Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Giấc mơ trưa

Chân Pháp Khả

Ngày làm biếng, tôi muốn mình ngồi thật yên và viết một cái gì đó. Tôi leo lên một ngọn đồi nhỏ, lối đi là những khối đá nhọn hoắc. Mùa đông với những chiếc lá vàng rụng đầy. Có những chiếc lá vàng còn tươi, có những chiếc đã mục, chúng nằm chồng chất lên nhau, đẹp. Lên tới đỉnh đồi, tiếng cười của anh em từ những ngọn đồi khác vọng lên văng vẳng. Lòng tôi yên lạ, cảm giác nhẹ tênh, như ở nhà. Tôi muốn viết một cái gì đó, mà chưa biết viết gì cả. Đầu vừa rỗng vừa đầy. Ngồi trên đỉnh đồi, đồi ngập nắng, tôi nhìn thung lũng dưới chân núi Khao Yai trước mắt, lòng đã bắt đầu thênh thang. Nét bút bây giờ thoáng đãng, nhịp nhàng hơn.

Giấc mơ trưa

Tôi chợt nhớ ngày xưa khi còn bé, có những giấc mơ mình được chạy chơi thoải mái trên đồng cỏ. Những đồng cỏ xa tít, bao la. Gần đây, những buổi trưa đầy nắng, những giấc mơ na ná như vậy hiện về. Có khi tôi thấy mình đang trên một cuộc hành trình giữa một phố người đông đúc, xa lạ. Tình cờ gặp được biết bao nhiêu là người, những con người gần gũi, thân thương. Họ đưa tay vẫy chào như muốn mời tôi ghé thăm, tôi bắt gặp nụ cười đầm ấm, ánh mắt nhẹ nhàng, muốn nói điều gì sâu thăm thẳm. Chỉ đến đó thôi, tôi choàng tỉnh, nhìn ra cửa sổ, nắng chiều nghiêng nghiêng, tự nhiên mắt mình bỗng nhòe đi – vì thấy sự sống này mầu nhiệm quá!

Những giấc mơ như vậy cứ đến với tôi vào những buổi trưa yên ắng, khoảng thời gian mà chỉ có một vài tiếng chim, vài tiếng gió lay động hàng cây. Buổi trưa trong tôi tinh khôi, trong lắng. Tôi cũng có những câu hát về buổi trưa như thế:

“Trưa đong đưa giấc ngủ võng ru chợt tỉnh giấc ôi phượng thắm rụng đầy trên lối đi

Lòng nhẹ theo mây trắng thong dong đến thời thơ ấu vút cao cánh diều

Chốn thần tiên nào trong giấc mơ ai ngủ thoáng lên nhẹ lòng một lữ khách qua”.

Những giấc mơ trưa là được ngồi chung với Thầy, được cùng anh em đi chơi trên những con đường nhỏ. Những giấc mơ ngắn, đến rồi đi như hơi thở, là thông điệp mà chính từ tâm thức mình trao gửi. Tôi trở nên bình yên, nhưng mạnh dạn và cứng rắn hơn sau những buổi trưa đề huề như thế.

Thầy và thơ

Bỗng tôi nhớ đến những vần thơ về buổi trưa của Thầy:

“Trưa! Ôi những buổi trưa nắng vào tuyệt đối, trời cao xanh ngắt

Bâng khuâng nghe tiếng gọi tôi về

Tiềm thức dâng tràn những nét thăng trầm mấy kiếp…”

Hồi Thầy còn trẻ, buổi trưa làm Thầy buồn lắm, Thầy đã chuyển hóa “những nét thăng trầm mấy kiếp” đó bằng cách nào nhỉ? Tôi thấy mình thênh thang với buổi trưa, chắc là nhờ vào công trình chuyển hóa của Thầy.

Những bài thơ của Thầy là đỉnh cao, là kho tàng tuệ giác mà tôi có thể dành cả đời để khám phá. Những cái thấy của Thầy mãnh liệt, nhưng lại rất “thơ”:

“Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời xuân, ấm áp cỏ hoa muôn lối

Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về bốn đại dương sâu.

Hãy nhớ gọi đúng tên tôi, cho tôi được nghe một lần tất cả, những tiếng tôi khóc tôi cười

Cho tôi thấy nỗi đau và niềm vui là một”.

Cuộc đời Thầy có nhiều niềm vui ngập tràn, lan tỏa, muôn cây cỏ cũng cảm nhận được hơi ấm ấy. Thầy cũng có những niềm đau rất lớn, bốn biển cũng đầy vơi. Nhưng dù hạnh phúc hay khổ đau, vi tế hay thô sơ, Thầy đã ôm tất cả vào lòng, như nâng niu em bé. Có những lần pháp thoại, Thầy đã chia sẻ về giấc mơ của Thầy, những giấc mơ về tình huynh đệ, điều mà Thầy đã nhận ra là quý giá nhất. Những hoài bão đó của Thầy đang được thực hiện khắp nơi, những dòng thơ với nội dung như thế sẽ được tiếp tục chào đời, tiếp tục bay cao.

Kho tình thương

Tôi nghĩ đến ba và mẹ tôi, chắc năm nay hai người cũng gần sáu mươi rồi. Năm ngoái ba tôi bị tai nạn, phải ở nhà, không đi được. Tôi thở cho ba, những hơi thở đều, ôm cả mây trời vào trong đó. Tôi cũng thở cho mẹ, cảm thông những nhọc nhằn người đã đi qua. Nhìn thung lũng, tôi ước mong cho hai người cũng có những giây phút được mở lòng đón nhận một không gian bao la như vậy. Tất bật nhiều rồi, ba mẹ cần có thời gian tận hưởng cuộc sống chứ! Tôi gửi cho ba mẹ những gì đẹp nhất!

Ba mẹ là người thế nào? Hai người là một kho tình thương của tôi, cũng sống giữa đời, đơn sơ, chân chất. Những xung đột và hàn gắn của ba mẹ cứ đến, cứ đi, chỉ những vết thương trong tôi ở lại. Nhưng khi nhìn thật kỹ, tôi thấy hai người mầu nhiệm biết bao! Vì sao nhỉ? Tôi tự hỏi rồi tự trả lời: “À! Vì họ là ba, là mẹ của mình!” Tôi nhìn lên bàn tay mình, thấy bàn tay mẹ đang viết, lòng tôi thảnh thơi hơn khi những con chữ được ra đời. Mỗi lúc tôi nhỏ nhen với ai đó là tôi đến xin lỗi liền, đó cũng là đức tính của ba tôi ngày xưa. Bây giờ ba khỏe lại, nhận ra những gì không tốt cho sức khỏe rồi từ bỏ chúng, cả nhà đều vui. Mẹ cũng bớt dần những đòi hỏi, tập trung dung hơn khi hành xử, tôi thấy mẹ đang tu cho cả nhà. Sáng nào thấy ba mẹ cùng thắp nhang lạy Bụt, khói hương làm vết thương quá khứ trong tôi tan thành từng mãnh, vụn dần. Những lời ba dặn khi đi đâu xa, kí ức tôi còn giữ. Tiếng mẹ tôi hát khi nấu ăn cho cả nhà, kí ức tôi còn giữ. Chúng đã trở thành bất hủ, thân quen.

Trải nghiệm từ chiếc lá

Viết được một lúc, tôi nhìn ra phía trước, nắng đã về ngập trời thung lũng. Sương tan dần, gió về làm những chiếc lá vàng đua nhau rơi, quanh co, thích mắt. Tôi cười và tự hỏi: “Chúng đã làm gì với cuộc đời của chúng? Liệu chúng có được đi vào một lịch sử thanh cao?” Những chiếc lá rơi xuống, tịch tĩnh. Nhìn kỹ một chiếc lá trong khoảng lặng, dừng lại những lao xao nghi vấn, chợt tôi thấy chiếc lá không còn đến từ cái nhận thức đơn thuần trong ý thức như tôi đã có từ xưa. Nó là cái gì đó không dựa vào những nhận định mà tôi thường nghĩ lúc trước. Bây giờ nó tóm thâu cả muôn trùng. Nhìn kĩ vào gân lá, tôi chẳng thể tìm ra điểm nào là nhỏ nhất, khoảng không giữa hai gân lá phải chăng là cả một vũ trụ bao la? Chiếc lá trong tôi lúc đó không vui không buồn, không vàng không xanh, hình như nó đang hát, hát cho tôi nghe:

“Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản

Không tròn không khuyết một vầng trăng”.

Một chiếc lá, một trải nghiệm, một niềm vui. Cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm, không có trải nghiệm nào của riêng tôi cả, tôi thấy Thầy có đó – rõ ràng – sinh động. Càng trải nghiệm, tôi thấy mình sao thật ngây ngô, nhưng mật thiết, niềm vui trở thành giản đơn và sâu lắng hơn.

Khu vườn hôm nay

Làng Mai Thái – Vườn Ươm đã dọn về đất mới gần hai năm rồi. Đất mới, bao nhiêu mặt trời đi ngủ, bao nhiêu con trăng qua đồi? Ngày ngày tôi đi học, những con chim sẻ kiếm ăn hai bên đường chẳng hề bay, chúng cũng xem tôi như người bạn. Những hòn đá bây giờ cũng không còn hoang vu, hôm nay chúng gọn gàng, có dáng, chúng đang thi hành một sứ mạng riêng. Chớ nghĩ nơi đây chỉ là những chói chang mùa hạ, có những tháng mưa về ngập cả núi đồi, có những mùa rất lạnh, rất trong. Tiếng tụng kinh mỗi buổi sáng, khói bếp lên cao trong những sớm chiều. Những khóa tu đều đặn đi qua trong năm. Trẻ em đến tu chung với ba mẹ, chúng chơi xích đu thoải mái dưới gốc me già. Nơi đây đã trở thành một ngôi làng chung. Có sư chú mới xuất gia học tiếng Anh, tiếng Thái thật nhanh, có sư chú ngày nào cũng về cuối cùng để dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, phải chăng đức hy sinh và tận tụy của sư chú đang lớn dần cùng cây cối nơi đây?

Thiền ca là trở về

Tôi thở, thấy những bình an chảy dài trong huyết quản. Tôi dừng bút, nhận ra mình đã hát tự khi nào. Mỗi khi hát, trời mây với tôi hòa làm một, mọi người với tôi hòa làm một. Nhớ tới những khóa tu Wake Up, thiền ca là pháp môn đi vào lòng người dễ nhất. Nhiều bạn trẻ đã khóc khi hát cùng quý thầy, quý sư cô. Thiền sinh chia sẻ hạnh phúc, trị liệu, tìm được lối thoát khổ đau sau khóa tu, quý thầy quý sư cô ai cũng vui theo. Tôi thấy sự mầu nhiệm của Thầy, của Tăng thân đang xua tan những mệt mỏi, những yếu kém của tôi trong khi làm việc. Nương vào năng lượng tập thể, tôi thấy mình có niềm tin thật nhiều. Cuộc sống như một bài hát, có lúc trầm lắng, có lúc vút cao. Tôi gửi tất cả những thanh âm đó đến Thầy. Nắm bàn tay mình thật chặt, mắt nhìn thẳng về thung lũng, niềm tin ngập tràn rằng Thầy sẽ khỏe lại. Lá vàng lại rơi, giấc mơ trưa là thật, Thầy và thơ đang về uyên nguyên trong nắng, ba mẹ cũng đang ngồi chơi thảnh thơi. Tất cả cùng tôi đang tận hưởng một ngày làm biếng thật thênh thang!