Ân nghĩa bên trời
Chân Sắc Nghiêm
“Mỗi độ xuân về mang áo mới
Hoa hồng liễu lục thật xinh tươi
Hạ đến ngàn cây phô sắc thắm
Hạt lành, trái ngọt khắp nơi nơi
Rừng thu rực rỡ bày muôn sắc
Đông sang hoa tuyết ngập lưng trời”.
Những ngày này đi thiền hành trên mảnh đất Lâm Tuyền, những câu văn lung linh trong bài “Bài kinh ca tụng đất Mẹ” cứ nhịp nhàng theo từng bước chân con. Cảnh Tịnh Độ là đây, nhiệm mầu, xinh đẹp và tráng lệ, vốn từ ít ỏi của con không cách chi diễn tả hết được. Con mở to mắt ngắm nhìn và thưởng thức. Ý thức từng bước chân trên tuyết trắng xóa, con biết con cũng đang bước cho Thầy, cho cha mẹ con ở quê nhà, cho các anh chị em của con đang ở khắp nơi.
“Tu Viện – Học Viện: Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương”
Bốn năm ở Học Viện, bây giờ mới nghe năm chữ: “Phật Học Viện Ứng Dụng” mỗi ngày mỗi quen thuộc và thực hơn trong con. Khi con đi tu, con thích mình được ở trong một nơi gọi là “chùa” hay “Tu viện” hơn là Viện Cao Đẳng Phật Học Làng Mai, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu hay bất cứ một Viện nào khác… Đồng thời nghe trong mình thích chữ “Tu” hơn chữ “Học”. Mỗi khi nghe có ai hỏi con đang ở đâu? Con thích trả lời mình đang ở Tu Viện hơn là trả lời con đang ở Học Viện, nghe có cái gì tự thấy hợp lý hơn vì mình là thầy tu mà! Cái từ ngữ vậy chứ cũng kẹt lắm, kẹt vào là khó lấy ra. Thực ra thì Học và Tu rõ ràng là song hành, không thể vắng một trong hai cái, người hành giả muốn đi xa hơn trên con đường tu tập cũng cần đến hai yếu tố này: Học và Tu. Vậy mà có lúc vẫn kẹt như thường. Nhiều lúc cái ý thức lạ vậy đó!
Những ngày tháng đầu ở Học Viện không phải dễ dàng để con có thể quen thuộc và hòa nhập được. Lại thêm nhà nước Đức rất ưu ái và có chế độ đặc biệt cho những người nhập cư nên tất cả anh chị em chúng con được ra trường học tiếng Đức. Những ngày học hành, thi cử vất vả, con như sống lại cái không khí căng thẳng của mùa thi trước đây. Đại chúng yểm trợ hết lòng để chúng con có thời gian cho việc học hành, ôn luyện đàng hoàng để có thể vượt “vũ môn” vào kỳ thi cuối khóa. Ui chao, nhớ lại những ngày đó mà vui, ngày đi thi còn được đội nấu ăn đãi cho món “chè đậu”, được nhắc là không được ăn chuối, kẻo trượt vỏ chuối …, thiệt là dễ thương!
Nơi này, một mô thức sinh hoạt mới khác với các trung tâm khác của Làng Mai. Có tuần bảng thời khóa được chia ra làm ba cột. Ba cột cho mỗi thời khóa của mỗi khóa học. Thời khóa của đại chúng xuất sĩ song song với các thời khóa khác, duy chỉ có giờ ngồi thiền, thiền hành, ăn cơm là chung với nhau.
Lúc đầu chưa quen, con còn cấn cái và có rất nhiều câu hỏi: thời khóa như vậy thì năng lượng tu tập chung có loãng quá hay không? Lỡ một khóa học nào ra trễ hơn thì làm sao buổi thiền hành bắt đầu được đúng giờ? Chúng xuất sĩ cũng muốn vào tham dự các khóa học có được không? Có ai giúp quý thầy, quý sư cô giáo thọ trong các khóa học không? Sau này mình ở đây, mình có phải mở khóa học hay không?… rất nhiều câu hỏi miên man hoài… mà nói thật là cho đến thời gian này con vẫn chưa có câu trả lời cho tất cả những câu hỏi mà con đã tự đặt ra cho mình. Nhưng con thấy con cũng không vội vàng, có những câu hỏi, những quan tâm mà con biết là câu trả lời sẽ không đến dễ dàng. Nhiều câu trả lời cần rất nhiều công phu, cần sự thực tập nhìn sâu và cần sống với nó! Có một điều con tin tưởng và luôn là nguồn sức mạnh cho con, đó là “tình huynh đệ”. Con biết xung quanh con luôn có Tăng thân: anh chị em xuất sĩ đang nỗ lực từng ngày để chuyển hóa tự thân, hòa vào công trình xây dựng đại chúng. Dù có khi lên xuống, dù có khi đi qua những khó khăn nơi tự thân mỗi người nhưng những lời dạy của Thầy, sự nâng đỡ, cưu mang của đại chúng cùng với chí nguyện ban đầu luôn là ánh sáng cho tự thân mỗi người và cho ánh sáng chung.
Thầy thương kính,
Con biết Thầy luôn có mặt đó cho Học Viện. Học Viện là một đứa con của Thầy. Vì tình thương lớn, Thầy đã cưu mang và sinh ra trung tâm này, làm đạo tràng tu học cho người dân Việt cũng như Tây phương trong cộng đồng châu Âu này. Thầy đã gieo trồng hạt giống Hiểu và Thương và truyền trao cho những người con của Thầy. Con biết rằng Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu này không phải của những thầy, những sư cô đang có mặt ở đây mà Học Viện là công trình chung của Tăng thân khắp chốn, cư sĩ cũng như xuất sĩ. Mỗi ngày sống nơi này, con luôn trân quý và giữ gìn! Con biết sự đóng góp hay nhất của con là sống hạnh phúc, là sự thực tập bước chân, hơi thở, nuôi dưỡng tình thương và sự hiểu biết lớn lên mỗi ngày.
Con nhớ hoài ngày con được truyền đăng hai năm về trước, khi con trình lên Thầy bài kệ của con, một bài kệ như con nít lớp ba làm thơ. Con nhớ khi con đọc ra cho các sư chị của con nghe, ai cũng cười và làm cho con mất hết tự tin để đọc lên trong ngày Lễ truyền đăng. Nhưng khi con quỳ trước Thầy, trong không khí trang nghiêm và xúc động đó, con thấy bài kệ của con rõ ràng hơn. Đó là bài kệ đẹp nhất trong giây phút đó. Bài kệ đó đã đến với con rất tự nhiên, con rất hài lòng vì nó chân thật với ước mong và sự thực tập của con. Con nhớ hai câu đầu tiên được làm ra vào một buổi khuya khi con về phòng ngủ, cơ thể mệt mỏi vì công việc và những lo lắng. Con ngồi yên trên giường, thở và tập buông xuống những suy nghĩ miên man để có thể đi vào giấc ngủ và tự nhiên có hai câu thơ đi lên:
“Có mặt nơi hơi thở
Về nhà trong phút giây”
… rồi không ra thêm một câu gì nữa hết. Trong đêm tối, con tìm cây bút để ghi lại. Hai câu sau thì gần đến ngày truyền đăng con mới viết tiếp khi con có cảm hứng nghe Thầy dạy về năm nguồn năng lượng “tín – tấn – niệm – định – tuệ”.
Thầy nghe và Thầy khuyến khích, khen hay lắm, làm con “ốt dột” quá chừng. Con mỉm cười thấy Thầy lúc nào cũng nhiều phương tiện quyền xảo để làm người kia trở nên tự tin và lớn mạnh hơn lên!
Mùa An Cư Kiết Đông, con xin phép đại chúng ở Học Viện cho con được về Làng an cư ba tháng mùa đông. Con ước mong được nghe pháp thoại trực tiếp từ Thầy và được nghe pháp thoại cho chúng xuất sĩ tại Sơn Cốc. Về Làng, Thầy không khỏe! Con nghe trong mình những cảm xúc đầu tiên là “tủi thân”! Rồi con tập tiếp xúc với Thầy nơi mỗi thầy, mỗi sư cô lớn, nơi mỗi sư chị, sư em trong đại chúng. Sự sống Thầy đã hòa vào nơi từng lá cây, ngọn cỏ Phương Khê, nơi mỗi bình minh xóm Thượng, nơi đồi mận xóm Mới, rừng bạch dương xóm Hạ.
Con biết ơn Thầy đã trao truyền cho con pháp môn “hơi thở”, giúp con biết nương vào hơi thở trong những lúc bình an để nuôi dưỡng niềm hạnh phúc; trong những lúc khó khăn để trầm tĩnh, lắng yên đối diện. Con kính lạy Thầy với tất cả niềm tri ân và kính thương của con!!!
“Ân nghĩa bên trời mãi dựng xây”.