Theo bước chân Bụt
Chân Pháp Dung – Chân Hiến Nghiêm
Chuyến hành hương mười ba ngày của chúng tôi kết thúc với món quà truyền thống do anh Shantum tặng – một sợi chỉ màu vàng cam cột quanh cổ tay mỗi người để làm kỷ niệm. Người Ấn gọi sợi chỉ này là “sutra” hay kinh, rất hợp với chủ đề của chuyến đi: “Theo bước chân Bụt”. Hai tuần của chuyến đi với bao kỷ niệm khi đặt chân trên các thánh tích, những kinh nghiệm chuyển hóa của tự thân cũng như những cái thấy mới, sâu sắc hơn về nước Ấn và đạo Bụt đã gắn kết tất cả chúng tôi lại với nhau. Những gì chúng tôi mang về từ chuyến đi không chỉ là những tấm ảnh hay vật lưu niệm, mà còn nhiều hơn thế. Như lời chia sẻ của anh Shantum vào cuối chuyến đi, cuộc hành trình tâm linh này sẽ vẫn được tiếp nối khi chúng tôi trở về nhà. Ấn Độ là một nơi đem lại sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc, nơi mà những yếu tố huyền thoại và hiện đại được pha trộn với nhau – một nơi mà trái tim ta không bao giờ có thể rời xa.
Những sắc màu tuyệt diệu của Tăng thân
Chuyến hành hương này thật đặc biệt bởi vì người tham dự đều là người biết thực tập và đã từng dự ít nhất một khóa tu do Làng Mai tổ chức. Chúng tôi được khuyến khích thực tập trong suốt chuyến đi, lúc ngồi trên xe buýt, khi đi, đứng, ăn uống và giao tiếp với mọi người. Đoàn chúng tôi gồm sáu mươi người đến từ nhiều quốc gia như Đức, Hà Lan, Anh, Mỹ, Ái Nhĩ Lan, Pháp, Úc, Thụy Sĩ và cả Ấn Độ. Trong số này có tám vị xuất sĩ (bốn thầy: Pháp Xả, Pháp Chương, Pháp Lý và Pháp Dung và bốn sư cô: Bi Nghiêm, Giác Nghiêm, Hiền Hạnh và Hiến Nghiêm), hai vị giáo thọ cư sĩ và nhiều vị Tiếp Hiện. Sự có mặt của các thiền sinh thực tập chánh niệm đã góp phần làm nên sự giàu có và sâu sắc của những trải nghiệm trong chuyến đi. Có thể nói chuyến hành hương này là một khóa tu di động, thấm nhuần năng lượng tâm linh, yếu tố lịch sử, âm thanh, cảnh tượng và hương vị của xứ Ấn.
Nơi cội Bồ đề uy nghiêm hùng vĩ, chúng tôi có cơ hội chứng kiến những màu sắc phong phú của Tăng thân Làng Mai giữa những sắc màu của các truyền thống Phật giáo khác. Vào buổi sáng đầu tiên, chúng tôi thức dậy sớm và đi bộ đến Bồ Đề Đạo Tràng trước khi mặt trời lên. Chúng tôi đi trong tĩnh lặng, chánh niệm, và cảm nhận được mình đã về, đã tới mặc dù nhiều người trong chúng tôi mới đến đây lần đầu. Chúng tôi lạy Bụt trên nền đá ẩm mát và đi kinh hành chân trần quanh ngôi bảo tháp trước khi tìm đến một khoảng trống để ngồi thiền. Phía bên trên cách chúng tôi không xa là các thầy người Thái quấn y màu vàng nghệ đang tụng kinh tiếng Pali. Bên phải là các sư cô trẻ Tích Lan với các cư sĩ áo trắng đang tụng kinh, và bên trái là khoảng hai mươi thầy Tây Tạng đang hướng về cội Bồ Đề để lễ lạy hết sức nhanh nhẹn và đầy sinh lực trên những tấm ván gỗ. Xa xa, chúng tôi nghe thấy âm thanh quen thuộc của tiếng chuông Đài Loan và gần hơn một chút là tiếng của một nhóm hành hương người Việt. Sư cô Hiền Hạnh pha trà mời mọi người. Chúng tôi ngồi xuống, theo dõi hơi thở, mở lòng lắng nghe giây phút hiện tại – giây phút đầy màu sắc, ngát hương và huyền bí.
Khi mọi người trong nhóm đã tập hợp trong im lặng, chúng tôi bắt đầu ngồi thiền với giọng hô canh của thầy Pháp Xả – thầy dùng bài hô canh buổi chiều, dù là đang buổi sáng, vì bài hô canh ấy được bắt đầu bằng câu: “Vững thân ngồi dưới cội Bồ Đề”.
Từ du lịch đến hành hương
Chuyến đi đòi hỏi mọi người phải tìm được sự quân bình giữa việc làm một du khách và làm một người hành hương, giữa kinh nghiệm bề mặt, thế tục và sự tiếp xúc với chiều sâu tâm linh. Chúng tôi đã được thử thách về nhiều khía cạnh khi chứng kiến những hình ảnh: bầy quạ mổ xác một con bò bên lề đường, đàn bướm vàng đang múa lượn trong nắng mai, bầy trẻ ốm yếu đang hát xin ăn, những người bán hàng rong níu kéo, mời mọc chúng tôi mua hàng. Những cảnh tượng mà chúng tôi chứng kiến mỗi ngày cứ đi lên trong tâm trí khi chúng tôi trở về khách sạn với những tiện nghi đầy đủ, phòng lạnh và thức ăn cầu kỳ.
Những buổi ngồi lại thành vòng tròn để pháp đàm đã giúp chúng tôi có cơ hội chia sẻ những niềm vui cũng như những thử thách trong ngày. Chúng tôi có thể bày tỏ tâm tư của mình, được lắng nghe và kết nối với nhau qua những trải nghiệm. Một vị trong nhóm chia sẻ: “Chúng ta không đến đây để vui thú, chụp ảnh hoặc để khám phá vẻ đẹp quyến rũ của xứ Ấn”. Đối với chúng tôi, chuyến đi này là một hành trình tâm linh, một cơ hội để nhìn sâu vào chính mình và nhìn lại chặng đường mà mình đã đi qua trong cuộc đời. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi đã sống với nhau, chấp nhận nhau và nâng đỡ nhau như một gia đình tâm linh.
Mỗi khi có chánh niệm trong bước chân, trong giao tiếp, mỗi khi nhìn mọi người và cảnh tượng xung quanh với con mắt ý thức thì lúc ấy chúng tôi đang là những người hành hương. Mỗi cảnh tượng đều trở nên thiêng liêng khi ta có cái nhìn sâu sắc. Chúng tôi ý thức rằng cây Bồ đề có thật hay không tùy vào chúng tôi đang thực sự có mặt trong giây phút hiện tại hay không. Chúng tôi áp dụng những pháp môn Bụt dạy, dừng lại, có mặt thật sự và tiếp xúc với hình hài và cảm thọ của mình. Ở những thánh địa mà đoàn đặt chân đến, chúng tôi đều có cơ hội ngồi yên, theo dõi hơi thở và quán chiếu về ý nghĩa cuộc đời của đức Bổn Sư.
Bụt là Tăng
Thầy đã nhiều lần chia sẻ rằng vị Bụt tương lai sẽ biểu hiện dưới hình thức một cộng đồng tỉnh thức. Nhiều lần trong chuyến đi, chúng tôi cảm nhận là Bụt, chư Tổ và Thầy đang có mặt và đồng hành cùng chúng tôi. Chúng tôi ý thức được sự quý giá của việc di chuyển như một tăng thân bốn chúng, trong đó ai cũng hết lòng thực tập mỗi phút mỗi giây. Sự có mặt của tăng thân bảo hộ và ôm ấp chúng tôi, cho phép chúng tôi có đủ thời gian và không gian để gọi đúng tên những niềm vui cũng như khổ đau của mình. Những giáo pháp Bụt dạy trở nên sống động trong chúng tôi, đó không phải là một cái gì chỉ thuộc về quá khứ mà thôi.
Tại đỉnh núi Linh Thứu, chúng tôi đã cùng nhau tụng Tâm Kinh Bát Nhã như một phẩm vật cúng dường lên Bụt và tổ tiên tâm linh. Khi chúng tôi bắt đầu tụng thì trời chợt đổ mưa, một cơn mưa nhẹ như một lời chúc phúc. Chúng tôi tập trung tâm ý để tụng cho đến cuối bài kinh, cùng lúc ấy cơn mưa cũng đi qua, nhanh như khi mới đến. Một sự giao hòa kỳ diệu giữa Đất và Trời, đó là cảm nhận của chúng tôi trong giây phút ấy. Một vị trong đoàn chia sẻ trong buổi pháp đàm sau đó rằng sự hội tụ của các điều kiện như mưa, bài Tâm kinh, núi Thứu, lời dạy của Thầy về bản chất vô sinh bất diệt của đám mây, sự kiện con gái của cô vừa qua đời, sự có mặt của các bạn đạo – tất cả những yếu tố này đến với nhau và làm tăng thêm sinh lực cho cả thân và tâm cô ấy. Cô thấy nước mắt mình hòa lẫn với cơn mưa và nỗi đau dịu dần với nụ cười nhẹ nhàng, chấp nhận. Tâm cô thay đổi. Lần đầu tiên cô cảm nhận được sự có mặt thật sự của con gái mình, đó không còn là cái hiểu của trí năng mà là một thực tại sống động. Cô thấy con gái đang mỉm cười cùng cô – một sự truyền thông toàn hảo giữa hai mẹ con.
Bụt dạy rằng chánh pháp sẽ là sự tiếp nối đích thực của Bụt. Bất cứ nơi nào mà chánh pháp được hành trì thì nơi ấy có mặt Đức Thế Tôn, và chánh pháp chỉ có thể được tìm thấy trong một chân Tăng. Chúng ta không thể nào tìm thấy chánh pháp trong sách vở hoặc trên youtube, mà chỉ có thể tìm thấy trong cách sống hàng ngày của chúng ta, trong cách chúng ta giao tiếp với những người xung quanh, bằng ý thức sâu sắc, sự hiểu biết và tình thương. Trong suốt chuyến đi, có những giây phút chúng tôi cảm nhận rõ màu vàng óng của ánh nắng ban mai, hoặc thưởng thức dòng sông đang êm đềm trôi, hay khi chúng tôi ngồi hoặc bước đi trong an lạc, hoặc bắt gặp ánh mắt đầy thiện cảm của nhau. Trong những phút giây ấy với ý thức sống động tràn đầy, chúng tôi cảm nhận được Bụt đang có mặt cùng chúng tôi.
Nhìn bằng mắt thương
Mắt chúng tôi không thể nhìn đi nơi khác, nhắm lại hay thờ ơ với khối khổ đau và nạn nghèo đói có mặt khắp nơi. Mỗi ngày khi rời khách sạn và mỗi khi bước xuống xe buýt, chúng tôi đều chứng kiến và cảm nhận được sự đói nghèo và khổ đau đó. Đối với những ai đến Ấn Độ lần đầu, đây là một thử thách và nhiều lúc làm ta không thể chịu nổi. Những người ăn xin thường có nhiều mưu mẹo và biết rõ lối cư xử của du khách, họ rất khôn khéo. Và nhiều người trong đoàn chúng tôi vì quen với môi trường “vô trùng” của xã hội Tây phương nơi ít thấy cảnh người già, bệnh và tàn tật nằm lăn lóc trên đường phố, đã không chuẩn bị trước cho những kích thích như vậy. Vài người trong chúng tôi thấy mình yếu đi giữa sự nghèo nàn cùng cực này. Đôi lúc, chúng tôi phải về lại xe buýt như tìm về một nơi trú ẩn, một dòng nước mát cho những người đang bị khát khô vì sức nóng của cảm xúc, một không gian khuây khỏa khỏi những bụi bặm, cảnh túng thiếu và sự rối loạn của xứ Ấn.
Ở một khía cạnh nào đó, có thể so sánh những kinh nghiệm này của chúng tôi với kinh nghiệm của chàng trai trẻ Siddhartha khi ra ngoài thành du ngoạn. Sau khi Siddhartha chứng kiến cảnh người bệnh, người già, người chết và đối lập với hình ảnh đó là hình ảnh một người có sự bình an, Siddhartha thức tỉnh cơn mê và bắt đầu cuộc hành trình tâm linh của mình. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng được thức tỉnh bởi thực tại của cuộc đời, bởi cảnh nghèo đói của xứ Ấn và sự giàu có của trái tim con người. Trong cuộc sống hàng ngày với nhiều tiện nghi vật chất và những lối tiêu khiển bên ngoài, chúng tôi có rất ít cơ hội để nhìn sâu vào tự thân và vào xã hội. Giờ đây, cảnh nghèo đói của xứ Ấn đã cho chúng tôi một cơ hội để suy ngẫm, để tiếp xúc với chiều hướng tâm linh và tìm được ý nghĩa sâu sắc cho cuộc đời mình.
Vàng đen giữa núi sông
Vài dặm từ Bồ Đề Đạo Tràng, tăng thân chúng tôi đi ven theo những cánh đồng lúa đến một ngôi tháp tưởng niệm, nơi mà truyền thuyết kể rằng có một cô bé tên Sujata đã cúng dường người tu khổ hạnh Siddhartha bát cháo sữa (tiếng Ấn gọi là kheer). Phía trước là dòng sông Niranjana. Bên bờ sông này, Siddhartha đã từng ngất xỉu. Xa xa là dãy núi Dungasiri vươn cao khỏi những rặng dừa. Siddhartha đã tu khổ hạnh tại chính những hang núi này.
Chúng tôi bước đi hàng một cẩn thận giữa các thửa ruộng để không bị rơi xuống nước. Xa xa, các cô gái làng đội những bó lúa trên đầu uyển chuyển, thanh thoát băng qua các cánh đồng. Chúng tôi gặp một nhóm người đang dùng phân trâu khô làm thành những khoanh tròn, họ gọi đó là “vàng đen”. Những người này rất tử tế, họ cho chúng tôi tham gia công việc họ đang làm. Một số người trong chúng tôi đã bắt tay vào việc, nhúng hai bàn tay mình vào “khối của quý” màu đen, ấm, ẩm, thơm phức kia và tạo thành từng khoanh tròn. Dù thiếu kinh nghiệm nhưng đó là một cơ hội để thực tập tâm không kỳ thị: thấy được hoa sen trong bùn, trân quý của báu trong đống phân. Phân trâu là nguồn nhiên liệu quý ở vùng này.
Thỉnh Bụt về nhà
Vài người trong đoàn chúng tôi có cơ hội dừng lại trên những đồng ruộng xanh ngát để cảm nhận sự tĩnh lặng, niềm an lạc và không gian hài hòa bên trong và cả xung quanh. Những dãy núi đá sắc nhọn phía xa cân xứng đầy thi vị với dòng sông uốn khúc, như thể chúng tôi được trở về với khung cảnh ngày xưa thời của Bụt. Chúng tôi có thể cảm nhận niềm phấn chấn của chàng trai trẻ trước sự mời gọi đầy thách thức của những hang động. Chúng tôi cũng thấy được nét đẹp và không gian bình an bát ngát mênh mông của thiên nhiên. Cách đó không xa là nơi Siddhartha, sau sáu năm tìm kiếm, đã tìm ra giáo lý Trung Đạo. Ngài thấy mình không cần phải phấn đấu để vượt thoát thế giới này; trái lại Ngài đã nhận ra bản chất tương tức của vạn vật và nhờ vậy đã tự giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc. Cũng gần nơi này, Ngài đã lập đại nguyện giúp chúng sinh chứng nhập sự thật ấy. Đứng tại đây, chúng tôi rất biết ơn mảnh đất này đã yểm trợ công trình của Ngài. Chúng tôi cung kính cảm tạ núi sông, ruộng đồng, những khoanh cỏ kusa, những em bé trong làng và gia đình của các em.
Giờ đây, chúng tôi hiểu và thương kính hơn vị thầy gốc của mình, đức Bổn Sư Sakya Muni. Sự cảm thông gần gũi và ấm áp này sẽ giúp chúng tôi tiếp xúc được với Ngài trong tự thân chúng tôi và trong giáo pháp mà Ngài đã trao truyền. Khi ngắm nhìn bầu trời đầy sao, chúng tôi giờ đây có thể ngắm nhìn với đôi mắt của Ngài. Khi đi với Tăng thân, chúng tôi có thể bước với đôi chân của Ngài, những bước chân thanh thoát, nhẹ nhàng.