Nắng ấm ngày đông
Chân Tánh nghiêm
Mộc Lan đi dễ khó về
Mộc Lan giờ đây là nơi có nhiều thân thương trong lòng con. Nơi đây đã cho con học hỏi nhiều cái hay, cái đẹp đầy mới lạ. Nơi đây con cùng các sư anh, sư chị, sư em đã bước những bước chân an trú cùng thở nhẹ nhàng, nơi đã mở ra những nụ cười, nơi chúng con được lớn lên với những vui buồn hờn giận và đã thật sự được sống. Con mang ơn Mộc Lan bởi nơi đây đã cho con cơ hội chứng kiến sự tạo dựng, hình thành và lớn lên của Mộc Lan qua từng năm tháng. Con mang ơn những ánh mắt, nụ cười, những niềm vui, những trắc trở mà huynh đệ đã gắn bó, đi qua. Nhờ sự nâng đỡ, ôm ấp và chấp nhận, con đã lớn lên và tồn tại trong Tăng thân tại Mộc Lan này. Các sư anh, sư chị, sư em ở Mộc Lan đã từng là chiếc cầu tình thương để dìu dắt và yểm trợ con.
Mộc Lan bây giờ là những ngày tháng hạnh phúc và huy hoàng nhất. Mộc Lan là một trong những trung tâm của Làng có nhiều nét đẹp đặc trưng, nhiều cái hay, cái đẹp mà con người học hoài, thương hoài không hết. Đôi lúc con mỉm cười hạnh phúc khi nhìn Mộc Lan với sự sạch sẽ, ngăn nắp trong ngoài. Mộc Lan với những dãy cốc xinh xinh ẩn dưới những hàng cây, khu rừng mộc mạc đơn sơ, nhẹ nhàng. Mộc Lan với thiền đường mái đỏ, tháp chuông to lớn hùng vĩ bên khu nhà sum họp của xóm Mai, xóm Trúc. Hai xóm hầu như sinh hoạt chung, gặp nhau vẫn nở được nụ cười trong sáng và thân thiện. Mộc Lan thật sống động với tinh thần tu học tinh chuyên, cùng chơi, cùng tu học, cùng làm việc và có nhiều sự đồng lòng, vui vẻ hài hòa giữa bốn chúng như một đại gia đình. Đúng vậy, “Mộc Lan đi dễ khó về” là châm ngôn của nhiều người đã đến để thừa hưởng năng lượng bình an và thực tập chuyển hóa, đến lần đầu rồi sẽ đến lần sau và lần sau nữa. Điều đó đã nói lên tấm lòng của những con người có mặt ở Mộc Lan. Còn nhiều và nhiều nữa mà con sẽ mang theo để nuôi dưỡng mình.
Vào những ngày làm biếng thích thật. Sáng thức dậy với cảm giác nhẹ nhàng, bình an và tươi mát, được ngồi yên, được thở. Mộc Lan có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp. Con đang ngồi bên cạnh Bụt trong Thiền Đường xóm Mai, nhìn thẳng ra khu rừng mùa đông, con nhìn rất sâu vào giữa cánh rừng và bắt gặp từng lớp, từng lớp lá khô trải mình trên đất mẹ. Những ngày trời đông, cây cối đã dọn mình sạch sẽ để đón xuân về. Mấy hôm nay trời nắng ấm, chim rừng bắt đầu đua nhau ríu rít, con cũng không còn co ro như những ngày lạnh buốt, lạnh đến nỗi hồ sen đã đóng băng rất dày nên anh chị em chúng con rủ nhau ra mặt hồ để chơi. Ai cũng có cơ hội thử nghiệm đi trên mặt nước đá khác với đi trên mặt đất mầu nhiệm như thế nào.
Tình mẫu tử, nghĩa ân sư
Mấy hôm nay con nhớ Thầy nên con đọc lại những trang thư Thầy viết cho chúng con vào những năm trước đây. Đọc tới đâu con thấy nuôi dưỡng và hạnh phúc tới đó. Chúng con được Thầy dạy dỗ thật cặn kẽ và rõ ràng, Thầy động viên sách tấn chúng con qua từng chặng đường, dõi theo mỗi bước chúng con đi. Hôm qua là ngày quán niệm, bốn chúng cùng tu học với nhau đông vui hơn những tuần trước. Đặc biệt có nhiều người trẻ Mỹ và người trẻ Việt lớn lên ở Mỹ cũng như những thiền sinh khác đến ngày càng đông và tu tập đều đặn hơn. Chiều làm biếng, sư cô Nhẫn Nghiêm đãi đại chúng món bánh xèo rất ngon. Một số anh chị em chơi đá banh trước sân với nhiều tiếng cười rộn rã. Anh chị em chơi để được nuôi dưỡng, chơi bằng tình huynh đệ mà không phải bằng sự thắng thua, con thấy đi tu rồi chơi đá banh vui hơn nhiều. Một số anh chị em khác đi bộ, chạy bộ. Sau ngày quán niệm, Mộc Lan vui như ngày hội và đặc biệt hôm nay trời nắng ấm đẹp quá. Chúng con cũng đã trồng xuống những củ hoa thủy tiên để chào mừng mùa xuân tới. Suốt một ngày quán niệm cùng tu tập, cùng chơi với nhau thật vui và tròn đầy.
Về lại phòng nghỉ ngơi, con nằm xuống buông thư, thở và thấy đời người tu thật diễm phúc biết bao khi mình biết cách thưởng thức sự sống, biết sống với những vui buồn, khổ đau hay hạnh phúc ở trong mình cũng như xung quanh. Để cho cơ thể được buông thư sau vài hơi thở, con lại nhớ đến những lá thư của Thầy nên ngồi dậy tiếp tục mở ra đọc. Con có một ý tưởng thú vị khi vừa buông thư vừa đọc thêm những điều nuôi dưỡng thì thế nào sự trị liệu cũng được nhân đôi. Con đọc từng câu, từng chữ mà Thầy đã dùng tình thương của người Cha để nuôi các con, nhất là những lá thư Thầy viết khi chúng con còn ở Bát Nhã và Phước Huệ như đang thấm vào cơ thể con. Con cảm được niềm vui, tình thương của Thầy qua sự có mặt, ra đời và lớn lên của các sư con ngày một đông.
Thầy cũng vậy, tình của Thầy càng ngày càng bao la khi đón nhận những người trẻ xuất gia có đầy nhiệt huyết, đầy tài năng, đầy năng lượng tươi trẻ với tâm bồ đề sáng trong. Con nhớ trong giai đoạn biến cố Bát Nhã và những ngày chúng con ở Phước Huệ, Thầy thường động viên chúng con qua những bức thư. Mỗi khi nhận tình thương từ những bức thư Thầy gởi, từng lời chỉ dạy của Thầy giúp chúng con thấy rõ con đường, làm động lực thôi thúc chúng con vững mạnh lên, Thầy dạy chúng con tay nắm tay trong tình huynh đệ để cùng đi qua sóng gió mà không bị bão tố dập vùi hay rụng rơi. Đúng là: “Không có gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử, cũng không có gì cao cả và lớn lao bằng nghĩa ân sư”.
Thầy đang biểu hiện trong mỗi chúng con
Giờ đây, trong khi Thầy đang thị hiện bệnh, nếu chúng con biết tiếp xúc với Thầy trong tình huynh đệ, biết chấp nhận, tha thứ và thương yêu nhau, biết nương tựa vào nhau, nương tựa vào những sư anh, sư chị đang thay Thầy dẫn dắt thì chúng con thật sự được lớn lên trong Thầy và Thầy cũng đang biểu hiện trong mỗi chúng con. Con nhớ lại trong chặng đường biến cố Bát Nhã, mặc dù chúng con đang tạm trú tại Chùa Phước Huệ nhưng theo dòng chảy của Bụt Tổ, các sư em gia đình xuất gia Cây Sen Hồng vẫn ra đời. Lúc đó, có nhiều sư anh, sư chị, sư em rất lo lắng cho hoàn cảnh mà Tăng thân đang gặp phải, ngại rằng các sư em rồi sẽ nương náu nơi đâu? Nhưng nhờ Bụt Tổ đưa đường dẫn lối nên các sư em đi cùng Tăng thân cho đến hôm nay.
Bây giờ trong thời gian Thầy đang bệnh, đang nghỉ ngơi thì lại một lần nữa cũng có các sư em gia đình xuất gia cây Sồi Đỏ tiếp tục được sinh ra. Một số anh chị em chúng con thấy thương cho các sư em sẽ bơ vơ khi thiếu vắng Thầy. Rồi sự bình an trở lại đã cho con cái thấy mới, cho dù hình tướng Bụt không còn nhưng Tăng đoàn, giáo pháp của Bụt vẫn luôn lớn mạnh, vẫn chảy mãi cho đến hôm nay. Con đang thực tập ôm ấp với những gì đến và đi. Người ta nói: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi.” Còn chúng con thì: “Thầy già như lá mùa thu, gió lay lá rụng thì lá xanh đang tiếp bước Thầy”.
Dẫu ý thức rõ tuổi Thầy đã cao, mỗi chúng con đều đang thực tập để thấy được vô thường và chúng con đều đang là sự tiếp nối của Thầy, không có gì phải lo sợ. Khi nghe tin Thầy bệnh, có thể không có mặt với chúng con, mỗi chúng con ai cũng đều chấn động. Ngày đêm chúng con đã cầu nguyện năng lượng Bụt Tổ gia hộ cho Thầy nhưng thực ra cũng chính là gia hộ cho chúng con được bình an hơn, biết trở về với hơi thở, bước chân, biết thực tập buông bỏ những buồn giận, vướng mắc để có mặt cho huynh đệ và an trú trong hiện tại sâu sắc hơn. Những ngày Thầy bệnh cũng là những ngày huynh đệ chúng con an cư đầm ấm, khắn khít bên nhau, vui tươi, dễ dàng bỏ qua và tha thứ cho những vụng về của nhau hơn. Đặc biệt là ở Mộc Lan, chúng con có nhiều buổi ngồi lại chia sẻ cho nhau những vụng về, những chân tình sâu kín. Những thực tập bền vững và sâu sắc của mỗi sư anh, sư chị, sư em là thức ăn chúng con hiến tặng, nuôi dưỡng nhau. Con được nuôi dưỡng, được đánh động rất lớn khi lắng nghe những gì chân thật của huynh đệ mình chia sẻ qua những buổi sinh hoạt đó.
Dòng chảy tăng thân
Noel năm nay tất cả anh chị em chúng con được ngồi uống trà, tâm tình chia sẻ với nhau, món quà đặc biệt mà quý sư cô xóm Mai tự tay làm để tặng cho mỗi thầy xóm Trúc là những tấm thiệp rất đẹp. Trong đó quý sư cô đã viết vào những điểm đẹp mà mỗi thầy đã biểu hiện trong những năm qua. Vào buổi thiền trà đó, mỗi sư cô cầm trên tay tấm thiệp có tên một thầy và khi được gọi tên thầy nào thì sư cô đang cầm tấm thiệp đó đọc lên với giọng đọc rõ ràng, mạnh mẽ và vui tươi. Buổi ngồi chơi kéo dài gần ba giờ đồng hồ nhưng ai cũng cảm thấy vui và hớn hở.
Vào những ngày cuối năm có khóa tu Holiday Retreat, số lượng thiền sinh tăng lên gấp đôi, đông hơn so với dự tính của chúng con. Chủ đề khóa tu là: “Trong ấm, ngoài êm”. Khóa tu đã thật sự ấm êm và có nhiều hoa trái cho tất cả những người tham dự đón một năm mới. Bây giờ Thầy đang ngày một khỏe hơn, chúng con hạnh phúc và biết ơn sự cố gắng của Thầy, của cả tăng thân, cùng những bác sĩ, y tá đã và đang tận tình chữa trị cho Thầy. Trong tích môn con vẫn luôn mong ước Thầy còn đó hoài với chúng con, dù cho ai có bảo con nghèo mà ham cũng được.
Con nhớ những ngày mới xuất gia, con có nhiều hạnh phúc khi nhìn về Tăng thân của mình, con quán tưởng về những đứa con của thầy qua hình ảnh mẹ Âu Cơ: “Xưa mẹ Âu Cơ sinh được trăm con, năm mươi xuống biển, năm mươi lên non. Nay triệu cháu con chung tình nước non, là hoa một gốc là con một nhà”. Con không biết lúc đó mẹ Âu Cơ và các con của Mẹ có buồn không vì phải chia đôi mà chưa có pháp môn để thực tập. Còn Thầy bây giờ thì sao? Bởi vì chúng con là những đứa con mới được Thầy sinh ra và ở lại Chùa Diệu Nghiêm nên con đã làm lại bài hát rằng: “Nay thì Sư Ông sinh được trăm con, năm mươi ở Làng, năm mươi ở quê” (bởi vì chúng con đang ở Việt Nam, quê nhà). Xa nhau thì cảm thấy hơi buồn nhưng chúng con ý thức rõ: “Nay triệu cháu con như một dòng sông, là con nhiều nước là cha một nhà”, và Thầy hay là chúng con đều không có buồn khi ở cách xa nhau. Bởi Thầy đã dạy cho chúng con cách an trú, chế tác niềm vui, an lạc để ở đâu chúng con cũng có quê hương thân yêu. Thầy tuy xa nhưng lại thật gần, Thầy luôn có mặt cùng khắp. Chúng con có chung một người Cha và chung một ngôi nhà lớn là: “Hành Tinh Xanh”.
Đã mười năm con được sống trong dòng chảy của Tăng thân, mặc dầu con còn mang theo những vụng về, những nỗi khổ niềm đau chưa chuyển hóa hết, nhưng con đã hưởng được rất nhiều bình an, nhiều hạnh phúc và con đang lớn lên trong lòng Tăng thân. Con thấy đường tu ngày càng đẹp và thú vị lắm. Con sẽ không như thi sĩ Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, con sẽ nguyện: “Kiếp sau xin được làm người, cùng chung dòng chảy sống hoài với Tăng thân”.