Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Chúng con đang uống thuốc

Chân Trăng Mai Thôn

Thầy bệnh

Từ hồi tôi xuất gia đến giờ, mùa đông nào cũng có Thầy ở nhà. Ở nhà có nghĩa là Thầy An cư kiết đông ở Xóm Thượng. Tứ chúng Làng Mai mỗi tuần được gặp Thầy hai lần vào ngày Thứ năm và Chủ nhật, là hai ngày Quán niệm. Ngoài ra ngày thứ Ba, ngày xuất sĩ, anh chị em tôi được gặp Thầy tại Sơn Cốc để nghe Thầy giảng sâu thêm về kinh điển hoặc được Thầy dạy những vấn đề trong chúng. Tôi mới xuất gia được vài năm nên còn rất cần nương tựa Thầy. Tôi được dạy là năm năm đầu tiên trong cuộc đời xuất gia là những năm tuổi thơ, một vị xuất sĩ cần được ở gần Thầy của mình để học hỏi và được chỉ dạy. Dù Thầy ở Xóm Thượng hay ở Sơn Cốc, tôi vẫn thấy mình được ở gần Thầy, bình an và vui tươi, như một bé thơ được ở bên cạnh người cha hiền của mình, cảm thấy thật an toàn.

Năm nay Thầy bệnh nặng, phải nằm bệnh viện rất lâu, phải đón Giáng Sinh, Tết Tây và Tết Ta ở đó. Khi Thầy trở bệnh, có tin đồn là Thầy đã mất. Ở bên nhà (bên nhà là tiếng Thầy hay dùng để chỉ bên Việt Nam) và ở các nơi khác nhiều người rất lo lắng. Nhất là quý tôn túc có giao tình sâu nặng với Thầy và với Làng trong nhiều năm qua. Quý tôn túc lo cho các con xuất sĩ của Thầy lắm. Nghĩ là bên Làng chắc mọi người đang cuống lên, không khí u buồn bao trùm, không ai có lòng dạ nào để làm gì nữa hết. Nhiều vị đã vội mua vé máy bay về Làng gấp. Cả những đệ tử xuất gia lâu năm của Thầy hiện đang sống ở nơi xa cũng lần lượt về Làng trong dịp này. Trước là để thăm Thầy, sau để có mặt và làm chỗ nương tựa cho tứ chúng.

Hôm nghe tin Thầy bệnh nặng, trưa đó tôi cùng một sư chị rủ nhau đi thiền. Trên đường đi tôi thấy có rất nhiều bóng áo nâu cũng đang đi thiền như chúng tôi. Tin Thầy bệnh khi ấy chưa được chính thức báo trong chúng, tin chỉ mới được chuyền tai nhau trong chúng xuất sĩ mà thôi. Chúng tôi được dặn dò là nên chờ quý sư cô lớn sắp xếp công việc đâu ra đó rồi mới thông báo chính thức để không bị động chúng. Ở trong chùa, bất cứ một việc gì mình làm, mình cũng đều cẩn thận để không bị động chúng. Điều này rất là quan trọng, vì đôi khi những tin thông báo sớm khi chưa đúng lúc sẽ gây ra những hoang mang và xáo trộn không cần thiết. Vì vậy khi trông thấy các bóng áo nâu đang đi thiền trưa hôm ấy, chúng tôi đều ngầm hiểu là những vị đó cũng đã biết tin rồi.

Thầy vẫn thường dạy là khi có khó khăn hay có một cảm xúc mạnh đi lên thì nên đi thiền cho tâm lắng lại, sau đó mới đủ bình an để nhìn vào hoàn cảnh. Ngoài đời, khi có chuyện, ông bà mình hay nói: “Chuyện đâu còn có đó, ngồi xuống ăn miếng bánh, uống miếng nước rồi từ từ nói chuyện”. Tin Thầy trở bệnh nặng dĩ nhiên gây cho chúng tôi những cảm xúc mạnh. Vì thế, ai cũng biết là mình cần chăm sóc những cảm xúc đó bằng cách làm theo lời dạy của Thầy.

Thiền hành là một pháp môn “ruột”, pháp môn căn bản mà Thầy chúng tôi rất tâm đắc. Có một lần khi tôi được dùng cơm với Thầy, Thầy bảo là mình phải đi làm sao cho bước chân của mình trở nên thật tự nhiên, bước chân của mình phải có hạnh phúc. Hễ đi là thấy hạnh phúc, cái hạnh phúc đó phải thật tự nhiên thì mới được. Đi từ nhà bếp lên phòng ăn, đi từ phòng ngủ ra nhà vệ sinh, đi từ thiền đường xuống hồ sen, phải biết thưởng thức mỗi bước chân. Tôi thưa với Thầy là không hiểu sao tôi vẫn chưa làm như thế được, thực tập nghe chuông thì tôi đã làm được một cách tự nhiên, nhưng thiền hành thì chưa. Nghe vậy, Thầy nói: “Không sao đâu con, thực tập một hồi thì mình sẽ làm được”. Thầy bao giờ cũng rất kiên nhẫn với chúng tôi.

Thầy tâm huyết với pháp môn thiền hành nên dù trời mưa hay nắng, có tuyết hay không có tuyết, Thầy đều thưởng thức thiền hành. Đôi khi tôi hơi lười, thấy trời mưa, trời lạnh, người hơi mỏi mệt một chút là muốn bỏ thiền hành. Nghĩ tới Thầy, tôi thấy mình không thể lấy lý do này hay lý do kia mà không đi thiền được. Tôi chưa được như Thầy, tôi chưa thấy háo hức trông đợi đến giờ thiền hành. Tôi vẫn còn phải nương vào cái lực của Thầy để tự sách tấn mình. Tuy nhiên khi đã bắt đầu đi, tôi thấy mình hạnh phúc, thấy cả Thầy và trò cùng có mặt cho nhau.

Hạ thủ công phu

Mấy ngày Thầy bệnh nặng, có khi tưởng Thầy không qua được, cả tăng thân ai cũng ý thức là nếu mình thực tập miên mật thì Thầy sẽ không bao giờ thật sự mất đi. Nếu Thầy mất đi thì chỉ có nghĩa là Thầy xả bỏ báo thân này mà thôi. Thầy sẽ vẫn còn mãi mãi trong từng bước chân, hơi thở của các con Thầy, của các bạn thiền sinh, của tăng thân. Tăng thân là một tác phẩm để đời của Thầy. Và tăng thân này phải là một tăng thân có sự hòa hợp, thương yêu, có tình huynh đệ mới đích thực là tăng thân mà Thầy tâm huyết, là “kiệt tác” (masterpiece) của Thầy. Vì thế, tăng thân còn là chắc chắn Thầy còn. Một tăng thân nếu muốn có tình huynh đệ, có hòa hợp, thương yêu thì chắc chắn tăng thân ấy phải thực tập, nếu không thì những phẩm chất ấy có lẽ sẽ không tồn tại lâu dài, không phát triển được và rất chông chênh. Một tăng thân như thế sẽ là nơi nương tựa cho biết bao người. Thầy đã dạy không biết bao nhiêu lần như thế.

Ai cũng ý thức được điều này nên cố gắng “hạ thủ công phu”: Thiền tọa, thiền hành, tham gia thời khóa của chúng, hai ngày quán niệm, ngày xuất sĩ đầy đủ và đều đặn. An cư kiết đông vẫn diễn ra một cách bình thường, đúng như Thầy mong muốn. Quý thầy, quý sư cô giáo thọ lớn, mà ở Làng chúng tôi gọi một cách thân thương là quý sư cha, sư mẹ đã cho những bài pháp thoại rất súc tích và thực tế, chạm được tới ý thức của sự tiếp nối Thầy một cách đích thực trong mỗi cá nhân và trong cả tăng thân. Do vậy chúng tôi thấy mình được sách tấn và nâng đỡ tinh thần, không còn lo sợ cho tương lai không có Thầy nữa. Ngoài ra trong thời gian ấy, sự có mặt và các lời chỉ dạy quý báu của các bậc tôn túc khắp nơi về tụ hội càng làm cho tăng thân thêm tinh tấn và vững chãi.

Tôi thấy mình thật may mắn được nương tựa nơi năng lượng yêu thương, bao dung và nâng đỡ của quý tôn túc. Tất cả các vị chia sẻ khi nghe tin Thầy Làng Mai bệnh nặng như thế, ai cũng lo lắng cho tăng thân, do vậy nên quý tôn túc vội sang ngay để nâng đỡ tinh thần. Thế nhưng khi sang đến đây, thấy đại chúng vẫn thực tập miên mật, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, các thầy các sư cô ở Làng vẫn nhẹ nhàng, vui vẻ, quý tôn túc đều thấy an lòng và có niềm tin ở pháp môn mà Thầy đã truyền trao, có niềm tin ở sự tiếp nối của Thầy nơi tăng thân.

Trong thời gian Thầy bệnh, dù không có khóa tu lớn, thiền sinh vẫn tới Làng đông hơn thường lệ. Chúng tôi lại có quý tôn túc và quý thầy quý, sư cô ở các trung tâm khắp nơi về thăm Thầy, về dự An cư kiết đông rất là ấm áp. Nhất là bây giờ đang vào dịp Giáng Sinh và Tết Tây, thiền sinh về một ngày một đông.

Thầy đang có mặt cho con đây

Sáng nay, 25.12, quý thầy, quý sư cô theo thông lệ hàng năm sang mừng Giáng Sinh ở Sơn Cốc. Sơn Cốc năm nay không có Thầy vì Thầy đang ở bệnh viện. Thế nhưng chúng tôi vẫn có Thầy rất tròn đầy trong mỗi trái tim, trong từng hơi thở, trong mỗi bước chân. Mỗi tấc đất ở Sơn Cốc trong 32 năm qua đều in dấu chân thiền hành của Thầy. Mỗi ngày Thầy đều đi thiền ít nhất là hai lần. Buổi chiều, Thầy hay nằm võng đong đưa dưới rặng tre, nghe chim hót, nghe suối reo, nghe tiếng gió xào xạc qua những tán lá sồi, nhìn những con chim nhỏ nhảy nhót tới lui, bận rộn. Có khi mấy con sóc, con nai cũng tới gần cho Thầy ngắm. Mấy con sóc hay leo thoăn thoắt trên những cây sồi già lâu năm, rong rêu bám đầy, có cây đã bị rỗng ruột vì sâu mọt nhưng vẫn còn là chỗ nương náu cho rất nhiều chim và sóc. Chính vì thế nên chúng tôi đã bắt đầu ngày họp mặt ở Sơn Cốc sáng nay bằng thiền hành. Chúng tôi đi trên những bước chân mà Thầy đã in dấu khắp nơi ở Phương Khê. Phương Khê là tên một con suối nhỏ chảy dọc theo rặng tre, bên cạnh Sơn Cốc.

Tôi nắm tay một sư em cùng thiền hành. Sư em mới xuất gia cách đây một tuần. Tôi cầm tay sư em đi và thấy tay mình với tay Thầy là một. Thầy đã nắm tay tôi thiền hành và bây giờ tôi nắm tay sư em. Đây là lần đầu tiên sư em được sang Sơn Cốc, được thiền hành ở Sơn Cốc. Tôi muốn để lại cho sư em một cảm giác đẹp và ấm áp cho lần đầu tiên này. Tôi và sư em đi trong lòng tăng thân, bước những bước nhẹ và đều một nhịp. Thỉnh thoảng, tôi siết tay sư em một chút, giống như Thầy hay làm để nhắc tôi trở về giây phút hiện tại, biết trân quý sự có mặt của Thầy đang đi bên cạnh, đồng thời cũng cho biết là “Thầy đang có mặt cho con đây”. Tôi thấy bàn tay Thầy đang siết tay sư em. Đi đến một góc vườn tôi thầm nói với sư em: “Chỗ này có một bụi hành dại”. Đó là tiếng nói thầm trong đầu khi tôi chạm vào kỷ niệm…

Mùa đông năm đó một sư chị và tôi làm thị giả cho Thầy. Tuyết rơi phủ trắng cả vườn. Thầy nắm tay hai chị em tôi đi thiền, khi đi đến chỗ đó, Thầy nói: “Chỗ này có một bụi hành”. Tôi chẳng thấy hành đâu cả vì khi ấy tuyết phủ đầy, nhưng đến mùa xuân, khi thiền hành ngang chỗ ấy quả nhiên có một bụi hành. Tôi hay nhớ về Thầy qua những kỷ niệm nho nhỏ như thế. Ai trong chúng tôi cũng có những kỷ niệm nho nhỏ với Thầy (dĩ nhiên là quý sư cha sư mẹ xuất gia với Thầy mười mấy hai mươi năm thì những kỷ niệm nho nhỏ như thế là vô số, mà những kỷ niệm lớn thì cũng đếm không xuể). Những kỷ niệm ấy bao giờ đối với tôi cũng là vô giá bởi chúng không đơn thuần là những ký ức mà chúng chính là những bài học về chánh niệm, về sự có mặt 100% của Thầy ở giây phút hiện tại.

Chúng con đang uống thuốc

Trong các pháp thoại, thỉnh thoảng Thầy kể chuyện về một ông thầy thuốc rất giỏi, bốc thuốc cho nhiều người và giúp họ hết bệnh. Tuy nhiên con của ông thầy thuốc, khi bệnh lại không chịu uống thuốc do cha bốc. Một lần ông thầy thuốc buồn con không chịu uống thuốc để lành bệnh nên ông bỏ nhà đi. Ông đi một thời gian rồi nhờ người mang tin về, nói là ông đã chết. Khi ấy các con của ông mới giật mình và bắt đầu uống thuốc. Thầy bảo chúng tôi đừng để tình trạng đó xảy ra, đừng để đến khi Thầy không còn nữa thì mới chịu thực tập bước chân, hơi thở. Bây giờ Thầy bệnh, lâu lâu tôi tự nhủ biết đâu Thầy cũng như ông thầy thuốc nọ, đang nhắn tin về, báo là mình bệnh nặng để các con lo mà thực tập, chịu uống thuốc, những bài thuốc về bước chân, hơi thở mà Thầy đã ra toa không mỏi mệt trong mấy chục năm qua.

Cứ hai năm một lần, Thầy đi hoằng pháp ở Bắc Mỹ. Chuyến đi thường kéo dài đến mấy tháng. Gần đây, từ hồi có trung tâm Làng Mai ở Thái Lan, Thầy lại còn vòng qua Á châu trước khi sang Mỹ nên chuyến đi của Thầy dài hơn. Ngoài ra còn các khóa tu tại các nước châu Âu, trong đó có Đức và Anh nên năm nào có chuyến đi Mỹ thì Thầy ở nhà ít hơn. Có năm Thầy nói: “Năm nay Thầy không đi đâu hết, Thầy ở nhà chơi với các con!”. Nhưng điều đó vẫn chưa thực hiện được!

Khi Thầy đi xa như thế, chúng tôi ở nhà duy trì thời khóa thực tập bình thường và chúng tôi thường dùng thời gian hơi rảnh hơn một chút đó để học thêm nội điển hoặc học thêm ngôn ngữ, học tụng kinh … Nhưng chúng tôi không quên dõi theo từng bước chân của Thầy ở nơi xa, vui với từng cái tin nho nhỏ gửi về vì biết rằng có nhiều người đang được thực tập pháp môn cùng tăng đoàn xuất gia tháp tùng Thầy trong chuyến đi, được tưới tẩm hạt giống hướng thiện qua các bài pháp thoại sống động của Thầy.

Mùa Đông này Thầy vắng nhà, cũng giống như Thầy đang đi một chuyến hoằng pháp dài ngày. Chỉ khác hơn một chút là lần này, chuyến hoằng pháp của Thầy là một chuyến hoằng pháp vượt qua giới hạn của không gian. Pháp thoại của Thầy là pháp thoại qua hơi thở, qua cách Thầy vượt qua cơn bệnh. Thầy đang hoằng pháp nhưng cũng là đang nghỉ ngơi. Tôi thấy Thầy không hề vắng mặt. Chúng tôi cũng đang dõi theo từng bước chân Thầy như thường lệ, và vui với những tin nho nhỏ về Thầy như thường lệ. Chúng tôi đang thực tập tiếp bước Thầy ở nơi tự thân, làm cho tác phẩm để đời của Thầy được duy trì, phát triển và luôn tươi mới. Chúng tôi có thể báo cho Thầy một tin vui: “Bạch Thầy, chúng con hiện giờ đang chăm chỉ uống thuốc, xin Thầy cứ an lòng”.

Mùa Giáng Sinh 2014

Kính dâng Thầy