Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Thở cho Bụt về

Chân Thuần Khánh

Tâm cũng như rừng

Rừng đã thực sự vào đông và sức sống đang gói mình để lên đường, cuộc hành trình trở về, quay lại, đi xuống. Lắng lòng yên, ta có thể cảm nghe sự lắng đọng của đất trời, của cỏ cây. Rừng mận, rừng bạch dương, rừng sồi hay gỗ dẻ đều đã trụi lá, trơ cành nâu đen, cong quẹo, xương xẩu… Sự sống không còn mơn mởn nhưng sự sống lại hùng mạnh hơn bao giờ hết! Rừng cây trầm mặc trở lại và rút hết sự sống vào bên trong, để thực sự đi qua một chặng đường đầy khó khăn, thử thách. Đất trời, thiên nhiên đang làm hết lòng của mình. Còn tôi, tôi có đang làm hết lòng của mình hay chưa?

Rừng cây trở nên bớt kỳ bí, đơn giản và trải lòng, nó đang cùng nỗi chịu đựng sự khắc nghiệt như đất Mẹ. Rừng cây với đất Mẹ, một màu nâu xám yên lặng, kham nhẫn. Mùa đông bao giờ cũng có vẻ đẹp làm cho ta rúng động tận cùng tâm linh! Cái đẹp đó đơn giản, không có chi nhiều để nói về bởi nó giống như cái gì gần gũi, lắng yên nhưng lại khó nắm bắt, như chính tâm tư bề sâu của mỗi người. Nó có vẻ như không nằm ngoài, không tách biệt với tự thân ta! Lúc nào nhìn rừng cây mùa đông tôi cũng ý thức rằng nó đang “giữ lửa”, nó đang ẩn dấu, cất chứa, gói ghém sức sống còn lại của mình, nó đang ôm lấy mình với tất cả sự dịu dàng, bền bỉ. Rừng cây biết lắng nghe, chấp nhận và chờ đợi sự sống và đó chính là sức mạnh, là sức sống, là hiểu, là thương! Cây mận, cây bạch dương… làm điều này thật giỏi. Một người xuất sĩ có thể học và làm được bài học của rừng cây hay không?

Em tôi vẫn còn trông nom chút lửa hồng bếp cũ

Con người cũng là một thứ cây cối, cũng đi qua những mùa khác nhau, cũng phải học cách “giữ lửa” và phải biết rụng đi những chiếc lá non nớt phù hoa. Tôi có niềm tin nơi đất trời, thiên nhiên và tôi cũng có niềm tin nơi con người. Sự sống đang đẹp đẽ và mầu nhiệm vô cùng, nơi từng cành nhánh nâu nâu vươn mình giữa không gian rộng lớn, nơi từng khuôn mặt tươi vui hay trầm lặng của tất cả các anh chị em tôi, nơi những câu chuyện giúp người dễ thương của mạ và nơi từng hơi thở rõ ràng, đều đặn, bình yên của Thầy!

Mỗi lần thấy một sư anh, sư chị hay sư em ít cười, ít nói, niềm vui không như mùa xuân rạng rỡ trên gương mặt, tôi không buồn hay lo lắng gì nhiều, bởi tôi biết người anh chị em của mình đang đi qua một “mùa đông”, đầy thử thách cam go. Cũng như rừng cây vào đông, người đó cũng đang đem mình trở về, gom niềm vui và mang sức sống trở về cho quá trình lắng yên, phục hồi và chữa trị. Những gì người đó cần lúc này là không gian và thời gian, tình thương và sự chấp nhận. Có lúc tình cờ đứng gần, ngồi một bên hay chỉ đi ngang qua sư em, tôi hay mỉm cười, thở và nói thầm: “Cố lên, sư em làm được mà!”

Buông bỏ được thì hạnh phúc có mặt tức thì

Trước mặt tôi là rừng nối tiếp rừng, đồi nương và ruộng đồng, trải dài không vật cản. Chỉ trừ những hàng Tùng là còn giữ lại màu xanh, cây cối đã rụng hết lá và thật nhiều không gian lộ ra. Con mắt được ngập tràn và no đầy thứ không gian đó. Nhờ rụng hết lá mà cây cối không những đã cho nhau mà còn cho người ngắm chúng thật nhiều không gian. Tôi đã có thể đứng đó và nhìn xuyên qua khu rừng, nhìn được rất xa. Có phải buông bỏ được thì không gian có mặt tức thì hay không? Vào những khuya mùa đông, lúc trăng sao đang ngự trị bầu trời và mặt đất, nếu ta chịu tắt bớt đèn, tắt bớt những ngọn nến quá sáng thì ánh trăng bên ngoài tự nhiên bao la hơn, sáng soi hơn! Ánh trăng lúc nào cũng có đó, bàn bạc, thấm nhuận và dịu dàng soi sáng lên vạn vật, vậy mà đã không biết bao nhiêu lần tôi dại dột cố sức chong đèn đuốc lên cho đến lúc cạn dầu, thiếu bấc rồi thở than: “trăng hôm nay không sáng lắm, trăng hôm nay chưa lên…!” Tuệ giác và tình thương, sức mạnh tâm linh và gia tài huyết thống vẫn luôn có đó, bàng bạc và bao la như ánh trăng! Bụt Tổ, Thầy và Tăng thân, ba mạ và cả nhà, Sư phụ và huynh đệ, bạn bè vẫn luôn có đó, yên lành và hùng hậu, kiên nhẫn và trọn vẹn như sức sống của rừng cây mùa đông. Tôi tự hỏi chính mình là đã tắt được ngọn đèn tự hào nhỏ bé nào chưa, đã rụng được ngọn lá buồn phiền, đau khổ nào chưa, để có thể đem mình trở về cội nguồn yêu thương bất tận, để có thể đặt mình trong ánh sáng tuệ giác ngàn đời! Trăng khuya nay đẹp lắm, đang sáng mênh mông khắp vườn mận, khắp không gian… “Em ơi, em có đang tắt bớt đèn đi cho ánh trăng được chảy tràn?”

Mái chèo khua theo hướng nước mây trôi

“Cái túi của con có đủ gió trăng không con?”, đó là câu Thầy hay hỏi những đứa học trò thơ dại, vừa nói vừa nhìn nó mà cười, ánh mắt sáng long lanh, đôi khi còn có chút trêu đùa trong đó nữa. Người tu nào cũng phải biết chế tác gió trăng, cũng phải có đủ gió trăng. Tôi đang có đủ gió trăng chưa? Em có đang có đủ gió trăng chưa? Trong hơi thở bình an có Bụt, trong hơi thở yên lành có Thầy. Thở cho giỏi thì Thầy sẽ có mặt, thở cho giỏi thì Bụt sẽ có mặt, với tôi, với em.

Mái chèo khua theo hướng nước mây trôi
Từ hiện tượng thuyền quay về bản thể

(Thơ Thầy)

Làm sao để thuyền ta không bị kẹt vào những hiện tượng lên xuống đời thường? Làm cách nào để có thể từ những hiện tượng kia mà tìm ra được bản thể sự sống? Có phải thuyền ta phải đi về hướng nước mây hay không? Hướng nước mây kia có liên hệ gì đến cái túi gió trăng của hành giả? Và mái chèo kia sẽ khua nhẹ nhàng đưa thuyền về hướng nước mây, để có thể về với bản thể, về với cội nguồn! Mái chèo kia được làm bằng chất liệu gì, em có biết không? Thầy đã thương yêu ân cần trao lại cho mỗi đứa học trò mái chèo kia rồi, trao truyền nơi mỗi phút giây, nơi mỗi bước chân, hơi thở của Thầy và bằng cả cuộc đời Thầy. Em và tôi, chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà không lên đường! Thở cho Thầy về, thở cho Bụt về, rồi mình đi với nhau cho vui, trên con đường này!