Tình thương lên tiếng gọi
Chân Hiến Nghiêm
Làng Mai đến Vatican
Trong khi Thầy đang thở những hơi thở bình an trong nhà thương tại Pháp, một phái đoàn gồm 22 thầy và sư cô Làng Mai đã lên đường đến Rome theo lời mời của Đức Giáo hoàng Francis để đại diện Thầy tại Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới ở Vatican. Nội dung chính của Hội nghị là kêu gọi những hành động cụ thể và mang tính tâm linh để chấm dứt nạn buôn người – một hình thức nô lệ hiện đại, nhằm bảo vệ nhân phẩm của những người khốn khó và dễ bị tổn thương nhất đang bị biến thành nô lệ trên thế giới.
Đến với nhau trong tình huynh đệ
Hội nghị có tính lịch sử này không phải là một cuộc gặp gỡ thông thường giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo để luận đàm về những vấn đề lý thuyết hay triết học. Sự kiện các nhà lãnh đạo tôn giáo đến với nhau trên cơ sở tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và trong tình huynh đệ, để cùng kêu gọi những hành động cụ thể mang tính đạo đức, vì lòng từ bi đối với tất cả mọi người mà không có sự phân biệt, đã làm cho Hội nghị này có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thầy Pháp Ấn và sư cô Chân Không – đại diện cho Hội đồng Tỳ kheo và Hội đồng Tỳ kheo ni của Làng Mai – đã cùng đóng con dấu ký tên Thầy vào Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo và đọc Thông điệp của Thầy tại Hội nghị. Thông điệp này đã được Thầy chuẩn bị chỉ hai ngày trước khi bị xuất huyết não đột ngột (ngày 11/11/2014).
Với mong muốn có sự tham gia của nhiều truyền thống tôn giáo tại Hội nghị, Tòa Thánh Vatican đã mời đại diện của tất cả các tôn giáo chính trên thế giới: đạo Hồi (với đại diện của hai dòng Shia và Sunni), đạo Cơ Đốc (với đại diện của Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành), đạo Bụt (cùng với Thầy Làng Mai còn có Hòa thượng Datuk K Sri Dhammaratana đến từ Malaysia – đại diện cho truyền thống Nam Tông), đạo Do Thái (có hai tu sĩ đại diện cho các nhánh khác nhau trong đạo Do Thái) và bà Mata Amritanandamayi (thường được gọi là Amma) – một vị Bồ tát nổi tiếng của Ấn Độ, đại diện cho đạo Hindu.
Một ngày Quán niệm tại Vatican
Mùa hè vừa qua (tháng 8/2014), khi Đức Giám mục Sánchez Sorondo – đặc phái viên của Đức Giáo hoàng Francis – đến Làng để chính thức mời Thầy đến Vatican, Thầy đã đưa ra đề nghị là sự kiện mà Vatican dự định tổ chức vào tháng 12 không chỉ giới hạn trong việc ký kết văn kiện và chụp hình trước báo chí mà thôi. “Chúng ta cần có thời gian để ngồi với nhau, đi với nhau và ăn chung với nhau trong bình an. Chúng ta cần có thời gian để lắng nghe nhau một cách sâu sắc và chia sẻ những kinh nghiệm của mình từ góc độ thực tập tâm linh”, Thầy nói với Đức Giám mục Sánchez Sorondo. “Điều đó sẽ rất hữu ích. Chỉ khi nào có những sinh hoạt như vậy thì sự gặp gỡ mới có nhiều lợi lạc. Việc ký kết các văn kiện và đưa ra những tuyên bố sau Hội nghị không quan trọng bằng việc các huynh đệ đến từ nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau có thời gian để ngồi lại với nhau và chia sẻ tuệ giác cũng như những kinh nghiệm tu tập của mình nhằm giúp mọi người trên thế giới vơi bớt khổ đau”.
Đức Giám mục Sánchez Sorondo rất mong Thầy có mặt tại sự kiện này, vì vậy ông cố gắng thu xếp với Vatican để thực hiện theo lời đề nghị của Thầy. Đức Giám mục đã thu xếp để có một ngày Quán niệm do Vatican chủ trì tại tòa nhà cổ rất đẹp của Hàn lâm viện Tòa thánh về các khoa học ở Nội thành Vatican. Theo chương trình, ngày Quán niệm sẽ có ăn trưa trong im lặng và lần đầu tiên, bữa ăn do Vatican thết đãi các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ là thức ăn chay (và không có các sản phẩm từ sữa); có thiền hành qua những khu vườn được trang trí với đài phun nước và các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng; ngoài ra sẽ có thời gian để các đại biểu chia sẻ những điều từ trái tim và lắng nghe nhau một cách sâu sắc. Ban đầu, Đức Giám mục Sánchez Sorondo rất lo lắng, không biết ngày Quán niệm này sẽ diễn ra như thế nào, vì thực sự đây là điều chưa từng xảy ra ở Vatican. Tuy nhiên, khi thấy nhiều nữ tu của đạo Công giáo – những người đang hết lòng trong công việc giải cứu phụ nữ khỏi nạn buôn người và nạn mại dâm – bày tỏ mong muốn tham gia hoạt động này thì Đức Giám mục thay đổi quan điểm của mình. Sau đó, năm mươi thành viên của phái đoàn chính thức đi cùng bà Amma cũng muốn tham gia. Cuối cùng thì hơn 120 đại biểu – những người thực tập tâm linh và các tác viên xã hội tham gia vào lĩnh vực giúp chữa lành vết thương cho các nạn nhân của nạn buôn người – đã tham gia ngày Quán niệm.
Niềm vui bên nhau
Mở đầu ngày Quán niệm, tăng đoàn đã niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm để gửi năng lượng bình an và trị liệu đến Thầy cũng như đến các nạn nhân đang chịu áp bức và khổ đau trên thế giới. Chúng tôi đều ý thức rằng Thầy cũng đang có mặt với chúng tôi trong giây phút ấy. Sau khi niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, sư cô Chân Không và thầy Pháp Ấn chia sẻ với các đại biểu về những pháp môn tu học ở Làng Mai, gây xúc động rất sâu sắc. Tiếp đó, thầy Pháp Lưu hướng dẫn mọi người thực tập các động tác chánh niệm. Có lẽ đây là lần đầu tiên có buổi tập theo kiểu yoga (“body yoga”) trong lịch sử hàng thế kỷ qua của tòa nhà này.
Trong tinh thần giao lưu, chia sẻ giữa các tôn giáo, chúng tôi được nghe một bài thuyết trình từ một nữ tu sĩ Công giáo đang tham gia trực tiếp vào công việc cứu giúp các nạn nhân của nạn buôn người. Bài chia sẻ này thực sự đánh động đến tất cả chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn được nghe chia sẻ của Đức Giáo hoàng và một tu sĩ đạo Hindu – người đang phụ trách các công tác xã hội cho bà Amma. Sau phần giao lưu chia sẻ, các đại biểu cùng ra ngoài trời để thiền hành với nhau như những huynh đệ trong một gia đình tâm linh. Thầy Pháp Ứng đã dẫn đoàn thiền hành đi qua những khu vườn xanh mát dưới ánh nắng ấm áp. Một vài sư cô nắm tay các nữ tu Công giáo cùng đi thiền hành. Chúng tôi đã tiếp xúc được với chất liệu từ bi và tâm bồ đề gắn kết chúng tôi với các huynh đệ đến từ các truyền thống khác trong buổi sáng hôm ấy. Vì có khá đông người tham dự nên buổi ăn trưa không thể sắp xếp theo kiểu ăn trưa nghi lễ, mọi người ngồi xung quanh sân vườn dưới nắng ấm, thưởng thức những món ăn Ý được nấu rất khéo trong không khí bình an và thắm tình huynh đệ. Năng lượng đó vượt lên trên không khí chính trị và những phức tạp của trung tâm Vatican đầy quyền lực này.
Ngày Quán niệm được tiếp tục với những chia sẻ thân tình và phần vấn đáp vào buổi chiều. Câu chuyện của sư cô An Nghiêm về chính mình cũng như về tổ tiên huyết thống đã đánh động rất nhiều người. Thầy Pháp Dung làm cho không khí trở nên vui tươi khi hướng dẫn mọi người hát bài “Tôi yêu thiên nhiên, thiên nhiên thật tuyệt vời!” kèm theo những động tác tay rất dễ thương. Chúng tôi có cảm giác các đại biểu đến từ các truyền thống khác không chỉ tò mò muốn tìm hiểu thêm về những thực tập của Làng Mai mà còn mong muốn tiếp xúc với chất liệu bình an, niềm vui và sự nhẹ nhàng mà tăng thân đã đem lại cho Hội nghị. Chúng tôi đều cảm nhận được một sự gần gũi, lân mẫn vượt thoát biên giới tôn giáo và quốc gia. Chúng tôi rất biết ơn Tòa thánh Vatican đã tin tưởng và tạo điều kiện để cho chúng tôi và các đại biểu tham dự Hội nghị có cơ hội sinh hoạt bên nhau như vậy. Chúng tôi cũng vô cùng biết ơn Thầy đã chỉ cho chúng tôi thấy đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Pháp thân và tăng thân của Thầy cùng có mặt ở Rom
Sau ngày Quán niệm là ngày diễn ra lễ họp báo và ký kết Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Đoàn chúng tôi phải vào Nội thành Vatican từ sáng sớm để tham gia “sự kiện trọng đại” này. Chúng tôi đi bộ trong im lặng dọc những con đường lát gạch được rửa sạch sau cơn mưa và băng qua quảng trường St. Peter vắng vẻ trong buổi sớm mai. Chúng tôi đang đi bằng những bước chân bình an của Thầy và mang tình thương của Thầy trong trái tim mình. Những người lính gác Thụy Sĩ trong trang phục truyền thống cho phép chúng tôi đi qua các cổng dẫn vào Nội thành Vatican. Sau đó có xe đưa chúng tôi đi qua những khu vườn và tòa nhà có kiến trúc đẹp mắt để đến trụ sở của Hàn lâm viện Tòa thánh về các khoa học, nơi diễn ra sự kiện lịch sử trong buổi sáng hôm ấy. Nơi đây cũng từng là nơi ở của Đức Giáo hoàng.
Phòng hội thảo của Hàn lâm viện Tòa thánh về các khoa học, nơi diễn ra cuộc họp báo, chật kín người trong buổi sáng hôm ấy. Tham dự buổi họp báo có các Hồng y, Tổng giám mục, các tu sĩ Công giáo, các nhà lãnh đạo Do thái giáo, Hồi giáo và các đoàn đại biểu, cùng với những nhà báo được coi là rất quan trọng (“VIP Journalists”). Với 22 thầy và sư cô (đều là những vị tỳ kheo, tỳ kheo ni), phái đoàn Làng Mai là đoàn đại biểu đông nhất trong Hội nghị. Cùng đi với chúng tôi đến Vatican còn có một số học trò cư sĩ của Thầy, trong đó có các doanh nhân và học giả nổi tiếng đến từ Mỹ.
Trong không khí yên lặng, tất cả mọi người đều đứng dậy để chào đón các nhà lãnh đạo tôn giáo đang bước vào phòng họp báo, trong đó có Đức Giáo hoàng Francis với bộ áo choàng màu trắng, đầu hơi cúi xuống để chào mọi người. Đức Giáo hoàng xuất hiện với dáng vẻ thật khiêm cung và lặng lẽ. Một sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng và dịu ngọt bao trùm lấy Đức Giáo hoàng, bà Amma và sư cô Chân Không khi cả ba vị cùng ngồi vào chỗ của mình trên bục, hai bên là các tu sĩ Hồi giáo và Chính thống giáo. Sư cô Chân Không được vinh hạnh ngồi bên tay phải của Đức Giáo hoàng.
Đức Giáo hoàng là người đầu tiên phát biểu tại cuộc họp báo, với giọng nói rất nhẹ, sau đó đến bà Amma, rồi đến sư cô Chân Không. Khi sư cô vừa bắt đầu phát biểu, cả căn phòng bỗng trở nên yên lắng lạ thường. Là người đầu tiên phát biểu bằng tiếng Anh trong cuộc họp báo, với một sự nhẹ nhàng, sư cô xin phép được đọc Thông điệp của Thầy gửi đến Hội nghị. Trong thông điệp đó, Thầy kêu gọi những người đang nỗ lực hành động để chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, trong đó có các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tác viên xã hội, những nhà hoạt động nhân quyền cũng như các doanh nghiệp có đạo đức trong kinh doanh, tất cả đều cần phải nuôi dưỡng chiều hướng tâm linh thật vững mạnh trong đời sống hàng ngày của mình. “Cho dù có thiện chí lớn lao đến đâu đi nữa, nếu không có sự thực tập tâm linh, chúng ta sẽ sớm từ bỏ giấc mơ của mình”, Thầy nói. “Chúng ta phải dành thời giờ để chăm sóc cho chính mình và chăm sóc cho giây phút hiện tại”.
Lòng từ bi không biên giới
“Để có thể duy trì được công việc đầy từ bi này một cách lâu dài, tất cả chúng ta đều cần có một tăng thân (một đoàn thể tu học) để bảo vệ và yểm trợ cho chúng ta. Đó phải là một đoàn thể chân chính, nơi có tình huynh đệ, có hiểu biết và thương yêu thực sự. Chúng ta không nên làm công việc này như một chiến binh đơn độc. Nạn buôn người có gốc rễ rất sâu dày và những mạng lưới, cơ cấu, những điều kiện làm phát sinh vấn đề này cũng rất phức tạp. Vì vậy chúng ta cần phải xây dựng một đoàn thể, một tăng thân có khả năng duy trì công việc bảo vệ sinh mạng này một cách lâu dài, không chỉ đến năm 2020 như mục tiêu đã đề ra mà thôi”. Cũng như bà Amma, Thầy nhấn mạnh rằng chúng ta cần có lòng từ bi không chỉ đối với các nạn nhân mà còn đối với những kẻ buôn người. Tình thương chân thật không loại trừ bất cứ ai. Nếu nhìn cho sâu, chúng ta có thể thấy được những nhân duyên, môi trường không thuận lợi, sự nghèo đói và bạo động đã khiến người đó trở thành một kẻ buôn người.
Có khoảng hơn mười hai bài diễn văn được đọc tại buổi họp báo, mỗi bài có một phong cách, một giọng điệu riêng, tùy theo mỗi văn hóa và truyền thống tôn giáo. Chúng tôi vô cùng biết ơn và xúc động khi thấy năng lượng bình an và tình thương của Thầy lan tỏa trong Hội nghị, mặc dù Thầy không trực tiếp có mặt ở đó. Chúng tôi có thể cảm nhận rõ sự có mặt của Thầy qua pháp thân và tăng thân đang tiếp nối Thầy một cách mầu nhiệm.
Sau các bài diễn văn là phần đọc và ký kết Tuyên bố chung của Hội nghị. Chúng tôi thật xúc động khi thấy thầy Pháp Ấn cùng với sư cô Chân Không đóng một dấu mộc tên Thầy màu đỏ tươi vào bản Tuyên bố chung. Chúng tôi cảm nhận sự có mặt của Thầy trong giờ phút ấy, lòng vô cùng biết ơn Thầy đã mở ra một con đường và chuẩn bị mọi thứ cho chúng tôi một cách rõ ràng.
Khi chia tay với Đức Giám mục Sanchez, chúng tôi đã hứa với Đức Giám mục rằng chúng tôi – những người tu trẻ sẽ không ngừng nỗ lực để làm vơi bớt những khổ đau, áp bức và tình trạng nô lệ hiện đại. Chúng tôi ý thức rằng với sự thực tập tâm linh vững chãi cùng tuệ giác và sức mạnh của các pháp môn mà Thầy đã trao truyền, chúng tôi sẽ có thể giữ được tâm nguyện của mình một cách lâu bền.
(Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh)