Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Chánh niệm là con đường

Pháp thoại ngày 15.06.2014 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ, Làng Mai trong khóa tu 21 ngày, được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Chánh niệm và tà niệm

Bất cứ ai cũng cần sự giúp đỡ, trong đó có cả Bụt. Bụt cũng cần chúng ta giúp Ngài. Bụt chỉ có hai tai thì làm sao nghe được hết những khổ đau trên thế giới? Bụt chỉ có hai tay thì làm sao có thể giúp hết được cho thế giới này bớt khổ? Thành ra, chúng ta phải giúp Bụt, chúng ta phải trở thành mắt của Bụt, thành lỗ tai của Bụt, thành cánh tay của Bụt…

Không những người nghèo đau khổ mà người giàu cũng đau khổ. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp rất giàu có nhưng họ cũng đau khổ rất nhiều. Họ mời chúng ta đến giảng dạy chánh niệm để giúp họ bớt khổ và đồng thời giúp họ thành công hơn nữa trong việc kinh doanh.

Vấn đề đặt ra là: Chúng ta có nên giảng dạy chánh niệm cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp để giúp họ làm giàu nhiều hơn nữa hay không? Có người trả lời: “Tại sao không? Làm giàu thì có gì sai? Họ làm giàu thì họ tạo được công ăn việc làm cho những người khác và cung cấp vật dụng cần thiết cho chúng ta”. Thành ra có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc ta có nên giúp cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hay không.

Chúng ta cũng biết rằng hiện nay trong quân đội có rất nhiều khổ đau, nhiều căng thẳng và nghi ngờ, nhiều người đã tự tử. Người ta muốn mời các vị giáo thọ đến hướng dẫn thực tập chánh niệm cho những người lính trong quân đội trước khi họ được gửi ra trận. Nhiều vị giáo thọ đã từ chối với lý do: “Tôi không thể làm như thế được! Tôi không thể hướng dẫn cho những người lính thực tập chánh niệm để họ có khả năng tập trung cao hơn và giết người giỏi hơn!” Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: “Nếu những người lính có chánh niệm thì họ sẽ không giết hại thường dân mà chỉ giết kẻ địch thôi, điều đó cũng đủ có ích lợi rồi”.

Như vậy, một cuộc tranh luận đã mở ra và đang tiếp diễn xoay quanh vấn đề: chúng ta có nên loại trừ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người trong quân đội ra khỏi sự thực tập chánh niệm hay không? Những người làm nghề đánh cá cũng bắt nhiều cá và tàn hại rất nhiều sinh mạng. Và còn những người trong ngành công nghiệp sản xuất thịt hay chế tạo vũ khí nữa, ta có nên loại trừ hết những người đó ra khỏi sự thực tập chánh niệm hay không?

Cho nên, một câu hỏi rất quan trọng được đặt ra là: Chánh niệm có thể làm lợi lạc cho tất cả mọi người hay chỉ làm lợi lạc cho một số thành phần nào đó mà thôi?

Hôm nay chúng ta phải để thì giờ đi sâu vào chủ đề này. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thực sự hiểu chánh niệm là gì hay không? Trong giáo lý đạo Bụt có danh từ chánh niệm (right mindfulness), mà đã có chánh niệm thì cũng có tà niệm (wrong mindfulness). Thành ra, trước tiên chúng ta phải phân biệt được chánh niệm và tà niệm.

 

Sự khác biệt giữa chánh niệm và tà niệm, chánh kiến và tà kiến

Chánh niệm, tiếng Phạn là  samyak smṛti, ngược lại với tà niệm là mithya smṛti. Có sự khác biệt gì giữa chánh niệm và tà niệm? Câu trả lời là:

    1. Chánh niệm không phải là một công cụ, một phương tiện mà là một con đường

      Ta có thể sử dụng một dụng cụ để làm nhiều việc, ví dụ ta dùng dao để chặt cây, cắt gọt rau quả v.v. nhưng cũng có người dùng dao để đi ăn cướp, để giết người. Chánh niệm không phải là con dao mà ta có thể dùng để làm cả những chuyện tốt lẫn những chuyện xấu. Chánh niệm không phải là một công cụ. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta cho chánh niệm là một công cụ, chúng ta nghĩ rằng có thể dùng chánh niệm để trị liệu, để hòa giải hoặc làm ra nhiều tiền, hoặc để giết kẻ thù cho hay hơn.

      Chánh niệm không phải là một phương tiện hay một công cụ mà là một con đường. Bởi vì chánh niệm là một trong tám chi phần của Bát chánh đạo. Chánh niệm thuộc về chánh đạo (samyak marga). Nếu ta lấy chánh niệm ra khỏi bối cảnh của chánh đạo thì nó không còn là chánh niệm nữa. Đây là điều rất quan trọng!

      Chánh đạo (right path) là con đường đúng đắn, bắt đầu bằng chánh kiến (right view). Chánh kiến là cái thấy vượt thoát mọi sự kỳ thị, giận hờn và sợ hãi. Vì vậy, nếu chánh niệm không chuyên chở chánh kiến trong đó thì không phải là chánh niệm thật sự.

      Chánh đạo là sự thật thứ tư của Tứ đế, mà chánh niệm là một thành phần trong đó. Chánh đạo là con đường đúng đắn đưa tới hạnh phúc, tức là đưa tới sự thật thứ ba của Tứ đế.

      Tà đạo (wrong path) ngược lại với chánh đạo, đó là con đường đưa tới sự thật thứ nhất tức là khổ. Ta có thể nhìn sự thật thứ hai của Tứ Đế như là một con đường, con đường sai lầm (tà đạo). Con đường sai lầm bắt đầu bằng cái thấy sai lầm, tức tà kiến (wrong view). Cái gì đưa tới cái thấy sai lầm? Tà niệm, tà định đưa tới tà kiến. Và tà kiến đưa tới tà tư duy, tà ngữ và tà nghiệp.

      Cho nên, chánh niệm nằm trong chánh đạo, và tà niệm thuộc về tà đạo. Rất rõ ràng. Ta phải phân biệt được chánh niệm với tà niệm. Danh từ chánh niệm và tà niệm đã có từ thời của Bụt. Nếu có chánh niệm thì luôn luôn có tà niệm. Tà niệm luôn đi đôi với tà kiến và tà tư duy. Vì vậy, những loại niệm nào đưa tới tà kiến, tà tư duy, tà nghiệp thì không phải là chánh niệm.

      Có những người không hề học hỏi và thực tập chánh niệm, chánh kiến nhưng họ cũng có một ít chánh niệm và chánh kiến. Họ không phải là Phật tử, không cần phải là Phật tử mới có được chánh niệm và chánh kiến.

      Trong cuộc chiến tranh Đông Dương người ta báo cáo rằng hai phe, phe cộng sản và phe chống cộng sản đã tàn sát lẫn nhau. Họ đã làm theo lệnh của cấp trên nhưng thật ra những người lính của hai bên không hề muốn giết nhau. Người ta kể lại rằng phe cộng sản đã đến đóng ở bờ bên kia sông còn phe chống cộng thì đóng ở bờ bên này sông, hai bên đã nhìn thấy nhau nhưng họ không tấn công nhau. Họ đứng im như vậy trong một hay hai giờ đồng hồ. Cuối cùng để làm tròn phận sự của mình, họ đã chỉa súng bắn lên trời rồi lấy khẩu phần thức ăn của mình ra ăn và rút lui. Chuyện này đã xảy ra rất nhiều lần ở Lào.

      Điều này có nghĩa là những người chiến sĩ đó có được chánh kiến. Họ không hiểu tại sao mình lại phải chém giết lẫn nhau, tại sao mình phải giết người và bị người giết. Họ thấy bên kia không phải là kẻ thù của mình, bên kia cũng giống như mình, bị đưa ra trận tuyến để giết người và bị người giết.

      Từ đâu mà ta có được cái thấy đó? Đó là nhờ chánh niệm, chánh niệm có chứa tuệ giác trong đó. Ở đâu có chánh niệm thì ở đó có tuệ giác. Ta thấy được rằng những người kia là nạn nhân bị bắt đến để giết người và để bị người giết, và ta cũng bị bắt đến để giết người và để bị người giết. Đó là chánh kiến! Ta không thể lấy chánh kiến ra khỏi chánh niệm vì chánh niệm đã chứa sẵn chánh kiến trong đó. Ở Làng Mai chúng ta thường nói rằng chánh niệm chứa đựng năng lượng của định và tuệ trong đó.

      Ví dụ như ta thực tập:Thở vào tôi biết là tôi còn sống. Chánh niệm về hơi thở đưa tới cái thấy là ta đang còn sống. Có những người sống mà không biết là mình đang sống nên họ không thấy vui sướng khi được sống. Có chánh niệm thì tuệ tới ngay lập tức. Chánh niệm mà không có tuệ thì không thật sự là chánh niệm.

      Những người lính từ chối đánh nhau vì họ có được chánh niệm và tuệ giác. Điều này làm cho các cấp chỉ huy rất tức giận. Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, những trường hợp tương tự cũng đã từng xảy ra. Người ta báo cáo rằng có từ 75-80% chiến sĩ đã hành xử như vậy. Cấp chỉ huy đã rất tức giận nên bây giờ họ tìm cách hướng quân đội về một loại niệm và một cái thấy khác, một loại tà niệm và tà kiến. Họ biến niệm và định trở thành một phương tiện, một công cụ để giúp cho quân đội mạnh hơn, phục vụ tốt hơn trong việc tàn sát kẻ thù. Đó là chủ ý của các cấp lãnh đạo quân sự. Như vậy nếu chúng ta đến để giúp cho họ thực hiện được mục đích đó thì chúng ta không giảng dạy chánh niệm thật sự.

      Ví dụ một người lính ra trận, ở ngay trận địa anh ta thực tập thở vào, thở ra và ý thức được rằng kẻ thù của mình đang ở trước mặt mình, và nếu anh không giết kẻ thù đó thì kẻ thù sẽ giết anh.

      Thở vào tôi biết là kẻ thù đang có mặt

      Thở ra tôi phải giết hắn vì nếu không thì hắn sẽ giết tôi.

      Sự thực tập này được thúc đẩy bởi sự sợ hãi, bởi ý chí muốn sống còn và bởi tà kiến. Nếu không coi người kia là kẻ thù thì ta không thể nào giết họ được. Ta bị nhồi vào đầu tư tưởng “Những kẻ đó là kẻ thù của ta, là người ác, là mối hiểm họa cho sự an nguy của đất nước mình. Những kẻ đó đi ngược lại lợi ích của dân tộc mình, không có họ thì mọi chuyện sẽ tốt hơn”. Người ta đã đào tạo những người lính như vậy và làm cho họ có ý muốn giết người.

      Trong chiến tranh Việt Nam, những người lính Mỹ bị nhồi vào đầu là cộng sản rất nguy hiểm, nếu để Việt Nam rơi vào tay cộng sản thì cộng sản sẽ chiếm hết Đông Nam Á và có thể bành trướng sang Tân Tây Lan (New Zealand), Úc (Australia) và sớm muộn gì cũng sang tận Hoa Kỳ. Tư tưởng đó được thúc đẩy bởi sự sợ hãi.

      Hiện nay, Hoa Kỳ đang hợp tác kinh tế với Việt Nam. Nhìn lại quá khứ, ta thấy việc đổ vào Việt Nam không biết bao nhiêu là tiền bạc, súng ống, chất độc hóa học và hy sinh biết bao nhiêu mạng người không phải là một hành động thông minh, đó không phải là chánh kiến. Hàng triệu người đã trở thành nạn nhân của tà kiến đó. Cái thấy sai lầm của những nhà lãnh đạo chính trị đã đưa tới sự tàn phá, hủy diệt môi trường và cái chết của hàng triệu dân thường.

      Hoa Kỳ có thể làm hay hơn, như hỗ trợ cho hai miền Nam-Bắc xây dựng lại đất nước và phát triển kinh tế, giáo dục, v.v. Như thế Hoa Kỳ sẽ chi phí ít hơn, và còn giúp được cho hai miền Nam – Bắc cùng nhau xây dựng một đất nước hạnh phúc hơn. Thông qua đó, nước Mỹ cũng thu phục được nhiều bạn bè hơn. Đó là cái thấy tốt đẹp, là chánh kiến.

      Để có thể huấn luyện một người lính thành một sát thủ giỏi, người ta phải nhồi vào đầu họ tư tưởng là nếu không có kẻ thù đó thì sẽ tốt đẹp hơn cho mình và cho đất nước. Tôi nhớ Tổng thống Bush đã từng tuyên bố như vậy về Bin Laden: “Nếu không có ông thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn!” (the world will be a better place without you!). Đó là chính sách loại trừ mà hiện nay chúng ta vẫn đang tiếp tục sử dụng. Nếu thấy người nào đó có thể là mối nguy hiểm cho an ninh của mình và cho đất nước mình thì chúng ta tìm cách loại trừ người đó, loại trừ bằng cách này hay bằng cách khác, bằng phương tiện hợp pháp hay không hợp pháp.

      Là một vị giáo thọ, nếu ta được mời đến hướng dẫn cho những người lính thực tập chánh niệm thì ta không thể nói với họ rằng: “Công việc của các anh là đi giết kẻ thù. Các anh phải có niệm và định để làm việc đó cho tốt!” Ta không thể nói như vậy. Nếu nói như vậy thì chánh niệm trở thành một phương tiện mà không phải là con đường.

        2. Chánh niệm không phải là một phương tiện để đạt tới mục tiêu

          Khi ta thở vào có chánh niệm thì hơi thở vào không phải là một phương tiện. Nếu biết cách thở thì ta có được niềm vui, bình an và sự trị liệu ngay trong khi thở vào. Không có sự phân biệt giữa phương tiện và cứu cánh. Nếu ta không cảm thấy thoải mái trong khi thở nhưng ta vẫn cố gắng chịu đựng để đạt được một mục đích nào đó thì đó không phải là chánh niệm thật sự.

          Không có sự khác biệt giữa phương tiện và cứu cánh, vì chánh niệm chính là con đường. Con đường được làm bằng những bước chân và mỗi bước chân chính là con đường. Mỗi bước chân đều chứa đựng chánh niệm, chánh định, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn. Mỗi hơi thở vào là một bước chân, trong mỗi bước chân đó ta phải có sự thư giãn, có an, có định và có tuệ.

          Chánh niệm không phải là một công cụ, một phương tiện. Ở Làng Mai chúng ta luôn được nhắc nhở phải thực tập như thế nào để có bình an, niềm vui và tình huynh đệ ngay trong khi ngồi, trong khi đi, trong khi thở, trong khi nấu ăn hay chùi nhà. Có chánh niệm thì làm việc gì ta cũng thấy vui. Chánh niệm cho ta niềm vui, tuệ giác và sự bình an.

            3. Chánh niệm tương tức với các chi phần khác của Bát Chánh Đạo

              Điều này rất quan trọng! Chánh niệm mà không có tuệ giác thì không phải là chánh niệm thật sự. Những người lính ở Lào mặc dù không được giảng dạy về chánh niệm và tuệ giác nhưng họ cũng thấy được rằng những người phía bên kia cũng giống như mình, họ cũng bị ép buộc tới đây để giết và để bị giết, đó là tuệ giác. Những người kia là nạn nhân của chiến tranh và chúng ta không muốn trở thành nạn nhân của chiến tranh. Cho nên thay vì chĩa súng vào nhau, họ đã chĩa súng và bắn lên không trung. Họ có chánh niệm và có tuệ giác.

              Chúng ta đã được học rằng chánh niệm cũng là tuệ giác, chánh niệm cũng là sự giác ngộ.

              Thở vào, tôi ý thức là tôi đang sống.

              Thở vào có chánh niệm đưa tới cái thấy là ta đang sống. Đang sống là một sự mầu nhiệm! Chúng ta không cần phải thực tập 10 năm hay 10 ngày để có được tuệ giác. Chánh niệm trong tự thân nó đã chứa đựng chánh kiến rồi. Và nếu có chánh kiến thì ta không thể nào làm sai. Chánh kiến đưa tới chánh nghiệp, tức là hành động đúng đắn. Ta chỉ hành động sai lầm (tà nghiệp) khi ta có tà kiến.

              Chánh kiến là tuệ giác. Có chánh kiến thì cái ta tư duy là chánh tư duy, cái ta nói là chánh ngữ và cái ta làm là chánh nghiệp. Chánh kiến phát sinh từ chánh niệm. Vì vậy, nếu ta hướng dẫn cho những người lính đó thực tập được chánh niệm thì họ sẽ có chánh kiến. Thành ra, không có gì nguy hiểm khi giảng dạy chánh niệm cho những người lính trong quân đội. Người ta tưởng nếu giảng dạy chánh niệm cho quân đội thì họ sẽ sử dụng chánh niệm khi ra trận để có đủ sự bình tĩnh và sự tập trung mà giết được nhiều người hơn. Điều này không đúng! Chúng ta giảng dạy chánh niệm để họ biết thở như thế nào, đi như thế nào, biết nhận diện cảm thọ và cảm xúc của họ, ý thức được sự sợ hãi, giận hờn trong mình, v.v. Ý thức được thì họ có cái thấy đúng (chánh kiến), và chánh kiến giúp cho ta tránh được tà tư duy, tà ngữ và tà nghiệp.

              Chánh niệm tương tức với các chi phần khác của Bát Chánh Đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ…) trong đó có chánh mạng, tức nghề nghiệp đúng đắn. Có chánh niệm thì ta có chánh kiến và với cái thấy đúng đắn thì ta không thể nào tiếp tục lối sống sai lầm nữa (tà mạng). Để có được hạnh phúc, ta phải từ bỏ tà mạng và tìm một việc làm khác có thể giúp ta phát khởi tâm từ bi và trân quí đối với sự sống. Đó là chánh đạo! Tất cả các yếu tố của chánh đạo đều là cứu cánh mà không phải là phương tiện.

              Giả sử vòng tròn này tượng trưng cho chánh niệm, mà đã là chánh niệm thì phải chứa đựng trong nó năng lượng của định và tuệ.

              Khi có chánh niệm về một cái gì đó thì cũng có nghĩa là ta đang đưa sự chú tâm (định) vào đối tượng đó. Ví dụ như khi ta có chánh niệm về hơi thở vào thì cũng có nghĩa là ta đang định tâm vào hơi thở vào. Năng lượng của niệm và định chuyên chở trong nó năng lượng của tuệ giác. Và nếu niệm, định và tuệ có mặt thì 5 yếu tố còn lại của Bát Chánh Đạo (chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn) cũng có mặt.

              Có niệm, định và tuệ thì lời nói của ta là chánh ngữ. Trên nền tảng của chánh kiến thì không thể nào có tà tư duy. Chánh kiến là một cái thấy không có sự phân biệt, kỳ thị. Chánh kiến là cái thấy tương tức (interbeing), duyên khởi (interdependant origination) và vô ngã (no self). Có chánh kiến thì ta không thể chế tác tà tư duy, tà ngữ và không thể tạo ra tà nghiệp. Chúng ta phải nhớ rằng chánh niệm tương tức với tất cả những yếu tố khác của Bát chánh đạo. Vì vậy chúng ta không cần phải lo lắng là chánh niệm có thể bị lạm dụng. Chánh niệm không thể nào gây hại cho bất kỳ ai hay cho bất kỳ cái gì, vì trong chánh niệm đã có chánh kiến, và khi đã có chánh kiến rồi thì ta không bao giờ có thể làm những điều sai lầm.

               

              Sự thực tập chánh niệm dành cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai

              Những người trong quân đội có rất nhiều đau khổ, họ cũng cần sự giúp đỡ. Vì vậy giúp cho họ bớt khổ không có gì là sai cả. Ta có thể hiến tặng sự thực tập chánh niệm để giúp họ:

                1. Chế tác niềm vui và hạnh phúc

                  Chánh niệm giúp cho ta trở về với giây phút hiện tại và nhận ra rằng chúng ta đang có quá nhiều những điều kiện hạnh phúc. Những người lính cũng như chúng ta, họ có khả năng nhận diện những mầu nhiệm của sự sống, của thiên nhiên, những điều kiện hạnh phúc đang có mặt và nhờ đó, họ có thể chế tác được niềm vui, niềm hạnh phúc để nuôi dưỡng và trị liệu cho chính mình.

                    2. Chăm sóc khổ đau

                      Khi ta hướng dẫn cho những người lính thực tập chánh niệm, họ có thể nhận diện được sự sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng trong mình. Họ học được cách chăm sóc khổ đau của chính mình và giúp mình bớt khổ.

                        3. Thấy được hạnh phúc chân thật

                          Khi đi sâu vào sự thực tập chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc và chăm sóc khổ đau của chính mình, họ sẽ đạt tới chánh kiến. Họ có thể thấy rõ được thế nào là hạnh phúc chân thật.

                          Khi gia nhập quân đội, họ nghĩ đời sống trong quân đội sẽ dễ dàng hơn, họ có thể hạnh phúc hơn khi làm một người lính. Đó là một ý niệm, một cái nhìn về hạnh phúc. Nhưng khi được hướng dẫn thực tập cách thở, cách đi, cách ngồi, cách ôm ấp cơn giận và sự sợ hãi thì họ bắt đầu nếm được hạnh phúc thật sự. Họ so sánh và bỗng nhiên thay đổi quan niệm của mình về hạnh phúc.

                          Lúc đầu ta cho rằng làm một người lính thì có nhiều quyền lợi và đem tới cho ta hạnh phúc. Nhưng bây giờ thì ta đau khổ quá và ta bắt đầu nghi ngờ. Khi có người đến chỉ dẫn cho ta phương pháp thở, phương pháp đi, phương pháp nhận diện những mầu nhiệm của sự sống, phương pháp thưởng thức từng hơi thở và từng bước chân thì ta thức tỉnh, ta nhận ra được thế nào là hạnh phúc thật sự. Ta thay đổi cái nhìn của ta về hạnh phúc, từ cái nhìn sai lạc ta chuyển sang cái nhìn đúng đắn, và động lực thúc đẩy cuộc đời ta cũng thay đổi.

                          Vì vậy nếu quý vị là những vị giáo thọ giỏi được mời hướng dẫn chánh niệm cho những người lính trong quân đội thì quý vị cũng đừng nên lo ngại. Chánh niệm luôn luôn đem lại lợi lạc và chuyển hóa tốt đẹp cho mọi người, dù rằng sự chuyển hóa đó có thể diễn ra chậm.

                          Một điều mà tôi rất quan tâm là chúng ta cũng nên đồng thời giúp cho những vị chỉ huy, cấp trên, bộ tham mưu và những nhà hoạch định chính sách… Bởi vì nếu những người lãnh đạo chính trị còn có cái nhìn sai lạc về hạnh phúc, về an ninh và quyền lợi của quốc gia thì nhiều người trẻ như chúng ta vẫn sẽ tiếp tục là nạn nhân của bạo lực, chúng ta vẫn bị buộc phải chém giết và bị chém giết. Sử dụng phương tiện bạo động không phải là cách duy nhất để bảo đảm an ninh và quyền lợi quốc gia, còn có nhiều cách hay hơn như vậy.

                          Là những người thực tập chánh niệm và hiểu rõ bản chất của chánh niệm, chúng ta phải giúp cho quân đội, nếu không thì họ sẽ tự đào tạo đội ngũ những người giảng dạy chánh niệm riêng của mình. Những người đó có thể giảng dạy chánh niệm theo kiểu:

                          Thở vào, tôi biết là kẻ thù đang có mặt và tôi phải giết hắn.

                          Thở ra, tôi kéo cò súng…

                          Đó là niệm và định căn cứ trên tà kiến.

                          Chúng ta là những giáo thọ giảng dạy chánh niệm, ta không thể dạy như vậy. Chúng ta không bảo những người lính phải từ bỏ nghề nghiệp của mình, ta chỉ đến để giúp họ bớt khổ mà thôi. Và khi đã bớt khổ thì họ sẽ có cái thấy đúng đắn về hạnh phúc chân thật và mọi việc sẽ tự dần dần thay đổi.

                          Vì vậy kết luận của tôi là: Thực tập chánh niệm là pháp môn tu học dành cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai.

                          Tuần trước có hai vị thuộc Bộ Ngoại giao Pháp từ Paris tới thăm Làng Mai. Tôi hỏi hai vị ấy: “Sự thực tập chánh niệm có thể giúp được cho rất nhiều người trẻ và các thầy cô giáo bớt khổ. Chúng tôi đang tìm cách đem sự thực tập chánh niệm vào trường học. Chúng tôi đã và đang huấn luyện cho các thầy cô giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới để họ có thể đem sự thực tập chánh niệm vào lớp học và giúp cho học sinh bớt khổ hơn. Khi học sinh bớt khổ thì thầy cô giáo cũng bớt khổ, sự truyền thông sẽ tốt hơn, việc dạy và học cũng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nước Pháp có chính sách biệt lập tôn giáo (laïcité), người ta cấm những sinh hoạt có tính chất tôn giáo ở những nơi cộng cộng. Vậy quý vị có thể giúp chúng tôi tìm ra cách thức nào để đem sự thực tập này vào những nơi công cộng, đặc biệt là ở các bệnh viện, trường học… hay không?”

                          Trong những năm qua, chúng ta đã tổ chức khóa tu cho cảnh sát, cho nhân viên của các trại tù, v.v… Những đối tượng này đều nhận ra rằng sự thực tập chánh niệm giúp họ rất nhiều vì họ có quá nhiều đau khổ. Hôm qua chúng ta được báo cáo là một thiếu niên trẻ 16 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết. Qua đó, ta thấy rằng không những người trẻ cần sự giúp đỡ của chúng ta, mà lực lượng cảnh sát cũng cần sự giúp đỡ. Vì vậy sự thực tập chánh niệm cần thiết cho tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ một ai.

                          Vấn đề là chúng ta không có đủ giáo thọ. Chúng ta phải đào sâu sự thực tập, phải cải tiến phương pháp giảng dạy để sự giảng dạy và tu tập của chúng ta là sự giảng dạy và thực tập chánh niệm thật sự (true mindfulness). Chúng ta phải đào tạo hàng trăm, hàng ngàn người có khả năng hướng dẫn thực tập chánh niệm ở khắp nơi trên thế giới.

                          Chúng ta biết rằng không cần phải là một Phật tử mới có thể tu tập chánh niệm. Điều quan trọng nhất là: chánh niệm phải là chánh niệm thật sự và điều này tùy thuộc vào sự học hỏi và tu tập của chúng ta. Như vậy chúng ta sẽ không còn lo là chánh niệm bị biến chất và không còn có khả năng giúp được cho mọi người.

                          Giáo lý về chánh niệm, nếu không được hiểu một cách thấu đáo, thì không thể nào giúp ích được cho mọi người. Có rất nhiều người đã coi chánh niệm như là một công cụ.

                          Nhiều truyền thống tâm linh từ phương Đông khi được du nhập vào xã hội Tây phương đã bị biến chất. Người Tây phương vốn quen với lối tư duy lưỡng nguyên (dualistic thinking) như: tạo hóa không phải là tạo vật, chủ thể không phải là đối tượng, vì vậy đã làm biến chất, làm thế tục hóa (secularise) những yếu tố tâm linh đến từ châu Á, kể cả Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo tới từ phương Đông, nhưng sự giảng dạy và sự thực tập Thiên chúa giáo ở Tây phương hiện nay hoàn toàn theo lối tư duy lưỡng nguyên. Người cầu nguyện và người được cầu nguyện là hai thực thể riêng biệt nằm ngoài nhau. Thượng đế ở ngoài ta và ta ở ngoài Thượng đế. Trong khi đó theo giáo lý nguyên thỉ thì Thượng đế ở trong ta và ta ở trong Thượng đế. Ta và Thượng đế tương tức. Điều này đang xảy ra cho sự thực tập chánh niệm trong xã hội Tây phương. Chánh niệm không còn là con đường hạnh phúc hay con đường chuyển hóa mà trở thành một công cụ phục vụ cho một mục đích nào đó, ví dụ như làm ra nhiều tiền hơn, đào tạo nhiều sát thủ hơn, v.v. Vì vậy, là một người giảng dạy về chánh niệm, chúng ta phải ý thức được điều này.

                          Tôi xin nhắc lại là: chánh niệm là một con đường mà không phải là công cụ để phục vụ cho mục tiêu của mình, chánh niệm không thể tách rời khỏi những yếu tố khác của Bát chánh đạo. Ta không thể tách chánh niệm ra khỏi chánh kiến. Có chánh niệm là có chánh kiến. Chánh kiến giúp chúng ta thay đổi những quan niệm lỗi thời của mình mà trước tiên là quan niệm về hạnh phúc.

                          Mùa đông vừa rồi có một phóng viên đến từ London đã phỏng vấn tôi về vấn đề giảng dạy chánh niệm cho các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Câu hỏi mà người phóng viên đó đặt ra là:

                          – Có nên đưa sự thực tập chánh niệm vào các tập đoàn quốc tế hay không? Người lãnh đạo kinh doanh nào cũng muốn trở thành số 1 trong lĩnh vực của mình, vì vậy nếu đưa chánh niệm vào các tập đoàn, có phải là chúng ta đang giúp cho họ thỏa mãn được tham vọng của họ và làm cho chánh niệm bị biến chất hay không?

                          Tôi đã trả lời ngắn gọn:

                          – Nếu là chánh niệm thật sự thì sẽ giúp cho những người đó có được chánh kiến và thấy được cái gì là hạnh phúc chân thật và cái gì không phải là hạnh phúc chân thật. Khi có cái thấy đúng đắn thì họ sẽ thay đổi động cơ ban đầu của mình, thay vì muốn trở thành số 1 họ sẽ muốn có được hạnh phúc thật sự.

                          Trong một buổi giảng tại Ngân hàng Thế giới (World Bank), tôi cũng đã nói rằng: “Quí vị phải lựa chọn một trong hai cái, trở thành số 1 hay là có được hạnh phúc”.

                          Khi ta giảng dạy và giúp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thực tập chánh niệm, họ sẽ có cơ hội nếm được hạnh phúc, tình thương và tự do chân thật. Từ đó họ sẽ thay đổi cách nhìn và động cơ ban đầu thúc đẩy họ thực tập chánh niệm cũng sẽ thay đổi theo.

                          Ở Rwanda năm 1994, hai sắc tộc Hutu và Tutsi đã tàn sát lẫn nhau và khoảng một triệu người đã chết trong cuộc xung đột ấy. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng có mặt ở Rwanda vào thời điểm đó. Vị chỉ huy của lực lượng gìn giữ hòa bình đã xin phép sử dụng một tiểu đoàn để can thiệp và ngăn cản các vụ tàn sát có thể xảy ra giữa người Hutu và người Tutsi. Nhưng yêu cầu của ông đã bị từ chối. Vị tướng này nghĩ rằng nếu khi đó ông được phép dùng một tiểu đoàn của lực lượng gìn giữ hòa bình để can thiệp thì ông đã có thể ngăn chặn được vụ thảm sát xảy ra và cứu được tính mạng của hơn một triệu người Rwanda.

                          Sau sự kiện này, vị tướng đó bị rơi vào tình trạng trầm cảm. Ông hối hận là đã không chủ động can thiệp dù không được sự cho phép của cấp trên. Nếu lúc đó ông cứ quyết tâm hành động thì ông đã có thể ngăn chặn được cuộc tàn sát, và nếu sau đó ông có bị bãi chức thì cũng không sao. Nhưng ông đã không hành động như vậy, nên bây giờ ông cảm thấy rất hối hận.

                          Điều gì sẽ xảy ra nếu vị chỉ huy đó sử dụng quân đội của mình để can thiệp vào cuộc tàn sát ở Rwanda? Có thể là một số người của lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ hy sinh nhưng họ có thể cứu được mạng sống của một triệu người. Vì vậy chúng ta không thể nói rằng sự có mặt của quân đội là không cần thiết. Điều quan trọng là quân đội cần có khả năng thực tập chánh nghiệp, tức là hành động chân chính.

                          Hôm qua có một câu hỏi rất hay về vấn đề phạm pháp, về án tử hình, v.v. Chúng ta đã nói: Tất cả mọi người đều cần sự giúp đỡ, kể cả Bụt. Những người phạm pháp cũng cần sự giúp đỡ. Trước khi phạm tội, họ đã không được sự giúp đỡ từ gia đình, thầy cô giáo và bạn bè. Nếu được giúp đỡ thì họ đã không phạm tội như vậy. Bây giờ họ đã phạm tội và họ cần sự giúp đỡ mà không cần sự trừng phạt.

                          Sở dĩ người thanh niên đó trở thành tội phạm là vì chúng ta đã không chăm sóc tốt cho anh ta. Bây giờ anh ta bị bắt giam trong tù, anh ta cũng cần sự giúp đỡ của chúng ta. Nếu người đó phá hoại và giết người thì việc cần làm là bắt người đó giam vào tù, đó là phận sự của cảnh sát. Điều quan trọng là ta làm việc với tình thương, ta phải bắt giam người đó để ngăn không cho người đó ngày càng lún sâu vào tội ác. Và thời gian ở trong tù là một cơ hội để người đó làm mới lại chính mình và trở thành một người tốt. Xã hội cần phải dành nguồn nhân lực và ngân sách cần thiết để đào tạo, giúp cho các phạm nhân học cách làm thế nào để xử lý khổ đau, giận hờn, sợ hãi, thèm khát, để có được những niềm vui lành mạnh và có cái thấy đúng đắn về hạnh phúc chân thật.

                          Vấn đề là hiện nay chúng ta không có những người làm công việc giảng dạy chánh niệm cho các tù nhân. Ban quản lý trại giam không biết những phương pháp thực tập và chính họ cũng có nhiều đau khổ. Họ không thể quản lý, chăm sóc những người tù với sự nhẹ nhàng và lòng từ bi. Cả tù nhân và người cai tù đều đau khổ.

                          Sự thực tập chánh niệm có khả năng giúp cho cả hai bên. Nhưng vấn đề là chúng ta không có đủ người để làm công việc giảng dạy chánh niệm cho tù nhân. Có những nơi, chúng ta cũng không được phép làm công việc này.

                          Tôi cho rằng thời gian giam giữ tù nhân nên được xác định dựa trên thời gian cần thiết để người đó được trị liệu và chuyển hóa, vì bắt giam một người không phải là một sự trừng phạt mà là một hành động thương yêu. Vì vậy, chúng ta phải cung cấp cho người đó những phương tiện, những phương pháp tu tập để họ có thể thức tỉnh và trở thành một người tốt, một người có hạnh phúc. Nếu người đó chuyển hóa nhanh, thể hiện được niềm vui, hạnh phúc và lòng từ bi thì ta có thể cho họ ra khỏi tù và tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng.

                          Ngày xưa ở Việt Nam, các chùa được phép tiếp nhận những người tù và chăm sóc cho họ. Người tù giúp những công việc đồng áng cho chùa. Họ thực tập Năm giới và sống dưới sự giám sát của các thầy. Các thầy có trách nhiệm chăm sóc cho họ. Nếu người đó có chuyển hóa tốt thì các thầy giúp cho họ xây dựng gia đình, có một mảnh đất để canh tác và xây dựng cuộc sống mới. Khi được các thầy công nhận là đã chuyển hóa tốt thì người tù đó sẽ được nhà cầm quyền cấp cho giấy phóng thích xác nhận là họ đã mãn hạn tù và trở thành một người tự do. Đó là việc ngày xưa chúng ta đã làm. Bây giờ chúng ta cũng có thể làm như vậy nhưng có hệ thống hơn.

                          Ta phải huấn luyện, đào tạo những người có khả năng hướng dẫn thực tập cho tù nhân để họ có thể thay đổi, chuyển hóa, sống hạnh phúc và trở thành một thành phần tốt của xã hội. Thời gian họ ở trong tù tùy thuộc vào sự tiến bộ trong thực tập của họ. Tôi nghĩ đây là vấn đề mà chúng ta cần nên quán chiếu.