của hơn một triệu người Rwanda.

                          Sau sự kiện này, vị tướng đó bị rơi vào tình trạng trầm cảm. Ông hối hận là đã không chủ động can thiệp dù không được sự cho phép của cấp trên. Nếu lúc đó ông cứ quyết tâm hành động thì ông đã có thể ngăn chặn được cuộc tàn sát, và nếu sau đó ông có bị bãi chức thì cũng không sao. Nhưng ông đã không hành động như vậy, nên bây giờ ông cảm thấy rất hối hận.

                          Điều gì sẽ xảy ra nếu vị chỉ huy đó sử dụng quân đội của mình để can thiệp vào cuộc tàn sát ở Rwanda? Có thể là một số người của lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ hy sinh nhưng họ có thể cứu được mạng sống của một triệu người. Vì vậy chúng ta không thể nói rằng sự có mặt của quân đội là không cần thiết. Điều quan trọng là quân đội cần có khả năng thực tập chánh nghiệp, tức là hành động chân chính.

                          Hôm qua có một câu hỏi rất hay về vấn đề phạm pháp, về án tử hình, v.v. Chúng ta đã nói: Tất cả mọi người đều cần sự giúp đỡ, kể cả Bụt. Những người phạm pháp cũng cần sự giúp đỡ. Trước khi phạm tội, họ đã không được sự giúp đỡ từ gia đình, thầy cô giáo và bạn bè. Nếu được giúp đỡ thì họ đã không phạm tội như vậy. Bây giờ họ đã phạm tội và họ cần sự giúp đỡ mà không cần sự trừng phạt.

                          Sở dĩ người thanh niên đó trở thành tội phạm là vì chúng ta đã không chăm sóc tốt cho anh ta. Bây giờ anh ta bị bắt giam trong tù, anh ta cũng cần sự giúp đỡ của chúng ta. Nếu người đó phá hoại và giết người thì việc cần làm là bắt người đó giam vào tù, đó là phận sự của cảnh sát. Điều quan trọng là ta làm việc với tình thương, ta phải bắt giam người đó để ngăn không cho người đó ngày càng lún sâu vào tội ác. Và thời gian ở trong tù là một cơ hội để người đó làm mới lại chính mình và trở thành một người tốt. Xã hội cần phải dành nguồn nhân lực và ngân sách cần thiết để đào tạo, giúp cho các phạm nhân học cách làm thế nào để xử lý khổ đau, giận hờn, sợ hãi, thèm khát, để có được những niềm vui lành mạnh và có cái thấy đúng đắn về hạnh phúc chân thật.

                          Vấn đề là hiện nay chúng ta không có những người làm công việc giảng dạy chánh niệm cho các tù nhân. Ban quản lý trại giam không biết những phương pháp thực tập và chính họ cũng có nhiều đau khổ. Họ không thể quản lý, chăm sóc những người tù với sự nhẹ nhàng và lòng từ bi. Cả tù nhân và người cai tù đều đau khổ.

                          Sự thực tập chánh niệm có khả năng giúp cho cả hai bên. Nhưng vấn đề là chúng ta không có đủ người để làm công việc giảng dạy chánh niệm cho tù nhân. Có những nơi, chúng ta cũng không được phép làm công việc này.

                          Tôi cho rằng thời gian giam giữ tù nhân nên được xác định dựa trên thời gian cần thiết để người đó được trị liệu và chuyển hóa, vì bắt giam một người không phải là một sự trừng phạt mà là một hành động thương yêu. Vì vậy, chúng ta phải cung cấp cho người đó những phương tiện, những phương pháp tu tập để họ có thể thức tỉnh và trở thành một người tốt, một người có hạnh phúc. Nếu người đó chuyển hóa nhanh, thể hiện được niềm vui, hạnh phúc và lòng từ bi thì ta có thể cho họ ra khỏi tù và tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng.

                          Ngày xưa ở Việt Nam, các chùa được phép tiếp nhận những người tù và chăm sóc cho họ. Người tù giúp những công việc đồng áng cho chùa. Họ thực tập Năm giới và sống dưới sự giám sát của các thầy. Các thầy có trách nhiệm chăm sóc cho họ. Nếu người đó có chuyển hóa tốt thì các thầy giúp cho họ xây dựng gia đình, có một mảnh đất để canh tác và xây dựng cuộc sống mới. Khi được các thầy công nhận là đã chuyển hóa tốt thì người tù đó sẽ được nhà cầm quyền cấp cho giấy phóng thích xác nhận là họ đã mãn hạn tù và trở thành một người tự do. Đó là việc ngày xưa chúng ta đã làm. Bây giờ chúng ta cũng có thể làm như vậy nhưng có hệ thống hơn.

                          Ta phải huấn luyện, đào tạo những người có khả năng hướng dẫn thực tập cho tù nhân để họ có thể thay đổi, chuyển hóa, sống hạnh phúc và trở thành một thành phần tốt của xã hội. Thời gian họ ở trong tù tùy thuộc vào sự tiến bộ trong thực tập của họ. Tôi nghĩ đây là vấn đề mà chúng ta cần nên quán chiếu.

                          Làng Mai năm qua

                          Làng Mai số 38 ra ngày 19/02/2015

                          Hôm nay, ngày 12/2/2015, tại Làng Mai bốn chúng đã tập hợp tại Thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân – xóm Thượng để làm lễ Tự tứ, kết thúc khóa An cư Kết Đông năm 2014-2015. Sau lễ Tự tứ, đại chúng được thăm và thưởng thức chợ hoa do các sư cô xóm Mới tổ chức. Buổi chiều, đại chúng quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng, bánh tét. Trong lúc đó thì Ban biên tập Lá Thư Làng Mai cũng đang nỗ lực để Lá Thư Làng Mai được ra đời đúng vào dịp Tết Ất Mùi, làm món quà tinh thần gởi đến tất cả mọi người trong dịp đón chào năm mới. Sau đây chúng tôi xin thuật lại sơ lược những gì xảy ra trong năm 2014:

                          Con đường vui – Khóa tu xuất sĩ (20 – 27/2/2014)

                          Khóa tu An cư kết đông 2013 – 2014 vừa kết thúc thì một tuần sau đó, tại xóm Thượng, Làng Mai đã diễn ra khóa tu xuất sĩ dành riêng cho chúng xuất gia với chủ đề “Con đường vui”. Hai trăm bốn mươi lăm xuất sĩ từ các chùa Pháp Vân, Sơn Hạ, Cam Lộ, Từ Nghiêm, Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) ở Đức và Thiền đường Hơi thở nhẹ ở Paris đã hội tụ về đây cùng đi trên Con Đường Vui, được tu học, làm việc, chơi trong tình thầy, tình đệ huynh thật ấm áp, tươi vui.

                          Điều đặc biệt của khóa tu xuất sĩ năm nay là chương trình đố vui để học. Những bàn tay khéo léo, những tấm lòng đã làm nên sân chơi Đường Về Làng lần 2, với những câu hỏi từ dễ đến khó, từ nội điển tới ngoại điển. Chương trình đã đem lại cho đại chúng những giờ phút thật vui, tràn đầy tiếng cười mà cũng hồi hộp không kém gì chương trình Đường lên đỉnh Olympia trên truyền hình. Đêm văn nghệ xuất sĩ với những tiết mục đặc sắc như Khúc Hải triều (The Sound of the Rising Tide) do thầy Pháp Linh sáng tác, điệu múa Hoa Ưu Đàm,… đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng mọi người. Sư Ông cũng có mặt cho các sư con trong buổi văn nghệ hôm ấy và xem đến 10h mới về.

                          Đại học Hồng Kông vinh danh Thầy

                          Sáng ngày 13/03/2014, tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng Làng Mai, Giáo sư Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng (Vice Chancellor and President) trường Đại Học Hồng Kông đã trao bằng Tiến sĩ Danh Dự trong lĩnh vực khoa học xã hội cho Thầy để vinh danh những đóng góp của Thầy cho nền hòa bình thế giới.

                          Đại học Hồng Kông đã gửi thư mời Thầy sang Hồng Kông để nhận bằng Tiến sĩ Danh dự nhân Đại hội lần thứ 190 của trường (được tổ chức vào ngày 18/03/2014). Tuy nhiên, do thời gian này ở Làng Mai đang có khóa tu mùa xuân nên Thầy không sang được. Vì vậy đoàn đại biểu của Trường (gồm 7 người) đã bay từ Hồng Kông sang để trao tặng Thầy tấm bằng danh dự này.

                          Nhân dịp này, Thầy và Giáo sư Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng trường Đại Học Hồng Kông đã có buổi đối thoại về chủ đề  “Tuổi trẻ ngày nay”. Thầy đã có lời chia sẻ với các bạn trẻ nói chung và các sinh viên của Đại Học Hồng Kông nói riêng: “Điều mà tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là: nếu các bạn có một giấc mơ lớn và muốn cho giấc mơ đó thành tựu thì các bạn cần có một tăng thân. Điều thứ hai tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là: hãy mở rộng tình thương của mình để ôm trọn cả hành tinh này, không nên giới hạn tình thương của mình chỉ với đất nước và dân tộc mình mà thôi. Chính tôi đã nhận ra rằng quê hương tôi là cả hành tinh này, cả trái đất này. Tôi không giới hạn tình thương của mình trong một dải đất ở châu Á có tên là Việt Nam mà thôi. Tôi đã được chuyển hóa và trị liệu rất nhiều nhờ vào cái thấy này. Có thể tình thương trong bạn còn quá nhỏ bé, bạn cần làm cho tình thương đó lớn rộng ra để bao trùm cả trái đất này. Đó là tình thương của một vị Bụt, tình thương của những bậc đại nhân như Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Mẹ Teresa, v.v.”.

                          Khóa tu mùa Xuân

                          Mùa xuân năm nay Thầy được ở nhà, không phải đi dạy ở đâu cả. Một mùa xuân mà thầy trò được ở chung và thực tập với nhau thì còn hạnh phúc nào bằng. Những buổi thiền hành giữa rừng hoa mai nở trắng xóa thật mầu nhiệm không thể nói. Đất trời như mở hội và lòng người cũng thế.

                          Cũng trong không khí mùa xuân, hơn 500 thiền sinh đã về Làng tham dự khóa tu dành cho người nói tiếng Pháp (4 – 11/04/2014). Những khóa tu dạy bằng tiếng Pháp rất hiếm ở châu Âu, nên thiền sinh nói tiếng Pháp về tham dự khóa tu này mỗi năm mỗi đông thêm. Thầy đã cho hai bài pháp thoại và một buổi vấn đáp. Thiền sinh rất hạnh phúc với những buổi thiền hành cùng Thầy và đại chúng, đặc biệt còn có những buổi ăn trưa picnic trên đồi mận, được nghe quý thầy, quý sư cô đàn violin, thổi sáo, thật là những giây phút nhiệm mầu!

                          Hoằng pháp tại Tây Ban Nha (25/04 – 12/05)

                          Ngày 25/04/2014, Thầy cùng một phái đoàn gồm hơn 50 xuất sĩ đã lên đường đi Tây Ban Nha để hoằng hóa. Thầy đã từng qua Tây Ban Nha giảng dạy vào thập niên 70. Trước đó tăng đoàn Làng Mai chưa thành lập, mỗi lần Thầy đi qua Tây Ban Nha giảng dạy chỉ có một thị giả đi cùng. Nhưng lần này lại khác, Thầy dẫn cả một tăng đoàn gồm hơn 50 xuất sĩ với nhiều quốc tịch khác nhau, đặc biệt là có sư chú Trời Hy Mã, người Tây Ban Nha cũng được theo Thầy và Tăng thân để hoằng pháp trên chính quê hương yêu dấu của mình. Sư chú vô cùng hạnh phúc! Ban thị giả kỳ này cũng khá đông, gồm có các thầy Pháp Lâm, Pháp Nguyện, các sư cô Chân Không, Phùng Nghiêm, Tráng Nghiêm, Băng Nghiêm, Đạm Nghiêm và Bình Nghiêm.

                          Ngày Thầy và Tăng đoàn đến Madrid, mỗi người trong tăng thân đều chuẩn bị thêm trên bàn ăn chiều của gia đình một phần ăn tượng trưng dành cho một người xuất sĩ để bày tỏ sự trân quý và lòng tôn kính của họ đối với sự có mặt của Thầy và Tăng đoàn tại đất nước này. Điều này đã làm phái đoàn rất cảm động.

                          Đi bộ cho hòa bình (Peace Walk)
                          Chuyến hoằng pháp tại Tây Ban Nha với chủ đề Nghệ thuật sống tỉnh thức (“El Arte de Vivir Despiertos”) được mở đầu bằng sự kiện Đi bộ cho Hòa bình (Peace Walk) tại quảng trường lớn trước cung điện hoàng gia Palacio Reál vào buổi chiều ngày 27/04. Trước khi bắt đầu buổi Đi bộ cho Hòa bình, sư cô Chân Không đã hướng dẫn khoảng 1500 người tham dự cùng ngồi yên, trở về theo dõi hơi thở và làm lắng dịu thân tâm.

                          Quảng trường rất lớn và có rất nhiều nhóm người khác nhau. Có nhóm chơi nhạc, nhóm du khách, nhóm người trẻ tụ tập cuối tuần v.v. Có thể nói rất nhiều loại âm thanh xen lẫn nhau nơi quảng trường này. Vậy mà hôm ấy có một loại âm thanh làm cho không biết bao người phải ngạc nhiên, đó là âm thanh của sự im lặng (the sound of no sound). Sự tĩnh lặng của một tập thể hùng tráng đã có công năng đem mọi người đến với nhau mà không cần một lời mời gọi.

                          Sau 30 phút ngồi thiền, thầy Pháp Lưu chia sẻ về pháp môn thiền hành. Do loa âm thanh khá nhỏ trong khi quảng trường thì lại quá lớn nên đại chúng đã áp dụng phương pháp “truyền tin” (human microphone), một người nói muôn người lặp lại. Đứng giữa một quảng trường lớn như vậy mà cả ngàn người đều “dị khẩu đồng thanh” thì không chỉ những người đó được nghe mà những người khác cũng được ảnh hưởng.

                          Để đảm bảo an ninh cho buổi thiền hành giữa lòng thủ đô Madrid, một lực lượng cảnh sát giao thông hùng hậu được cử đến và tháp tùng đoàn thiền hành trong suốt quảng đường đến Templo de Debod – một ngôi đền cổ do chính quyền Ai Cập đã tặng cho người dân Tây Ban Nha năm 1968. Có thể đây là lần đầu tiên người dân nơi thủ đô Madrid được chứng kiến một hiện tượng lạ như thế. Trước đó, trên đại lộ nơi đoàn thiền hành đi qua thường tấp nập người và phương tiện đi lại, vậy mà hôm nay đột nhiên cả đại lộ đều chậm lại. Khi những người đi bộ bên đường được biết là tăng thân đang đi thiền hành cho hòa bình thì rất nhiều người cũng đi theo.

                          Khi đến Templo de Debod, đoàn thiền hành dừng lại và ngồi yên bên nhau trên ngọn đồi cao, nhìn xuống thành phố Madrid rất đẹp. Buổi thiền tọa chấm dứt bằng 10 động tác chánh niệm và những người tham dự được mời thực tập thiền ôm với người thương của mình đang ở bên cạnh. Thiền ôm là nhìn thật sâu đối tượng mình sắp ôm như cha, mẹ, anh, em hay chồng, vợ, con, cháu để trân quý sự hiện hữu của họ trong đời mình rồi mới giang tay ra ôm người kia và thở thật sâu, đầy năng lượng tôn trọng và thương quý. Sau đó mọi người cùng nhau hát bài ‘Mira la felicidad’ (Ta hạnh phúc liền giây phút này).

                          Pháp thoại công cộng tại nhà hát lớn Teatro Lope De Vega
                          Sau hoạt động Đi bộ cho Hòa bình, trong buổi tối cùng ngày đã diễn ra buổi pháp thoại công cộng tại Nhà hát lớn Teatro Lope De Vega ngay trung tâm thành phố. Sức chứa của nhà hát này là 1800 người. Khi công bố bán vé trên mạng, chỉ trong một ngày số vé đã bán hết. Rất nhiều người muốn đi nhưng không còn chỗ.

                          Hôm đó, Thầy dạy về nghệ thuật chế tác bình an bằng hơi thở ý thức và làm chủ cảm xúc buồn, vui, giận, ghét của mình. Sau cùng Thầy cho mọi người có cơ hội đặt câu hỏi. Người đầu tiên đặt câu hỏi: “Những gì học được sáng nay rất có giá trị và quan trọng cho con trong đời sống hàng ngày. Nhưng con không biết những thực tập này có tác dụng như thế nào trong hoàn cảnh có chiến tranh và xung đột?” Thầy đã trả lời rằng mình không cần phải đợi có chiến tranh rồi mới thực tập. Nếu biết cách thực tập trong thời gian hòa bình thì đã ngăn chặn được chiến tranh xảy ra rồi. Chiến tranh xảy ra là do hằng ngày mình không biết thực tập. Thầy nói rằng Thầy đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và rất khó để thực tập trong hoàn cảnh đó. Vì vậy trong thời gian hòa bình, chúng ta nên thực tập chánh niệm để nhận biết rằng hòa bình đang có mặt. Hòa bình và chiến tranh tương tức với nhau. Nếu mình biết trân quý hòa bình thì mình sẽ không để cho chiến tranh xảy ra.

                          Khóa tu gia đình (từ ngày 30/04 – 04/05/2014)

                          Ngày 30/04/2014, vào lúc 3 giờ chiều, thiền sinh từ khắp các thành phố của Tây Ban Nha bắt đầu về đến Khu du lịch El Escorial (El Escorial Resort Park) để tham dự khóa tu năm ngày với chủ đề Nghệ thuật sống tỉnh thức. Khu du lịch El Escorial tọa lạc trên dãy núi Guadarrama, hướng Tây Bắc của thành phố Madrid, cách thành phố Madrid khoảng một giờ lái xe. Số thiền sinh tham dự khóa tu này có đến 800 người, trong đó có 60 người trẻ và 35 trẻ em. Phần lớn thiền sinh được ngủ trong bungalow (nhà gỗ một tầng), số còn lại thì ở lều trong khuôn viên của Khu du lịch. Nơi đây khá khang trang và mát mẻ. Các thầy và các sư cô cũng được ở trong những bungalow và cắm lều trong khu vực dành riêng cho giới xuất sĩ. Sư Ông cùng các thị giả thì ở trong một ngôi nhà yên tịnh gần đó.

                          Chuyến hoằng pháp năm nay tại Tây Ban Nha được tổ chức bởi tăng thân cư sĩ địa phương với sự hướng dẫn của thầy Pháp Lưu (người Mỹ) và thầy Pháp Liệu (người Pháp gốc Việt). Cả hai đều nói được tiếng Tây Ban Nha rất thông thạo. Vì đây là lần đầu tiên tổ chức một khóa tu lớn do Thầy và tăng thân hướng dẫn tại đất nước Tây Ban Nha nên Ban tổ chức không nghĩ là số người tham dự sẽ đông như những khóa tu mà Thầy và Tăng thân đã tổ chức ở những nơi khác (thường những khóa tu đó đều có hơn 1000 người tham dự). Họ nghĩ rằng chắc ít người Tây Ban Nha biết đến Thầy. Vì vậy Ban tổ chức chỉ tìm một địa điểm cho số lượng 600 người tham dự mà thôi. Nhưng một điều rất bất ngờ là khi đưa tin lên mạng để cho thiền sinh đăng ký thì chỉ trong 24 giờ, số người ghi danh đã đầy và kết quả lại có hơn 600 người khác nằm trong danh sách chờ đợi. Thật là một điều đáng tiếc cho những thiền sinh không được tham dự.

                          Thầy và Tăng đoàn đến Barcelona
                          Sau hơn mười ngày ở Madrid, Thầy và tăng đoàn đã có mặt tại Barcelona ngày 06/05, ngày 08/05 có pháp thoại công cộng tại trung tâm hội nghị Museu De Ciències Naturals. Đầu tiên Ban tổ chức dự định tổ chức buổi pháp thoại công cộng tại nhà thờ Santa Maria del Mar cổ kính tọa lạc tại trung tâm thành phố, nhưng vì sức chứa chỉ hơn 1000 người nên cuối cùng đã chuyển sang trung tâm hội nghị Museu De Ciències Naturals. Trung tâm này rất hiện đại, sức chứa lên đến 3200 người. Vé cũng được bán trên mạng và hết rất sớm, còn nhiều người muốn tham dự nhưng không được.

                          Từ ngày 9 – 16/05 là khóa tu dành cho các nhà giáo dục với chủ đề: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới”. Khóa tu này được tổ chức tại trường đại học Barcelona (University of Barcelona). Trong bài pháp thoại ngày 10/05, Thầy đã chia sẻ về sự thực tập thành công của giáo sư Henri Nguyễn Văn Kỷ Cương, người đã đem sự thực tập chánh niệm vào trong lớp học. Ngoài ra Thầy còn dạy về bốn yếu tố của một tình yêu chân thật là từ, bi, hỷ, xả và bốn loại thực phẩm: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Thiền sinh đã có rất nhiều hứng khởi khi đem các phương pháp được học ứng dụng ngay trong khóa tu. Thầy giảng thêm hai bài then chốt và các vị giáo thọ tiếp tục giảng luôn đến ngày cuối cùng của khóa tu.

                          Buổi ngồi thiền tập thể cho hòa bình (Flashmob 11/05)
                          Vào chiều Chủ nhật, ngày 11/05, Thầy và Tăng đoàn đã hướng dẫn buổi ngồi thiền tập thể (Flashmob) cho hòa bình tại Khải Hoàn Môn Arco De Triunfo, ngay trung tâm thành phố Barcelona. Buổi ngồi thiền công cộng này là sự kiện cuối của chuyến đi hoằng hóa Tây Ban Nha năm nay. Đây cũng là dịp để người dân Tây Ban Nha đúc kết, chiêm nghiệm và cũng để khắc sâu những lời dạy quý báu mà Thầy trao truyền trong suốt chuyến đi. Có khoảng 5000 người đã tham dự sự kiện này.

                          Lúc18 giờ 45 phút, Thầy và tăng đoàn đã ngồi tĩnh tọa trên lễ đài. Hàng ngàn người cũng ngồi yên lặng như thế trong vòng 20 phút tạo nên một năng lượng rất hùng tráng. Vì địa điểm của buổi Flashmob nằm ngay ở trung tâm thương mại nên có rất nhiều tiếng ồn bởi xe và người đi lại. Tiếng chuông trầm hùng cùng lời khai thị thiền hướng dẫn của Thầy như một sức mạnh giúp mọi người dừng lại mà không chạy theo cuộc sống ồn ào, huyên náo bên ngoài.
                          Mặc dù hôm đó gió nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng Thầy vẫn có mặt đó cho mọi người bằng sự vững chãi của một bậc đạo sư. Thầy đã từ bi chia sẻ về sự mầu nhiệm của sự thực tập lắng nghe danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm và tặng thính chúng một bài pháp thoại sau khi Tăng đoàn niệm danh hiệu Bồ tát. Pháp thoại nhắn nhủ mọi người tinh cần thực tập chánh niệm, chuyển hóa khổ đau, tái lập truyền thông trong gia đình và với mọi người xung quanh. Pháp thoại kết thúc trong sự biết ơn và lòng hoan hỷ của hàng ngàn người tham dự. Sau khi Thầy rời khỏi khán đài, sư cô Chân Không đã hát tặng và động viên mọi người nên hòa giải với người thương của mình ngay tối hôm đó. Có rất nhiều người, nhiều gia đình đã thiền ôm với nhau ngay sau đó. Đứng trên khán đài nhìn xuống thấy hàng ngàn người thực tập như vậy thật cảm động.

                          Sáng ngày12/05, Thầy và tăng đoàn tạm biệt thành phố Barcelona với trái tim ấm áp và tràn đầy niềm vui. Dường như tất cả quý thầy, quý sư cô cũng như các bạn thiền sinh Tây Ban Nha đều trải nghiệm được sự chuyển hóa, trị liệu và niềm vui khi được thực tập cùng nhau như một tăng thân. Một bạn thiền sinh chia sẻ rằng: “Chuyến hoằng pháp lần này của Thầy và Tăng thân Làng Mai chưa kết thúc, đây chỉ mới là sự mở đầu cho mối nhân duyên gắn bó giữa Làng Mai và người dân Tây Ban Nha”.

                          Đại Giới Đàn Cam Lộ Vị (23/05 – 29/05)

                          Mọi năm Đại giới đàn ở Làng thường được tổ chức sau khóa an cư kết đông. Nhưng năm nay, Thầy muốn Chư Tôn Đức sang Làng Mai khi trời bớt lạnh, được thưởng thức mùa xuân ở Làng với hoa Mộc Lan nở hồng cây, với rừng hoa thủy tiên vàng rực, với hoa mai hồng, mai trắng nở rộ trong hội Hoa Mai, đồng thời tạo điều kiện cho những vị muốn tham dự khóa tu 21 ngày vào tháng 6 nên Đại giới đàn được chuyển sang tháng 5 (từ ngày 23/05 đến ngày 28/05/2014).

                          Đại giới đàn Cam Lộ Vị đã cung thỉnh được Chư Tôn Đức: Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh, Hòa thượng Minh Nghĩa, Ni Sư Như Minh… vào Hội đồng truyền giới.

                          Đại giới đàn đã truyền các giới cận sự (Năm Giới), giới Tiếp Hiện, giới Khất sĩ và Khất sĩ nữ. Có tất cả 35 vị được thọ giới Khất sĩ, 49 vị thọ giới Khất sĩ nữ, 43 vị thọ giới Tiếp Hiện và 100 vị được thọ Năm giới. Ngoài ra, còn có 63 vị tập sự giáo thọ (28 xuất sĩ và 35 cư sĩ) được truyền đăng trong Đại giới đàn này. Năm nay các thầy, các sư cô trong gia đình xuất gia Hướng Dương và Hồng Dòn trở thành những giáo thọ trẻ nhất trong Làng.

                          Dưới đây là danh sách các vị tân giáo thọ, xuất sĩ và cư sĩ, được truyền đăng trong Đại giới đàn Cam Lộ Vị cùng với bài kệ truyền đăng mà các vị ấy đã tiếp nhận:

                          Thầy Chân Pháp Thuyên
                          ( Huỳnh Hữu Thanh)
                          Chánh pháp trao truyền đẹp ước mơ
                          Hải triều thuyên giải ý chân thừa
                          Tiếp thu hữu đắc thành vô đắc
                          Cam lộ trần gian thỏa nguyện xưa.

                          Thầy Chân Pháp Ngưỡng
                          (Nguyễn Cửu Tuấn)
                          Pháp mầu vừa được tuyên dương
                          Đem tâm kính ngưỡng, lên đường xuất gia
                          Đâu đâu cũng thấy là nhà
                          Ăn cơm Thiện thệ, ngồi tòa Như Lai.

                          Thầy Chân Pháp Tri
                          (Hoàng Văn Hào)
                          Pháp lữ trên đường phục vụ
                          Là người tri kỷ cùng nhau
                          Một khúc tâm ca vừa tấu
                          Khắp nơi như ý sở cầu.

                          Sư cô Chân Sách Nghiêm
                          (Huỳnh Thị Xuân Mai)
                          Đây một mùa xuân sách tấn
                          Diệu nghiêm trời đất tinh khôi
                          Thao thao chảy dòng ước nguyện
                          Hoa mai nở trắng lưng đồi.

                          Sư cô Chân Khán Nghiêm
                          (Nguyễn Thị Nhàn)
                          Trên sóng ngồi yên khán thoại đầu
                          Thanh nhàn nghiêm tịnh suốt đêm thâu
                          Thấy trong nỗi khổ niềm an lạc
                          Sen nở trần gian cảnh nhiệm mầu.

                          Sư cô Chân Băng Nghiêm
                          (Lê Thị Thắm)
                          Gia phong băng tuyết giữ gìn
                          Trang nghiêm giới hạnh, nhân thiên ngợi tài
                          Đạo tràng này chốn Thiên Thai
                          Cùng tăng thân bước, độ người trầm luân.

                          Sư cô Chân Ích Nghiêm
                          (Hồ Thị Cẩm Hằng)
                          Chí cầu lợi ích quần sinh
                          Trang nghiêm giới định, tâm hình sáng trong
                          Một mai thế giới đại đồng
                          Đường xưa mây trắng thong dong cùng về.

                          Sư cô Chân Phương Nghiêm
                          (Cao Thị Mỹ Hà )
                          Phương bối quê xưa còn đó
                          Diệu nghiêm bếp lửa cháy hồng
                          Ấm áp trần gian muôn lối
                          Hướng nào cũng gặp tri âm.

                          Sư cô Chân Quảng Nghiêm
                          (Nguyễn Thị Diễm Hằng)
                          Pháp Bụt thần thông quảng đại
                          Cứu đời nghiêm sắc hiện thân
                          Dòng biếc Tào Khê tuôn mãi
                          Nhân gian sạch hết cát lầm.

                          Sư cô Chân Cảnh Nghiêm
                          (Nguyễn Ngọc Hồng Lệ Giang)
                          Chân tâm biểu lộ nên chân cảnh
                          Tịnh độ trình bày cõi diệu nghiêm
                          Tráng lệ nến hồng vừa thắp sáng
                          Triều âm pháp lực đã trao truyền.

                          Thầy Chân Pháp Năng
                          (Phạm Đình Trung)
                          Giáo pháp gieo đầy trên đất tâm
                          Hạt lành năng biến lại năng huân
                          Trung kiên một tấm lòng con thảo
                          Cùng với tăng thân kết giải đồng.

                          Sư cô Chân Khoan Nghiêm
                          (Nguyễn Thị Cẩm Vân)
                          Đất tịnh đi từng bước khoan thai
                          Trang nghiêm hiện pháp tọa liên đài
                          Cẩm tú giang sơn còn mãi đó
                          Đường về mở lối đẹp tương lai.
                          Sư cô Chân Thể Nghiêm
                          (Trương Thị Mỹ Hòa )
                          Giới thể tạo thành nét đẹp
                          Làm cho cõi nước trang nghiêm
                          Đường về nở hoa chân thiện
                          Hóa duyên trọn vẹn ước nguyền.

                          Sư cô Chân Ước Nghiêm
                          (Lê Thị Ngọc Vân )
                          Ước nguyện năm xưa quyết đạt thành
                          Nghiêm trì tịnh giới chứng vô sinh
                          Ngọa vân ghi dấu người Yên tử
                          Suối ngọc còn reo giấc mộng lành.

                          Sư cô Chân Tuyết Nghiêm
                          (Nguyễn Thị Thiên Trang )
                          Giới thân thanh tịnh dường băng tuyết
                          Nghiêm hộ uy nghi đạo nghiệp thành
                          Gươm báu trao rồi tay hảo hán
                          Vào đời cứu độ vạn sinh linh.

                          Sư cô Chân Duyên Nghiêm
                          (Lê Phi Kiều Ái Liên )
                          Nhân duyên quán chiếu pháp trang nghiêm
                          Sen nở hồ tâm được chánh truyền
                          Kiều diễm mùa xuân vô tận ý
                          Nguyện lòng một hướng đạt chân nguyên.

                          Sư cô Chân Lĩnh Nghiêm
                          (Hứa Thu Nguyên )
                          Nhìn về Thứu lĩnh cảnh trang nghiêm
                          Thông suốt thiền cơ vẹn ước nguyền
                          Tuổi xuân thao thức bao hoài bão
                          Này ánh trăng xưa dọi trước thềm.

                          Thầy Chân Pháp Cứu
                          (Đỗ Vĩnh Phúc )
                          Niệm lực nghiêm trì giới pháp
                          Định tâm tham cứu thiền cơ
                          Một tay tháo tung rào cản
                          Dựng lên đạo lớn chân thừa.

                          Sư cô Chân Cẩn Nghiêm
                          (Nguyễn Thị Bích)
                          Mỗi bước chân đi cẩn trọng
                          Tạo thành Tịnh độ trang nghiêm
                          Trái tim sáng ngời định lực
                          Trước sau trọn vẹn ước nguyền.
                          Sư cô Chân Đáo Nghiêm
                          (Trương Thị Ngọc Minh )
                          Âm Hán Việt:
                          Bộ bộ, đáo bỉ ngạn
                          Xứ xứ đắc hoa nghiêm
                          Hiện pháp thường an trú
                          Thử pháp thị chân thiền.
                          Nghĩa:
                          Mỗi bước đáo bỉ ngạn
                          Cõi nào cũng hoa nghiêm
                          Hằng an trú hiện pháp
                          Đây mới thật chân thiền.

                          Thầy Chân Pháp Giao
                          (Nguyễn Duy Tân)
                          Pháp môn ứng dụng tuyệt vời
                          Thiền âm giao hưởng khung trời duy tân
                          Chuyến đi gặp một mùa xuân
                          Chuyến về kết nối cội nguồn thanh lương.

                          Sư cô Chân Thiền Nghiêm
                          (Nguyễn Thị Hoa)
                          Đóa hoa thiền uyển nở đoan nghiêm
                          Hương sắc xua tan mọi não phiền
                          Đại địa trình bày muôn cảnh giới
                          Theo đường phạm hạnh sống an nhiên.

                          Sư cô Chân Lịch Nghiêm
                          (Nguyễn Ngọc Thúy)
                          Hơi thở khơi dòng lịch sử
                          Bước chân tạo cõi trang nghiêm
                          Ngọc sáng vốn không tỳ vết
                          Chân tâm soi sáng đại thiên.

                          Sư cô Chân Cẩm Nghiêm
                          (Đinh Thị Hồng Hà)
                          Non sông cẩm tú còn đây
                          Pháp môn thực tập tháng ngày tinh nghiêm
                          Trước sau trọn vẹn lời nguyền
                          Về nơi bỉ ngạn ngồi trên pháp tòa.

                          Sư cô Chân Hy Nghiêm
                          (Hoàng Thị Thu Hồng)
                          Xuất gia học đạo trời hy hữu
                          Giới luật tinh nghiêm sống đẹp lành
                          Gom cả mùa xuân làm Tịnh độ
                          Gia phong mây trắng gọi trời xanh.

                          Sư cô Chân Lộc Nghiêm
                          (Trần Thị Thu Trang)
                          Tìm về Lộc uyển chốn thần tiên
                          Tâm hướng siêu trần cõi diệu nghiêm
                          Ngồi trên bảo thạch sen ngàn cánh
                          Bước chân tiếp xúc ấn chân truyền.

                          Thầy Chân Pháp Nhàn
                          (Nguyễn Văn Vinh)
                          Giới thân nghiêm tịnh pháp thân nhàn
                          Mùa xuân đạo lý đẹp thênh thang
                          Đạt tới vô sinh nhờ địa xúc
                          Tăng đoàn vững mạnh tỏa hào quang.

                          Sư cô Lâm Huyền Hậu
                          (Nguyễn Thị Ánh Tuyết)
                          Giáo pháp truyền trao huyền nhiệm
                          Công phu thâm hậu mỗi ngày
                          Sắc không hai đường vượt thắng
                          Đường xưa mây trắng vẫn bay.

                          Chân Mật Lâm
                          (Lennis Lyon)
                          Thâm mật một kho giáo nghĩa
                          Trao truyền tự chốn thiền lâm
                          Tĩnh lặng trái tim mầu nhiệm
                          Phút giây tiếp thọ ân cần.

                          Chân Tịnh Sinh
                          (Michelle Pillot)
                          Mỗi bước đi vào Tịnh độ
                          Góp vào sự nghiệp độ sinh
                          Lắng nghe niềm đau nỗi khổ
                          Đưa người tới cõi an lành.

                          Chân Bảo Trì
                          (Jean Claude Blootaker)
                          Châu ngọc không gì bằng Tam bảo
                          Công phu nhật dụng khéo duy trì
                          Mùa xuân đạo lý ngời an lạc
                          Đất trời hợp tấu khúc từ bi.

                          Chân Thường Hỷ
                          (Tôn Nữ Diệu Liên)
                          Chánh niệm thường xuyên tu tập
                          Là nguồn hỷ lạc thân tâm
                          Đóa sen nhiệm mầu tinh khiết
                          Phát huy diệu dụng siêu trần.
                          Chân Giác Điền
                          (Nguyễn Hoàng Hùng)
                          Đuốc sáng soi về giác ngạn
                          Gia phong còn lại phước điền
                          Quán chiếu đây nguồn niệm lực
                          Trên tay đèn tuệ quang minh.

                          Chân Giác Sơn
                          (Nguyễn Minh Chánh)
                          Nguồn tâm xuôi về giác ngạn
                          Chân tình gửi lại Thứu sơn
                          Bên tai vẳng lời nguyện cũ
                          Vững chân từng bước an tường.

                          Chân Cam Lộ
                          (Nguyễn Kim Lê Việt)
                          Tào khê một giọt chân cam lộ
                          Sống dậy niềm tin cả vạn đời
                          Cứu hộ trần gian thường ứng hiện
                          Tâm lành cảm ứng đẹp muôn nơi.

                          Chân Phước Quả
                          (Trần Dung Hạnh)
                          Phước đức gieo trồng tự kiếp xưa
                          Bao nhiêu quả báu thấy bây giờ
                          Đường tu một hướng, tâm bền vững
                          Tiếp nối duyên lành đẹp nét thơ.

                          Chân An Tĩnh
                          (Bùi Hữu Tường)
                          Thiền lực chuyên vào một điểm an
                          Trăng soi biển tĩnh đẹp huy hoàng
                          Trời khuya thắp sáng ngời muôn nến
                          Gió mát trăng hiền đẹp thế gian.

                          Chân Giác Lưu
                          (Bùi Thị Kiều Trang)
                          Tuyển chọn đó đây vườn giác uyển
                          Kết thành liên đóa thật xinh tươi
                          Lưu truyền hậu thế ngàn muôn thuở
                          Vốn liếng tâm linh đẹp đất trời.

                          Chân Nguyệt Đăng
                          (Nguyễn Lê Diễm Trang)
                          Mở lòng, tâm lượng bao dung
                          Sông in bóng nguyệt tuệ đăng rạng ngời
                          Tìm về xứ sở thảnh thơi
                          Đi theo tăng bảo, cuộc đời vững an.
                          Chân Đại Trí
                          (Thomas Barth)
                          Quán chiếu tánh không chân đại trí
                          Trần gian lưu lộ biển từ bi
                          Công phu nuôi dưỡng nguồn tư niệm
                          Độ sinh sự nghiệp nguyện duy trì.

                          Chân Linh Từ
                          (Jean-Pierre Roussel)
                          Nhìn lên núi Thứu, đỉnh linh từ
                          Thanh thoát tâm hồn dậy ý thơ
                          Tục lụy trần gian buông bỏ hết
                          Phút giây nào cũng đẹp như mơ.

                          Chân Nguyệt Sắc
                          (Peggy Smith)
                          Trời khuya ánh nguyệt sáng ngời
                          Long lanh không sắc, tuyệt vời khúc ca
                          Bước chân đưa tới quê nhà
                          Lắng nghe ngôn thuyết rụng sa bao lần.

                          Chân Mật Hạnh
                          (Alexa Singer-Telles)
                          Siêu việt lưỡng nguyên chân mật ý
                          Hành vô hành hạnh phước không cùng
                          Tháng năm nuôi dưỡng tình huynh đệ
                          Công phu làm vững mạnh tăng thân.

                          Chân Bản Địa
                          (Terry Helbick-White)
                          Bản địa vốn là chân thật địa
                          Tình thương chân thật chẳng biên cương
                          Niệm lực dưỡng nuôi đường bát chính
                          Quán vô thường thấy được chân thường.

                          Chân Viên Hỷ
                          (Martine Serrano)
                          Thâm tín đạo mầu viên giác
                          Chế nên hỷ lạc từ bi
                          Ân nghĩa đôi đường trọn vẹn
                          Tiếp thu sự sống diệu kỳ.

                          Chân Đạo Xả
                          (Diana Daoud)
                          Trái tim tầm đạo năm xưa ấy
                          Mang đầy hỷ xả với từ bi
                          Hơi thở bước chân mang hạnh phúc
                          Công phu nhật dụng khéo duy trì.
                          Chân Đạo Từ
                          (Joelle Grosjean)
                          Bát chánh con đường thánh đạo
                          Dưỡng nuôi trí tuệ từ bi
                          Quán chiếu tuôn dòng suối ngọt
                          Công phu sớm tối hành trì.

                          Chân Minh Lộ
                          (Đặng Văn Thành)
                          Phương Đông bừng ánh quang minh
                          Lên đường sẵn có lộ trình tin yêu
                          Tình huynh nghĩa đệ còn nhiều
                          Cùng theo chí nguyện cao siêu một dòng.

                          Chân Đạo Lữ
                          (Andre Velino)
                          Chánh pháp dựng xây tình đạo lữ
                          Tăng thân hòa hợp đất trời vui
                          Ngoài kia chìm đắm bao nhiêu kẻ
                          Biển khổ thuyền dong cứu độ người.

                          Chân Anh Chân
                          (Laureen Osborne)
                          Tăng thân hòa hợp nẩy anh tài
                          Bao đóa chân tình đã mãn khai
                          Mỗi bước chân đi thành Tịnh độ
                          Đất trời trình diễn hội Hoa Mai.

                          Chân Diệu Học
                          (Mihaela Andronic)
                          Diệu pháp trao truyền sáng tỏ
                          Ba học phòng hộ sáu căn
                          Trái tim ứa đầy cam lộ
                          Hạt gieo hạnh phúc xa gần.

                          Chân An Lực
                          (Chantal Jacques)
                          An trú ngay trong hiện pháp
                          Ngày đêm niệm lực duy trì
                          Thân với tâm thường hợp nhất
                          Bình an mỗi bước chân đi.

                          Chân Viên Tụ
                          (Letizia Di Fonzo)
                          Giới đàn gặp hội đoàn viên
                          Đất trời quy tụ thánh hiền bốn phương
                          Bước chân hơi thở an tường
                          Đắp xây truyền thống, mở đường tương lai.
                          Chân Linh Tụ
                          (Giuseppe Gambadella)
                          Về đây linh khí chốn thiêng liêng
                          Tụ lại non sông đẹp một miền
                          Cùng bao thiện hữu ngời tri thức
                          Phúc tuệ song hành đủ phước duyên.

                          Chân Bồ Đề
                          (Nguyễn Văn Minh)
                          Chân tâm gốc rễ vẫn tài bồi
                          Bóng mát bồ đề rợp khắp nơi
                          Then cửa nhiệm mầu tay nắm giữ
                          Nhìn trong hiện pháp thấy tương lai.

                          Chân Trì Hỷ
                          (Matt Sherman)
                          Công phu chánh niệm tu trì
                          Khơi nguồn hỷ lạc từ bi cho đời
                          Bắc cầu hòa giải nơi nơi
                          Giong thuyền cứu độ bao người trầm luân.

                          Chân An Đức
                          (Tô Xuân Kỷ)
                          Bước chân hơi thở bình an
                          Vun trồng bốn đức, không màng lợi danh
                          Lắng nghe, nói những lời lành
                          Gieo mầm hỷ lạc, viên thành nguyện xưa.

                          Chân Đại Hiếu
                          (Anton Bank)
                          Thế giới vươn lên hướng đại Đồng
                          Trên đường hiếu Thuận bước thong dong
                          Trái tim Bồ tát hằng nuôi dưỡng
                          Hóa độ nhân gian thỏa nguyện lòng.

                          Chân Minh Kính
                          (Nguyễn Thị Hải)
                          Chọn được tình thâm trả nghĩa thâm
                          Minh kính đài gương chẳng nhiễm trần 
                          Nghe hải triều lên bừng tỉnh ngộ
                          Sáu trần thoát lạc, nhẹ thân tâm.

                          Chân Minh Khai
                          (Nguyễn Tấn Thọ)
                          Thiện duyên thấy được nẻo quang minh
                          Khai mở đường văn hạt giống lành
                          Đất mới lên xanh màu triển vọng
                          Mùa xuân tiếp nối nét đan thanh.
                          Chân Hỷ Lạc
                          (Nguyễn Khoa Diệu Dung)
                          Hành giả ngày đêm thường quán chiếu
                          Tạo nguồn hỷ lạc, vốn tư lương
                          Lấy nguyện dựng tăng làm sự nghiệp
                          Lắng nghe ái ngữ đẹp khôn lường.

                          Chân Thiện Quả
                          (Hà Quốc Ngọc)
                          Ngàn năm nhân thiện, quả lành
                          Giữ sao được mãi tâm thành, ý trong
                          Nhớ câu lấy Bụt làm lòng
                          Bước chân nhẹ nhõm, thong dong đường về.

                          Chân Tịnh Tâm
                          (Corine Marquis)
                          Tịnh giới đóa sen tinh khiết
                          Hương thiền xông ngát chân tâm
                          Nuôi lớn trái tim đại nguyện
                          Mắt thương quán chiếu cõi trần.

                          Khóa tu 21 ngày (1 – 21/06/2014)

                          Theo truyền thống Làng Mai, mỗi hai năm lại có một khóa tu 21 ngày. Năm nay, khóa tu được khai mạc vào ngày 01/06/2014, ngay sau Đại giới đàn Cam Lộ Vị. Trong suốt 21 ngày của khóa tu, hơn 200 xuất sĩ cùng 700 thiền sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có rất nhiều vị giáo thọ cư sĩ và các thành viên Tiếp Hiện đã cùng nhau thực tập và quán chiếu về chủ đề: “Cái gì xảy ra khi ta chết?” (What will happen when we die?). Thầy dạy rằng nếu mình quán chiếu và có được một cái thấy chính xác về cái chết thì lúc đó mình mới thật sự sống, vì sự sống và cái chết nương vào nhau mà có. Chúng ta chỉ có thể biết được “Cái gì xảy ra khi ta chết?”, khi ta trả lời được câu hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra trong giây phút này, khi ta đang còn sống?”.

                          Cũng trong khóa tu này, Thầy đã giải tỏa những băn khoăn, lo ngại của nhiều người, trong đó có các giáo thọ cư sĩ, về việc có nên đem chánh niệm vào lĩnh vực doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp làm giàu thêm, hoặc đem chánh niệm để giúp những người lính trong quân đội… Thầy đã cho một bài pháp thoại thật hùng, trong đó Thầy nhấn mạnh rằng: thực tập chánh niệm là pháp môn tu học dành cho tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ một ai. Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt rõ giữa chánh niệm và tà niệm. Chánh niệm là một con đường mà không phải là công cụ để phục vụ cho một mục tiêu nào đó (ví dụ như làm ra nhiều tiền hơn, đào tạo nhiều sát thủ hơn v.v.); chánh niệm không thể tách rời những yếu tố khác của Bát chánh đạo, trong đó có chánh kiến. Vì vậy chúng ta không cần phải lo lắng là chánh niệm có thể bị lạm dụng. Chánh niệm không thể nào gây hại cho bất kỳ ai, vì trong chánh niệm đã có chánh kiến, và khi đã có chánh kiến rồi thì ta không bao giờ có thể làm những điều sai lầm.

                          Rất nhiều thiền sinh mong muốn được tham dự khóa tu này, nhưng Làng không đủ chỗ ở. Mặc dù vậy, có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã chấp nhận cắm lều ngoài trời trong thời tiết khá lạnh để có thể tham dự trọn khóa tu.

                          Lễ xuất gia của 29 Cây Trắc Bá (02/07/2014)

                          Ngày 02/07/2014 là ngày biểu hiện của 29 Cây Trắc Bá – 29 thành viên mới của gia đình Áo Nâu: Trời Đại Nghĩa, Trăng Linh Mẫn, Trăng Linh Dị, Trăng Linh Tuệ, Trời Đại Đạo, Trời Đại Đồng, Trời Phạm Trú, Trời Đại Dụng, Trăng Thiên Nga, Trời Quang Thái, Trăng Bối Diệp, Trăng Linh Các, Trăng Thanh Khí, Trăng Chí Nguyện, Trăng Linh Tú, Trời Quang Minh, Trăng Kỳ Vọng, Trăng Bích Thủy, Trời Đại Lượng, Trăng Thanh Sơn, Trời Nhất Quán, Trời Quang Huy, Trời Quy Nguyện, Trăng Cố Quận, Trăng Cổ Tích, Trời Tây Nguyên, Trời Tây Sơn, Trăng Linh Ứng, và Trăng Linh Bảo. Đây là niềm vui lớn của tứ chúng Làng Mai trước khi bước vào khóa tu mùa Hè. Gia đình Cây Trắc Bá khá đa dạng từ người trẻ nhất là 17 tuổi đến anh cả 54 tuổi và gồm 8 quốc tịch: Việt Nam, Thuỵ Sĩ, Úc, Anh, Malaysia, Singapore, và Ukraine.

                          Khóa tu mùa Hè (04/07 – 01/08)

                          Khóa tu mùa Hè là cơ hội duy nhất trong năm cho các em thiếu nhi và thanh thiếu niên (teens) được về Làng tu học cùng với cha mẹ của mình. Trung bình mỗi tuần có khoảng 60 em thanh thiếu niên về Làng trong khóa tu mùa Hè. Không khí thật sống động và tươi vui.

                          Năm nay, các xóm của Làng đón được nhiều thiền sinh về tu học hơn mọi năm vì quý thầy, quý sư cô trong ban văn phòng mướn được thêm những nhà trọ bên ngoài. Tuần nào Làng cũng đón trên 1000 người về tu học. Mùa đông, Làng Mai chỉ có năm xóm: xóm Thượng, xóm Hạ, chùa Sơn Hạ, xóm Mới và xóm Tây Hồ (còn gọi là Happy Farm – Nông Trại Hạnh Phúc, nơi có các cư sĩ nam ở, chuyên lo trồng rau sạch cung cấp cho các xóm của Làng). Nhưng mùa hè thì có thêm xóm Đoài, xóm Trung; xóm Mới thì mở thêm nhà Đầu Thôn, nhà Giếng Thơm, nhà Lưng Đồi. Xóm Trung là xóm dành cho đồng bào người Việt, vào mùa hè còn phải thuê thêm nhà nghỉ ở ngoài mới đảm bảo đủ chỗ ở. Năm nay xóm Trung có thêm nhà Nắng Lưu Ly, có nhà vệ sinh và nhà tắm ngay trong phòng ngủ. Các bậc cha mẹ có con nhỏ tranh thủ ghi tên sớm để giữ chỗ cho bé khỏi phải ngủ lều như các năm trước. Năm nay có đoàn phim SENA từ Việt Nam sang với gia đình chị Giám Đốc Châu Thổ cùng nữ diễn viên Việt Trinh hiền từ, sâu sắc và khiêm hạ. Mọi người trong đoàn làm phim đều tham dự thời khóa rất miên mật và hạnh phúc. Một số thành viên trong đoàn còn đưa người thân sang Làng tu học. Khi về Việt Nam, những vị này cũng lập tăng thân trong nhóm để sách tấn tu học chung hằng tuần.

                          Khóa tu cho người Đức và người Hà Lan tại EIAB (10 – 24/08)

                          Vừa xong khóa tu mùa Hè, ngày 03/08/2014, một số quý thầy quý sư cô đã lên đường đi Đức để phụ tổ chức hai khóa tu tiếng Đức và tiếng Hà Lan tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB). Như mọi năm, Thầy và các thị giả bay sang Đức trễ hơn. Chiếc lều thật to đã căng lên làm chỗ cho Thầy giảng pháp thoại và nhiều lều nhỏ làm quán sách, phòng ăn, phòng uống trà cho thiền sinh đã được quý thầy, quý sư cô sắp xếp trước. Nhờ sáu mẫu đất có rừng, có vườn táo của Viện mà rất đông thiền sinh được cắm lều. Nhà vệ sinh và nhà tắm đã được mướn sẵn. Có một điều không may là trời mưa gần như suốt cả hai khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan. Khóa tu dành cho người Đức có cả ngàn thiền sinh tham dự mà ở trong nhà chỉ chứa được 200 người, ở khách sạn gần Học viện chưa tới 50 người. Hơn 700 thiền sinh phải cắm lều ngoài trời. Sư Ông cũng bị nhiễm lạnh vì thời tiết. Tuy lều lớn dùng làm thiền đường năm nay to hơn, có vẻ sang trọng hơn năm trước và có vách vải bọc kín hẳn hoi, nhưng gió cứ thốc từng hồi phần phật.

                          Thiền sinh Đức mới tới hai ngày đầu đã nổi bực vì trời mưa ướt át và lạnh quá. Trong dự tính của thiền sinh thì vào tháng 8 mùa hè, đi tu mà cắm lều thì thật tuyệt vời, tối ngắm trăng sao, sớm nghe chim hót và cả ngày được tu, được nghe pháp, được đi thiền hành với Thầy trong công viên, được ăn cơm chay do quý thầy, quý sư cô nấu rất ngon, được tham dự thiền buông thư, thiền lạy. Kể như là một cuộc du lịch tâm linh rất lãng mạn. Nhưng vừa vào khóa tu thì trời mưa ơi là mưa, cắm lều xong thì đường vào lều khá trơn trợt. Có một anh thiền sinh chỉ đem theo một cái quần ngoài bị dính bẩn và mang quần có bệt đất sét suốt tuần luôn. Nhiều vị đã định bỏ cuộc về nhà ngay, nhưng sáng ngày đầu tiên, sau khi nghe cả trăm quý thầy, quý sư cô niệm danh hiệu Bồ Tát Avalokiteshvara rất hùng và được nghe pháp thoại của Thầy thật sâu sắc, kế đến được đi thiền hành chung, hưởng năng lượng bình an và pháp đàm quá vui trong các nhóm nhỏ, rồi lại được gặp những người bạn mới dễ thương, biết lắng nghe… họ đã thay đổi ý định và quyết định ở lại cho đến hết khóa tu. Số người bỏ về trong số 1040 thiền sinh chỉ có năm sáu người! Ngày Quán niệm, trời cũng thương nên không mưa, thiền sinh được đi thiền hành với Thầy khá hạnh phúc.

                          Khóa tu tiếng Đức kết thúc, đại chúng có một ngày nghỉ ngơi, làm việc chuẩn bị đón hơn 530 thiền sinh về cho khóa tu tiếng Hà Lan (từ ngày 19 đến ngày 24). Những người con của xứ sở cối xay gió mang tặng cho mỗi gia đình pháp đàm rất nhiều hoa hướng dương cùng năng lượng an nhiên, nhẹ nhàng. Trời vẫn mưa nhưng có phần ít hơn khóa tu tiếng Đức. Nhờ sự yểm trợ hết lòng của tăng thân Hà Lan mà các thầy, các sư cô đỡ phần vất vả trong khóa tu. Sự kết hợp nhịp nhàng, hòa hợp của bốn chúng cùng sự trải lòng, thực tập hết mình của thiền sinh đã góp phần tạo nên kết quả tươi đẹp như những đóa hoa hướng dương mà các bạn đã mang đến đầu khóa tu.

                          Khóa tu tiếng Ý (26/08 – 31/08)

                          Năm nay, Thầy không đi Ý nên người Ý xin được về Làng để thực tập. Đoàn đi có tới 15 xe buýt và nhiều xe nhà. Thầy cho pháp thoại bằng tiếng Anh nhưng được thông dịch ra tiếng Ý từng câu. Khi có thông dịch ra tiếng Ý, các sư cô rất ngạc nhiên khi thấy nhiều vị hàng xóm của Làng đến nghe giảng trực tiếp bằng tiếng Ý. Xưa nay mình giảng tiếng Pháp họ không qua nghe pháp, nhưng nhờ có vợ chồng anh Alain, chị Tú Hoa quảng cáo nên ông bà hàng xóm D’Incau qua nghe suốt thời gian sư cô Chân Không giảng về phương pháp Làm Mới. Nghe đâu con trai ông bà mới có vấn đề, sắp bị vợ bỏ. Hy vọng ông bà nghe lọt tai vài điều để giúp được cho con trai mình. Dù mệt nhưng Thầy vẫn cố gắng ra giảng ba bài pháp thoại trong khóa tu này vì muốn giúp họ chuyển hóa và đem hạnh phúc cho hơn 700 người Ý từ xa tới tham dự.

                          Khóa tu mùa Thu

                          Sau khóa tu tiếng Ý, thầy trò được nghỉ ngơi. Mận năm nay cũng được mùa, thu hoạch được khá nhiều. Thầy ăn uống không ngon dù các sư cô nấu thật khéo với rất nhiều tình thương. Sức khỏe của Thầy cứ yếu dần. Khóa tu mùa Thu diễn ra êm đềm dù Thầy cần sự túc trực của nhiều thị giả như các thầy Pháp Hữu, Pháp Áo, Pháp Nguyện, các sư cô Chân Không, Định Nghiêm, Thao Nghiêm và Nho Nghiêm. Thời gian này tuy không có khóa tu nhưng Thầy vẫn tiếp tục giảng giải những kinh quan trọng. Thầy vẫn nhuận văn những bài giảng của Thầy để hoàn thành quyển Tri kỷ của Bụt, vẫn tiếp tục viết chú thích những bài Sám hay nhất trong Thiền Môn Nhật Tụng và có cái thấy mới nên đã dịch lại Tâm Kinh Bát Nhã.

                          Những ngày Quán Niệm trong khóa tu mùa Thu này đã được các giáo thọ của Làng hướng dẫn và giảng dạy. Thiền sinh vẫn đến tu học khá đông trong khi Thầy nghỉ ngơi và chữa bệnh.

                          Khóa tu tiếng Pháp dành cho giáo chức (25/10 – 01/11)

                          Thầy và Tăng thân Làng Mai đã tổ chức nhiều khóa tu chánh niệm cho các giáo chức ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á trong 30 năm qua và đã thành lập chương trình đào tạo có tên “Wake Up Schools”. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một khóa tu dành cho các giáo chức được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Khoảng 600 thiền sinh hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đã về tham dự khóa tu này. Mặc dù đang bệnh nặng, Thầy vẫn cố gắng có mặt với thiền sinh trong ngày đầu tiên của khóa tu và cho một bài pháp thoại tuy ngắn nhưng gói trọn tất cả những điều tâm huyết mà Thầy muốn trao truyền và gửi gắm đến các giáo chức: “Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, vì nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và hòa hợp với nhau thì làm sao mình giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành. Xây dựng tăng thân là công việc tối cần và mỗi giáo chức phải là một người dựng tăng…”

                          Khóa An cư kết đông 2014-2015

                          Sáng ngày 15/11/2014, tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng đã diễn ra lễ Đối thú An cư năm 2014 – 2015. Điều đặc biệt là lễ Đối thú an cư năm nay đã diễn ra với sự chứng minh của Chư Tôn Đức cùng đông đảo quý thầy, quý sư cô lớn về từ các trung tâm Làng Mai ở Mỹ, Hồng Kông, Paris… Sự có mặt của Chư Tôn Đức và quý thầy, quý sư cô lớn khiến cho ai trong đại chúng cũng xúc động trước năng lượng ấm áp và hùng hậu của một đại gia đình tâm linh. Tất cả đại chúng đều ý thức rằng Thầy vẫn đang có mặt và đang an cư cùng đại chúng.

                          Mùa an cư năm nay, tại xóm Thượng và Sơn Hạ có 52 vị tỳ kheo, 18 vị sadi, 60 vị cận sự nam, tổng cộng là 130 vị; tại xóm Hạ có 57 vị tỳ kheo nữ, 5 vị sa di nữ và 13 vị cận sự nữ, tổng cộng là 75 vị; tại xóm Mới có 57 vị Tỳ kheo nữ, một Thức xoa ma na, 9 vị Sa di nữ và 18 cận sự nữ, tổng cộng là 85 vị. Như vậy, số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn trong mùa an cư kết đông năm nay là 290 vị, tất cả đều an trú, tu tập miên mật trong 90 ngày.

                          Trong thời gian Thầy nằm bệnh viện, tứ chúng tu tập miên mật hơn, hết lòng hơn. Ai cũng quay về chăm sóc lấy mình để yểm trợ cho Thầy và cho tăng thân. Năng lượng tu tập tại các xóm, các trung tâm rất hùng tráng.

                          Thiền hành trong lãnh thổ Vatican
                          Nhận lời mời của Đức Giáo Hoàng Francis, dù Thầy không đi được, một phái đoàn gồm 22 quý thầy, quý sư cô Làng Mai, trong đó có sư cô Chân Không và thầy Pháp Ấn – Viện trưởng Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB), đã có mặt tại Rome từ ngày 1 – 2/12/2014 để đại diện và chuyển tải thông điệp của Thầy đến Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới về xóa bỏ nạn buôn người, một hình thức “nô lệ hiện đại”.

                          Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới (Anh Giáo, Chính Thống Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Hindu và Phật Giáo) đã quy tụ tại Vatican để cùng lên tiếng chống lại chế độ nô lệ hiện đại. Buổi gặp gỡ đã diễn ra vào sáng ngày 02/12/2014, ngày Quốc tế xóa bỏ chế độ nô lệ, tại trụ sở của Hàn lâm viện Tòa thánh ở Nội thành Vatican.

                          Tại buổi gặp gỡ này, sư cô Chân Không đã đại diện Thầy đọc thông điệp trước Hội nghị. Sau đó, khi ký kết bản Tuyên Bố Chung bày tỏ quyết tâm hiệp lực với nhau để xóa bỏ vĩnh viễn chế độ nô lệ hiện đại trước năm 2020 với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, sư cô Chân Không và thầy Pháp Ấn, đại diện cho hai chúng tỳ kheo và tỳ kheo ni của Làng, đã cùng đóng con dấu ký tên Thầy.

                          Một ngày trước đó (ngày 01/12/2014), phái đoàn tăng thân Làng Mai đã phối hợp với Ban Tổ chức Hội nghị để tổ chức một ngày tu tập chánh niệm chung cho các đại biểu tại Vatican. Đây là điều kiện của Thầy đưa ra khi được thư mời của đức Giáo Hoàng. Hôm đó, sư cô Chân Không và thầy Pháp Ấn thay nhau chia sẻ về sự thực tập chánh niệm, về Chỉ và Quán và Năm giới trong khi làm việc phụng sự. Một đại biểu Ấn Độ Giáo và một nữ tu Thiên Chúa Giáo cũng chia sẻ những việc làm của họ. Tất cả các đại biểu đại diện cho các tôn giáo cùng tham dự ngày tu tập chung nầy và cuối cùng gần hai trăm người đi ra khỏi sảnh đường để nghe thầy Pháp Ứng giảng và hướng dẫn đi thiền hành chung với nhau. Đức Giám Mục Marcelo Sorondo Sanchez, người đã đại diện đức Giáo Hoàng tới Làng Mai để đưa thư mời và ở lại tu tập ba ngày trên Xóm Thượng, bước thong thả bên cạnh thầy Pháp Ứng. Hẳn đây là lần đầu tiên có một tập thể đa tôn giáo bước những bước chân chậm rãi, thảnh thơi trong lãnh thổ của Vatican. Trưa hôm đó, có lẽ đây là lần đầu tiên, Vatican dọn thức ăn chay và nước uống, không có rượu cho mọi người.

                          Lễ xuất gia của 42 Cây Sồi Đỏ (18/12/2014)

                          Lễ xuất gia cho gia đình Cây Sồi Đỏ đã diễn ra vào ngày 18/12/2014 như đã dự tính, dù Thầy vẫn đang nằm trên giường bệnh. Hòa thượng Chí Mãn, sư em của Thầy từ Việt Nam qua đã thay mặt Thầy truyền giới cho các giới tử: 10 em được xuất gia tại Làng Mai, 31 em được xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan và một em được xuất gia tại tu viện Lộc Uyển, Mỹ. Các sư cô, sư chú mới có các tên Trời Bến Giác, Trời Hải Thượng, Trời Hồng Bàng, Trời Văn Lang, Trời Tịnh Trú, Trời Vững Chãi, Trời Đại Địa, Trời Hoan Hỷ, Trời Dương Xuân, Trời Đại Việt, Trời An Trú; Trăng Trúc Lâm, Trăng Chánh Định, Trăng Thuần Hậu, Trăng Chánh Niệm, Trăng Chánh Tuệ, Trăng Mặc Chiếu, Trăng Thương Yêu (Bác Ái Nguyệt), Trăng Từ Hòa, Trăng Thảnh Thơi (Tự Tại Nguyệt), Trăng Viên Mãn, Trăng Thiên Lý, Trăng Từ Mãn, Trăng Thiên Ý, Trăng Bình An, Trăng Khiêm Cung, Trăng Ngân Hà, Trăng Bao Dung, Trăng Từ Bi, Trăng Hòa Hợp, Trăng Trung Hậu, Trăng Từ Hiếu, Trăng Tinh Tấn, Trăng Vô Ưu, Trăng Thiên Ân, Trăng An Lạc, Trăng Cát Tường, Trăng Tịnh Mặc, Trăng Tuổỉ Ngọc, Trăng Hòa Ái, Trăng Lam Điền, Trăng An Hòa. Sau hôm xuất gia, các sư cô, sư chú được lên bệnh viện đảnh lễ và thăm Thầy.

                          Cuối năm

                          Dù không có Thầy, thiền sinh về ăn Noel vẫn rất đông, hơn 600 người. Sư cô Chân Không cho pháp thoại đêm Noel, cám ơn thiền sinh đã chọn Làng Mai như ngôi nhà đoàn tụ. Noel đối với Tây phương là ngày về nhà đoàn tụ với những người thương như người Á Đông về quê “ăn tết” vậy. Sư cô đề nghị mỗi thiền sinh nên tập phương pháp đoàn tụ tâm và thân, nghĩa là đem tâm trở về với thân để có bình an vững chãi hơn mà tiếp xúc tâm Bụt trong người của mình, với Thượng đế trong chính mình. Sau đó sư cô chia sẻ về sự thực tập năm phép tu tập chánh niệm để nói về Năm giới rất thực tế và chấm dứt bằng sáu câu thần chú của Làng Mai.

                          Thần chú là gì? Là khi thân và tâm đoàn tụ, rất định tĩnh và lắng sâu, hay nói cách khác là tâm và thân trở thành một khối sáng suốt và vững chãi, thì khi đó những gì mình nói đều là thần chú cả, vì nó có thể thay đổi tình trạng một cách bất ngờ như một phép lạ.

                          Thần chú thứ nhất: Đương sự phải thật sự có mặt cho người kia, nhìn kỹ và thốt lên câu thần chú, như:
                          Mẹ ơi, bố ơi, con đang có mặt thật sự cho mẹ đây, cho bố đây. Con yêu mẹ lắm, con thương bố lắm!
                          Thần chú thứ hai: Công nhận sự có mặt của người kia. Đem tâm về với thân thành một khối và nhìn kỹ mẹ hay nhìn kỹ bố và thốt lên thần chú:
                          Mẹ ơi, bố ơi, con biết con còn mẹ, con còn bố sống bên con, nên con hạnh phúc lắm!
                          Thần chú thứ ba: biết người kia khổ nên mình thực sự có mặt cho người đó:
                          Mẹ ơi, con biết mạ đang khổ, con đang có mặt bên mẹ đây!

                          Thần chú thứ tư: nói cho người kia biết mình rất buồn vì cách hành xử hay nói năng của người kia nhưng nói rất nhẹ nhàng hòa ái và nói mình muốn nghe vì sao lại có sự kiện đó. Mình chưa hiểu, mình  mong thấy thêm vấn đề của phía bên kia  để hết giận.
                          Thần chú thứ năm: Nói cho mình và cho mọi người  biết “Đây là phút giây thật hạnh phúc”. Câu thần chú này là để bạn dừng tâm lại, nhìn kỹ hơn phút giây hiện tại để thấy được điều đó.
                          Thần chú thứ sáu: Khi mình bị chê, bị giận, bị trách oan, mình trở về hơi thở, thân và tâm định trong điềm tĩnh và nói với anh, hay em hay chị (người chê mình): chị chỉ đúng một phần thôi. Còn phần kia chị chưa thấy nên mới bực và nói không dễ thương vậy.
                          Còn khi mình được khen quá thì cũng nên trở về với hơi thở, thở cho sâu, định tâm và khiêm cung nói: chị chỉ đúng một phần thôi. Còn phần kia chị chưa thấy mặt không dễ thương của em nên mới khen em quá sức vậy.
                          Đó là nội dung bài pháp thoại của sư cô Chân Không như món quà cuối năm đoàn tụ gia đình của người Tây phương. Người Việt chúng ta cũng sắp về đoàn tụ Tết với gia đình, xin mời các đọc giả sử dụng thần chú với những người thân.

                          Tuần lễ cuối năm 2014, đầu năm 2015, số thiền sinh đến tham dự đông quá sức dự tính. Rất nhiều bạn tự mướn khách sạn bên ngoài vì biết Sư Ông đang ở bệnh viện, nghĩ rằng quý thầy, quý sư cô lo không xuể! Đêm “Giao thừa”, tổng số cũng hơn 1000 người. Ghi danh thì có 920 người nhưng từ các khách sạn Bergerac, Sainte Foy, người kéo về dự lễ khá đông và  hàng xóm đến tham dự không ghi danh trước. Thầy Pháp Đăng cho pháp thoại cuối năm, đi thiền hành và đốt lời nguyện ước trên đống lửa hồng. Buổi Văn nghệ cuối năm rất vui. Có nhiều cư sĩ lâu năm đóng góp hết lòng. Các em Wake Up các nơi về có tiết mục rôm rả nhất. Bốn mươi em trẻ Wake Up Hà Lan hát những bản nhạc tu học do các em sáng tác, 12 em nam trong đó có 5 em đang tập sự xuất gia hát nhạc Rap có nội dung tu học, biểu diễn chung với khí công rất  thời đại.

                          Trước khi chấm dứt chuyện Làng Mai năm qua, chúng tôi xin lược kể về tình trạng sức khỏe của Thầy mà chúng tôi biết các bạn rất quan tâm.

                          Từ cuối khóa tu mùa hè, Thầy đã không được khỏe lắm. Chuyến đi dạy ở Đức ngay liền đó khiến Thầy bị đuối sức vì trời mưa, lạnh và mỗi ngày phải lên xuống bốn tầng lầu do Viện Phật Học không có thang máy. Về lại Làng, Thầy vẫn gắng sức ra dạy cho khóa tu người Ý được ba hôm làm ai cũng cảm động. Tuổi đã lớn, làm việc nhiều, lại không ăn uống và không ngủ được nên sức khỏe Thầy suy giảm trầm trọng.  Ban thị giả gồm các thầy Pháp Hữu, Pháp Nguyện, Pháp Áo, các sư cô Chân Không, Định Nghiêm và Thao Nghiêm túc trực thường xuyên bên Thầy ở Sơn Cốc.  Sư cô Nho Nghiêm, vừa tốt nghiệp bác sĩ Đông y, cũng bay từ Mỹ qua để chăm sóc cho Thầy. Những khi không ngủ được, Thầy lại kêu thị giả tới để đánh máy những bài giảng mới và nhuận văn tiếp cuốn “Tri kỷ của Bụt”. Cũng trong thời gian này, Thầy có cái thấy mới về kinh Bát Nhã và đã dịch lại Tâm Kinh Bát Nhã dễ hiểu mà sâu sắc hơn. Thấy Thầy ngày càng yếu, ban thị giả năn nỉ Thầy đi bệnh viện xét nghiệm nhưng Thầy không chịu. Đến ngày 09 tháng 10, sau khi đã vào nước biển và y tá tới thử máu mà không có kết quả khả quan, Thầy mới đồng ý vào bệnh viện. Thầy ở bệnh viện một tuần, làm đủ thứ xét nghiệm rồi về lại Làng. Thời gian này ở Làng có khóa tu tiếng Pháp cho ngành giáo dục. Các giáo thọ chia phiên nhau hướng dẫn và thiền sinh cũng rất hoan hỷ với sự sắp xếp đó vì biết Thầy bệnh nặng. Vậy mà vừa hơi khỏe, Thầy lại bảo thị giả đưa Thầy ra giảng đường để thuyết pháp cho mọi người an tâm. Không ai ngờ là Thầy có thể giảng tới 45 phút như vậy. Rất đông thiền sinh cảm động quá đã bật khóc.

                          Cuối tháng 10, nhiều bác sĩ Đông y, Tây y được mời tới Làng để chữa trị cho Thầy nhưng đều không giúp được vì Thầy đã bị suy dinh dưỡng nặng, thiếu protein trầm trọng, đã vậy huyết áp có lúc lên rất cao, nhịp tim đập nhanh, chân sưng không đi lại được nên Thầy quyết định vào bệnh viện Polyclinique Nord Aquitaine điều trị. Bệnh viện này dễ thương lắm, cho phép một thầy thị giả được ngủ chung trong phòng Thầy ban đêm và ban ngày thì cho các thị giả được vào chăm sóc. Có lần thấy các thị giả ngủ ngoài hành lang, họ kéo giường tới cho mượn và thậm chí khi phòng đối diện không có bệnh nhân, họ cho mình mượn luôn để ngủ qua đêm. Ban thị giả, lúc này có thêm các thầy Pháp Linh và Pháp Đại, đã mướn hai phòng của một khách sạn gần đó (một cho các thầy, một cho các sư cô) để thay phiên qua bệnh viện chăm sóc Thầy 24/24 cho tiện. Ở đây, Thầy được chăm sóc chu đáo, sức khỏe đang hồi phục thì đột nhiên lúc 4 giờ sáng ngày 11 tháng11, Thầy có triệu chứng bị đột quỵ. Khi vừa kêu được thầy Pháp Áo đang ở gần đó đến bên Thầy thì Thầy không còn nói được nữa và bị hôn mê. Trúng ngày nghỉ lễ 11/11 của Pháp nên y tá không kêu được bác sĩ tới liền và bốn tiếng sau họ mới đưa Thầy đi chụp hình não. Kết quả cho thấy là Thầy bị xuất huyết não ở bán não trái và chỗ bị xuất huyết rất to, khoảng 1/3 diện tích của bán não, lại nằm giữa bộ óc nên không thể làm gì được trong tình trạng sức khỏe mong manh của Thầy. Bác sĩ thông báo là Thầy chỉ có thể sống được trong vài giờ tới vài ngày mà thôi. Trong khi mọi người tuyệt vọng thì may có bác sĩ Thái từ Paris, vốn là một bác sĩ đại diện cho Trung tâm nghiên cứu khoa học toàn quốc (CNRS – Centre national de recherches scientifiques) đã làm việc với các bác sĩ trong tất cả mọi chuyên khoa của nhiều nhà thương nên có rất nhiều kinh nghiệm, hướng dẫn và động viên các thị giả là vẫn còn cơ hội để não tự phục hồi. Các thân hữu của Làng, anh Pritam và anh Hussman, vận dụng sự quen biết của mình để giúp ban thị giả được tham vấn với bác sĩ Ming Ming, chuyên điều trị stroke nổi tiếng ở Mỹ (bệnh viện Massachusset) và bác sĩ Rouanet, phụ trách về chuyên khoa não bộ ở bệnh viện Pellegrin, Bordeaux. Sau đó hai ngày, Thầy được chuyển qua khu cấp cứu của bệnh viện Pellegrin là bệnh viện hàng đầu của Pháp về chuyên khoa não bộ.

                          Ở Pellegrin, bác sĩ Rouanet trực tiếp phụ trách việc điều trị Thầy với sự hợp tác của bác sĩ Ming Ming từ Mỹ. Ban thị giả cũng được phép túc trực 24/24 với Thầy và được các y tá chỉ cho cách sử dụng máy hút đàm, cách theo dõi các ghi nhận sức khỏe trên màn hình, cách thay đổi tư thế nằm cho Thầy sau mỗi bốn tiếng. Mỗi thị giả đều học hỏi để trở thành một “y tá phụ”, chăm sóc và theo dõi bệnh trạng của Thầy giúp các y tá. Lúc này, tin tức về Thầy đã lan truyền trên mạng và có nhiều tin đồn thất thiệt về tình trạng của Thầy nên sư cô Hiến Nghiêm, ngày xưa làm ở đài BBC, hiện đang phụ trách về PR của Làng, đã gia nhập ban thị giả để vừa giúp thông dịch tiếng Pháp vừa đưa tin ra. Sư cô Thoại Nghiêm, một sư cô lớn, cũng gia nhập ban thị giả để giúp sư cô Chân Không vừa lo cho Thầy vừa lo cho những việc ở Làng. Quý tôn túc khắp nơi không quản đường xa bay qua, trước là thăm Thầy, sau là để yểm trợ cho đại chúng đang trong mùa An Cư (ngày Đối thú diễn ra bốn ngày sau khi Thầy bị xuất huyết não). Hàng triệu độc giả, “fan” trên facebook, thân hữu, đệ tử cư sĩ, xuất sĩ khắp nơi đều được mời cầu nguyện cho Thầy trong những ngày Thầy đang đi qua ranh giới của sự sống chết. Mười ngày sau, hình chụp RMI cho thấy chỗ xuất huyết không nhỏ lại mà còn phù lan thêm qua bán cầu phải. Bác sĩ ở Pellegrin cũng nghĩ là Thầy không qua khỏi và đã ký giấy để đưa Thầy về Làng. Tuy nhiên, nếu không thấy hình chụp thì tình trạng lâm sàng của Thầy vẫn khá ổn định nên ban thị giả vừa tiếp tục chăm sóc cho Thầy vừa cầu nguyện. Và phép lạ đã xảy ra khi vài ngày sau, Thầy bắt đầu mở được mắt, lúc đầu khó khăn nhưng từ từ mở được lâu hơn, to hơn. Ngày 30/11 hình chụp cho thấy chỗ bọc nước bao quanh cục máu bầm đã nhỏ lại. Lúc đó bác sĩ Rouanet tuyên bố là tới hôm nay ông mới có hy vọng Thầy sống được. Ông thú nhận: “Je suis  absolument ignorant en ce qui concerne le cerveau humain!” (Là một bác sĩ về não bộ nhưng trong trường hợp của Thầy, tôi thấy mình thật sự chưa hiểu gì về não bộ hết). Thầy bắt đầu tỉnh thêm, rồi gật đầu, lắc đầu, xoay đầu. Tuy chậm, nhưng mỗi ngày đều có một dấu hiệu tích cực mới.

                          Để cám ơn sự hợp tác của bác sĩ Rouanet, bác sĩ Ming Ming đề nghị mình hỏi xem có thể tặng ông ta cái gì. Câu trả lời là sự thao thức của bác sĩ Rouanet về việc trang bị một máy chụp RMI tiên tiến nhất cho bệnh viện để giúp bệnh nhân được hữu hiệu hơn. Tiền mua máy họ đã có nhưng tiền để lắp đặt thì chưa được chính phủ đồng ý nên họ cần sự đóng góp của nhiều người để làm sức ép vận động chính phủ. Vì vậy trong lá thư kêu gọi hỗ trợ tài chánh để giúp ban thị giả trả tiền nhà và chi phí chăm sóc sức khỏe cho Thầy, sư cô Chân Không cũng xin trích một phần để gởi cho chương trình vận động này. Mặt khác, những người nào (đa số là người Pháp) hỗ trợ ý nguyện này thì gởi thẳng tiền tới bệnh viện. Sau gần hai tháng, bác sĩ Rouanet vui vẻ báo tin là chương trình chấm dứt vì sức ép đã đủ, chính phủ đã cho việc này lên lịch để tiến hành vào năm tới. Xin cám ơn thân hữu xa gần đã hết lòng tiếp tay cho việc công ích này.

                          Năm mới Ất Mùi, xin kính gửi đến chư tôn đức, các bạn thiền sinh và thân hữu xa gần hai câu đối của Thầy để chúng ta cùng thực tập, đem lại niềm vui và bình an cho những người thương trong năm mới:

                          Càng nhìn càng hiểu rõ
                          Biết lắng biết thương sâu.

                          Hình LTLM38

                          Lá thư Làng Mai 38 – 2015

                          Bìa 1

                          Bìa 2

                          Bìa 3

                          Bìa 4

                          NỘI DUNG

                          Xin trân trọng gởi đến quý thân hữu Lá Thư Làng Mai số 38 vừa ra đời để quý vị thưởng thức trong những ngày xuân Ất Mùi 2015. Quý vị sẽ cùng thở nhịp thở của tăng thân cũng như nhìn lại sự hành trì và học hỏi của bản thân trong năm qua để "Càng nhìn càng hiểu rõ - Biết lắng biết thương sâu".

                          Tải về để in

                           

                          Bìa khổ Letter

                          Bản in màu.PDF

                           

                          Lá thư Làng Mai - Kệ Truyền Đăng
                          Ngỡ bây giờ là bao giờ
                          Chánh niệm là con đường
                          Trinh bạch một niềm thương
                          Câu hỏi của trẻ em và thanh thiếu niên
                          Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ
                          Cắt đứt con đường ngôn ngữ
                          Tình thương lên tiếng gọi
                          Nụ cười trong tim
                          Bông hoa vẫn không ngưng lời hát ca
                          Dấu ấn Làng Mai
                          Sự tiếp nối
                          Chúng con đang uống thuốc
                          Làm biếng
                          Theo bước chân Bụt
                          Con gặp Thầy
                          Bụt hiện hoa hàm tiếu
                          Chọn một hướng đi
                          Có dễ hiểu không con
                          Mùa lá chín
                          Đến để mà thấy
                          Khoảnh khắc bên thầy
                          Thở cho Bụt về
                          Thư gởi Thầy
                          Cầu toàn… khổ
                          Chăm em – chăm tôi
                          Giây phút cùng Thầy
                          Giấc mơ trưa
                          Niềm vui chân thật
                          Tôi yêu
                          Cùng dòng sông mang theo thệ nguyện
                          Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
                          Về đây học tiếng nói yêu thương
                          Nuôi lớn tình thương
                          Bước chân Hơi-Thở-Nhẹ
                          Tôi là chú chuột nhắt ở Phương Khê
                          Đánh thức những ước mơ
                          Hạt lành đã đơm hoa
                          Cùng tu – cùng học – cùng chơi
                          Việt Wake Up 2015 - Đón mừng sự sống
                          Thầy gọi con về
                          Bình yên chốn này
                          Vun bồi sự sống
                          Con đường vui
                          Giếng thơm về Kinh Bắc
                          Nắng ấm ngày đông
                          Đem chánh niệm vào trường học
                          Thầy ơi!..
                          Mừng đại sảnh lên ngôi
                          Nối lại tình thâm
                          Ân nghĩa bên trời
                          Tràng hoa mộc lan
                          Bước ngoặt cuộc đời
                          Mùa đông đang đi qua
                          Ước nguyện - Great inspiration
                          Đàn voi của Thầy
                          Tiếp xúc tiếp trợ
                          Tết bên người nghèo
                          Lịch sinh hoạt năm 2015
                          Liên lạc

                          Về lại ngôi nhà đích thực

                          Trong một ngày u ám của tháng Mười một năm 2014, họ lần lượt đến. Có người đến một mình, có người đi cùng cha, mẹ, anh, chị, em hoặc người sống chung. Dù cho mỗi người mỗi biểu hiện khác nhau, nhưng nhìn chung ai cũng có vẻ hoang mang, ngập ngừng và lo ngại. Họ đến tu viện Bích Nham từ các vùng xa xôi tận British Columbia, Tennessee, Ohio, và West Virginia.

                          Ra đón họ là những cựu chiến binh Việt Nam, chuyên viên xoa bóp, y tá, những người thực tập phương pháp trị liệu cảm ứng Reiki và các chuyên viên liệu pháp nghệ thuật (art therapists). Tất cả đều là những thiền sinh thực tập pháp môn Làng Mai thuần thục. Những người này đã đến trước ngày khai mạc vài hôm để tu tập và giúp chuẩn bị cho khóa tu có tên là Về lại ngôi nhà đích thực. Đây là một khóa tu dành cho cựu chiến binh chiến tranh Iraq và Afghanistan. Trên tất cả, họ đã được tăng thân Bích Nham chào đón với một vòng tay và một tấm lòng rộng mở.

                          Trong năm ngày của khóa tu, các cựu chiến binh và thân nhân được học hỏi phương pháp tu chánh niệm của Làng Mai qua sự hướng dẫn của những người giàu kinh nghiệm: Thầy Pháp Uyển, một cựu chiến binh từ chiến dịch Bão Sa Mạc (chiến tranh Vùng Vịnh); quý thầy, quý sư cô tại tu viện Bích Nham và một vị giáo thọ cư sĩ tên Jeanne Anselmo, cô là một nữ y tá (holistic nurse), đồng thời cũng là một chuyên viên trị liệu sử dụng liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback therapy) với 40 năm kinh nghiệm.

                          Tất cả cùng tham gia thiền tọa, thiền hành, pháp thoại và pháp đàm. Mỗi ngày đều có thời khóa dành cho những thực tập chăm sóc và trị liệu cơ thể như: thể dục để giải tỏa các thương tổn về tâm lý, Reiki, xoa bóp, yoga. Trong suốt khóa tu, lúc nào cũng có không gian dành cho bất cứ ai có nhu cầu chia sẻ tâm tư, tình cảm, quá trình diễn tiến của nội tâm hoặc muốn ngồi cùng một thiền sinh (có kinh nghiệm) để được lắng nghe sâu.

                          Mỗi ngày khi bình minh tới, mặt trời có vẻ như rạng rỡ hơn một chút. Mấy cái áo có mũ trùm đầu và những cặp kính đen từ từ biến mất, một con chó được huấn luyện để làm bạn cũng không thấy kè kè bên cạnh ông chủ cựu chiến binh của nó nữa. Những khuôn mặt sáng hẳn lên và những nụ cười tươi nở trên môi. Trong năm ngày ngắn ngủi, những người đủ may mắn có mặt trong khóa tu đã chứng kiến phép lạ của sự tỉnh thức xuất hiện ngay
                          trước mắt.

                          Buổi sáng cuối cùng của khóa tu, mọi người lo lắng vì có một cựu chiến binh vắng mặt trong thời pháp thoại. Thầy Pháp Uyển tìm thấy ông trong khi ông đang thưởng thức thiền hành trên những con đường rừng. Ông cho biết, chưa bao giờ ông cảm nhận được tình thương và sự chấp nhận hoàn toàn như ở đây, và vì vậy ông khó kiềm chế được cảm xúc. Có hai cựu chiến binh phát hiện ra là họ lái xe về nhà trên cùng một tuyến đường xa, vì vậy họ và hai người vợ quyết định sẽ cùng làm một chuyến lái xe về nhà trong hai ngày để vừa đi vừa thưởng thức.

                          Từ sau khóa tu ấy, có một số cựu chiến binh đã trở lại tu viện Bích Nham hoặc đến tu viện Mộc Lan để tu tập. Họ cũng giữ liên lạc với nhau qua Facebook của nhóm.

                          Nhờ Thich Nhat Hanh Foundation bảo trợ kinh phí nên những việc đó đã được thực hiện. Cảm ơn sự thực tập hạnh bố thí của nhiều tăng thân và các bạn thiền sinh trên toàn thế giới. Sự yểm trợ về tài chánh của Thich Nhat Hanh Foundation đã tạo điều kiện cho các cựu chiến binh và gia đình của họ được đi dự khóa tu.

                          Với lòng biết ơn sâu sắc nhất, xin mời quý vị xem một đoạn phim ngắn về khóa tu này trên trang mạng https://www.youtube.com/ watch?v=nNOPne6GubU&list=PLNW70i8h5m_ tn567DFf8bKHdQzEM_VFUz

                          Anne Woods, Chân Đồng Xuân (True Collective Spring), là một luật sư đã về hưu, một cô giáo dạy võ và dạy yoga. Cô hiện đang thực tập với tăng thân Berkshire Mountain Laurel và thường xuyên về thực tập chánh niệm tại tu viện Bích Nham.

                          Từ suối thơm đến biển xanh

                          Thầy ở nhà thương

                          Đầu tháng giêng, Thầy được chuyển qua trung tâm phục hồi chức năng cũng ở trong khuôn viên nhà thương Bordeaux. Chỗ này phòng nhỏ hơn chỗ cũ, nhìn ra thấy đọt cây thấp thoáng. Ở đây họ tiếp tục cho Thầy tập nuốt, tập ăn, tập ngồi, tập đứng. Thầy cũng được tập đạp xe để kích thích dây thần kinh và cơ bắp để tập đi. Những ngày cuối tuần mà trời hơi ấm thì thị giả cũng đẩy xe Thầy ra parking đi một vòng. Nhìn Thầy ngồi sưởi nắng mà tôi trào nước mắt. Có thấy Thầy từ bất động đến tình trạng hiện giờ mới biết trân quý mỗi cử chỉ nhỏ nhoi mà Thầy làm được. Có một ngày Thầy kêu các thầy thị giả đẩy xe qua thăm khu nhà ban thị giả ở cách đó 20’. Ai cũng mừng vì thấy Thầy khoẻ đủ để đi xa như vậy dù sau đó Thầy phải nằm nghỉ rất lâu để lại sức.

                          Thời gian này tôi bắt đầu nấu xúp gạo lứt với rau để Thầy tập ăn thêm. Phải lọc rất kỹ để xúp mịn như da-ua thì nhà thương mới chịu chấp nhận và mỗi trưa thị giả chỉ được đút Thầy ăn (họ chỉ mình cách đút sao cho Thầy không bị sặc) khi có mặt họ để bảo đảm thức ăn không bị lọt vào khí quản. Nhiều người sau stroke đã bị chết vì nhiễm trùng đường phổi nên nhà thương rất kỹ về chuyện này, họ nghĩ rằng thức ăn chuyền vào đường bụng Thầy là đã đủ dinh dưỡng còn ăn bằng miệng chỉ để tập nuốt. Không ngờ Thầy biết đói bụng nên có một bữa tối, hiểu ra là Thầy đói chứ không phải đau bụng, thị giả bảo tôi nấu gấp cho Thầy rồi chạy về lấy đem qua vừa kịp giờ nhà thương đóng cửa. Sau đó dĩ nhiên là cho Thầy ăn bất-hợp-pháp vì ăn buổi khuya nào có nằm trong chương trình của nhà thương !!! Thấy Thầy nuốt được, khoẻ hơn, chúng tôi xin nhà thương cho Thầy ăn thêm buổi tối, họ đồng ý nhưng rồi họ không thể có mặt thêm vào buổi ăn chiều để “xem mình đút Thầy ăn”, mà họ không có mặt đồng nghĩa với chuyện mình không được làm vì họ sợ trách nhiệm. Thế là đành làm lén thôi, và mong biết bao Thầy hồi phục đủ để về nhà thì tha hồ ăn mấy bữa một ngày cũng được.

                          Tết tới, tôi theo sư cô Chân Không đi đi về về giữa nhà thương và Làng để có mặt cho các buổi lễ. Đón Tết trong nhà thương, cũng viết vài lời khai bút, mà nội dung chỉ xoay quanh sự cầu nguyện cho Thầy lành bịnh. Ngày mồng ba Tết cũng về dự được hội chợ của xóm Mới trong khi sư cô Chân Không hóa trang làm “ông đồ” bói Kiều cho thiên hạ. Lần đầu tiên tôi không chịu trách nhiệm làm một món ăn nào, nên đi lòng vòng thưởng thức đủ các món ăn của chị em một cách thong thả. Thấy ít ra mình cũng có ăn Tết.

                          Về lại Phương Khê

                          Đầu tháng tư, Thầy đòi về lại Làng. Thầy mặc áo lạnh, bắt thầy Pháp Hữu phải đưa Thầy ra xe đi về. Thầy Pháp Hữu gãi đầu: “Con mà đưa Thầy về mà không có phép bịnh viện thì con vào tù liền.” Sau đó Hội đồng bác sĩ chăm sóc cho Thầy phải họp ngay phòng Thầy để Thầy cho ý kiến, bàn tới điểm nào Thầy đồng ý thì Thầy gật đầu, điểm nào không đồng ý Thầy lắc đầu liền rất rõ ràng. Nghĩ rằng hoàn cảnh thay đổi sẽ giúp được cho Thầy nên họ đành ký giấy xuất viện và bảo lúc nào Thầy muốn trở lại cũng được. Về lại nhà Thầy rất vui và khoẻ hẳn ra. May là phía nội viện đã đóng xong cái sàn gỗ trong phòng Thầy và ở nhà ăn nên căn nhà như rộng hơn và dễ đi hơn. Sư cô Chân Không cũng nhờ thợ đổ xong một con đường xi măng quanh vườn để có thể đẩy xe Thầy đi dễ dàng. Thầy Pháp Duệ còn làm thêm một cái mái hiên bên hông nên có chỗ để dép không sợ mưa. Tôi về xóm kiếm mấy chậu lan đang ra hoa treo lên. Dễ thương lắm.

                          Chỉ khoảng mười ngày sau khi về Làng Thầy chứng minh cho thấy Thầy đã có thể nhai và nuốt được “bình thường” nên ai cũng giật mình – có thể Thầy đã hồi phục được phần nào khả năng này từ lâu mà mình không biết. Mình phải tin vào tuệ giác đòi rời bịnh viện trở về Làng của Thầy. Thế là từ đó tôi nấu cho Thầy ăn cơm ngày ba bữa chứ không còn ăn xúp nữa. Thầy ăn trả bữa nên nấu ăn cho Thầy hạnh phúc lắm tuy rằng phải kiêng cữ đủ thứ. Thầy lên cân từ từ. Chỉ trong vòng một tuần là đã thấy Thầy khác lắm.

                          Theo dự định, năm nay có chuyến hoằng pháp Đông Nam Á của Thầy gồm ba nước Nhật, Indo và Thái Lan. Khi tin Thầy bị stroke đưa ra, ban tổ chức khoá tu của ba nước đều vô cùng khó xử vì họ đang trong tiến trình tổ chức nhưng cuối cùng họ vẫn quyết định tiếp tục. Và vì thế, tăng thân Làng Mai cũng tiếp tục như những cam kết ban đầu. Dẫu biết rằng phải nối tiếp Thầy mới là điều Thầy mong muốn, nhưng trải qua những ngày tháng chứng kiến sự hồi phục từng chút của Thầy, sư cô Chân Không và tôi đều không yên tâm để đi đâu cả với tình trạng của Thầy hiện tại. Vậy mà vẫn phải đi. Đi vì không có Thầy thì các con lớn phải đại diện. Đi vì không thể hủy chuyến đi dạy ở Nhật một lần nữa, vì tôi trách nhiệm một phần tổ chức ở Nhật. Đi vì ở Indo ban tổ chức khẩn thiết mời sư cô Chân Không qua dạy thì họ mới dám quảng cáo cho khoá tu. Cho tới lúc này, chưa ai biết nhiều về một thầy cô giáo thọ Làng Mai nào khác ngoại trừ sư cô Chân Không vì sách của sư cô cũng “ăn khách” không kém sách Thầy ở Indo. Còn Thái Lan, không thể nào không đi vì đó có “nhà” của mình mà, chưa kể là Sư cô với tính cách “chị cả” thay mặt Thầy để thăm những sư em mới xuất gia trong hai năm qua. Thế là cuối tháng 4, bàn giao lại những chuyện đang làm và cả nỗi lo lắng trong việc chăm sóc Thầy, tôi xách vali, làm thị giả Sư cô, lại lên đường.

                          Qua Nhật

                          Chúng tôi ở chùa Nhật Tân ngay trong Tokyo của sư cô Tâm Trí. Các thầy cô của học viện Phật giáo Ứng dụng châu Á đã đến trước đó cả tuần để sắp xếp mọi chuyện nên không khí khá thoải mái. Ngày hôm sau chúng tôi chia ra nhiều nhóm đi khám phá Tokyo, có nhóm thì lo chuẩn bị cho buổi pháp thoại công cộng ngày 29/1. Tôi tháp tùng theo nhóm của sư cô Chân Không (lúc này đã có sư em Duệ Nghiêm tới từ Thái Lan làm thị giả sư cô) đi thăm vườn Nhật Hamarikyu, nơi mà trước đây, vào thế kỷ thứ 17, trực thuộc mạc phủ của gia tộc tướng quân Đức Xuyên Thị (shogun Tokugawa). Công viên rộng mênh mông, ở cổng vào có một cây thông cổ thụ lão đến nỗi một nhánh ngang phải dùng cây chống để khỏi trốc gốc. Nghe nói cây thông đó đã được 300 năm. Trong công viên có một cái hồ nhỏ trong đó có một trà thất để du khách có thể thưởng thức trà xanh và bánh ngọt được phục vụ theo kiểu nghi lễ. Chúng tôi đặt một phần trà bánh cho sư cô Chân Không và kinh ngạc nhìn chiếc bánh bé xíu vô cùng tinh xảo trên chiếc khay. Chiếc bánh đẹp và giống đến nỗi mình không dám ăn. Được biết là đang mùa hoa nào thì họ làm bánh theo hình dạng hoa đó.

                          Ngày 29 là buổi pháp thoại đầu tiên ở Nhật. Thầy Pháp Ấn được chia phiên giảng nhưng thầy đề nghị nên mời thêm các sư cô Chân Không, Diệu Nghiêm và thầy Pháp Đăng để có hình ảnh tăng thân thay thế Thầy. Chúng tôi chắp tay niệm Quan Âm để bắt đầu trong tiếng vĩ cầm réo rắt của sư cô Trai Nghiêm, như mọi lần. Nhớ tới Thầy và thấy như Thầy đang ngồi đó, giữa các thầy cô lớn của Làng Mai, lắng nghe chúng tôi với định lực hùng mạnh như bao giờ.

                          Ngày 30 được nghỉ để ban tổ chức khoá tu có giờ chuẩn bị. Chúng tôi, những người còn lại, được thượng tọa Issho Fujita của phái Tào Động và cô chú của sư cô Trai Nghiêm hướng dẫn đi thăm Kamakura, một thành phố trong quá khứ là một đô thị quan trọng và có nhiều kiến trúc đặc sắc, bây giờ là một thành phố cổ thu hút du khách quốc tế. Chúng tôi đi bằng xe lửa và dạo bộ trên những con đường đất đơn giản như những kiệt ở Huế.

                          Nhà hai bên đường nhỏ và xinh. Những bụi trúc xanh dọc đường gợi nhớ những con đường làng quê hương. Buổi sáng chúng tôi đi thăm chùa Engaku, một trong “ngũ sơn” của thiền phái Lâm Tế ở Kamakura. Những chùa còn lại của ngũ sơn là Kencho (tổng hành dinh của phái Lâm Tế), Jufuku, Jochi, và Jomyo. Chùa Engaku là nơi mà thiền sư Suzuki bắt đầu học hỏi về thiền nên rất nổi tiếng. Khi đi dạo trong khuôn viên chùa, chúng tôi bắt gặp hai vị tu sĩ trẻ trong y phục tu sĩ màu xanh, mang đôi guốc gỗ (đúng kiểu đôi guốc gỗ đặc trưng của Nhật) đang di chuyển. Hình ảnh này rất tự nhiên, nhưng tự dưng toát ra phong thái của một xuất sĩ trong tu viện và khác vô cùng với các vị xuất sĩ mặc âu phục hay có gia đình ở Tokyo mà tôi đã từng được gặp. Chúng tôi ăn trưa theo kiểu pic nic ở đền thờ thần đạo Hachimangu. Buổi xế, chúng tôi đi thăm chùa Kotoku của Tịnh Độ Tông, nơi có tượng Bụt A Di Đà nổi tiếng lớn vào hàng thứ hai ở Nhật.

                          Ngày 1/5, di chuyển lên thành phố Yamanashi. Ngủ đêm ở một nhà trọ có suối nước nóng chảy qua nên ai cũng hạnh phúc, hôm sau lên chỗ tổ chức khoá tu ở một khách sạn lớn dưới chân núi Phú Sĩ.

                          Núi Phú Sĩ
                          Đã qua Nhật một lần nhưng tôi chưa có cơ hội được nhìn núi Phú Sĩ, ngọn núi quanh năm tuyết phủ tuyệt đẹp nổi tiếng thế giới. Lần này, khóa tu được tổ chức ngay một khách sạn dưới chân núi nên tôi tha hồ mà ngắm cảnh buổi sáng, buổi chiều, nhất là giờ ăn (vì phòng ăn có cửa kiếng nhìn ra phía núi) và giờ thiền hành. Lúc nào nhìn cũng thấy đẹp, cũng thở một hơi dài ý thức là mình hạnh phúc biết bao khi còn có thể nhìn được. Hôm khoá tu chấm dứt, ban tổ chức cho đi thăm núi, xe lên đến trạm thứ 5 ở độ cao 2,305 mét, thì dừng lại. Từ đây đến đỉnh không dùng xe được nữa, phải leo tiếp khoảng ba tiếng nữa mới lên tới đỉnh. Chỉ có khoảng một tiếng để ở đây nên tôi đành đóng vai “cưỡi ngựa xem hoa” ở những gian hàng lưu niệm và ngôi đền thần đạo. Có một chỗ mà mình có thể tự đóng dấu chứng minh mình đã ở trạm thứ 5, tôi đoán là dành cho người leo núi lưu ký ở từng trạm, nhưng cũng hí hởn xin tờ giấy, trịnh trọng đóng con dấu mực tím hình núi Phú Sĩ vào. Sư cô Hỷ Nghiêm rủ tôi ra chụp hình ở địa điểm có thể thấy núi rất gần. Gần đủ để tôi thấy rõ đây là chỗ cuối cùng còn tuyết.

                          Chỗ chúng tôi đứng chụp hình tuyết tan rất lầy lội còn lên trên một chút là những tảng tuyết cứng như băng đang trong hình thể chảy dài xuống. Đất ở đấy không còn cây nữa và đen như than. Tôi nhìn ngọn núi bây giờ như một chiếc bánh “black cake” hình tháp đang phủ kem trắng và bật cười với ý nghĩ so sánh đó. Sau này, khi máy bay bay ngang núi Phú Sĩ, thầy Pháp Hộ đã quay được đỉnh núi nhìn từ máy bay xuống với vài ngọn khói còn bốc lên leo lét. Tôi nào có nghĩ mình sẽ được thấy đỉnh núi Phú Sĩ như vậy đâu.

                          Khóa tu chấm dứt, mọi người hạnh phúc như bao nhiêu khóa tu đã từng có ở các nơi khác bỏ qua sự vất vả của ban tổ chức. Trên đường về lại Tokyo chúng tôi được đãi một món vô cùng đặc biệt: mỗi người một tô mì Udon to “khủng khiếp”, mà ăn hết mới tài. Nhà hàng vừa xách tô mì to như cái nồi có quai cầm ra để trước mặt một người là bắt đầu có tiếng cười khúc khích, và flash lóe lên. Ai cũng muốn có một bức hình với tô mì đặc biệt này vì ở Nhật, thứ gì cũng tinh tế đầy nghệ thuật và nhỏ chút xíu, những bữa ăn trong khoá tu thường là không đủ lượng cho những người ăn khoẻ. Nhưng tô mì vĩ đại này trong một khung cảnh rất Nhật đột nhiên gợi nhớ tới một tính cách khác của Nhật: rất mạnh mẽ, quyết liệt với đời sống khắc nghiệt, một hình ảnh người nông dân ăn chắc mặc bền còn nghệ thuật là thứ yếu.

                          Những ngày còn lại ở Tokyo là ngày tu chánh niệm cho nhiều thành phần: chuyên gia y tế, doanh nhân, xuất sĩ, người Việt. Cũng trong những ngày này chúng tôi có tin Thầy đau bụng phải nhập viện gấp ở La Reole. Đích thân bác sĩ Rounet (trách nhiệm về Thầy ở bịnh viện Bordeaux) xuống thăm và khi Thầy ngỏ ý muốn rút ống G-tube ra, bác sĩ bảo điều đó cũng đơn giản, một vài hôm nữa Thầy khoẻ hơn sẽ làm. Ai ngờ là sau đó, Thầy đã tự mình giật lấy ống dẫn thức ăn ra khỏi bụng rồi nằm cười tủm tỉm. Thị giả đổi phiên trực không biết, mãi sau đó mới khám phá ra và kêu y tá vào sát trùng. Chắc là rất đau, nhưng … Thầy mà. Bác sĩ Rounet cười, quá biết tính cách của Thầy: “Il a toujours son propre projet” (Thầy luôn luôn có kế hoạch riêng của mình). Càng ngày sự hồi phục của Thầy càng tiến triển. Chân trái của Thầy cũng đã bước đi được những bước đầu tiên và Thầy đã có thể ngồi một mình trên băng ghế ít phút mà không cần người vịn.

                          Ghé Indonesia

                          Ngày 13/5 từ Nhật bay đi Indo, được ban tổ chức cho lên thẳng chỗ sẽ làm khóa tu cách đó khoảng 3 tiếng lái xe. Tới nơi trời đã tối mịt, chỉ thấy xe chạy vòng vòng như lên núi. Xuống xe ngỡ ngàng nhìn căn nhà mình sẽ ở mà ngạc nhiên. Nhà đẹp và sang quá. Mỗi ngôi nhà có nhiều phòng, có bếp, có phòng khách, chị em các nơi lâu nay xa cách giờ gặp nhau thật vui. Người Indo hiếu khách, sư em người Indo lại quá biết tâm lý của chị em phương Tây về châu Á nên trái cây nhiệt đới và bánh trái địa phương để đầy bàn. Họp cho khoá tu rất sôi nổi và không ai từ chối nhiệm vụ được giao vì không có Thầy, tinh thần tự nguyện bỗng thật cao. Huynh đệ học cách chia nhau những trách nhiệm mà mọi lần, có Thầy thì không ai phải làm.

                          15 – 20: Khóa tu đông như mọi lần. Cũng những chia sẻ rất thật và cảm động. Nhóm pháp đàm của tôi có cặp vợ chồng thí chủ cúng đất để xây trung tâm Làng Mai Indo. Họ kêu nhân viên đi dự khoá tu và lập tăng thân trong sở làm. Tôi gặp một gia đình gồm ba mẹ con người Việt từ Singapore qua dự. Họ thích đi khóa bằng tiếng Anh để xem thử ra sao.

                          Khóa tu chấm dứt, được một ngày nghỉ. Tôi đi thăm vườn rau organic gần đó. Đúng là organic, cỏ dại mọc đầy, không vui bằng đi thăm vườn nhà mình vì cố gắng lắm cũng không mua được nhiều loại rau như mình tưởng.

                          Về lại Jakarta, chúng tôi chia nhau ở ba khu nhà khác nhau trong khi các thầy thì ở chùa của sư phụ thầy Pháp Tử. Mỗi khu nhà chăm sóc khách của mình riêng biệt. Tôi ở chung với sư cô Chân Không và thị giả. Chủ nhà người Hoa nên cưng sư cô bằng cách ngày nào cũng cho ăn những món ăn rất ngon, tôi ăn ké chắc cũng lên cân.

                          Thăm đất mới

                          Ngày 11/6 có pháp thoại của Sư cô Chân Không và thầy Pháp Đăng ở chùa Ekayana. Ngày 12 bay đi Yogakarta, từ đó đi xe lên đất mới. Buổi chiều là lễ đặt đá ở đất mới. Chúng tôi tới sớm để làm lễ tẩy tịnh xong người dân địa phương mới tới dự. Họ mặc những bộ đồ cổ truyền đẹp đẽ và đãi bánh trong những hộp lá chuối rất địa phương và ngon. Họ làm lễ theo nghi của họ xong thì chúng tôi tụng kinh để cầu nguyện, ban phước cho đất mới.

                          Sau đó chúng tôi về Kaloran, ở ngay khách sạn Borobudur. Năm xưa chỉ có Thầy và một nhóm nhỏ được ở đây vì số phòng giới hạn, năm nay cả đoàn đều được ở. Buổi ăn được đặt ở phòng ăn ngoài trời như chuyến trước lại làm tôi nhớ tới Thầy. Hôm sau, vì đã ở sẵn trong khách sạn nên đoàn lên thăm Borobudur rất sớm. Đi từ lúc trời còn tối hù để lên xem mặt trời mọc. Tôi đi cho Thầy. Mỗi bước chân đều nhớ là Thầy đang tập đi ở Nội Viện. Đi lên tới tầng cao nhất, ngồi xuống, cũng nhớ ngồi cho Thầy, nhớ Thầy đã ngồi đây bốn năm về trước. Ngồi thiền chờ xem mặt trời mọc mà hôm nay có mây nên không thấy mặt trời, nhưng mặt trời có mất đâu mà lo. Tôi đi thiền hành nhiều vòng ở mỗi tầng, từ cao xuống thấp. Mỗi bước chân lại niệm Bụt, niệm Thầy.
                          Cuối tháng, đi tiếp chặng chót là Thái Lan.

                          Vườn xoài Thái

                           Làng Mai Thái Lan đẹp quá. Chỉ có hai năm mà tu viện đã khác nhiều. Những cây phượng đã cao khỏi đầu người, tỏa bóng mát và ra hoa, nhất là cây phượng gần cốc Thầy nở đầy những đoá hoa đỏ thắm trên nền lá xanh dù mới bước vào đầu hè. Cốc Thầy đã xây xong, nhỏ thôi, nhưng là nhà sàn và khang trang. Người Phật tử cúng dường tiền xây cốc đã lựa chọn loại gỗ thật tốt. Tôi đi thăm cốc Thầy, lòng bâng khuâng biết có khi nào Thầy sẽ về được đây để cốc ấm hơi người.

                          Ngày tôi đi Thầy còn yếu lắm. Mới ăn lại được thôi. Chặng đường hồi phục còn rất dài mà tuổi người đã cao, sức khoẻ vốn dĩ xưa nay cũng không tốt chi. Nhưng Thầy hồi phục được chút nào tôi mừng chút đó. Cứ nhớ hoài lúc Thầy nằm mê man và bác sĩ lắc đầu thì lúc đó mình chỉ mong Thầy ở lại với đời còn “sao cũng được”. Bây giờ Thầy đã xuất viện, đã hồi phục trí nhớ, đang khoẻ từ từ, thì đừng tham lam quá, tôi nhắc mình như vậy.

                          Cốc của Sư bá Giác Viên cũng đã xây xong ở gần đó. Những con đường lầy lội đất đỏ đã được trải đá trắng nên việc di chuyển giữa các xóm dễ dàng hơn rất nhiều. Ba căn nhà lá dựng thành hình chữ U dành cho cư sĩ nữ đã được xây xong. Thiền đường đã được sửa lại, có vách để che mưa che nắng và một nhà bếp sắp hoàn thành để thế chỗ cho căn nhà tranh dành làm chỗ ở tạm cho cư sĩ nam. Xóm quý thầy tre cũng đã lên dầy làm thành một hàng rào tự nhiên bảo vệ tăng xá. Và chỗ mà năm nào Thầy dẫn đại chúng ra ngồi thiền mỗi sáng với các vị Bụt bằng đá rải rác đã trở thành thiền đường Vách Núi rất dễ thương vì không còn cây dại, chỉ toàn một màu cỏ xanh.

                          Buổi sáng sau hôm mới tới, tôi rủ một sư em đi dạo. Ngang vườn xoài đầy trái, thấy trái vàng rụng đầy tôi ham quá, lượm cả ôm đem về. Sư em đi cùng chỉ những trái còn xanh trên cành mà đã biết là trái nào ăn được và hái cho tôi ăn thử. Thế là chỉ mới ngày đầu tiên tôi đã ăn sáng bằng ba trái xoài. Đúng là ở nhà vườn (nhà có vườn) thật khác với ở thành thị. Những ngày sau đó tri khố ưu ái khi thì xoài, lúc thì dừa, lâu lâu thì sầu riêng, nhãn, măng cụt, còn đu đủ thì đi quanh xóm thấy trái vàng cứ hái. Nghe nói những cây đu đủ trồng mấy năm trước bây giờ trĩu quả ăn không hết. Và các sư em Trăng của tôi, vườn ươm Việt Nam và Thái Lan cũng trồng giỏi quá nên bây giờ tôi không cách nào nhớ tên tất cả (để biện minh cho cái trí nhớ bắt đầu làm reo của mình đó vì cứ phải hỏi lại tên các sư em hoài).

                          Hôm sau sư cô Chân Không chiếu cái video clip quay Thầy đang ăn ở Sơn Cốc. Thấy hình ảnh Thầy khoẻ, tự ăn được, đại chúng mừng quá. Nhiều sư em xuất gia nhưng chưa từng gặp Thầy, bây giờ được thấy tận mắt (dù là qua clip) vô cùng hạnh phúc.

                          Không có Thầy, sư cô Chân Không phải thế vào đó. Sư cô lắng nghe từ người lớn đến người nhỏ, giải quyết chuyện từ Thái Lan đến Việt Nam, chụp hình với các sư cô sư chú trẻ chưa từng được gặp Thầy. Các sư em thuộc gia đình Cây Sồi Đỏ đang ở Việt Nam cũng được mời về để Sư cô gặp mặt. Một nhà đoàn tụ vui quá chừng. Tôi thì ngoài việc giúp cho khoá tu ở Wang Ree, chỉ ở lại trung tâm để chơi với các sư em, để nghỉ ngơi sau hơn nửa năm chăm sóc Thầy.

                          Cũng trong tháng 6, gọi về Làng nghe tin Thầy đã thỉnh thoảng niệm theo được danh hiệu Quan Âm, đã đủ sức lên xe đi thăm xóm Mới một ngày. Dĩ nhiên Thầy vẫn còn những đau nhức, những khó chịu trong thân, nên mỗi tiến bộ chút chút của Người là một cố gắng lớn. Tôi học được từ Thầy mỗi ngày, ngày Thầy khoẻ cũng như lúc Thầy bịnh, học từ sự chịu đựng cũng như ý chí, từ sự kiên nhẫn tới lòng từ bi với học trò.

                          Khoá tu xuất sĩ vừa bắt đầu thì Sư cô Chân Không và tôi rời Thái Lan. Xa Làng đã quá lâu rồi. Những gì cần phải làm đã làm xong. Mà thật ra có bao giờ là xong khi việc xây dựng tăng thân là việc cả đời.

                          Tre Phương Khê

                          Về lại Pháp. Rừng tre tại nội viện xanh mát. Các thầy thị giả giỏi ơi là giỏi, đã dựng một chiếc lều bằng tre trong rừng tre ở Sơn Cốc, có tấm phản tre để Thầy và thị giả cùng uống trà bên suối. Thầy bắt đầu di chuyển được với sự giúp đỡ của thị giả. Thầy tập “đi” mỗi ngày. Có lúc đi cả ra rừng tre dù đất lồi lõm với những gốc tre cắt không sát.

                          Sức khoẻ Thầy cũng ổn định hơn. Chúng tôi mời người tới để phục hồi chức năng nói của Thầy, mời nhiều bác sĩ với phương pháp trị liệu khác nhau tới nhưng chưa có kết quả khả quan lắm. Nên cuối tháng sáu, khi nghe nói ở bệnh viện UCSF bên Mỹ có máy tập đi cho người bị đột quỵ rất có kết quả thì Thầy ra dấu muốn đi Mỹ. Ngày nào Thầy cũng ra lịnh sư cô Chân Không và hai thầy Pháp Dung, Pháp Linh lo việc cho nhanh. Thế là sau mọi liên lạc cần thiết, sau những kết quả khám tổng quát khả quan, vừa bước vào tuần đầu của khoá tu mùa hè thì ban thị giả khăn gói theo Thầy leo lên phi cơ bay qua Mỹ.

                          Lúc đầu chúng tôi rất lo. Lo vì không biết tình trạng não của Thầy có an toàn khi máy bay lên cao không, lo vì chuyến bay dài hơn 9 tiếng không biết Thầy có chịu nổi không, v.v. Nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của một mạnh thường quân Mỹ có chuyên cơ riêng, bảo đảm chỉ bay ở độ cao 10,000 mét, “êm như ở trong nhà”, cộng với sự đồng ý của nhiều bác sĩ và có bác sĩ Thái từ Paris xuống cùng đi để cứu cấp khi cần thiết nên chuyện Thầy qua Mỹ đã được thực hiện.

                          Biển xanh

                          Ngày 11 tháng 7, Thầy tới phi trường San Jose, bình an, không đuối sức lắm. Thầy Pháp Linh và Pháp Siêu, Pháp Huy đã đem xe đến tận chỗ đậu máy bay để đón Thầy. Có hai chỗ ở để chọn lựa là ở San Jose và San Francisco. Dù ở đâu thì ê kíp bác sĩ của UCSF cũng đồng ý tới tận nhà để làm việc với Thầy hai lần một tuần. Lúc đầu Thầy về San Jose vì gần phi trường và rộng rãi nhưng sau một tuần nghỉ ngơi, khi đi lên San Francisco để khám bịnh thì thấy đường đi quá lâu vì bị kẹt xe, khám bịnh xong Thầy về nhà ở San Francisco nghỉ ngơi và quyết định ở lại San Francisco luôn. Hôm đó, tôi và sư cô Trung Chính đang nấu ăn chiều cho Thầy thì được điện thoại báo tin là đem đồ ăn, và dọn luôn cái bếp, lên San Francisco. Hai chị em nấu nướng và dọn dẹp trong một thời gian kỷ lục rồi xách va-ly, đóng thùng thức ăn (vừa đi chợ hồi sáng nữa chứ) leo lên xe di chuyển tiếp.

                          Căn nhà ở San Franciso khá lớn, có cái bếp và tủ lạnh, tủ đựng ly chén rất lý tưởng nên ban nhà bếp vui lắm. Có tủ riêng để đồ ăn chúng và tủ riêng để đồ ăn cho Thầy. Căn nhà ở một vị trí rất đẹp, nhìn ra có thể thấy biển xanh và cầu Golden Gate. Ở đây ra biển mất 30 phút đi bộ và xuống phố cũng khá gần, nhất là có xe buýt công cộng ngay góc đường. Nhà ở trên cao nên gió mát rất sướng, tuy nhiên đi đâu cũng phải leo dốc mới về được nhà nên tôi tha hồ mà tập thể dục mỗi khi ra ngoài. Thầy và nhà bếp ở một tầng, hai tầng còn lại dành cho ban thị giả. Chúng tôi nằm đất, khắp chốn, mới đủ chỗ. Thậm chí có hai thầy còn giăng lều trên sân thượng. Có giờ rảnh ai cũng ra ngoài thiền hành vì khí hậu dễ chịu, có không gian. Sư cô Trung Chính ngày nào cũng ra biển. Tôi thì lâu lâu mới đi một lần vì làm biếng leo dốc trở về. Nhưng cũng có ngày tôi đem theo thức ăn sáng đi với sư cô ra biển ngồi ăn. Có ngày tôi đi với sư cô ra biển ngắm … biển. Biển vùng vịnh thật êm, sóng không mạnh và xanh lắm. Trên đường ra biển đi ngang một công viên có cái hồ, sư cô Trung Chính và tôi thích đem bánh mì vụn, cơm khô ra rải cho chim bồ câu và vịt ăn. Nếu mình để cơm trong lòng bàn tay thì có những con chim rất dạn tranh nhau bay lên đậu ngay cánh tay để mổ cho gần rất thích.

                          Tôi và sư cô Trung Chính chia nhau nấu ăn cho Thầy đỡ ngán vì Thầy phải kiêng cữ khá nhiều mà số lượng rau củ để chọn lựa thì có giới hạn. Ngày nào tôi cũng lên mạng lục tìm thêm món này món kia để thay đổi khẩu vị cho Thầy. May là ở Mỹ có bán đồ hữu cơ nhiều, thức ăn dinh dưỡng và thức ăn thuộc dạng kiêng khem cũng nhiều nên tôi tha hồ thí nghiệm. Không biết về Pháp rồi nấu làm sao đây!!

                          Nhìn cầu Golden Gate đi

                          Có một ngày trong tháng 9, ông chủ nhà tới thăm Thầy và thấy chúng tôi ở chật quá, nhất là Thầy phải ở ngay phòng khách sát bếp bị tiếng động ồn suốt ngày vì bếp ngoài việc nấu ăn cũng là nơi ăn của ban thị giả, nơi tiếp khách tới thăm nên ông hoan hỷ mời mình sử dụng luôn ngôi nhà còn lại của ông ở kế đó, chỉ cách nhau một bãi cỏ với vài cây phong già cành lá sum suê. Thật ra ông ta cũng đã có dự định mời mình sử dụng ngôi nhà đó lâu rồi nhưng vì đã lỡ hứa cho khách của ông tới thăm ở lại nên ông ta tính chờ sau khi khách rời thì mới mời mình dọn vào. Bây giờ thương Thầy, thương mấy thầy mấy sư cô quá nên ông quyết định để khách của ông ở chỗ khác cho mình có thể sử dụng nhà sớm. Thế là Thầy và ban thị giả nam dọn qua nhà mới rộng rãi nhiều phòng hơn, còn các sư cô thị giả ở lại nhà cũ.

                          Ở nhà mới có nhiều phòng nên ban thị giả có nhiều không gian hơn, nhất là có phòng để làm thiền đường ngồi chung với nhau mỗi sáng. Phòng Thầy có cửa kiếng lớn nhìn ra cầu Golden Gate. Thầy hay ngồi nhìn phía đó. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm Thầy buổi sáng sau giờ ngồi thiền, Thầy giơ tay chỉ cây cầu cho tôi ngắm. Có ngày cây cầu chìm trong sương sớm nhìn không rõ, Thầy vẫn chỉ. Thầy vậy đó bạn hiền, dù bịnh, không quên nhắc nhở học trò về giây phút hiện tại. Tôi nghĩ tới thiền ngữ “Uống trà đi” chắc có thể có thêm phiên bản mới: “Nhìn cây cầu đi”.

                          11/10. Hôm sinh nhật Thầy nhiều người tới dự lắm dù mình không báo cho ai biết. Vì đang trong chuyến hoằng pháp Mỹ nên có đông anh chị em xuất sĩ có mặt. Một số cư sĩ biết tin cũng kéo tới. Thầy mặc áo tràng, “đi” ra ngồi trên một chiếc ghế chứ không ngồi xe lăn. Đại chúng niệm bồ tát Quan Thế Âm Thầy cũng niệm theo. Đại chúng hát Thầy đánh nhịp. Khi thổi nến sư cô Chân Không phải rút cây nến đưa cho Thầy, Thầy cầm cây nến xoay một vòng rồi thổi tắt. Ai cũng cảm động. Thiệt ra trước giờ tôi nào thấy Thầy thổi nến sinh nhật, Thầy cũng không thích những chuyện như vậy vì tính Thầy rất hay ngại, nhưng biết sự có mặt của Thầy đem hạnh phúc đến cho tất cả mọi người nên Thầy chịu khó đi ra. Nhiều người bật khóc. Tôi thì cười mà trong lòng rưng rưng, Thầy ơi, sao Thầy chiều con của Thầy quá vậy?

                          Thực tập

                          Thầy khoẻ hơn, nên hai hôm sau Thầy bắt đầu ra thiền đường ngồi thiền với đại chúng mỗi sáng. Đây là một bước tiến lớn trong quá trình hồi phục của Thầy. Chúng tôi hô canh, ngồi thiền nửa giờ, rồi làm sám pháp địa xúc. Ông chủ nhà hay tới ngồi thiền chung. Bà bác sĩ riêng của Thầy trong UCSF cũng thỉnh thoảng ghé qua vì nhà bà gần đó. Có khi ông chủ nhà dẫn những người ông quen mà muốn thăm Thầy tới ngồi thiền để được chào Thầy. Có nhiều người quen Thầy và cũng quen cả ông chủ nhà nghe tin Thầy đang ở nhà ông thì cũng ghé tới ngồi thiền, thăm hỏi như ông Jack Kornfield (trung tâm Spirit Rock ở Bắc Cali, dạy thiền Vipassana), ông Robert Thurman (dạy ở Columbia University về Phật giáo, học giả về Phật giáo Đại thừa nhất là Tây Tạng), ông Gary Shandling (danh hài nổi tiếng của truyền hình Mỹ), v.v..

                          Vui nhất là có một cô hàng xóm cũng xin tới ngồi thiền mỗi ngày với chúng tôi. Cô ngồi rất siêng, không vắng buổi nào. Rồi cô viết một tấm thiệp cám ơn các thầy và các sư cô đã cho cô ngồi thiền chung và cúng dường. Không biết chúng tôi giúp cô hay cô giúp chúng tôi vì sự siêng năng của cô, làm nhiều bữa mệt quá, tôi tính “cúp cua” một bữa, chợt nhớ có cô hàng xóm chịu khó dậy sớm đi bộ tới để ngồi với mình mà mình không có mặt thì hơi kỳ, thế là ráng đi, để rồi nhận ra cái mệt đó cũng không thiệt là mệt mà còn có chút làm biếng trong đó.

                          Mỗi ngày mà nắng đẹp thì Thầy ra sân đi thiền hành với mọi người. Đi, có nghĩa là Thầy ngồi xe cho thị giả đẩy vòng vòng trong sân. Những thân hữu đem cơm cho ban thị giả hay muốn tới thăm Thầy mà đủ duyên, gặp hôm Thầy đi thiền hành thì được đi chung luôn. Những ngày khoẻ nhiều Thầy làm dấu cho thị giả đẩy xe ra đường, đi vòng quanh khu phố. Ở đây không có người qua lại nhiều nên có hôm, tăng thân vùng nam Cali lên thăm Thầy, tới mấy chục người mà đi thiền hành theo xe Thầy không làm cản trở lưu thông gì cả.

                          Tấm lòng Bồ tát

                          Không phải chỉ cho mượn chuyên cơ để di chuyển, nhà để ở mà mọi chi phí điện nước chúng tôi đều không phải trả vì Marc, ông chủ nhà, quả thật rất tử tế. Cali những ngày này thiếu nước trầm trọng, nhiều nơi phải để cỏ chết vì không được phép tưới nước, nhà nào cũng được khuyến cáo hạn chế sự tiêu dùng mà chúng tôi thì đông, đương nhiên sử dụng nhiều hơn mức bình thường, nhưng ông không hề nhắc nhở dù rằng tôi nghĩ ông nhắc nhở thì cũng đúng thôi.

                          Đã vậy, bà vợ ông, Lynn, đã nhờ cô y sĩ Peggy là bác sĩ đông y riêng của ông bà khám và châm cứu cho chúng tôi, tất cả thị giả của Thầy. Cô Lynn nói là thị giả có khoẻ thì mới giúp Thầy được nên rất muốn cô Peggy chăm sóc sức khoẻ cho chúng tôi luôn. Chi phí châm cứu của cô Peggy rất cao, ấy vậy mà sau khi được cô Lynn nhờ, cô Peggy đã làm miễn phí cho chúng tôi mỗi tuần hai lần. Coi như ai vừa đau là tới cô Peggy chữa liền. Và bất kể giờ nào, hễ Thầy đau là cô tới ngay để giúp Thầy.

                          Bà bác sĩ Vail cũng vậy, là bác sĩ riêng của Marc, là một trong những bác sĩ giỏi của UCSF, phụ trách trường hợp của Thầy và cũng lo luôn cho chúng tôi từ đi thử máu, chụp hình tới chích ngừa cúm. Chúng tôi hay nói đùa là Marc “bao trọn gói”, vì thỉnh thoảng đặt pizza, cà rem đem tới cho chúng tôi, thỉnh thoảng lại mời chúng tôi qua nhà ông ta để chơi với gia đình ông ngày cuối tuần.

                          Có một bác sĩ khác, bác sĩ Quốc, dạy và làm việc ở UCSF, tình cờ được biết đến tình trạng Thầy do chữa trị cho một người thiền sinh, đã liên lạc xin chữa bệnh miễn phí cho Thầy và chữa rất hay, làm Thầy bớt đau rất nhanh. Và dĩ nhiên hương lành bay xa nên học trò Thầy cũng níu áo bác sĩ Quốc: người đau vai, kẻ đau tay, đau lưng… Có một bữa bàn tay phải của tôi bỗng dưng bị đau, cầm đôi đũa không vững. Tôi vội vàng “xếp hàng” chờ gặp cho được bác sĩ Quốc vì nếu không chữa thì khỏi nấu ăn cho Thầy luôn. Chưa tới 5 phút bấm bấm kéo kéo, bàn tay tôi đã hết đau liền trong sự vô cùng kinh ngạc của tôi. Bác sĩ Quốc đông bệnh nhân đến nỗi không chịu nhận bệnh nhân mới và không có nhiều giờ rảnh nên phải lấy giờ ăn trưa hoặc giờ nghỉ cuối tuần để tới chữa cho Thầy.

                          Còn ông nha sĩ Blende, nổi tiếng hàng đầu ở San Francisco và cũng tính tiền rất mắc, khi yêu cầu cô thư ký đừng lấy tiền của mình sau khi ông mổ cho Thầy và cô thư ký hỏi: “Tại sao không ghi khi đó là một số tiền lớn như vậy?” ông đã trả lời: “Nếu cô làm cho đức Giáo Hoàng thì cô có lấy tiền không? Đây cũng vậy” (dĩ nhiên sau đó mình vẫn phải trả những dịch vụ khác như gây mê, tiền phòng, v.v..). Chẳng những làm không lấy tiền, sau đó mỗi khi Thầy có vấn đề về răng ông cùng ê kíp của mình đến tận giường Thầy để chữa miễn phí và ông tuyên bố: “I am the dentist of Thich Nhat Hanh” (tôi là nha sĩ của Thầy Nhất Hạnh).

                          Thuyết giảng

                          Ông chủ nhà là CEO một công ty lớn nhưng ông đọc sách Thầy nhiều, đứng ra mời nhiều CEO khác tham dự một ngày quán niệm do Thầy hướng dẫn tại nhà ông hai năm trước, và rất thích sự tu tập của Làng Mai. Nếu năm nay Thầy không bịnh ông đã dự định mời Thầy giảng trước 150,000 người rồi.

                          Bây giờ không có Thầy, thì còn … con Thầy. Các thầy và sư cô thị giả cũng được mời hướng dẫn nhân viên ông về cách tu chánh niệm. Khoảng vài tuần là mình đi hướng dẫn hai, ba buổi cho hai, ba bộ phận trong công ty. Công ty ông lớn nên có nhiều bộ phận và mỗi bộ phận mời mình vào ngày giờ khác nhau. Mỗi lần đi chỉ có hai, ba thầy và sư cô thôi nhưng họ hạnh phúc lắm. Mình chia sẻ gì họ cũng thích hết. Có ngày mình cho một bài pháp ngắn. Có ngày mình cho thiền hướng dẫn. Có ngày mình cho vấn đáp, v.v.. Tùy vào khả năng và sở thích của các vị thị giả mà mỗi buổi hướng dẫn có hương vị khác nhau. Còn sư cô Chân Không đi làm răng ở Ventura mà vì phải ở lại mấy ngày, cũng ra thuyết pháp trong một đạo tràng niệm Phật A Di Đà. Sư cô dạy thiền buông thư, thiền lạy và cho vấn đáp sau bài pháp thoại về Thiết lập truyền thông. Họ thích quá, nài nỉ lần tới sư cô có dịp ghé thì cho luôn một khóa tu năm ngày thì mới đủ.

                          Tháng 11

                          Đầu tháng, tôi bay về Lộc Uyển vì có cuộc họp. Có dịp đi thăm ni xá mới xây xong. Rốt cuộc rồi sau bao nhiêu năm chờ đợi bây giờ các sư cô đã có một chỗ nghỉ ngơi ấm áp và được ở với nhau. Vách làm bằng rơm nên khá dầy, do đó diện tích ở thật sự nhỏ hơn sự hình dung của tôi khi nhìn bảng vẽ. Tôi nghĩ bụng sợ không đủ chỗ ở cho cả chúng nữa ấy chứ. Mình về thăm chưa chắc đã còn chỗ để ở.

                          Về lại San Francisco, tôi sắp xếp để giữa tháng về Pháp lo việc khai thuế năm 2014 cho xong. Cả năm nay bận quá, dịp hẹn tháng tư thì tôi đi châu Á, hẹn tháng bảy thì tôi qua Mỹ với Thầy, bây giờ chỉ còn cái hẹn cuối năm không thể nào dời được. Ngày 14 tôi lên máy bay thì ngày 13 nghe tin vụ thảm sát ở Paris với 129 người chết, rúng động toàn thế giới. Giữa lúc Pháp đang nằm trong tâm điểm của sợ hãi mà nghe tin tôi sẽ về Pháp hôm sau ai cũng lo. May là tôi đi Turkish Airline nên máy bay không bay ngang Paris. Khi đổi chuyến ở Istanbul tôi nhìn màn hình phi trường, thấy vẫn có chuyến bay từ Istanbul về thẳng phi trường Charles de Gaule. Cuộc sống vẫn tiếp diễn thôi!!

                          Về lại xóm Mới, tôi vui quá. Đã một năm tròn tôi không ở xóm Mới, chỉ xẹt qua xẹt về mỗi khi có chuyện. Các sư chị sư em làm lễ đếm thẻ, lễ đối thú. Tôi sẽ làm sau khi về lại San Francisco, về lại “nội viện Thái Bình Dương”. Mọi người lên xóm Thượng để làm lễ đối thú bắt đầu cho khóa An cư kết Đông, tôi khoác áo lạnh đi thiền hành. Xóm Mới đẹp quá. Những cây hồng trĩu trái vàng chín trên bãi cỏ xanh. Từ đất Cali thiếu màu xanh qua đến đây ngỡ ngàng khi thấy cỏ mọc cắt không kịp. Bụi hoa nào cũng đẹp, dù chỉ mới chúm chím nụ.

                          Tôi ra tới vườn rau, lòng hạnh phúc. Các sư em đã trồng được ngò gai rồi, xanh ngăn ngắt. Đi quanh quanh những luống rau xanh, tôi nhìn cây cải bẹ xanh tươi nõn mà nhớ tới bánh xèo. Không biết Nhẫn Nghiêm đã có dịp đãi bánh xèo cho ban thị giả chưa. Buổi tối, có sư em Tông Nghiêm, Huệ Hiền ngồi chơi. Nghe sư em Tông Nghiêm kể chuyện đi giảng ở khóa tu Nam Mỹ mà tôi vui quá. Mùa thu này các sư em giáo thọ trẻ đã “ra quân” đi dạy ở nhiều nước. Đi dạy chung với tăng thân, với các sư anh, sư chị lớn giúp các sư em trẻ lớn rất nhanh. Sư em Tông Nghiêm đã lên giảng được bằng tiếng Anh. Tôi mừng khi thấy sự tiếp nối vững chãi của các sư em nhỏ. Thầy nghe tin này chắc vui lắm.

                          Cuối tháng, Sư cô Hỷ Nghiêm đang thăm Học viện ở Đức nhắn tôi qua. Tôi hỏi ý kiến sư cô Chân Không rồi lên mạng tìm vé đi Đức, rồi đổi ngày vé trở về Mỹ. Vậy là không về kịp ngày làm lễ An cư ở nội viện Thái Bình Dương rồi. Lại thêm một năm tâm niệm an cư nữa.

                          Cuối tháng, tôi qua Đức. Qua để chơi với các sư em vì khoá tu ở Đức kỳ rồi tôi không đi được. Các sư em ở đây tài ghê, tôi nhìn những khoá tu xảy ra song song với sinh hoạt của chúng xuất sĩ và công việc mà phục lăn. Phục cả thầy Pháp Ấn với bao trách nhiệm đè nặng trên vai mà vẫn phải đứng lớp giảng dạy đều đặn. Tôi là rảnh nhất. Chỉ đi chơi, việc bỏ lại nhà. Lâu lâu một lần mà.

                          Tháng 12

                          Ngày 3 tôi trở về Pháp, hôm sau bay về Mỹ. Điểm kiểm tra an ninh vào Mỹ rất nghiêm ngặt sau sự kiện hai người Hồi giáo mới xả súng giết 14 người. Những vụ bạo động xảy ra liên tiếp ở các nước đã nâng mức sợ hãi của mọi người lên cao. Thương lắm.

                          Ngày 11 là sinh nhật của gia đình mấy Con Cá. Cá con thành cá lớn và già mất tiêu rồi. Buổi tối có nồi phở thầy Pháp Tịnh nấu và chiếc bánh sinh nhật trang hoàng hình mấy con cá. Thầy ra ăn chung, thổi nến, chụp hình. Ôi mấy con cá hạnh phúc nhé. Thầy Pháp Hữu hài hước, mở tủ đá lấy ra hai lát cá chay ai cúng dường không biết đưa tôi và sư cô Định Nghiêm cầm chụp hình với Thầy. Đó là “món quà” duy nhất có tính cách… vật chất. Còn quà tinh thần thì đầy ắp với tình thương của Thầy, của các sư em. Bức hình chụp chung ai cũng cười toe toét (được chụp hình với Thầy là hạnh phúc lớn, ai lại không toe toét chứ!!).

                          Trước ngày Giáng sinh cô Peggy mời mọi người qua nhà cô ăn. Mình cũng đem theo dĩa chả giò đóng góp. Ngày Giáng sinh anh chị em chơi với nhau thôi mà cười chảy nước mắt. Thầy Pháp Lâm và sư em Lân Nghiêm lo quà và trò chơi rất chu đáo. Quà toàn là trà, bánh do thiền sinh cúng dường và Lộc Uyển gởi lên. Chơi với nhau vui quá sức. Toàn những trò chơi cộng đồng làm ai cũng như trẻ lại, hét và cười đến nỗi thị giả đang hầu Thầy cũng lâu lâu chạy ra tham gia. Trong một trò chơi tôi đóng vai con gấu đi kiếm con bị lạc mà phải diễn tả làm sao cho mọi người đoán ra, tôi đi lắc lư, hai tay giơ phía trước, tự cảm thấy mình cũng giống con gấu vô cùng vì mới ăn một bụng bánh và uống cả ly nước…

                          Ngày cuối năm

                          Sáng nay khi đại chúng ngồi thiền Thầy đi ra, cho biết là Thầy muốn đi về Pháp. Hơi bất ngờ nhưng tin tưởng nơi tuệ giác của Thầy nên đại chúng lại một phen lo chuẩn bị hành lý và liên lạc lo máy bay. Buổi tối đại chúng ngồi chơi Thầy cũng ra chơi. Tôi xuống trễ nhưng nghe kể đại chúng hát Thầy cũng giơ tay phụ hoạ theo. Thầy vui, cười miết. Chụp hình chung mặt ai cũng hào hứng. Tôi về phòng, mở máy, khai bút đầu năm. Năm nay điều ước nguyện duy nhất của tôi là Thầy nói được, hồi phục được nhanh nhanh, và cám ơn Bụt là ba mẹ tôi còn đủ sức khoẻ để tôi toàn tâm toàn ý lo cho Thầy.

                          Bạn hiền ơi,

                          Khi tôi đang đánh máy những dòng chữ kết thúc này thì Thầy đã về lại Pháp bình an. Đi cùng phi cơ có bác sĩ Quốc nhưng Thầy nghỉ ngơi và ngủ được gần như trong suốt chuyến đi nên rất khoẻ. Thầy về lại Sơn Cốc, nội viện, rồi đi thăm xóm Mới, xóm Hạ và hiện giờ đang ở xóm Thượng trong những ngày còn lại của khoá An cư kết Đông như mọi năm. Rõ ràng là về lại Làng Thầy lại tiếp tục có những tiến bộ đáng ghi nhận. Dù vẫn chưa nói được nhiều, chưa cử động được tay phải, chân phải đang trên đà hồi phục, Thầy đang trở về với nếp sống ngày trước một cách tự nhiên. Đó không phải là món quà quý nhất chúng ta đang nhận được hay sao.
                          Thân quý.

                          Cùng Thầy rong chơi

                          Tăng thân luôn có mặt cho con

                          Con tên là Chân Trời Minh Hóa, hai mươi tuổi. Con đang sống và tu tập tại tu viện Lộc Uyển ở Escondido, California. Con bắt đầu đọc sách của Thầy lúc 16 tuổi. Từ đó con đã hết lòng thực tập những gì Thầy dạy. Con thích nhất là được học cách an trú trong hiện tại, chăm sóc cảm xúc của chính mình và có mặt thật sự để giúp người bớt khổ. Có người nghĩ là khi trở thành xuất sĩ, con sẽ mất rất nhiều cơ hội. Bản thân con lại nghĩ là mình đang đi trên con đường của hạnh phúc đích thực. Trước khi vào tu viện, con thường bị trầm cảm và thấy cuộc đời thật vô nghĩa. Giờ đây, những pháp môn thực tập cùng sự yểm trợ của tăng thân đã giúp con xử lý và chuyển hoá những khó khăn.

                          Đại chúng ở Lộc Uyển rất thương và yểm trợ con. Con thấy mình vô cùng may mắn khi được bao bọc bởi tình thương của nhiều người. Con nguyện khi có khó khăn, con sẽ không bao giờ trốn chạy những người thương của mình mà ngược lại, con sẽ nương tựa các sư anh, sư chị để học hỏi và lớn lên từ những khó khăn ấy. Tăng thân luôn có mặt đó cho con, con nguyện sẽ thương yêu tăng thân như tăng thân đã thương yêu con.

                           

                           

                          Cùng đi trên đường vui

                          Con tên là Chân Trời Minh Nguyên, xuất gia đã được ba tháng. Con năm nay gần hai mươi tuổi. Mỗi ngày con được thực tập, làm việc, vui chơi và học hành cùng tăng thân, con rất vui và hạnh phúc. Con được thừa hưởng phước đức từ tổ tiên huyết thống và tâm linh, từ gia đình, bè bạn nên hôm nay con được làm người xuất gia. Tu viện giống như ngôi nhà của con từ lâu lắm rồi. Mọi thứ đều mới đối với con nhưng con thấy rất dễ dàng hòa nhập.

                          Bên cạnh những điểm đó, vì ở độ tuổi đang lớn, con cũng có những điểm cần thực tập như háo thắng, bướng bỉnh, vội vàng… Được ở trong tăng thân, được thực tập dừng lại, sử dụng hơi thở, bước chân ý thức, nhận diện và mỉm cười với tâm hành, con thấy mình lớn lên mỗi ngày, những tập khí xấu trong con cũng yếu đi và dần chuyển hóa.

                          Ở đây đại chúng rất hạnh phúc, năng lượng thật hùng hậu và tươi mát. Quý thầy, quý sư cô làm việc, tu học, tổ chức các khóa tu, ngày quán niệm cùng nhau trong tình huynh đệ… Mỗi thứ Hai, ngày làm biếng, con thường được leo núi cùng quý thầy (có khi gần 15 người) và sau đó đi bộ một vòng lớn với nhau. Con rất thích tình huynh đệ và sự hòa hợp nơi quý thầy, quý sư cô, điều này nuôi dưỡng con rất nhiều.

                          Mùa này, núi rừng Lộc Uyển như xanh hơn, chó sói hú từng hồi vang vọng, rắn rung chuông thì đi ngủ đông để yểm trợ quý thầy, quý sư cô an cư. Các bạn sóc, thỏ rừng đi kiếm ăn và vui chơi nhiều hơn làm cho không gian Lộc Uyển thêm sinh động và tuyệt vời.

                          Trong không khí mới mẻ, tươi mát của Tết Nguyên đán, con kính chúc Sư Ông, quý thầy, quý sư cô và toàn thể đại chúng thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

                          Thầy trong con

                          Con là sư chú Chân Trời Minh Tâm, được xuất gia theo Thầy vào ngày 23 tháng 10 năm 2015 tại tu viện Lộc Uyển, miền Nam nước Mỹ. Con là sư út của gia đình Cây Thế Kỷ. Được sinh ra và lớn lên ở thành phố New York, con là người Mỹ thế hệ thứ nhất, với mẹ là người Ecuador và ba đến từ Ireland. Con tiếp xúc với đạo Bụt và pháp môn Làng Mai cách đây chừng mười năm tại đạo tràng Thanh Sơn ở Vermont, tiếp nhận Năm giới vào năm 2007 với Pháp danh là Awakening Love of the Heart (tạm dịch là Tâm Từ Giác). Năm 2013, Thầy truyền giới Tiếp Hiện cho con tại tu viện Bích Nham với pháp tự True Precious Mindfulness (tạm dịch là Chân Bảo Niệm). Con được sống cùng tăng thân trong ba năm qua, thời gian đầu là cư sĩ và sau đó với tư cách một xuất sĩ. Sau khi trở thành xuất sĩ, con được tăng thân cho phép chuyển đến thực tập tại tu viện Lộc Uyển vào tháng Hai năm 2015, nơi con đang sống hạnh phúc từng ngày.

                          Khi còn là cư sĩ, con chỉ được gần Thầy như các vị cư sĩ khác. Trước đó con đã đọc nhiều sách của Thầy, nghe nhiều bài pháp thoại của Thầy, và vinh dự hơn nữa là được tham dự (cùng hơn một ngàn người khác) vào những chuyến hoằng pháp hai năm một lần của Thầy tại Bắc Mỹ.

                          Tuy nhiên, con chưa từng thật sự được “gặp” Thầy. Thầy không hề biết tên con, không hề biết bất kỳ niềm vui hay những ưu phiền nào của con. Nhưng con không hề lấy đó làm buồn. Trước đây, con chưa từng có ý niệm tìm kiếm một vị Thầy thật sự để nương tựa và đi theo suốt cả cuộc đời. Con đã được nuôi dạy dưới ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo, nơi mà những vị linh mục đến rồi đi, duy chỉ có mối liên hệ giữa mình và Chúa mới là vĩnh cửu. Theo thời gian, Thầy ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con, cũng như là việc thực tập vậy.

                          Vào mùa thu năm 2013, khi chuẩn bị được thọ giới Tiếp Hiện, bản thân con đã chiêm nghiệm nhiều về ý nghĩa của việc trở thành đệ tử của một ai đó. Con nhận thức một cách rõ ràng, đây là một sự cam kết suốt đời chứ không phải là chuyện bình thường. Vào thời điểm đó, con đã tham dự các khóa tu tại tu viện Bích Nham được gần một năm và có cảm giác tu viện như là ngôi nhà thân thương của mình. Có một hôm trong khi đang thiền hành qua những khu rừng tuyệt đẹp, một cảm giác khác lạ có mặt nơi con, rằng mọi thứ con nhìn thấy, nghe thấy, hay sờ thấy, đều là Thầy. Toàn bộ tu viện này, tất cả những ngọn đồi gối đầu lên nhau, những lối mòn trải đầy lá, thiền đường, quý thầy, quý sư cô, các bạn cư sĩ, tất cả như đang biểu hiện thật yên bình trong lòng bàn tay của Thầy. Con còn cảm nhận được tất cả những sự quan tâm, nâng đỡ, và cả những yêu thương của Thầy nữa.

                          Mỗi lần hồi tưởng lại điều này, con đều nghĩ đó là lần con tiếp xúc thật sự với pháp thân Thầy. Từ đó, mỗi khi nhìn thấy Thầy, con luôn ý thức rằng Thầy không chỉ đơn thuần là tác giả của những cuốn sách đã giúp con thật nhiều, không đơn thuần là người bước đầu xây dựng tăng thân mà con đang nương tựa, và cũng không đơn thuần là một thiền sư đầy tôn kính. Người là Thầy của con, và con là đệ tử của Người. Người cũng đồng thời là ông của con, và con là đứa cháu trong đời sống tinh thần của Người.

                          Với kinh nghiệm tâm linh này, con đã bước những bước đầy bình an và không quên mỉm cười trên con đường đi vào ngôi nhà ở San Francisco, nơi Thầy đang tĩnh dưỡng sau lần đột quỵ. Thầy chuẩn bị trở về Pháp, vì thế mà quý thầy, quý sư cô từ Lộc Uyển đến nơi Thầy điều trị để chào tạm biệt. Đối với ba thành viên mới xuất gia thuộc gia đình Cây Thế Kỷ, chúng con cũng biết rằng đây là lần đầu tiên được gặp mặt Thầy. Làm sao có thể diễn tả được cảm giác này? Một câu hỏi khác đi lên trong con: “Liệu con có bỏ lỡ những giây phút quý báu bên Thầy không?”.

                          Vừa mới đến nơi, ba anh em chúng con, cùng với một số quý thầy, quý sư cô khác nữa, được vào phòng thăm Thầy. Chúng con đã được thị giả của Thầy là thầy Pháp Hữu hướng dẫn nhẹ nhàng và khéo léo để cùng ngồi xung quanh xe lăn của Thầy. Bức tường phía sau lưng Thầy có treo bức thư pháp “The real miracle is to walk on the Earth” (Phép lạ là đi trên mặt đất). Chúng con cùng quỳ trước mặt Thầy và giới thiệu tên của mình. Chân Trời Minh Tâm, con đã nói vậy trong khi nhìn vào mắt Thầy. Con đang ở đây, quỳ trước người ông của mình, miệng mỉm cười mà đôi mắt ướt nhòe. Không hiểu sao con có cảm giác vừa lo sợ vừa tĩnh lặng tận sâu thẳm tâm hồn. Con cảm thấy Thầy cũng là một người ông của tất cả mọi người trong căn phòng này, trong ngôi nhà này, cũng như vô số đệ tử khác nữa trên khắp thế giới.

                          Thầy vỗ nhẹ lên đầu con ba cái, xoa thật khẽ lên khuôn mặt, và cuối cùng nắm lấy đôi bàn tay búp sen của con trong tay Thầy. Thầy nhìn con thật rõ, con cảm được cả sức mạnh và sự tinh tường của Thầy mà không cần nói ra một lời nào. Ánh mắt của Thầy như lấp lánh một ngọn lửa. Không cần đến ngôn từ, Thầy đã chào đón con, động viên con, nhắc nhở con, và truyền thêm cảm hứng cho con. Trong đầu con vang lên thông điệp sáng tỏ như pha lê: “Nào, hãy cùng đi một hướng. Hãy cứ tiếp tục. Hãy can đảm lên. Hãy là Thầy!”.

                          Nguyện cầu cho tất cả chúng ta cùng đi trên con đường tu học với đầy niềm vui và chánh niệm, với tình thương và sự hiểu biết, để luôn có Thầy trong tự thân. Con xin cúi đầu đảnh lễ trong niềm biết ơn.

                           

                          Mỗi bước chân là thương yêu

                          Mặt trăng thật tròn và thật sáng. Con thức dậy, thấy mình đang được tắm mình trong ánh trăng trong. Sau thời thiền tọa và thiền hành ngoài trời, đại chúng được đón chào bằng ánh bình minh rạng rỡ. Được tu tập cùng tăng thân, được nuôi dưỡng bằng ánh trăng và ánh nắng mặt trời nên con có cảm hứng để viết vài dòng chia sẻ.

                          Con từ Hồng Kông về được một tuần. Con sẽ ở đây đến 01.01.2016. Đây là lần đầu con đến Làng Mai Thái Lan ở đất mới. Khi chưa có đất mới, con có đến Làng Mai ở đất cũ vào Giáng sinh và tết Tây 2009-2010. Mỗi ngày con đều chứng kiến cảnh quý thầy, quý sư cô từ Bát Nhã qua Thái Lan. Người đến trước đón người đến sau, đùm bọc nhau trong tình thương ấm áp.

                          Mười năm trước, vào tháng Hai năm 2005, con có đến công viên Quốc gia Khao Yai để dự khóa tu Thân tâm kiện khương trước khi sang Việt Nam và đi cùng tăng thân trong chuyến về Việt Nam lần đầu của Thầy. Con vô cùng biết ơn đất nước Thái Lan đã mở rộng lòng đón con nhiều lần, và lần này trong hình tướng một người xuất sĩ.

                          Làng Mai Thái Lan là một nơi đầy nuôi dưỡng. Ở đây, các sư cô mang chữ Trăng (trong đó có con) và các sư chú mang chữ Trời được chăm sóc rất chu đáo. Con được tiếp xúc với năng lượng trẻ trung, vui tươi và nhất là sự tươi mát của những người tu trẻ, cả tuổi đời lẫn tuổi đạo. Nhìn các sư em, con thấy lòng ấm áp chi lạ. Sự có mặt và cách các sư em chọn cuộc sống xuất gia đã mang lại rất nhiều hy vọng cho xã hội hôm nay.

                          Con trở thành người xuất gia khi đã quá tuổi 40. Nhìn lại, con thấy mình thật may mắn khi chọn cuộc sống này, được làm đệ tử xuất gia của Thầy và được nhận Làng Mai làm gốc rễ tâm linh. Trong năm vừa qua, con thực tập ở Viện Phật học Ứng dụng châu Á và tham gia hướng dẫn các khóa tu. Được tiếp xúc trở lại với văn hóa Á đông, con thấy mình trở nên vững chãi hơn. Cảm ơn Thầy đã đem con trở về cội nguồn đích thực, chiếc nôi của tổ tiên đất đai và huyết thống của con.

                          Gần đây, con đã được về Malaysia thăm gia đình hai tuần và tham gia khóa tu một tuần ở đó, con có rất nhiều hạnh phúc. Gia đình có thêm một thành viên mới, cháu bé chín tháng tuổi, con gái của em trai con. Mẹ của bé là người Việt Nam. Hai năm trước, khi con về thăm nhà, Ba con đã tìm đủ cách để giữ con lại. Nhưng lần này gặp lại, hai cha con không nói về những vấn đề nghiêm trọng đó nữa mà chỉ đơn thuần có mặt cho nhau. Con không biết là bao giờ con mới có dịp gặp lại Ba nhưng con biết con đang là sự tiếp nối của Ba. Con đang gieo trồng những hạt giống tốt và chuyển hóa những yếu kém trong con cho Ba.

                          Về thăm nhà lần này con thấy rất khác với hai năm trước. Con ý thức rõ ràng, nhờ sự yểm trợ của tăng thân, con mới có thể tiếp tục đi trên con đường này. Giờ đây con không còn chút nghi ngại nào đối với cuộc sống xuất gia. Cả gia đình đã chấp nhận con đường mà con đã chọn.

                          Con biết chỉ nương tựa tăng thân con mới sống còn và trưởng thành được. Đó chính là lý do con xuất gia, để có một gia đình tâm linh và có bạn đồng tu. Con rất biết ơn gia đình huyết thống vì đã cho phép con được sống cuộc sống xuất gia.

                          Những bước chân đầu tiên đặt lên nhà ga của hãng Air Asia trong sân bay Kuala Lumpur làm con hồi tưởng đến lần đi đón Thầy và tăng đoàn Làng Mai từ Singapore năm 2010. Khi đó, con còn là một cư sĩ. Giờ đây, năm năm sau, con về nước trong chiếc áo người xuất gia, cũng sân bay ấy, cũng hãng máy bay ấy, nhưng với thầy Pháp Khâm và sư chị Trăng Phổ Đà từ AIAB. Đoàn chúng con còn có thêm hai thầy đến từ Thái Lan và hai sư cô đến từ Việt Nam. Sự có mặt của sư chị Trăng Phổ Đà trong chuyến về thăm gia đình lần này làm con thấy thoải mái hơn vì biết rằng con luôn có sự yểm trợ của huynh đệ đồng tu bên cạnh.

                          Một hạnh phúc khác của con trong chuyến đi Malaysia là khóa tu một tuần. Dù là khóa tu nhỏ nhưng rất thành công. Ai cũng cảm được không khí của một đại gia đình trong khóa tu. Có nhiều chia sẻ rất sâu sắc, nhất là thuyết trình về Năm giới và Làm mới. Con rất vui khi thấy cách sư chị Trăng Phổ Đà truyền Hai lời hứa cho các em. Sư chị đã nói bằng ngôn ngữ của các em, làm cho không khí rất nhẹ nhàng và vui vẻ. Trái tim con thật ấm áp khi được dâng hương tán Bụt trong buổi lễ truyền Năm giới và cả khi hướng dẫn thiền buông thư để làm lắng dịu thân tâm cho những người đồng hương. Những sự chia sẻ đó chính là hoa trái mà con có được trong thời gian thực tập ở AIAB.

                          Con cũng rất hạnh phúc khi thông dịch cho các bạn thiền sinh người Trung Hoa. Đây là cơ hội để các bạn nói tiếng Trung Hoa có thể tham dự các khóa tu Làng Mai ở Malaysia. Như thế chúng ta sẽ có thể đem giáo pháp của Thầy đến với nhiều người ở quê hương con hơn nữa.

                          Trong khóa tu ở Thái Lan, con giúp thông dịch tiếng Phổ thông cho khoảng 70 người đến từ Trung Hoa. Con rất hạnh phúc vì có được cơ hội phụng sự cho quê hương gốc rễ của Tổ tiên mình.

                          Nhân dịp cuối năm, con xin kính chúc Thầy khỏe hơn. Con xin hứa với Thầy mỗi ngày con sẽ tiếp tục nuôi dưỡng những gì tốt đẹp trong con và xung quanh con trong vòng tay của tăng thân.

                          Con nương tựa cùng tăng thân thực tập

                          Nguyện Phổ Hiền xin làm đẹp quê hương

                          Có mặt trong con trời Cha đất Mẹ

                          Rạng ánh trăng trong chánh pháp soi đường.

                          Gieo hạt giống lành

                          Thầy kính thương,

                          Góc nhỏ con đang ngồi để viết là nơi con thường xuyên trở về, trở về để tận hưởng những niềm vui con đang có và cả những nỗi buồn, khó khăn con tự tạo ra. Con đã học được nhiều điều hay cũng chính từ góc này.

                          Thầy ơi, mùa thu năm nay con có trong danh sách đi khóa tu Canada. Đáng lẽ con không có tên đâu, nhưng vì con sắp trở về Việt Nam nên các sư chị, sư em khuyên con nên đi, đừng bỏ lỡ cơ hội có một không hai này. Con cũng tò mò muốn biết Canada đẹp như thế nào nên đồng ý đi một chuyến. Mặc dù giấy tờ của con và sư em Khoan Nghiêm có một ít trục trặc nhưng thầy Pháp Duệ vẫn kiên nhẫn làm cho hoàn tất, thầy nói: "Phải làm cho bằng được, nếu mình bỏ cuộc như vậy, lần sau những vị Việt Nam khác đi thì làm visa rất khó". Cuối cùng hai chị em con cũng có được visa

                          Chúng con gồm có thầy Pháp Ứng, thầy Pháp Duệ, sư chú Trời Bằng Hữu, sư cô Hạc Nghiêm, sư cô Khoan Nghiêm và con. Sáu anh chị em tới Canada ngày 03 tháng 10 năm 2015. Trời Canada bắt đầu se lạnh, con cảm được cái lạnh đang thấm vào người. Về tới nhà thầy Pháp Duệ, con nằm cho tới sáng hôm sau, đây là lần đầu tiên con bị say xe nhiều như vậy.

                          Thầy Pháp Niệm và thầy Pháp Áo cũng có mặt vài ngày và yểm trợ được một khóa tu, sau đó trở về Mỹ để chăm sóc Thầy. Anh chị em con thấy như vậy là đủ hạnh phúc rồi. Những ngày này trời chưa vào thu, lá vẫn còn xanh nên con thấy có cái gì đó giống nước Pháp. Mọi người chuẩn bị cho khóa tu gia đình với chủ đề Trân quý những điều đơn giản trong sự sống từ ngày 09 đến ngày 12 tháng 10 năm 2015. Có khoảng 1500 người tham dự với nhiều lứa tuổi, nhiều quốc gia. Đang ở đây mà con có cảm giác thân quen như đang ở quê hương, được gặp nhiều người Việt, ăn món Việt. Quý bác và các anh chị trong các tăng thân thương quý thầy, quý sư cô lắm. Tăng thân Bồ Đề đã đóng góp trái tim mình cho khóa tu được biểu hiện.

                          Một buổi sáng có lễ truyền Năm giới, con đau đầu nên xin phép vắng mặt. Nghĩ là không ai biết, vậy mà sau đó con được hai tô cháo thật to và vài viên thuốc đau đầu. Chúng con rất cảm động và biết ơn sự quan tâm chu đáo đó. Khóa tu diễn ra chỉ ba ngày mà ngày nào cũng vui. Thầy Pháp Ứng và thầy Pháp Niệm cho pháp thoại, còn chúng con thì chăm sóc những sinh hoạt như thuyết trình Năm giới, thuyết trình Làm mới, hướng dẫn tổng quát, hướng dẫn tụng kinh, thể dục… Anh chị em con làm việc với nhau rất vui và hòa hợp. Con thấy đó là yếu tố thành công đầu tiên trong khóa tu.

                          Thiền sinh chia sẻ những niềm vui và những khó khăn trong sự thực tập để cùng nhau tháo gỡ và hòa giải. Lắng nghe những chia sẻ, con thật sự cảm thông và kính phục những người ở đây. Họ dễ thương, chân chất, mộc mạc và ham tu. Có thiền sinh chia sẻ: "Nhìn quý thầy, quý sư cô, con thấy được sự tiếp nối của Sư Ông. Tuy Sư Ông không có trong khóa tu này nhưng mỗi năm quý thầy, quý sư cô có mặt cho chúng con thì chúng con rất hạnh phúc. Chúng con mong mỗi năm đều có khóa tu để tăng thân cư sĩ được hưởng năng lượng tu học từ quý thầy, quý sư cô". Có thiền sinh khác chia sẻ: "Mỗi khi có khóa tu, con được sạc thêm năng lượng và gia đình con mỗi ngày mỗi hạnh phúc hơn". Vui nhất là ba mẹ thầy Pháp Duệ đã nói lên được những khó khăn tích tụ rất lâu và đã chuyển hóa chúng như thế nào. Mọi người ngồi lắng nghe ba của thầy chia sẻ, những khó khăn này thực sự rất khó nói nhưng bác đã nói ra được, phải rất can đảm và có sự thực tập mới có thể chia sẻ cùng mọi người. Khóa tu kết thúc, hành lý mọi người mang về là niềm vui, sự biết ơn. Gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười mãn nguyện. Con hạnh phúc thật nhiều và tình thương trong trái tim con tròn đầy hơn, đẹp đẽ hơn.

                          Lá cây bắt đầu đổi màu, nhanh đến nỗi con phải ngạc nhiên. Con chờ ngày được tới khu rừng thầy Pháp Duệ hay kể. Con đã chuẩn bị một quyển sổ khá dày, dày đến nỗi mỗi lần cầm đến là mỏi cả tay. Trước khi đi khóa tu con đã mang trọng trách lớn từ các sư chị, sư em, ai cũng đăng ký lá phong ép: Sư em năm lá, sư chị bốn lá… Chúng con có thêm vài ngày nghỉ ngơi. Ngày đẹp thì đi ngắm lá mùa thu, hay đi thăm vài cảnh đẹp gần Toronto. Ngày nào mưa gió thì đi chợ mua ít quà cho đại chúng ở nhà. Mùa thu Canada lạnh như mùa đông ở Làng.

                          Lạnh thế này thì ở Làng đã đông đá hay tuyết rơi rồi. Nghe nói mùa đông nơi này lạnh lắm, khoảng -30 độ, chỉ nghe thôi thì cũng thấy ớn lạnh huống gì là sống. Đến đây chơi chứ ở luôn có lẽ con đầu hàng. Cuối cùng con cũng được tới khu rừng mà bấy lâu mong đợi, góc nào cũng đẹp với nhiều màu sắc khó mà tưởng tượng được, khó vẽ nên được khung cảnh này. Con ước rằng Thầy và đại chúng cùng có mặt ở đây thì hạnh phúc biết bao. Chúng con đã chụp rất nhiều hình để lưu lại, rồi đem về cho đại chúng cùng thưởng thức. Say sưa ngắm lá nhưng con không quên nhiệm vụ ép lá vào quyển sổ. Nhìn qua, con thấy thầy Pháp Ứng cũng có một quyển sổ và cũng đang cặm cụi tìm tìm kiếm kiếm như con. Có thầy làm bạn đồng hành thì càng hạnh phúc hơn.

                          Tiếp theo, khóa tu Gia đình Phật tử lần đầu tiên được tổ chức tại miền đông Canada, bắt đầu từ ngày 16 đến 18 tháng 10 với 150 anh chị huynh trưởng và đoàn sinh nhiều vùng đến tham dự. Nhiều Gia đình Phật tử rất muốn tham dự, nhưng vì chỗ ở giới hạn nên danh sách phải dừng lại. Ai cũng muốn lần sau sẽ tổ chức ở một vùng đất rộng rãi hơn. Đây là lần đầu tiên Gia đình Phật tử miền đông Canada tiếp xúc với pháp môn của Làng nên có một chút bỡ ngỡ. Ngày đầu chưa quen, nhưng đến ngày thứ hai thì mọi người buông thư hơn, các em yên hơn, biết nghe chuông và trở về hơi thở. Dần dần, những anh chị huynh trưởng và các em thực tập rất hết lòng. Ai cũng thích thiền buông thư. Chúng con hiến tặng sự thực tập này, để mọi người có thì giờ trở về chăm sóc cho cả thân và tâm. Hướng dẫn chừng vài phút thì chợt nghe tiếng ngáy khò khò, lập tức tiếng cười rúc rích từ phía các em oanh vũ vang lên. Một lát sau không còn nghe ai cười nữa, các em oanh vũ đã ngủ hồi nào không hay. Thế là người lớn và trẻ con đều có cơ hội làm cho thân tâm thư thái, nhẹ nhàng. Khi thân tâm thư giãn được thì giấc ngủ đến dễ dàng và trị liệu hơn. Giờ buông thư chỉ hơn 30 phút, đến lúc hết giờ, ai cũng tiếc vì thời gian ngắn quá. Có một anh huynh trưởng đến thưa: "Lần sau mình thực tập buông thư dài dài một chút nha sư cô." Tất cả mọi người ai cũng mỉm cười.

                          Các em oanh vũ rất hiếu động. Con và sư em Trời Bằng Hữu chăm sóc, đa số nói tiếng Anh nên sư em hướng dẫn chính, con giữ trật tự. Con đi theo và phát hiện sư em rất có tài chơi với con nít. Nhưng giỏi cách mấy thì sau buổi sinh hoạt sư em cũng mệt lả vì nói quá to. Mệt nhưng hai chị em con rất vui. Thầy Pháp Ứng và sư em Khoan Nghiêm ngồi chơi với các anh chị huynh trưởng, lắng nghe những khó khăn và cả những niềm vui để thông cảm và giúp đỡ. Thầy Pháp Duệ và sư cô Hạc Nghiêm chăm sóc cho các em ngành thiếu, con nghe kể các em rất năng động và vui tươi.

                          Ngày xưa khi sinh hoạt Gia đình Phật tử, con cũng như vậy đó. Con biết rằng bao giờ các anh chị cũng vất vả với tụi con, nên trong khóa tu này anh chị em con luôn có sự cảm thông. Được nghe lại những bài hát, được chơi những trò chơi quen thuộc, con như sống lại cái thời phá phách đó, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình còn nhớ nhiều bài hát, nhiều trò chơi như vậy. Anh chị em con không đòi hỏi gì nhiều ở khóa tu này mà chỉ trên tinh thần gieo duyên. Chúng con rất hạnh phúc bởi ước nguyện của Thầy đã được thực hiện. Để thành công trong lần đầu tiên tổ chức khóa tu Gia đình Phật tử thật quả không đơn giản. Hai khóa tu chính trong chuyến đi đã chấm dứt. Ngoài ra, còn có một buổi pháp thoại công cộng tại trường đại học Toronto và một buổi nói chuyện với nhóm Wake Up.

                          Trong chuyến đi, chúng con ý thức đã đi cùng Thầy và tăng thân. Đó chính là động lực giúp chúng con thêm tự tin để cống hiến những gì mình có. Sau mỗi khóa tu, con hiểu hơn về huynh đệ, về văn hóa của mỗi nơi, đồng thời học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong sự thực tập. Con rất biết ơn sự có mặt của Thầy trong mỗi trái tim chúng con. Con nguyện một lòng mang chí nguyện xây dựng tăng thân và xây dựng tình huynh đệ của Thầy đi về tương lai.

                          Như mới hôm qua

                          Những cơn mưa kèm theo không khí lạnh kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Con thích Huế nhưng chẳng thích những cơn mưa ở xứ này tí nào. Mới đó mà con đã tròn một tuổi trong gia đình tâm linh, mọi chuyện tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua thôi. Những dòng ký ức hiện về trong con như một cuốn phim được trình chiếu lại, con gọi tên những cảm xúc đi lên, chợt vui chợt buồn len lỏi trong lòng như những luồng khí lạnh xứ Huế, len lỏi trong từng chiếc lá rồi bất ngờ tạt vào cơ thể.

                          Sinh ra từ một miền quê trên dải đất miền Trung, Phú Yên tạm gọi là yên bình nhưng cũng không tránh khỏi những thiên tai. Tuổi thơ con thật ấm áp trong tình thương của ba mẹ. Là con gái một trong gia đình nên phần nào đó con hơn bạn bè nhiều thứ. Cứ tưởng rằng cuộc sống của con cũng sẽ mãi đi theo dòng chảy của xã hội với ý niệm học hành đàng hoàng, công việc ổn định, có được người thương rồi sau đó là một gia đình đầm ấm, như vậy gọi là hạnh phúc, ba mẹ sẽ mát dạ và dòng họ sẽ được cái gọi là “nở mặt nở mày với thiên hạ.” Nhưng với con, những cái đó con chẳng bao giờ hình dung hay tưởng tượng ra được. Con thấy mình cần một hướng đi mới, phải làm sao chọn được con đường mà bản thân con muốn đi. Những suy nghĩ ấy cứ ấp ủ trong con nhưng con chưa định hình một cách rõ ràng được. Rồi theo năm tháng, tuổi mới lớn đã hướng con đi theo một lối khác, dần dần những ý niệm “chọn cho mình hướng đi mới” đã mờ nhạt trong con.

                          Lớn lên đi học xa nhà, môi trường và những người bạn mới, cuộc sống nhộn nhịp tất bật vô tình đã cuốn con đi lúc nào không hay. Con bắt đầu lao vào những cuộc chơi. Mãi rồi cũng chán. Có lúc con sợ phải đối diện với bản thân mình, con sợ cái trống trải trong lòng. Và lúc con mất phương hướng cho tương lai thì cái phao cứu sinh được thả ra để con nương vào.

                          Sau giờ học trên lớp, con về phụ bếp ăn sinh viên của chương trình Hiểu và Thương của các bác Tiếp Hiện. Con được các bác hướng dẫn thực tập các pháp môn căn bản của Làng Mai như thiền ăn, thiền thở, thiền im lặng… Con bắt đầu cảm thấy thích cách thực tập mới này vì đã đem lại cho con một cảm giác gì đó rất mới mà con chưa xác định và gọi tên được. Con bắt đầu tập nghe Đường xưa mây trắng, nhưng mỗi lần nghe là con đều ngủ quên. Cuối tuần, chị em làm việc trong bếp hay đến trung tâm bảo trợ xã hội để giúp những cụ già và những bạn trẻ bị bệnh tâm thần. Lần đầu tiên tới đây con đã bật khóc vì thấy mình được may mắn làm người và có được tình thương từ gia đình, bạn bè. Chúng con gọi ngày đó là ngày Chủ nhật thương yêu. Sau lần đi đó con đã suy nghĩ rất nhiều và con thấy mình phải sống khác, phải tìm cách nào đó để có thể giúp được những người đang gặp khó khăn. Lý tưởng năm xưa trong con trỗi dậy và hạt giống bồ đề trong con đang chuyển mình. Con quyết định đi tu. Nhưng làm sao để đi được khi ba mẹ chỉ có một mình con để nương tựa lúc về già. Nghĩ đến đó thôi là con thấy mình chẳng thể nào đi xa được rồi. Cuối cùng con quyết định xin việc làm. Con may mắn được một chị giám đốc người Nga nhận việc ngay sau khi phỏng vấn. Có được công việc khá tốt vậy mà con chẳng thấy vui tí nào, thấy mình không thích hợp trong môi trường này vì không đem lại hạnh phúc thật sự. Mọi thứ con đang có chỉ là sự hào nhoáng bên ngoài. Sau nhiều lần suy nghĩ, con quyết định trốn nhà đi tu dù biết ba má sẽ rất sốc khi nghe tin này. Con bất chấp tất cả, phải thử mới biết được. Vậy là con xin ra Diệu Trạm tập sự xuất gia.

                          Mới ở tu viện được hai ngày, hôm đó con đang ngồi ăn chiều thì ba má con xuất hiện. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng con vẫn sợ bị bắt về. Ba má con khóc rất nhiều. Cái tội to đùng của con là dám trốn nhà đi tu. Ba má dùng mọi lời lẽ để khuyên con về, từ lời nói nhẹ nhàng rồi chuyển qua nặng nề. Vốn thừa hưởng cái tính ngang ngạnh của ba nên lúc đó con nguyện là có chết cũng không về. Ba má cứ nói, con thì trơ trơ ra đó dù biết ba má đang rất đau khổ. Quý sư cô phải giúp, con mới chia sẻ được với ba má. Con nói lên ước muốn của con, muốn sống thật sự với chính mình, không muốn bị trói buộc vào tình cảm nhỏ bé, muốn hòa vào tình thương lớn với tăng thân, có như vậy con mới giúp được con, giúp gia đình và xã hội. Nghe con chia sẻ má lại càng khóc to hơn, ba càng giận dữ hơn. Ba bảo ba rất thất vọng vì bao nhiêu tình thương và hy vọng ba đều đặt vào con hết. Má thì chỉ nói ba từ “đồ bất hiếu.”

                          Lúc đó con buồn lắm, con nghĩ tại sao ba má thương con mà không hiểu con tí nào. Ba má càng nói vậy thì con càng nên ở đây để chứng tỏ rằng con đường mà con chọn không hề sai. Bên ngoài mưa như trút, sấm chớp liên hồi. Bên trong không khí vô cùng nặng nề. Cuối cùng ba bảo nếu con không về thì ngay bây giờ ba sẽ tự tử rồi con muốn làm gì thì làm. Nghe ba nói thế má càng khóc to hơn, má bảo nếu ba chết thì má cũng sẽ chết vì má không sống nổi nữa. Con thật sự bối rối không biết giải quyết ra sao để tạm thời giảm đi sự căng thẳng. Cách còn lại là con quỳ xuống xin ba má để cho con ở lại đây. Không khí càng căng thẳng hơn. Sư cô XN chia sẻ rồi khuyên ba má thật nhiều và: “Nếu hai bác đem em về mà em có chuyện gì thì hai bác cũng không sống nổi đâu!”. Nghe đến đây má bắt đầu sợ con sẽ chết, thế là tình thế đảo ngược lại. Thật may mắn cho con, cuối cùng thì bầu không khí căng thẳng dần dần giảm xuống, ba má cũng chịu suy nghĩ lại. Tối đó cả nhà con được ngủ chung với nhau, con nằm giữa ba má và suốt đêm nghe ba má trách móc hoài, lôi bao nhiêu chuyện ra để khuyên con về nhà. Con chỉ biết im lặng để lắng nghe thôi.

                          Sự mầu nhiệm đã xảy ra. Buổi hô canh ngồi thiền sáng hôm sau đã làm ba con có chút gì đó thay đổi trong lòng. Thế là con được ở lại mặc dù ba má không thoải mái cho lắm. Con cứ tưởng mọi việc đã ổn để con đặt hết lòng vào sự thực tập, nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Những cuộc điện thoại liên tiếp gọi đến báo tin về ba má. Sau khi ở Huế vào, vì buồn quá nên ba đã bỏ nhà đi chẳng thấy về, còn má thì đau khổ không thiết ăn uống phải nhập viện. Mọi thứ đến quá bất ngờ, con có cảm tưởng như chính mình là nguyên nhân gây ra đau khổ cho gia đình và dòng họ. Bao nhiêu lời trách móc, đổ lỗi đều ụp lên đầu con một lúc. Về hay ở? Câu hỏi đó cứ liên tiếp bám lấy con. Con quay về nắm lấy hơi thở để chế tác bình an trong lòng nhưng sao khó quá. Bên ngoài nhìn con có vẻ an nhưng bên trong thì vô cùng xáo trộn. Con quyết định xin phép quý sư cô về nhà một tuần để sắp xếp và thuyết phục ba má bằng những gì con đã được thực tập trong một tuần qua.

                          Thời gian về nhà, những cuộc tranh luận không có hồi kết, chung quy cũng chỉ chuyện lo cho con không chịu được cuộc sống ở chùa vì từ nhỏ con quen được nuông chiều. Riêng bản thân con luôn nhìn nhận nó theo hướng tích cực, khi có quyết tâm thì tất cả không thành vấn đề. Sống đúng theo lý tưởng và con đường mình lựa chọn là mang lại hạnh phúc cho con rồi. Hạt giống bồ đề trong con đang chuyển mình vươn lên để tiếp tục sự sống mầu nhiệm. Và cuối cùng thì con cũng được tái sinh trong gia đình Cây Sồi Đỏ.

                          Vu Lan năm nay có lẽ là những ngày hạnh phúc nhất của con. Nhân mùa báo hiếu, đại chúng tổ chức ngày sinh hoạt dành cho gia đình của quý thầy, quý sư cô, con mời ba mẹ ra tham dự và ba đã có mặt tại Diệu Trạm. Ba thực tập rất hết lòng. Con thấy ba đã tìm lại được hạt giống của tuổi thơ trong mình, ba còn biết làm nũng với quý sư cô để được sự quan tâm. Ba thương tất cả quý sư cô và mỗi khi về nhà, ba nói là ba nhớ quý sư cô lắm. Con nói với các chị em là ba thương các chị em hơn thương con nữa nên con cũng muốn ganh tị với các chị em. Những ngày ở lại Diệu Trạm việc gì ba cũng làm, từ đẩy rác đi đổ đến nhặt rau, quét sân, xếp thiền đường. Ba đã chuyển hóa trong cách suy nghĩ. Đi tu không khổ như ba từng nghĩ.

                          Trong khóa tu cũng có các em tập sự trốn nhà đi tu như con trước đây và cũng bị ba mẹ ra bắt về, mẹ các em cũng khóc và làm dữ lắm. Ba đã có một bước đột phá, theo suy nghĩ của con, vì ba đã hết lòng khuyên mẹ của một em tập sự để em đó được ở lại tu học. Khi cô không chấp nhận cho em ở lại, em đã trốn nên cô tìm khắp tu viện mà không thấy, vậy là cô ngồi ngay cửa nhà ăn mà khóc. Ba nhẹ nhàng đi đến và ngồi xuống bên cạnh thủ thỉ: “Thôi, chị về chăm sóc những đứa con ở nhà đi, chị còn tới mấy đứa nữa. Tui đây nè, tui chỉ có một đứa con gái duy nhất, lúc nó trốn nhà đi tu tui cũng khóc, cũng đòi bắt nó về dữ lắm. Nhưng bây giờ tui thấy nó đi tu vậy mà hay. Tui chừ không những có một đứa con mà tui có cả đàn con để thương, sư cô nào cũng dễ thương hết. Chị cứ cho cháu ở lại đây tu đi, khi nào tui ra thăm tui sẽ ghé nhà chị rủ chị đi cùng…” Nghe ba nói vậy con thấy ba đang làm một hành động rất dễ thương, đâu đó trong lòng ba đã bắt đầu nhen nhúm được hình ảnh đẹp của một người tu rồi.

                          Vừa rồi nghe tin má bệnh phải nhập viện, được sự cho phép của quý sư cô, con cùng với một sư em về chăm sóc má một thời gian. Má con rất xúc động khi hai chị em con về có mặt hết lòng cho má. Mấy dì mấy cô thấy con “đẹp” hơn ngày trước nên cũng an tâm là trong chùa cháu mình sống không khổ như họ tưởng. Bây giờ má thấy mình chẳng những không mất con mà ngược lại, má có rất nhiều con gái. Con thấy khi con thực tập có hạnh phúc đủ và biết cách trở về nhận diện những hạnh phúc đang có mặt thì chắc chắn ba má ở nhà cũng sẽ có được niềm vui và bình an. Sinh nhật thôi nôi gia đình cây Sồi Đỏ, ba ra có mặt cho con và đại chúng. Ba chia sẻ sự thực tập, nói lên niềm biết ơn tăng thân đã chăm sóc và dạy dỗ con. Bây giờ con đã thay đổi nhiều lắm. Con đã biết nấu ăn dù chưa ngon, chưa giỏi như các sư chị, con biết làm nhiều việc mà ở nhà con chưa từng làm. Năm nay ba má hứa sẽ ra Diệu Trạm đón Tết cùng đại chúng. Vui hơn nữa là sáng nay con gọi điện về hỏi ba có đi khóa tu tiếng Việt ở Thái không, ba bảo ba sẽ đi, nếu ba không đi được thì má sẽ đi. Con nghe mà mừng lắm, vừa về phòng con tin cho các chị em liền. Con thấy mỗi khi chia sẻ niềm vui của con đến các chị em thì y như niềm vui ấy lớn lên thêm.

                          Một năm đã trôi qua với bao nhiêu thử thách, con thấy mình vẫn còn nhiều phước đức từ ông bà tổ tiên để lại khi con được mang hình tướng của người tu. Con trân quý những tháng ngày được sống trong vòng tay của tăng thân, giúp con lớn lên từng ngày trong suy nghĩ và thực tập, làm việc. Con vô cùng biết ơn ba má là những vị “Bồ tát nghịch duyên” để con xác định rõ hơn con đường mà con lựa chọn. Con muốn làm chiếc cầu nối giúp ba má tiếp xúc với pháp môn để hiểu tại sao đây lại là con đường con gái mình lựa chọn mà không phải là con đường nào khác. Con thấy mình vô cùng an toàn khi sống trong vòng tay của tăng thân, thực tập uy nghi, giới luật giúp con được bảo hộ trước nhiều cám dỗ mà lắm lúc con phải đắn đo suy nghĩ để chọn hướng đi cho chính mình. Tuy không được Sư Ông dạy dỗ trực tiếp nhưng con luôn thấy được hình ảnh của Sư Ông nơi mỗi sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị và sư em của con. Trong con luôn có Sư Ông trong từng bước chân và hơi thở ý thức. Đất Tổ rất linh thiêng để cho con cắm rễ sâu hơn trong sự thực tập hằng ngày. Chỉ cần một hơi thở nhẹ, là bao phép lạ hiển bày. Giờ đây con đã nhận được sự yểm trợ từ gia đình, điều đó luôn làm động lực để con cố gắng nhiều hơn trong việc tu học. Con cúi đầu tri ân ba má đã hiểu và thương con thật sự, tri ân tăng thân đã giúp con và ba má con chuyển hóa để cuộc sống gia đình con có ý nghĩa hơn.