Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Cùng dòng sông mang theo thệ nguyện

Chân Cứu Nghiêm

Biết là nếu buông xuống thì lòng mình tất sẽ có không gian, nhẹ nhàng. Và biết mãi cứ nắm bắt thì cuối cùng sẽ chẳng được chi. Nhưng tại sao con cứ cứng đầu, tay vẫn cứ nắm chặt lấy khối nội kết vô hình. Lâu nay con cứ ngỡ mình đã buông xuống, nhưng nay chợt nhận ra trong lòng con vẫn còn vương nhiều thứ.

Kể từ khi nhận ra được cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng như ý mình mong muốn, thậm chí có những chuyện xảy ra khiến cho mình chao đảo, hụt hẫng và bế tắc… con đã từng thức thâu đêm. Nhiều lúc con cảm thấy dằn vặt trong lòng và tự hỏi chính mình, rằng tự giam mình như thế liệu có đúng, có bạo động với chính mình? Mọi chuyện đã xảy ra, nếu mình đổ lỗi cho số phận thì có đúng không? Đó chỉ là tất cả những chướng nghiệp mà có thể từ ông bà tổ tiên con để lại hay cũng chính là những gì con đã tạo ra từ trước.

Nhưng cho dù thế nào đi nữa thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, vì thế con không thể trốn tránh mãi thực tại ấy, con không thể giam cầm bản thân mình thêm nữa. Bởi vì sau những gì đã qua, bây giờ con chợt thấy bấy lâu nay con đã tự nhốt mình, chẳng khác nào con tằm tự làm kén cho chính mình và đến một lúc con hoảng hốt nhận ra là mình đang dần chết trong chiếc kén tự dệt ấy. Cứ nghĩ khi nằm trong chiếc kén đó thì tự thân sẽ an toàn và mỗi ngày con lại dệt cho nó dày thêm như để tự vệ, nhưng sự thật thì có con tằm nào chịu nằm mãi trong kén đâu? Nó những muốn đến một lúc nào đó có thể phá bỏ đi lớp vỏ, cái vỏ nó đã từng nghĩ là một nơi an toàn, một ngôi nhà vững chắc, ấm áp. Nhưng nó trở thành ngục tù lạnh lẽo và con tằm, hay chính con, muốn phá chiếc kén để được chui ra, được bay lên, được chạm vào cuộc sống thực, được thở bầu không khí trong lành như mọi sinh vật khác.

Đã đến lúc rồi, cho dù sẽ khó khăn, cho dù sẽ đau, rất đau khi mà chính bản thân con phải dùng sức để phá, để có thể xé toạc đi lớp kén đó một cách dứt khoát. Con tằm thực sự muốn thế và con cũng thật sự muốn thế. Nếu chỉ vì sợ đau mà cam chịu thì suốt đời nó chỉ là một con tằm không biết đến thế giới bên ngoài là thế nào và chính con cũng vậy. Can đảm để rồi nó và con sẽ nhìn thấy màu xanh của cỏ cây, của trời cao, có thể chạm vào cánh hoa dại nào đó hay có thể nằm đó dưới ánh nắng để cảm nhận sự sống nhiệm mầu. Vượt qua sự sợ hãi một lần, chịu cái đau lột xác một lần để thấy được những điều kỳ diệu ấy, chẳng lẽ không đáng để con cố gắng ư?

Mỗi lần đứng trước người khác hay ngồi trong một đám đông, nỗi sợ trong con đều y như nhau, sợ người khác thấy đứa bé đầy thương tích trong mình, sợ người ta thương hại mình nên con đã mang nỗi mặc cảm tự ti với người… Rất nhiều nỗi sợ không tên khác xuất hiện khi con buộc phải đứng trước mặt người đối diện. Chính vì lẽ đó mà ít khi con để người khác nhìn vào mắt mình. Nói đúng hơn là bản thân con chưa tự tin để nhìn thế giới xung quanh. Con thật sự đã khóa cửa tâm hồn mình.

Cho đến hôm nay khi con đã nhận ra mình đã không hề tiếp xúc với thực tại, để quên hiện tại cùng với những điều kiện mà nếu bản thân con cố gắng mở ra một chút thì sẽ mang lại cho con nhiều niềm vui và bình an mới. Con đã thực sự sống trong lãng quên. Con đã tự hỏi: Liệu trong tình thương có chất liệu của sự thương hại? Bởi khi một người bị ám ảnh về nó thì rất khó để mở lòng tiếp nhận thứ tình thương đó, tình thương hại.

Câu hỏi đó đã nằm trong lòng con một thời gian và nó đã làm con trốn tránh rất nhiều tình thương, chính vì lòng nghi ngờ mà con đã gần như vô tình, làm tổn thương rất nhiều anh chị em. Thời gian gần đây con đã có thể nhìn ra và cảm nhận thấy sự thực khi định nghĩa về tình thương là gì? Thương trong tinh thần Tứ vô lượng tâm. Có lẽ con chưa thực sự làm được hoàn toàn nhưng con hiểu tinh thân đó là gì và thương theo phương pháp Bụt dạy đó là tình thương an toàn nhất, tự do nhất. Và nó thực sự không có chỗ cho kiểu thương hại.

Thời gian qua, có những khi con đã để ngọn lửa trong tim yếu đi. Có lúc con cũng nhắc nhở mình, có lúc con tự thay Thầy sách tấn con. Và cũng đôi lần con tự hỏi bản thân: “Mình đang làm gì ở đây? Tại sao mình đến đây?” Thời gian để con có câu trả lời chính xác nhất là con cần phải quán chiếu. Bởi con biết lý do không có sẵn trong con như người khác. Con thấy mình không thể phụ Thầy. Lòng biết ơn của con khi được trở thành con của Thầy luôn có mặt đó. Chính thời gian ở Làng làm con thực sự tiếp xúc được với tình thương đó, tình Thầy trò, tình tăng thân và con tìm lại được sự ấm áp khi con đang có mặt, đang được sống nơi đây. Con biết là con không thể để thời gian tiếp tục trôi qua oan uổng nữa.

Tại sao con có mặt ở đây? Có lẽ từ lâu rồi, trước khi con đi xuất gia, trong con hạt giống muốn chuyển hóa đã có sẵn. Muốn được tu tập, muốn được chuyển hóa những hạt giống tiêu cực trong mình, sự oán giận và sợ hãi những người làm tổn thương mình, con muốn chữa trị những vết thương ấy. Chính những ước muốn đó đã xác định con đường con muốn đi và dẫn con đến với tăng thân.

Tăng thân là môi trường mà con và những người có cùng những hạt giống muốn chuyển hóa và trị liệu có thể đến và cùng nhau tu học. Con có thể hiểu rằng môi trường của tăng thân là những sư anh, sư chị và sư em có cùng ước muốn giống nhau mà người ta thường nói “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Con cảm thấy thực sự mình rất may mắn khi được cùng chảy với tăng thân như một dòng sông lớn. Dù trong cuộc hành trình để ra được biển cả đã và đang gặp nhiều chông gai, gập ghềnh… nhưng sức mạnh, sự bao dung và lòng kiên nhẫn của dòng sông lớn luôn có đó, tròn đầy.


Con cảm thấy mình thực sự không còn nhiều sợ hãi, không còn sợ bốc hơi hay mặc cảm, bởi con biết rằng tăng thân luôn ôm ấp con, thương yêu con vì “Tình thương không bao giờ nói rằng đây là lần cuối”. Con biết dòng sông luôn là như thế. Con nguyện cố gắng không bao giờ làm một hạt nước nhỏ, con sẽ không như vậy. Con biết ơn tăng thân rất nhiều.